Giới Luật Thanh Quy

Chương 4: Hư mệnh hội (2)




Hôm nay là ngày thi đấu đầu tiên của Hư mệnh hội.
Hoàn Thịnh Thư với thân phận là một Hoàng tử được sắp xếp ngồi ở tòa Nhất Lãm lâu dành riêng cho Hoàng tộc và những vị quan quyền lực nhất ở vị trí trung tâm.
Bốn vị hoàng tử ngồi bên trái bảo tọa của Hoàng thượng, bên phải là ba vị đại quan đứng đầu triều đình, Thừa tướng Thác Hàn Minh, Thái úy Triệu Tương Doanh và Ngự sử đại phu Dương Thức.
Bên dưới là đài thi đấu hình tròn, với bốn tòa Nhất Lãm lâu ở bốn hướng, tả lâu và hữu lâu là nơi dành cho các danh môn thế gia quan sát cuộc thi.
Lúc Hoàn Thịnh Thư đến thì xung quanh vẫn chưa có ai, đến sớm nửa canh giờ là thói quen cậu tập được ở kiếp trước.
Tòa lâu này thực chất là một cung điện nguy nga tráng lệ, cũng là nơi có tầm nhìn có thể quan sát trận đấu tốt nhất.
Có tổng cộng năm cặp đấu trong ngày hôm nay, trận của Dương Cung Kỳ Tuân là trận thứ tư. Trước khi ra trận các hư mệnh tử sẽ phải diện kiến Hoàng đế, sau khi được ban giáp trụ* mới có thể bắt đầu thi đấu.
"Thấy thế nào?"
Hoàn Thịnh Thư giật mình, là phụ hoàng.
Cậu vội vàng quay lại hành lễ: "Phụ hoàng."
Hoàng đế Hoàn Tư Nghiêm ngồi xuống bảo tọa của mình, tay vỗ nhẹ chỗ trống bên cạnh, "Qua đây."
Phụ hoàng đến sớm như vậy đã làm cậu ngạc nhiên, dù được ban ngồi bên cạnh Thiên tử là một đặc ân to lớn, nhưng cậu biết phụ hoàng rất nhạy cảm với những kẻ có dã tâm, ban đặc ân chính là đang muốn thử bọn họ.
Cậu cúi đầu che đi thần sắc của mình, nhỏ giọng đáp: "Tạ ân phụ hoàng, nhưng như vậy không hợp quy củ, Tông chính đại nhân sẽ khó xử."
Giọng Hoàng đế vẫn không mặn không nhạt như cũ: "Nếu đó là ta thì không."
Thoáng chần chừ nhưng lời vua là mệnh lệnh tối cao, dù có là nhi tử cũng vậy. Đó là uy quyền tuyệt đối.
Chầm chậm bước đến bảo tọa Cửu long hoàng kim được đặt ở vị trí trung tâm tòa Nhất Lãm lâu này, nó lớn đến nỗi bốn năm người ngồi vẫn vừa nhưng bây giờ chỉ có hai phụ tử bọn họ.
Hoàng đế Hoàn Tư Nghiêm xuất thân là một Hoàng tử nhưng lại thông thạo võ nghệ, đã từng nam chinh bách chiến, thời tiên đế còn tại vị, chính người đã đày con trai của mình đến biên ải xa xôi, bắt vị hoàng tử mới qua nhược quán chưa được bao lâu cầm binh đánh giặc.
Tất cả các triều thần đều chấn khinh, muốn can ngăn nhưng lệnh vua đã quyết, ai nấy đều cho rằng vị hoàng tử xấu số đó sẽ không cầm cự được quá ba trận đánh.
Nhưng giữa tình hình binh hoang mã loạn đó, mấy năm tiếp theo vẫn chưa thấy một văn thư cấp báo nào gửi đến kinh thành, tất cả đều là quân báo thắng lợi.
Dù hữu kinh vô hiểm* vượt qua tử lệnh của Hoàng đế, thì một vị Hoàng tử bị đày đi trấn thủ biên cương đã khiến cái triều thần nghĩ rằng hắn không được Thiên tử yêu thích, đều mang tâm tư phò tá người khác. Khi tiên đế băng hà, hoàng tử bị lãng quên là Hoàn Tư Nghiêm trở về dự tang, các văn quan bá võ đều khinh thường, một đứa con bị cha mình vứt bỏ còn muốn quay về tranh đoạt hoàng vị?
(* Hữu kinh vô hiểm: Gặp chuyện kinh sợ nhưng không có nguy hiểm)
Nhưng một chiếu chỉ truyền ngôi đã đập tan mọi lời nghị luận, đại cuộc đã định.
"Cáp Nhi."
Âm thanh trầm trầm của phụ hoàng đã kéo cậu trở về từ dòng ký ức. Ngồi bên Thiên tử mà dám thất thần, cậu đúng là ngày càng to gan. . truyện teen hay
Vội vã cúi đầu, giọng hơi run: "Xin lỗi phụ hoàng, hoàng nhi lần đầu tham dự Hư mệnh hội, được quan sát cuộc thi lớn thế này nên có hơi hồi hộp."
"À." – Hoàng đế lười biếng nhìn xung quanh một vòng, dường như không thấy nơi này có gì gọi là lớn, nhưng vẫn phối hợp xoa đầu trấn an tiểu hoàng tử.
Tại vị đã hơn mười hai năm, quá khứ thuở thiếu thời lúc trước bây giờ cứ như một giấc mộng xa xôi.
Hoàng đế có vẻ hoàn toàn không để tâm đến việc để tiểu hài tử ngồi cùng mình chút nữa sẽ khiến bá quan bàn tán xôn xao thế nào, còn có tâm trạng trò chuyện với cậu.
"Con biết cuộc thi này tổ chức để làm gì không?"
Hoàn Thịnh Thư nghiêm túc đáp: "Bẩm phụ hoàng, là để các vị hư mệnh tử có cơ hội vì châu thổ của mình mà thể hiện tài năng."
Hoàng đế có vẻ thích thú với câu trả lời của cậu, bật cười: "Dương Thức bảo thế à?"
Ngự sử đại phu Dương Thức là người trực tiếp truyền đạt tri thức cho các hoàng tử, nhưng quả thật ông ấy không có nói như thế.
Nếu có người hỏi Dương Ngự sử câu hỏi như vậy chắc chắn ông ấy sẽ khịt mũi khinh thường, giọng điệu đầy ám chỉ nói: "Còn không phải vì đám danh môn thế gia bọn họ quá rảnh rỗi nên kiếm trò tiêu khiển đó sao?"
Hoàn Thịnh Thư trưng vẻ mặt ngây thơ để lãng tránh câu hỏi này của Hoàng đế, giọng mềm mại: "Mọi người đều nói vậy..." nhưng cậu rất muốn biết phụ hoàng nghĩ về các hư mệnh tử kia như thế nào, hơi ngập ngừng hỏi tiếp, "...Họ nói đúng không phụ hoàng?"
Nhưng Hoàng đế không trả lời ngay mà nhướng mày ra hiệu cho cậu nhìn về một hướng.
Đó là Ái Tân Lam Điệt, hư mệnh tử đến từ Ngự Đằng châu, châu thổ trù phú nhất Đại La, cống phẩm nổi bậc chính là đồ sứ Ngự Đằng.
Các hư mệnh tử đứng thành hai hàng ở hai phía tả hữu của tòa Nhất Lãm lâu cậu đang ngồi. Đứng đầu hàng bên trái là Ái Tân Lam Điệt, hắn năm nay đã tròn mười bốn, đôi mắt màu lam độc nhất của tộc Ái Tân khiến người này vô cùng nổi bậc.
Tộc Ái Tân ở Ngự Đằng châu có thể nói là phú khả địch quốc* cũng không ngoa. Nắm trong tay hàng ngàn xưởng thủ công ở khắp châu thổ, dù mỗi năm tiến cống cho triều đình không ít nhưng vẫn chẳng là gì so với số lượng thành phẩm đồ sộ mà Ngự Đằng châu sản xuất ra.
(*phú khả địch quốc: giàu ngang quốc khố)
Có xuất thân quyền thế như vậy nhưng lại bị đày đến kinh thành xa xôi làm một con tin, mọi nhất cử nhất động đều bị ghi chép lại gửi về hoàng cung, còn phải ở nơi này tỷ thí võ công mua vui cho đám danh môn thế gia.
Có thể vì Ái Tân Lam Điệt đã không còn xa lạ gì với cuộc thi này hoặc cũng có thể do hắn giấu quá kỹ, mà trên khuôn mặt kinh tài tuyệt diễm đó không hề để lộ ý tứ bất mãn nào, thậm chí còn có vẻ thong dong nhàn nhã cười nói với hư mệnh tử phía sau.
Dường như hắn đã phát hiện ra ánh mắt của cậu, lam nhãn sắc bén liền liếc qua.
Nếu cậu xoay mặt đi lúc này sẽ như ngầm thừa nhận ban nãy cậu đã nhìn lén hắn, nên Hoàn Thịnh Thư vẫn giữ mắt đối mắt với đối phương thêm vài giây mới quay đi.
Nhưng cậu đã hiểu ý của phụ hoàng.
Gì mà vì châu thổ thể hiện tài năng chỉ là lời nói hoa mĩ, cho dù là một kẻ đã sớm quen với thân phận đặc thù của mình như Ái Tân Lam Điệt cũng không hoàn toàn thần phục triều đình. Khuôn mặt đầy vẻ công kích đó khi cười mà ý cười cũng không chạm đến ánh mắt, dù là một hư mệnh tử thấp kém nhưng phong thái của hắn hoàn toàn lấn át đám vương tôn thế tử ở trên lầu cao kia.
Ngựa tốt thì khó thuần*, một người như Ái Tân Lam Điệt sẽ thật sự cam tâm tình nguyện bị xem là vật mua vui cho người khác sao.
(*Ngựa tốt khó thuần: chỉ người tài giỏi khó kiểm soát)
Mãi không thấy cậu nói gì, Hoàng đế cũng không biết cậu có hiểu ý mình không, nhưng cuộc trò chuyện 'ấm cúng' của hai người có lẽ phải dừng, vì ba vị trọng thần trong triều đã đến.
Nhìn thấy bệ hạ còn đến sớm hơn mình khiến Thái úy Triệu Tương Doanh kinh ngạc, Dương Ngự sử phải kéo ống tay áo một cái mới khiến ông hoàn hồn, vội vàng hành lễ.
"Hoàng Thượng vạn an."
Hoàng đế cũng không để bụng Triệu Thái úy thất lễ, ba người hành lễ xong thì ban ngồi.
Không như Triệu Tương Doanh võ quan không biết kiềm chế sắc mặt, Thừa tướng Thác Hàn Minh nãy giờ vẫn bình tĩnh, nhưng khi nhìn đến tiểu hoàng tử đang ngồi trên bảo tọa dành riêng cho Thiên tử thì sắc mặt mới thay đổi một chút. Nhưng rất nhanh đã bị ông giấu đi, kính cẩn nói:
"Tiểu hoàng tử lớn lên đúng là ôn nhuận như ngọc, rất giống với Hoàng thượng."
Nói xong còn muốn hành đại lễ với cậu.
Trong thoáng chốc cậu đã muốn đứng lên đỡ ông ta, nhưng ánh mắt của phụ hoàng nãy giờ vẫn đặt ở chỗ cậu, khẽ nhìn qua liền thấy khuôn mặt của người đã quay lại dáng vẻ thanh lãnh đầy quyền uy của một bậc Đế vương, mà không phải là vị phụ hoàng nhàn hạ ngồi trò chuyện với cậu khi nãy nữa.
Phụ hoàng biết là chuyện này xảy ra nhưng vẫn để cậu ngồi đây, đã thể hiện rõ ý tứ của người.
Khẽ cụp mắt, cậu không đứng dậy đỡ Thừa tướng đại nhân như trong suy nghĩ của ông ta mà vẫn ngồi yên trên bảo tọa, giọng non nớt đáp: "Tạ ân Thừa tướng đại nhân."
Thừa tướng Thác Hàn Minh lúc này vẫn còn quỳ dưới sàn có hơi đờ người, tiểu tử này đáng tuổi chất tử ông ta nhưng bây giờ đang ở trên bảo tọa quyền uy kia nhìn xuống, khiến lão ảm đảm thần thương*, nhưng không dám tỏ vẻ gì, mãi vẫn chưa thấy tiểu Hoàng tử ban ngồi, lão thần tử như ông ta dù có bất mãn cũng không thể tùy tiện đứng lên.
(*Ảm đảm thần thương: Tâm trạng tồi tệ, u ám)
(Tác giả giải thích: là như vầy nè, lễ tiết Đại La quy định những người có bối phận thấp khi hành đại lễ với người có bối phận cao hơn mình thì phải có sự đồng ý của người ta thì mới được đứng lên. Nếu ở nơi khác thì Thừa tướng còn có thể bất chấp lễ nghi mà tự đứng lên, dù gì cũng là đại quan đứng đầu trong triều, nhưng bây giờ trước mặt ông ta là Thiên tử thì lễ nghi không thể qua loa, nên mới phải đợi tiểu Hoàng tử ban ngồi mới được ngồi.)
Triệu Thái úy lúc này đang an tọa ở chỗ của mình thấy vậy đúng là hả hê trong lòng, còn không phải bình thường Thừa tướng lúc nào cũng tỏ vẻ thanh cao hay sao. Bây giờ thì hay rồi, lúc nãy Hoàng thượng ban ngồi không chịu ngồi, còn phải tỏ vẻ với tiểu hoàng tử mới chịu, bây giờ có muốn ngồi cũng phải đợi ý tứ của tiểu hài tử, đúng là khiến người khác sáng mắt.
Dương Ngự sử thì vẫn bất động thanh sắc, ông ta biết tính tình của Thừa tướng rất trọng sĩ diện, may cho Thác Hàn Minh là bây giờ trên Nhất Lãm lâu này không có người khác, nếu không khí tiết của Thừa tướng chẳng phải mất hết rồi sao.
Mãi một lúc sau Hoàn Thịnh Thư mới ban ngồi cho Thác Hàn Thừa tướng.
Khuôn mặt già nua của Thác Hàn Minh lúc này đã có chút nhăn nhó khó phát hiện.
Hoàn Thịnh Thư vẫn ngồi ngay ngắn trên bảo tọa, lúc nãy chỉ có phụ hoàng và cậu thì có thể liếc mắt nhìn ngắm lung tung, nhưng bây giờ ba vị đại quan đứng đầu trong triều đang ở đây nên cậu không thể qua loa.
Nên là cậu không thấy được ý cười nơi đáy mắt của vị phụ hoàng kế bên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.