*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Lâm Gia Thái Bảo
-
Mọi chuyện bắt đầu vào những năm 1757, vua Nặc Nguyên của Chân Lạp mất, chú là Nặc Nhuận xưng làm Giám Quốc, Nặc Nhuận cắt hai đất Trà Vang và Ba Thắc (nay thuộc Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu) cho Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát để xưng vương, Chúa Nguyễn chưa kịp phong thì rể của Nặc Nhuận là Nặc Hinh nổi loạn cướp ngôi, một viên bộ tướng của Nặc Nhuận là Bà Đà Ngạc dẫn theo gia quyến còn lại của chúa công, lui về vùng thất sơn An Giang trấn giữ, quân của Nặc Hinh cũng chẳng có cơ hội truy sát vì thời kỳ đó nội bộ Chân Lạp hết sức rối ren.
Nói về Bà Đà Ngạc, văn võ song toàn, trí dũng hơn người, xuất thân từ một bộ lạc vùng Hạ Lào, tổ tiên nhiều đời tinh thông thuật thần bí, lúc Bà Đà Ngạc còn làm bộ tướng dưới quyền Nặc Nhuận thì đã có giao du qua lại với giới lục lâm ở Miền Nam lúc bấy giờ và có một người bạn thân tên là Mạc Hải Vinh, hai người vẫn thường xuyên trao đổi thư từ qua lại. Lúc Bà Đà Ngạc chạy loạn, Mạc Hải Vinh cũng giúp đỡ hết sức tận tình, chu cấp lương thực tiền bạc giai đoạn đầu.
Bà Đà Ngạc có một người con gái tên là Bà Đà Nhan, xinh đẹp tuyệt trần, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, xa gần nức tiếng. Bà Đà Ngạc cũng có hai người đệ tử tên là Trần Siêu và Võ Khắc Thuần, độ tuổi trai tráng, được Mạc Hải Vinh gửi cho Bà Đà Ngạc nuôi dạy. Hai người học rất nhanh lẹ, đạo hạnh ngày một cao cường và dĩ nhiên cả hai đều thầm thương trộm nhớ Bà Đà Nhan. Về phần Bà Đà Nhan thì cô dành tình cảm cho Trần Siêu hoàn toàn.
Khoảng năm 1780, Bà Đà Ngạc lâm trọng bệnh, được lục lâm cứu chữa, bệnh tình không đến nỗi mất mạng nhưng cũng đi lại hết sức khó khăn, đành nằm một chỗ. Bà Đà Ngạc nghĩ đến chuyện tìm người nối dõi, thấy cả hai đệ tử đều ưu tú siêu việt, là người tốt, nhưng tình cảm của con gái lại dành cho Trần Siêu, cho nên ông cũng không ép uổng, bèn tổ chức hôn lễ cho hai người, để Trần Siêu danh chính ngôn thuận quản lý cơ nghiệp ông để lại. Còn phần của Võ Khắc Thuần, Bà Đà Ngạc để lại một bảo vật là cây dao lưỡi hổ, vật phẩm cực quý trong giới lục lâm. Võ Khắc Thuần tuy ngoài mặt tỏ ra bình thản, nhưng trong lòng vô cùng đau xót, sau đó cũng xin sư phụ được xuống núi, hành thiện cứu đời nhưng kỳ thực ông chỉ muốn quên đi hình ảnh của Bà Đà Nhan mà thôi, dần dần, sự đau xót đó biến thành nỗi căm hận, lây sang cả Trần Siêu.
Về phần Trần Siêu, sau khi kế thừa cơ nghiệp của Bà Đà Nhan thì gặp một biến cố lớn. Năm 1783, vừa sau giai đoạn Nguyễn Ánh lưu trú ở An Giang, viên tướng của Ánh tên là Trần Đương cũng lưu lạc tới vùng này, ban đầu Đương không biết đến sự tồn tại của giới lục lâm, nên khi y cứu được một ông lão luyện kumanthong tên là Bốc La thì y nhờ Bốc La luyện cho bốn con ma con, ngăn chặn quân Tây Sơn. Sau đó, khi biết được Ánh đang ở Xiêm, Trần Đương nghĩ tới lui, tìm cách giải quyết Bốc La, vì Xiêm là vùng đất bùa ngải nhiều, đem theo lũ ma con đi khác gì để vua Xiêm trách phạt, còn nếu để lại đây thì không tin được miệng lưỡi của Bốc La. Lúc này có người đề cử Trần Siêu, Trần Đương mừng ra mặt, lập tức đồng ý để Siêu khử Bốc La, tuy nhiên kết quả lại quá đau lòng, mặc dù giết được Bốc La, nhưng trước khi chết lão đã kịp dùng kumanthong hại chết Bà Đà Nhan, Trần Siêu đau khổ, khóc đến trào cả máu. Một hôm Mạc Hải Vinh quay lại thăm Bà Đà Ngạc, thấy sự tình không thể nào không thở dài, ông còn chỉ ra một thứ sai lầm khiến Trần Siêu hốt hoảng. Do tính toán sai dương mạch và âm mạch của vùng Thất Sơn nên khi chôn Bốc La chung với bọn ma con đã suýt khiến âm dương mạch đảo chiều, gây thiên tai hạn hán. Để ngăn ngừa chuyện này, Trần Siêu xây một ngôi miếu dưới chân núi Tà Pạ, dùng pháp bảo Mạc Hải Vinh đưa cho là một khúc gỗ Mộc Tử Nha vạn năm, trấn yểm bên dưới để điều hòa dòng chảy của khí lưu, khi đó mọi chuyện mới giảm bớt.
Mạc Hải Vinh hỏi thăm về Võ Khắc Thuần thì được Trần Siêu kể lại sự tình, Mạc Hải Vinh tỏ ra khá trầm tư, bảo đúng là ý trời khó cãi. Lục lâm tuy là một tổ chức kín tiếng, nhưng có những thứ nổi tiếng đến độ ai cũng biết, trong lục lâm có những dòng họ như thế, gọi là Tứ Trấn: Lý gia thuộc vùng Hà Tiên, chuyên đào giếng; Trần Gia, vùng Phú Yên, chuyên thông hải; Võ Gia, vùng Tây Ninh, chuyên đập miễu và Long Đế thuộc Gia Định, là một tổ chức tồn tại chỉ để phục vụ trong nội bộ của lục lâm. Mạc Hải Vinh có hai người bạn thân khác thuộc Trần gia và Võ gia, hai người này sau khi bốc quẻ vài trăm năm sau, thấy nếu con cháu cứ theo hướng này thì chẳng thể có kết cục tốt đẹp, bèn đưa con cho Hải Vinh, gửi gắm nhờ đưa cho thầy khác để tu luyện, cho chúng quên đi mối thù truyền kiếp này.
Sau đó, Trần Siêu mất vợ, lại phải xa con nên ông cảm thấy suy sụp, bèn rời bỏ vùng Thất Sơn, tìm lại quê cũ là Trần Vĩnh Thôn, Phú Yên, gia nhập lại giới thông hải. Tại đây ông lập gia đình để có thể hòa nhập với cuộc sống mới. Mọi chuyện tưởng dần chìm vào quên lãng thì khoảng năm 1830, Võ Kỳ Hưng, con của Võ Khắc Thuần (sau khi xuống núi, Thuần lui về vùng Hà Tiên, lập gia đình và đổi tên thành Võ Sĩ Kỳ) đi ngang vùng Tà Pạ, trừ được con Tích Lĩnh, lấy đi khúc gỗ Mộc Tử Nha trấn yểm lại ở ngôi miếu do Trần Siêu và Mạc Hải Vinh dựng nên. Trần Siêu cho rằng Kỳ Hưng làm vậy khác nào khơi dậy mối thù cũ, coi thường thiên địa, gây nên nạn can qua và thiên tai, làm hại bách tính. Ông lại phải khăn gói đi tìm lại khúc gỗ, trong khi hành sự còn đánh trọng thương Kỳ Hưng. Kể từ thời điểm trên thì đâu lại vào đó, hai dòng họ tuyên bố trở thành kẻ thù của nhau cho đến khi trời sập đất lúng, xuống đến mười chín tầng địa ngục mối thù cũng không nguôi, tất cả chỉ vì một người con gái.
Sự việc đến đấy thì trở nên căng thẳng tột độ, chém giết xảy ra liên miên, máu chảy thành sông, nội bộ lục lâm lục đục hơn bao giờ hết, vậy mà ông trời vẫn chưa muốn dừng trêu người. Đến đời cha của Hải Long, Trần Hồng Xuyên, trong lúc hành tẩu giang hồ gặp phải Võ Thị Duyên, con gái của Võ gia. Đôi nam nữ phải lòng nhau, quyết định gạt qua tất cả, trốn đi với nhau, trong khi đó Duyên là con gái của trưởng tộc Võ gia Võ Cang nên cô được phép đeo cây dao lưỡi hổ theo. Võ Cang hết sức tức giận và xấu hổ, bèn cho người đi theo truy sát ba mẹ của Hải Long. Trần Gia cũng không kém, vì Trần Hồng Xuyên là con trưởng, sẽ nối dõi sự nghiệp sau này nên mối nhục này làm sau họ bỏ qua được, họ liên tục cử người đi truy sát, thiệt hại của hai bên đã cao, nay lại càng tăng vọt.
Võ Cang thấy vậy bèn thực hiện một cuộc báo thù kinh thiên động địa. Sở dĩ những người thông hải có thể tự do vùng vẫy ở biển khơi là nhờ một thứ ở hải vực Trường Sa, có hình thù như con hải sâm nhưng rất to, tổ tiên thông hải gọi nó là Định Hải Châu, cứ mỗi đứa bé thông hải chào đời sẽ cho nó uống một ít máu tiết ra từ “viên ngọc” ấy, như vậy nó có thể lặn sâu như cá, bơi giỏi, chịu lạnh tốt. Võ Cang huy động những người giỏi nhất của Võ Gia, tìm cách đến hải vực, phá hủy Định Hải Châu, giết luôn cả Nam Hải Thần Ngư canh giữ, việc này như giọt nước làm tràn ly, kéo hai gia tộc vào xung đột máu lửa hơn mười năm.
Hồng Xuyên và Thị Duyên cảm thấy khó tránh khỏi họa này, bèn nhờ Trần Bá, một người huynh đệ của Hồng Xuyên, nuôi giữ Hải Long dùm họ, chẳng lâu sau cả hai bị truy sát. Vậy tại sao trong lăng mộ Bà Đà Nhan lại có những pho cổ thư bao gồm cả bút tích của Trần Bá? Chuyện là Trần Siêu mỗi năm đến cuối tháng tư đều đến nơi này thắp nhang tưởng nhớ người vợ đầu tiên, con cháu ông sau này đều theo lệ cũ mà làm, mỗi năm quay về đều ghi chép lại những sự việc tai nghe mắt thấy trong giới lục lâm, những tuyệt kỹ, các bài chú, vân vân. Đến thời kỳ Võ Gia và Trần Gia giao tranh, chỉ còn Trần Bá vẫn lui về đây ghi chép. Ông không muốn nói cho Hải Long biết sớm là vì muốn nó tự đi tìm, lĩnh hội tất cả tuyệt kỹ mà Trần Gia gom góp được, âu cũng là một dạng giáo dục “thương cho roi cho vọt” của lục lâm.
Lần cuối cùng Trần Bá đến đây là vào năm trước, lúc đó Hải Long bảy tuổi. Hải Long nhớ lại, năm rồi cũng chính là năm Trần Bá bị giết, trước đó ông bỏ đi vài ngày, nói là đi công việc nhưng thấy ông chuẩn bị đồ nghề đủ cả, không lâu sau tin dữ ập về, kèm theo đó là một cái tên: Võ Hưng Bá. Nó lặng người đi, nhìn căn phòng cổ thư một lượt, rồi nó bắt đầu đọc, đọc đến đâu nhớ đến đó, có những chú rất khó, cấp Sát, nó tập vài lần là được, khiến Tiểu Bạch hết sức ngạc nhiên. Hải Long ở trong đấy đúng ba tháng, ngày ba bữa được Tiểu Bạch chuẩn bị đầy đủ. Đến một ngày nọ, khi Tiểu Bạch đem cơm vào thì thấy tóc của Hải Long đột nhiên dài ra, đôi mắt đỏ ngầu, suýt nữa thì nhóc chuột tinh đã sợ đến vỡ mật, Hải Long bèn trở về bình thường, rồi cười Tiểu Bạch quá nhát gan.
Ngày cuối cùng trong lăng, Hải Long cùng Tiểu Bạch đến bên mộ của Lão chuột tinh, thắp ba nén nhang, nói: “Tính ra lão cứu ta ba lần, ta không biết đền đáp thế nào, ta biết lão rất yêu quý Tiểu Bạch, Hải Long nhân danh tổ tiên Trần gia mà thề rằng sẽ bảo vệ nó thay ông, ông cứ yên tâm an nghỉ, hàng năm ta tranh thủ về thăm!” Đoạn, nó quay sang Tiểu Bạch, nói tiếp: “Từ nay coi như mày là em tao, nghe chưa?”
Tiểu Bạch gật đầu, hỏi: “Giờ mình đi đâu anh hai?”
Hải Long mang tay nải, bao gồm một số cổ thư cậu tâm đắc, rồi nói: “Đi tìm một người tên Lý Huỳnh…”
Đối với Hải Long, việc tìm Lý Huỳnh chẳng tốn mấy công sức, vừa thấy Vạn Lĩnh, nó quỳ xuống, nói: “Lần trước Long thất lễ, xin thầy bỏ qua, nay con nguyện đi theo thầy, chỉ xin thầy cho con biết, Võ Gia là những ai, đang ở đâu, được không thầy?”
Lý Huỳnh không hẳn là bất ngờ trước yêu cầu đó, mà chính xác là gã cảm thấy sợ hãi trước một Hải Long thay đổi một trăm tám mươi độ, không còn cậu nhóc ngang tàn, coi trời bằng vun mà gã gặp vài tháng trước nữa. Lý Huỳnh bấm tay, nhận ra rằng tài phép của Hải Long đã tiến bộ vượt bậc chỉ trong thời gian ngắn ngủi, vả lại không tài nào đoán được nó đang suy tính gì trong đầu. Gã biết về mối thù truyền kiếp của hai gia đình Trần, Võ, gã cũng hiểu rằng giờ có ngăn cản cũng không tài nào được nữa rồi, nghĩ vậy gã bèn nói hết những điều gã biết về Võ Gia. Hải Long nghe xong im lặng một hồi, đoạn nó hứa với Lý Huỳnh sẽ quay về tìm gã rồi nó lên đường. Còn chuyện nó đi tìm Võ Gia ở đâu, làm những gì thì không ai biết, trừ Lý Tổ sư.
Năm 2008, trên một ngọn núi tại Ninh Bình, có cái chòi lá nhỏ nằm nép bên tảng đá to, bên cạnh là dòng suối trong veo và một khu vườn hoa thơm bướm lượn, triền núi đang dốc chợt thoải ra vừa đủ diện tích để đặt những thứ đó vào, trông như tạo hóa tạo ra nơi này chỉ nhằm một mục đích đó vậy. Phía trước hàng ba, chỗ nhìn ra mênh mông núi đồi, có một người đàn ông chừng năm mươi tuổi đang ngồi vẽ hí hoáy, vừa vẽ ông vừa quay sang chiếc ghế bỏ trống bên cạnh mình rồi liến thoắng: “Sao? Trán cao lên xíu hả? Phải hông, tao nhớ vầy đúng rồi… Mắt thì sao? Mũi nhỏ lại, ừ ừ… Ui da! Tao bẻ răng bây giờ, cắn cắn cái gì, nghệ thuật là phải từ từ!”
Cuộc hội thoại bị cắt ngang bởi tiếng phì phò của một gã thanh niên mới leo lên núi, gã đứng chống hong, hít lấy hít để không khí, mồ hôi đỗ nhễ nhại, nôm như đang mệt lắm, đoạn gã vuốt mặt, chỉnh đốn lại quần áo rồi nói với người đàn ông: “Ông cho con hỏi, trên này có ai tên Cậu Tư không?”
Người đàn ông vỗ lên ghế, dưới lớp đệm chui lên một con chuột màu trắng, béo múp, nó rất dạn, nhìn chằm chằm vào gã thanh niên rồi ghé tai nói với người đàn ông cái gì đó. Ông ấy trở mình rồi trả lời: “Hùng Bonsai, ta đợi anh lâu rồi.” Ông ta nhấp ngụm trà, quay bức tranh lại cho gã thanh niên kia xem: “Suốt cuộc đời, ta chưa nhận ai làm đệ tử là để chờ một người như anh xuất hiện. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta sẽ đồng thuận liền, trước hết, phải vượt qua thử thách cái đã.”
Gã thanh niên hết sức ngạc nhiên, tên tuổi và dự định của anh ta, làm sao ông này biết được? Phải chăng Tư Rồng là đây? Anh hỏi: “Vậy còn bức tranh? Chú cho con xem làm gì?”
Tư Rồng nhìn con chuột, chỉ thấy nó gật gật, rồi ông nói: “Khi nào xuống núi, nhớ tìm một thằng nhìn giống bức tranh này, có nó trong đội, con mới tìm được ngọc rết!”