Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 14: Song hỉ lâm môn




Qua rằm tháng giêng Thái Bình năm thứ ba, trời bỗng ấm áp dễ chịu. Lại thêm mọi việc trong Cung thời gian gần đây đã đi vào quy củ nên hết sức thảnh thơi, ta định bụng sẽ xin với họ Đinh cho về quê thăm nhà. Mấy năm nay nghe tin nhà thấy nghĩa phụ và nghĩa mẫu cũng đã yếu nhiều rồi.
Vẫn ấp ủ trong bụng chưa có dịp nói ra, thì một chiều giữa tháng Ba, họ Đinh sai ngự vệ đi xe ngựa đến cung Cồ Quốc đón ta và thị nữ đi. Hỏi là đi đâu nhất định không nói, chỉ một mực bảo Hoàng Thượng lệnh cho bọn hạ thần đến đón Hoàng hậu đi và không nói gì thêm. Thế là đành ngồi yên trong xe. Không rõ họ Đinh định bày trò gì.
Xe chạy một hồi thì dừng lại, vén rèm bước ra ngoài thì đã thấy mình đứng ở ngay bến sông, họ Đinh đã đứng sẵn ở trước xe, đích thân đỡ ta xuống rồi bảo:
- Nàng hãy xem ta có gì cho nàng đây!
Nhìn theo hướng tay chỉ ta thấy một con thuyền rất lớn bằng gỗ mới, có mái che, lại được trang trí vô cùng lộng lẫy, nguy nga đang lừng lững tiến vào bến thuyền. Thấy vẻ ngỡ ngàng của ta, họ Đinh cười ha hả rồi bảo:
- Nàng quên rồi sao? Năm xưa khi cùng nàng chèo thuyền ở Đầm Cút, ta đã chẳng hứa khi về kinh thành mới sẽ đóng một con thuyền thật lớn để dạo chơi ở sông Sào Khê phải không? Giờ thì đã xong rồi, hôm nay ta hãy lên thuyền du ngoạn một chuyến! Hoàng hôn sắp xuống rồi, sẽ rất đẹp đấy! Đêm mai lại là đêm trăng rằm, chúng ta sẽ uống rượu thưởng trăng ở trên thuyền cả đêm mới được! Ha ha..
- Nhưng thiếp.. Hoàng Thượng định cứ thế mà đi luôn hay sao? Thiếp không mang theo xiêm y gì cả.. Hay thiếp sẽ sai Lan Nhi trở về Cung lấy ít đồ dùng?
- Nàng không cần phải lo chuyện đó. Ta đã sai người chuẩn bị đầy đủ cả rồi. Chúng ta cứ việc đi thôi!
Nói rồi dắt tay ta, lại dẫn theo Lan Nhi cùng hai người hầu cận thân tín lên thuyền.
Đúng như họ Đinh nói, xiêm y, lụa là cho ta đều đã được chuẩn bị đủ cả. Trên thuyền, ngoài ba người thân cận theo hầu, còn có ba người chuyên lo việc bếp núc, rượu chè, dọn dẹp và hai cung nữ biết đàn hát, diễn kịch để mua vui. Đội quan quân lo việc lái thuyền, chèo thuyền thì ở buồng tầng dưới, không có việc cũng chẳng cần lên trên để tránh làm phiền.
Ta và họ Đinh ở một phòng rất lớn phía trước tàu để tiện cho việc du ngoạn, ngắm cảnh. Còn người hầu kẻ hạ đều ở các phòng phía sau tàu, khi cần có việc thì sẽ gọi lên.
Phòng ta cùng họ Đinh ở được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Đều là trải những loại thảm hết sức đắt tiền. Giữa phòng có bố trí bàn trà, ghế tựa. Trong góc thì có đặt giường ngủ hết sức tiện nghi. Cửa phòng phía trước hướng ra một khoang rộng ngay gần mũi tàu, từ đây có thể ngắm cảnh hết sức thuận lợi. Ở giữa khoang có đặt một bộ bàn trà lớn, một bếp sưởi ấm áp. Có thể ngồi đây mà ăn cơm, uống rượu, thưởng trăng luôn được. Hai bên phòng là hai dãy cửa sổ lớn, khi gió lạnh thì buông rèm cho ấm áp, mà khi nắng lên lại có thể vén rèm cho nắng ấm chiếu vào.
Lúc đầu ta tưởng cũng chỉ là dạo chơi qua đêm rồi hôm sau lại về cung, ai ngờ họ Đinh hứng chí lên cứ thế mà dong thuyền dạo chơi sáu, bảy ngày liền. Dọc trên đường đi có tạt vào hai, ba bến thuyền, trên đó đã xây các lầu nghỉ dưỡng, nghỉ lại đó một, hai đêm, xong xuôi lại lên thuyền đi tiếp. Mà công việc triều đình như thế nào cũng mặc kệ. Cứ hết ăn lại ngủ, uống rượu lại nghe hát, ngắm cảnh. Đôi ba lần họ Đinh còn không quản trời lạnh giá, nổi hứng nhảy tùm xuống giữa dòng sông lạnh bơi mấy vòng, rồi vẫy vùng nghịch ngợm, cười vang như một đứa trẻ. Đến lúc lên bờ gia nhân phải vội vàng đốt lửa để sưởi và hâm rượu nóng để uống. Ta có khuyên nhủ mấy lần nên quay về sớm để giải quyết công việc kẻo lại rối tung lên thì cũng chỉ cười ha ha mà bảo, đã có Nam Việt Vương Liễn và các quan đại thần lo rồi, làm vua cũng phải có phải ngày được vui chơi chứ. Thế là ta cũng đành kệ.
Ngày trở về ta chợt nảy ra một ý tưởng, du thuyền ngắm cảnh sông núi Hoa Lư điệp trùng ngoạn mục như vậy mà lại chỉ có mình mình được hưởng thì thật là lãng phí, chi bằng hãy chọn một ngày trong năm tổ chức đua thuyền trong quân, vừa vui vẻ vừa nâng cao tinh thần rèn luyện của binh sĩ. Rồi người ở trong Cung cũng nhân đó dong thuyền trên sông, vừa xem đua thuyền vừa nhàn tản ngắm cảnh một ngày, đêm lại có thể thả đèn hoa đăng nữa. Như vậy có phải là thành một ngày hội vui chung rồi không?
Họ Đinh rất thích ý tưởng đó, cứ thế cười ha hả rồi vỗ vai ta bồm bộp:
- Nàng nói hay quá! Hay quá!
Thế là lúc trở về chọn luôn một ngày đầu tháng Tư, thông báo cho khắp Hoàng cung và binh lính biết, tổ chức thành lễ hội Lập Hạ.
Cả hoàng cung bấy giờ ai nấy đều xôn xao, hồ hởi. Hoàng thân quốc thích thì chuẩn bị thuyền bè, rượu ngon, quần áo đẹp binh lính thì chia tổ, chia đội tranh thủ luyện tập sau giờ huấn luyện hết sức sôi nổi.
Ngày mùng bốn tháng Tư, lễ hội cứ theo kế hoạch mà diễn ra.
Ban ngày thì tổ chức đua thuyền trong binh sĩ. Đích thân họ Đinh cùng nhiều quan lại bơi thuyền rồng giám sát, chấm giải cuộc thi.
Thuyền của Hoàng thân, quốc thích cũng thong thả bơi theo dòng nước, vừa ngắm cảnh, vừa cổ vũ cho các đội đua.
Đua xong lại cứ thế tiệc rượu, ca múa liên hoan ngay trên thuyền.
Tối xuống lại tổ chức thả đèn hoa đăng cầu thái bình cho đất nước, cầu an lạc cho nhân dân, cầu vững bền cho Hoàng tộc. Hàng trăm ngàn chiếc đèn hoa đăng đủ màu sắc trôi theo dòng nước làm sáng rực cả một khúc sông Sào Khê. Dân cư ở các vùng lân cận kéo đến bờ sông xem đua thuyền, xem thả đèn đông như trẩy hội. Thực là một ngày vui lớn ở kinh thành.
Rồi từ đấy hàng năm, cứ đến đầu tháng Tư lại theo lệ ấy mà tổ chức thành một ngày Hội lớn cho cả Hoa Lư.
Ta biết được tin ấy vào một ngày hè cuối tháng năm nóng nực.
Hôm đó sau khi dùng bữa xong, ta ra chõng đặt ngoài hiên Đông để nghỉ. Mấy hôm nay trời nóng nực, trong nhà hết sức ngột ngạt, nên trưa nào cũng sai người đặt chõng ra đây cho tháng đãng. Ở đây có một gốc xoài lớn tỏa bóng hết sức râm mát.
Lan Nhi vừa đỡ ta ngồi xuống chõng xong, đang chuẩn bị ngả lưng vào chiếc ghế tựa bên cạnh. Nàng cung nữ nhỏ đang vừa mắt nhắm mắt mở vừa phê phẩy chiếc quạt lông lớn bên cạnh thì ta đột nhiên thấy một cơn choáng váng. Mặt mũi tối xầm. Chân tay run rẩy. Liền đó một cơn buồn nôn đáng sợ dâng lên. Ta ngồi bật dậy trên chõng, vừa kịp gọi "Lan Nhi" xong chưa kịp nói gì thêm thì đã nôn hết cả ra ngoài.
Lan Nhi vùng dậy đỡ ta rồi vỗ lưng giúp ta nhưng cũng chẳng ích gì. Xong xuôi người ta xỉu đi như một tàu lá héo. Lan Nhi và gia nhân vội vã đưa ta vào phòng rồi đi gọi Ngự y.
Ban đầu cứ đinh ninh là ta bị say nắng hoặc ăn phải thứ gì đó đã bị hỏng do nắng nóng. Nghe tin như thế nhà bếp ai nấy đều hồn bay phách lạc, đứng ngồi không yên, lo lắng phen này khó mà bảo toàn được tính mạng nếu như ta có vấn đề gì.
Đến khi Ngự y bắt mạch xong, trái ngược với vẻ lo lắng của mọi người, ngài chỉ thong thả mỉm cười rồi chắp hai tay ra trước mặt, cúi xuống mà bẩm báo:
- Chúc mừng Hoàng hậu đã có tin vui rồi! Long thai đã được hơn một tháng. Vừa rồi người chỉ bị nghén thôi chứ không có vấn đề gì đâu! Từ giờ về sau người cần hết sức giữ gìn ngọc thể để Long thai được khỏe mạnh. Thần sẽ kê cho người các toa thuốc để bồi bổ, tăng cường sức khỏe.
Đầu tiên, khi nghe tin ấy, là cảm giác sững sờ chiếm lấy tâm trí ta. Ta chưa bao giờ nghĩ về điều này, nên không biết là mình nên cảm thấy thế nào cho phải. Sững sờ bất ngờ tới mức, ngay lúc đó ta thậm chí còn không lĩnh hội được điều ngự y nói có ý nghĩa là gì, liền hỏi lại một cách vô thức:
- Ngài bảo sao? Có thai nghĩa là sao?
- Thưa Hoàng hậu nghĩa là như vậy đấy! Tùy cơ địa của từng người mà sắp tới đây thời gian ốm nghén có thể sẽ kéo dài hay ngắn. Tuy nhiên thần sẽ kê một số thuốc bổ để người tăng cường sức khỏe, hi vọng sẽ không bị mệt mỏi quá.
- Ngài.. chắc chứ?
- Thần hoàn toàn chắc chắn. Chúc mừng Hoàng hậu. Giờ thần xin phép được cáo lui. Ngự y nói rồi thong thả đi ra cửa, xong lại như nhớ ra điều gì, bèn quay vào, nói: Vậy Hoàng hậu muốn tự mình báo tin cho Hoàng thượng hay hạ thần sẽ bẩm báo việc này?
- Vậy ngài.. ngài hãy báo Hoàng thượng giúp ta.
Ngự y gật đầu tuân lệnh rồi cáo lui.
Sau khi tiễn ngự y đi rồi, Lan Nhi vội vã quay trở lại quì xụp xuống:
- Chúc mừng Hoàng hậu!
Những tôi tớ trong nhà hết sức hoan hỉ vì mình không bị vạ lây gì trong việc này cũng đồng loạt quỳ xuống tíu tít chúc mừng.
Ta phất tay cho lui hết rồi nằm đó trên giường, vẫn chưa hết bất ngờ vì cái tin vừa nhận được.
Mà ta buồn cười nhỉ? Ta thì hoàn toàn khỏe mạnh, họ Đinh lúc này mới ngoài bốn mươi tuổi. Lại hương lửa mặn nồng suốt mấy năm qua. Hà cớ gì chuyện này không thể xảy ra. Chỉ là.. ta chưa bao giờ nghĩ về điều này nên nhất thời không biết phải làm quen ra sao với cái ý nghĩ mình sắp làm mẹ. Trong người ta hiện đang mang một hình hài bé nhỏ.. Điều đó quá sức mới mẻ đôi với ta. Quá sức tưởng tượng của ta!
Buổi chiều họ Đinh trở về cung Cồ Quốc sớm, tâm trạng hết sức vui vẻ. Vừa bước vào đã cất tiếng cười ha hả, rồi tiến lại gần ta lúc này đang ngồi uống thuốc ở bên giường, bảo:
- Thật mừng quá thật mừng quá! Không ngờ ta tuổi này rồi vẫn được làm cha. Nàng hãy cố gắng sinh cho ta một hoàng tử, để có thể cùng Nam Việt Vương sau này gánh vác non sông Đại Cồ Việt!
Ta khẽ mỉm cười gật đầu, rồi cứ thế lẳng thẳng uống thuốc mà không nói gì cả. Thực lòng ta không biết phải nói gì cho hợp vào lúc này, khi ta chợt nhận ra vào giây phút ấy, rằng đứa con trong bụng đã tao ra một mối dây liên hệ mới giữa ta và con người này.
Bấy lâu nay ta cũng chẳng qua chỉ là vợ lẽ, cũng chẳng qua là phi tần của Đế vương. Nhưng nay thì giữa ta và con người này còn có một mối liên hệ mới. Bởi nay chúng ta sẽ trở thành cha mẹ của đứa trẻ mà ta đang mang trong bụng. Cái cảm giác gần gũi, thân thuộc, gắn bó gia đình, cái cảm giác rằng chúng ta cùng là người một nhà thì ra chính là như vậy.
Những ngày sau đó họ Đinh cứ thế mà ở rịt tại cung Cồ Quốc. Thiết triều xong là lại vội vội vàng vàng trở về. Lại chăm sóc quan tâm ta rất chu đáo, tận tình. Ta ăn gì, uống gì cũng nếm, cũng quản, chỉ mong sao cho tới khi thai nhi được bốn, năm tháng mà ta không đau ốm gì cả là yên tâm rồi.
Một chiều tháng Sáu, Thái Bình năm thứ ba, ta và họ Đinh đang ngồi hóng mát ở ngoài sân chờ gia nhân chuẩn bị cơm chiều thì Ngự y ngồi xe tới tất tả xin vào yết kiến.
Không biết có việc gì cấp bách hay ai bị ốm đau mà phải xin gặp vào cuối ngày như vậy. Họ Đinh vội vã truyền vào. Nhưng khi vào đến nơi thì tâm trạng Ngự y lại hết sức vui vẻ, khấu đầu mà bẩm:
- Nô tài xin chúc mừng Hoàng thượng. Nô tài vừa ở cung Trinh Minh về đây. Theo như thần vừa bắt mạch, chuẩn đoán thì Trinh Minh Hoàng hậu hiện cũng đang mang thai rồng. Chừng tới mùa xuân năm sau sẽ tới kỳ sinh hạ.
- Thật vậy sao?
Cả ta và họ Đinh không hẹn mà cùng đồng thanh cất tiếng.
Ngự y khấu đầu:
- Dạ không sai! Tình hình Trinh Minh hoàng hậu và thai nhi đều rất tốt. Thần đã kê một số thuốc bổ để Trinh Minh hoàng hậu uống. Tuy nhiên Hoàng thượng cũng cần dặn dò thêm người trong Cung nên hết sức cẩn trọng trong ba tháng đầu của thai kỳ.
- Được được! Nhất định trẫm sẽ ra lệnh như vậy rồi! Ha ha.. Không ngờ trẫm lại có liền một lúc hai tin mừng như vậy! Thật tốt quá! Tốt quá! Vậy ngươi hãy về nghỉ ngơi đi, trẫm sẽ qua thăm Trinh Minh hoàng hậu ngay bây giờ!
Ngự y vui vẻ rời đi. Họ Đinh vội vã thay quần áo đi ra ngoài rồi gọi thị vệ mang xe ngựa tới. Ta cũng đứng ngồi không yên, bảo:
- Hoàng thượng hãy cho thần thiếp đi cùng. Thần thiếp cũng muốn sang chúc mừng Trinh Minh hoàng hậu.
- Không được! Nàng nên ở nhà nghỉ ngơi, hãy để một mình ta đi thôi!
- Nhưng thiếp muốn đi cùng để chúc mừng Trinh Minh Hoàng hậu mà! Thêm nữa cũng không nên bắt thiếp ngồi nhà mãi như thế này, cũng cần để thiếp ra ngoài thay đổi không khí chứ. Thấy họ Đinh có vẻ lưỡng lự, ta cố nài thêm: Qua đó rồi ta bảo người chuẩn bị ít đồ ăn uống chúc mừng nàng ấy luôn, như vậy không phải là vui vẻ hơn nhiều hay sao?
- Chí phải chí phải! Vậy chúng ta đi thôi! Ta sẽ bảo thị vệ đánh xe đi thật thong thả là được.
Thế là buổi chiều hôm đó chúng ta mở một bữa tiệc nhỏ ở cung Trinh Minh để chúc mừng nàng. Năm nay Trinh Minh hoàng hậu cũng đã gần ba mươi tuổi, tin vui đến với nàng khiến nàng hạnh phúc hơn ai hết. Ánh mắt nàng lóng lánh, rạng ngời.
Việc đứa trẻ sẽ mang họ Đinh, sẽ trở thành Hoàng tử hay Công chúa của nước Việt thực tình cũng không quan trọng bằng việc nàng sẽ có một đứa con để vui vầy sớm tối cùng nhau. Ở tuổi hai mươi của mình ta khó mà hình dung được niềm vui đó, nhưng nàng sắp bước vào lứa tuổi ba mươi rồi nên đó mới thực sự là lý do làm nàng cảm thấy hạnh phúc.
Thế rồi những ngày tháng sau đó, vì có Trinh Minh hoàng hậu với ta cùng mang thai, nên mọi việc vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều. Ta và nàng lúc nào cũng quấn quít bên nhau, khi thì ở cung Trinh Minh, khi thì ở cung Cồ Quốc; ăn thì cùng ăn, chơi thì cùng chơi, lại cùng nhau đi dạo ở vườn Ngự Uyển hết sức vui vẻ.
Mùa xuân, Thái Bình năm thứ tư, tháng Giêng ta sinh hạ tiểu Hoàng tử, được đặt tên là Đinh Toàn.
Tháng ba liền đó, Trinh Minh hoàng hậu hạ sinh một tiểu Hoàng tử, được đặt tên là Đinh Tuệ.
Họ Đinh vì việc này mà rất đỗi vui mừng, cứ cười ha hả, không ngừng đi đi lại lại trong nhà bảo, nhìn hai tiểu hoàng tử mà họ Đinh cảm thấy như trẻ lại cả chục tuổi. Xong còn không ngừng lẩm bẩm một mình, nào là sẽ dạy hai Hoàng tử học cái nọ, học cái kia, tập tành võ nghệ ra sao, học cưỡi ngựa như thế nào, hết sức phấn khởi. Thế rồi ban lệnh mở kho lương thực phát cho người nghèo, đại xá khắp thiên hạ và lệnh mở hội ăn mừng khắp nơi. Triều đình ai nấy đều hân hoan, khắp nơi muôn dân ca hát.
Những năm liền sau dó, cả vũ trụ và cuộc sống đối với ta và Trinh Minh hoàng hậu mà nói, cũng chính là xoay quanh hai tiểu Hoàng tử. Chúng ta chăm lo cho hai Hoàng tử lớn lên từng ngày, biết lẫy, biết bò, rồi biết đi, biết nói. Chúng ta dõi theo từng bước chân nhỏ bé của hai tiểu Hoàng tử. Chúng ta cùng vui chơi, cùng đi dạo, cùng sưởi nắng, ngắm hoa, cùng ngồi thưởng trà hóng gió. Có những buổi chiều ta và Trinh Minh hoàng hậu còn sai gia nhân làm những con diều nhỏ để hai Hoàng tử được hưởng những thú vui tuổi thơ như những đứa trẻ chốn dân dã thanh bình.
Hai tiểu Hoàng tử càng lớn lên, vì chỉ sinh cách nhau có hai tháng, nên càng giống như hai anh em sinh đôi, hết sức đáng yêu. Họ Đinh ngày nào cũng quanh quẩn chơi đùa bên hai tiểu Hoàng tử không rời. Ở bên thành Đông lo việc nước thì không sao, chứ khi xong việc là nhất định phải trở về hậu cung để chơi với hai Hoàng tử. Tiếng cười đùa của ba cha con không ngớt ở trong nhà.
Ngẫm nghĩ lại, những năm tháng này chính là những năm tháng tươi đẹp và bình yên nhất của chúng ta bên nhau.
Mùa thu, Thái Bình năm thứ năm, Kiểu Quốc hoàng hậu hạ sinh một tiểu Hoàng tử, được đặt tên là Đinh Hạng Lang.
Đến đầu mùa đông, Ca Ông Hoàng hậu sinh một tiểu Công chúa, lấy tên là Bảo Châu.
Họ Đinh vì thế càng vui mừng khôn siết.
Nhưng những rắc rối và thậm chí tai họa nữa cũng chính là bắt đầu từ đây.
Nhưng tất nhiên là sau này nhìn lại mới có thể thấy được điều đó. Còn khi đó, nhìn những đứa trẻ đáng yêu lớn lên bên nhau, nghe tiếng cười của chúng chỉ thấy hậu cung và lòng mình ấm áp, vui vẻ hơn muôn phần.
Thái Bình năm thứ tám. Trời vào thu mát mẻ, công việc trong cung hết sức nhàn rỗi, ta bèn xin với họ Đinh cho về Ái Châu thăm nghĩa phụ và nghĩa mẫu. Từ ngày về Hoa Lư tới nay thấm thoát cũng đã hơn chục năm trôi qua, nghĩa phụ và nghĩa mẫu cũng đã già yếu. Toàn Nhi năm nay cũng đã gần năm tuổi, cũng nên một lần biết tới quê hương bản quán.
Dù rất bịn rịn không muốn rời, nhưng họ Đinh cuối cùng cũng chấp nhận cho ta và Toàn Nhi về Ái Châu hai tháng. Tuy là một người đôi khi cục cằn và thô lỗ, nhưng họ Đinh vốn cũng là người hết sức yêu thương con cái, hiếu đễ với cha mẹ của mình, bởi vậy về việc này mà nói, cũng không muốn hẹp hòi, ích kỷ với ai. Hơn nữa đi hai tháng, về rồi vẫn kịp đón năm mới ở trong Cung
Vậy là đầu tháng chín, hai mẹ con ta mang theo nhiều kẻ hầu, người hạ, quần áo, đồ dùng, vật dụng, kèm theo nhiều vàng bạc, châu báu, đồ đạc quý giá do họ Đinh ban tặng cho nghĩa phụ và nghĩa mẫu, ngồi trên bốn xe ngựa được nhiều lính tinh nhuệ của triều đình đi theo bảo vệ.
Dọc đường đi, được nhìn thấy các làng mạc, rừng núi, thấy những cánh đồng bao la thẳng cánh cò bay với những người nông dân chăm chỉ làm việc, với đàn trâu, đàn bò thong thả gặm cỏ, với những đứa trẻ nô đùa vui vẻ trên bờ đê quả là những cảnh tượng hết sức thú vị và mới mẻ đối với Toàn Nhi. Nó không ngừng nhảy nhót ở trong xe mỗi khi nhìn thấy cái này cái khác, nhiều khi còn đòi xuống xe để tận mắt nhìn thấy con trâu, con bò. Phải khó khăn lắm ta và Lan Nhi mới giữ được nó ở trong xe để tránh xảy ra bất trắc. Nhưng ta vẫn hết sức vui mừng vì nó đã được đi chuyến đi này, được một lần nhìn thấy thế giới bao la rộng lớn xung quanh.
Đoàn người này đi đêm nghỉ hết sức thong thả, bảy ngày sau đã đến tới Giáp Mau.
Xóm làng xung quanh đã đổi thay ít nhiều, dân cư dường như đông đúc và trù phú hơn. Những cây cối bao quanh Đông Lỗ có vẻ như um tùm, xum xuê, cao lớn hơn. Nhưng Đông Lỗ trang vẫn thế: Vẫn là một ốc đảo xanh nổi lên giữa đồng lúa bao la, được con sông Càu Chày bao bọc. Nhìn từ xa lại, vẫn có thể dễ dàng nhận ra Trang ở cái địa thế đặc biệt đó.
Đã hơn mười năm rồi thế mà như mới hôm qua. Ta trong thoáng chốc không cầm được nước mắt. Lại giọt ngắn giọt dài lăn trên má, tựa như thuở nào ta rời khỏi nơi này. Toàn Nhi nhìn thấy ta như thế thì trở nên hoảng sợ, cũng cất tiếng la khóc om xòm khiến ta vừa buồn cười vừa thương, vội vã lau nước mắt rồi lại an ủi một hồi. Mãi mới chịu yên.
Người ở trang Đông Lỗ đã được lính triều đình về báo trước, nên tiếp đón đoàn người hết sức long trọng. Khắp Trang được trang hoàng lộng lẫy, đèn hoa rực rỡ, nhã nhạc linh đình, khiến ta ban đầu thấy hết sức xa lạ. Nhưng cũng không thể tránh khỏi được, bởi dù sao đây cũng là đón tiếp Hoàng hậu và Hoàng tử của Đại Thắng Minh Hoàng Đế.
Không những kẻ hầu người hạ trong Trang hết sức cung kính, mà nghĩa phụ và nghĩa mẫu cũng hết sức kính cẩn làm ta rất buồn lòng. Nói mãi rồi mới bớt khách khí. Lúc ấy nghĩa mẫu mới ôm lấy ta mà khóc lóc một hồi cho bớt nhớ nhung. Sau rồi thì trở nên quấn quít và chẳng mấy chốc đã quyến luyến bên Toàn Nhi, cưng nựng, yêu chiều nó chẳng muốn rời nữa. Nghĩa phụ và nghĩa mẫu giờ này cũng đã gần đất xa trời rồi, được nhìn thấy đứa cháu nhỏ ấy cũng như vui khỏe lại mấy phần.
Đó là một cảm giác hết sức lạ lẫm khi ta, Lan Nhi cùng với Toàn Nhi dạo chơi trên cánh đồng bên sông Càu Chày.
Nơi này khi xưa ta và thị nữ của mình đã bày biết bao trò nghịch ngợm. Tiếng cười của ta và các nàng như vẫn còn văng vẳng bên tai ta. Vậy mà đã hơn chục năm qua rồi. Giờ thì đến lượt con trai ta đang chạy nhảy ở chính nơi này. Cuộc đời thật kỳ lạ mà cũng hết sức diệu kỳ khi ta nhìn hậu duệ của mình đang chạy nhảy trên chính mảnh đất tuổi thơ của mình. Không biết nó có cảm nhận được niềm vui như ta và thị nữ của mình đã từng cảm nhận dạo trước?
Để Toàn Nhi lúc này đang say mê nhìn Lan Nhi thả một con diều rất to lên bầu trời ở trên bờ đê cùng với thị vệ đứng canh gác gần đó, ta lững thững đi dọc bờ những thửa ruộng vàng óng xuống phía sông Càu Chày. Trong ánh nắng lấp lóa của những ngày mùa thu, dòng sông ánh lên màu trắng bạc. Thấp thoáng đâu đó giữa những tia sáng hắt lên từ dưới sống, ta thấy như thoắt ẩn thoắt hiện hình dáng của hai người vừa quen vừa lạ đang cưỡi ngựa ở trên cánh đồng, vừa vui đùa, vừa nghịch ngợm. Đến khi nhận ra rồi thì ta không kìm được nước mắt nữa. Đó chính là hình ảnh của ta và chàng bên nhau trong những ngày xưa ấy.
Lê Hoàn! Thật không thể tin được bao lâu rồi ta không còn nghĩ gì về con người ấy nữa. Ta đã quên chàng với lời thề thốt xưa mất rồi!
Thế mới biết thời gian thật là vô thủy vô chung mà lòng dạ con người cũng bội bạc chẳng kém. Thề non, hẹn biển đấy, thế mà giờ đây cũng vẫn mỗi người một ngả, bao lâu rồi không gặp.
Ta chẳng có gì để biện minh cho chuyện ấy cả.
Ta chẳng có lựa chọn nào khác? Ta buộc phải lấy họ Đinh, buộc phải vui vẻ mà chiều lòng họ Đinh? Ta phải vì Toàn Nhi, vì con trai của mình mà quên đi tất cả; đôi với một người mẹ thì còn việc gì khác đáng để làm ngoài việc dành tất cả thời gian và tâm huyết cho con cái của mình, mong những điều tốt đẹp nhất cho chúng, thời gian đâu mà lưu luyến tình xưa, nghĩa cũ?
Ôi! Tất cả chỉ là ngụy biện. Lời ngụy biện của một lòng dạ bạc bẽo. Cái chính là ở tận sâu trong đáy lòng ta ta biết, tất cả đã phai nhạt rồi. Phai nhạt hết rồi!
Nhưng giờ thì ta có thể làm gì đây? Cố gắng níu giữ cho mọi thứ đừng rơi vào quên lãng hay đó vốn là một kết cục tất yếu không thể tránh khỏi giữa ta và chàng?
Nếu bây giờ có một phép màu cho phép ta đánh đổi mọi thứ để lại được trở về cái thời xa xưa, được bên chàng như chưa từng có điều gì xảy ra ta có dám đánh đổi không? Vẫn biết phép màu là không có thực, những chuyện như thế sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng vẫn phải thú nhận rằng thực lòng ta không dám..
Giờ chàng sống ra sao? Có vui vẻ và hạnh phúc không? Mong chàng sẽ gặp được một người con gái có thể toàn tâm toàn ý ở bên chàng, đem lại hạnh phúc cho chàng. Còn ta, ta chỉ có thể nói ta thực sự xin lỗi chàng mà thôi. Nếu có kiếp sau cũng chẳng dám mong được làm người để gặp gỡ, chỉ mong ta có thể làm thân trâu ngựa để hầu hạ, đền đáp cho chàng ân nghĩa thề bồi khi xưa là đã đủ mãn nguyện lắm rồi.
Gần đến ngày trở lại kinh thành, một buổi tối, ta đang ngồi trên sập gụ nhìn Nghĩa mẫu, Lan Nhi và Toàn Nhi bày trò chơi ở giữa nhà thì gia nhân của nghĩa phụ sang bẩm báo rằng, người muốn nói chuyện riêng với ta. Thoáng bất ngờ vì lâu nay thường rất ít khi nghĩa phụ nói với ta chuyện gì mà không có mặt nghĩa mẫu, ta đứng dậy đi sang phòng nghĩa phụ, lòng không khỏi băn khoăn.
Trong phòng nghĩa phụ lão Dương Quản gia đang pha một ấm trà sen. Hơi ấm cùng hương sen quện với hương trà tỏa ra thơm ngát khắp phòng.
Nghĩa phụ thấy ta vào, khẽ phất tay chỉ vào ghế đối diện cho phép ta ngồi. Ta bước lại đó ngồi xuống, thấy có phần căng thẳng. Không rõ là chuyện gì mà người lại muốn nói với mình ta? Thêm vào đó xưa nay, cha con tuy thương nhau nhưng cũng chưa bao giờ thể hiện ra trước mặt, càng rất hiếm khi có dịp gặp riêng tư như thế này, nên ta cũng thấy có chút lúng túng.
Lão Dương Quản gia thấy ta ngồi xuống, bèn rót một chén trà đặt trước mặt rồi lặng lẽ lui ra ngoài. Khiến ta càng thêm phần khó xử. Nhưng nghĩa phụ vẫn hết sức bình thản. Từ từ uống xong chèn trà, rồi mới thong thả nói:
- Con đã có dự tính gì cho tương lai của Toàn Nhi hay chưa?
- Dự tính cho tương lai của Toàn Nhi ư? Con chưa hiểu ý cha..
- Bấy lâu nay ai cũng biết, ở trong cung con là Hoàng hậu được Hoàng thượng sủng ái nhất, mà Toàn Nhi cũng là Hoàng tử được yêu nhất. Vậy không nhanh chóng tranh thủ những ngày này củng cố địa vị vững chắc cho Toàn Nhi thì còn định đến bao giờ?
- Ý của cha là..
- Đúng! Ý của ta là như vậy đó! Hiện giờ Hoàng Thượng, dù đã lên ngôi, lập quốc được chục năm rồi nhưng vẫn chưa phong Thái tử. Đó quả là một cơ hội lớn cho Toàn Nhi. Nếu con không tranh thủ những ngày này, tranh thủ sự sủng ái của Hoàng thượng để có những toan tính lâu dài thì con còn định đến bao giờ? Đến khi đã ba, bốn chục tuổi, già yếu, không còn được sủng ái nữa hay đến khi Hoàng thượng qua đời, ngôi báu đã rơi vào tay kẻ khác rồi mới tính hay sao?
- Con.. Thực tình con chưa bao giờ tính tới việc này. Con thiết nghĩ, không phải người nối ngôi chính là Nam Việt Vương Đinh Liễn rồi hay sao? Đó là trưởng nam nhà họ Đinh, là một người văn võ toàn tài. Hơn nữa cũng chính là đã cùng họ Đinh vào sinh ra tử, bôn ba trận mạc. Chính là người đã cùng họ Đinh tạo lập nên sự nghiệp ngày nay. Nếu không phải người đó thì còn có thể là ai khác? Vậy thì..
- Nhưng điều cốt yếu là – Nghĩa phụ ngắt lời ta, tuy người vẫn giữ giọng nói hết sức dịu dàng, điềm đạm – Hoàng thượng vẫn chưa phong ai làm Thái tử con có hiểu không? Không phải Đinh Liễn hiện giờ cũng mới chỉ được phong Vương hay sao? Người ta ai ai cũng nghĩ Nam Việt Vương sẽ nối ngôi. Người ta ai ai cũng nghĩ chuyện đó là mười mươi rồi. Nhưng những người muốn tính toán cơ đồ sẽ thấy được điểm mấu chốt đó: Chưa ai chính thức được phong làm Thái tử cả. Theo thiển ý của ta tại thời điểm hiện tại mà nói, cũng chỉ là Hoàng thượng nhất thời chưa suy tính thấu đáo đến việc đó, chứ không phải có ý nào khác. Nhưng dù là vô tình hay hữu ý, đều là một điểm mà người khác có thể tận dụng được. Chỉ cần ai đó được phong làm Thái tử, thì lúc đó Nam Việt Vương có trở tay cũng chẳng kịp nữa rồi.
- Thực tình con chưa bao giờ nghĩ tới..
- Con nên nghĩ đến đi là vừa. Con nghĩ mình sẽ được sủng ái bao nhiêu năm nữa đây. Ở trong Cung hiện giờ, ngoài Toàn Nhi còn có Hoàng tử Tuệ và Hạng Lang. Con không tính tới nhưng ta nghĩ, những người khác đều đã tính toán hết cả rồi.
Kiểu Quốc Hoàng hậu và Trinh Minh Hoàng hậu ư? Kiểu Quốc hoàng hậu thì ta không biết. Vì không cùng trang lứa nên ta rất ít khi giao du với nàng, bởi vậy không rõ lắm về tâm tư của nàng. Nhưng còn Trinh Minh, ta nghĩ đâu phải là người như thế. Nhưng mà.. chuyện này.. liên quan tới Hoàng vị, tới ngai báu.. ta thực lòng cũng không thể dám chắc điều gì.
Thấy ta chợt yên lặng và bắt đầu rơi vào suy tư, nghĩa phụ cũng không nói gì nữa, tự mình rót một chén trà nữa, uống xong rồi khẽ bảo:
- Thôi con hãy về cho Toàn Nhi đi ngủ sớm. Ta cũng đã mệt rồi, muốn đi nghỉ bây giờ.
Ta vái chào nghĩa phụ rồi xin phép rời đi. Ở bên ngoài từng đợt gió mùa thổi về mỗi lúc một mạnh, khua xào xạc những tàu lá chuối khô, rồi tràn vào hành lang hất tung những tà áo của ta theo tứ phía. Lạnh buốt! Vậy là mùa đông lại sắp về!
Cuối tháng Mười, đang chuẩn bị đồ đạc hành lí để trở về kinh thành, cha con bà cháu đang chuẩn bị chia tay nhau hết sức bịn rịn, vì chuyến này ra đi chưa biết bao giờ mới trở lại, thì lính từ Kinh thành phóng ngựa tới đưa tin khẩn, một vùng rộng lớn ở Đạo Đại Hoàng giáp với kinh thành vừa bị một trận động đất lớn. May thay thương vong về người không lớn lắm, chỉ chừng hai, ba trăm người vì sự việc xảy ra vào ban ngày, nên mọi người sơ tán kịp. Nhưng nhà cửa, các công trình xây dựng thì bị đổ, bị hư hỏng rất nhiều, thiệt hại về của cải rất lớn. Nhiều kẻ nhân cơ hội này lại tranh thủ nổi lên cướp bóc, trộm cắp khắp nơi nên tình hình hết sức rối ren. Triều đình đang ráo riết giải quyết nhưng vẫn hết sức lộn xộn, vì vậy họ Đinh lệnh cho ta và Toàn Nhi đợi chừng nửa tháng nữa cho ổn định trở lại rồi hãy trở về triều đình.
Thế là nhân đó lại được ở nhà cùng nghĩa phụ và nghĩa mẫu thêm ít ngày nữa. Ai nấy đều hết sức vui mừng.
Tuy nhiên không hiểu sao, một mặt thì vui mừng, nhưng một mặt ai nếu đều cảm thấy khá bồn chồn. Nghĩa phụ cứ không ngừng trầm ngâm bảo, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa tận mắt chứng kiến động đất, mà cũng không thấy ông bà, cha mẹ nói trong vòng hai, ba trăm năm trở lại đây có xảy ra hiện tượng này, nên quả là hết sức kỳ lạ. Nói rồi cứ thế vặn vẹo chòm râu, đi đi lại lại không yên ở giữa nhà.
Ta cũng thấy trong lòng có cái gì đó dấm dứt. Thử thoảng lại sôi lên như lửa đốt. Chỉ mong sao cho mọi người được an bình, tai qua nạn khỏi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.