Xa Gần Cao Thấp

Chương 20: Một mặt trời khác




Một mặt trời khác
......
Ấn Tú làm việc chưa đến hai tháng tại quán bún của họ hàng mà đã chứng kiến nhiều chuyện nội tình mà thực khách cố tình bỏ qua. Ví dụ như khi rửa bát, Ấn Tú nói rằng bát này là để cho người ăn, phải rửa một lần bằng xà phòng và tráng bằng nước sạch hai, ba lần mới là chuyện bình thường. Bà chủ là họ hàng nhà mẹ cô, người nhà không nói hai lời: "Rửa qua một lần, khỏi phải lãng phí thời gian và nước, ăn vào có chết được đâu."
Ngoài ra, chủ quán vừa ngoáy lỗ mũi đã dùng tay đó bốc bún; món dưa chua xào thịt trong bếp của bà chủ chỉ có dưa chua chứ không có thịt; dầu ăn dùng để chiên bún thì lai lịch không rõ ràng... Ấn Tú cảm thấy, đối tượng mà hai người này nấu ăn cho không phải con người.
Khi trò chuyện với Bạch Mão Sinh trên Q, cô cảnh báo Bạch Mão Sinh: "Em đừng bao giờ đi ăn ở những nhà hàng nhỏ bên ngoài, bẩn lắm."
Bạch Mão Sinh nói căn tin của trường kịch cũng không sạch sẽ hơn là bao, thức ăn cũng không ngon như bên ngoài. Sau vài câu than vãn, Ấn Tú bảo cô đợi ở cổng trường kịch vào tối thứ Tư.
Mới hơn năm giờ rưỡi, Bạch Mão Sinh xuất hiện trong chiếc quần trắng và áo phao đen, nét mặt hồng hào đứng trước cổng trường kịch. Nhìn trái nhìn phải, nhìn giờ trên điện thoại, tự hỏi tại sao vẫn chưa thấy Ấn Tú đâu. Chiếc điện thoại nhỏ này là do sư phụ Vương Lê tặng, dặn cô chỉ được dùng trong vòng 30 tệ tiền điện thoại mỗi tháng.
Bạch Mão Sinh đút hai tay vào túi, rướn cổ nhìn về phía đường lớn, bỗng sau lưng truyền đến giọng của Ấn Tú: "Không biết quay đầu lại tìm sao?"
Sắc mặt Ấn Tú trông tốt hơn lần trước hai người gặp nhau, Ấn Tú vẫn mặc chiếc áo phao dài, nhưng lần này có thêm vài lớp quần áo được cô quay lại ký túc xá nhà máy dệt 3 lấy về bất chấp ánh mắt xấu xa của người thuê nhà. Ấn Tiểu Thường không vứt quần áo của cô đi, chỉ chất đống ở một góc ban công, mặc kệ.
Bạch Mão Sinh để ý Ấn Tú đã cắt tóc ngắn, tẩy sạch sơn móng tay và cố ý bôi chút son môi. Chỉ cần vậy thôi là đủ, màu đỏ tươi tôn lên vẻ xinh đẹp của Ấn Tú.
Khi cười, Ấn Tú toả ra cảm giác thanh mát khác hẳn Du Nhậm, nhưng trong con ngươi vẫn đầy vẻ ấm áp. Ấn Tú nắm lấy tay Bạch Mão Sinh, lòng bàn tay mềm mại trong khi ngón tay thì thô ráp. Bạch Mão Sinh cúi xuống nhìn, thấy lớp da trên ngón tay Ấn Tú đều bong tróc loang lổ, chọc vào da thịt cô.
Ấn Tú giơ hộp giữ nhiệt lên, đây là thứ cô chuẩn bị trước khi làm công việc thứ hai: "Tìm chỗ nào đó ăn xong trả hộp lại cho chị." Cô kéo Bạch Mão Sinh nhìn xung quanh, hỏi Bạch Mão Sinh có thể vào trường kịch không.
Bạch Mão Sinh nói không cần đi xa, ăn cạnh bồn hoa ven đường trong trường là được. Thực ra cô thấy lạ rằng tại sao Ấn Tú lại tặng đồ ăn cho cô.
Điều đầu tiên đập vào mắt khi mở hộp cơm là sườn chua ngọt và há cảo tôm cá, phía dưới là cơm nước tương và dưa chua. Tình cờ Bạch Mão Sinh tan học về đang đói, "A" một tiếng", cầm khúc sườn lên ăn liên tiếp ba miếng mới nhìn thấy trên môi Ấn Tú có nụ cười nhàn nhạt: "Ngon không?"
Ngon, ngon hơn cả cơm mẹ Triệu Lan nấu. Bạch Mão Sinh gật đầu lia lịa, miệng ngậm đầy ú ụ, hỏi: "Sao lại tặng đồ ăn cho em?"
"Chị không có tiền trả lại 300 tệ, nên chị đem chút đồ ăn cho em, coi như tấm lòng của chị." Ấn Tú vẫn đi đôi giày vải, lần này có thêm một đôi tất cotton dày. Bạn cùng lớp của cô giới thiệu cho cô làm việc trong một nhà hàng có tiếng tại địa phương. Cô chủ tốt bụng, thỉnh thoảng trong bếp còn thừa nhiều thức ăn còn tươi, cô chủ sẽ làm làm vài món đãi mọi người một bữa.
Ấn Tú mua một chiếc hộp giữ nhiệt, ăn không hết sẽ cho vào hộp mang về nhà làm bữa nữa. Đó chính là phần ăn tặng cho Bạch Mão Sinh.
"Không cần trả lại." Tay của Bạch Mão Sinh đỏ lên vì lạnh, ký túc xá giữa tiết đông rét đậm không ấm áp như ở nhà, cũng không được sử dụng thiết bị điện sưởi ấm. Bạch Mão Sinh chỉ có thể bọc kín mình bằng lớp quần áo thật dày, vì miếng ăn mà phải rút tay ra khỏi túi áo.
"Bạch Mão Sinh, đây là chị gái của cậu à?" Có một người bạn cùng lớp ngang qua trường đến một tiệm hàng nhỏ bên ngoài hỏi, Bạch Mão Sinh đáp lại "Ừm," sau đó nhìn Ấn Tú cười: "Được không?" Ý cô là hỏi cách đáp lại này có vấn đề gì không.
Ấn Tú ngồi bên cạnh, xoa xoa tay: "Sao cũng được."
"Chị nói chị chuyển đến phòng hai người, tiền thuê tăng lên 80 tệ, môi trường ở đó thế nào?" Bạch Mão Sinh nhớ Ấn Tú từng kể về chuyện đổi phòng, bà chủ ở đó cứ cách ba bữa lại châm chọc móc mỉa quá trớn cô gái thuê trọ. Cô gái tên Vương vô tội lần trước bị ông chủ ve vãn, đâm ra hối hận, thế là hỏi Ấn Tú có muốn ở trong căn phòng hai người trống kia không, có thể rẻ hơn 20 tệ.
Ấn Tú là người ngủ nông, sống trong ký túc xá sáu người, cứ nghe tiếng nghiến răng và ngáy là mất ngủ gần như cả đêm. Nghĩ một tháng mình kiếm được 600 tệ, bỏ ra 150 tệ ở trong phòng hai người cho ngon giấc cũng đáng, quan trọng nhất là cô cần một không gian riêng tư không bị ai làm phiền, cho dù bây giờ trong phòng cũng chỉ có một mình cô sống.
Đợi Bạch Mão Sinh ăn xong, cô thu dọn hộp cơm: "Chị sống ở phía Tây thành phố, có xe buýt chạy thẳng đến phố Cận Hy, khi nào có thời gian, em đến chỗ chị chơi cũng được."
Bạch Mão Sinh đồng ý: "Như thế cuối tuần em đến trường gặp Du Nhậm cũng tiện đường."
Trường trung học Số 8 của Du Nhậm dạo này đột nhiên siết chặt không rõ lý do, yêu cầu học sinh phải học thêm cả ngày thứ Bảy, đến tối bắt lên lớp tự học, Chủ nhật cũng phải học nửa ngày, chỉ cho học sinh nửa ngày nghỉ ngơi. Du Nhậm cuối cùng phải xin ở lại trường vì không chịu nổi di chuyển bất tiện, nếu Bạch Mão Sinh muốn gặp cô, chỉ có thể chọn giờ ăn trưa vào cuối tuần, cùng nhau ăn một bữa trong tiệm hàng nhỏ ngoài trường.
Ấn Tú cũng biết Du Nhậm, Bạch Mão Sinh sợ làm phiền việc học của Du Nhậm nên dần dần nói chuyện với Ấn Tú về người bạn học cũ của mình: "Thành thật mà nói, em cũng hối hận khi theo học trường kịch. Nếu chăm chỉ học hành hơn, có lẽ em vẫn sẽ được ở bên Du Nhậm."
"Vậy em trở lại cấp hai, thi lại cấp ba đi." Ấn Tú nói. Bạch Mão Sinh suy nghĩ một lúc: "Toán khó quá, thôi vậy." Cô thà ở lại trường kịch còn hơn trở lại "động ma quỷ" năm cuối cấp hai đó.
"Sao chị không học hết trường dạy nghề?" Bạch Mão Sinh hỏi Ấn Tú, cô gái được rèn luyện tư thế đi đứng trong nhà hàng ưỡn thẳng lưng lên: "Thầy tuyển sinh ban đầu nói sẽ đảm bảo cho học sinh tìm được công việc phù hợp, nên mẹ chị bảo chị đi học. Sau này mới biết không có chuyện như vậy, dù có học xong, nhà trường cũng kệ."
Cô học chuyên ngành hướng dẫn du lịch, học được hai năm vẫn chưa lấy được chứng chỉ. Cô không muốn lãng phí thời gian, chỉ muốn kiếm tiền thật sớm.
"Kiếm tiền" luôn là hai chữ có trọng lượng lớn nhất trong lòng Ấn Tú. Trong những câu nói thường ngày của Ấn Tiểu Thường, nếu không phải là những cơ quan sinh dục thì luôn là tiền:
"Lời ông nói chẳng có ý nghĩa gì nếu không có tiền" - Đây là lời bà chửi tình nhân.
"Mày là loại của nợ, ăn hại tao suốt mấy chục năm." - Đây là lời bà chửi con gái.
Bản thân Ấn Tú còn không biết làm sao mình có thể ăn hại Ấn Tiểu Thường mười mấy chục năm trong khi bản thân mới mười bảy tuổi? Trên miệng càng có nhiều chữ "tiền", gia đình cô càng nghèo túng hơn, nghèo đến mức chưa bao giờ đóng học phí đúng hạn, nghèo đến mức cô là người duy nhất bị bỏ lại trong mỗi chuyến dã ngoại xuân thu từ tiểu học cho đến cấp hai.
Vì nghèo, Ấn Tú là một trong số ít học sinh trong trường không thể đặt mua đồng phục khi còn học cấp một và cấp hai. Mỗi khi toàn trường có hoạt động, dù chỉ đơn giản là mặc đồng phục giương quốc kỳ, cô chủ nhiệm lớp luôn gọi cô: "Ấn Tú, em ở trong lớp đi."
Ấn Tú biết, vì không có tiền nên cô là người bị để mắt nhất trong lớp, do cô đã phá hủy ý thức trật tự trang nghiêm tập thể.
Cô luôn nghĩ nhà mình rất nghèo. Tuy nhiên, học kỳ hai năm lớp 8, cô tận mắt thấy mẹ đưa cho người đàn ông nọ 2000 tệ trả nợ cờ bạc, dù sắc mặt Ấn Tiểu Thường có khó coi, đưa tiền xong vẫn làm điệu đấm lên bờ vai của người đàn ông ấy.
Không ngờ, người mẹ keo kiệt có thể dịu dàng cho người ta vay tiền, mà lại chửi mình như tát nước khi mình xin tiền mua gói băng vệ sinh. Chỉ có ba tệ bảy mươi đồng mà thôi, Ấn Tiểu Thường chửi vô cùng ti tiện, nói rằng bản thân ngậm đắng nuốt cay nuôi lớn Ấn Tú, mà Ấn Tú sắp 20 tuổi nhưng vẫn bám váy mẹ già.
"Phải kiếm tiền, mới sống tiếp được." Ấn Tú nói cô nghỉ việc ở quán bún vì bên nhà hàng trả nhiều hơn 50 tệ. Không những thế, bà chủ còn dạy cô cách đi đứng, cách thu hút khách hàng, cách nói chuyện với mọi người, thậm chí còn dạy cách làm sao để trêu chọc khách hàng, làm sao để thả lỏng bản thân mà không làm người ta mất lòng: "Thực dụng hơn những gì được giáo viên dạy trong trường rất nhiều."
"Không chỉ kiếm được nhiều tiền hơn, nơi đó còn dạy chị những điều mẹ chị không thể dạy." Ấn Tú nhấc chiếc hộp lên: "Đồ mà em vừa ăn cũng là thứ nhà hàng miễn phí cho nhân viên." Ấn Tú thu dọn đồ đạc của mình, nhìn Bạch Mão Sinh: "Nào, cúi đầu lại đây."
Bạch Mão Sinh ngoan ngoãn nghiêng đầu, để mặc Ấn Tú chơi đùa với kiểu tóc rối tung của mình, cuối cùng vê vê lọn tóc mái dài đến khóe mắt: "Đi thôi."
"Cuối tuần gọi điện cho em." Bạch Mão Sinh gọi với từ phía sau: "Chị biết số của em mà."
"Biết, hôm đó tan làm chị sẽ liên lạc cho em." Ấn Tú tùy ý vẫy tay mà không quay đầu lại.
"Cám ơn chị." Bạch Mão Sinh lại nói.
Ấn Tú quay đầu lại: "Lần sau muốn ăn thì bảo chị."
Từ bé đến năm học cấp một, Ấn Tú luôn không có bạn bè, sau khi vào trường trung học Số 23 mới dần dần trở nên cởi mở. Ngoài nghèo ra, cô có nhiều bản lĩnh có thể truyền lại cho các chị em gái: Cô là người học rất nhanh, chỉ cần học trang điểm một lần là thành thạo, thậm chí có thể làm quen với các chị em khác nhờ vào kỹ năng phấn son: cô sẵn sàng lắng nghe các cô chị em khóc lóc vì thất tình và sẽ không quay lưng phản bội; cô còn có thể cùng các cô gái đến nhiều bệnh viện công và tư để khám phụ khoa.
Tình cảm giữa người với người không phải thứ từ trên trời rơi xuống, phải cho đi từng chút một, tích được nhiều thì người ta sẽ trả lại. Điều thành công nhất mà Ấn Tiểu Thường dạy cho Ấn Tú là khả năng biết tính toán.
Nhưng cô không thể tính ra ngay khoản tiền mà cô đã nợ Bạch Mão Sinh, cô ngập ngừng nói không đủ tiền mua vé xe buýt, Bạch Mão Sinh móc hết số tiền trên người có cho cô mà không nói một lời. Khi bụng cô cồn cào vì đói như một con chó hoang đang chờ vận may trong khu chung cư nhà Bạch Mão Sinh, cô gái này thực sự xuất hiện trước mặt cô, nói không cần trả lại và còn chủ động cho vay. Cả đời này Ấn Tú chưa bao giờ gặp ai như thế, nhưng tâm niệm cắm rễ trong trái tim mách bảo cô phải trả lại.
Cô bị thiếu một tháng lương ở quán bún chưa nhận được, tháng này làm ở nhà hàng cũng chưa đến ngày phát lương. Ngoài tiền thuê nhà và các nhu yếu phẩm hàng ngày, khắp người cô còn lại chưa đến 30 tệ, chỉ riêng bữa ăn cảm ơn dành cho Bạch Mão Sinh đã khiến cô phải đi bộ suốt 40 phút đến giao chỉ để tiết kiệm một tệ tiền vé xe.
Khi nhìn thấy Bạch Mão Sinh vô lo vô nghĩ và sạch sẽ vô tư xuất hiện trước mặt mình, thực ra Ấn Tú sững người trong giây lát.
Cô ghen tị với hơi thở sảng khoái của đứa trẻ này, không có ưu phiền về cơm ăn áo mặc hay tiền thuê nhà, cũng không phải chịu cảnh tù túng do bị gia đình mắng mỏ lâu ngày.
Thì ra, một người đi bộ dưới ánh hoàng hôn có thể nhẹ nhàng và xinh đẹp đến thế. Mái tóc của Bạch Mão Sinh bồng bềnh trong gió, chỉ cần chiếc quần nhung dài màu trắng và chiếc áo phao ngoài thơm tho đã khiến cho cô bé hát Sinh tương lai tôn lên vẻ đẹp tươi trẻ và thoát tục.
Ấn Tú giơ tay áo khoác lên, cổ tay áo tuy được cô giặt đi giặt lại nhiều lần nhưng vẫn bám dính những vết bẩn cứng đầu tích tụ ngày dồn tháng chứa. Cũng giống như cuộc đời của cô vậy. Kể từ ngày cô đến thế giới này, cứ như một đứa trẻ hoang được Ấn Tiểu Thường nhặt được từ đâu đó, đi kèm với những tin đồn thất thiệt ở nhà máy dệt 3, bần cùng đến mức tuyệt vọng về cuộc sống vật chất, xen lẫn những ánh mắt lạnh lùng và khinh thường trên khuôn viên trường học.
Ấn Tú bước đến cổng trường kịch, quay đầu lại, Bạch Mão Sinh trong chiếc áo đen và quần dài trắng vẫn đứng tại chỗ, thấy Ấn Tú quay đầu lại, cô nhón chân lên vẫy tay. Mùa đông trời tối sớm, từng bóng đèn đường bừng sáng, Bạch Mão Sinh trông như một mặt trời khác dưới tán cây xanh.
Ấn Tú cũng vẫy tay, mỉm cười rạng rỡ, sau đó quay người biến mất trong màn đêm.
......

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.