Ta Sống Lại Sau Khi Ở Góa

Chương 205:




Mùa xuân năm Nguyên Hựu thứ mười sáu.
Một cơn cảm lạnh đã quật ngã Thủ phụ Trần Đình Giám vất vả lâu ngày sinh bệnh, khiến ông ấy nằm liệt giường, không dậy nổi.
Lần thứ ba, ông ấy sai trưởng tử dâng bản tấu xin cáo lão từ quan lên cho Nguyên Hựu Đế.
Nguyên Hựu Đế nhìn thấy bản tấu chương, nổi nóng với Trần Bá Tông: “Đừng nộp thứ này lên cho trẫm nữa, cho dù ngươi xin từ quan, trẫm cũng không phê chuẩn cho tiên sinh từ quan!”
Trần Bá Tông quỳ xuống sàn nhà, thở dài nói: “Sao Hoàng thượng phải làm khó phụ thân thần, ông cụ thật sự ốm không ngồi dậy nổi nữa rồi.”
Nguyên Hựu Đế không tin, bỏ Trần Bá Tông lại đó, bỏ đi.
Sắc xuân ngập tràn trong Ngự hoa viên.
Nguyên Hựu Đế đứng dưới hai cây đào, dường như dưới tán cây có một ông lão râu dài phóng khoáng đang đứng cầm tay một cậu bé ba tuổi giảng về sự khác nhau giữa đào và hạnh.
Nguyên Hựu Đế đi tiếp, ngang qua một mảnh vườn trồng toàn trúc thúy, hắn ta dường như trông thấy ông cụ đó lại dạy cho cậu bé cách thổi nhạc bằng lá trúc.
Trần Các lão được chọn làm thầy của Thái tử chẳng những am tường thiên văn địa lý mà còn biết thổi địch như những đứa trẻ trên núi.
Chỉ có điều, khi hắn ta lớn dần lên, Trần Các lão cũng càng ngày càng nghiêm khắc hơn, không còn dẫn hắn ta đi chơi nữa. Đôi khi, ngay chính Nguyên Hựu Đế cũng cảm thấy nghi ngờ, không biết những ký ức Trần Đình Giám dạy hắn ta chơi cái này cái kia có từng thực sự xảy ra hay không hay chỉ là một giấc mơ giữa ban ngày.
Nguyên Hựu Đế ngồi xuống một chiếc ghế dài phơi mình dưới nắng.
Bầu trời cao xa mà xanh thẳm, Nguyên Hựu Đế ngẩng mặt lên thất thần một lúc lâu.
Không phải lúc nào hắn ta cũng thích ông cụ. Hồi nhỏ, hắn ta từng hận ông cụ quá nghiêm khắc, sau khi tự mình chấp chính, cũng có lúc xung đột quan điểm với ông cụ. Ông cụ cố chấp, hắn ta cũng có lòng kiêu ngạo của mình. Nhiều lần như vậy, Nguyên Hựu Đế cũng thầm giận thái độ cứng rắn, không chịu thỏa hiệp của ông cụ, thậm chí nguyền rủa ông cụ xảy ra chuyện bất trắc, không còn xuất hiện trước mặt hắn ta nữa.
Thế nhưng, những lúc như vậy cũng không có nhiều. Oán hận chỉ là chuyện nhất thời, sau khi chuyện qua rồi, giận cũng hết, hắn ta vẫn vui vẻ được trông thấy ông cụ đứng trên triều, cảm thấy may mắn vì có ông cụ bên cạnh mình, san sẻ giúp hắn ta không ít sầu não.
Thế nhưng, Nguyên Hựu Đế không thay đổi được thời gian, tóc của ông cụ ngày một bạc thêm, lưng của ông cụ cũng bắt đầu còng xuống, ngay cả khi tranh cãi với người khác, thỉnh thoảng ông cụ cũng phải dừng lại ho khan một, hai tiếng, không thể nói trôi chảy liền một mạch được nữa.
Kể ra thì, Nguyên Hựu Đế cũng đã chứng kiến mấy lần các vị Các lão qua đời rồi nhưng Trần Đình Giám không giống những ông cụ đó, đối với hắn ta, ông cụ Trần vừa là thầy cũng vừa là cha.
“Truyền thái y.”
...
Trần phủ.
Buổi sáng, Hoa Dương mới nhận được tin báo cha chồng bị ốm, nàng lập tức mang theo Bảo Gia tới Trần phủ.
Xuân Hòa Đường.
Trần Đình Giám ngồi tựa ở đầu giường, Tôn thị thay áo giúp ông ấy, cho ông ấy mặc một chiếc thường bào, dùng dây vải cột búi tóc lên, bộ râu dài trắng như tuyết cũng được cột lại bằng dây vải để tiện uống thuốc.
Tôn thị phàn nàn với Trưởng công chúa: “Chẳng biết nuôi bộ râu dài này có gì hay, chỉ tổ tạo thêm không ít phiền phức cho ta.”
Trần Đình Giám lắc đầu bất đắc dĩ.
Hoa Dương lo lắng sang thăm lại bị mẹ chồng chọc cười.
Bảo Gia cầm lấy chén thuốc từ tay tổ mẫu, hoạt bát nói: “Tổ mẫu chê phiền phức nhưng cháu không chê đâu, để cháu đút thuốc cho tổ phụ uống.”
Trần Đình Giám vội la lên: “Ông tự làm được, Tiểu Cửu mau dừng lại mau.”
Bảo Gia cầm bát rất chắc tay: “Ngài khách sáo với cháu gái làm gì, cháu có phải mẹ cháu đâu.”
Trần Đình Giám liếc nhanh Trưởng công chúa ngồi gần đó.
Hoa Dương cười nói: “Đã nhiều năm vậy rồi, phụ thân vẫn giữ khoảng cách với con dâu như vậy.”
Tôn thị nói: “Không phải giữ khoảng cách mà là Trưởng công chúa là nữ nhi được Tiên đế yêu thương, tổ tiên của Trần gia là nông dân, hồi nhỏ, ông cụ cũng từng làm việc nhà nông, đột nhiên có một cô con dâu như ngài nên mới cung kính như thế.”
Bảo Gia vừa đút thuốc cho tổ phụ uống vừa nói xen vào: “Thái độ của tổ phụ, tổ mẫu và các bá phụ với mẹ cháu đều giống nhau, vì sao mỗi cha cháu là khác?”
Tôn thị: “Cho nên cha cháu mới là phò mã đấy, trời sinh tốt số.”
Bảo Gia: “Đấy là nhờ công của tổ phụ, nếu tổ phụ không vào Nội các thì đâu ai biết đến cha cháu chứ.”
Tôn thị: “Tiểu Cửu ngoan, cháu thử nói câu này cho cha cháu nghe xem, xem thử xem con gái ruột có thể đâm thủng lớp da mặt dày của cha cháu không nào.”
Bảo Gia: “Cháu không ngốc vậy đâu, còn lâu cháu mới tiếp tay cho tổ mẫu bắt nạt cha cháu, ngài có nhiều con trai nên không đau lòng chứ cháu chỉ có một người cha thôi.”
Tôn thị:...
Trần Đình Giám cười rung rung chòm râu.
Ông ấy uống hết bát thuốc thì Nguyên Hựu Đế đến, quản sự dẫn thẳng hắn ta tới Xuân Hòa Đường.
Bảo Gia đi cùng tổ mẫu ra ngoài đón cữu cữu, Hoa Dương vẫn ngồi nguyên trên chiếc ghế kê gần giường.
Nhân lúc chưa có ai vào đây, Trần Đình Giám nói nhỏ: “Trưởng công chúa cũng nên ra ngoài gặp Hoàng thượng đi.”
Hoa Dương cười: “Ngài đã ốm thế này rồi mà vẫn còn muốn dạy con dâu về lễ nghi hay sao?”
Trần Đình Giám chỉ lắc đầu.
Hoa Dương không đi, nàng không tin đệ đệ dám tính sổ chuyện này với tỷ tỷ ruột.
Nguyên Hựu Đế hoàn toàn không để tâm chuyện này, đi vào phòng chào tỷ tỷ, ngồi bên giường, chăm chú nhìn Trần Đình Giám từ trên xuống dưới: “Trông sắc mặt ngài cũng tạm ổn mà, chẳng lẽ ngài lớn tuổi rồi nên muốn lười biếng hay sao?”
Trần Đình Giám ho khan một tiếng, thở dài nói: “Ta thực sự không làm nổi nữa, mong Hoàng thượng thông cảm phê chuẩn cho thần cáo lão hồi hương.”
Nguyên Hựu Đế bảo thái y bắt mạch cho Trần Đình Giám.
Nguyên Hựu Đế mang đến đây hai thái y. Sau khi bắt mạch xong, hai người trao đổi ánh mắt với nhau.
Hoa Dương đi theo đệ đệ ra ngoài nhà chính, nghe suy đoán của các thái y, theo họ thì cùng lắm cha chồng chỉ sống được một năm nữa thôi, nếu như không được nghỉ ngơi đầy đủ thì có khi không thể trụ nổi một năm.
Hoa Dương chậm rãi ngồi xuống ghế.
Nguyên Hựu Đế nhìn về phía tỷ tỷ.
Hoa Dương khoát tay: “Chẳng mấy khi đệ mới xuất cung, đệ ngồi nói chuyện với Các lão thêm một lúc đi, ta muốn ngồi một mình một lát.”
Nguyên Hựu Đế nắm vai tỷ tỷ một cái rồi mới đi vào trong nội thất.
Hắn ta muốn dỗ dành ông cụ mấy câu nhưng Trần Đình Giám lại tỏ ra xem nhẹ chuyện sống chết: “Sinh lão bệnh tử là chuyện bình thường ở đời, Hoàng thượng không cần phải buồn cho thần.”
Nguyên Hựu Đế nhìn ông cụ đầy ẩn ý, nghiêm mặt nói: “Trẫm buồn cho mình, tiên sinh đi rồi thì không biết còn có ai có thể phò tá trẫm giống như tiên sinh nữa đây.”
Trần Đình Giám: “Không phải vẫn còn Hà Các lão đó sao.”
Nguyên Hựu Đế: “Ông ấy sao? Nếu không nhờ ngài che chở thì ông ấy đã bị người ta tống về địa phương lâu rồi.”
Trần Đình Giám: “Thần đâu chỉ một lần muốn tống ông ấy đi nhưng lần nào ngài cũng che chở cho ông ấy.”
Nguyên Hựu Đế: “Thôi, không nhắc tới ông ấy nữa. Nếu như trẫm đồng ý cho tiên sinh từ quan thì tiếp theo tiên sinh đã có dự định gì chưa? Tiên sinh định về Lăng Châu thật sao?”
Trần Đình Giám muốn vuốt râu nhưng chạm vào rồi mới nhớ ra bộ râu của mình đã bị thê tử cột lại, đành phải bỏ tay xuống, cười nói: “Hồi còn trẻ, thần từ chu du khắp Kinh Sở. Lần này, thần muốn chu du khắp cả nước, từ kinh thành xuôi về phương nam, qua Giang Nam đến Quảng Đông rồi qua Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, ở lại Lăng Châu một thời gian, sau đó ngược lên phía bắc, tới Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây, cuối cùng trở lại kinh thành.”
Nguyên Hựu Đế: “Nguyện vọng của tiên sinh quả không nhỏ nhưng e là thân thể ngài không chịu nổi nhiều vất vả như vậy.”
Trần Đình Giám: “Thần có xe ngựa nên không cần phải đi bộ lại có cả người hầu phục dịch mình, Hoàng thượng không cần lo lắng.”
Nguyên Hựu Đế: “Ngài tính mang theo ai đi cùng mình?”
Trần Đình Giám: “Mọi người đều bận, thần chỉ muốn mang theo thê tử và Tam Lang, Tam Lang không ham học nhưng khỏe mạnh, vừa hay có thể chăm sóc cho bọn thần.”
Nguyên Hựu Đế nghĩ đến ba người cháu trai của ông cụ, Đại Lang chỉ đủ sức đậu được tiến sĩ, tính cách lại quá trung hậu, thật thà, tiền đồ hữu hạn. Nhị Lang thông minh, được hắn ta chọn làm Thám hoa nhưng tính Nhị Lang hơi tự mãn, khó làm nên nghiệp lớn. Tam Lang thì lại càng miễn bàn, muốn theo đuổi võ nghiệp giống phò mã nhưng lại không có sự mưu trí của phò mã.
Đôi khi, Nguyên Hựu Đế cảm thấy tiếc thay cho ông cụ nhưng đôi khi, hắn ta lại cảm thấy thế này cũng tốt.
Trần Bá Tông sẽ là Thủ phụ đời tiếp theo nhưng vinh quang của Trần gia cũng sẽ kết thúc ở thế hệ của Trần Bá Tông, phàm ở đỡi, chuyện gì nhiều quá cũng không tốt.
Có điều, chỉ cần huyết mạch của Trần gia vẫn còn được tiếp nối thì chưa biết chừng đến một thế hệ nào đó sẽ lại có một người cháu xuất sắc như ông cụ cũng nên.
...
Trần Đình Giám dưỡng bệnh gần một tháng, cuối cùng cũng khỏi cảm.
Trước khi rời kinh, ông ấy gọi toàn thể con cháu tới bên cạnh mình, lần lượt dặn dò đôi lời.
“Lão đại oai phong có thừa nhưng cứng quá dễ gãy, hiện tại công cuộc cải cách đã bước sang giai đoạn củng cố, cần phải khéo léo đưa đẩy để dàn xếp mọi chuyện, bình thường, con nên thương thảo với Tam đệ nhiều hơn.”
“Vâng.”
“Lão tam thông minh nhưng uy danh ở chỗ quan trường không bằng đại ca, con phải dốc sức phò tá đại ca, tuyệt đối không được cao ngạo, tranh giành công lao kẻo sinh họa.”
“Phụ thân yên tâm, nhi tử hiểu.”
Trần Đình Giám lại nhìn về phía lão Tứ nhà mình.
Trần Kính Tông không hé răng.
Trần Đình Giám: “Nếu như chiến tranh lại nổ ra thì đừng chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện lập công, cũng phải nghĩ tới Trưởng công chúa và Tiểu Cửu nữa, chỉ cần bình an là được rồi.”
Trần Kính Tông siết chặt nắm tay, nghiêm giọng đáp: “Con biết rồi.”
Trần Đình Giám không còn muốn dặn dò thêm gì nữa.
Hôm hai phu thê mang theo Tam Lang rời kinh, cả gia đình ra khỏi thành tiễn ông ấy. Hà Thanh Hiền và mấy vị Các lão cũng tới, Nguyên Hựu Đế cũng đã chờ ở ngoài thành một lúc lâu.
Hôm nay, tinh thần của Trần Đình Giám rất tốt, bộ râu dài được chải mượt như thác nước, nhẹ nhàng bay bay trong cơn gió nhẹ đầu mùa hạ.
Nguyên Hựu Đế nhìn bộ râu dài của ông ấy, bao nhiêu lời muốn nói bỗng nghẹn lại trong cuống họng.
Trần Đình Giám cười nói: “Hoàng thượng ngồi trên ngai cao, thần thay ngài đi quan sát thiên hạ, nếu như triều đình có chỗ nào thiếu sót thì thần sẽ viết thư về kinh, xin Hoàng thương chớ trách thần nhiều chuyện.”
Nguyên Hựu Đế: “Từ ngày trẫm đăng cơ đến nay, tiên sinh vẫn luôn là Nguyên phụ*, nếu như địa phương có gì thiếu sót thì đó là thiếu sót của trẫm cũng là thiếu sót của tiên sinh, trẫm và tiên sinh phải cùng nhau kiểm điểm và nỗ lực.”
*Nguyên phụ là cách gọi khác của trọng thần hoặc được dùng để phiếm chỉ Tể tướng.
Trần Đình Giám gật đầu: “Đúng vậy, vậy xin Hoàng thượng dừng bước, thần lên đường đây.”
Nguyên Hựu Đế: “Được, tiên sinh đi đường nhớ bảo trọng, trẫm ở kinh thành đợi tiên sinh!”
Trần Đình Giám được Tam Lang dìu lên xe ngựa, nhìn Nguyên Hựu Đế và các đồng liêu ngày xưa rồi lại nhìn các con, các cháu, cuối cùng cười một tiếng, chui vào trong xe ngựa.
...
Phủ Trưởng công chúa.
Hoa Dương ngủ không ngon giấc, ngồi trên chiếc ghế mây trong sân, thất thần nhìn vầng trăng ở chân trời.
Trần Kính Tông ôm nàng vào lòng, hỏi: “Nàng đang nhớ ông cụ à?”
Hoa Dương liếc nhìn hắn rồi gối đầu lên vai hắn.
Nàng loáng thoáng có cảm giác, e là lần này cha chồng rời kinh sẽ không về nữa.
Bởi vì rất có thể lần tiễn biệt lúc ban ngày cũng là lần cuối gặp mặt nên trong lòng nàng rất quyến luyến.
Trần Kính Tông vỗ vai nàng, cũng lặng ngắm vầng trăng, ngoài miệng lại phàn nàn bảo: “Tuổi đã cao rồi mà vẫn khăng khăng học theo người trẻ tuổi đi chu du chẳng phải là vì ông ấy muốn xem thử tình hình quốc thái dân an sau khi cải cách chính sách hay sao? Nếu như muốn được nghe khen ngợi thì đáng ra cứ nói thẳng ra, trong nhà có một lão Trạng Nguyên, một lão Thám Hoa, có viết văn khen suốt một ngày cũng không thành vấn đề, nếu thấy thế vẫn còn chưa đủ thì Trưởng công chúa cũng có thể viết hai bài.”
Hoa Dương nhéo hắn: “Chàng thì biết gì, thời đại phồn vinh này là thành quả lớn lao mà phụ thân lao lực cả đời thu được, đương nhiên ông ấy phải tranh thủ khi mình vẫn còn sức khỏe, tận mắt đi xem thử chứ.”
Trần Kính Tông: “Nàng đã hiểu vậy rồi thì còn lưu luyến làm gì? Chỉ uổng công ta tự dưng phải ghen tuông.”
Hoa Dương: “Tự chàng thích ghen chứ trách gì ai.”
Trần Kính Tông: “Đương nhiên phải trách nàng rồi, nếu như nàng xem trọng ta bằng một nửa ông cụ thôi, ta đã chẳng phải so đo làm gì.”
Hoa Dương cười nhạt.
Trần Kính Tông cúi đầu cắn môi nàng.
Hoa Dương không nói thêm gì nữa.
Mãi cho đến khi Trần Kính Tông ôm nàng về phòng chuẩn bị đi ngủ, Hoa Dương mới đột nhiên hỏi: “Chàng có biết trong lòng ta, chàng và phụ thân khác nhau ở điểm gì không?”
Trần Kính Tông: “Điểm gì? Ông ấy có tài hơn ta, đẹp trai hơn ta à?”
Hoa Dương:...
Trần Kính Tông: “Nàng nói đi, ta rửa tai lắng nghe đây.”
Hoa Dương thoáng dừng lại một lát rồi mới nói: “Phụ thân coi lợi ích của dân chúng và đất nước là nhiệm vụ của bản thân, ông cụ vừa là phụ thân của ta và chàng, cũng vừa là đại công thần của cả thiên hạ.”
Trần Kính Tông: “Còn ta thì sao?”
Hoa Dương thản nhiên nói: “Chàng chỉ là phò mã của ta mà thôi.”
Cha chồng thuộc về thiên hạ, Trần Kính Tông thuộc về riêng nàng, đây là điểm khác biệt giữa hai cha con họ.
“Trưởng công chúa quả là ngang ngược.”
Trần Kính Tông chồm người lên, giữ chặt cổ tay nàng, hôn phớt qua khắp mặt và cổ nàng: “Ta còn là nhi tử của hai cụ, là huynh đệ của Trạng nguyên và Thám hoa, là cha của Tiểu Cửu, là Đại tướng quân của mười mấy vạn quân, sao lại là của mình nàng được?”
Hoa Dương: “Nếu chàng không chịu thì có rất nhiều người khác sẵn lòng.”
Trần Kính Tông: “Sẵn lòng cũng chẳng ích gì đâu, ta đã chiếm được nàng từ lâu rồi.”
Hắn là của riêng mình Trưởng công chúa, Trưởng công chúa cũng là của riêng mình hắn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.