Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 111:




Ba ngày gặt lúa trôi qua. Những người được phân công cùng làm với Hiểu Linh đã có cái nhìn khác hằn. Họ không còn dùng ánh mắt dè bỉu khinh thường khi nhìn cô ấy nữa. Đúng là cô làm chậm hơn người khác nhưng lại vô cùng nghiêm túc hoàn thành công việc của mình mà không nhờ vả ai. Bọn họ xong trước về trước, cô xong sau liền về sau. Ngày thứ hai khi đến ruộng thấy phần lúa của Hiểu Linh đã gặt xong, bọn họ còn không quá tin tưởng, nghĩ rằng có người nhà ra giúp nên cố tình nán lại nhìn. Rồi cho đến khi nắm lúa cuối cùng được gặt xuống, thái độ của họ cũng hoàn toàn thay đổi. Dân làng này hiền lành chất phác, họ chỉ chán ghét những kẻ lười biếng mà thôi. Còn làm chậm…không sao hết.
Nhìn thấy một mẫu lúa được giao cho rốt cuộc cũng gặt xong, một người trong số đó thở phào, nói:
- Tốt rồi… chờ qua hết ngày mai cho lúa héo đi một chút thì đập tách hạt cũng dễ dàng hơn.
Hiểu Linh có chút nhíu mày. Đập tách hạt? Không phải phương thức tuốt lúa cổ đại đơn sơ nhất mà cô biết đấy chứ. Cô quay sang hỏi Bán Hạ:
- Bán Hạ tỷ, lúa sau đó được tuốt thế nào?
Bán Hạ nhàn nhạt nhìn số lúa được gom về sân nhà mình cao như ngọn núi thì đáp:
- Lúa chờ cho nghỉ một ngày mai. Sau đó sẽ là ôm từng bó đập xuống tảng đá lớn cho hạt lúa rơi ra. Nếu gặt lúa mệt một thì tuốt lúa mệt năm đấy. Muội xem mà nghỉ ngơi tốt chút. Chúng ta mười người chia năm tổ thay phiên nhau làm.
Nhà Trần bá mẫu có sân lớn có thể phơi được thóc nên mọi người mới đem lúa về đây tập trung. Cũng cắt cử người ngủ đêm canh trộm. Ngày thứ tư kể từ hôm thu gặt sẽ được nghỉ để lấy sức tuốt lúa. Ngày thứ 5 phải tuốt xong bất kể thời gian. Phơi qua lúa hai ngày rồi giao lại cho Hương kiểm cân đong. Khi này mới chính thức thu hoạch xong lúa công.
Hiểu Linh nghĩ đến viễn cảnh cầm từng bó lúa đập xuống nền đá cho đến khi rụng hết hạt thì chỉ có thể nói chân tay bủn rủn, tâm trầm đáy cốc. Ba ngày nay, cô đã gồng mình lên để làm việc nhưng hóa ra nó chỉ mới bắt đầu. Không nói tới lượng lúa thu hoạch một mẫu ở nơi này có lẽ năng xuất còn không được bằng 1/5 ở quê hương cô nhưng nếu làm việc một cách thủ công đơn sơ như vậy thì sẽ mệt chết mất.
Hiểu Linh lục lọi trí nhớ tìm kiếm hình ảnh những chiếc guồng tuốt lúa đơn giản nhất rồi quay sang Bán Hạ hỏi:
- Nơi này có nhà nào làm thợ mộc không?
Bán Hạ đáp:
- Có Trần Ngũ Nương.. Muội quên rồi sao? Người đó đi lính về, thật sự biết rất nhiều thứ. Muội muốn làm gì sao?
Hiểu Linh gật đầu nói:
- Phải thử mới biết được. Muội sang bên đó đây. Gặp sớm, làm sớm có lẽ kịp.
Hiểu Linh thần thần bí bí không nói rõ nhưng Bán Hạ cũng không hỏi gì thêm. Nếu có thể, cô ấy đã nói cho nàng biết rồi.
Rất may mắn cho Hiểu Linh, khi vừa tới nhà Trần Ngũ Nương cũng là lúc bà ấy vừa đi gặt ruộng công về. Nhìn thấy người đứng chờ mình là Phạm Hiểu Linh, Trần Ngũ Nương ngạc nhiên hỏi:
- Phạm cô nương tìm ta có chuyện gì sao?
Hiểu Linh mỉm cười khẽ cúi đầu chào hỏi:
- Ngũ thím mạnh khỏe, ta đúng là có việc muốn nhờ ngài. Nghe Bán Hạ nói, Ngũ thím có thể làm mộc?
Trần Ngũ Nương dẫn đường đi vào nhà, nói:
- Vào nhà uống chén nước đã. Đúng là ta có làm mộc, nhưng thời gian này đang bận mùa vụ nên không nhận đơn của ai. Phạm cô nương cần đặt làm cái gì sao? Thu hoạch xong ta sẽ làm cho cô.
Hiểu Linh ngẫm lại cũng phải. Đang bận rộn thế này nến cô không nói rõ mục đích của mình sợ rằng Trần Ngũ Nương sẽ từ chối làm. Hiểu Linh đáp:
- Ta… có một ý tưởng làm dụng cụ tuốt lúa muốn làm thử. Chi tiết cũng rất thô sơ đơn giản nhưng vẫn cần người có nghề để làm. Ngũ thím có thể bớt chút thời gian cùng ta nghiên cứu làm ra nó không?
Trần Ngũ Nương nhíu mày, phân vân:
- Dụng cụ tuốt lúa? Phạm cô nương nghĩ định làm nó thế nào?
Hiểu Linh chậm rãi mô tả:
- Ta tính làm cái này gồm 2 phần. Một phần là chân đế cao chừng ngang người, vững chãi. Phần kia là một hộp gỗ trụ tròn, toàn thân gắn lên các đinh cong dùng để tuốt lúa. Phần này có trục giữa nối với phần tay cầm quay rồi đặt lên chân đế kia. Khi tuốt lúa, một người sẽ dùng phần tay cầm quay để hộp gỗ xoay tròn trên trục, người khác sẽ đặt từng bó lúa lên các gai đinh kia tuốt hạt lúa ra.
Hiểu Linh nói một hồi. Cô cố gắng miêu tả đơn giản nhất có thể để Trần Ngũ Nương có thể hình dung ra. Nhưng bản thân cô còn cảm thấy bản thân mình nói chuyện mơ hồ thì không biết bà ấy có hiểu được không nữa. Cô có chút thấm thỏm nhìn Trần Ngũ Nương.
Trần Ngũ Nương ngây người hình dung thứ mà Hiểu Linh đang mô tả. Bà lờ mờ có thể nhận ra nguyên lý hoạt động của cỗ máy này. Nếu như nó thật sự hoạt động thì công việc tuốt lúa mất sức kia chẳng phải sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều lắm. Trần Ngũ Nương lật đật đứng dậy vào buồng trong lấy ra giấy mực. Giấy mực xưa nay là thứ vô cùng đắt đỏ, nếu không phải đây là một chuyện quan trọng, bà cũng sẽ không dễ dàng lấy ra sử dụng như vậy.
Bà dùng một thanh than được gọt vát đầu thường dùng để đánh dấu mộng gỗ vẽ vẽ lên giấy hỏi:
- Ý Phạm cô nương là như thế này sao??
Nhìn bản vẽ trên giấy, Hiểu Linh có chút thở phào. May quá, bà ấy thật sự hiểu được mấy lời nói mơ hồ kia của cô.
- Đúng vậy.. ý của ta chính là thứ này. Nhưng Ngũ thím nghĩ sao nếu khối trục tròn kia không phải đặc ruột mà là những thanh gỗ ghép lại với nhau thôi. Nếu khối này nhẹ, thì người vận hành nó cũng đỡ mất sức hơn rất nhiều.
Ngũ Nương nghe vào lời của Hiểu Linh thì sửa sang lại bản vẽ một chút rồi nói:
- Nếu làm đồ thô như thế này thì đơn giản. Sáng mai vừa vặn được nghỉ, chúng ta sẽ làm luôn và thử nghiệm.. Sai đâu sửa đó. Nếu thật sự có hiệu quả thì ngày sau tuốt lúa cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều, người nông dân chúng ta cũng đỡ vất vả. Thật tốt quá, Phạm cô nương.
Hiểu Linh cười cười ngại ngùng nói:
- Là ta hôm nay mới biết tuốt lúa sẽ mệt mỏi như vậy nên nghĩ cách trộm lười mà thôi.
Trần Ngũ Nương nhìn Hiểu Linh cười đáp:
- Nếu ai cũng lười mà nghĩ ra được những dụng cụ giúp ích cho mọi người như Phạm cô nương thì thật tốt quá.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.