Chuyến tiến cung đầy phong ba cứ thế kết thúc, Đức phi không triệu ta vào nữa, ta lại bắt đầu những ngày tháng hầu hạ bên cạnh Cao Yển.
Ngày hôm sau, Tần vương phủ chào đón một vị khách hiếm hoi, chính là Ngô Vân Thiều mà Thanh Đại nhắc từ ngày này qua tháng nọ. Nàng mang theo mấy bản nhạc phổ, nhìn những bản nhạc chép trên trang giấy rất có cảm giác hoài niệm tháng năm, nàng nói: “Hôm qua Ngũ gia đi vội quá, đến cả mấy bản nhạc này cũng không cầm đi, biểu ca nhờ ta hôm nay đưa tới đây.”
Cao Yển ra hiệu bảo ta nhận lấy, giọng điềm nhiên đáp: “Làm phiền Ngô tiểu thư rồi.”
Trước thái độ hời hợt của Cao Yển, Ngô Vân Thiều chẳng hề nao núng mà thậm chí còn niềm nở hơn: “Không biết hôm qua có chuyện gì mà Ngũ gia sốt sắng thế? Ta với biểu ca ở Tề vương phủ hoang mang lắm đấy.”
“Chút việc nhỏ thôi, không đáng nhắc.” Cao Yển lịch sự mà xa lánh, tuy nhiên sắc mặt không còn u ám như ngày thường.
Ngô Vân Thiều thấy vẫn chưa thông, bèn kiên nhẫn nói thêm: “Với cả, hôm qua ta có xem qua bản nhạc này, lấy đàn ra tấu nhưng có mấy chỗ gảy kiểu gì cũng không mượt, có thể là do học nghệ của ta hãy còn thấp. Biểu ca bảo Ngũ gia tinh thông nhạc lý nên ta mới chủ động nhận việc đưa đồ, chẳng biết Ngũ gia có thời gian chỉ điểm đôi chút hay không?”
Cao Yển là con cháu hoàng gia, chắc chắn đã tiếp xúc với kiến thức nhạc lý, sách ngày trước y bảo ta chép đa số đều là bản nhạc, có điều quả đúng là ta chưa nhìn thấy y chơi nhạc cụ bao giờ.
Đối diện với ánh mắt khát khao không chút giấu giếm của Ngô Vân Thiều, nói thực ta khá là bội phục nàng, cho dù có đặt ở hiện đại thì khi đứng trước mặt một người đàn ông thô như cục đá, sợ là phần lớn các cô gái đã bắt đầu thoái chí rút lui, rất ít người giữ vững được tinh thần dũng khí.
Cao Yển trầm ngâm một hồi mới nói: “Không mượt chỗ nào?”
Hai mắt Ngô Vân Thiều bỗng chốc sáng bừng như sao, đứng phắt người dậy cầm lấy bản nhạc từ tay ta chỉ cho Cao Yển. Ta yên lặng lùi về phía sau nửa bước nhìn Cao Yển buông mắt coi bản nhạc trong tay Ngô Vân Thiều, trong khi ánh mắt nàng thì đang lén lút dán chặt lên người y. Nếu người ngoài trông vào sẽ chỉ thấy cảnh tượng này vô cùng mãn nhãn.
Lát sau Cao Yển ngước lên bảo: “Bản nhạc này không có gì bất thường, phải tấu mới biết vấn đề nằm ở chỗ nào. Chỉ là bình thường ta không chơi nhạc cụ, cổ cầm bỏ không trong phòng kho giờ chắc mất hết âm chuẩn rồi…”
“Không sao, ta sẽ chỉnh lại.” Ngô Vân Thiều tiếp lời không chút lưỡng lự.
Cao Yển chớp mắt, lướt thoáng qua ta rồi nhìn Lý Mậu Sơn: “Ông vào khố vòng lấy đàn tranh ra đây.”
Lý Mậu Sơn lên tiếng đáp rồi rời đi, Cao Yển lại chuyển mắt sang chỗ ta, dừng một chốc, không đợi y mở miệng ta đã lên tiếng trước: “Nô tỳ đi xuống chuẩn bị nước trà.”
Cao Yển không nói lời nào, thu tầm nhìn về.
Ta vào phòng trà pha ấm trà mới, trên đường về vô tình thấy nha hoàn Ngô Vân Thiều dẫn đến hình như đang nói gì đó với hạ nhân của quý phủ, ta liếc nhìn rồi cất bước đi. Nếu nha hoàn của Ngô Vân Thiều đã không thậm thụt né tránh thì hẳn cũng chả phải làm chuyện gì đáng xấu hổ.
Vừa đến chính viện đã bắt gặp có hai cái đầu ló ra ở chỗ cửa viện. Vốn định giả vờ như không thấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng ta vẫn lò dò đi qua: “Trong phòng hiện đang có khách, các cô làm thế không sợ làm chủ tử nổi giận à?”
Thanh Đại Và Châu Ngọc nhìn nhau cười khà khà, tủm tỉm nói với ta: “Chúng tôi biết trong phòng có khách nên mới không cầm lòng được mà đến xem thử thế nào, nói không chừng tương lai khách ấy sẽ là… hì hì…”
Hai cô nha hoàn đùa giỡn tôi đẩy cô, cô đùn tôi. Ta chẳng biết nói gì hơn, đành mở miệng cảnh cáo: “Các cô đừng có ỷ dạo này tính tình Ngũ gia thoải mái hòa nhã với hạ nhân mà làm tới, ngộ nhỡ làm khách phật lòng thì không ai giữ được đầu cho các cô đâu.”
Thấy ta trợn mắt dọa dẫm như thật, hai cô ấy vẫn chẳng buồn để ý, Châu Ngọc chen một câu: “Ban nãy Đồ Mi tỷ tỷ thấy rõ không, tiểu thư Ngô gia có phải xinh đẹp như tiên nữ không?”
Đang định nói thì từ đằng sau chợt truyền đến tiếng gảy đàn. Thanh Đại ngạc nhiên bảo: “Tôi ở trong phủ bao nhiêu năm mà chưa từng thấy Ngũ gia chơi đàn, xem ra tiểu thư Ngô gia này đúng là không bình thường.”
Ta ngoái đầu, vừa khéo thấy Hàm Ngọc đứng ở cửa bèn đưa luôn cái khay trong tay mình qua nhờ cô ấy đưa vào. Hàm Ngọc cũng nhìn thấy bọn Thanh Đại, chắc là nghĩ ta ham chơi nên cũng không nhiều lời, nhận lấy khay rồi xoay người vào phòng. Ta hoạt động gân cốt, duỗi tay túm Thanh Đại và Châu Ngọc lại dứt khoát đuổi hai người họ về phòng giặt. Khác với hai tên máu hóng hớt lên não này, ta chưa từng nghĩ tới việc Tần vương phủ mà có nữ chủ nhân thì sẽ ra sao, có lẽ giống như lời Thanh Đại nói lúc trước đi, tất cả mọi người sẽ có cuộc sống thoải mái hơn.
Tán dóc vài câu với Thái ma ma, nhập nhoạng tối ta mới quay về viện. Dọc đường đúng lúc gặp Ngô Vân Thiều sắp rời đi, Lý Mậu Sơn bên cạnh dẫn đường cho nàng, ta vội vàng dạt sang cúi đầu hành lễ. Không rõ có phải do ảo giác không, ta cảm thấy dường như Ngô Vân Thiều nhìn ta một lúc rồi mới tiếp tục đi ra ngoài.
Lúc trở lại phòng Cao Yển, thấy nhạc phổ và cổ cầm lộn xộn trên bàn, ta bắt đầu lặng lẽ thu dọn. Cao Yển ngồi bên theo dõi hành động của ta bỗng nhiên cất giọng: “Ngươi hiểu nhạc lý không?”
Ta thành thật lắc đầu, y ngạc nhiên hỏi: “Không hiểu gì cả sao?”
Ta lại gật đầu.
Khóe mắt Cao Yển như chứa nét cười: “Ngươi biết nhiều chữ như thế, sao lại không hiểu chút gì về bản nhạc?”
Ta hơi lúng túng nói: “Tuy nô tỳ có thể nhận biết từng chữ trong bản nhạc này, nhưng nếu ghép tất cả vào cùng một chỗ thì nô tỳ chẳng hiểu gì nữa.”
“Nếu ngươi muốn học…”
“Nô tỳ không muốn học.” Ta vội vã mở miệng, cảm thấy thái độ của mình có vẻ quyết liệt, thế rồi ta biện bạch ngay: “Nô tỳ mít đặc với mấy thể loại nhạc lý, sợ là học rồi lại ngơ ngơ, không muốn lãng phí đầu óc vào những thứ như này.”
Không thể trách ta được, hồi còn ở hiện đại, ngũ âm của ta đã không được đầy đủ, nghiễm nhiên đối với âm nhạc, quan điểm của ta luôn là - tôn trọng nhưng không mó vào.
Cao Yển không nói thêm nữa, nhưng khi quan sát vẻ mặt y ta cứ luôn cảm giác như y đang chê cười mình. Mấy ngày kế tiếp, mỗi lần dẫn ta tới Đông cung, Cao Yển đều bị “ghẻ lạnh”. Đoán chừng là do Cao Giới đã nhận ra Cao Yển và Cao Hoằng Lãng ngày càng thân thiết với nhau, lúc nào hắn cũng lấy lý do bận rộn để đuổi Cao Yển đi.
Không quá vài ngày sau, nguyên nhân vì sao khi trước Cao Yển liên tục lai vãng Tề vương phủ đã được làm sáng tỏ. Đồng thời, người trong kinh thành ai ai cũng bị một tin tức thu hút, đó chính là Cao Hoàng Lãng đã điều tra ra được lai lịch của bọn áo xám hành thích ngoài thành ngày hôm đó. Cao Hoằng Lãng không hề độc chiếm công lao, mà thay vào đó chủ động đề cập đến việc nhờ có sự giúp đỡ của Cao Yển mới tra ra kết quả. Nghe nói bọn áo xám là nhóm tội phạm xấu xa khét tiếng ở bắc Thiểm Tây, trước đây chiếm đóng trong núi sâu, hay tin kinh thành xuất hiện dịch bệnh nên nảy âm mưu cháy nhà đi hôi của, trùng hợp là chạm trán đoàn người của thái tử phi đã ra khỏi thành.
Hoàng đế trực tiếp hạ lệnh cho Cao Hoằng Lãng đưa binh đi vây quét, ắt phải trừ diệt tận gốc rễ, miễn cho bọn chúng lại gây tai họa một phương. Song song, Tần vương phủ khó có khi nhận được phần thưởng hoàng đế ban, toàn bộ đều là trang sức tinh xảo hiếm có, tuy lộng lẫy ấy mà vô dụng.
Tựa hồ mọi người đều rất hài lòng với kết quả này, không còn bất cứ người nào dị nghị, dẫu vậy lòng ta lại sáng rõ như gương. Bọn áo xám hành thích hôm đó từ đầu chí cuối không che mặt, như là đang chờ có kẻ tra tới cửa, nếu chúng thực sự vì mục đích tiền vàng lợi lộc như Cao Hoằng Lãng tra, vậy thì lý do gì bọn chúng lại nhanh chóng bỏ đi khi phát hiện người mặc hoa phục là ta chứ không phải thái tử phi? Câu nói “Hỏng, trúng kế rồi” đó, chứng tỏ Tương Nhã Đồng mới là mục tiêu của chúng.
Còn trăm mối nghi vấn đặt ra, nhưng hoàng đế đã đi đến kết luận, một nô tỳ như ta dù có cái cớ trọn vẹn đấy, nhưng có ích lợi gì đâu? Có lẽ không chỉ mỗi mình ta, cả Đông cung cũng không quá hài lòng với kết quả này. Nên thái độ của Cao Giới với Cao Yển vẫn chưa dịu đi chút nào, mơ hồ còn có xu hướng chuyển biến xấu rõ rệt.
Không biết ai để lộ tin đồn, nói thái tử trách Tần vương không chăm sóc thái tử phi chu đáo, chỉ vì lúc ấy thái tử không được tự ý ra khỏi cung mới giao việc cho Tần vương - người hắn luôn tín nhiệm, kết quả suýt chút nữa thì hại thái tử phi một xác hai mạng mãi mãi ra đi.
Bề ngoài, nguyên nhân cụ thể vụ Tương Nhã Đồng bị tập kích không một người nhắc lại, dù sao tình hình hiện giờ với đại đa số mọi người đã là kết quả tốt nhất. Việc trấn áp thích khách có thể nổi tiếng, và cũng dùng hành động để nói cho mọi người biết, thể diện của hoàng gia là bất khả xâm phạm.
Cao Yển sau vài lần bị Cao Giới từ chối, hành tung càng thêm bí ẩn, ngay cả Tần vương phủ cũng tịch mịch hơn xưa rất nhiều. Tất cả hạ nhân đều coi như không biết gì, chuyên tâm làm việc của mình. Năm nay phong ba ồ ạt, hết tai họa này đến tai họa khác ập xuống làm con người ta trở tay chả kịp. Hoàng trưởng tôn qua đời vì dịch bệnh ấy dường như cũng đã bị đẩy vào lãng quên. Chắc chỉ còn mỗi tên nô tài vô dụng là ta nhớ nó, vì vô dụng, nên cũng chỉ là nhớ mà thôi.
Mấy ngày liền không thấy Cao Yển đâu, ăn cơm tối xong, định lén về phòng mình thì chợt thấy Lý Mậu Sơn ôm chiếc áo choàng màu đen đi ra từ phòng Cao Yển. Trông thấy ta, đôi mắt Lý Mậu Sơn tức thì bừng sáng, ông ta vừa đấm đấm eo vừa mỏi mệt lê tới chỗ ta, lẩm bẩm làu bàu: “Ôi chao… từng tuổi này rồi, xương cốt không bằng ngày xưa nữa, đi hai bước là đau cái lưng nhức cái eo.”
“Công công muốn làm gì? Có cần tôi giúp một tay không?” Ta đành phụ họa theo.
Nhất thời ông ta như cưỡi gió, đi vèo đến nhét áo choàng vào tay ta, bảo: “Quý hóa quá, Ngũ gia đang ở nhà thủy tạ bên ao nước ở hậu viện đấy. Trời cũng sắp tối rồi, ta về lấy cái áo choàng thôi, nhưng nếu cô đã muốn giúp thì ta không qua đó nữa, tóm lại là chân cô nhanh nhẹn hơn chân ta.”
Tuổi cao tốt thế đấy, cái chiêu cậy già lên mặt này ông ta đã học thạo mười mươi rồi.
Nhưng mà dù sao cũng chỉ đi có mấy bước thôi, khéo là ta vừa ăn cơm tối xong, cũng định tản bộ nên rất thức thời đồng ý.
Đứng ôm áo choàng từ xa xa đã thấy Cao Yển đứng ở bờ ao, ngọn đèn trong đài kéo dài bóng dáng y thon dài mảnh mai. Ta tới gần hơn chút mới cất tiếng: “Ngũ gia, nô tỳ đến đưa áo choàng cho ngài.”
Nghe được giọng ta, Cao Yển hơi sửng sốt ngoảnh đầu lại, nét mỏi mệt sâu trong mắt vẫn chưa kịp dập tắt.
Ta vờ như chẳng biết, mở miệng giải thích: “Lý công công đi chậm, sợ Ngũ gia bị lạnh nên nô tỳ đến đây trước.”
Cao Yển quay đi, chỉ “ừ” một tiếng. Thấy y vẫn bất động, ta lại phải tiến gần thêm, đứng đằng sau kiễng chân khoác áo lên cho y. Cẩn thận sửa sang lại chiếc áo choàng, ta chưa buông dứt áo thì đột nhiên cổ tay đã bị y nắm lấy. Gió đêm mơn man lành lạnh, lòng bàn tay y lại nóng như có lửa.
Cao Yển hơi dùng sức, nháy mắt ta đã bị kéo tới trước mặt y, ta sợ đến độ nín cả thở. Chẳng lẽ vừa nãy khoác áo choàng ta vô tình siết phải cổ y rồi sao?
“Ngũ gia…”
“Năm nay ngươi bao nhiêu?” Giọng Cao Yển vang vang trên đầu.
Ta ngẩn người, đối diện với tầm mắt đi xuống của y, không hề thấy vẻ buồn bực, bấy giờ ta mới bình tĩnh đáp: “Mười… mười tám.”
Cao Yển nhìn ta hồi lâu mới dời mắt đi, tay cũng buông ra theo, khép tấm áo choàng sát vào người.
Ta vội vã lùi về sau đứng ngay ngắn, chỉ là chẳng hiểu vì sao, dường như trái tim trong lồng ngực hẵng còn đập “thịch thịch” không ngừng.
Cao Yển hết sức ung dung, im lặng một lúc, như nghĩ ra điều gì lại nói với ta: “Nhớ lúc trước ngươi từng nhắc cây trâm của ngươi rơi vào trong ao này, sau đó có tìm được chưa?”
Ta hít sâu mới mấy ổn định tinh thần: “Không ạ.”
Y thoáng nhìn qua, vẻ mặt khó lường: “Chẳng phải ngươi nói cây trâm đó rất quan trọng với ngươi ư? Sao không thấy ngươi đi tìm gì thế?”
Cúi đầu nhìn mũi chân mình, viền hài giặt tới mức bạc hết màu, ta chậm rãi nói: “Kỳ thực cây trâm đó là món quà đệ đệ nô tỳ tặng hồi còn nhỏ, ban đầu là muốn giữ làm kỷ niệm, có điều về sau nhớ lại, người còn tìm chẳng thấy, cớ gì phải vì một cây trâm mà lưu luyến không buông.”
“Nếu ngươi muốn tìm người nhà, có lẽ vẫn còn khả năng…”
“Không muốn.”
Cao yển chưa nói hết ta đã cắt ngang, thấy ánh mắt ngập tràn khó hiểu của y, ta không quá muộn phiền như tưởng tượng: “Đã xa cách bảy năm, dù có tìm được người cũng không tìm về được thân tình khi xưa. Có lẽ cây trâm mất đi là đang ám chỉ, ông trời nhắc nhở nô tỳ không được chìm đắm trong quá khứ, mà phải bắt đầu lại một lần nữa.”
Tháng năm ròng rã, vết thương mà bản thân luôn e dè ngần ấy năm rốt cuộc cũng từ từ lành lại.
Đôi mắt Cao Yển có vẻ vô định, có vài khoảnh khắc ta cảm tưởng tuy y đang nhìn ta, nhưng trong mắt kia lại không phải là ta. Qua hồi lâu, như đã định thần, y thấp giọng bảo: “Cũng được, như thế cũng được, coi như cây trâm kia đã hết bổn phận của nó.”
Trời càng tối càng lạnh, đứng một chốc mà ta đã rét run, nhịn không được thì thào nhắc: “Ngũ gia, hôm nay hay là về đi, bờ ao ẩm ướt, Ngũ gia đừng để bị lạnh.”
Quay đầu nhìn thấy ta run lẩy bẩy, tựa hồ hiện lên trong con ngươi y nét bất dĩ, cuối cùng cũng xoay gót đi về hướng viện. Đi được mấy bước, y bỗng nâng ta cởi áo choàng xuống quăng sang cho ta: “Ta không cần cái này, ngươi cầm về cho ta đi.”
Ta luống cuống tay chân bắt lấy, trên áo choàng còn lưu lại nhiệt độ cơ thể người.
Sau đêm đó, Cao Yển không còn thiết tha đến Đông cung nữa, người ngoài nhìn vào có thể cảm thấy y đã chịu lạnh nhạt đủ rồi, bắt đầu thấy khó chịu.
(còn tiếp)