A Sửu mang theo tội nô ra chỗ nhóm khất cái ở thượng đô. Tội nô tuy ở thượng đô lâu hơn, nhưng không biết trên phố hoa có cây cầu Hương Phấn, dưới gầm cầu Hương Phấn có thể trú tạm.
A Sửu sau khi đến gầm cầu Hương Phấn liền bắt đầu phát bệnh, thuốc cũng không còn tác dụng nữa, nước chảy ra từ miệng vết thương không còn là màu vàng, mà biến thành nâu.
Tội nô nóng vội, y đã vài năm không nói chuyện, lần này lại mở miệng: “Ngươi phải đi khám đại phu.” Lời nói của y, nhóm khất cái nghe không hiểu, tội nô lại phải nói lại mấy lần.
Tội nô nói chuyện không còn được như bình thường, nhóm khất cái không hiểu, nhưng A Sửu lại hiểu. Hắn chỉ chỉ chính mình, lại lắc lắc tay với tội nô.
“A Sửu à…” Có lão khất cái thấy A Sửu như vậy, khuyên tội nô đừng nóng vội, rồi nói: “Ngươi muốn về Tuyên Châu cơ mà, cứ như vậy ngươi còn mạng để trở về sao?”
Tội nô vội dập đầu trước lão khất cái.
“A Sửu như vậy thần tiên cũng khó trị.” Lão khất cái nói với tội nô: “Không những trên người chúng ta không có tiền, mà dù chúng ta có tiền mời đại phu, cũng không đại phu nào có thể trị khỏi.”
Nhóm khất cái lực bất tòng tâm, những kẻ lang thang xin ăn ở phố hoa đều biết tội nô này, là kẻ ngay cả súc sinh cũng có thể thân cận, A Sửu mang theo loại người này, đúng là rảnh rỗi tìm việc làm chơi. Nhưng nay A Sửu thành ra thế này, tội nô đối với A Sửu cũng coi như tận tâm, nhóm khất cái cũng nói không nên lời.
Tội nô luôn là người không có hy vọng, nhưng lần này đối với A Sửu, y lại có khát khao, y hy vọng bệnh tình A Sửu có thể tốt lên. Tất cả mọi người dưới gầm cầu này đều là khất cái, nhưng không có ai dám lại gần y, chỉ có ở bên A Sửu, tội nô mới có thể cảm thấy mình là một con người.
A Sửu không thể đi xin ăn, hai người cũng chỉ có thể dựa vào chút đồ ăn các khất cái khác chia cho. Tội nô quen chịu đói, cái gì cũng mau chóng để A Sửu ăn trước, lừa A Sửu rằng mình đã ăn. Nhóm khất cái cũng giúp y lừa hắn, bọn họ thân với A Sửu, tội nô này ăn đủ no hay không, bọn họ không quan tâm.
Ban ngày nhóm khất cái đều đi ra ngoài kiếm thức ăn, chỉ có tội nô cùng A Sửu ngồi đón gió lạnh dưới gầm cầu.
“A Sửu.” Tội nô giúp A Sửu bôi thứ thuốc đã không còn tác dụng, một bên dùng âm điệu quái dị nói với A Sửu: “Ngươi từ đâu tới đây, trước kia đã gọi là A Sửu sao?”
A Sửu lấy ngón tay chấm một chút tro bên đống lửa, nghiêm túc vẽ vài nét trên mặt đất, sau đó cho tội nô xem.
Tội nô chỉ còn một con mắt, nhìn không rõ ràng, lắc đầu với A Sửu.
A Sửu vẽ lại, lần này vẽ lớn hơn lúc trước rất nhiều.
“Bánh bao.” Tội nô lúc này thấy rõ, trên mặt là nét tươi cười hiếm gặp: “Hai mươi chín cái bánh bao thịt? A Sửu, ngươi muốn nói cái gì với ta? Ngươi biết viết chữ, vậy viết cho ta xem đi.”
A Sửu chỉ vào chữ “hai mươi chín”(Nhị Thập Cửu) kia, xua tay với tội nô.
Tội nô nói: “Ba chữ này không đúng sao?” Tội nô cơ hồ dí sát đầu trên mặt đất: “Đúng là hai mươi chín mà.”
A Sửu khoa tay múa chân với tội nô nửa ngày, hai người trước giờ ăn ý, nhưng giờ đây, A Sửu không có biện pháp nào để tội nô hiểu ý nghĩa bức tranh.
“Bánh bao thịt.” Cuối cùng tội nô hỏi: “A Sửu muốn ăn bánh bao thịt?”
A Sửu vội lắc đầu, bọn họ hiện tại ngay cả cơm cũng không ăn no, còn bánh bao thịt cái gì? Tay lại chỉ chỉ tội nô.
“Ta không ăn thịt.” Tội nô nói.
A Sửu ngủ dưới gầm cầu ba ngày, ngày thứ tư có tinh thần hơn, điều này làm cho tội nô cùng nhóm khất cái đều thật cao hứng, cứ tưởng rằng A Sửu sẽ sống sót. A Sửu dùng một mảnh vải gói ghém tất cả, sau đó trong một buổi tối dẫn tội nô ra khỏi gầm cầu.
Tội nô không biết A Sửu muốn dẫn mình đi tới chỗ nào, y sợ A Sửu sẽ đưa y về Hoan Hỉ viện, nhỏ giọng cầu xin A Sửu: “A Sửu, chờ thêm mấy ngày nữa rồi đưa ta trở về được không.”
A Sửu quay đầu nhìn tội nô, gật đầu.
Tội nô trầm mặc, qua vài ngày an lành, y đã quên mình là một kẻ muốn chết cũng không xong. A Sửu đối với y đã đủ tốt, y còn quấn quít để liên lụy đến A Sửu sao? Y quả nhiên không phải là người tốt!
A Sửu cõng tội nô ra phố hoa, những người đi ngang qua bọn họ, ai ai cũng đều che mũi tránh né, sợ dính bẩn vào quần áo, hai kẻ cả người tanh tưởi này nép sát vào lề đường.
“A Sửu.” Tội nô vội hỏi A Sửu: “Ngươi muốn đưa ta tới nơi nào?”
A Sửu chỉ chỉ về phía trước.
“Ta… không… không đi được… A…A Sửu…” Tội nô sốt ruột sợ hãi, vốn giọng nói đã khó nghe, giờ còn thêm lắp bắp.
A Sửu quay đầu dùng trán cọ lên mặt tội nô, quay đầu đi, nhưng vẫn cõng tội nô về phía trước.
“A Sửu!” Giọng tội nô mang theo tiếng khóc: “Ta không đi được… ngươi… ngươi đi… đi một mình đi.”
Ngã tư đường thượng đô ban đêm, trừ phố hoa, tất cả đều rơi vào yên tĩnh.
“Thả ta xuống dưới đi.” Tội nô ngẩng đầu nhìn hoa tuyết bay trên đỉnh đầu, vỗ nhẹ bả vai A Sửu.
“Cút ngay!” Một người cưỡi ngựa chạy vụt qua hai người, lớn tiếng quát.
A Sửu bị ngựa chạm vào, loạng choạng, hai tay buông lỏng, tội nô từ trên lưng hắn trượt xuống nền tuyết trắng ngần.
“A Sửu?!” Tội nô trơ mắt nhìn A Sửu ngã xuống trước mặt mình, y kinh hoàng hô to, lớn tiếng gọi tên A Sửu.
A Sửu được tội nô ôm vào lòng, hắn nhìn tội nô, miệng hộc ra máu đen sẫm, hệt như mực tàu.
Tội nô chỉnh lại áo cho A Sửu, y dùng tay che miệng A Sửu, tưởng rằng cứ như vậy, máu sẽ không chảy ra nữa.
“Ở phía trước!” Phía sau hai người truyền đến tiếng người ầm ĩ.
A Sửu miệng mấp máy, như muốn nói gì đó với tội nô.
“A Sửu ngươi đừng chết…” Một người luôn chờ cái chết đến, lúc này lại cầu xin một người khác đừng chết. Truyện Hài Hước
Đầu A Sửu gục xuống khỏi vòng tay tội nô. Một con người cứ như vậy mà lìa xa cõi đời.
“A Sửu?” Tội nô nâng bàn tay run rẩy kiếm tìm hơi thở của A Sửu.
“Thì ra ngươi cũng biết nói tiếng người!” Lão chủ mang người đuổi theo, nghe tội nô gọi tên A Sửu, một cước đá tội nô ngã xuống đất: “Muốn mọi người cho rằng tội nô đáng thương? Ngươi còn dám giả câm với ta à?!”
“Xin ngài cứu hắn!” Tội nô ngã trên mặt đất, cầu xin lão chủ.
Một hộ vệ đưa tay lên mũi A Sửu: “Chết rồi.”
“Xui quá!” Lão chủ hung hăng dẫm lên bàn tay tội nô: “Ngươi còn dám bỏ chạy cùng người chết? Muốn hại chết người trong viện chúng ta có phải hay không? Ta cho ngươi chạy này!” Lão chủ lần này tự mình động thủ, khi nghe nói khất cái cõng tội nô chạy trốn, lão chủ sợ tới mức như mất đi nửa sinh mạng. Đây chính là người quan gia giao cho lão, nếu y chạy thoát, lão còn giữ được cái mạng sao?
Lão khất cái và mấy người dưới gầm cầu cũng chạy lại xem, nhìn tội nô bị lão chủ dạy dỗ ngoài đường, lão khất cái đi tới trước mặt A Sửu.
“Chết rồi.” Một khất cái thử xem hơi thở A Sửu, còn đến gần ngực A Sửu nghe ngóng, sau đó nói với mọi người.
“Aizzz!” Lão khất cái nhìn xác chết A Sửu lắc đầu: “Ngươi cùng ta cùng tới nơi này xin cơm với nhau, ngươi luôn muốn trở về quê cũ Tuyên Châu, cớ sao lại dừng bước ở nơi này?”
Nhóm khất cái mang A Sửu đi.
Tội nô bị một hộ vệ tha đi. Y biết hắn tên A Sửu, nhưng A Sửu lại không biết rằng y cũng có một cái tên, là La Duy. Tội nô không rơi nổi một giọt nước mắt nào, hạ thân chảy máu, cứ coi như đó là nước mắt của y đi.