Về phần chuyện tình ngang trái của hai cặp đôi không ai ngờ này thì phải bắt đầu kể từ tận mấy vạn năm trước...
oOo
Thần giới vạn vạn năm chia ra nhiều tộc chư hầu, mỗi tộc hùng cứ một phương. Có thần tộc uy danh vang dội như Long tộc, Phượng tộc hay Hồ tộc, ngược lại cũng nhiều thần tộc xuất thân không mấy danh giá nhưng vẫn đủ uy quyền thống trị lãnh địa, giống Xà tộc hay Bách Điểu tộc. Tuy nhiên cũng có những thần tiên rất đáng thương, không còn gia đình, không có thần tộc để quay về. Họ sống lang thang cơ nhỡ, vận số tùy vào bàn tay thiên mệnh sắp đặt. Một trong những điển hình là Dược Thần Tỉnh Vĩ, hắn từng một thời sống đời an nhàn bên mái nhỏ nơi Thiên Lộc tộc thanh bình, cuộc sống không giàu sang mà vẫn hạnh phúc, êm ả. Nào ngờ một cơn đại hồng thủy kéo đến nhấn chìm thung lũng Thiên Lộc tộc trong biển nước, cả nhà chỉ mình Tỉnh Vĩ sống sót. Hắn đành lần mò theo đồng tộc đi khắp nơi tha phương cầu thực cho đến ngày lạc đường giữa rừng hoang, chẳng biết đi đâu về đâu. Đứa bé mới hai vạn tuổi không cha không mẹ, bơ vơ đi tới mấy ngàn vạn dặm, nay đến đồng tộc cũng không thấy, một mình chốn rừng sâu lạnh lẽo còn làm gì được ngoài việc ngồi khóc. Tiếng khóc nỉ non, thê lương vang vọng được lá rừng đưa đến tai tiên nhân họ Khương tên Hạc Huyền đang lên rừng hái thuốc... Và đấy chính là cơ duyên khiến Tỉnh Vĩ gặp Dược Thần đời trước, cũng chính là sư phụ hắn, từ đó thiên mệnh mở lối cho hươu sao nhỏ theo con đường hành y giúp đời, trở thành Dược Thần đời tiếp theo.
Trái ngược với những tiên nhân lưu lạc đáng thương, các thần tiên xuất thân danh giá luôn được kính nể, có nhiều tiểu tiên vì uy danh song thân và dòng tộc cũng được chúng tiên hữu ít nhiều tôn trọng. Xuất thân danh giá mà lại thêm tài năng phi thường thì hẳn lòng kính trọng lẫn ngưỡng mộ tiên nhân dành cho họ càng cao hơn gấp bội.
Long tộc nơi thần giới có hai thần long đại tướng uy vũ vô song chính là bạch long thần tướng (*) Nguyễn Úy Hữu và hắc long thần tướng Trần Tài Vọng. Là rồng, lại còn tài giỏi hơn đời, đương nhiên việc tiếng tăm lẫy lừng, vang dội Thiên tộc thật không mấy lạ lẫm. Bởi vậy, thời bấy giờ không ai là không biết đến cặp thần tướng hắc bạch song long, bách chiến bách thắng, hô phong hoán vũ, từng đả bại ngàn vạn quân Ma tộc hiểm ác. Bạch long Úy Hữu mưu lược, khôn ngoan, lừng danh điều binh khiển tướng. Hắc long Tài Vọng độ mưu trí chưa bằng, đa phần chịu dưới trướng bằng hữu, nhưng nhìn chung lão vẫn là tướng quân can trường, mạnh mẽ. Và gia tộc danh giá nào cũng đều có kẻ kế thừa, có hổ phụ sinh hổ tử. Con trai thần tướng họ Nguyễn, tên gọi Nguyễn Đăng Khoa, từ nhỏ đã có khí phách hiên ngang, lại thiên bẩm về võ công nên bạch long thần tướng đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con này. Trần thần tướng lại có con gái Trần Tảo Triều, thân bồ liễu mà không thuộc dạng tiểu thư yếu đuối, mỏng manh, nàng ta tính ra cũng là kỳ tài dụng kiếm. Tiên nhân thần giới luôn tin chắc hai tiểu tiên này mai sau nhất định sẽ là hắc bạch song long đời kế tiếp, thành ra ngày hai rồng con mới vài trăm tuổi, chẳng biết bao mối tới dòm ngó, ai cũng muốn kết thông gia với hai nhà long thần để vừa có dâu rể tài hoa, vừa nâng cao địa vị gia tộc.
Tuy vậy, nếu kẻ khác muốn nâng cao địa thì hiển nhiên hai long tướng cũng thế, người ta nhìn lên cao một bậc, hai long tướng phải nhìn lên bốn bậc. Bên nhà Trần tướng quân, vì Tảo Triều là phận nữ nhi, mai sau phải gả đi nên Tài Vọng còn đắn đo chưa quyết chuyện đính ước với nhà nào, dù trong thâm tâm lão đang chắc chắn phải tìm thông gia quyền quý nhất trên đời. Phần bên nhà Úy Hữu lại quyết định nhanh chóng, gọn gàng hơn, chỉ qua một buổi tiệc rượu, rồng con Đăng Khoa đã được định hôn với hoàng nữ của Hồ tộc Trọng Xuân - mỹ nhân nổi danh thần giới. Chúng tiên hữu nghe tin ấy, kẻ thì thầm ngưỡng mộ Đăng Khoa tốt phước, sống trong nhung lụa lại còn lấy được giai nhân, kẻ khác ganh tị bảo rằng con rồng ấy cái gì cũng có, được số mệnh ưu ái đến bất công cho người khác. Tuy thế, ở trong chăn mới biết có rận, hôn ước vậy chứ Đăng Khoa nào có tự nguyện. Sau nhiều lần gặp gỡ Trọng Xuân, bạch long nhỏ đều không mấy thiện cảm khi thấy cửu vĩ hồ tuy dáng vẻ xinh đẹp, kiêu sa nhưng tính tình kiêu ngạo đanh đá, cách nói chuyện trịch thượng, bề trên. Trong khi ấy, từ tấm bé, Đăng Khoa luôn được chăm sóc bởi người mẹ dịu dàng, nói năng khiêm nhường nên rồng con dần dà ngầm xác định thê tử sau này cũng phải thuộc dạng đoan thục, nhẹ nhàng giống thân mẫu. Giờ được xếp đặt đính hôn cùng nhi nữ đanh đá, dữ dằn, rồng nhỏ nào cam tâm.
Lúc chưa biết chuyện hôn ước, mới tiếp xúc với Trọng Xuân lần đầu, Đăng Khoa thầm nghĩ thật đáng thương cho kẻ nào sau này phải đón cửu vĩ hồ ấy về làm thê tử. Nào ngờ sau đấy, song thân lại thông báo tin động trời rằng khi trưởng thành bạch long sẽ phải lấy chính hồ ly kênh kiệu đấy. Rồng con liền giãy nảy, hết lời phản đối, đòi tuyệt thực, đòi bỏ nhà đi, đòi chết chứ không lấy Trọng Xuân. Tuy nhiên, khi được thân mẫu khuyên nhủ và ăn... một trận đòn nên thân, Đăng Khoa đã chịu hiểu hôn sự này giúp ích cho gia thế của phụ thân rất nhiều. Hơn nữa danh gia vọng tộc mấy khi được tự quyết chuyện gia thất đời mình, rồng nhỏ chống đối cũng vô dụng, chi bằng vâng lời, cứ lấy bừa một người cho đẹp lòng song thân.
Rồng trắng cam chịu với ý nghĩ đấy cho đến ngày nọ, binh sĩ dưới trướng của Úy Hữu tướng quân đưa đến một bạch thố xinh xắn, bảo rằng tặng chủ tướng làm người hầu sai bảo. Thỏ con dáng vẻ hiền lành, rụt rè cụp tai, ánh mắt sợ sệt, chẳng dám nhìn thẳng ai. Không hiểu sao điệu bộ ngại ngần kia lại thu hút Đăng Khoa vô cùng, bạch long liền nằng nặc nài nỉ phụ mẫu ban thỏ trắng đáng yêu đấy cho mình. Úy Hữu nghiêm khắc nhưng vẫn rất thương con trai, thêm yêu cầu này càng chẳng có gì quá đáng, nên bạch thố đã trở thành tỳ nữ cho Đăng Khoa như thế. Qua thời gian tra hỏi mới biết bạch thố tên gọi Ngọc My, do Bạch Thố tộc gặp nạn cháy rừng, cả tộc diệt vong, Ngọc My mới trôi dạt khắp nơi, vì sống qua ngày nên buộc phải bán mình làm kẻ hầu người hạ. Đêm đêm, Ngọc My cứ nhìn sao trời rơi lệ vì nhớ về phụ mẫu vì cứu mình mà bỏ thân nơi biển lửa, cuộc sống êm ả bỗng dưng sau chỉ một tối lại lụi tàn hết trong cơn bão lửa, bỏ lại mình thỏ con bơ vơ giữa dòng đời lạnh lẽo.
Biết chuyện rồi, Đăng Khoa thoáng chạnh lòng thương thỏ con tuổi còn nhỏ đã phải chịu nhiều khổ ải, chẳng bù với kẻ sống trong sung sướng như rồng trắng. Tự dưng nhìn những giọt lệ lăn dài trên gương mặt thỏ trắng, Đăng Khoa buộc miệng nói ra.
- Đừng khóc! Ở bên cạnh ta, ta sẽ cho em cuộc đời hạnh phúc vĩnh viễn về sau.
Ngày tháng dần trôi, bên cạnh bạch thố hiền thục, dịu dàng, ân cần chăm sóc mình từng miếng ăn giấc ngủ, Đăng Khoa tự khi nào đã ngầm so sánh Ngọc My và hôn thê Trọng Xuân...
Hồ ly Trọng Xuân xuất thân danh giá, xinh đẹp, cao sang, nhưng cái gì cũng không động móng tay, việc nào cũng đòi kẻ hầu người hạ. Có hôm theo thân phụ sang Hồ tộc, Đăng Khoa vâng lời người lớn ra vườn ngồi trò truyện với Trọng Xuân, cái ấm trà ngay trước mắt, thế mà cửu vĩ hồ vẫn phải gọi tỳ nữ đến rót ra tách chứ chẳng thèm tự làm.
Ngày khác, rồng con lại tình cờ chứng kiến việc hồ nữ hoạnh họe, la mắng tỳ nữ vì không kịp khâu lại cúc áo bị đứt cho mình. Chỉ một cái cúc bé tí, hồ ly còn chẳng biết tự khâu, trong khi Ngọc My đảm đang, khéo léo, đừng nói tới mấy cái cúc áo hay khâu vá bình thường, ngay cả y phục đủ kiểu, đủ cỡ, thỏ trắng đều may được hết. Đến giờ còn không đếm nổi bao nhiêu cái áo Đăng Khoa mặc trên người là do một tay thỏ nhỏ chăm chút từng đường kim mũi chỉ.
Đến phần pha trà rót nước, tề gia nội trợ, thì nhiều lúc bạch long phải âm thầm thừa nhận Trọng Xuân chưa đáng... xách giày cho Ngọc My. Mỗi chiều rồng con đi học về, trên bàn luôn có ấm trà thơm được thỏ trắng ân cần pha sẵn chờ thiếu gia về. Uống trà, tắm rửa xong, lập tức Đăng Khoa sẽ được thưởng thức ngay mâm cơm ngon lành, đủ món bởi chính Ngọc My sửa soạn. Nguyên liệu nấu ăn dù cao lương mỹ vị hay rau, đậu bình thường, một khi đã qua tay bạch thố đều ngon nức lòng người. Nhớ có hôm Đăng Khoa bị phụ thân phạt, không cho ăn tối, thỏ con sợ rồng nhỏ đói không chịu nổi nên lén vào bếp lục lọi đồ thừa nấu vài món cho thiếu gia lót dạ. Dẫu toàn mấy thứ lặt vặt, rau củ tầm thường mà Ngọc My vẫn mang tới được một bữa ấm lòng cho Đăng Khoa.
Tiên nhân hay khen Trọng Xuân xinh đẹp, nhan sắc say đắm lòng người, khiến bao kẻ khao khát, nhưng cái đẹp đâu phải luôn nằm trên gương mặt nàng thiếu nữ, đẹp là trong đáy mắt người nhìn. Trong đáy mắt Đăng Khoa, Ngọc My mới đúng là đẹp. Thỏ trắng mang vẻ đẹp nền nhã, hiền thục cùng nụ cười tươi tắn khoe răng khểnh, đôi má hồng khi bị trêu lại ửng đỏ cả lên, cặp tai thỏ mịn như bông những khi e thẹn cứ cụp xuống che mắt, đáng yêu vô cùng. Và nam nhân biết nghĩ sâu xa như Đăng Khoa đương nhiên sẽ nảy sinh hảo cảm với nhi nữ vừa xinh xắn vừa công dung ngôn hạnh hơn là với một "bình hoa" kiêu kỳ, chỉ biết khoe sắc.
Hình ảnh thỏ trắng dễ thương từ từ len lỏi tận sâu trái tim Đăng Khoa, những lúc được song thân dẫn đến Hồ tộc gặp gỡ hôn thê, bạch long ngồi bên cạnh Trọng Xuân, lòng cứ mãi khắc họa dung mạo bạch thố ngây thơ cùng đôi tai thỏ trắng muốt đong đưa. Vì mãi thả hồn xa xăm, hôn thê nói gì cũng chẳng thèm nghe, rồng con cứ vô thức vẽ lên môi nụ cười tương tư, ngờ nghệch. Bởi thế mọi người quan sát từ xa cứ phán đoán con trai bạch long thần tướng hẳn đã xiêu lòng trước cửu vĩ hồ nhà Hồ Vương rồi nên mới ngu ngơ thế kia.
Hôm khác, vài hầu cận Hồ tộc mang một mớ bánh kẹo, trà thơm nồng hương hoa ban ra mời, Đăng Khoa chỉ ăn thử chút bánh, uống thử ngụm trà rồi bỗng từ sau dạo đó, bạch long lại tới Hồ tộc một cách thường xuyên đến độ gây bất ngờ cho người khác. Nếu ngày xưa, rồng con toàn sang đây cùng cha mẹ, thì nay không cần ai dẫn, thích là tự thân đi. Mỗi hàng tuần, việc Đăng Khoa hiện diện nơi động hồ ly dần hóa quen thuộc cho hết thảy hồ tiên trong tộc.
Bị hỏi tới, bạch long cứ thành thật trả lời rằng thích trà, thích bánh kẹo ở đây nên tới xin về. Quả thực lần nào xuống Hồ tộc, rồng con luôn hỏi xin cả mớ bánh kẹo lẫn vài gói trà hoa ban. Nhưng mọi người vẫn đinh ninh rồng con đã trót say mê Trọng Xuân, chỉ là ngại ngần chưa dám thổ lộ mới vờ mượn chuyện gần gũi. Từ lời người ngoài, Trọng Xuân càng được cớ làm kiêu, đi đâu cũng ngẩng mặt lên trời, khoe rằng bản thân nhan sắc mê người, đến bạch long cao quý cũng phải say đắm, đêm ngày kiếm cớ gần gũi. Còn trước mặt Đăng Khoa, hồ nữ luôn giở giọng khinh khỉnh, kiêu kỳ.
- Ta biết ngươi đang thương thầm ta, nhưng tiếc cho ngươi quá, trái tim ta đã trao người khác từ lâu, khổ thân ngươi phải ôm tình đơn phương.
Đăng Khoa nghe hôn thê nói thế chỉ biết im lặng cười trừ, rồng con đủ thông minh để hiểu với nữ nhân kiêu hãnh đến vậy thì tốt nhất chớ nên phản biện gì. Chưa kể đến hoàng thất Hồ tộc cũng là gia tộc lớn, bạch long đâu thể dại dột gây xung đột với họ bằng cách nói mình hàng tuần đến xin trà bánh cho... Ngọc My, đâu thể khai thật mình đến đây chỉ vì muốn mang về vài món quà nhỏ để đổi lấy nụ cười bạch thố. Trường hợp này, im lặng là thượng sách...
Vì Ngọc My, Đăng Khoa chịu lời đồn thổi, chịu mỉa mai, chịu tin thêu dệt, thậm chí chịu cả... đòn roi cũng chẳng nề hà...
Có chiều vừa từ học viện về, bạch long bàng hoàng thấy anh họ mình đang cố lôi Ngọc My đi, mặc kệ thỏ trắng khóc lóc van xin được chờ tới lúc gặp thiếu gia để từ biệt. Hỏi ra mới hay, lúc Đăng Khoa đi học, có người dì đưa con trai đến thăm nhà, anh họ Đăng Khoa thấy Ngọc My đáng yêu nên nũng nịu đòi xin về. Người anh trai này với Đăng Khoa quan hệ rất tốt nên phu thê long tướng nghĩ cứ chiều ý cháu trai trước, rồi từ từ kể lại với con trai sau. Ai hay, long thần nhỏ có nhường gì cho anh họ nhưng Ngọc My thì sống chết không nhường. Bởi lẽ đó dẫu mẫu thân khuyên răn thế nào Đăng Khoa vẫn cương quyết rút... song kiếm một phen sống mái với anh trai. Dĩ nhiên, sau trận náo loạn, chẳng ai còn dám đưa Ngọc My đi, và đổi lại rồng con cứng đầu phải lãnh trận đòn nên thân, nằm bẹp cả ngày chẳng đi đâu được. Bạch thố vừa bôi thuốc cho rồng trắng vừa rưng rưng lệ.
- Thiếu gia đâu cần làm thế, em thân phận nghèo hèn, từng trôi dạt trăm ngàn phương, giờ thêm một lần có là bao.
Đăng Khoa vuốt dòng lệ lăn dài bên má thỏ con, bảo.
- Trước kia thế nào cũng được, giờ em đã là người của ta thì vạn vạn kiếp vẫn phải là người của ta, không được phép lìa xa.
..............................................................
- Ha Ha! Có lần em theo các các chú xuống trần chơi, thấy hai tên người phàm tranh nhân tình cũng đụng đao đụng kiếm y hệt anh. Anh thích Ngọc My đấy à? - Tảo Triều khi nghe được chuyện liền buông lời trêu chọc Đăng Khoa.
Có thích Ngọc My không, câu hỏi này Đăng Khoa chưa đủ trưởng thành để trả lời. Năm nay vừa mới hai vạn tuổi, bạch long nào đã hiểu chi ái tình, họa chăng lòng thầm mến trong khi chính mình cũng không hay. Rồng con chỉ biết không riêng gì anh họ mà bất cứ ai đều không được quyền mang thỏ trắng đi. Nếu ngày ấy là cả con quái vật khổng lồ đến bắt Ngọc My, Đăng Khoa vẫn động thủ y như vậy.
- Thế hôn ước với Hồ tộc thì anh nghĩ sao? - Câu hỏi của Tảo Triều khiến Đăng Khoa giật mình.
- Anh không thích con hồ ly đánh đá đó, mà nghe bảo cửu vĩ hồ ấy đang si mê kẻ khác rồi.
- Em cũng có nghe, người ta nói con cửu vĩ hồ ấy gặp người đó chỉ một lần đã tương tư, còn gọi hắn ta là "vị thần gánh cả bầu trời", đúng là nằm mơ giữa ban ngày. Ha Ha!
- Em đừng vội cười, con hồ ly ấy kiêu ngạo như thế mà còn phải lòng, lỡ đâu em cũng... Ha Ha! - Đăng Khoa bỏ dở câu nói cố tình trêu bằng hữu.
- Thì cứ dâng "vị thần gánh cả bầu trời" của con hồ ly đấy đến trước mắt em thử xem.
Hai long thần nhỏ mỗi người một câu đùa qua ghẹo lại, chợt khi đi dạo ngang đồng cỏ lau thì nghe có tiếng la hét. Từ xa xa một đám tiểu tiên, hình như toàn bọn con các lão thần tiên trong Thiên Cung, đang ném đá vào ai đó. Chúng vừa ném vừa thét.
- Ném đi! Ném chết nó đi! Đồ quái dị! Thứ lạc loài!
Hai rồng con tới gần mới hay chúng đang ức hiếp các tiểu tiên khác, chúng ném đá mạnh tay tới độ người ta phải nằm rạp dưới cỏ lau. Một kẻ lại đang cố lấy thân mình che chắn cơn "mưa đá" cho người nằm dưới, mặc kệ đá vô tình làm thâm cả người. Thấy cả lũ ỷ đông bắt nạt kẻ yếu đuối, hai long thần cầm lòng không đặng liền rút gươm tương trợ. Nhìn hai con rồng sát khí đằng đằng, pháp khí sáng loáng lũ ác ôn cũng biết khó mà lui, kéo nhau chạy mất dạng hết. Đến lúc ấy, mấy kẻ nằm dưới cỏ lau mới lồm cồm ngồi dậy, giờ hai thần long đã nhìn rõ các tiểu tiên này, là một nam nhân hươu sao và một tiên nữ thuộc giống loài lạ lùng nào đó nhưng dung mạo cũng khá thanh thoát.
- Vết thương của anh vừa khỏi sao lại còn lấy thân ra chắn cho em, bọn chúng ném chán rồi đi thôi, việc này cũng không liên quan đến anh, cớ gì phải chịu đau. - Tiên nữ kì lạ bối rối hỏi người kia.
- Chúng ta là anh em mà, anh đâu bỏ mặt Đường Lệ sư muội này được. - Hươu con xoa đầu sư muội, môi nở nụ cười ấm áp, nụ cười thoáng làm hắc long Tảo Triều chao đảo.
Hai tiểu tiên đứng lên đa tạ ân nhân rồi đi khuất sau những bông hoa lau trắng muốt dập dìu giữa trưa nắng.
- Hươu sao ấy không biết võ công mà nghĩa khí thật, em thấy có đúng không. Này! Này! Tảo Triều! - Đăng Khoa đẩy mạnh vai hắc long khi thấy bằng hữu cứ nhìn đăm đăm về phía hai tiểu tiên vừa đi.
Long nữ cũng thầm đồng ý đúng thật hươu sao đó rất nghĩa khí. Trước giờ Tảo Triều cứ ngỡ nghĩa khí toàn những kẻ võ công cao cường, ai ngờ một tên nửa miếng võ cũng không biết lại có thể vì người khác đến thế. Nhưng hành động đưa lưng đỡ đá đó có lẽ nên gọi là ngốc thì đúng hơn.
- Hai tiểu tiên đó mặc y phục của Y Viện, chắc chúng học việc ở đấy, ngày mai em đến hỏi thử xem. - Thấy Tảo Triều chẳng phản ứng lại câu hỏi, Đăng Khoa đành trêu tiếp.
- Em đâu có đau ốm gì để phải đến Y Viện. - Lúc này Tảo Triều mới chịu trả lời.
- Ai bảo em đến chữa bệnh, anh bảo em đến tìm con rể cho Trần đại tướng mà. Ha Ha!
Nghe đến đây hắc long mới biết bạch long này trêu mình, liền nổi nóng cầm kiếm đuổi theo Đăng Khoa. Bạch long càng lúc càng muốn đùa dai, vừa chạy vừa la.
- Em nhìn người đăm đăm thế thì ta giúp em thôi. Chẳng phải người ta về làm con rể cho nhà em rồi thì em tha hồ ngắm sao. Ha Ha! Em còn mấy em gái nữa kia mà, ta đâu có nói hắn làm rể nhà em là làm lang quân cho ai. Bị nói trúng tâm đen à. Ha Ha!
Vài ngày sau, câu chuyện ngoài đồng cỏ lau dần chìm vào quên lãng, hai rồng con chẳng buồn nhắc lại nhưng chúng làm sao biết được đây chưa phải kết thúc, tất cả chỉ là khởi đầu cho nghiệt duyên vạn năm của hắc long Tảo Triều.
(*) Thần tướng không phải tước vị mà chỉ là danh xưng, ám chỉ tướng quân tài giỏi, lập nhiều chiến công hiển hách.