Cô Thành Bế

Chương 4: Bóng mây




Sang xuân, bệnh tình con gái Trương mỹ nhân Ấu Ngộ trở nặng, đến tháng Tư, thái y tỏ ý hết đường xoay chuyển. Kim thượng lòng nóng như lửa đốt, thoạt đầu gia phong Ấu Ngộ làm Đặng quốc công chúa, qua vài ngày lại phong làm Tề quốc trưởng công chúa, trên hàng công chúa Phúc Khang. Song xung hỉ như vậy rồi vẫn chẳng thể xua bệnh trừ tai, không bao lâu sau, tin dữ truyền khắp trong ngoài: Tề quốc trưởng công chúa hoăng.
Vừa hay tin, Phúc Khang công chúa đã bật khóc. Nàng tuy căm ghét Trương mỹ nhân nhưng không hề có địch ý gì với con gái và con nuôi của ả, thậm chí còn rất thích chơi với họ, em gái còn thơ đã qua đời, nàng thật lòng muôn phần thương tiếc.
Nàng khóc không thành tiếng mà nói với ta: “Ta muốn đi xem Ấu Ngộ.”
Ta do dự, nhớ đến sự kiện vu cổ khi trước.
Nàng hiểu nhiên nhìn ra được ta nghĩ gì. “Ca ca,” Lần này, nàng gọi ta như vậy với giọng vô cùng nghiêm túc, “Ta chưa từng trù ếm Ấu Ngộ.”
Ta gật đầu, hé một nụ cười ôn hòa với nàng: “Thần biết.”
Thế nhưng Trương mỹ nhân chưa chắc đã biết. Lúc ta chuyển cáo nguyện vọng của công chúa đến Miêu chiêu dung, xin chỉ thị của bà, chiêu dung cũng thở dài: “Huy Nhu mà đi lúc này chẳng phải là đâm đầu vào mũi dao của Trương nương tử ư?”
Bà ngầm ủy thác Vương Chiêu Minh hỏi ý kim thượng, kim thượng mệnh công chúa hôm sau hẵng đi, đồng thời mặc áo gai đưa tiễn Ấu Ngộ.
Trẻ nhỏ mất khi chưa đầy tám tuổi được quy là chết non không để tang, người nhà vốn không cần mặc tang phục. Quan gia yêu cầu hoàng trưởng nữ mặc áo gai vì ấu nữ, kỳ thực không hợp với lễ nghi, khiến tang lễ của Ấu Ngộ trở nên quá trang trọng, cũng có phần thiệt thòi cho Phúc Khang công chúa, nhưng công chúa chẳng oán thán nửa lời, hôm sau quả thật mặc áo gai đến lễ tế.
Trong Tường Loan Các của Trương mỹ nhân vấn vít khói xanh, một nhóm tăng nhân ngồi thành hàng tụng kinh, Trương mỹ nhân coi giữ trước linh cữu Ấu Ngộ, hẳn là do trước đó khóc quá nhiều nên lúc này hai mắt sưng đỏ, thần sắc dại đờ, không chút sức sống. Kim thượng ngồi bên cạnh ả, thỉnh thoảng an ủi đôi câu, song đến bản thân cũng không cầm được liên tục lau nước mắt.
Lúc Trương mỹ nhân thấy Miêu chiêu dung và Phúc Khang công chúa, bỗng như tỉnh lại, nhếch miệng cười lạnh giá: “Lần thứ ba rồi, các người còn chưa hài lòng sao?”
Ta theo công chúa đi vào, nghe lời này nhất thời chưa hiểu, còn đang nghĩ ngợi, ánh mắt sắc nhọn của Trương mỹ nhân đã đâm thẳng về phía mẹ con Miêu chiêu dung: “Cảnh Thọ chết, Bảo Hòa cũng chết, giờ đến Ấu Ngộ các người cũng không buông tha! Ta biết các người hận ta, vậy cứ xin quan gia giết ta đi là được rồi, vì sao lại hại con gái ta?”
Cảnh Thọ công chúa và Bảo Hòa công chúa là hoàng nữ thứ ba và thứ tư do Trương mỹ nhân sinh hạ, năm xưa cũng lần lượt chết non. Nghe ý Trương mỹ nhân có vẻ như là nghi ngờ cả ba đứa con gái của mình đều chết oan chết uổng. Lại có việc con rối trước đó, ả liền đổ hết giận dữ lên đầu công chúa và Miêu chiêu dung.
Ả càng nói càng căm phẫn, đứng dậy xông về phía công chúa. Kim thượng vội vàng rời chỗ kéo ả lại.
Công chúa ứa nước mắt, lắc đầu nguầy nguậy, thanh minh: “Ta chưa từng hại Ấu Ngộ, ta chưa từng hại một muội muội nào…”
Trương mỹ nhân hoàn toàn bỏ ngoài tai lời nàng biện bạch. Sự xuất hiện của công chúa cho ả lý do để phun trào lửa giận, ả tiếp tục khóc mắng, nguyền rủa người được cho là hại con gái ả, mắng một hồi lại dâng ngập bi thương, quay người tựa vào kim thượng, bắt đầu hồi tưởng lại từng chuyện từng chuyện trước khi ba đứa con gái lâm chung.
Theo lời tâm sự liên miên, nét mặt ả từ từ dịu lại, ngữ điệu cũng êm ái dần lên: “… Ấu Ngộ rất ngoan, sợ thiếp đau lòng, lúc khó chịu nhất cũng không rên đau, thấy thiếp rơi lệ còn vươn tay lau cho thiếp, nói: ‘Tỷ tỷ đừng khóc, hoa bột sẽ rơi mất’… Về sau đến thở cũng không thở được, mặt mũi đỏ rực mà còn cố gắng cười với thiếp… Thiếp cứ ôm nó mãi, ôm nó mãi, mặt nó áp lên ngực thiếp, tay còn nắm mép áo thiếp, thân mình lại càng lúc càng lạnh…”
Kim thượng ôm ả, khẽ nghiêng người, đưa lưng về phía bọn ta, bọn ta tạm thời không thấy được vẻ mặt ngài, nhưng thấy hai vai ngài hơi run run, ắt là đang cố nén tiếng đau buồn.
Câu sau cuối của Trương mỹ nhân ta nghe mà cũng rớm lệ. Bỏ đi vỏ bọc ngông cuồng bên ngoài, ả lúc này cũng chỉ là một người mẹ sầu khổ.
Công chúa lau nước mắt, tiến lên trước, định châm hương bái lạy, Trương mỹ nhân lại lạnh lùng buông lời: “Mời công chúa về cho, ta nghĩ hiện giờ Ấu Ngộ cũng không muốn thấy cô.”
Công chúa lại gần ả hai bước, ngẩng mặt nhìn ả, mang theo vẻ thành khẩn chưa bao giờ dành cho Trương mỹ nhân: “Trương nương tử, ta…”
Hẳn là nàng muốn giải thích điều gì đó với Trương mỹ nhân, nhưng Trương mỹ nhân lập tức ngắt lời nàng, không chút lưu tình hạ lệnh đuổi khách: “Ra ngoài!”
Công chúa rưng rưng nhìn kim thượng: “Cha…”
Kim thượng thở dài, phất tay: “Con về đi.”
Công chúa không chịu đi, nghẹn ngào: “Cha, cha nghe con nói…”
“Cút ra ngoài!” Trương mỹ nhân nổi giận trở lại, nhìn chòng chọc áo gai công chúa mặc, mát mẻ: “Tang phục thì chưa chắc là mặc để giả mù sa mưa. Cô cho rằng mặc mười lớp áo sô là có thể chuộc lại tội lỗi của cô, đổi được Ấu Ngộ trở về sao?”
Ả nói vậy làm khơi dậy cơn nóng máu trong công chúa, nàng đứng thẳng dậy, nhíu mày lạnh nhạt nói: “Ta chưa từng làm chuyện bà nói, không có lỗi gì để chuộc hết.”
“Đủ rồi, Huy Nhu!” Kim thượng hốt nhiên cao giọng quát, “Ra ngoài, đi ra ngay!”
Công chúa sững sờ nhìn phụ thân, thấy thần sắc ngài nghiêm nghị, không chút bóng dáng từ ái thường ngày, nàng buông mi, hai hàng lệ rơi xuống, xoay người chạy vụt ra ngoài.
Ta, Hàn thị và các cung nhân thuộc Nghi Phượng Các nối đuôi chạy theo, đuổi tới bên ngoài Tường Loan Các, công chúa dừng bước quay đầu, gầm lên: “Tất cả đứng lại! Ai theo ta chém đầu!”
Mọi người bất đắc dĩ dừng chân, công chúa lại tiếp tục cất bước chạy về phía trước. Hàn thị giật giật ống tay áo ta, hất cằm ra hiệu về phía bóng lưng công chúa, ta hiểu ý thị, nhanh chóng đuổi theo.
Hậu cung cũng chỉ có chừng đó, nàng chạy tới chạy lui, cuối cùng vẫn là chạy tới Hậu uyển, dựa vào một hòn giả sơn ngồi xuống, buông tiếng khóc nức.
Ta biết nàng rất tủi thân, giờ khóc được là tốt nên cũng không đi an ủi nàng, chỉ yên lặng trông coi sau lưng nàng. Nàng rất nhanh phát hiện ra, lại đứng lên chạy sang chỗ khác ngồi, khóc tiếp. Ta lại theo qua, nàng cũng biết, lần này chỉ ngước mắt trừng ta, không đổi chỗ nữa.
Nàng khóc hồi lâu, đúng kiểu trẻ con không kiêng dè gì tới dung mạo, nước mắt chan chứa, lại không mang khăn tay, bèn kéo tay áo lên lau, chẳng mấy chốc tay áo đã ướt sũng phân nửa. Thấy nàng còn định lau nước mũi, ta đi tới trước mặt nàng, khom lưng đưa ống tay áo sạch sẽ của mình vào tầm mắt nàng.
Nàng nhìn nhìn, cũng không khách khí, kéo ống tay áo ta hỉ mũi.
Lau mũi thản nhiên thế làm ta không khỏi buồn cười.
Nàng “hừ” một tiếng, con mắt đen láy trừng thẳng ta, hỏi: “Huynh làm gì theo ta như cái bóng thế?”
“… Thần không như cái bóng.” Ta trả lời nàng vậy, không suy xét bao lâu, “Thần là cái bóng của công chúa. Công chúa ở đâu thì thần ở đó.”
Nàng im lặng nhìn ta chằm chằm một lúc trước rồi ngửa đầu nhìn trời, hai mắt chợt sáng ngời, nhảy cẫng lên chạy tới một chỗ trống không có bóng râm cây cối, khép chân đứng thẳng, hai tay cũng buông thõng bên người, ngẩng lên nhìn ta, cố gắng duy trì tư thế bất động, gọi: “Huynh xem mặt đất đi!”
Trước sau nàng nắng vàng rực rỡ, không có lấy một vụn bóng. Thì ra hiện giờ mặt trời đã lên cao, vừa vặn đương chính ngọ, nàng thu người đứng thẳng như vậy tất nhiên là gần như nhìn không thấy bóng.
“Bóng ở đâu nào? Hoài Cát ở đâu nào?” Nàng cười hỏi.
Ta mỉm cười với nàng, không đáp.
“Dốt quá!” Nàng kết luận về ta, ngay sau đó nói với ta đáp án mà nàng cho là thích hợp, “Huynh có thể đáp thế này: ‘Bóng nằm dưới chân công chúa, Hoài Cát trong lòng công chúa’.”
Nàng cười hồn nhiên dưới ánh mặt trời, không để ý đến cơn kinh hãi phủ trùm ta khi đó. Ta nghĩ nàng căn bản không nhìn ra ý ám muội trong câu nói này, chẳng qua chỉ trần thuật như một sự thật, như đám mây trôi trên khói sóng, như tơ liễu bay trong tường cung.
Đưa công chúa trở lại Nghi Phượng Các, buổi chiều nàng trở về phòng nghỉ, Miêu chiêu dung vời ta lại sảnh, hỏi ta chi tiết khoảng thời gian công chúa ra Hậu uyển, ta thuật lại một số, chuyện “cái bóng” tất nhiên là lược đi không đề cập tới.
Khi ấy Du tiệp dư cũng có mặt, nghe xong than thở: “Lần này đúng là thiệt thòi cho công chúa quá… Miêu tỷ tỷ, chị cũng hiền quá rồi, đổi lại là em, bị Trương nương tử mắng oan như thế chỉ sợ chẳng nhịn nổi, thể nào cũng phải vặc lại cô ả một câu: ‘Cô nghi ta, ta chưa nghi cô thì thôi! Từ lúc cô được sủng ái, sao trẻ con ra đời trong cung không đứa nào lớn lên được thế?’”
Miêu chiêu dung cười, nói: “Cô ả nổi điên chẳng lẽ ta lại đi chấp? Nói đi cũng phải nói lại, cô ả cũng đáng thương mà, sinh được ba đứa con gái mất mất cả ba, tâm trạng không tốt là đương nhiên, chúng ta tạm thời cứ nhịn đi, tội gì cãi cọ với cô ả lúc này.”
“Tâm trạng không tốt thì có thể cắn người bậy bạ?” Du tiệp dư không nghĩ vậy, lại bảo: “Lúc Sùng Khánh nhà em chết, em có nghĩ gì đến chuyện há mồm nói xằng là nó bị hại chết đâu.”
Sùng Khánh công chúa là hoàng thứ nữ do Du tiệp dư sinh hạ, cũng chết non khi còn bé.
Miêu chiêu dung nghe vậy ủ ê: “Còn không phải à, lúc Tối Hưng Lai hoăng, ta khóc nẫu cả ruột nhưng cũng chẳng nghi ngờ là người ngoài ra tay hiểm độc…”
Tối Hưng Lai là nhũ danh của hoàng tử Dự vương Hân. Lúc Miêu chiêu dung sinh hoàng tử, kim thượng từng mơ thấy thần nhân cho ba chữ “Tối Hưng Lai”, bèn lấy đó làm nhũ danh cho hoàng tử. Dự vương tư chất sáng láng, kim thượng yêu thương vô cùng, đáng tiếc chưa đến nửa năm đã mất, kim thượng và Miêu chiêu dung đau buồn không thôi, đến nay vẫn nhớ mãi không quên.
Nhắc tới con trai, Miêu chiêu dung rầu rầu muốn rơi lệ, Du tiệp dư vội vàng cười nói: “Đang yên đang lành, em nói mấy cái này làm gì thế không biết? Lại đâm làm tỷ tỷ buồn.”
Miêu chiêu dung thở dài: “Không phải lỗi của em. Chị em ta đồng bệnh tương liên, nói gì cũng đều thấu hiểu được nhau, không cần phải giải thích.”
Du tiệp dư đáp phải, cảm thán: “Cùng là người hầu hạ quan gia mà sao chênh lệch quá? Chủ nhân trong cung càn quấy được như cô ả ngoài đằng ấy ra cũng chẳng còn ai khác. Em chỉ không rõ, bên quan gia có tiểu thư khuê các hiền thục thông tuệ, cũng có gái rượu nhà lành thùy mị nết na, mà sao cứ đi sủng một đào kép xuất thân lụn bại như thế? Ừ thì cô ả cũng xinh đẹp đấy, nhưng có đẹp được lên trời đâu?”
Ta từng nghe người ta kể về thân thế Trương mỹ nhân. Phụ thân ả tên Trương Nghiêu Phong, thi đậu tiến sĩ nhưng mất sớm, mẫu thân ả gửi con nhờ anh họ Trương Nghiêu Phong là Trương Nghiêu Tá nuôi nấng. Sau, Trương Nghiêu Tá phải đi đất Thục nhậm chức, lấy cớ đường sá xa xôi, không chịu mang mấy đứa cháu mồ côi cha theo cùng. Mẫu thân Trương mỹ nhân lại mưu sinh không nổi, rơi vào đường cùng bán con gái cho nhà Ngụy quốc đại trưởng công chúa làm vũ nữ, mình thì tái giá đổi sang họ Kiển, sinh thêm một đứa con trai. Đại trưởng công chúa đưa Trương mỹ nhân vào cung, nạp tiến Tiên thiều bộ. Khi đó Trương mỹ nhân tuổi còn quá nhỏ, cung nhân Giả thị trông thấy yêu mến, bèn nhận làm con gái nuôi dưỡng. Trương mỹ nhân múa hát mấy năm, mãi đến khi gặp được kim thượng ở cung của Chương Huệ thái hậu. Hiện giờ được sủng ái, kim thượng và ả đều không nhắc đến khoảng thời gian khi xưa làm đào kép nữa, công bố với bên ngoài ả là con gái nuôi của Thẩm tiệp dư đời tiên đế, nhưng người trong cung đương nhiên sẽ không quên, thường ngầm gọi ả là “đào kép xuất thân lụn bại”.
“Em vào cung muộn hơn ta nên chuyện sớm hơn có thể không biết, trong đây có duyên cớ cả đó. » Miêu chiêu dung giải thích với Du tiệp dư nguyên nhân Trương thị đắc sủng, “Có lần cô ả múa cho Chương Huệ thái hậu xem, thái hậu cảm thấy cô ả tính tình khả ái, bèn giữ lại bên người. Thuở nhỏ quan gia được Chương Huệ thái hậu nuôi nấng, rất hiếu thuận với bà, sau thành niên cũng không quên sớm chiều thăm hỏi. Trương nương tử khi đó còn nhỏ tuổi, không lớn hơn Huy Nhu bây giờ bao nhiêu, một ngày nọ phát hiện ra con thỏ trắng mình nuôi chết mất, cổ họng có thương tích, nửa thân đẫm máu, cô ả khóc chết đi sống lại, sau đó có người nói với cô ả, thỏ có thể là bị chuột cắn chết, đúng lúc đó có con chuột chạy qua bên chân cô ả, cô ả vừa thấy đã nổi giận, xách váy chạy khắp đất, nhất định phải giết bằng được con chuột. Vừa vặn quan gia đi vào, trông thấy cảnh này, kể từ đó liền để ý đến cô ả, đợi cô ả lớn hơn chút là nạp về.”
Du tiệp dư bừng tỉnh đại ngộ, cười: “Hóa ra quan gia thích tính khí đó của ả.”
Miêu chiêu dung cũng cười: “Có lẽ trong mắt hoàng thượng, đó là tính khí thật mà ít cung nữ nào trong cung có… Về sau lại có người nói với Trương nương tử, thực ra con thỏ là bị tiểu cô nương ghen ghét cô ả giết. Chuyện chẳng biết thật giả thế nào, có điều từ đó trở đi, bệnh đa nghi đâm rễ trong Trương nương tử, gặp chỗ nào không thuận ý là hoài nghi có người hại mình. Giờ con gái qua đời, cô ả không ngờ vực mới là lạ đó.”
Dư tiệp dư nghĩ ngợi, lại nói: “Nhưng lúc trước ả lại tìm ra con rối ở Hậu uyển thật…” lời còn chưa dứt đã vội vã đổi lời: “Ả ngông cuồng như vậy, trong cung thiếu gì người oán hận ả. Gặp phải chuyện này suy cho cùng vẫn là do chính ả không biết điều.”
Miêu chiêu dung lắc đầu, thở dài: “Ai mà biết được…”
Lúc này, chiêu dung lại chú ý tới ta, bèn phân phó: “Vừa rồi quan gia sai người đến hỏi công chúa đã khá hơn chưa, ngươi đi sang gác Trương nương tử bẩm báo quan gia đi.”
Ta gật đầu ưng thuận. Du tiệp dư thấy lúc họ tán gẫu chuyện Trương mỹ nhân, ta một mực đứng hầu bên cạnh, cố ý mỉm cười dặn dò: “Nhưng mà đừng nhắc với người ngoài lời ta với Miêu chiêu dung nói đấy.”
Ta còn chưa đáp lời, Miêu chiêu dung đã mở miệng trước với tiệp dư: “Chuyện này thì em yên tâm. Đừng nhìn thằng bé nó còn nhỏ, so với rất nhiều cung nhân lâu năm còn thận trọng hơn đấy. Lại một lòng một dạ hầu hạ Huy Nhu, ta mới coi nó là người một nhà.”
Ta lại đi tới Tường Loan Các, Trương mỹ nhân không còn trong viện nữa, hẳn là khóc lâu nên đã được người đỡ vào nghỉ ngơi rồi. Nhác thấy ta, kim thượng lập tức vẫy tay gọi ta lại gần, tỉ mỉ hỏi tình hình của công chúa, dáng vẻ rất quan tâm.
Lúc này, một đám nội thị xếp thành hàng đi vào, trong tay đều bưng vải la tím. Kim thượng quay về phía tăng sư làm lễ cúng trong viện, nói: “Chúng tăng mỗi người một súc la tím.”
Làm lễ cúng trong cung, lệ thưởng cho chúng tăng có quy chế riêng, la tím không nằm trong đó, tất là kim thượng ban ân đặc biệt thưởng cho.
Chúng tăng nhân sôi nổi tạ ơn. Chẳng ngờ kim thượng lại đổi giọng, nghiêm túc dặn họ: “Sắp tới các ngươi ra khỏi cung từ Đông Hoa Môn, cần phải lưu ý, giấu la tím vào ngực, đừng để người bên Nội Đông Môn ty trông thấy, bằng không đài gián sẽ có lời.”
Chúng tăng ứng lời, không khỏi nhìn nhau tỏ vẻ kinh ngạc. Cung nhân hai bên tất nhiên là biết xưa nay kim thượng vẫn luôn e sợ gián quan, nghe nói vậy đều có phần buồn cười, song liếc trộm qua, phát hiện ra sắc mặt kim thượng không ổn, nét cười tức thì bị hù cho bay biến.
Ban đầu nói với chúng tăng, vẻ mặt ngài hãy còn rất ôn hòa, nhưng lúc đề cập tới “người bên Nội Đông Môn ty”, ánh mắt lại nghiêm lại. Dứt lời, trên mặt vẫn lạnh tanh như kết sương giá.
Nghe đến “Nội Đông Môn ty”, ta lập tức nghĩ đến Trương Mậu Tắc tiên sinh. Liên hệ với lần trước ngài im lặng lúc ta đề cập đến thầy trước mặt ngài, ta thầm dậy lên chút hoài nghi, Trương tiên sinh khiến quan gia không vui không phải là do thầy quản lý người vật xuất nhập cung cấm, thấy quan gia ban thưởng cho ai nhiều thêm tài vật gì là đi nói ngay với gián quan đấy chứ?
Nội Đông Môn ty rất gần Trung thư môn hạ và các tòa gác khác, cực kỳ dễ dàng trong việc liên lạc với ngoại thần. Nhưng ngẫm lại, kim thượng cũng không phải người thường hay tùy ý đặc cách ban thưởng thêm, Trương tiên sinh hẳn cũng không vì chuyện này mà khiến hoàng đế không vui. Thế thì mối ngờ vực của ta có vẻ ấu trĩ quá. Nhưng quan gia đúng là không thích Trương tiên sinh thật thì là cớ làm sao?
Mải nghĩ, nghe không thấy kim thượng gọi mình, mãi đến khi ngài hơi cất cao giọng gọi tên ta, ta mới bừng tỉnh, đứng nghiêm đợi lệnh.
“Đi, đi Nghi Phượng Các, ta qua thăm Huy Nhu xem.” Ngài nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.