Triệu Vĩnh Nghiên được cung nhân dẫn vào điện.
Ly cốc bể dưới đất đã được dọn dẹp, nhưng từ dáng vẻ kín miệng của cung nhân vẫn có thể cảm nhận được bầu không khí lạnh lẽo sau tranh chấp. Triệu Vĩnh Nghiên không biết đã xảy ra chuyện gì, nàng thấy vành mắt Chương Nguyên Gia hoen đỏ, bên má có vệt nước mắt, bèn ngồi xổm trước đầu gối nàng, ngẩng đầu hỏi nhỏ: "Nương nương, nương nương cãi nhau với Quan gia à?"
Chương Nguyên Gia giơ tay lau khóe mắt, "Sao muội lại đến đây?"
"Dạo gần đây nương nương khó chịu trong người, mãi không thấy khỏe lên, nên Nhân Dục vào cung thăm." Triệu Vĩnh Nghiên tựa vào đầu gối nàng, giọng dỗ dành, "Thứ cho Nhân Dục không tuân thủ phép tắc, để chắc chắn nương nương vẫn khỏe, dù trời khuya đến mấy thì Nhân Dục cũng phải vào."
Ban đêm cửa cung có giới nghiêm, vào cung giờ này là vi phạm quy định, nhưng vì nàng là con gái của Dụ Thân vương nên lính canh mới nhắm mắt bỏ qua.
"Vừa vào tới điện Nguyên Đức thì gặp Quan gia nổi cáu, còn đuổi hết cung nhân ra khỏi điện, thị tì quỳ rạp đầy sân, Nhân Dục sợ chết đi được. Nhưng lo cho nương nương nên Nhân Dục không dám đi, đành đứng chờ bên ngoài. Cứ tưởng sẽ phải chờ một đêm chứ, ai dè chốc lát sau Quan gia đã đi ra." Nói đến đây, Triệu Vĩnh Nghiên lắc nhẹ tay Chương Nguyên Gia, cười bảo, "Chính Quan gia bảo Nhân Dục vào nói chuyện với nương nương đấy, huynh ấy còn đặc cách cho phép Nhân Dục ở lại điện Nguyên Đức tối nay. Nương nương à, Quan gia biết sai rồi, nương nương đừng giận huynh ấy nữa."
Chương Nguyên Gia im lặng rất lâu, nhẹ nhàng nói: "Không phải lỗi của Quan gia, Quan gia rất tốt, là ta làm sai nói sai, còn chàng luôn bao bọc tha thứ cho ta."
"Nương nương tốt thế mà, sao có thể làm sai được?" Triệu Vĩnh Nghiên giả bộ ngạc nhiên, sau đó cười nói, "Nhưng Quan gia cũng tốt tính, chắc chắn giữa hai người có hiểu lầm gì rồi, chỉ cần nói rõ ra là có thể nhanh chóng tháo gỡ khúc mắc thôi."
Nhanh chóng tháo gỡ khúc mắc.
Nghe lời đó, Chương Nguyên Gia không khỏi nhìn ô vuông trên cùng ơ kệ gỗ bên trái, đó là nơi nàng đặt ly ngọc cây liền cành, nhưng hiện tại ô vuông trống trơn.
Triệu Sơ đã tặng nàng chiếc ly ngọc ấy.
Có lẽ vì mất mẹ từ nhỏ, có lẽ vì Chiêu Hóa đế dạy dỗ quá nghiêm khắc, Triệu Sơ thân là Hoàng trưởng tử nhưng không hề tự phụ kiêu ngạo, chàng luôn khiêm tốn với mọi người. Chương Nguyên Gia nhớ năm xưa khi chàng vừa được phong làm Thái tử, lúc ở bộ Lễ kiểm tra cống phẩm, thấy ly ngọc cây liền cành trong số những món đồ Trung Châu cống nạp, nước ngọc lẫn hoa văn đều rất tự nhiên, chàng thích vô cùng, muốn tặng cho nàng, nhưng từ nhỏ tới lớn chàng chưa bao giờ lấy thứ đồ nào ngoài phân lệ của mình. Cứ nghĩ mãi nghĩ mãi, hỏi thăm được cặp ly ngọc này bị đem vào kho, đợi tới Tết sẽ lấy ra làm quà phân phát cho các cung, thế là chàng mới sai người cầm phân lệ của mình, đi tìm Tào Côn Đức, khách khó hỏi, "Đợi đến lễ Tết, có thể phát cặp ly ngọc đó cho Đông Cung được không, Bổn cung có thể đổi bằng thứ khác."
Hoàng thái tử đã ngỏ lời, Nội Thị Tỉnh sao dám không theo, thế là hôm sau đưa ly ngọc đến Đông Cung.
Đến bây giờ Chương Nguyên Gia vẫn nhớ dáng vẻ sung sướng của Triệu Sơ khi nhận được cặp ly ngọc ấy, nhớ chàng mặc thanh sam, rảo nhanh bước chân qua cung điện trùng điệp, đi tới cạnh nàng, tặng một chiếc cho nàng, trong mắt là ý cười rạng rỡ.
Chỉ Vi bưng thuốc tới, ôn tồn nói: "Nương nương, uống thuốc thôi ạ. Nô tì đã sắc theo toa thuốc của Đổng thái y, Quan gia cũng đã xem qua toa thuốc này."
Triệu Sơ là quân vương, biết gì về y thuật đâu. Chẳng qua chàng biết rất nhiều dược liệu, biết thuốc nào có vị đắng, vì chàng nhớ nàng không thích đắng.
Chương Nguyên Gia gật đầu, nhận lấy chén thuốc nhấp một ngụm, quả nhiên nước thuốc không hề đắng, có lẽ chàng đã dặn kỹ thái y.
Trên thực tế với tư cách là hoàng đế, chàng đã làm tất cả những gì mình có thể làm. Chương Nguyên Gia hối hận không thôi, nàng cảm thấy tối nay mình không nên tranh chấp với chàng, nàng là Hoàng hậu cơ mà, trên những đám mây mới là vùng đất của những chiếc gai, thân ở chốn cao, vốn cần nhẫn nhịn những điều người thường không thể.
Sao cứ phải cố tìm hiểu làm gì, trong bụng đã mang cốt nhục của chàng, còn so đo gì nữa?
Chương Nguyên Gia dần bình tĩnh lại, nghĩ bụng dù đang mang thai, mình vẫn cần phải giải quyết sự vụ hậu cung thật tốt. Nàng uống hết chén thuốc, nhìn Triệu Vĩnh Nghiên, "Lần trước nói đến hôn sự của muội, muội bảo mình đã có ý trung nhân, nhân phẩm tựa trăng sáng trên cao. Gần đây bổn cung nghĩ mãi, có phải người này là..." Nàng dừng một lúc, "Trương Nhị công tử, Trương Viễn Tụ?"
Triệu Vĩnh Nghiên sửng sốt, mắt hạnh mở lớn, "Sao nương nương biết hay thế?"
Quả nhiên là Trương Viễn Tụ.
Chương Nguyên Gia cười bảo, "Lúc trước bổn cung có nhắc đến chuyện này với Quan gia, Quan gia nói, ắt hẳn người đó không thuộc tông thất. Muội là Quận chúa, ngoài tông thất ra thì cũng chỉ mới gặp vài công tử kinh thành chưa có hôn phối, lại còn như trăng sáng nữa chứ, dĩ nhiên bổn cung có thể đoán được là y."
Vành tai Triệu Vĩnh Nghiên dần ửng đỏ, nàng cụp mắt, giọng bé như muỗi, "Nhân Dục... Nhân Dục gặp chàng trong bữa tiệc Quỳnh Lâm hai năm trước. Chàng là Bảng nhãn, là người trẻ tuổi nhất trong các Tiến sĩ, là người nổi bật nhất. Yến tiệc Quỳnh Lâm... Nhân Dục lén tới tham dự, vốn chỉ định nấp ở sân sau xem vui thôi, chẳng ngờ nhặt được mặc bảo chàng dùng để viết lên quạt, để quên trong đình. Nhân Dục mới trả mặc bảo lại cho chàng, chàng còn chuyển lời đến Nhân Dục."
Chương Nguyên Gia biết Trương Viễn Tụ là người thế nào, dịu dàng tựa mây trắng ló dạng, phong thái lời nói khiến đối phương như tắm gió xuân.
"Lúc đó không có cảm giác gì, ai dè về sau..."
Ai dè về sau, bóng dáng dưới trăng kia đã khảm vào tim nàng, liên tục nằm mơ hai năm, tới tận bây giờ vẫn không thể xóa nhòa.
Triệu Vĩnh Nghiên thấy khó mà mở miệng nói ra những lời ấy, bèn đổi lời, "Mùa xuân năm nay Nhân Dục theo mẫu thân hồi kinh, gặp lại chàng ở ngoài đình Thập Lý, chàng đang chuẩn bị lên đường đến Lăng Xuyên cùng Lan Nhược biểu ca... Chàng vẫn còn nhớ Nhân Dục, thấy xa giá của phủ Dụ Thân vương, còn nói với Nhân Dục, 'Quận chúa vẫn khỏe chứ'..."
Chương Nguyên Gia nhìn vẻ ngượng ngùng của Triệu Vĩnh Nghiên, không khỏi hỏi, "Muội thích y lắm hả?"
Triệu Vĩnh Nghiên không đáp, ngước mặt nhìn Chương Nguyên Gia: "Nương nương, vì sao hồi ấy cô mẫu lại lấy dượng Tạ?"
Cô mẫu của Triệu Vĩnh Nghiên chính là mẫu thân của Tạ Dung Dữ, là Vinh Hoa trưởng công chúa.
Tạ Trinh xuất thân từ danh môn Tạ thị ở Trung Châu, phong nhã hào hoa, tài năng có một không hai, văn chương ông viết ra có thể khiến tứ hải chấn động, năm xưa Vinh Hoa công chúa thích ông, nghe nói đã để mắt đến công tử Tạ gia tại yến tiệc Quỳnh Lâm.
Về sau Thiên gia ban hôn cho Triệu Vinh Hoa và Tạ Trinh, tài tử giai nhân, công chúa và công tử danh môn đã trở thành giai thoại một thời.
"Thanh Chấp biểu ca chẳng khác gì thiên nhân, nhìn huynh ấy thôi cũng biết được phong thái của dượng Tạ năm xưa, Nhân Dục..." Triệu Vĩnh Nghiên cắn môi, "Không dám so mình với cô mẫu, nhưng rất ngưỡng mộ chuyện tình của bà ấy."
Chiêu Hóa đế không có con gái, nên Triệu Vĩnh Nghiên có phân vị cao nhất trong số những cô gái tông tộc đồng lứa.
Công chúa và phò mã, quận chúa và quận mã, quả thực rất giống giai thoại của hai mươi năm trước.
"Nương nương." Triệu Vĩnh Nghiên nhìn Chương Nguyên Gia, "Nương nương hỏi Nhân Dục có thích chàng không, Nhân Dục cũng không biết, nhưng ngoài chàng ra, Nhân Dục chưa từng nghĩ đến việc lấy người khác."
Chương Nguyên Gia ngẫm nghĩ một lúc lâu, "Thực ra không phải là không được." Nàng nói, "Tuy Trương nhị công tử không xuất thân từ danh gia vọng tộc, nhưng phụ thân y là sĩ đại phu nhảy sông Thương Lãng, huynh trưởng mất mạng dưới Tiển Khâm Đài, lão thái phó xót y, coi y như con trai mình, nếu ý trung nhân của muội là y, không phải chỉ cần ý chỉ tứ hôn là có thể quyết định được hôn sự này, e rằng phải nhờ Quan gia hỏi ý của lão thái phó đã."
Đại Chu trọng sĩ trọng văn, huống hồ lão thái phó đức cao vọng trọng, năm xưa chấp chưởng Hàn lâm, học trò đông không đếm xuể. Trương Viễn Tụ là người lão thái phó coi trọng nhất, chuyện chung thân của y nên để lão thái phó làm chủ.
"Nhân Dục bằng lòng ạ." Triệu Vĩnh Nghiên nói ngay, "Xin Quan gia và nương nương lo liệu cho Nhân Dục."
Chương Nguyên Gia gật đầu: "Được rồi, đợi hôm nào Quan gia rảnh, bổn cung sẽ bẩm việc này với chàng."
***
"Mời quý khách vào trong!"
Đông An sắp vào hè, chỉ mới hạ tuần tháng Năm mà từ đầu đường đến cuối ngõ đã bốc hơi nóng.
Ông chủ Hứa ở Tàng Phong Các vừa mở cửa đã gặp ngay bốn khách quý.
Đây là lần đầu ông ta thấy khách tới cao quý như vậy: công tử mặc trường sam màu trắng ở giữa quả thực không giống người phàm, núi sông tạc mi mắt, phong thái thanh cao, chỉ vừa đặt chân vào cửa thôi mà sóng nhiệt ngoài phố như bị y đẩy lùi.
Cô gái đi cạnh y mặc váy xanh, vóc dáng mảnh mai, tiếc rằng đội mũ trùm nên không thấy rõ mặt. Thậm chí đến hai tùy tùng đi sau bọn họ cũng có phong thái bất phàm, nhìn là biết người nhà giàu.
Ông chủ Hứa không dám làm ngơ, nhiệt tình đón chào, "Quý khách đến chọn đao kiếm ạ?"
Thanh Duy đáp phải, nói: "Có đao tốt không? Đem ra xem nào."
"Có ngay có ngay." Ông chủ Hứa liến thoắng, dẫn bọn họ vào trong, "Mấy thứ ngoài cửa hàng toàn là đồ bình thường, đao kiếm tốt nằm ở bên trong, mời quý khách theo tại hạ."
Tàng Phong Các là cửa hàng binh khí trên phố Lưu Chương.
Phố Lưu Chương là một trong những con phố tấp nập xa hoa nhất phủ Đông An, văn nhân mạc khách đều ưa tụ tập tại ở Thuận An Các chỗ này. Năm xưa Lăng Xuyên nghèo khó, không quá trọng văn, song sáu năm trước khi triều đình xây dựng Tiển Khâm Đài, làn gió sùng văn ngày một thịnh hành, ngoài Thuận An Các ra, các tiệm thư họa, bút mực ở phố Lưu Chương dần dà mọc lên như nấm, thậm chí Thuận An Các còn tổ chức đại hội thi họa mỗi tháng một lần. Về sau Tiển Khâm Đài sập, phố Lưu Chương tiêu điều một thời gian, nhưng kể từ khi Gia Ninh đế kế vị, hỗn loạn dần ổn định, đau thương cũng dần vơi, nhất là khi năm nay triều đình quyết định xây lại Tiển Khâm Đài, phố Lưu Chương lần nữa khôi phục cảnh phồn thịnh năm xưa.
Tàng Phong Các lựa chọn lối đi riêng, là tiệm binh khí duy nhất ở phố Lưu Chương, được sửa sang khá tao nhã, là bởi học văn cũng không thể quên võ, chuyện kinh doanh cũng khấm khá.
"Hình như ta chưa thấy thanh đao này bao giờ." Triêu Thiên thấy một thanh loan đao treo trên tường thì đưa tay lấy xuống, thân đao khá nhỏ, đầu đao cong, thoạt giống miêu đao nhưng lại ngắn hơn.
"Đây là miêu đao đầu cong." Thanh Duy nói, "Lăng Xuyên nhiều sơn tặc, loại vũ khí này bắt nguồn từ thổ phỉ, hình dạng đao được thiết kế để kê sát tay dùng, vừa là đao mà cũng có thể là dao găm, khá tiện lợi."
Tuy nàng không lớn lên ở Lăng Xuyên nhưng gốc Nhạc thị bắt nguồn tại đây, hồi bé khi còn ở quê nhà Thần Dương, nàng thường nghe mẹ và sư phụ kể chuyện nơi này.
Triêu Thiên nói: "Thiếu phu nhân am hiểu nhiều ghê!"
Ông chủ Hứa cười bảo: "Thanh miêu đao đầu cong này chưa phải là hàng tốt nhất đâu, trong tiệm tại hạ còn có vũ khí do đại sư Chí Minh chế tạo riêng đấy." Nói đoạn, ông ta dẫn nhóm Triêu Thiên đi tới trước một bức tường khác, "Đại sư Chí Minh là thợ đao kiếm nổi tiếng nhất Lăng Xuyên, đao kiếm do ông ấy chế tạo không một ai chê, quý khách có thể xem."
Triêu Thiên nhìn lên bức tường trước mặt, binh khí treo trên đó vẫn còn nằm trong vỏ, đúng là không uổng công chuyến đi lần này.
Thực ra từ lúc đến Lăng Xuyên hắn đã muốn hỏi thăm nơi nào có đao tốt, cái danh đại sư Chí Minh chẳng khác gì sấm bên tai hắn, không ngờ công tử lại đích thân dẫn hắn đến đây mua.
Bên ngoài lại có khách đến, gọi ông chủ, ông chủ Hứa đáp lại rồi nói với nhóm Triêu Thiên: "Đi ra ngoài theo cửa nhỏ còn có nơi tập võ, tuy sân không lớn lắm, nhưng nếu quý khách ưng ý thanh nào thì có thể tới đó dùng thử." Nói đoạn, ông ta ra ngoài tiếp khách.
Triêu Thiên hăng hái chọn một thanh đao, chưa thử mà đưa cho Thanh Duy xem trước.
Thanh Duy rút đao ra, quơ thử một đường rồi nhìn kỹ, "Hoa văn lẫn hình dạng đều rất tốt, lưỡi đao được rèn rất sắc, cầm không trơn tay, bản thân ta thấy hơi nặng, nhưng nếu cậu cầm chắc là vừa đấy."
Nhận được sự thừa nhận của nàng, Triêu Thiên xác định đấy là đao tốt, tốt hơn bất cứ thanh đao nào hắn đã từng dùng trước đây, sau đó lại quay sang hỏi ý Tạ Dung Dữ.
Tạ Dung Dữ áng chừng, "Đúng là không tệ."
Triêu Thiên hào hứng ra ngoài thử đao.
Thanh Duy xem lần lượt từng binh khí treo trên tường trong lúc chờ hắn, nghĩ bụng đại sư Chí Minh không hổ là đại sư, mỗi một thanh đao kinh qua tay ông đều là hàng tốt cả.
Tạ Dung Dữ nhìn nàng, nhẹ nhàng nói: "Thích cái nào thì cứ việc chọn."
Không thể thường xuyên sử dụng nhuyễn ngọc kiếm, mà huyền ưng đao lại là vân đầu đao, nàng cầm không vừa tay. Bình thường khi đánh nhau, nàng toàn vớ phải thứ gì thì dùng thứ đó.
Đúng là nàng cần một món vũ khí tốt.
Thế là Thanh Duy cũng chẳng khách khí, tháo một thanh trọng kiếm xuống, nói với Tạ Dung Dữ, "Ta muốn thử thanh kiếm này."
Tạ Dung Dữ đưa mắt nhìn trọng kiếm, nói với Đức Vinh: "Lấy bạc đi thanh toán đi."
Đức Vinh vâng dạ, không đợi Thanh Duy phản ứng đã sải bước đi ra phòng ngoài, một lúc sau quay về, bẩm, "Công tử, đã thanh toán xong rồi ạ, ông chủ nói đây là hộp kiếm tặng thiếu phu nhân."
Thanh Duy chặc lưỡi, nhìn thanh kiếm trong tay: "Nhưng ta vẫn chưa thử mà."
Tạ Dung Dữ nói: "Giờ thử vẫn chưa muộn, không thích thì chọn cái khác."
Nhìn là biết thanh trọng kiếm này có giá trị không rẻ, Thanh Duy đâu dám chọn cái khác nữa, thế là rút kiếm ra toan đi thử, nhưng Tạ Dung Dữ vừa nhìn qua đã ngăn nàng lại, "Được rồi, chuôi của trọng kiếm này chỉ là thứ phẩm, nàng đem về dùng tạm ít hôm, có gì ta sẽ tìm người làm cho nàng một chuôi kiếm tốt hơn."
Thanh Duy nói: "Sao lại là thứ phẩm?"
Chuôi trọng kiếm này cũng được do đại sư Chí Minh làm ra mà.
Tạ Dung Dữ nói: "Tuy hình dạng trơn tru nhưng dày mỏng không đều; hoa văn tạm được, song thiếu kỹ thuật; mũi kiếm tuy sắc nhưng chưa đến mức chém đứt tóc; nhất là phần chuôi kiếm, tuy chuôi kiếm không trượt tay nhưng lại không được đính ôn ngọc, lúc đánh nhau dễ ảnh hưởng đến hổ khẩu."
Thanh Duy ngẩn ra: "Nhưng chế tác của thanh kiếm này cũng không khác mấy so với thanh của Triêu Thiên mà."
Lúc nãy Triêu Thiên hỏi y đao thế nào, rõ ràng y bảo không tệ.
Tạ Dung Dữ thong thả nói: "Hắn dùng không tệ, nhưng nàng mà dùng thì chỉ đáng thứ phẩm, nếu nàng không muốn lãng phí, bao giờ không cần nữa cứ thảy cho Triêu Thiên."
Triêu Thiên mới hào hứng thử đao bước vào: "..."