Vì lý do chủ quan: đau đầu, mệt mỏi, áp lực cuộc sống, chỉ số vũ lực chênh lệch quá lớn vân vân và lý do khách quan: không ai đánh thức được người giả vờ ngủ, không ai hỏi chuyện được người vờ câm điếc, Diễm quyết định tạm gác lại việc đưa anh bạn cùng phòng bất đắc dĩ này tái hòa nhập cộng đồng. Cô còn phải đi làm nữa, không thể mỗi ngày đều dốc hết toàn lực đấu trí đấu dũng với anh ta.
Vài tuần trôi qua, anh đã bình phục hoàn toàn. Diễm phải nói là ngưỡng mộ kinh khủng cái thể chất phi phàm này, chẳng giống như cô, ngã trật mắt cá thôi có khi chân chấm chân phẩy cả tháng trời.
Lại nói, Diễm đã từng nghĩ đến việc đưa anh ta ra nhờ công an đăng tin tìm người thân, nhưng mỗi lần tới trước đồn công an, cô lại chần chừ, đi tới đi lui, cuối cùng bỏ về. Số lần chần chừ của Diễm nhiều đến mức cô bắt đầu bị các chú áo xanh để ý. Cũng không quá khó khăn để Diễm chứng minh mình không buôn đồ hay cướp giật gì cả, nhưng về sau thấy hơi ngại nên cô tránh luôn lối phải đi qua đồn công an.
Chần chừ vì Diễm nghĩ, đăng tin là một chuyện, có người thân đến tìm hay không lại là chuyện khác. Trong thời gian chờ đợi, bắt buộc phải có chỗ để anh ta ở lại. Trẻ em có thể gửi ở viện cô nhi, người già thì đến viện dưỡng lão, phụ nữ cũng có nhà tình thương, nhưng một người đàn ông trưởng thành chân tay đầy đủ như thế này, viện cô nhi hay viện dưỡng lão nào nhận cho?
Bỏ thì thương, vương thì tội.
Hơn nữa, theo như tình trạng lúc vừa đến đây cộng thêm thân thế vẫn còn là một ẩn số của anh ta, Diễm chỉ sợ, công khai thông tin sẽ rước tới tai họa chết người cho cả hai bọn họ.
Thật ra, nếu không tính đến việc hai cá thể cùng tồn tại trong căn nhà diện tích chỉ có hai trăm mét vuông nhưng chạm mặt nhau cũng không nói một lời thì bọn họ xem như chung sống khá hòa hợp. Thậm chí thỉnh thoảng Diễm còn có cảm giác sai trái như kiểu mình đang nuôi báo cô một ông chồng già đau ốm triền miên và một đứa con thơ mắc tật nhược trí vậy. Nhưng cảm giác đó rất nhanh đã biến mất, ngay khi “chồng già” trong lúc luyện võ nhẹ nhàng buổi sáng, đi đường quyền lõm cả vách tường ban công, và “con thơ” thì bằng cách nào đó, chỉ cho ông bố ghẻ của mình cách lấy hạt và pate trên tủ bếp, đánh chén no nê mỗi khi Diễm đi vắng.
Ban đầu, việc phải để nhà cho đôi bố con này trông khiến Diễm vô cùng lo lắng. Ngày đầu tiên, thậm chí cô còn tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy về xem một người một chó đã thay cô đốt nhà, hoả táng sạch sẽ kỉ niệm với người yêu cũ hay chưa?
Kết quả có phần ngoài dự đoán.
Diễm ngẩn người đứng ở thềm cửa, nhìn tướng quân nhàn nhã ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh phố phường, ánh sáng dịu dàng viền quanh những đường nét cơ thể đẹp như tượng tạc. Thú cưng của Diễm ngoan ngoãn nằm trên đùi anh, ngủ say đến độ có hót đem vứt ra cửa cũng chưa chắc đã tỉnh.
Diễm cảm thấy mình như kẻ thừa trong nhà của chính mình vậy.
Thế nhưng khung cảnh bình yên này chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi trước cơn dông. Tất cả khổ đau đều bắt nguồn từ dã tâm của chính Dương Hoàng Diễm.
Đầu đuôi như sau.
Cho đến lúc bấy giờ, tạm thời chưa có sự vật sự việc gì mà Diễm không thể dùng phương thức giao tiếp phi ngôn ngữ để hướng dẫn tấm giấy trắng này chậm rãi bước vào cuộc sống của người hiện đại cả. Nhưng Diễm nghĩ bụng, dù sao chăng nữa khả năng của giao tiếp phi ngôn ngữ cũng chỉ có hạn, tình trạng này không thể kéo dài mãi được.
Cho nên?
Cho nên, Diễm nghiêm túc liên lạc với cô bạn khá thân học Sư Phạm Văn của mình để xin ý kiến, rồi lập tức lên Tiki đặt một đống sách dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, kiểu “Một Trăm Ngày Làm Chủ Ngữ Pháp Tiếng Việt”, “Cùng Bé Phát Triển Tư Duy Ngôn Ngữ” gì đó, nghe mà đong đầy hy vọng.
Gì cơ? Tại sao Diễm biết anh ta hiểu được tiếng Trung mà lại không tự đi bồi dưỡng bản thân ư?
Xin lỗi, nhập gia tùy tục. Học ngoại ngữ khiến Diễm đau khổ, Diễm không muốn đau khổ, chỉ có thể mang đau khổ chuyển cho người khác.
Thế nhưng vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Ban đầu Diễm nghĩ, cái đồ đẹp mã khó ở này nhất định sẽ không chịu hợp tác với cô đâu, còn nghĩ trước rất nhiều phương pháp để thuyết (cưỡng) phục (ép) anh.
Ai ngờ, Diễm đã coi thường tầm nhìn của tướng quân rồi.
Anh không chỉ học, còn nhiệt tình hơn cả cô giáo bất đắc dĩ là Diễm đây.
Tuy là tràn đầy hứng thú, nhưng sự nhiệt tình của anh cũng ẩn nhẫn như con người anh vậy, chỉ âm thầm toát ra qua ánh mắt chăm chú, tỉ mẩn như một đứa trẻ có thể ngồi hàng giờ liền ngắm con bọ rùa bò trên lá rau diếp.
Cứ như vậy, chẳng mấy chốc hai người đã có thể bắt đầu nói chuyện câu được câu mất.
Thành thực mà nói, thái độ sáng nắng chiều mưa của người này làm Diễm vừa mơ màng vừa cảm thấy bất an, chẳng biết động thái mới này có ẩn chứa mưu hoa gì không?
Diễm rất nhanh đã nhận ra chân tướng.
Đại khái là có một cái nghiên cứu khoa học quái nào đấy (hoặc cũng có thể là không có) từng chỉ ra, trong cuộc đời mỗi người, khả năng sẽ xuất hiện tới hai lần tuổi nổi loạn. Lần đầu tiên vào khoảng 14 – 17 tuổi, lần còn lại vào khoảng 55 – 60 tuổi.
Diễm nghĩ, thằng cha nam chính của tác phẩm “Công Chúa Ngủ Trong Rừng” – nói cách khác là Quái Vật này, hoặc là tuổi nổi loạn đến quá sớm, hoặc là tuổi nổi loạn đến quá muộn.
Vỏn vẹn vài tuần kể từ khi được trời ban cho ông bạn cùng phòng quý hoá, cô đã phải thay ba loại kem đánh răng, bốn loại sáp thơm phòng, thay hết rèm màn và ti tỉ những thứ linh tinh khác vì:
Diễm chỉ vào tuýp kem đánh răng Tinh Thể Băng Tuyết: Tại sao không dùng cái này?
Ai đó: Có cát.
Diễm: Cát?
Diễm vì không thể nhặt hết “cát” ra khỏi kem đánh răng nên phải đổi sang một tuýp khác vị trà xanh.
Ngày hôm sau, Diễm hoang mang: Tại sao cái mới này cũng không dùng?
Ai đó: Quá ngọt.
Diễm: Ngọt?
Sự việc cuối cùng kết thúc ở tuýp kem đánh răng không vị dành cho trẻ em.
Xịt phòng mùi hoa hồng quá ngọt, mùi gỗ trầm quá khét, mùi hoa nhài buồn nôn,…
Rèm màu kem chói mắt, màu đen quá tối, màu hồng nữ tính,…
Đổi, thay, vứt!
Vậy chân tướng ở đây là gì?
Anh ta nhất thời hiếu học, chỉ là vì muốn tự nâng cao chất lượng cuộc sống của mình mà thôi!
Chết tiệt.
Cái đồ đẹp mã chết tiệt.