Chương thứ mười ba
...
Vật nuôi được đưa tới thì phải phái một nhóm nô lệ đi chăm chúng nó, chăm sóc gia súc gia cầm không phải việc nặng nhọc gì. Dù sao số lượng cũng ít, mỗi ngày cho chúng ăn ít cỏ, dọn dẹp sạch sẽ "sản phẩm" chúng thải ra. Vì vậy Trì Yến giao việc cho một đám trẻ con.
Nô lệ trẻ con cũng là nô lệ, tuy tuổi nhỏ nhưng Lãnh chúa trước sẽ không nuôi chúng không công. Từ lúc biết đi thì chúng đã làm việc. Cắt cỏ làm thức ăn cho vật nuôi thì giao cho nô lệ trưởng thành.
Tin tốt là đám vật nuôi này không có bệnh, vô cùng khỏe mạnh.
Bây giờ Trì Yến cũng yêu cầu tất cả mọi người kể cả nô lệ lẫn người hầu, không được tiếp tục uống nước sống mà phải đun chín rồi mới uống, bọn người hầu còn dễ nói nhưng nô lệ lại không có điều kiện như vậy. Họ không có nồi đất cũng không thể nhóm lửa.
Thế nên Trì Yến sai người hầu đun nước đưa cho họ. Các nô lệ không có dị nghị, không cần ra bờ sông uống nước là chuyện tốt, không chậm trễ công việc. Hơn nữa bọn họ đã quen nghe theo mệnh lệnh của Lãnh chúa, nên chẳng nghi ngờ gì.
Trì Yến biết lãnh địa này của y không tồi, có núi có nước, đủ khả năng tự cung tự cấp. Ngoại trừ mùa mưa hay bị sạt lở thì chẳng có gì nguy hiểm, vấn đề đáng ngại duy nhất là nạn châu chấu.
Trước khi đến đây Trì Yến đã biết mấy vị Lãnh chúa trước đều vì nạn châu chấu mà bị đuổi khỏi lãnh địa, biến thành dân thường. Nhưng Trì Yến không có cách nào để phòng nạn châu chấu, y không làm được thuốc trừ sâu. Nếu chế được thuốc có thể diệt trừ châu chấu thì với trình độ kỹ thuật như bây giờ, không chừng y còn bị lương thực độc chết.
Trì Yến chưa nghĩ ra biện pháp, chỉ đành chịu được ngày nào hay ngày đó, đợi qua mùa đông rồi tính sau.
Ngoài việc cho người hầu và nô lệ uống nước chín, Trì Yến còn để người hầu mang gia đình đến ở lãnh địa của mình. Người hầu tuy thuộc sở hữu của y nhưng thân phận cao hơn nô lệ, người thân của họ đa số là dân thường. Do hoàn cảnh bần cùng, hoặc nhiều con nuôi không nổi nên mới đưa đến cạnh quý tộc.
Trì Yến cho họ đón cha mẹ đến đây thì sau này họ không cần trở về thăm cha mẹ. Vì suy nghĩ đến an toàn nên Trì Yến chỉ có thể dùng cách này, tóm lại không thể để người hầu về nhà thăm cha mẹ.
Nhưng đón họ tới thì chỗ ở lại thành vấn đề.
Lúc này bọn người hầu đang rất phấn khích, một năm họ chỉ được về nhà vài ngày gặp cha mẹ. Hơn nữa nhà họ rất nghèo, mỗi năm đều lo lắng chẳng biết năm sau về nhà cha mẹ có còn hay không.
Hầu hết bọn họ đều có anh chị em, nhưng chị em của họ gần như kết hôn hết rồi. Chỉ khi kết hôn sớm thì trong nhà mới bớt được một miệng ăn. Các anh em trai thì chỉ có họ là trở thành người hầu của quý tộc, những người khác nếu không phải kiếm sống ở đầu đường, thì cũng ở bến tàu hay nông trường khuân vác.
Nhưng khuân vác không hề dễ làm, một ngày nửa ổ bánh mì đen, vậy mà vô số người trời chưa sáng đã đợi ở bến tàu.
Abel là nam phó đã ở lãnh địa năm năm, cậu là con út trong nhà, hai chị gái đã lấy chồng, cha mẹ ở một ngôi làng nghèo khổ. Mỗi lần cậu về sẽ đưa hết tiền cho cha mẹ, anh trai của cậu làm việc ở bến tàu, trong một lần sơ suất đã gãy mất một chân.
Thánh viện tiến hành thủy liệu* cho anh cậu, đắp một tấm khăn ướt lên người cho đến khi khăn khô mới thôi.
(Thủy liệu: chữa bệnh bằng nước là một trong những biện pháp của vật lý trị liệu – phục hồi chức năng dưới hình thức sử dụng lực tác động của nước để massage, điều hòa hệ thống tuần hoàn cho mạch máu, thần kinh của cơ thể, tạo cho bệnh nhân cảm giác sảng khoái, rất tốt dành cho các bệnh nhân bị viêm khớp, rối loạn tuần hoàn não, các bệnh viêm thần kinh ngoại biên...)
Nhưng Thánh viện không trị khỏi cho anh cậu, cái chân bị gãy không lành cũng không thể dùng lực, trở thành một người què. Từ đó về sau trong nhà lại càng khó khăn, hai chị vì lén mang đồ ăn về nhà mà bị anh rể đánh đập dã man.
Cha mẹ và anh trai cũng không ngăn họ về nhà. Bởi vì nếu hai chị không mang đồ ăn tới thì họ sẽ đói chết. Không ai để hai ông bà già làm việc, lại càng không mướn một tên què.
Hôm nay người hầu không cần phải làm việc, họ có thể vào thành đón cha mẹ. Đương nhiên không được ngồi xe ngựa, chỉ có thể đi bộ về nhưng không ai than vãn, được đón cha mẹ đến ở cùng thì có gì để oán giận?
Trên đời này còn có chủ nhân nào khoan dung lương thiện hơn Lãnh chúa của họ sao?
Abel ở trong đoàn người, họ đi một ngày một đêm rốt cuộc cũng vào thành trước khi trời sáng.
Người nhà của bọn người hầu gần như đều sống tại ngôi làng nghèo, nhà Abel ở ngay chỗ này. Trước cửa có một con mương, nước mương rất hôi, trong đó toàn là "chất thải" của người trong làng, mỗi ngày họ đều phải đối mặt với sự hôi thối.
Abel lưng vác bao vải, gõ cửa nhà mình.
Họ sống ở căn nhà gỗ chật hẹp, khác với nhà đá, nhà gỗ còn dễ hư hơn vì gỗ dễ mục. Trong nhà còn có nhiều trùng và mối. Tuy gõ cửa nhưng thật ra cửa không khóa, cậu gõ một lúc rồi trực tiếp bước vào.
Vừa vào cậu đã cứng người.
Năm ngoái khi Abel đi, trong nhà còn chưa nát đến vậy. Lúc đó còn có bàn, bây giờ chẳng còn gì cả. Nhà lại vừa lộn xộn vừa bẩn thỉu, hồi đó bên trái căn nhà có bộ bàn ghế, bên phải là chiếc giường cỏ khô.
Giờ bàn ghế đều không còn, mà chỉ còn lại chiếc giường cỏ, mà nằm trên giường chính là anh trai cậu.
Abel đi qua, nửa quỳ trên đất mà nhìn anh trai của mình. Mới qua một năm, anh ấy đã gầy thành da bọc xương, tựa như một bộ xương khô nằm trên cỏ. Chân anh cậu đã què nhưng không bốc mùi, người Thánh viện từng nói nếu chân mà thối rữa thì anh sẽ chết.
Nhưng cậu không ngờ anh trai không chết, mà lại biến thành bộ dạng như thế này.
"Anh Bart." Abel lau nước mắt, cậu lay Bart đang nằm trên giường, "Em đã về rồi đây."
Sau khi bị đẩy mấy cái, Bart mới mở to mắt, hoảng hốt nói: "Abel? Hôm nay được nghỉ sao?"
Abel lắc đầu lia lịa, cậu lấy từ trong bao ra một ổ bánh mì đen. Khi Bart thấy thì mắt sáng lên, không tự chủ được mà liên tục nuốt nước miếng nhưng không nỡ ăn, chỉ bẻ một miếng nhỏ bỏ vào miệng rồi chậm rãi nhai nuốt.
Đáng tiếc một ít bánh mì đó không đủ no lâu.
Bart ăn xong, dựa vào cạnh giường hỏi em trai: "Sao em lại quay về?" Sau đó chợt biến sắc, hoảng sợ: "Chẳng lẽ em bị đuổi sao?"
Bart sợ hãi, ngày trước anh cũng hay ra ngoài, bến tàu không có bao nhiêu hàng, dù có làm khuân vác cũng không thể no bụng, nào có chuyện tốt được làm người hầu cho quý tộc? Nào có vẻ vang đó?
Được làm người hầu cho quý tộc, là chuyện vinh quang đến cỡ nào?
Vì Abel làm người hầu cho nên nhà họ mới không bị ức hiếp, tuy anh đã thành người què nhưng cũng sống được tới bây giờ, tất cả là nhờ Abel.
Sắc mặt Bart trắng bệch, môi run rẩy không ngừng, Abel vội vàng trấn an: "Không phải! Em không bị đuổi! Lãnh chúa cho bọn em đón người nhà đến lãnh địa của ngài!"
Bart ngừng run rẩy, siết chặt tay em trai: "Em đừng gạt anh!"
Abel: "Em không gạt anh, Bart, Lãnh chúa là người rất nhân từ lương thiện. Ngài là người tốt nhất em từng gặp, nếu anh gặp ngài thì sẽ hiểu được cảm giác của em, Lãnh chúa ngài ấy, ngài ấy..."
Abel không thốt nên lời, cậu nghẹn ngào nức nở.
"Sau khi mọi người đến, em sẽ nuôi mọi người." Abel lau nước mắt, "Một ngày em được phát cho một ổ bánh mì, hai chén cháo. Chúng ta có thể tiết kiệm một ít."
Cháo của người hầu nhiều hơn nô lệ, Abel thấy mỗi ngày mình chỉ cần ăn nửa bát cháo, ăn thêm một ít bánh mì là được. Vả lại ở lãnh địa có thể đào được một ít rễ cây và rau dại, thêm cháo và bánh mì thì cũng đủ lấp đầy bụng. Nuôi sống một nhà bốn người hẳn là không có vấn đề.
Căn nhà gỗ khắp nơi đều là kẽ hở, trời mưa sẽ bị dột, trời nổi gió thì bên ngoài gió to, bên trong gió nhỏ. Nhưng họ không có tiền để sửa, muốn sửa nhà thì ít nhất phải tốn hai đồng bạc, chính là hai trăm đồng tiền đồng. Vừa khéo mỗi năm Abel chỉ đem về hai đồng bạc, nếu lấy tiền này sửa nhà thì cả năm họ sẽ không còn tiền ăn cơm.
Hơn nữa hai đồng cũng không chống đỡ nổi cho đến năm sau khi Abel về, chỉ có thể dựa vào hai người con gái đã gả đi.
Cha mẹ Abel một lúc lâu sau mới trở lại, hai người già tóc bạc hoa râm, thật ra họ chỉ mới bốn mươi. Nhưng ở đây, bốn mươi tuổi đã là người già, với những người dân nghèo khổ thì đây đã xem như trường thọ.
Lưng họ đã còng, lúc vào nhà còn không dám tin con trai sẽ xuất hiện ở đây. Cũng giống Bart, phản ứng đầu tiên của họ là nghĩ Abel bị đuổi khỏi lãnh địa.
Khi biết được Abel muốn đưa họ đến lãnh địa, lão Barton không dám tin.
"Lãnh chúa thật sự nói với con là có thể mang chúng ta đến lãnh địa của ngài sao?"
Ông kêu vợ véo mình một cái: "Mau nói với tôi đây không phải là mơ đi."
Vợ ông cũng cứng người, ngây ngốc véo chồng mình.
Sau mấy lần xác nhận, khác với bộ dạng già nua yếu ớt lúc nãy, lão Barton mặt mày hồng hào nói: "Nhanh lên, chúng ta dọn dẹp đồ đạc đi ngay bây giờ, trong tay tôi còn vài đồng tiền đồng, tôi ra chợ mua chiếc xe kéo."
Phải mua xe kéo để chở Bart đi.
Mẹ của Abel là Barbara chạy đi thông báo cho hai cô con gái. Hai vợ chồng nói là làm, lão Barton đi chợ, Barbara tới chỗ con gái.
Còn Abel thì dưới sự chỉ dẫn của Bart mà đóng gói đồ vật trong nhà.
Nhà họ không có bao túi gì, dù có cũng rách tả tơi, nên mang không bao nhiêu đồ. Trọng điểm là căn nhà này cũng chẳng có gì nhiều, vật giá trị nhất chắc là cái bình, mấy cái ly gốm với cái chăn da thú. Tấm da thú cũng rách bươm, chi chít lỗ, nhưng chỉ cần dùng được thì họ không nỡ vứt đi.
Nếu không phải Abel không chịu thì Bart còn muốn mang theo mấy khúc gỗ trong nhà. Dù sao gỗ cũng đốt được, trong thành còn có người chẻ gỗ đem bán. Tuy không ai mua nhưng nếu may thì cũng kiếm được một đồng.
Sáng hôm sau, cả nhà Abel xuất phát, họ đón ánh sáng mặt trời, tùy ý để mặt trời chiếu lên mặt. Giống như họ không phải đang đi trên con đường nhỏ hẹp gồ ghề.
Mà là đi về phía hy vọng.
Hết chương thứ mười ba