Thanh Vân Đài

Chương 197:




Đêm trăng treo cao, trong một gian phòng tại quán trà nọ phát ra tiếng cốc chén va chạm. Một nhóm thư sinh học trò quây quần bên chiếc bàn dài, vừa kiểm tra hịch văn mới viết vừa lo lắng ngóng cổ chờ đợi.
Một người mặc áo sam sờn cũ mất kiên nhẫn, đặt cốc trà lên bàn cái *cạch*, hỏi, “Viên Tứ, nhân chứng mà ngươi nói bao giờ mới đến hả!”
“Đúng thế, Thái tiên sinh đã bị giam trong nhà lao của Kinh Triệu Phủ mấy ngày rồi đấy! Nói cho cùng thì người chết ở phố Chu Tước hôm ấy cũng có phải lỗi của Thái tiên sinh đâu, ai bảo Lâm thiếu gia và Khúc thiếu gia dám ra mặt lúc này? Triều đình đã không trừng trị đám tội nhân ấy đã đành, còn bắt cả Thái tiên sinh, Thái tiên sinh làm gì có lỗi? Chỉ là dẫn dắt chúng ta biểu tình đòi chân tướng thôi mà! Viên Tứ, không phải ngươi nói có cách để triều đình thả Thái tiên sinh hả, là cách gì, ngươi mau nói đi!”
Người tên Viên Tứ là gã một trung niên mặt lan sam ngồi trong góc, mặt hình chữ điền, tướng tá xấu xí, được cái phong thái khá trầm ổn, nghe mọi người thúc giục, gã vẫn không sốt ruột, “Chư vị à, ta đã nói rồi, triều đình bắt Thái tiên sinh cũng không sai, hôm ấy đã có người chết, ắt phải có người chịu trách nhiệm, Thái tiên sinh dẫn đầu nhóm chúng ta, dĩ nhiên triều đình sẽ bắt ông ấy. Muốn để triều đình thả người vô tội thì chỉ có một cách, đó là chứng minh chúng ta có lí do chính đáng để diễu hành trên phố, cũng có lí do để chỉ trích mạt sát hai kẻ tội nhân kia, chính triều đình không trả ta công bằng nên mới khiến ta phẫn nộ!”
“Nhưng làm sao để chứng minh được triều đình không trả lại sự công bằng mà chúng ta muốn? Không phải triều đình cũng đang điều tra vụ án Tiển Khâm Đài sao? Chúng ta biểu tình cũng chỉ để ép triều đình gấp rút làm rõ vụ án, công khai sự thật với toàn thiên hạ.”
“Nên ta mới bảo chư vị chớ sốt ruột.” Viên Tứ nói, “Chư vị thật sự cảm thấy những cải cách triều đình đưa ra sau sự việc sĩ tử nhảy sông là công bằng sao? Không hề, sau trận chiến sông Trường Độ, Cất Bắc rơi vào cảnh tan hoang, và triều đình đã làm không ít chuyện bẩn thỉu để giải quyết tình hình đó. Ta nói rồi, ta có một cố nhân biết rõ năm ấy triều đình đã làm sai điều gì, ta cũng chỉ thuật lại nội tình thôi, chư vị cứ chờ người đó giải thích trực tiếp.”
“Quanh đi quẩn lại vẫn phải chờ nhân chứng của ngươi! Đã hẹn giờ Tý là đến, hiện tại đã sắp giờ Dần mà vẫn chưa thấy bóng dáng đâu, còn đợi nữa khéo đợi tới sáng mất!” Người mặc áo sam sờn cũ sốt ruột quát, “Viên Tứ, có phải vốn dĩ không có người này, ngươi đang bịa chuyện lừa bọn ta đúng không!”
Viên Tứ không đáp, trả lời gã là tiếng cửa đẩy mở, mọi người đồng loạt nhìn sang, một thanh niên mặt mũi sáng sủa bước vào. Nếu người trong cung có mặt ở đây ắt sẽ nhận ra hình dáng người này nom tương tự tiểu thái giám bên cạnh Tào Côn Đức, cái người mà ngay cả một cái tên cũng chẳng có, chỉ vì lúc mới vào cung, hắn luôn nằm rạp xuống đất để các chủ nhân giẫm lên bước qua, nên được gọi là “Đôn Tử”. Nhưng bây giờ hắn đã thay sang áo dài, trông chẳng khác gì thư sinh bình thường, chỉ có đôi mắt sâu hoắm ấy là khiến người ta không phân biệt được quá khứ và hiện tại của hắn.
“Tào tiên sinh đến rồi.” Viên Tứ đứng bật dậy, đón Đôn Tử vào nhà.
Đôn Tử nheo mắt nhìn, “Kính chào chư vị, tệ nhân họ Tào, tên một chữ Tuệ, lấy ý từ câu cốc lúa bội thu.”*
(*Chữ Tuệ có nghĩa là bông lúa.)
“Ngươi chính là nhân chứng mà Viên Tứ đề cập?” Các sĩ tử bán tín bán nghi nhìn Đôn Tử.
Trận chiến sông Trường Độ đã trôi qua mười tám năm, những người biết về nguyên nhân kết quả của chiến dịch ấy chí ít đã đứng tuổi, mọi người cứ ngỡ nhân chứng mà mình chờ là một người già Cật Bắc, ngờ đâu người tới lại trẻ thế này.
Đôn Tử đáp: “Không sai, người mọi người đang chờ chính là tôi, tôi là cô nhi Cật Bắc năm xưa.”
“Nhưng trông dáng vẻ công tử, ta thấy không giống cô nhi lắm.”
“Đúng thế, giọng công tử cũng là giọng quan trong kinh, nghe không giống sống ở Cật Bắc.”
“Lấy gì chứng minh ngươi là người Cật Bắc?”
“Phải, bọn ta đâu dễ bị dắt mũi, trừ phi ngươi chứng minh được mình là người Cật Bắc!”
Đôn Tử không đáp, xem chừng hắn cũng đã đoán được các sĩ tử sẽ nghi ngờ mình, nét mặt dửng dưng không xao động, chỉ đơn giản cởi áo khoác giao cho Viên Tứ. Đám đông không biết hắn muốn làm gì, im lặng nhìn hắn. Đôn Tử tiếp tục tháo các áo, cởi ngoại sam ra. Cởi ngoại sam vẫn còn có áo trong, tiếp tục cởi áo ra, cuối cùng chỉ còn lại bộ áo lót. Nhưng Đôn Tử vẫn chưa dừng lại, khi hắn cởi nốt áo lót, người trong quán trà hít sâu một hơi.
Trên làn da trầ.n trụi không có lấy một nơi hoàn hảo, sẹo chằng chịt sẹo, dễ nhận thấy đó là những vết thương cũ, thậm chí vì cơ thể phát triển, một số vết sẹo nứt toác ra rồi hình thành lớp da mới, nhưng những vết thương ấy quá mức gớm ghiếc, không biết do đâu mà nên, có vết roi quất, cũng có dấu than nung, dưới ngực trái còn có một mảng da lõm vào, hẳn là di chứng của việc gãy xương sườn không được điều trị.
Đám đông chấn động không thốt nổi nên lời, Đôn Tử đổi khẩu âm, nói bằng giọng quê nhà Cật Bắc, “Không ai lại tự tạo vết thương như thế lên người mình cả, trừ những cô nhi Cật Bắc trải qua vất vả gian khổ, không sống nổi tại quê hương.”
“Vậy bây giờ chư vị đã chịu tin tưởng lời ta, nghe ta giải thích chưa?”
***
Một con ngựa lao nhanh trong màn đêm tảng sáng, dừng lại trước cửa Giang phủ, người cưỡi bị ngã khi xuống ngựa, nhưng hắn bất chấp cơn đau chạy thẳng vào phủ, lớn tiếng gọi: “Thiếu phu nhân, có thư rồi, có thư của Nhạc tiền bối rồi!”
Người này là hộ vệ ở Giang gia.
Tối qua sau khi về nhà, Thanh Duy bồn chồn bất an liên tục, tuy nàng đã dặn Tạ Dung Dữ cần cảnh giác đề phòng Tào Côn Đức, nhưng Tào Côn Đức đã lên kế hoạch mười mấy năm, đâu dễ bị kẻ khác phá hỏng âm mưu? Tới tận nửa đêm dù đã lên giường nằm, Thanh Duy vẫn dựng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Nên lúc Triêu Thiên và Đức Vinh vừa trở về, nàng lập tức tỉnh ngủ. Tuy nghe Triêu Thiên kể Quan gia đã cho người giam giữ Tào Côn Đức, nàng vẫn không cách nào thả lỏng nổi, giục hộ vệ trong nhà đến dịch trạm kiểm tra xem đã có thư của Nhạc Ngư Thất chưa, may thay kết quả không khiến nàng thất vọng, thư gấp của Nhạc Ngư Thất đã được gửi đến.
Thanh Duy vừa nhận được thư là ngay lập tức khui ra đọc, Nhạc Ngư Thất không giỏi văn vẻ, viết thư rất ngắn gọn, thế mà trong phong thư lại có đến ba trang giấy, thậm chí còn chẳng có lời mở đầu:
“Gửi Tiểu Dã, vi sư đã điều tra Du Thanh ở Trung Châu như lời con dặn. Hắn ta đúng là thân tín của Trương Viễn Tụ, là người liên lạc của Trương Nhị công tử tại địa phận Trung Châu. Hắn rất kín miệng, vi sư phải dùng vài biện pháp mà con không cần quan tâm mới cạy được miệng hắn.
Hắn không biết nhiều về chuyện của Tào Côn Đức, cũng không có liên quan tới ân nhân của Tào Côn Đức. Nhân tiện vi sư cũng hỏi thăm về tung tích của vợ con Bàng Nguyên Chính. Mấy năm sau khi Bàng Nguyên Chính qua đời, Cật Bắc nổ ra chiến tranh, chính là trận chiến sông Trường Độ. Sau trận chiến, Cật Bắc rơi vào đường cùng, người dân trước đó còn miễn cưỡng sống lay lắt thì giờ đây cũng không sống nổi nữa. Mà lương thực cứu tế của triều đình lại có hạn, đành nhờ bách tính hỗ trợ tìm cách. Trung Châu có một thương nhân, chính là Cố Phùng Âm mà con biết, ông ta đến Cật Bắc làm ăn, xót xa trước cảnh dân chúng lầm than, sau khi trở về Trung Châu ông ta đã nhận nuôi cô nhi Cật Bắc. Nhờ có ông ấy mở đường cộng thêm sự khích lệ của triều đình, nghĩa cử ấy dần thành phong trào, các thương nhân Trung Châu và Khánh Minh cũng bắt đầu nhận nuôi cô nhi Cật Bắc.
Bây giờ ta mới hiểu triều đình khích lệ không phải chỉ là đôi ba lời tán dương, mà có chính sách thiết thực. Ví dụ như Giang Lưu, lúc ấy quan phủ Giang Lưu đã tuyên bố những ai nhận nuôi từ năm cô nhi trở lên sẽ được miễn giảm ba phần thuế hành thương, nếu các phú thương nhận nuôi trẻ cô nhi có kinh doanh qua lại Cật Bắc thì không những miễn giảm toàn bộ thuế, mà còn được quan phủ tài trợ. Rõ là chuyện tốt đúng không? Không chỉ giải quyết được sinh kế của dân chúng Cật Bắc, mà mặt khác, thông qua việc kinh doanh, triều đình có thể đưa Cật Bắc thoát khỏi khổ nạn. Ta nghe người ta nói trà Cừ và lụa Cật nổi tiếng của Cật Bắc cũng phất lên vào lúc đó.
Nhưng tiếc thay chuyện gì cũng có hai mặt, quyết sách như vậy cũng có hậu quả tiêu cực. Các thương nhân hồi ấy chỉ chọn cô nhi thân quyến của tướng sĩ đã hi sinh, không chọn những đứa trẻ khác. Nhận nuôi cô nhi của tướng sĩ sẽ vẻ vang hơn, đám trẻ ấy cũng được đối xử tử tế, à, cái thằng oắt hay đến xin ta chỉ dạy võ công, tên Cố Triêu Thiên gì đó, không phải cũng thế sao. Còn những đứa trẻ khác, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, có được nhận nuôi hay không, sau nhi nhận nuôi sẽ gặp chuyện gì, nhất nhất nghe theo ý trời. Hầu hết chính sách của quan phủ lúc ấy là nhận nuôi năm người miễn giảm ba phần thuế, mười hai người miễn giảm mười phần, hai mươi người miễn giảm bảy phần. Nhận nuôi càng nhiều thì thu thuế càng thấp, nhưng hai mươi người, dù nhận về làm người hầu kẻ ở thì cũng là hai mươi cái miệng ăn chờ đút, nên là…”
Dường như viết đến đây, Nhạc Ngư Thất không kìm nén nổi xúc động, vết mực nhỏ xuống giấy để lại một chấm to, ông bèn xuống dòng viết tiếp:
“Nên đã có thương nhân lợi dụng kẽ hở, nhận nuôi rất nhiều cô nhi, nhưng đợi quan phủ ghi danh xong thì quay ra vứt bỏ, ba ngày không có được bữa cơm, sống chẳng bằng một con chó, còn không cho phép họ ra ra cửa tìm ăn, sợ quan phủ mà biết sẽ bị trừng trị, thế là giam người lại, tụi trẻ chịu không nổi, không lâu sau đều đã qua đời. Dĩ nhiên quan phủ có cử người định kỳ đến hỏi thăm, cũng sẽ kiểm tra tình trạng của dân tị nạn và cô nhi, nhưng người đông như thế, kiểu gì cũng để sót, hơn nữa ai chẳng biết giả vờ đóng kịch? Quan phủ đâu thể sai người đến ở lì tại nhà các thương nhân được.
Thật ra thế đã còn tốt chán, có vài kẻ có sở thích biế.n thái, lấy việc tra tấn làm mua vui, thậm chí… quá khủng khiếp ta không muốn nói nhiều, cô nhi và dân tị nạn được nhận nuôi bị hành hạ đủ kiểu, chí ít lúc ở Cật Bắc còn được coi là người, nhưng rời khỏi Cật Bắc lại chẳng phải là người nữa rồi. Theo lời khai của Du Thanh, vợ con của Bàng Nguyên Chính bất hạnh bị một gia đình như trên nhận làm người hầu. Gia chủ nhà này họ Liêu, thực sự quá đốn mạt, ba mẹ con đến Liêu gia chỉ mới một năm mà bị hành hạ vô cùng dã man. Bấy giờ là năm Chiêu Hóa đầu tiên, cũng vào năm đó, Tào Côn Đức tấn thăng lên áp ban Nội Thị Tỉnh, có được cách gửi tin ra ngoài cung.
Về phần Tào Côn Đức, nói hắn độc ác cũng không ngoa, nhưng nếu chỉ xét riêng việc này thì khá là đáng nể. Hắn rời Cật Bắc đã nhiều năm, cắn răng tịnh thân làm thái giám, cũng có được địa vị máu mặt trong cung, vậy mà vẫn nhớ ơn Bàng Nguyên Chính nhường cho mình rời khỏi Cật Bắc. Ăn cám trả vàng, được bao nhiêu người làm được chuyện này. Tào Côn Đức luôn hi vọng có thể báo đáp Bàng Nguyên Chính, nên sau khi biết tin y đã qua đời, vợ con cũng bị hành hạ mà ra đi, hắn ôm hết mọi tội lỗi vào mình, cho rằng vì không thể báo đáp Bàng thị sớm hơn nên mới khiến bọn họ rơi vào kết quả ấy. Sau đó, Tào Côn Đức quyết định trả thù cho mẹ con Bàng gia.
Theo lí mà nói, kẻ thù của hắn là ai quá rõ còn gì, chính là gia chủ họ Liêu nhận nuôi mẹ con Bàng thị. Nhưng chuyện này kể ra cũng lạ, trước khi Tào Côn Đức tìm được mẹ con Bàng thị thì gia chủ họ Liêu đã chết, vụ án hành hạ cô nhi sông Trường Độ từ lớn hóa nhỏ, khép án qua loa. Nghe Du Thanh nói, sở dĩ Tào Côn Đức hợp tác với Trương Viễn Tụ là vì hắn còn có thù cũ chưa báo, vẫn có kẻ thù đang ung dung ngoài lưới trời, hắn đang chờ đợi thời cơ thích hợp để tố giác tội ác của kẻ đó, nên mới ẩn nấp trong cung.
Đây là toàn bộ tin tức về Tào Côn Đức ta moi được từ chỗ Du Thanh. Chắc chắn hắn ta đã che giấu manh mối về Trương Viễn Tụ, tiếc rằng ta không cách nào hỏi được. À phải rồi, ta cũng đã điều tra Đôn Tử như con yêu cầu. Khéo làm sao, tuy Tào Côn Đức không thể cứu được mẹ con Bàng thị từ tay Liêu gia, nhưng ma xui quỷ khiến thế nào lại cứu được một đứa bé may mắn còn sống. Còn về con chim cắt con đã thấy ở Trung Châu lần trước, nó đúng là chim cắt do Tào Côn Đức nuôi, chuyên đưa tin qua lại giữa kinh thành và Trung Châu. Tiểu Dã, ta cảm thấy chuyện lần này rất không đơn giản, rốt cuộc Tào Côn Đức muốn làm gì, kẻ thù của hắn là ai, hắn đang chờ đợi điều gì, dù hiện tại vẫn chưa sáng tỏ, nhưng một khi đã lộ thì nhất định sẽ có manh mối, con ở kinh thành cần chú ý đề phòng. Giữ gìn sức khỏe.”
Thanh Duy cau mày đọc hết đoạn cuối, không khỏi lấy làm khó hiểu, nếu đúng như Nhạc Ngư Thất nói, gia chủ họ Liêu đã chết, vậy kẻ thù của Tào Côn Đức là ai? Lão nói chờ thời cơ thích hợp, vậy thời cơ như thế nào?
Thanh Duy chợt nghĩ đến Cố Phùng Âm đang ở kinh thành, mà gia chủ họ Liêu cũng là người Trung Châu, không chừng Cố Phùng Âm cũng biết ông ta.
Nàng định sai Đức Vinh và Triêu Thiên đi hỏi thăm, nhưng vừa ngước lên thì lại thấy Đức Vinh siết chặt bức thư, hai tay run bần bật, mặt cắt không còn giọt máu, hắn nhìn Thanh Duy, trong đôi mắt luôn bình tĩnh toát lên vẻ thất thố chưa từng có: “Thiếu phu nhân, nguy, nguy rồi…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.