Thanh Vân Đài

Chương 134:




Cứ cách nửa tháng lão thái phó lại gửi thư cho y một lần, chủ yếu tán gẫu chuyện phiếm trong nhà, thi thoảng lại chỉ điểm thơ văn. Bình thường sang hôm sau Trương Viễn Tụ sẽ hồi âm, nhưng bấy giờ đã là hạ tuần tháng năm mà vẫn chưa nhận được thư của tháng này.
Về đến dinh thự, Trương Viễn Tụ hỏi: "Đã có thư của ân sư chưa?"
Bạch Tuyền đáp: "Chưa ạ, hôm nay tiểu nhân còn đến bưu dịch một chuyến để hỏi."
Dinh thự vắng lặng, Trương Viễn Tụ dừng bước trong bóng chiều, đoạn quay đầu đi về thư phòng.
Thư phòng được thiết kế thanh nhã, Trương Viễn Tụ ngồi xuống trước bàn, vuốt phẳng một tờ giấy trắng, Bạch Tuyền nhanh nhảu lấy ra một thỏi mực trong hộp gỗ đàn hương. Thỏi mực mới toanh, Trương Viễn Tụ nhìn sang, nhận ra đó là mực đỏ Thần Dương, giá trí rất cao, Bạch Tuyền nói, "Hồi sáng phủ doãn đại nhân phái người đưa tới, tiểu nhân là người hầu, không tiện từ chối."
Đại Chu vốn trọng sĩ trọng văn, hơn nữa Tiển Khâm Đài còn được tái khởi công, địa vị của văn sĩ trên triều tăng cao, có chiều hướng giống với triều đại Chiêu Hóa năm xưa. Cộng thêm Hà thị đã ngã, cục diện trên triều gần như xoay chuyển hoàn toàn, không chỉ ảnh hưởng đến thế gia vọng tộc mà còn cả quan viên thế hệ trước, nhân tài cũ mới lần lượt thay đổi, Trương Viễn Tụ như viên minh châu xuất hiện trong cơn sóng cả ấy, cho nên khi đến địa phương, tất sẽ có người xun xoe lấy lòng.
Trương Viễn Tụ không nói gì, một năm qua y đã gặp quá nhiều cảnh nịnh nọt như vậy rồi, thực sự chẳng có thời giờ đẩy đưa. Dù gì bọn họ cũng đang ở dinh thự, bao giờ rời đi thì để mực lại là xong.
Bạch Tuyền rót thêm nước vào nghiên mực, đổi sang thỏi khác, "Nhưng hôm nay nhận được thư từ Du đại nhân ở Trung Châu, bảo là đã tìm được nhà mà công tử muốn rồi, ở huyện Cẩm Bình Trung Châu, Huyện lệnh nơi đó là người quen cũ của ông ấy, nhà cửa cũng được Huyện lệnh đứng tên nên sẽ không ai phát hiện đâu, khế đất cũng được gửi tới rồi."
Bạch Tuyền dừng một lúc, "Chỉ là, bây giờ Ôn nương đã có Chiêu vương điện hạ che chở, chưa chắc đã muốn ở lại Trung Châu, có khi công tử phải nhờ Du đại nhân sang lại căn nhà này?"
Trương Viễn Tụ không đáp, nghiền mực xong, y nhấc bút viết vào giấy, "Kính gửi ân sư."
"Dạo gần đây không thấy ân sư gửi thư đến, chẳng hay thầy có bình an. Cũng đã hai tháng kể từ khi Tiển Khâm Đài được xây lại, mọi chuyện dần vào quỹ đạo, vụ án bạo loạn ở Thượng Khê cũng đã kết thúc, ít hôm nữa sẽ trình tấu chương lên ngự tiền, thời gian này Vong Trần có đến Đông An, gặp lại người quen cũ, trong lòng hân hoan..."
Du đại nhân chính là viên quan mà Thanh Duy đã nhờ vả hồi lưu lạc Trung Châu. Về sau Thanh Duy ra đi không từ biệt, Trương Viễn Tụ bèn nhờ người này bí mật tìm một căn nhà ở huyện Cẩm Bình.
Đúng là y có ý tìm nhà cho Thanh Duy, song không xuất phát từ nhiệt tình ân cần. Năm xưa khi Tiển Khâm Đài gặp chuyện, lão thái phó liên tục nhắc đi nhắc lại nỗi oan của Ôn thị. Ân sư cao tuổi bùi ngùi thở dài, nói Ôn Thiên là bậc thầy kiến trúc một đời, không ngờ lại bỏ mạng chôn mình trong tình cảnh ấy; Hà thị thay xà đổi cột, lừa gạt giấu diếm là lỗi của Ôn Thiên ư? Không phải. Nhưng Ôn Thiên là tổng đốc công, bất kể Tiển Khâm Đài sập vì lý do gì đi nữa thì ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm.
Chẳng qua không phải triều đình xử tử Ôn Thiên mà ông ấy cùng rất nhiều sĩ tử đã bị chôn vùi dưới Tiển Khâm Đài, thế nên mỗi lần lão thái phó nhắc đến oan khuất của Ôn thị, Trương Viễn Tụ cho rằng ông chỉ đang than thở mà thôi. Mãi tới khi gặp Thanh Duy, Trương Viễn Tụ mới hiểu rõ ý nghĩa đằng sau hai chữ oan khuất. Lần đầu gặp nhau là ở thi hội Hàn lâm, rành rành là thiếu nữ đẹp như hoa, vậy mà phải vẽ vết ban xấu xí lên mắt trái; rồi về sau để lấy được bằng chứng phạm tội của Hà thị, nàng không tiếc mạo hiểm vào tù gặp Thôi Hoằng Nghĩa, lộ cả thân phận; lúc nàng lê lết tấm thân bị thương, cắn răng chịu đựng theo y né tránh cuộc truy đuổi, Trương Viễn Tụ đã nghĩ, rốt cuộc nàng có lỗi gì? Nàng chỉ là một cô nương mười chín tuổi, thậm chí còn nhỏ hơn y hai tuổi, thậm chí lúc Tiển Khâm Đài sập, nàng chỉ mới là một cô bé chưa dậy thì.
Chưa trải thế sự đã phải lang bạt chân trời, ngày Thanh Duy rời kinh, Trương Viễn Tụ không yên tâm, cuối cùng vẫn quành đầu xe ngựa, đứng trông theo từ xa.
Tuyết bay lất phất đầy trời, nhìn theo bóng dáng lẻ loi khi nàng dắt ngựa, đến nỗi nửa năm sau mỗi lần nhớ lại, Trương Viễn Tụ luôn cảm thấy mình chưa làm đến nơi đến chốn, về sau khi gặp lại ở Trung Châu, y mới có suy nghĩ tìm cho nàng một chỗ yên thân.
Chưa hẳn là tình, chẳng qua đối với Ôn Tiểu Dã, ít nhiều gì cũng khiến y thương xót.
Nhưng nay xem ra bản thân đã làm chuyện uổng công rồi.
Chỉ chớp mắt đã viết đến cuối thư, Trương Viễn Tụ nhấc bút chấm mực, "Ngày trước khi tiên đế bàn việc xây dựng đền Tiển Khâm, trong giới nhân sĩ có không ít tiếng ồn ào phản đối, nhưng huynh trưởng một mực kiên quyết bảo vệ quan điểm của tiên đế. Huynh trưởng ngày đêm mong ngóng Tiển Khâm Đài hoàn thành, chẳng ngờ ý trời trêu ngươi, đài lại sập. Nay cố nhân đã qua đời, người còn sống cần kế thừa ý nguyện của người đi trước. Huynh trưởng từng viết 'áo trắng không lấm bẩn, cần giữ vững chí nguyện', Vong Trần cũng vậy, có lẽ đợi tới mùa xuân năm sau khi cỏ cây mơn mởn, ở núi Bách Dương ắt sẽ có đài cao chạm mây. Đêm đã khuya, xin được dừng bút tại đây, mong ân sư luôn bình an mạnh khỏe."
***
"Vương gia bình an!"
"Đây là thằng con nhà tôi tên Doãn Trì, tự Nguyệt Chương, là đứa thứ hai trong nhà."
"Nó là thằng ăn hại từ nhỏ, đầu óc lanh lợi nhưng không lo học hành, chỉ biết nghiền mực vẽ tranh, có thi Tú tài nhưng không đậu thi Hương. Nghe nói hai đứa con ở nhà đã đường đột vương gia, nay thảo dân dẫn chúng đến tạ lỗi với vương gia."
Hôm trước Khúc Mậu và Chương Đình gây gổ một trận ở Quy Ninh Trang, Doãn lão gia biết được chuyện này, hai hôm sau đã dẫn Doãn Nhị công tử và Doãn Tứ cô nương đến cửa.
Thực chất cũng chẳng cần tạ lỗi, hôm đó Doãn Uyển chỉ xui xẻo gặp phải Khúc Mậu mà thôi, Doãn Trì còn chẳng hề xuất hiện, có lẽ Doãn lão gia chỉ muốn nhân cơ hội này để kết thiện duyên với Chiêu vương điện hạ.
Tạ Dung Dữ đành phải tiếp, ai bảo Quy Ninh Trang là sản nghiệp của Doãn gia chứ.
Tống trưởng lại ở bên nói: "Hồi Điện hạ mới đến Đông An, Doãn lão gia rất muốn tới viếng thăm, ngặt nỗi điện hạ bề bộn công việc, Doãn lão gia sợ làm phiền ảnh hưởng nên mãi tới hôm nay mới đến cửa, mong điện hạ chớ trách."
Tạ Dung Dữ nói: "Doãn lão gia hào phóng cho mượn dinh thự, bổn vương còn chưa cám ơn, sao có thể trách tội được. Hơn nữa tranh chấp ở ngoài trang viên hôm trước cũng là vì chính sự mà ra, Doãn Tứ cô nương tự dưng bị cuốn vào, hy vọng không mạo phạm cô nương."
Doãn lão gia đã nghe ngóng hỏi thăm từ trước đó rồi, biết Tiểu Chiêu vương là người của Tạ thị danh môn Trung Châu, được Tiên Chiêu Hóa đế đích thân dạy dỗ, mười sáu tuổi đã thi đậu Tiến sĩ, thân phận cao quý vô cùng. Doãn lão gia rất ngưỡng mộ người trí thức, mong ngóng trong nhà cũng có được một anh tài như thế, thế là bèn bảo Doãn Trì đọc một bài văn của mình, mong được Tạ Dung Dữ chỉ điểm cho. Doãn Trì không giỏi học hành, thi đậu Tú tài cũng là nhờ gậy của cha thước của thầy, đọc văn mà cứ lắp bắp vấp váp, mãi không nói ra được ý, Doãn lão gia đứng bên thấy thế thì sốt ruột, chỉ hận không thể ra trận thay hắn, Tạ Dung Dữ nhìn Doãn Trì, đợi hắn đọc xong một đoạn mới hỏi, "Doãn Nhị công tử thích thi họa?"
Vừa nghe đến hai chữ thi họa, Doãn Trì lập tức tỉnh táo hẳn, đầu lưỡi cũng trơn tru hơn, "Bẩm điện hạ, từ nhỏ thảo dân đã thích vẽ vời, Lăng Xuyên có phong cảnh đẹp, thảo dân chỉ ước có thể sống thêm trăm năm, thu hết núi non quê hương vào giấy Tuyên trắng." Hắn dừng lại, nhớ ra phụ thân vẫn còn đứng bên cạnh, thế là lại lắp bắp nói đạo lý, "Nhưng thảo dân chỉ nghĩ vậy thôi, người học trò nên xem việc giúp đỡ thiên hạ, cứu tế chúng sinh là nhiệm vụ của mình, thi họa chỉ là thứ tiêu khiển."
Tạ Dung Dữ bật cười, "Say mê thi họa có gì xấu, bổn vương cũng thích."
"Điện hạ cũng thích?" Doãn Trì nhìn Tạ Dung Dữ, vị Chiêu vương điện hạ trong tin đồn trông rất trẻ, thậm chí còn trẻ tuổi hơn mình, không khỏi nảy sinh cảm giác gần gũi cùng trang lứa, "Không biết điện hạ thích tranh của họa sĩ nào?"
"Bổn vương thích Lữ Đông Trai." Tạ Dung Dữ nói, "Không giấu diếm gì, lần này đến Lăng Xuyên, bổn vương đã nhờ người tìm lại tác phẩm của Đông Trai tiên sinh, đáng tiếc vẫn không có kết quả."
Doãn Trì nói: "Có quá ít tranh của Đông Trai tiên sinh được lưu truyền, lần cuối bức Tứ cảnh đồ nổi tiếng nhất từng xuất hiện là từ hơn mười năm trước, không biết đã được nhà nào sưu tầm." Hắn cười nói, "Mà bản thân Đông Trai tiên sinh cũng quả truyền kỳ, ông là người hào sảng không gò bó, thích nước non, cả đời không thành gia lập thất, bảo 'kết giao dăm ba tri kỷ, cuộc đời này thế là đủ', sống tại đời mấy mươi năm, chân giẫm khắp non sông, cuối cùng về với Lăng Xuyên, lưng đeo tranh vẽ hòa vào núi rừng. Mỗi lần thảo dân đọc truyện về cuộc đời ông ấy, thường nghĩ ông ấy đã giẫm mây quay về Cửu Tiêu, làm thần tiên tiêu dao."
Doãn Trì mê đắm tranh vẽ, cứ nhắc tới tranh là miệng không có khắc nào khép lại, trong lúc nói còn lén nhìn Doãn lão gia, thấy ông không có ý ngăn cản thì bảo với Tạ Dung Dữ: "Nếu Chiêu Vương điện hạ thích tranh của Đông Trai tiên sinh, chi bằng tối nay đến hội thi họa ở Thuận An Các xem thế nào."
Tạ Dung Dữ biết hội thi họa đó, hôm trước ông chủ Trịnh ở Thuận An Các đã tặng thiệp cho y.
Y hỏi: "Sao, trong hội thi họa có danh họa của Đông Trai tiên sinh à?"
"Không phải thế." Doãn Trì nói, "Đông Trai tiên sinh là người Lăng Xuyên, rất nhiều dân chúng Lăng Xuyên ngưỡng mộ ông ấy, còn học theo phong cách của ông ấy nữa. Nhưng phong cách của Đông Trai tiên sinh lại không dễ mô phỏng, toàn bắt chước bừa, thỉnh thoảng mới có một hai bức tranh ổn, điện hạ có thể mua sưu tầm."
Thực ra Tạ Dung Dữ nhắc đến Lữ Đông Trai không hẳn chỉ vì chuyện tranh vẽ, hôm trước Trương Viễn Tụ có nói, Sấu Thạch bắt chước phong cách của Lữ Đông Trai. Trước khi mất tích, Sầm Tuyết Minh đã có hành vi khác thường là mua tranh của Sấu Thạch, xem ra tối nay cần phải đến hội thi họa một chuyến.
Hai người lại nói sang chuyện khác, nhưng chủ yếu vẫn loanh quanh đề tài hội họa. Doãn Trì nói mình tập vẽ từ thuở thiếu niên, sau khi thành thục thì đem tranh đến Thuận An Các gửi bán. Cứ thế mấy năm, có tranh bán được, cũng có tranh không bán được, vì không dám để người nhà biết nên lần nào cũng nhờ em gái Doãn Uyển đang ở Quy Ninh Trang đi lấy tranh hộ.
Hắn mê vẽ, hễ nhắc đến vẽ là quên hết mọi thứ, mãi tới khi trời nhá nhem mới sực hoàn hồn, hắn cảm thấy trò chuyện với Tạ Dung Dữ vô cùng hợp ý, lúc tạm biệt còn nói lần sau sẽ đến.
Đức Vinh tiễn người nhà họ Doãn đi rồi vội vàng chạy vào, "Công tử, vậy ta có đến phố Lưu Chương không?"
Tạ Dung Dữ nhìn sắc trời, "Nương tử nhà ta đâu rồi?"
"Thiếu phu nhân đợi trong viện một lúc rồi, có lẽ bây giờ đã tới Y Sơn Viện, để tiểu nhân đi gọi thiếu phu nhân."
Vết thương của Triêu Thiên đã lành nên ngày nào cũng đều đặn tập võ một canh giờ, Thanh Duy tới chỉ điểm cho hắn.
Tạ Dung Dữ nói: "Bảo Kỳ Minh đi gọi người, còn ngươi hãy đi chuẩn bị xe ngựa, xuống phòng bếp lấy thêm ít bánh sen."
Không biết hội thi họa kéo dài đến bao giờ, bánh sen là món mà gần đây Tiểu Dã rất thích ăn.
Đức Vinh vội vâng dạ, xuống bếp cho bánh sen vào cặp lồng, nghĩ một lúc lại quay về Phất Nhai Các lấy áo chùng mà thiếu phu nhân thích mặc, trà hương thiếu phu nhân thích, cốc sứ thiếu phu nhân quen dùng, tóm lại chỉ cần là món đồ riêng của thiếu phu nhân thì không được để sót. Dù có phải hi sinh lợi ích của công tử cũng tuyệt đối không thể khiến thiếu phu nhân khó chịu phân nửa.
***
Ban đêm vừa lên đèn, cả hội đến phố Lưu Chương, ông chủ Trịnh đang đứng chờ ngoài cửa Thuận An Các.
Vì Doãn Trì mà bọn họ đến trễ, cũng may hội thi họa vẫn chưa bắt đầu. Ông chủ Trịnh đích thân dẫn cả hội vào trong các, băng qua lối đi chật hẹp giữa gian lầu cùng đình viện cây cỏ xanh mướt, chẳng mấy chốc đã đến bên trong Thuận An Các.
Bên trong có lầu cao ba tầng hình chữ Hồi (回), ở giữa đặt một sân khấu, bốn phía xung quanh là các căn buồng theo thứ tự. Diện tích buồng nhã các không quá lớn, cho nên bất kể ngồi ở buồng nào cũng có thể thấy rõ tranh chữ được triển lãm ở trên sân khấu.
Ông chủ Trịnh dẫn hội Tạ Dung Dữ vào một căn nhã các tên Ngọa Vũ, nói: "Hội thi họa ở Thuận An Các không giống những nơi khác, mỗi vị khách đến đây đều có một căn phòng riêng, nếu muốn xem tranh, mời quý khách xem cái này..."
Ông chủ Trịnh cầm lấy một cuốn sách mỏng trên bàn, đưa cho Tạ Dung Dữ.
Tạ Dung Dữ nhận lấy nhìn, trong sách liệt kê tên các tác phẩm mà Thuận An Các sưu tầm được, còn ghi chú thêm phong cách cũng như kỹ thuật, dưới cùng là lời bình về tác phẩm và tên của họa sĩ, nếu vật sưu tầm là chữ thì người viết chữ sẽ đề mấy bút vào sách.
"Sở dĩ Thuận An Các có được ngày hôm nay là nhờ vào tuân thủ quy định. Quý khách đến hội thi họa đều ở trong buồng của mình, không gặp gỡ nhau, nếu muốn xem bức nào có thể đánh dấu vào sách, một lúc sau tiểu nhị sẽ đưa đến. Như thế thứ nhất là để tránh mâu thuẫn, thứ hai là để tránh khách khứa tụ tập nhìn tranh, làm ảnh hưởng đến tâm huyết của họa sĩ. Nếu quý khách xem tranh xong và rất thích tác phẩm, muốn gặp mặt nói chuyện với họa sĩ, hoặc muốn mời về phủ dạy vẽ thì phải hỏi Thuận An Các trước. Thuận An Các sẽ theo ý của họa sĩ, họa sĩ muốn gặp thì gặp, nhưng cũng có người không thích bị lộ mặt, vậy Thuận An Các tuyệt đối sẽ không tiết lộ gì về thân phận của người đó. Còn nữa..."
Ông chủ Trịnh thấy Tạ Dung Dữ đặt sách xuống, lập tức xách bình châm trà cho y, "Tuy tranh chữ trong sách đây là đồ thượng phẩm, nhưng chưa đến mức để gọi là trân phẩm. Lát nữa tới giờ Tuất, Thuận An Các sẽ cho triển lãm các trân phẩm đã thu mua được trong một tháng qua ở trên sân khấu. Nếu quý khách thích thì giơ thẻ ra giá, nói trắng ra là đấu giá, ai trả giá cao sẽ mua được. Nếu có người ra giá, tiểu nhị sẽ gọi tên nhã các, thí dụ như căn nhã các của quý khách tên Ngọa Vũ, quý khách muốn mua tranh, chịu chi một trăm lượng, thì tiểu nhị sẽ hô là 'Ngọa Vũ Các, một trăm lượng', xin quý khách ghi nhớ tên của nhã các mình, chốc lát nữa là bắt đầu hội thi họa rồi."
Nhã các có cửa sổ trông ra sân khấu, nhìn qua cửa sổ, mỗi căn nhã các đều được thắp đèn lung linh rất đẹp. Thanh Duy đứng trước cửa sổ nhìn một lúc, nhưng không cách nào nhận ra là ai đang ngồi trong những căn buồng ấy, hậm hực quay về bên cạnh Tạ Dung Dữ.
Tạ Dung Dữ thấy nàng không vui, ôn tồn hỏi: "Sao thế?"
Thanh Duy lắc đầu.
Không phải nàng không có hứng thú với hội thi họa lần này, chỉ là không hiểu sao nàng có trực giác ai đó đang quan sát mình.
Lúc nãy khi vừa tới Thuận An Các, cái nhìn theo gió đưa tới như có kim đâm, nhưng khi nàng ngoái nhìn lại chẳng phát hiện ra điểm bất thường nào.
Đây đã là lần thứ hai nàng có cảm giác này, Thanh Duy không rõ có phải là ảo giác hay không, tuy thời gian nàng né tránh truy binh cũng từng trông gà hóa cuốc, nhưng gần đây nàng đi theo quan nhân, rõ ràng được ăn no ngũ kỹ mà.
Đến giờ Tuất, đèn treo ở bốn góc tối đi, trên sân khấu thắp một dãy đèn cao, chiếu sáng tựa ban ngày. Ông chủ Trịnh bước lên sân khấu, phát biểu vài câu rồi bảo tiểu nhị đi giới thiệu trân phẩm mà tối nay sẽ triển lãm.
Đầu tiên là tác phẩm của họa sĩ Thủy Tùng tiền triều, ông chủ Trịnh nói, "Thủy Tùng có sở trưởng về chim muông hoa lá, thể hiện cảnh chi tiết đầy tinh tế, bức Đỗ quyên bên vách núi này là danh tác được vẽ năm ông ấy làm quan..."
Thanh Duy ngồi trước cửa sổ, chống cằm ngắm nhìn nhưng chẳng vào.
Kể ra Ôn Thiên cũng thích tranh chữ đấy, nhưng Thanh Duy lại không được di truyền chút nào về mảng này, đặt trước mặt nàng một bức danh họa, cùng lắm nàng có thể chỉ ra được tốt xấu, nhưng tốt ở đâu xấu ở đâu thì nàng không thể nói rõ.
Tối nay Tạ Dung Dữ đến vì Sấu Thạch, chỉ cần trên đài không phải triển lãm bức họa phong cách của Lữ Đông Trai thì y sẽ xem sách, chọn liên tục mấy bức, tiếc nỗi không có bức nào mô phỏng giống.
Đương lúc mất hứng, chợt nghe thấy ông chủ Trịnh ở trên sân khấu nói: "Gần đây bổn các có được một bức họa, tuy không hẳn là trân phẩm, họa sĩ cũng vô danh, nhưng sở dĩ đặt trên sân khấu triển lãm là vì, bức tranh này rất đặc biệt, nó chính là bức Tứ cảnh đồ."
Tứ cảnh đồ?
Ba chữ này vừa được thốt ra, đừng nói là Thanh Duy và Tạ Dung Dữ, các nhã các xung quanh cũng lập tức xôn xao.
Tứ cảnh đồ của Lữ Đông Trai nức tiếng xa gần, có người yêu thích tranh nào mà chưa từng nghe đến. Nhưng Tứ cảnh đồ thất truyền đã lâu, lần cuối xuất hiện là từ mười năm trước, Tứ cảnh đồ của Thuận An Các từ đâu mà ra? Ông chủ Trịnh nói họa sĩ là Khuyết danh, rốt cuộc đã có chuyện gì?
Ông chủ Trịnh không nói dối, đoạn vỗ tay, hai tiểu nhị lập tức mở ra một bức tranh ở trên sân khấu.
Tác phẩm vẽ theo lối vẩy mực, là cảnh núi non trong mưa.
Tạ Dung Dữ nhìn kỹ, cảm thấy bức tranh này thực sự rất giống phong cách của Lữ Đông Trai, loang màu vừa phải, đậm nhạt phù hợp, bất kể là mây mù trên trời hay bóng cây trong núi đều có thế sấm rền, họa kỹ cực tài tình.
Nhưng một bức tranh như thế vẫn chưa đáng để gọi là trân phẩm.
Thanh Duy chợt nhớ Tạ Dung Dữ có nói, Tứ cảnh đồ là một bức tranh có thể thay đổi.
Đúng lúc này, một tiểu nhị khác cầm một ống tranh đến rồi mở ra, tranh vẽ cảnh đình đài trên núi, từ phong cách nét vẽ có thể nhận ra người vẽ bức này chính là người đã vẽ bức lúc trước.
Tiểu nhị giơ cao tranh trước ngọn đèn, đợi mọi người nhìn rõ xong thì chồng lên bức tranh trước.
Hai bức nhập làm một, chỗ mực nhạt chìm xuống, mực đậm nổi lên, đậm nhạt đan xen tạo nên đường cong mới, thoắt cái giữa màn mưa mênh mông xuất hiện một mái đình tránh mưa, có bóng người trên núi đang chạy nhanh tới đình.
Vẫn chưa hết, lại có tiểu nhị mở ra bức tranh khác, chồng bức mới lên bức cũ, khung cảnh mới lại xuất hiện, có người đang ngắm cầu vồng trên đỉnh núi sau khi cơn mưa qua, có người trở về nhà trong khói bếp xế chiều, bức cuối cùng không có người, chỉ là cảnh mưa dần ngớt hạt, một chú mèo nấp dưới lá ló đầu ngó nhìn.
Ngày hôm nay tề tựu nơi đây đều là những người yêu tranh, cũng từng nghe nói đến bức Tứ cảnh đồ, nhưng chính mắt trong thấy lại khác, từng tiếng tán thưởng liên tục vọng ra từ trong nhã các, ngay cả Thanh Duy cũng bị bức tranh này thu hút, nàng hỏi Tạ Dung Dữ: "Như vậy Tứ cảnh đồ của Đông Trai tiên sinh có tổng cộng năm bức?"
Tạ Dung Dữ gật đầu: "Bức tranh đầu tiên gọi là tranh gốc, những bức đặt lên để thay đổi gọi là tranh phủ. Nhưng Tứ cảnh đồ của Đông Trai tiên sinh còn tuyệt hơn bức chúng ta đang xem nhiều, tranh nền của ông ấy chỉ là cảnh phố phường Lăng Xuyên vào buổi tối, đặt tranh phủ lên là thành khung cảnh phồn thịnh nổi tiếng nhất Lăng Xuyên, núi non chùa miếu tiếng chuông, giặt giũ rửa chân bên bờ Bạch Thủy, sông uốn cong chảy về biển, thác nước cao trăm trượng."
Trước khi Tứ cảnh đồ ra đời, thường có người chê bai tranh của Đông Trai chỉ chú trọng chấm phá dùng mực mà xem thường kỹ năng đi bút, cho tới khi Tứ cảnh đồ ra đời, ý chôn trong nét, những lời chất vấn mới dần dà biến mất.
Tạ Dung Dữ nói: "Lữ Đông Trai được xưng là thiên tài hội họa, nhưng sự xuất hiện của Tứ cảnh đồ đã chứng minh một điều."
"Là gì?"
"Dù là thiên tài, muốn trở thành bậc thầy chân chính cũng chỉ có thể chăm chỉ luyện tập, hiểu được mấu chốt mới có thể đột phá, chứ không có đường tắt để đi. Nên các họa sĩ kế tục ông ấy đã thay đổi phong trào của các bậc tiền bối, đến triều đại bây giờ, hầu hết chúng đều là những tác phẩm có nền tảng vững chắc."
Tạ Dung Dữ lại nhìn bức tranh trên sân khấu lần nữa.
Bức Tứ cảnh đồ của họa sĩ Khuyết danh khiến y nhớ đến Sấu Thạch, có điều vì quá xa nên không thể chắc chắn.
Ông chủ Trịnh bảo tiểu nhị cất bức Tứ cảnh đồ đi, nói: "Chư vị xem qua tranh, ắt hẳn có hiểu biết về Tứ cảnh đồ, tuy bổn các không thể tìm được bản gốc của Đông Trai tiên sinh, nhưng nắm được phong cách thôi cũng đủ là độc nhất vô nhị trong hàng vạn rồi, hẳn chư vị phải biết giá trị của bức tranh này, khởi điểm ba trăm lượng, mời chư vị ra giá."
"Ba trăm lượng!"
Có người đã bắt đầu giơ thẻ.
"Ba trăm năm mươi lượng!"
"Bốn trăm lượng."
"Năm trăm lượng!"
Tiếng ra giá thay nhau vang lên, chẳng mấy chốc, bức Tứ cảnh đồ vô danh này đã đạt đến mức tám trăm lượng.
"Vô Hương Các, tám trăm lượng, có ai ra giá cao hơn không ạ?"
Tạ Dung Dữ nhìn Đức Vinh, Đức Vinh hiểu ý, giơ thẻ lần đầu trong tối nay.
"Ngọa Vũ Các, một nghìn lượng."
Tiếng hô vừa dứt, toàn bộ lầu các xôn xao, suy cho cùng cũng chỉ là tranh mô phỏng, họa sĩ cũng khuyết danh, bán ra một nghìn lượng thực sự quá cao.
Ai dè tiếng xôn xao vẫn chưa dừng, lại có người ra giá, tiểu nhị hô to, "Thính Đào Các, một nghìn năm trăm lượng."
Đức Vinh nhìn Tạ Dung Dữ, thấy y không thể hiện gì thì giơ thẻ lên lần nữa.
"Ngọa Vũ Các, một nghìn tám trăm lượng."
"Thính Đào Các, hai nghìn lượng!"
"Ngọa Vũ, hai nghìn ba trăm lượng."
"Thính Đào, hai nghìn năm trăm lượng!"
Các căn phòng xung quanh không khỏi ồ à trầm trồ, những tiếng kinh ngạc thổn thức lần lượt truyền tới, thậm chí có người còn nói thẳng, "Chỉ là tranh mô phỏng thôi mà, có tốt đến mấy cũng không đáng với cái giá này!"
Tạ Dung Dữ cũng chau mày, y mua tranh là để tra án nên mới không tiếc chi ngàn vàng, nhưng bình thường, khi một người thích tranh chịu bỏ ra khoản tiền lớn thì chủ yếu là nhờ danh tiếng của họa sĩ, còn họa sĩ của bức Tứ cảnh đồ này chỉ là khuyết danh, rốt cuộc ai đang tranh với y đây?
Đức Vinh nhìn nét mặt Tạ Dung Dữ, hỏi, "Công tử, chúng ta còn ra giá nữa không?"
Tạ Dung Dữ nói: "Ra đi, thử xem giới hạn cuối của hắn là gì."
Chẳng mấy chốc, ông chủ Trịnh lại thấy Ngọa Vũ Các giơ thẻ, "Ngọa Vũ, hai nghìn bảy trăm lượng."
Thính Đào theo sát nút, "Thính Đào, ba nghìn lượng!"
"Ngọa Vũ, ba nghìn một trăm lượng."
"Thính Đào, ba nghìn năm trăm lượng."
"Ngọa Vũ, ba nghìn sáu trăm lượng."
Bầu không khí yên ắng bao trùm toàn lầu, mọi người gần như ngừng thở, đợi xem bức Tứ cảnh đồ vô danh này sẽ được bán với giá cao bao giờ, nhưng đúng lúc này, bên phía Thính Đào đột ngột im lặng.
Ông chủ Trịnh tưởng Thính Đào đã từ bỏ, đương lúc chốt khách mua thì lại thấy Thính Đào giơ thẻ.
"Thính Đào, năm... nghìn lượng!"
Đức Vinh lại quay đầu hỏi ý: "Công tử?"
Tạ Dung Dữ thong thả nói: "Không giơ nữa, điều tra về người mua tranh đi."
Muốn xem tranh còn nhiều cách, người chi giá cao để mua tranh mới thú vị.
Có viên ngọc sáng Tứ cảnh đồ phía trước, những bức tranh phía sau trở nên đơn điệu hẳn. Ông chủ Trịnh cũng biết chuyện này, vì vậy sau khi Tứ cảnh đồ được định giá thì chỉ đưa ra vài bức tranh đặc sắc, rồi sớm kết thúc hội thi họa.
***
Hội họp từ lúc nắng chiều tắt, cuộc vui giải tán khi trời đã khuya.
Tạ Dung Dữ bước ra khỏi lầu, không đi ngay mà dặn hội Vệ Quyết canh chừng cửa sau cũng như cửa hông ở Thuận An Các, sau đó dẫn Thanh Duy lên nhã các ở tầng hai bên ngoài ngồi, quan sát người từ trong đi ra.
Không lâu sau, Kỳ Minh nhận ra bóng người áo lam quen thuộc trong đám đông, lấy làm ngạc nhiên: "Ngu hầu?"
Chẳng đợi Tạ Dung Dữ ra lệnh, hắn nhanh chóng chạy xuống lầu, vái chào Khúc Mậu, "Sao Khúc Hiệu úy lại ở đây?" Còn nói, "Ngu hầu đang ở trên lầu dùng trà."
Khúc Mậu bực bội bước vào phòng, ngồi phịch xuống ghế, uống cạn cốc trà, "Sao cậu lại ở đây? Vừa rồi ở đây có tổ chức hội thi họa, cậu có vào không?"
Tạ Dung Dữ nói: "Đến trễ nên không vào."
Khúc Mậu đập tay thật mạnh xuống bàn, tức tối mắng, "Lúc nãy không biết là tên khốn phương nào, nghèo mạt rệp có chút bạc cũng dám ganh đua giành tranh với ta. Một bức tranh của họa sĩ khuyết danh mà hắn khiến ta phải mua đến năm nghìn lượng! Năm nghìn lượng đấy! Tưởng Khúc phá gia ta ăn chay hả?" Khúc Mậu vung tay, cắn răng nghiến lợi, "Còn phá của hơn cả ta? Hôm nay Khúc gia gia sẽ để ngươi biết cái danh Tán tài cư sĩ của ta từ đâu mà ra!"
Tạ Dung Dữ: "..."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.