Trần Chân

Chương 26: Cô gái họ Dương




Từ lúc Nhược Lan mang thai Hoàng phệ đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng để chào đón con đầu lòng nhưng có vẻ Nhược Lan vẫn chưa cảm thấy đủ. Chị cho người sang nhà tôi, rủ tôi cùng chị đi mua thêm một ít áo quần cho bé con, tôi dĩ nhiên cũng tràn đầy hứng thú. Hai chúng tôi rảo bước trên từng con phố, tốc độ thật chậm để không ảnh hưởng nhiều đến em bé trong bụng Nhược Lan. Mặc dù những chuyện trước đây về Bảo Trân, về thư từ Cát gửi cho Tú Bình hay về chuyện tôi cãi nhau một trận lớn cùng Cát tôi đều chưa một lần nhắc đến trước mặt Nhược Lan nhưng rốt cuộc chị ấy cũng biết. Khi đã biết rồi thì luôn miệng oán trách tôi.
“Em không phải là muốn nói gì cô đâu. Nhưng cô trải qua biết bao nhiêu là chuyện như vậy, lại không cho em hay gì. Nếu biết cô như thế em thà rằng không lấy chồng, ở bên chăm sóc cô.”
Nếu để Hoàng phệ nghe được những lời này chắc ông ta hận tôi đến suốt đời. Tôi cười trừ với Nhược Lan: “Thì giờ chị cũng đã biết rồi đó thôi. Quan trọng là tất cả đã qua, em vẫn vui vẻ bình thường. Còn nhiệm vụ của chị hiện giờ không phải lo cho em nữa, mà là giúp đứa bé này chào đời cho thật tốt nè.”
Nhược Lan vẫn cố chấp lèm bèm thêm vài câu. Tôi giả vờ giận dỗi đi cách xa chị một đoạn để tránh cho đôi tai lùng bùng. Chẳng ngờ ở nơi này lại xuất hiện một người cưỡi ngựa phi thẳng về phía tôi. Nhược Lan hét lên một tiếng thì tôi đã bị con ngựa kia hất văng qua bên vệ đường, tay va vào gánh hàng của một người bán cải, trầy xước cả nửa bên người.
Người trên ngựa vội vàng nhảy xuống, ân cần đỡ lấy tôi: “Em gái à, có bị làm sao không?”
Tôi chưa kịp trả lời thì Nhược Lan đã tiến đến, dùng sức đẩy người đó ra, cau có: “Ngươi tránh ra, nam nữ thọ thọ bất thân.”
Tôi đứng dậy đàng hoàng rồi mới kịp nhìn đã gây ra tai nạn. Mặc dù trước mặt tôi là một ngoại hình của một nam nhân nhưng tôi đủ kinh nghiệm để nhận ra đó thực ra là nữ giả nam. Nàng ấy vẻ ngoài khoảng hai mươi, làm da trắng mịn, mắt to môi đỏ, nhìn sơ cũng đoán được khi mặc trang phục nữ nhi sẽ xinh đẹp như thế nào. Nhược Lan nói tiếp: “Ngươi cưỡi ngựa gì mà bạt mạng thế kia. Rủi đâm người ta chết thì lấy mạng đâu để đền?”
Cô gái kia cúi đầu lí nhí: “Tôi xin lỗi, tại tôi có việc gấp quá.”
Nhược Lan đang định nói thêm điều gì thì lại có thêm hai người nữa cũng cưỡi ngựa tới. Hai người thấy hiện trường tai nạn, lập tức rời khỏi ngựa, đến chỗ chúng tôi.
“Xảy ra chuyện gì vậy?” Một trong hai người đàn ông đó hỏi.
Cô gái đụng phải tôi có vẻ lấp lửng: “Ta đụng cô gái này.”
Người đàn ông còn lại, dáng vẻ tao nhã hơn hẳn, phe phẩy quạt như người ngoài cuộc: “Đã nói bao nhiêu lần rồi mà đâu chịu nghe. Đi theo chẳng được gì còn rách việc.”
Cô gái đụng tôi cúi đầu xin lỗi: “Em à, thật sự tôi có việc nên mới gấp gáp như vậy, không ngờ lại đụng phải em. Nhưng việc không thể chậm trễ, tôi có thể gửi lại tiền thuốc men cho em không?”
Nhược Lan lại thay tôi ra mặt: “Tiền thì giải quyết được gì. Nhìn cả người cô tôi trầy xước hết đây này.”
Người đàn ông cầm quạt nhìn qua Nhược Lan, nói nửa đùa, nửa thật: “Cô à, xin lỗi cũng xin lỗi rồi. Tiền cũng hứa sẽ bồi thường. Tai nạn này có ai muốn xảy ra đâu. Cô có đồng ý hay không cũng có gì thay đổi được đâu.”
Nhược Lan còn định đôi co nhiều hơn, nhưng tôi thấy họ cũng không cố ý, với lại thái độ nhã nhặn của cô gái kia khiến tôi cảm thấy họ là người tử tế. Tôi nói với cô ấy: “Tôi không sao, cũng không cần tiền đâu. Các người có việc gấp thì cứ đi đi.”
Nhược Lan tức tối lắm nhưng không làm được gì. Tôi cố nhịn đau trêu chị ấy: “Chị cũng bớt dữ dằn lại đi. Không khéo con sinh ra lại giống mẹ lúc này thì khổ.”
Cô gái kia vội vã phóng lên ngựa, trước khi đi còn nói với tôi: “Cảm ơn đã không trách cứ. Xử lý xong việc tôi sẽ quay lại đây tìm em để chuộc lỗi ngày hôm nay. Tôi họ Dương, không biết có thể biết quý danh của em không?”
Tôi cúi đầu, giữ lễ nói: “Chuyện nhỏ thôi, không cần bận tâm.”
“Vậy xin phép cáo từ!”
Họ đã đi từ mấy quánh mà Nhược Lan vẫn còn nguyền rủa. Tôi nói với chị ấy rằng người đụng tôi là con gái chị mới giật mình: “Ơ, thật sao? Vậy mà em không nhận ra. Dường như từ lúc mang thai em kém tinh tế hơn thì phải.”
Tôi bật cười: “Đã vậy còn hung dữ hơn nữa chứ.”
Cơn đau tôi được dịp dấy lên. Lúc tôi về nhà đã lén lút không để Xuân Mai nhìn thấy, nhưng rốt cuộc vẫn không qua mắt được chị ấy: “Mợ ba, mợ bị làm sao vậy?”
Tôi đưa tay lên môi ra hiệu cho chị nói khẽ lại: “Tôi bị té ngoài phố. Nhưng đã tìm thầy thuốc rồi, không sao đâu.”
Tôi đã nói không sao nhưng Xuân Mai vẫn đè tôi ra thoa thuốc. Thuốc đi đến đâu tôi cảm nhận được cơn đau rát đi theo đến đó. Xuân Mai cố gắng gặng hỏi tôi đi đứng làm sao mà lại bị té đến như vậy, nhưng tôi đâu thể nào nói ra hết sự tình, đành cười hề hề cho qua chuyện. Dù sao ba người ấy nhìn cũng vẻ đàng hoàng nên tôi cũng không muốn chấp nhất làm gì.
Nhưng nói đi nói lại thì ba người kia từ đâu đến thế nhỉ? Tôi nhìn phục trang trên người họ thì không có nét gì là của Châu Lạng cả. Ngoài cô gái đụng phải tôi ước chừng rất xinh đẹp thì hai người thanh niên đi theo cũng không hề kém cạnh. Một người nhìn có vẻ ít nói, nhưng từ bên trong tỏa ra một khí chất của nhà tướng, giống như khi xưa tôi được diện kiến Bát vương gia; còn người còn lại làm Nhược Lan tức giận thì tuy là nam nhân nhưng ngoại hình thu hút không khác gì nữ nhân, thậm chí so với cô gái đụng phải tôi cũng chưa hẳn là thua! Người nam dũng mãnh thì có vẻ bênh vực cô gái còn người nam tao nhã thì dường như đứng nghiêng hẳn về một phe so với hai người còn lại. Hướng ba người đi cũng chính là Quảng Nguyên. Ở đây dạo gần đây luôn dấy lên việc Nùng Trí Cao tạo phản, vậy tôi nghĩ có thể bọn họ có thể liên quan đến cuộc chiến ấy. Hoặc là họ có thân nhân trong quân đội, hoặc chính họ là người tham chiến bên phía triều đình. Còn việc giả sử họ là người bên Nùng Trí Cao, tôi nghĩ khả năng không lớn.
Cơn đau lại kéo tôi về với thực tại. Thôi thì dù họ có là ai cũng sẽ không liên quan đến cuộc sống của tôi, không việc gì tôi phải suy nghĩ nhiều. Suốt mấy ngày tôi không dám ra ngoài, chỉ nằm ở nhà chờ cho mấy vết thương kia khỏi, buồn chán đến độ tưởng như phí hết phân nửa cuộc đời.
*
*  *
Mấy ngày tôi bị thương nằm lì ở nhà thì tần suất Cát ra ruộng cũng ít lại. Thỉnh thoảng nhìn ra chiếc bàn đá ngoài sân, tôi thấy anh Thuần cùng một số quản điền hay đến đây để trao đổi thông tin cùng Cát. Nếu mùa vụ thứ ba này ổn thỏa, mọi người đều đã quen việc rồi thì có lẽ chúng tôi cũng sắp trở về Hải Đông không chừng. Về lại Hải Đông tôi sẽ có thời gian chơi với Thiên Quý. Nghĩ đến cháu, tôi lại thấy lòng dạ cồn cào, nhớ chết đi được.
Tôi mải nghĩ vẫn vơ mà Xuân Mai gõ cửa cũng không hay. Chị ấy thấy tôi im lặng nên nhẹ nhàng bước vào nói với tôi: “Mợ ba, cậu cho mời mợ ra nhà trước dùng cơm.”
Đã lâu rồi chúng tôi không ăn cơm cùng nhau. Lần này anh đích thân mời mộc, tôi không biết có chuyện không hay nào xảy ra nữa hay không?
Lúc tôi đến nhà trước thì Cát đã ngồi chờ sẵn, đồ ăn trên bàn vẫn nguyên vẹn chưa động vào món nào. Tôi chậm rãi ngồi xuống ghế, nhìn anh: “Sao anh chưa ăn?”
Lúc này Cát mới cầm đũa lên, gấp một miếng cá chép cho vào miệng: “Nhà có hai người mà cứ phải ăn một mình hoài sao?”
Tôi cũng cầm đũa lên, lùa miếng cơm rồi thản nhiên nói: “Vậy thì mai mốt cứ về nhà đúng bữa cơm để ăn cùng.”
Cát ừm một tiếng thật nhỏ, đến mức tôi nghĩ thanh âm đó là từ mũi anh phát ra. Đoạn anh hỏi tiếp: “Cô bị thương à?”
“Cũng sắp lành rồi.” Tôi trả lời.
“Tôi nghe người khác nói cô bị tai nạn ngoài đường. Từ đây về sau đừng ra đường một mình nữa.”
“Xuân Mai có đi cùng tôi đi nữa thì chuyện phải đến cũng không tránh khỏi được.”
“Tôi thấy Nam có vẻ biết võ, từ nay để hắn theo bảo vệ cô.”
Nhắc tới Nam tôi mới nhớ. Lúc Cát về đây có phát hiện ra người lạ mặt trong nhà nên có hỏi qua Xuân Mai. Xuân Mai và tôi đã có chuẩn bị từ trước nên dựng lên câu chuyện Nam là người cùng quê với Xuân Mai, lớn lên vì nợ người ta mốt khoản tiền không trả nổi nên bị đánh đến mức mất trí. Xuân Mai thấy đồng hương nên thương tâm, xin tôi cho Nam ở lại phụ giúp công việc trong nhà. Cát có vẻ cũng không quan tâm lắm nên chẳng gặng hỏi gì thêm.
Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Cát gấp cho tôi một miếng trứng muối, tôi nể mặt anh ăn chỗ đó, kết quả cả buổi chiều tôi ói ra cả mật xanh. Trước nay tôi bị dị ứng trứng muối, ở với nhau hơn hai năm mà anh ta vẫn không biết điều này.
Tôi không có ác cảm với Nam. Nhưng việc anh ấy đi theo bảo vệ tôi lại là cả một vấn đề. Những lần đầu cùng tôi đi ngoài đường, con nít thấy Nam liền òa khóc, mọi người cũng chỉ chỉ trỏ trỏ gương mặt anh khiến tôi rất không hài lòng. Sau đó tôi tìm mua cho anh một cái mạn che mặt, một mặt tôi cũng đổi đường đi, băng qua đồng để hạn chế gặp mặt mọi người.
“Anh cũng đừng để ý đến thái độ của mọi người làm gì. Họ thấy anh khác lạ thì bàn tán, đợi ít hôm quen mặt thì họ sẽ không có nói gì nữa đâu.”
Tôi cố gắng giải thích cho Nam nghe để anh ấy không tủi thân. Dù tôi đã tìm nhiều thầy lang hỏi về cách chạy chữa cho gương mặt của Nam nhưng ai nấy đều lắc đầu. Hy vọng những điều tôi nói ít nhiều cũng sẽ an ủi được anh ấy.
“Tôi thật sự khó coi lắm sao?”
Nam hỏi làm tôi giật mình. Tôi biết nếu nói thật thì anh sẽ buồn, còn nói dối thì anh sẽ tổn thương. Nhưng tôi biết làm sao để vẹn toàn bây giờ.
“Nhìn sơ qua thì có hơi đáng sợ. Nhưng anh yên tâm đi, những ai thật sự yêu quí con người anh thì sẽ không chê bai dung mạo của anh đâu.”
“Vậy cô thấy tôi có khó coi không?”
Tôi thấy anh có khó coi không à? Dĩ nhiên là những vết sẹo trên gương mặt anh hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tôi. Từ nhỏ tôi đã đi theo Tự Khải học chữ, cũng biết thế nào là tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Người dung mạo đẹp đẽ mà tính tình không tốt thì cũng chỉ biết làm hại người khác mà thôi. Tôi thấy Nam ở nhà thời gian này, anh chưa bao giờ gây hấn với ai, ai khó chịu gì anh cũng chỉ im lặng, ai chê bai anh cũng không phản ứng, tôi có thể tin rằng bản chất thật sự của anh là một người thiện lương. Bởi vậy, tôi không ngần ngại trả lời anh: “Với tôi thì không. Anh chẳng khó coi chút nào.”
Anh ta nghe tôi nói, im lặng vài giây rồi đưa tay chỉ lên vết sẹo to nhất, chạy dài từ trán đến cằm: “Thật sự không sợ nó sao?”
Tôi nhìn qua vết sẹo anh chỉ, trả lời: “Đã từng sợ.”
Nam im lặng, không biết anh đang nghĩ gì. Tôi nói tiếp: “Lúc phát hiện anh bên bờ sông, nhìn thấy vết sẹo ấy, tôi rất sợ anh sẽ không qua khỏi. Nhưng giờ nó đã lành rồi, tôi chẳng việc gì phải lo nữa.”
Có cơn gió thổi qua khiến tóc chúng tôi bay trong chiều nắng. Cái nắng những ngày cuối thu nhàn nhạt rọi lên từng nụ vải ngoài đồng. Anh nhìn tôi chăm chú – tôi không biết anh ta có tin những gì tôi nói hay không. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng anh đừng lấy làm buồn vì những gì mình đã trải qua. Cuộc sống phía trước còn dài, vẫn còn có thể cứu vãn mà.
“Tôi sẽ cố tìm người để chữa trị cho anh. Hãy tin tôi nhé!”
Nam lắc đầu từ chối: “Không cần bận lòng vì tôi.”
Tôi trêu: “Xem như tôi giúp đỡ anh lúc này. Biết đâu khi anh nhớ ra mọi chuyện thì phát hiện mình thân phận cao quý, không chừng sau này tôi lại được nhờ.”
Nam chậm chậm bước theo sau tôi, âm thanh thả vào gió, lỡ đãng, xa xăm: “Lỡ như tôi không như cô nghĩ, chỉ là một kẻ bình thường.”
“Dù gì tôi đã xây bảy ngôi chùa rồi, xem như là đúc thêm tượng Phật trang trí thôi…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.