Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 129:




Ròng rã một tháng trời, Hiểu Linh như một con quay giữa công việc: trông coi thợ đến dựng phòng ốc, tường rào, sửa sang lại nhà, khai hoang đất ngoài rìa núi, thết đãi quan nha xuống đưa khế đất, đón trâu rồi khao làng. Thiệt tình nếu không có sự hỗ trợ của nhà Trần bá mẫu, Trần Tam Thanh và đứng chính quản lý thợ là Trần Ngũ Nương thì chắc Hiểu Linh không thể nào xoay xở nổi. Thời gian đó cũng khiến mối quan hệ của mấy gia đình xích lại gần nhau hơn. Trần Ngũ Nương có chút khác biệt thế hệ không nói, Trần Tam Thanh làm người hào sảng nên cũng giới thiệu thêm một số người làng tính tình tử tế, tốt bụng cho Hiểu Linh. Cô cũng chú ý xem xét bọn họ rồi mở rộng mối quan hệ của bản thân.
Trong mấy người mới, có gia đình nhà Nguyễn Cửu Chân là chạy loạn từ miền ngoài đi vào đây cũng mới được vài năm. Cả nhà tám người già trẻ lớn bé dắt díu nhau vào tới nơi này thấy dân phong thuần phác thì ở lại. Nhà bọn họ của tích cóp cũng chỉ mua được năm sào ruộng không đủ ăn nên thường xuyên lên trấn bươn trải đủ nghề. Hiểu Linh tiếp xúc với gia đình họ thấy nề nếp không tệ. Mấy đứa bé tuy đều nhỏ gầy vì thiếu ăn thiếu mặc nhưng được dạy dỗ rất khá, lễ phép, chăm chỉ. Trước đây nếu Hiểu Linh có đất hẳn là sẽ cho Trần Ngũ Nương thuê. Nhưng lần trước cô đưa tiền cho thím ấy cũng đã mua thêm ruộng. Nhà họ ba người vốn cũng không làm được nhiều như vậy. Gặp được nhà họ Nguyễn này, Hiểu Linh cũng định xuống hai mẫu đất công cho họ thuê.
Hiểu Linh vốn chỉ nghĩ giữa nhà cô và Nguyễn gia chỉ là quan hệ thuê- mướn đất bình thường mà thôi. Nhưng cô không nghĩ đến người nhà Nguyễn gia lại thường xuyên sang Phạm gia để giúp đỡ những công việc lặt vặt. Ban đầu bận rộn, Hiểu Linh không quá để ý chuyện này, nhưng rồi cô nhận ra gần như ngày nào ít nhất một người bên Nguyễn gia sẽ sang đây phụ việc thì cảm thấy không ổn lắm nên hỏi Lưu thị:
- Nhạc phụ.. đợt này con bận rộn nên không chú ý lắm. Bên nhà Cửu Chân thường sang nhà mình làm gì vậy?
Lưu thị bất đắc dĩ đáp:
- Bên đó sang đây giúp việc nhà. Ta đã nói không cần phải như vậy nhưng bọn họ không nghe, vẫn làm theo ý mình a. Mà ta thấy con bận rộn, tất bật sớm hôm nên cũng chưa nói với con chuyện này.
Hiểu Linh ngẩn người:
- Giúp việc nhà?
Lưu thị gật đầu:
- Ừ. Sang thấy việc gì bận thì giúp.. có khi thì tự động quét nhà, sân vườn, lúc tưới rau, chăm gà, vịt, không thì cắt cỏ cho trâu, băm rau cho lợn. Đủ cả. Những việc nhỏ không dứt mà chúng ta ai cũng bận tay chưa kịp đụng đến thì người nhà Nguyễn gia đã làm rồi. Ài.. mà nhà đó thật có phước.. Nam nhân nào trong nhà cũng chịu thương chịu khó. Ta mà có con gái, kiểu gì cũng xin cưới đứa lớn nhà Cửu Chân về.
Hiểu Linh nhíu mày, tính toán công việc một ngày ở Phạm gia bây giờ thật nhiều lắm. Cô đợt này bận rộn thợ thuyền sửa chữa, dựng mới nên cũng không có thời gian chú ý. Nhưng để Nguyễn gia đến làm như vậy cũng không được. Hiểu Linh đáp:
- Nhà mình bận như vậy hay con thuê một, hai người nhà Cửu Chân làm giúp việc tạm thời, trả công cho họ. Bao giờ ổn định, con nghĩ cũng nên xem thuê người làm hoặc dứt khoát mua về. Chứ để họ giúp như vậy không được.
Lưu thị đáp:
- Tiểu Đông mấy lần cũng muốn đưa tiền cho phu lang Cửu Chân, nhưng thằng bé không nhận. Nói chuyện đến Phạm gia giúp việc là thê chủ hắn phân phó, cha vợ dặn dò, sao có thể lấy tiền Phạm gia chứ. Tiểu Đông lại chẳng thể gặp nói chuyện với Cửu Chân và Thập Định. Con thử nói chuyện với Cửu Chân xem.
Hiểu Linh gật đầu:
- Vậy để con nói chuyện với tỷ ấy xem sao.
Nói là làm. Chiều mát mát, Hiểu Linh tới nhà Nguyễn Cửu Chân ở cách đó một cánh đồng. Ngôi nhà nhỏ xíu cùng kiến trúc hình chữ U như nhà Hiểu Linh nhưng đơn sơ hơn rất nhiều. Từ xa, cô đã có thể nhìn thấy khói bếp bốc lên từ mái tranh phía sau. Nhà Cửu Chân có phụ mẫu già cùng hai tỷ muội. Cửu Chân là đại tỷ đã kết hôn và có được hai trai một gái, tiểu muội Thập Định khoảng mười tư, đang độ choai choai ương bướng. Có lần nói chuyện nhà, Hiểu Linh mới biết Cửu Chân tính ra là người con thứ chín. Nhưng rồi chiến tranh, dịch bệnh, đói kém, mười người chỉ còn lại hai. Cái cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh đau đớn kia khiến hai vợ chồng già mòn mỏi suy sụp rồi yếu đi nhiều. Gánh nặng toàn gia đổ lên vai Cửu Chân. Rốt cuộc cảm thấy đất này không thể ở được nữa, nàng ta mới quyết định cả nhà dắt díu nhau rời đi.
Hiểu Linh đứng bên ngoài nhìn vào trong sân không thấy ai thì đành hắng giọng gọi:
- Có ai ở nhà không ạ?
Hai chiếc đầu nhỏ từ phòng hông ngó ra, vừa nhìn thấy Hiểu Linh thì vội vàng ra mở cổng;
- Phạm tu văn tới chơi… mẫu thân đang ngoài ruộng chưa về. Ngài vào nhà ngồi uống nước, để cháu chạy đi gọi.
Vừa đon đả chào hỏi, đứa nhỏ nói vọng lên nhà chính:
- Bà nội ơi, Phạm tu văn tới.
Tiếng động lịch kịch trên nhà gấp gáp vang lên. Một người phụ nữ chỉ chừng ngoài năm mươi nhưng lưng đã còng gập xuống bước ra. Âm thanh khàn đục của người ốm bệnh lâu ngày:
- Phạm tu văn đấy à. Quý hóa quá.. ngài lại quá bộ đến chơi hàn xá. Mời vào.. mời vào.
Hiểu Linh khẽ cúi người chào hỏi:
- Nguyễn bá mẫu mạnh khỏe. Ta tới tìm tỷ muội Cửu Chân có chút việc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.