Thanh Vân Đài

Chương 183:




Tạ Dung Dữ nói: “Điều tra rồi, có lẽ bây giờ Kỳ Minh đã bắt được tai mắt của Tào Côn Đức rồi đấy.”
Thanh Duy: “Bắt được thì tốt quá, phải thẩm vấn thật kỹ vào. Ta thấy Tào Côn Đức là lão thái giám trong thâm cung, hành sự bất tiện, lão ta muốn mưu đồ chuyện gì, tất có đồng đảng trong triều.”
Tối hôm ấy khi nàng lẻn vào cung trốn, mục đích thật sự ngoài việc cắt đuôi Võ Đức Ti là: thứ nhất, báo thù một đao trong tuyết mùa đông năm ngoái; thứ hai, bắt được tai mắt của Tào Côn Đức.
Thanh Duy nói tiếp: “Thời gian rồi ta cũng khá rảnh, thỉnh thoảng lại nghĩ về Tào Côn Đức. Lão ở trong thâm cung đã hai mươi năm, nếu có dây dưa rễ má gì với Tiển Khâm Đài thì nhất định cũng là chuyện trước khi vào cung. Lão xuất thân từ nông hộ trí thức nhà nghèo, năm mười tuổi bị bán đến Cật Bắc. Lão sống ở Cật Bắc bảy tám năm, nếu không nhờ một người tốt bụng giúp đỡ thì sao sống sót nổi. Người kia họ Bàng, vì nhớ ơn nên Tào Côn Đức luôn gọi người đó là huynh trưởng ân nhân. Sau này khi Cật Bắc nổ ra chiến loạn, cũng nhờ Bàng huynh đó hỗ trợ mà Tào Côn Đức mới lên được kinh thành.
Năm Tiển Khâm Đài sập, ta trốn ở chỗ Tào Côn Đức một thời gian, có vài chi tiết lúc ấy ta không để ý, nhưng giờ học hỏi biết thêm nhiều, ngẫm lại mới thấy lão vẫn còn giữ vài thói quen của người Cật Bắc, ăn sáng nhiều, ăn trưa ít, không ăn tối, còn nữa, lễ cô hồn của người Cật Bắc không phải rằm tháng bảy mà là ngày cuối tháng bảy, lão cũng cúng lễ vào ngày đó. Làm lễ long trọng lắm, sáng tắm gội chiều dâng hương, đến tối còn đọc kinh siêu độ vong linh hai canh giờ, người sống sờ sờ như lão tự dưng cúng lễ cô hồn làm gì? Chắc chắn có liên quan đến Bàng huynh của lão. Thậm chí ta còn nghe bảo tổ tiên của tiểu đồ đệ Đôn Tử mà lão dốc lòng bồi dưỡng cũng là người Cật Bắc.”
Nói đến đây, Thanh Duy đổi giọng, “Nhưng có một chuyện ta thấy lạ lắm, theo lí mà nói chỉ có hai chuyện lớn liên quan tới Tiển Khâm Đài, một là sĩ tử trầm mình xuống sông Thương Lãng mười tám năm trước, hai là trận chiến sông Trường Độ ở Cật Bắc. Mà Bàng huynh của Tào Côn Đức đã mất từ hơn hai mươi năm trước, lúc chiến tranh nổ ra thì khéo người kia đã là bộ xương khô dưới suối vàng, thế thì liên quan gì đến Tiển Khâm Đài được nhỉ?”
Tạ Dung Dữ hỏi: “Bàng huynh đó có hậu duệ gì không?”
Thanh Duy lắc đầu đáp: “Không rõ nữa, những tin tức đó đều là ta hỏi sư phụ lúc ở Trung Châu, Cật Bắc và Trung Nguyên cách nhau bởi núi cao và sa mạc rộng lớn, tin tức bế tắc, về sau còn xảy ra thiên tai, lại có quá nhiều người chết trong trận chiến sông Trường Độ, có nhiều chuyện nếu không đến tận nơi thì khó mà nghe được. Không phải chàng hỏi vì sao sư phụ không lên kinh à, ta và sư phụ vốn về Thần Dương, nhưng ta đổi ý lên kinh, sư phụ nói trong kinh toàn quyền quý, chán, bèn đi thẳng lên Cật Bắc, có vẻ ông rất quen thuộc Cật Bắc. Ta có dự cảm, chỉ cần điều tra họ Bàng này hoặc là con cháu của người đó có liên quan thế nào tới Tiển Khâm Đài, thì có thể biết những năm qua Tào Côn Đức đang mưu đồ chuyện gì.”
Trước mắt nàng chỉ có thể chờ tin của Nhạc Ngư Thất.
Những lời Thanh Duy nói đã nhắc nhở Tạ Dung Dữ, năm xưa có quá nhiều tướng sĩ hi sinh trong trận chiến sông Trường Độ, không phải trên triều không có lời ra tiếng vào, mới đầu khi tiên đế quyết định xây dựng Tiển Khâm Đài cũng có không ít sĩ tử phản đối. Nói không chừng có thể lấy đây là điểm đột phá, mở ra lại những chuyện cũ năm xưa.
Tiển Khâm Đài mới được xây ở ngoài núi Bách Dương, nằm gần huyện thành hơn, còn di chỉ của Tiển Khâm Đài cũ lại nằm trong rừng sâu núi thẳm, hồi trước để đề phòng bệnh dịch nên triều đình đã ra lệnh thiêu cháy những thi thể bị chôn vùi không thể tìm ra. Dù thi thể không còn thì những cột xà cháy đen vẫn cắm nơi đó, là những thứ tồn tại lâu dài hơn mạng sống, giờ đây nó bị kẻ cố ý vạch trần từng việc một, sự thật dần tuôn ra muôn phương, gây ra lớp lớp hỗn loạn khắp nơi – học trò nhân sĩ trong kinh gây chuyện, đại quan trong triều lại càng chỉ trích Tiển Khâm Đài dữ dội. Tạ Dung Dữ không biết khi lật hết lên những phiến đá cháy đen ấy, tất cả rồi sẽ phải đối mặt với điều gì.
Y chỉ biết, mình và Tiểu Dã đi đến đến ngày hôm nay, tuyệt không hối hận.
Viết xong công hàm trả lời, ngoài nhà đã ngả bóng hoàng hôn, Tạ Dung Dữ dọn dẹp bàn đọc sách, cầm lấy áo khoác rồi nói với Thanh Duy: “Đi thôi.”
“Đi đâu?”
“Đông Lai Thuận.” Tạ Dung Dữ dịu dàng nói, “Không phải nàng bảo muốn đi ăn Ngư Lai Tiên à?”
Thanh Duy kéo tay áo y lại, “Ta chỉ buột miệng nói thế thôi, buổi trưa ăn trễ, giờ vẫn chưa đói.”
Tạ Dung Dữ cười cười, “Đến lúc đó lại đói cho xem.”
“Hầy.” Thanh Duy vẫn giữ y lại, do dự nói, “Ta không muốn đi thật mà. Người ta… khó chịu, không muốn đi đâu.”
Tạ Dung Dữ ngẩn người, đoạn hiểu rõ ý nàng.
Đêm qua quấn quít mấy hồi, y nếm được vị lại càng muốn nhiều hơn, cuối cùng đã làm nàng mệt mỏi.
Nhưng đấy cũng là lần đầu y làm chuyện đó, chưa khống chế được lực, “Có cần mời nữ thầy thuốc đến xem giúp nàng không?”
Thanh Duy cụp mắt, “Không phải khó chịu đó. Mà là… rã rời, mỏi nhừ.” Nàng không biết phải mô tả thế nào, nghĩ một lúc lâu mới nói, “Giống như luyện công ấy, nếu luyện lại sau thời gian dài nghỉ tập thì cơ thể sẽ nhức mỏi ê ẩm, nhưng nếu ngày nào cũng tập, dần dà sẽ quen thôi.”
Thanh Duy chỉ đơn thuần đưa ra ví dụ, nhưng Tạ Dung Dữ lại hiểu theo ý khác, “Nương tử có ý này?”
Hoàng hôn buông cũng là lúc âm dương giao hòa, sắc trời lờ mờ, nắng chiều chiếu nghiêng tựa ánh đèn lưu ly, Tạ Dung Dữ ôm nàng đặt lên bàn, âm sắc nặng nề như nước hồ dập dềnh trong đêm, “Vậy làm quen trước nhé?”
***
Sáng hôm sau, lúc Tạ Dung Dữ dậy, Thanh Duy vẫn còn say ngủ.
Tuy là quãng thời gian tân hôn vui vẻ nhưng chuyện cần làm vẫn phải làm, dù không cần đến nha môn điểm mão thì hôm nay y vẫn phải đến Khúc Hầu phủ một chuyến.
Khúc Hầu phủ nằm ở phía nam kinh thành, xuất phát từ Giang phủ cũng mất ít nhất nửa canh giờ, Đức Vinh biết chủ cần ra ngoài nên đã chuẩn bị sẵn xe ngựa, lúc này đang chờ trước cửa.
Khúc Bất Duy gặp nạn, ít nhiều cũng ảnh hưởng tới Quân Hậu phủ, một vọng tộc quyền quý đã từng chói lóa nhất nay lại vắng như chùa bà đanh, sở dĩ không lụn bại là nhờ hai lý do, thứ nhất, chính thê của Khúc Bất Duy, mẹ đẻ của Khúc Mậu xuất thân từ Chu thị, mà Chu thị là danh gia vọng tộc, tổ tiên còn là công thần khai quốc lập nên Đại Chu, rễ sâu lá tốt, bảo vệ con gái và cháu ngoại không phải là chuyện khó; thứ hai, tuy Khúc Bất Duy bị khép trọng tội nhưng Khúc Mậu lại lập được công trong vụ án lần này, sau khi kết án không những không bị phạt mà thậm chí còn được ban thưởng.
Xe ngựa của Tạ Dung Dữ dừng ngoài cửa Hầu phủ, Chu thị đã đứng chờ từ lâu, bà rất đúng mực, biết Khúc Bất Duy bị Tiểu Chiêu vương tống vào thiên lao nhưng trong mắt không hề có cảm xúc dao động, vẫn cung kính chào một tiếng: “Điện hạ.” Thấy y bảo mình đến gặp Khúc Mậu thì sai Vưu Thiệu đi gọi người.
Một lúc sau, Vưu Thiệu ngượng ngùng đi tới, bẩm với Tạ Dung Dữ: “Điện hạ, Ngũ gia nhà tiểu dân… tối qua đến Minh Nguyệt Lâu uống rượu, uống say bét nhè, canh ba mới về, giờ không gọi dậy nổi, ngài xem…”
Tạ Dung Dữ biết Khúc Mậu thích uống rượu, cũng biết tửu lượng của hắn không cao, uống nhiều là lại nói sảng, nhưng y không biết có người uống nhiều đến mức không dậy nổi, hắn là kiểu chỉ cần xách tai gọi hai ba tiếng là lập tức tỉnh. Giờ Vưu Thiệu không gọi được hắn, chứng tỏ chỉ có một lý do: không muốn gặp.
Thật ra đây đã là lần thứ hai Tạ Dung Dữ đến cửa.
Trên đường từ Chi Khê hồi kinh, Khúc Mậu cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Tại sao Chương Lan Nhược lại bị thương nặng, tại sao lại để hắn giao ra túi gấm đó, tại sao Phong Nguyên lại bị bắt, hắn chẳng biết gì cả. Đến khi cả đoàn rời khỏi Trung Châu, hắn mới chậm rãi hoàn hồn, nửa đêm chạy tới trước xe cũi nhốt Phong Nguyên, dồn dập hỏi: “Phong thúc? Phong thúc rốt cuộc làm sao thế? Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, sao thúc lại bị giam?”
Hai tay Phong Nguyên đeo cùm sắt, râu tóc hoa râm phấp phới giữa gió rét đầu thu, trông ông ta già khọm hẳn đi, thấy Khúc Mậu thì há miệng, nhích lại gần song cũi, “Ngũ công tử, bảo, bảo vệ Hầu gia, đúng là Hầu gia ngài ấy đã làm sai chuyện, nhưng, những kẻ khác thì không sao? Tội của Hầu gia không đến mức đấy, không đến mức đấy!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.