Thanh Vân Đài

Chương 176:




QUYỂN 3
Hai tháng sau.
"... Theo những gì Phong Nguyên đã khai, vào khoảng thời gian năm Chiêu Hóa thứ mười hai mười ba, hội Khúc Bất Duy, Sầm Tuyết Minh lấy núi Trúc Cố làm cứ điểm, tổng cộng bán đi năm suất lên đài, trong số đó, ngoài suất của Cử nhân Thẩm Lan được đổi bằng một bộ danh họa hiếm ra, bốn suất còn lại bán từ một trăm nghìn đến hai trăm nghìn lượng bạc."
Trên điện Tuyên Thất, Thượng thư bộ Hình dâng tấu chương lên ngự tiền, bẩm báo với Triệu Sơ.
"Về sau, Khúc Bất Duy lợi dụng thương lộ Lăng Xuyên – Trung Châu để kinh doanh, chuyển tất cả bạc ròng có được đến tư gia ở Trung Châu. Vào năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Tiển Khâm Đài sập, Khúc Bất Duy lo sợ bí mật mua bán sẽ bị bại lộ, lệnh Phong Nguyên, Sầm Tuyết Minh diệt khẩu bịt đầu mối, bao gồm sĩ tử Thẩm Lan may mắn thoát nạn dưới Tiển Khâm Đài và cả tú tài Từ Thuật Bạch – người phát hiện việc mua bán suất lên đài, có ý lên kinh cáo ngự trạng, tố giác việc ác của Khúc Bất Duy."
"Mặt khác," Đại Lý Tự khanh bẩm, "Khúc Bất Duy cũng đưa ra điều kiện sẽ trả gấp đôi số tiền bán suất lên dài, thuyết phục các quan viên liên quan đến vụ án – bao gồm Tưởng Vạn Khiêm ở Thượng Khê – giữ kín mồm miệng. Tới tận mùa xuân năm nay, khi Chiêu Vương điện hạ phát hiện điểm đáng ngờ thông qua cái chết của sơn tặc núi Trúc Cố, đến Thượng Khê Lăng Xuyên kiểm chứng, tìm được ông cháu họ Cát là hậu nhân sơn tặc, sự tình mới bại lộ.
Hai người bị ép phải giúp Sầm Tuyết Minh bán suất lên đài là Tôn Nghị Niên, Tần Cảnh Sơn đã chết trong cuộc bạo loạn ở nha huyện. Theo lời Huyền Ưng Ti, Huyện lệnh Tôn Nghị Niên đã để lại tự thú trước khi lâm chung, người thật sự sai khiến bọn họ thực hiện vụ mua bán chính là Khúc Bất Duy, Sầm Tuyết Minh chỉ đứng trung gian. Về sau để lấy được bằng chứng, Chiêu vương điện hạ đã điều tra tung tích của Sầm Tuyết Minh, phát hiện vào năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Sầm Tuyết Minh đã đóng giả phạm nhân lưu đày Mông Tứ tới vùng mỏ Chi Khê hòng trốn khỏi sự truy sát của Khúc Bất Duy, về sau chết trong vụ tai nạn nổ núi năm Gia Ninh đầu tiên.
May mắn Sầm Tuyết Minh đề phòng chu đáo, trước khi chết đã để lại tội chứng của Khúc Bất Duy, về sau những tội chứng ấy được điển bạc Thạch Lương ở nha môn Trung Châu chuyển sang chỗ khác, giấu trong hang động chứa thùng dầu đá tiêu, mãi đến hai tháng trước, Chiêu vương điện hạ điều tra tới đây, phát sinh xung đột với quân phản loạn của Phong Nguyên. Tiểu Chương đại nhân, Khúc Hiệu úy và trọng phạm Nhạc Ngư Thất mạo hiểm tính mạng bảo vệ tội chứng, được Huyền Ưng Ti hộ tống lên kinh, đích thân Chiêu vương điện hạ dâng lên triều đình."
Ngự sử đại phu tiếp lời: "Trong số tội chứng Chiêu vương điện hạ trình lên, ngoài những phong thư cá nhân liên lạc giữ Khúc Bất Duy và Sầm Tuyết Minh thì còn có sổ thu chi và con dấu được Khúc Bất Duy cất ở chỗ Sầm Tuyết Minh. Không chỉ thế, thần còn đối chiếu với các nhân chứng đã lên kinh là ông cháu họ Cát, ông cháu Diệp thị cùng lời khai của Doãn gia Đông An và Thẩm thị – nữ cô nhi của Thẩm Lan – hiện đã đổi tên là Doãn Uyển, được Tề đại nhân Châu doãn Lăng Xuyên đệ trình thông qua Chiêu vương điện hạ, một lần nữa sắp xếp lại vụ án, phát hiện quá trình phá án khớp với những gì Chiêu vương điện hạ thuật lại, bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi, hiện tại nghi phạm Khúc Bất Duy, Phong Nguyên và những người khác đã thú nhận tội ác của mình, chỉ đợi khép tội."
"Nhưng..." Đại Lý tự Thiếu khanh Tôn Ngải nói tiếp, "Tuy Khúc, Phong đã nhận tội, nhưng sau khi bàn bạc, chúng thần cho rằng vụ án mua bán danh sách lên đài vẫn có hai điểm khả nghi, không thể kết án qua loa. Thứ nhất, rốt cuộc Khúc Bất Duy lấy danh sách từ đâu? Chúng ta đều biết ban đầu Tiển Khâm Đài chỉ là đền Tiển Khâm, về sau tiên đế quyết ý muốn sĩ tử lên đài kỉ niệm sự kiện Thương Lãng nên mới đổi từ đền thành đài, năm Chiêu Hóa thứ mười hai, tiên đế lệnh cho Hàn Lâm Viện chọn sĩ tử lên đài, hay nói cách khác, danh sách lên đài hẳn phải do Hàn Lâm Viện phân phối. Dĩ nhiên, Hàn Lâm Viện vốn ở triều đình, không nắm rõ chuyện của sĩ tử địa phương, để địa phương trình danh sách cũng hợp tình hợp lí. Cho nên sáu năm trước, danh sách phát đến Lăng Xuyên, trách nhiệm tuyển chọn sĩ tử rơi xuống đầu Châu doãn Ngụy Thăng, nhưng theo thần biết, Ngụy Thăng cũng không hứng thú với chuyện chọn sĩ tử, nhưng theo lời khai của Khúc Bất Duy, hắn nói mình và Ngụy Thăng là đồng mưu, tiến hình buôn bán danh sách, điểm này cũng khớp với chuyện đã biết, song Ngụy Thăng đã chết, chúng thần không thể kiểm chứng.
Ngoài ra, cũng là vấn đề quan trọng nhất, Châu doãn Lăng Xuyên Tề đại nhân đã viết trong bản cung trạng rằng, danh sách Khúc Bất Duy dùng để buôn bán rất có thể có được từ tay Chương đại nhân ở Xu Mật Viện, thậm chí sĩ tử Thẩm Lan may mắn sống sót thực ra cũng do Chương đại nhân sai người diệt khẩu. Nhưng chúng thần đã kiểm tra hết mọi bằng chứng, bao gồm tội chứng của Sầm Tuyết Minh mà Chiêu vương điện hạ tìm được, đều không cách nào tìm ra manh mối cho thấy Chương đại nhân nhúng tay vào vụ án này; chúng thần cũng đã thẩm vấn Khúc Bất Duy mấy lần, hắn nhất mực khăng khăng chuyện này không liên quan tới Chương đại nhân, nói đồng mưu với hắn chỉ có Ngụy Thăng. Lời này có thể khó nghe, nhưng dù Tề đại nhân có xác nhận là Chương đại nhân đi chăng nữa thì thật sự không có bằng chứng đối chất."
Tôn Ngải bẩm báo xong, đoạn do dự, "Tề đại nhân có danh là quan thanh liêm, đương nhiên chúng thần sẽ không coi nhẹ lời của ông ấy, sau khi bàn bạc, chúng thần không biết có nên bắt nguồn điều tra từ Hàn Lâm Viện hay không, dầu gì đây cũng là khởi điểm của danh sách, chỉ là... Những Hàn Lâm Viện sĩ phụ trách tuyển chọn sĩ tử ở địa phận Lăng Xuyên hoặc đã mất, hoặc không biết chuyện, chỉ còn lại một mình lão Thái phó, nhưng lão Thái phó đức cao vọng trọng, cũng đã ngoài tám chín mươi, Chiêu vương điện hạ nói... tạm thời đừng làm phiền Thái phó."
Không phải Tôn Ngải đang nói đỡ cho Chương Hạc Thư, mà từ khi Tạ Dung Dữ đưa tội chứng từ Lăng Xuyên về, vụ án buôn bán danh sách lên đài được đích thân Triệu Sơ đốc thúc, Tạ Dung Dữ chủ thẩm, tam pháp ti cùng nhau hỗ trợ giải quyết, tất cả đều làm việc dựa theo bằng chứng, chuyện mà bằng chứng không chỉ ra, bọn họ tuyệt đối không vọng ngôn suy đoán.
Triệu Sơ nghe xong lại trầm ngầm, chàng cũng đã biết chuyện Khúc Bất Duy không xác nhận Chương Hạc Thư qua Tạ Dung Dữ, "Không làm phiền Thái phó cũng là ý của trẫm, nên điều tra phía Hàn Lâm thế nào, đợi trẫm và biểu huynh bàn xong sẽ tính. Các khanh vừa nói vụ án này có hai điểm khả nghi, thế điểm thứ hai là gì?"
"Hồi bẩm Quan gia, điểm còn lại chỉ là nghi ngờ của chúng thần, đó chính là động cơ phạm án của Khúc Bất Duy. Theo lý thì Khúc Bất Duy là quân hầu, thực ấp đến nghìn hộ, không tới mức chỉ vì mấy trăm nghìn lượng bạc mà phạm phải tội ác đến vậy, chúng thần cảm thấy hắn buôn bán danh sách lên đài không đơn giản chỉ vì chữ 'lợi', nhưng sau mấy lần thẩm vấn hắn ta vẫn không khai gì hơn." Thượng thư bộ Hình đáp, "Vốn thần định hỏi thăm từ chỗ Khúc Ngũ công tử, nhưng Quan gia biết đấy, từ khi hồi kinh, Khúc Ngũ công tử chỉ cãi nhau với Chiêu vương điện hạ hai lần rồi đóng cửa không gặp ai, mãi đến hôm trước thần mới gặp được cậu ấy, nhưng có vẻ cậu ấy không biết gì về chuyện phụ thân đã làm, luôn miệng nói mình bị Chiêu vương điện hạ bán mà không biết, còn tìm cách đếm bạc cho ngài ấy..."
Giờ đây Khúc Mậu đã là hạ thần có công, bằng chứng Sầm Tuyết Minh để lại được hắn và Chương Đình cùng nhau bảo vệ, Huyền Ưng Ti cũng làm chứng cho hắn trong việc giao bộ Tứ Cảnh Đồ cực kỳ quan trọng cho Tiểu Chiêu vương, nên dù Khúc Bất Duy phạm tội tày đình, bị đày vào thiên lao, triều đình cũng không truy xét trách nhiệm của hắn.
Triệu Sơ gật đầu, ý là đã biết, "Hiện giờ Chương Lan Nhược thế nào rồi?"
"Tiểu Chương đại nhân vẫn đang dưỡng thương ở Đông An, Tề đại nhân gửi tin báo rằng Tiểu Chương đại nhân vẫn giữ được tính mạng, nhưng trong đầu vẫn ứ máu chưa tan, không rõ khi nào mới tỉnh."
Lúc đá tiêu trong hang động nổ, Nhạc Ngư Thất đã kịp thời kéo Chương Đình ra khỏi hang, nhưng sóng nhiệt ập tới quá nhanh, không cự nổi sức mạnh, ép ông phải buông tay Chương Đình. Những vết thương trên người Chương Đình không nguy hiểm đến tính mạng, song hắn bị sóng nhiệt đẩy ra khỏi hang, đập vào tảng đá lớn, tảng đá ấy đã cản hắn lăn xuống đồi song đồng thời cũng khiến máu tụ trong đầu.
Triệu Sơ nhìn trời, cảm thấy vụ án đã được chỉnh lí xong xuôi, thở hắt một hơi dài, "Được rồi, đến đây thôi, những ngày qua chư vị đã vất vả nhiều, hôm nay về sớm nghỉ ngơi đi, mai là ngày nghỉ rồi đấy."
Các viên quan đứng trên điện nghe vậy mới giật mình nhận ra trời đã tối, trong điện bắt đầu thắp đèn. Từ lúc Tiểu Chiêu vương hồi kinh, quan viên tam ti bọn họ điều tra vụ án gần như ngày đêm không nghỉ, tuy rất mệt song không ai dám thả lỏng, mà cũng đâu có thể nghỉ ngơi. Nội tình vụ án quá ghê rợn, chỉ cần chợp mắt, những vong hồn chết oan trên núi Trúc Cố lại lượn lờ trước mắt, tiếng kêu gào rên rỉ của sĩ tử dưới tòa đài sập vang vọng không ngớt, mãi đến lúc này khi toàn bộ vụ án đã được sắp xếp rõ ràng, bọn họ mới có thể thả lỏng.
Các triều thần khom người vái lạy Triệu Sơ, trật tự rời khỏi điện Tuyên Thất.
Thấy chúng thần đã lui, Triệu Sơ khép mắt, tựa vào long ỷ. Chàng rất mệt, đã mấy hôm liền chưa được chợp mắt nghỉ ngơi, nhưng chàng là Hoàng đế, điều tra chân tướng Tiển Khâm Đài là tâm nguyện của chàng, là gánh nặng dồn lên đôi vai chàng, mà bây giờ khi đi đến bước này, chàng càng không được phép buông thả. Một lúc sau, bên cạnh có người gọi nhỏ: "Quan gia."
Tào Côn Đức đặt chén canh lên long án, "Quan gia, trong đại điện lạnh lắm, lò sưởi trong phòng đã được đốt rồi, mời Ngài quay về nghỉ ngơi."
Triệu Sơ mở mắt nhìn ông ta, sau một lúc định thần mới nhận ra "phòng" mà Tào Côn Đức nói là tẩm điện của chàng, không phải cung Hoàng hậu. Gần đây chàng bận rộn chính sự, cũng muốn đến thăm Hoàng hậu nhưng không có thời gian rảnh, cũng may Chương Nguyên Gia đã mang thai nhiều tháng, một tháng qua ngủ khá thường xuyên, thậm chí đôi lúc dùng bữa tối xong là lên giường nằm, không chờ chàng nữa.
Triệu Sơ "ừ" một tiếng, Tào Côn Đức thấy chàng đứng dậy thì đi tới khoác thêm long sưởng cho chàng. Đẩy cửa điện ra, gió lạnh đêm thu ùa tới, Triệu Sơ bước đi dưới trời thu mát mẻ, một lúc sau mới hỏi, "Dạo này Hoàng hậu vẫn khỏe chứ?"
Chàng nói không rõ, nhưng Tào Côn Đức vẫn hiểu ý chàng.
Tiểu Chiêu vương hồi kinh, tội chứng được dâng lên đã kéo sóng to gió lớn đến, nhiều đại quan lần lượt bị khép tội, tuy Chương Hạc Thư chưa bị thẩm vấn nhưng đã bị cách chức tạm thời bởi câu khuyên nhủ "công cao cực khổ, hồi phủ nghỉ ngơi" của Triệu Sơ.
Tào Côn Đức cầm phất trần, đi sát theo sau Triệu Sơ, "Vẫn khỏe ạ. Trong cung không bàn tán gì, mà dù cho có, cũng không dám nói ở trong cung Hoàng hậu nương nương. Gần đây Nhân Dục Quận chúa thường xuyên vào cung, chắc là phía Dụ vương phi muốn hỏi thăm, Thái hậu lễ Phật suốt ngày không màng thế sự, sáng sớm hôm nay Vinh Hoa trưởng công chúa cũng tiến cung, hồi chiều có ghé cung của Hoàng hậu nương nương – có lẽ để san sẻ với Quan gia, bây giờ ắt hẳn đã về điện Chiêu Doãn rồi."
Nghe đến đây, Triệu Sơ dừng bước, "Cô mẫu đang ở trong cung?"
Tào Côn Đức cười đáp, "Vâng ạ." Lão sống trong thâm cung mấy chục năm, biết thánh thượng thích ai và không thích ai, sớm dặn Đôn Tử chờ dưới Phất Y Đài, lúc này lão vẫy tay, Đôn Tử lập tức chạy đến, khom người bẩm, "Quan gia, trưởng công chúa bảo mấy ngày nay sẽ vào cung ở, người hầu Chiêu vương điện hạ – là cái cậu tên Đức Vinh đó hình như có chuyện muốn thưa với trưởng công chúa, lúc nãy mới đưa thẻ bài ở cửa cung, có lẽ bây giờ đã đến điện Chiêu Doãn rồi ạ."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.