Cô Thành Bế

Chương 3: Chuyện đêm




“Ca ca.”
Con ngươi trong vắt không nhuốm chút bụi trần, công chúa hàm chứa mong đợi gọi ta như vậy. Ta không kịp phòng ngừa, bị đánh cho tan tác.
Nàng đang năn nỉ ta làm văn thay mình, viết bài theo đầu đề cha nàng ra, luận về “Quân tử sở tính, nhân nghĩa lễ trí căn vu tâm (*)”.
(*) Lời Mạnh Tử, dịch nghĩa: Bản tính của quân tử là nhân, nghĩa, lễ, trí cắm rễ trong tâm.
Nàng là cô bé thông minh nhất ta từng gặp, song không có kiên nhẫn đọc kinh thư Nho gia, mà kim thượng thì lại rất chú trọng chuyện đèn sách bài vở của nàng, thường xuyên tới kiểm tra đốc thúc, ra một đống bài tập mệnh nàng hoàn thành, thoạt tiên chỉ là sao chép kinh thư kiêm luyện chữ, về sau lại yêu cầu cả ngâm thơ viết văn.
Có lần, ta thấy nội dung nàng phải sao nhiều quá, nàng viết rất cực nhọc, bèn nhân lúc không ai bên cạnh, lặng lẽ viết thay nàng vài tờ. Công việc bắt chước nét chữ người khác sao chép văn chương chẳng phải chuyện gì khó với ta, công chúa sướng rơn, kể từ đó, cứ khi nào bài tập hơi nhiều, nàng lại tới nhờ ta viết hộ.
Ta viết thay nàng hai, ba lần rồi không chịu viết nữa, giải thích đi giải thích lại với nàng rằng cái hay của bút nghiên và cái diệu của văn chương mình nghiên cứu không sâu, lĩnh ngộ không thấu. Nàng bảo đã biết, rồi lại nói chỉ nốt lần này thôi, không có lần sau, kì kèo mãi tới khi ta nhận lời, nhưng rất nhanh lại đến lần sau.
Lần này còn thuần túy là làm văn hộ. Cuối cùng ta hạ quyết tâm, ngó lơ lời nài nỉ của nàng, bất kể thế nào cũng không bằng lòng.
Hai mắt nàng chớp chớp, sai kẻ hầu đi lấy trà, trong thư phòng chỉ còn lại nàng và ta, nàng sáp lại, hai tay nắm lấy tay áo ta, thỏ thẻ gọi: “Ca ca.”
Tim ta như bị ngón tay nàng cào khẽ, chợt co rúm.
Nàng hài lòng thưởng thức vẻ mặt cơ hồ là hốt hoảng của ta, sau đó buông mi giấu ý cười, kéo ống tay áo ta lắc lắc, lại ra chiều cầu xin: “Ca ca, viết giúp ta lần này được không? Ta cam đoan đây thật sự là lần cuối. Trước bữa tối mà chưa viết xong cha sẽ mắng ta mất.”
Ta có thể nói gì đây? Ở cái tình cảnh này, nàng có bảo ta đi chết ta cũng vui lòng nhận lệnh.
Ta im lặng ngồi xuống, nàng hớn hở nhảy nhót tưng bừng như một con tước nhỏ đạp nước, bày giấy Trừng Tâm Đường Hấp Châu, mài mực Đình Khuê trong nghiên Long Hương Đoan Khê cho ta, lại tự tay đưa cho ta một cây bút tam phó họ Gia Cát Tuyên Thành, cuối cùng tự dời một cái đôn màu tím nâu tới, trèo lên ngồi quỳ, khuỷu tay chống trên mặt bàn, cười tủm tỉm ngoẹo đầu xem ta viết chữ, thi thoảng còn khen hay khen đẹp. (*)
(*) Trừng Tâm Đường ở Hấp Châu là nơi sản xuất giấy chất lượng bậc nhất nước Nam Đường thời Ngũ Đại; mực Đình Khuê loại mực do quan mực Nam Đường Lý Đình Khuê làm ra, được tôn là đệ nhất thời Tống; tam phó là tên loại bút lông thỏ do họ Gia Cát ở Tuyên Châu chế tạo, nổi danh thời Đường Tống.
Từ đấy, tiếng “ca ca” này trở thành lời nguyền ta không thể phá giải. Công chúa thích dùng nó để bắt ta cúi đầu tuân mệnh, nhưng đôi lúc cũng sẽ bâng quơ gọi ta như vậy, không vì bất kỳ mục đích gì.
Thỉnh thoảng, trước mặt người ngoài, nàng cũng gọi “ca ca”, mới đầu chúng cung nhân cả kinh thất sắc, nói tôn ti khác biệt, khuyên nàng sửa miệng, nhưng Miêu chiêu dung thì lại chẳng để tâm, nói: “Năm xưa khi quan gia còn ở Đông cung, cũng thích gọi nội thị Chu Hoài Chính hầu mình là ca ca đó. Có hề chi, thể hiện thân tình với hạ thần mà thôi.”
“Công chúa không có huynh trưởng, Thập Tam Đoàn Luyện, con nuôi của quan gia, cũng đã xuất cung ra ngoài ở, công chúa ít nhiều cũng cảm thấy cô quạnh.” Ấy là Hàn thị nói với ta thế.
Kim thượng không có con trai, từng nhận con trai thứ mười ba của Nhữ Nam quận vương Doãn Nhượng vào cung làm con nuôi, ban tên Tông Thực, phong làm Nhạc Châu đoàn luyện sứ, người trong cung thường gọi là “Thập Tam Đoàn Luyện”. Sau, Miêu chiêu dung sinh hạ hoàng tử Dự vương Hân, kim thượng bèn mệnh Tông Thực quay trở về đất phong, sau nữa, hoàng tử chết non, kim thượng cũng không cho vời Tông Thực hồi cung.
“Lúc Thập Tam Đoàn Luyện ở trong cung, công chúa gọi cậu ấy là ca ca. Con với Thập Tam Đoàn Luyện tuổi tác xấp xỉ, công chúa thấy thân thiết bội phần nên mới gọi con như thế.” Hàn thị nói đi rồi lại nói lại, “Có điều, thân phận chúng ta thấp kém, được quý nhân tôn xưng là phải giảm thọ. Lúc quan gia làm hoàng thái tử, Chu Hoài Chính là nhập nội phó đô tri chủ quản sự vụ Đông cung, thường theo hầu quan gia, quan gia bèn gọi đùa ông ta là ca ca. Có một lần, Chu Hoài Chính thấy quan gia luyện chữ, tiến lên xin quan gia ban thưởng cho mình một bức ngự thư, quan gia nhất thời nổi hứng, viết vài chữ to cho ông ta – ‘Chu gia ca ca trảm trảm’. Vốn chỉ là một câu bông lơn, không ngờ mấy năm sau, Chu Hoài Chính bí mật bàn bạc với người ta, muốn mưu sát tướng công Đinh Vị, mời Khấu Chuẩn lên làm tể tướng, tôn Chân Tông hoàng đế làm thái thượng hoàng, truyền ngôi cho thái tử cũng tức quan gia ngày nay. Mưu kế không thành, cuối cùng Chu Hoài Chính bị chém đầu. Quan gia có thể nói là một lời thành sấm. Cũng có người nói, Chu Hoài Chính được quan gia tôn xưng nên chẳng biết úy kị, sớm muộn cũng bị trời phạt.”
Ta hiểu ngụ ý của bà, sau đó từng ngỏ ý với công chúa, mong nàng đừng gọi mình như vậy nữa, nàng lại chẳng màng đến, vẫn muốn gọi là gọi, ta cũng không nhiều lời nữa, thậm chí còn le lói chút may mắn vì nàng thích sao làm vậy, bởi mỗi lần nghe nàng gọi ca ca, ta đều cảm nhận được một hơi ấm bí ẩn.
Công chúa nghe thượng cung giảng bài lúc nào cũng đòi ta theo hầu dự thính, sau giờ học, có gì không hiểu sẽ hỏi ta, việc học của ta cũng nhân phương thức đặc biệt này mà tiếp tục.
Một đêm nọ, ta chong đèn đọc sách, chợt nghe có người khe khẽ gõ cửa bên ngoài. Vốn tưởng là cung nhân giục ta đi ngủ, mở cửa ra xem, lại phát hiện ra là công chúa.
Là thừa dịp nội nhân hầu hạ nàng thiếp đi chạy ra ngoài đây mà, nàng chỉ mặc quần áo lót trong, chân bọc tất trắng, nhưng không đi giày, giữa đêm đông giá rét thế này.
Ta cả kinh, hỏi nàng: “Sao công chúa lại ra đây giờ này?”
Nàng cười: “Ta đói, huynh có gì ăn không?”
Không đợi ta trả lời, nàng đã tót vào phòng ta, tò mò quan sát chung quanh.
Ta cấp tốc tìm quần áo mùa đông mới nhất ra khoác lên người nàng, nhưng việc có nên giữ nàng lại đây hay không làm ta khá khó xử.
Ta đã thăng tới nhập nội cao ban, có cho mình một phòng ngủ riêng. Đêm khuya ở chung một phòng với công chúa bất kể thế nào cũng là rất rất không ổn.
Ta tận hết sức khuyên nàng trở về, nói chỗ mình cũng không có quà bánh, trở về đánh thức các nội nhân dậy thì muốn ăn gì mà chẳng được. Nàng lại nói: “Cha vẫn thường dạy phải biết thông cảm cho người dưới, đừng làm phiền họ thái quá. Ta đánh thức họ dậy, họ ắt sẽ phải vất vả chạy đến Ngự thiện cục truyền lệnh, ta đây chẳng phải là làm trái lời dạy của cha hay sao? Ban đầu ta nghĩ, đói thì đói vậy, noi gương cha nhịn chút là qua thôi, ai ngờ trong bụng cứ như có chim chóc réo cục cục liên hồi, không chịu cho ta yên. Thế nên ta mới đành lặng lẽ chạy ra tìm huynh.”
Ta hỏi nàng sao không dùng bánh trái trong phòng nàng, nàng đáp ăn ngấy rồi. Ta dở khóc dở cười, định hỏi sao nàng biết chỗ ta sẽ có cái nàng muốn ăn, song lại đổi ý, biết nàng thế nào cũng biên ra được lí do tự cho là hợp lý, bèn kìm xuống không nhắc đến, lấy hai củ khoai sọ be bé trên bàn tới, hỏi nàng: “Công chúa ăn cái này không?”
Đó là khoai sọ Lĩnh Nam, to hơn quả táo xanh chút xíu. Thân làm nội thị, thường ngày phải ngủ muộn hơn chủ tử, Ngự thiện cục sẽ chuẩn bị chút bánh trái cho chúng ta, khi còn ở nhà ta hay ăn khoai sọ nên chọn món này lót dạ ban đêm.
Nàng không biết thứ này, hỏi ta là cái gì. Ta bất giác lấy làm bất ngờ, bởi thường ngày nàng ăn đều là sơn hào hải vị đã được chế biến tinh vi, có ăn khoai sọ cũng là ăn bánh khoai sọ tinh chế hoặc là canh hầm, loại còn nguyên vỏ này nàng chưa thấy bao giờ.
Ta nói cho nàng biết tên củ khoai, bảo đây là thứ duy nhất có thể ăn được ở chỗ ta, nàng vui vẻ bằng lòng nếm thử, ta bèn ôm đệm trải xuống thềm hè trước cửa, mời nàng ra ngoài ngồi đằng ấy, lại lấy chăn bọc kín nàng tránh cho nàng khỏi bị cóng, kế đó ngồi xuống bên cạnh nàng, bắt đầu bóc khoai cho nàng.
Bóc xong một củ, ta đưa cho nàng, thấy nàng bị ta bọc kín như cái bánh ú khổng lồ, toàn thân chỉ cử động được mỗi đầu, lúc này đang mở to hai mắt, con ngươi đen láy chuyển động, ngó ta rồi lại ngó củ khoai sọ trên tay ta.
Ta không cầm được nghiêng đầu, hoà nụ cười đương độ hé rộ tan vào bóng đêm khôn cùng.
Công chúa ngọ nguậy muốn thò tay ra khỏi chăn đón lấy, ta sợ nàng vì thế mà cảm lạnh, vội vàng đưa khoai tới bên miệng nàng, nàng cúi đầu nhấm từng miếng nhỏ, nom như chim mổ thóc vậy.
Nàng nhanh chóng ăn hết một củ, khen món ăn đơn giản nhất trần đời này là mỹ vị, ta bèn bóc tiếp cho nàng, nàng ngồi im một bên xem.
Dưới mái hiên trong cung không đốt đèn vào ban đêm, song vầng trăng ngời ngời, chiếu lên người hai ta hắt xuống thành hai cái bóng giao chồng lên nhau. Vốn cả hai đều không nói gì, nhưng cũng không cảm thấy ngượng nghịu chút nào.
Tầng không bắt đầu lơ thơ tuyết bay, trên người ta lúc này đang bận y phục màu xanh sẫm, trong đầu thoáng vụt qua một ý nghĩ, vươn tay áo ra ngoài, hứng lấy vài hạt tuyết nhỏ vụn, mỉm cười hỏi công chúa: “Công chúa có biết hoa tuyết có mấy góc cánh không?”
Nàng đáp ngay: “Sáu góc!”
Ta nói chưa chắc, chìa tay áo ra trước mặt nàng cho nàng tự đếm. Nàng nhìn nhìn, hô lên một tiếng kinh ngạc, rút phắt tay ra khỏi cái kén bông bao bọc mình, bắt lấy ống tay áo dính hoa tuyết của ta, đầu ngón tay còn lại khẽ chọc chọc trên đó, miệng lẩm nhẩm: “Một, hai, ba, bốn, năm…”
“Có cái năm góc này.” Nàng kết luận, lại mải miết đếm thêm lần nữa, lát sau khoái chá phát hiện ra: “Còn có ba góc, bốn góc nữa!”
Ta cười không nói, dắt chăn bưng kín tay nàng, lại đút cho nàng ăn khoai sọ. Hoa tuyết tan làm tay áo xanh sẫm của ta lốm đốm chấm ướt, ta cũng không thấy lạnh, dầu cho giờ này tiết trời đã rét buốt.
Ta thích nhìn công chúa rạng rỡ rộ cười, phục dịch nàng thôi cũng đủ khiến lòng ta sung sướng muôn phần. Ở nơi u tối lạnh lẽo này, nàng là nguồn sáng duy nhất của lòng ta, còn sáng hơn cả mảnh trăng thượng huyền treo trên kia.
“Hoài Cát,” Công chúa đột nhiên hỏi ta, “Tại sao huynh lại vào cung?”
Ta ngẩn ra, không biết phải nói thế nào để nàng hiểu tình cảnh phức tạp trong nhà ta, sau cùng chỉ giản lược một câu: “Vì nhà thần nghèo.”
“Nghèo là gì?” Nàng nghi hoặc hỏi.
Ta mới ý thức được trong bài học của nàng đến nay còn chưa giải thích cặn kẽ khái niệm thế nào là nghèo túng.
Thoạt tiên, ta cho nàng một đáp án bộc trực nhất: “Là không có nhiều tiền.”
“Ta cũng không có nhiều tiền mà!” Công chúa cảm thán, “Mỗi ngày tỷ tỷ chỉ cho ta mười hai đồng, ta xóc tiền thua hết bà cũng không cho thêm nữa, ta có thắng cũng thưởng lại cả cho những người chơi chung, cuối cùng vẫn trắng tay, vậy có phải là ta rất nghèo không?”
“À, không phải…” Ta bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc xem nên giải thích từ này ra sao, “Nghèo có nghĩa là ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, có khi đến cơm còn chẳng có mà ăn, chỉ có thể ngày ngày gặm khoai sọ…”
“Nhưng khoai sọ ngon mà…” Công chúa lấy làm khó hiểu, ngắt lời ta, “Sau này ta muốn ăn khoai sọ mỗi ngày.”
Hiển nhiên là ban nãy lấy sai ví dụ rồi. Ta im lặng. Trước nay chưa từng ngờ được giải thích một từ lại có thể khó khăn đến vậy.
Cân nhắc một hồi, ta nói với nàng thế này: “Có một số thứ công chúa có, thậm chí có rất nhiều, nhưng người khác thì không có, mà họ lại rất cần, vậy tức là họ nghèo hơn công chúa. Tỷ như công chúa có rất nhiều xiêm y đẹp đẽ nhưng đám a hoàn của công chúa thì không, như vậy có thể nói là họ nghèo hơn công chúa.”
Có lẽ ví dụ này vẫn chưa đủ thỏa đáng, nhưng trừ cái đó ra, tạm thời ta không nghĩ ra được còn thứ gì khác nàng từng thấy và cảm nhận được để có thể lấy giải thích cho nàng. Từ khi ra đời tới nay, nàng đều sống trong nhung lụa chốn hoàng cung, chưa từng chứng kiến cảnh có liên quan tới bần cùng chân chính, không thể biết được thế nào là áo rách quần manh hay người chết đói la liệt khắp đất.
Nàng nghĩ ngợi xong bảo: “Hình như ta cũng hơi hơi hiểu… Nói vậy tức là người khác có rất nhiều xiêm y, rất nhiều khoai sọ nhưng nhà huynh thì không có nhiều xiêm y như thế cho huynh mặc, cũng không có nhiều khoai sọ như vậy cho huynh ăn, thế nên chỉ có thể đưa huynh vào cung?”
Ta cười khổ: “Coi là thế đi.”
“Thế thì ta hiểu rồi!” Nàng phấn khích tuyên bố, lại tiếp tục nói với ta điều nàng tâm đắc: “Thu Hòa nghèo hơn ta, bởi ta có rất nhiều thời gian để chơi nhưng chị ấy thì phải làm việc cả ngày, gần như không có thì giờ cho riêng mình; Phạm cô nương, Chu cô nương và Từ cô nương cũng nghèo hơn ta, bởi ta có mẫu thân bên người còn mẹ ruột họ thì ở ngoài cung; Du nương tử nghèo hơn tỷ tỷ ta, bởi tỷ tỷ có danh hiệu chiêu dung mà bà ấy không có, chỉ là tiệp dư, thế nên tiền tiêu hằng tháng và lệ thưởng lễ tết đều không nhiều bằng tỷ tỷ… Mà tính vậy thì Trương nương tử nghèo hơn nương nương rất nhiều, bởi nương nương có danh vị hoàng hậu còn bà ta thì không. Lần trước bà ta muốn dựng lọng đỏ dùng cho xe liễn của hoàng hậu lên xe mình, tăng thêm số vệ binh bằng với định mức của hoàng hậu, kết quả bị các đại thần mắng suýt chết…”
Nói đến đây nàng không nhịn được phì cười, ngay sau đó lại ủ rũ: “Cơ mà, cha lại rất hay đến gác của Trương nương tử, bình thường chỉ có mồng một và ngày rằm hằng tháng mới đi Nhu Nghi Điện của nương nương, thế lại thành ra nương nương nghèo hơn Trương nương tử rồi.”
Ta khó mà xen lời vào đề tài này được, chỉ có thể giữ im lặng, công chúa cũng không có vẻ gì là muốn ta mở miệng, tự mình nói tiếp: “Cha thì sao? Nhất định cha cũng có cái nghèo của ông… À, đúng rồi, đám đại thần thường ngày phê bình ông hầu như đều có con trai, ông lại không có…”
Ta lại càng không thể phát biểu ý kiến. Sau cùng, rốt cuộc nàng cũng nhắc tới mình: “Thực ra ta cũng rất nghèo, mắt ta nghèo… Bọn a hoàn hầu hạ ta tuy không có nhiều xiêm y như ta nhưng trước đây họ từng nhìn thấy rất nhiều điều thú vị ở ngoài cung, kể cho ta nghe, ta cũng không biết… Ngoài hoàng cung ra, ta chỉ từng tới bốn lâm viên Nghi Xuân, Ngọc Tân, Thụy Thánh, Quỳnh Lâm và hồ Kim Minh, trước nay chưa từng đi dạo chợ đêm chợ ngói (*), cũng không biết tiệm trà quán rượu trông ra làm sao… Ta rất muốn đến chợ đêm Châu Kiều nếm sủi cảo lề đường với thịt chồn cáo hoang trước lầu hoa, cũng muốn đến Chu Tước Môn xem lòng dê chiên cấp và viên lạnh băng tuyết, muốn đi cả viện Thiêu Trư ở chùa Tướng Quốc xem tay hòa thượng bán thịt lợn nướng kia nữa…” (**)
(*) Chợ ngói thời cổ đại giống như trung tâm thương mại nghệ thuật của chúng ta bây giờ vậy.
(**) Những món này đều thực sự được ghi chép trong “Đông Kinh mộng hoa lục” của Mạnh Nguyên Lão, là một cuốn bút ký tản văn về phong tục nhân tình đô thành Biện Kinh thời Bắc Tống, lòng dê chiên cấp là món lòng dê được nấu lâm thời khi khách gọi, chiên ở đây không phải rán bằng dầu mà là nấu nước, còn viên lạnh băng tuyết là món đậu tương rang, bỏ vỏ, đánh nhuyễn với đường cát, thêm nước nặn thành viên nhỏ, ngâm trong nước đá.
Mấy câu đầu nàng nói nghe rất buồn rầu, nhưng câu cuối cùng lại khiến ta bật cười. Viện Thiêu Chu chùa Tướng Quốc có một nhà sư pháp hiệu Huệ Minh, phá thanh quy giới luật, mở một cửa tiệm bán thịt lợn, nghe nói hương vị rất ngon, trong đó nổi trội nhất là món thịt lợn nướng, nức tiếng gần xa, thành thử người đời giờ toàn gọi viện Thiêu Chu là “viện Thiêu Trư”. Đáng lý cung quyến cũng có cơ hội tới chùa Tướng Quốc dâng hương, chỉ là muốn gặp vị hòa thượng ăn mặn kia quả thực có hơi khó.
“Có gì đáng cười!” Công chúa cau mày, rất chi là bất mãn, “Lẽ nào huynh vào cung rồi còn có thể muốn ra ngoài là ra, muốn gặp ai là gặp người đó?”
Câu này thì đúng là ta hết lời đáp trả. Từ sau khi vào cung, ta chưa từng ra ngoài lại lần nào, phố phường chợ ngói, khói lửa nhân gian trong trí nhớ ta đã phai nhạt theo năm tháng.
“Ôi,” Công chúa thở dài, phiền muộn khôn xiết, “Hoài Cát, chúng ta đều bị vây hãm trong đây rồi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.