Miệng nói Ngọc Nhi hãy quên chuyện đi vào thành Tư Phố chơi trung thu đi, nhưng chính ta lại là người nhắc nhỏm, xin xỏ với nghĩa mẫu việc vào thành ấy. Ý nghĩ tới đó sẽ được gặp chàng thôi thúc ta mãnh liệt. Nếu chỉ có đèn, hoa, có trò diễn sướng múa lân thì ta cũng chẳng quan tâm. Nhưng ở đó ta sẽ được hít chung bầu không khí với chàng, được nhìn thấy bóng dáng chàng, khuôn mặt chàng, được thấy nụ cười ấm áp của chàng.
Những viễn cảnh ấy, hình ảnh ấy cứ diễn đi diễn lại trong đầu ta hàng ngàn lần không biết chán, khiến ta trở nên nôn nóng, quyết tâm thuyết phục nghĩa mẫu cho bằng được.
- Ai bày cho con, sao tự dưng con nghĩ ra cái việc ấy? Lại đám gia nhân xúi bẩy đúng không? - Nghĩa mẫu giật minh hỏi - Bao năm nay rồi chúng ta có vào đó trung thu, lễ hội gì đâu, sao giờ con lại muốn như vậy?
- Thì chính vì bao năm rồi mình chưa vào nên giờ con mới muốn chứ. Tự con nghĩ ra thôi chả ai bày cho cả. Nếu đã vào đó rồi, biết rồi thì con còn vào đó làm gì nữa. Năm nay con cũng đã lớn rồi, nghĩa mẫu cũng phải cho con đi chơi một lần cho biết đó biết đây gọi là chứ? Ta nũng nịu nắm lấy cánh tay của nghĩa mẫu.
- Không được đâu con! Đêm hôm vào tận trong thành nguy hiểm lắm. Những nơi như vậy lại hết sức phức tạp và rắc rối, con không nên đến làm gì.
- Thì ngưuời cho gian nhân đưa con và hai thị nữ đi là được mà! Gia nhân của nhà ta chẳng phải đều là môn đệ của Võ đường Dương Xá hay sao? Vậy mà lại không thể bảo vệ cho Tiểu thư của mình đi chơi lễ hội một buổi hay sao? Hơn nữa chùng con sẽ ngồi trên xe ngựa, thong thả ngắm cảnh một lượt sau đó sẽ về, tuyệt đối không xuống khỏi xe, thì làm sao có gì mà phức tạp với nguy hiểm cơ chứ?
- Không thể được con ạ. Con biết đấy, từ khi về đây chúng ta rất ít giao lưu với bên ngoài. Cả ta và cha con đều muốn con tránh xa khỏi những nơi thị phi, ồn ào ấy.
- Thì con và thị nữ cứ ăn mặc đơn giản như con những nhà thường dân, ngồi trên xe mà đi, thì làm sao mà xảy ra việc gì được cơ chứ.
Thấy nghĩa mẫu có vẻ đã bắt đầu đuối lý, ta chuyển sang đấu dịu, bèn quàng tay quanh cổ người, rồi nũng nịu:
- Con cũng đã mười ba tuổi rồi. Cha mẹ cũng phải cho con ra ngoài dần cho quen, mới mong sau này kiếm được chàng rể tốt cho cha mẹ chứ. Nếu cứ quanh quẩn ở trong nhà mãi thì sau này biết làm sao đây?
Nghĩa mẫu xửng xốt một chút, bảo:
- Thời gian trôi nhanh thật! Thoắt một cái Nga Nhi nhà ta cũng đã mười ba tuổi rồi. Đúng là chẳng mấy chốc nữa là phải tính tới chuyện gả chồng rồi..
Nói đến đó nghĩa mẫu bỗng trở nên trầm ngâm. Rồi sau đó người bỗng dưng thay đổi thái độ, quay qua ủng hộ việc ta đi chơi Trung thu một chuyến ở trong thành với điều kiện có gia nhân đi kèm hộ tống. Chính người đã nói giúp với nghĩa phụ để người đồng ý cho ta đi.
Có lẽ tại thời điểm đó người chợt nhận ra ta đã lớn thật rồi. Không nghĩ là ta sẽ kiếm rể chọn chồng được đâu. Nhưng có lẽ người biết, dù thế nào thì những ngày vui chơi tự do của ta cũng không còn nhiều nữa..
Thế là Trung thu năm ấy ta và hai nàng được một phen chộn rộn.
Chúng ta háo hức chờ tới Trung thu tới mức chơi những trò thường ngày cũng cảm thấy kém vui đi phân nửa. Mà thời gian nửa tháng chao ơi cứ là dài dằng dặc. Trong khi đó trời thì cứ lúc mưa gió, lúc bão sụt sùi làm chúng ta như ngồi trên đống lửa sợ ngộ nhỡ trời mua đúng hôm Trung thu thì thật là..
Mọi năm Trung thu trời mưa hay tạnh ráo? Ta không nhớ nổi nữa. Nhưng năm nay lá phổi của chúng ta cứ phập phồng trồi sụt cùng với những cơn nắng cơn mưa.
Đến đúng ngày Trung thu, vào buổi chiều trời mưa rào một trận. Ta và các nàng thị nữ thiếu chút nữa thì khóc. Ấy vậy mà may sao, đến cuối giờ Thân trời bỗng tạnh, mây quang đãng. Thế là ta và các nàng ba chân bốn cẳng vội vàng chuẩn bị đi chơi.
Tuy vậy chúng ta cũng không phải chuẩn bị gì nhiều, vì theo lời nghĩa mẫu, ba người đều ăn mặc, phục sức rất giản dị, không mang theo đồ trang sức vàng bạc.
Đi theo trên xe có ba gia nhân, đều là những người thân tín, võ nghệ cao cường để bảo vệ cho ta và hai thị nữ.
Xe ngựa đi chừng một canh giờ, băng qua cầu Sông Chu, đi thêm một đoạn đường nữa thì tới Thành Tư Phố.
Màn đêm vừa bắt đầu buông xuống, mà Thành đã rực rỡ hoa đèn, rộn ràng náo nhiệt. Quả không hổ danh là thành trì sầm uất nhất vùng Ái Châu.
Nhà nhà hai bên đường đều giăng nhiều đèn lồng sặc sỡ. Lũ trẻ trong thành đứa thì cầm đèn sao, đứa thì cầm đèn kéo quân, đèn hạt bưởi đủ mọi hình dạng, kích cỡ đi lại, túm tụm ở trên phố khiến đường phố thêm nhộn nhịp và lung linh, lấp lành.
Nam thanh nữ tú thì phục sức lộng lẫy, rủ nhau tụ tập nói chuyện, tán tỉnh. Người già thì thong thả đi lại xem xét, mua sắm hàng hòa. Các gánh hàng rong bán bánh kẹo, hoa quả xiên thì hò hét inh ỏi, chào mời ở bên đường. Quả là một cảnh tấp nập, đông vui hiếm thấy với ta và các nàng từ Đông Lỗ tới.
Càng về đêm, phố phường càng tấp nập. Mọi người bắt đầu tụ tập lại để chờ xem múa hát, diễn sướng, múa rồng và múa lân. Xe ngựa không đi lại được nữa vì quá đông đúc. Ta và gia nhân phải buộc nhờ trong một ngõ nhỏ gần cửa hiệu vải ta và nghĩa mẫu vẫn tới mua hàng, rồi đi bộ xem hội. Lúc này ta chợt nhận ra một điều: Giữa biển người mênh mông như thế này biết chàng và các huynh đệ bên Võ đường đang ở đâu. Rồi đột nhiên nhận ra mình thật ngốc nghếch. Vì háo hức với ý nghĩ sẽ được gặp chàng mà ta không tính đến việc này. Ta và các huynh đệ bên đó có hẹn hò gì đi đâu, gặp nhau ở đâu đâu nhỉ? Mà không hẹn hò thì làm sao tìm được chàng giữa biển người mỗi lúc một đông đúc này.
Càng đi, càng xem, phố phường càng như nêm như cối thì ta càng thấy tuyệt vọng. Vì phố phường có nhộn nhịp, vui tươi đến mấy mà cái bóng hình ta muốn thấy không xuất hiện thì đều chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Những nhiệt huyết cho chuyến đi bắt đầu giảm dần.
Vừa khi đó người đi lễ hội bỗng nhao nhao lên, dạt hết sang hai bên đường. Ta và các nàng cùng gia nhân không rõ vì sao, cũng chỉ biến đứng lẫn giữa phố ngó nghiêng, ngóng chờ. Hóa ra là đoàn biểu diễn rồng và lân đang đi dọc phố.
Đi đầu đoàn là một người đóng giả làm chú tễu đeo cái mặt nạ gỗ cười toe toét, với cái bụng độn rơm phệ ra trông hết sức vui nhộn. Chú tễu đi đầu, tay cầm cái quạt, vừa phe phẩy, múa may. Có khi chú quay lại trêu chọc các con lân, rồng, cùng nhau nhảy nhót theo nhịp chống nhịp phèng rất vui mắt.
Các con rồng và lân đều được trang trí rất công phu. Riêng rồng thì dài có khi đến vài vài thước. Phải đến gần chục người cùng nhau mới điều khiển được nó. Lúc thì nó lượn như sóng biển trập trùng, lúc lại cuộn xoáy như gió lốc, khi nó ghé vào hai bên đường trêu ghẹo người dân làm mọi người được một phen vừa thích thú vừa sợ hãi, thi nhau hú hét váng trời.
Ta và các nàng bị hớp hồn vào đoàn diễu hành, phút chốc quên đi nỗi chán nản ở trong lòng, cũng không ngừng hò hét, vỗ tay cổ vũ.
Đoàn diễu hành sắp đi qua phía trước, thình lình con rồng quay đầu lại phụt ra một ngọn lửa dài về phía góc đường nơi ta và gia nhân đang đứng chen chân cùng mọi người. Lửa phun ra bất ngờ khiến những người đứng ở khu vực này giật mình hoảng loạn, ù té chạy dạt sang hai bên làm cho người nọ ngã dúi dụi lên người kia, người này xô đẩy, đâm sầm vào người khác hết sức hỗn loạn. Trong khi đó thì ở xunh quanh lại dậy lên tiếng vỗ tay tán thưởng cùng tiếng cười sảng khoái vì cảnh tượng ấy.
Ta và hai nàng thị nữ cũng không tránh khỏi tình cảnh trớ trêu trước sự xô đẩy của đám đông. Khi định thần lại thì thấy đều đang nằm ngổn ngang trên đường, người khác thì ngã đè lên mình còn mình lại vắt vẻo trên người người khác.
Ba gia nhân vì là con nhà võ nên kháng lại được, vội vàng tiến lại nâng ta và các nàng lên.
Vừa kịp đứng dậy, đang chỉnh trang lại trang phục thì liền nghe vang lên sau lưng tiếng quát tháo:
- Các ngươi là ma quỷ xứ nào sao dám xô ngã bổn cô nương! Các ngươi muốn chết rồi hay sao!
Ngẩng lên nhìn, thì thấy một tiểu cô nương rất xinh đẹp, phục sức lộng lẫy và sang trọng, theo sau là hai nàng hầu cũng ăn bận rất cầu kỳ. Có lẽ là con một vị quan lại hoặc một lái buôn nào đó trong Thành.
Chưa định thần lại được, ta với hai thị nữ cứ đứng ngây ra nhìn làm tiểu cô nương kia càng thêm bực nội, sừng sộ tiến lại:
- Bổn cô nương hỏi mà các ngươi câm hết rồi hay sao? Ai cho phép các người xô ngã bổn cô nương! Các ngươi chán sống rồi phải không?
Ra vậy! Tiểu cô nương này vừa bị ta và hai thị nữ vô tình ngã đè lên người. Giờ nàng bất bình vì việc ấy. Nhưng rõ ràng đây chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn. Chính bản thân bọn chúng ta cũng bị những người khác ngã xô vào người và các nàng thì cũng dúi dụi vào người khác. Vậy sao các nàng lại làm ầm lên như vậy? Phải chăng các nàng cố ý gây hấn với người ta?
Hiểu ra vấn đề, Ngọc Nhi vùng lên. Có lẽ nàng ta định đôi co với các nàng một phen. Nhưng ta đã nhanh tay túm nàng lại, gằn giọng:
- Ngọc Nhi!
Nghe ta nói và nhìn vào ánh mắt ta Ngọc Nhi dừng sững lại. Nàng sửng sốt vì bị bắt nạt một thì bất ngờ vì bị ta chặn lại hai. Bình thường gặp những việc như thế này ta sẵn sàng cầm đầu hai nàng lao vào hỗn chiến với đối thủ ngay. Và theo ta nhớ được thì ta và hai nàng đã chiến thắng tám phần mười các cuộc chiến rồi.
Tuy nhiên lần này, một là vì cũng chẳng còn hứng thú gì; hai là nghĩ đã phải rất khó khăn mới xin được nghĩa phụ và nghĩa mẫu cho tới đây để chơi, vậy mà còn gây chuyện thì đừng hòng có lần sau; ba là các nàng dám lộng hành, hống hách như vậy thì chắc chắn nhà các nàng phải ở trong Thành, ăn mặc trang sức như thế thì tức là nhà quyền quí, trong khi Đông Lỗ thì cách đây hàng chục dặm, nước xa có cứu được lửa gần thì ta và hai nàng cũng đã bầm dập rồi. Có ba gia nhân đi theo, nhưng ba người thì dù có giỏi giang đến mấy cũng làm sao đánh được cả nhà họ nếu họ kéo hết ra.
Nghĩ thế, nên ta dứt khoát gạt phắt Ngọc Nhi sang một bên, trừng mắt nhìn nàng một cái nữa cho nàng im lặng rồi tiến lại, chắp tay, cúi đầu bảo:
- Bọn tiểu nữ mải chơi vô ý, đã làm kinh động đến Tiểu thư, bọn tiểu nữ thành thật xin lỗi. Mong Tiểu thư bỏ quá, không trách phạt bọn tiểu nữ!
- Lũ nhà quê các ngươi! Cứ đâm xầm vào xô ngã người ta xong xin lỗi là xong ư? Như thế ở trên đời hỏi còn có tôn ti trật tự gì nữa? Tiểu cô nương xinh đẹp vẫn hùng hổ quát lên.
Tôn ti trật tự gì? Ta nghĩ thầm trong bụng. Là một tai nạn không ai mong muốn và ta đã phải cúi mình xin lỗi nàng. Vậy mà nàng còn không bằng lòng, cứ nhất định phải làm căng lên là sao?
Quay nhìn ra xung quanh, thấy một số người đi chơi tết Trung thu thấy cuộc đôi co giữa đôi bên đã bắt đầu tò mò vây lại. Phải chăng nàng nhất định phải thị uy ra oai trước đám đông một trận mới được hả dạ? Nàng định làm cái trò gì để diễu võ dương oai đây?
Ta còn đang suy nghĩ, chưa kịp mở lời, còn tiểu cô nương xinh đẹp cũng chưa kịp động tĩnh gì thì một giọng cười đã vang lên:
- Lưu tiểu thư, người ta đã xin lỗi rồi, hà cớ gì nóng giận như vậy? Hôm nay là ngày Tết Trung thu, trời đẹp trăng sáng, lễ hội tưng bừng như thế này, thiết nghĩ cũng nên bỏ qua cho người ta để giữ hòa khí chung mới phải chứ?
Mọi người theo hướng tiếng nói quay đầu lại nhìn. Tiến vào là hai chàng Công tử khôi ngô. Chính là hai môn sinh của Võ đường họ Dương - hai chàng này ta đã gặp ở chùa cùng Lê Công tử.
Các nàng kia thấy hai chàng Công tử tuấn tú khôi ngô xuất hiện mở lời như vậy, thành ra ngượng ngiụ, loay hoay chưa biết xử trí ra sao. Mọi người xung quanh thì bắt đầu xúm vào:
- Phải đó Lưu Tiểu thư, các Công tử nói đúng đó, bỏ qua cho người ta đi để đôi bên cùng vui vẻ. Ngày Tết ngày Lễ cũng nên dễ tính chút mà!
Thấy nhiều người lên tiếng, Tiểu thư họ Lưu đâm ra lúng túng. Bọn ta trong phút chốc cũng đứng như trời trồng ở đó.
Thấy vậy một Công tử tiến lại gần ta, nói nhỏ:
- Dương Tiểu thư không mau đa tạ rồi đi đi thôi, còn đứng chờ gió xoay chiều nữa hay sao?
Ta lúc ấy mới giật mình như người tỉnh mộng, lại cúi đầu, chắp tay:
- Đạ tạ Tiểu thư cùng các cô nương đã bỏ quá. Tiểu nữ và gia nhân không dám làm phiền người nữa, xin phép cáo từ.
Nói rồi rẽ đám đông đi ra. Gia nhân cùng hai huynh đệ tại Võ đường cũng nối bước theo sau. Đến khi đã đi xa một đoạn, chắc chắn rằng đã khuất mắt các nàng họ Lưu, ta mới quay lại bảo hai Công tử:
- Đa tạ hai Công tử đã giúp tiểu nữ. Nếu hôm nay không có hai Công tử, không biết tiểu Cô nương kia sẽ dở trò gì. Nếu việc ầm ĩ lên, lại đến tai cha mẹ ta, e là sẽ rất phiền phức.
- Dương tiểu thư khách khí như vậy mà làm gì. Nhưng cũng phải nói là Tiểu thư rất may mắn vì hôm nay dẹp được vụ này, không thì sẽ rắc rối to đó. Lưu tiểu thư này là con của lão Lưu Bao, dân trong vùng hay gọi với biệt danh là Lưu Bao Gạo vì là đầu mối buôn gạo của cả thành. Do nắm trong tay mọi mối hàng, nên các nhà buôn nhỏ lẻ trong thành đều phải qua tay lão Lưu này cả. Vì gia đình có thế lực và giàu có như thế, nên Lưu tiểu thư dù tuổi còn nhỏ mà đã ngổ ngáo và ương bướng lắm. Gây ra không biết bao nhiêu trò tai quái rồi. Dân trong thành Tư Phố ai mà không biết chứ.
Ra là vậy. Bảo sao nàng lại cư xử như thế.
- Năm nay nàng ấy bao nhiêu tuổi rồi? Ta hỏi hai Công tử.
- Mười một, mười hai gì đó thì phải. Là con một của nhà họ Lưu nên được nuông chiều dữ lắm.
Vậy là nàng nhỏ hơn ta một ít. Tuy nhiên cũng chẳng lấy gì làm bất ngờ. Thực tình mà nói thì nàng cũng giống ta thôi. Vì ta và hai thị nữ của mình cũng chẳng từng gây ra bao nhiêu trò ăn hiếp người khác rồi đấy thôi? Lạ là dạo gần đây những trò bốc đồng tai quái như thế không còn khiến ta hứng thú nữa.
Thấy ta im lặng suy tư một hồi hai chàng liền bảo:
- Bọn hạn thần định đi lấy ngựa để về Võ đường bây giờ vì phải dậy sớm để tập võ. Dương Tiểu thư có về cùng không?
- Có chứ, tiểu nữ cũng đang định về luôn đây.
Nói rồi bảo gia nhân đi lấy xe và hẹn hai chàng ở ngoài cổng thành rồi về cùng. Dù sao ở đây cũng chẳng còn gì vui nữa. Mà đi cùng hai chàng biết đâu lại hỏi được ít tin tức gì về Lê Công tử.
Có Phạm Cự Lượng công tử và Trịnh Hàm công tử đi cùng đường về ấp Giáp Mau vui nhộn hơn hẳn. Thì ra nhà Trịnh công tử ở trong thành, nhân dịp Tết trung thu rủ Phạm công tử về nhà chơi, đoàn tụ với gia đình, chứ cũng không phải là chủ ý vào thành xem lễ hội. Phạm công tử vốn là người Đằng Châu, vì mến mộ môn võ bí truyền của Võ đường Dương xá mà tìm đến đây để học tập. Hai Công tử chính là những huynh đệ rất thân tín của Lê Hoàn Công tử.
- Vậy các huynh đệ khác trong Võ đường có đi không? Ngọc Nhi nghe nói thế bèn hỏi các chàng qua cửa sổ xe để ngỏ đã vén cao rèm che.
- Có chứ, nhiều huynh đệ có xin Dương sư phụ cho vào thành chơi Tết lắm. Nhưng chúng tôi đây mục đích chính là về thăm nhà, nên cũng không đi cùng với các huynh đệ ấy. Không rõ giờ họ đang vui chơi ở đâu nữa.
- Lê Hoàn Công tử đó đi không? Lan Nhi liếc nhìn ta đầy ẩn ý rồi cất lời.
- Lê huynh còn bận cùng với Dương sư phụ cúng rằm. Công tử hiện đang là Trưởng tràng nên phải phụ giúp Sư phụ nhiều việc. Hơn nữa nghĩa phụ của Lê Công tử vừa mới qua đời được hơn một năm nay, vì thế huynh ấy tạm thời không mấy hứng thú với những nơi đông người, hội hè náo nhiệt.
Nghe Trịnh Công tử nói vậy ta mới thấy mình rõ thật là ngốc nghếc. Chuyến đi này chỉ có một mong muốn là được trông thấy chàng, vậy mà cũng coi như công cốc rồi. Nghĩ tới đó, trong lòng bỗng trở nên ủ dột, chẳng còn thiết tha gì nữa.
Trời càng về khuya trăng càng lên cao, ánh sáng càng mênh mông bát ngát. Cả không gian được bao trùm bởi một thứ anh sáng lấp lánh, mơ màng, như thể muôn vảy vàng vảy bạc không rõ từ chốn thiên đàng nào cùng nhau theo gió cuộn bay khắp muôn phương.
Ra khỏi Thành nhà cửa dần thưa thớt. Thay thế vào đó là những cánh đồng lúa bao la, trải xa tít tắp tận chân trời. Đây đó một vài dải núi đá vôi nổi lên đen thẫm giữa biển lúa. Thảng hoặc hiện lên một vài xóm làng nép mình dưới những rặng tre, những lùm cây thâm trầm đang chìm trong giấc ngủ dưới ánh trăng trong.
Giữa cảnh yên bình, nên thơ ấy chợt mong ước giá ta có thể cùng người kề vai bên nhau đứng giữa đất trời, im lặng mà ngắm nhìn khắp cả thế gian tươi đẹp dưới ánh trăng sống động này.
Nói chuyện với hai Công tử mới biết hóa ra Lê Công tử cũng thân bồ côi bồ cút như ta. Cha mẹ chàng nghèo khó mất sớm vì bệnh tật. Thấy chàng sáng dạ, khôi ngô, quan Giám sát ở trong Thành Tư Phố mới nhận về nuôi, cho học chữ, lại cho tới Võ đường nhà ta theo học võ. Cách đây hơn một năm, ngài Lê Giám sát qua đời. Thế là chàng lại trở thành kẻ thân cô thế cô một lần nữa. Chính vì lẽ đó hơn một năm nay chàng lánh xa những chốn hội hè, tấp nập. Nơi chàng hay đến nhất chính là chùa Giáp Mau ở trong ấp, nơi ta đã gặp chàng.
Nghe câu chuyện của hai Công tử, phút chốc thấy vừa xót xa, vừa gần gũi. Lê Hoàn Công tử! Lê Hoàn Công tử! Ta không ngừng nhắc thầm tên chàng mà trong lòng dâng lên bao nhiêu cảm xúc rối bời..
Chẳng mấy chốc ấp Giáp Mau đã hiện ra xa mờ dưới anh trăng trong văn vắt. Băng qua cánh đồng là sẽ tới Võ đường. Đi qua võ đường một chốc là tới cổng vào Trang Đông Lỗ. Tuy tất cả đều mờ ảo dưới ánh trăng huyền bí, nhưng ta có thể tưởng tượng ra mọi thứ rõ mồn một như dưới anh sáng ban ngày.
Vì sắp về tới nhà sau một chặng đường dài, nên mọi người có phần mệt mỏi. Các câu chuyện bắt đầu thưa nhạt dần. Chính vì thế, hoặc vì không gian quá đỗi yên bình, tĩnh lặng dưới ánh trăng, mà khi đi qua cánh đồng, mọi người đều nghe thấy văng vẳng trong làn gió nhẹ mùa thu tiếng sáo hết sức du dương, trầm bổng. Khi thì mau, khi thì thưa. Khi thì khoan, lúc thì nhặt. Khi thì cao, lúc lại thấp. Khi trong trẻo, lúc lại u trầm. Khi thì như rõ ràng mà lúc lại như mơ hồ, ảo huyễn, rất đỗi mê hoặc.
Tò mò ta ghé qua cửa sổ để nghe cho rõ hơn, rồi quay lại hỏi các nàng:
- Các em có nghe thấy tiếng sao không?
- Có, tiểu nữ cũng nghe thấy. Đôi khi rất rõ ràng nhưng đôi khi lại rất mờ hồ. Bởi vậy còn đang nghi hoặc không dám hỏi, hóa ra Tiểu thư cũng nghe thấy sao.
- Ha ha.. Phạm Công tử cưỡi ngựa ở gần xe nghe thấy cuộc nói chuyện giữa ta và các thị nữ bèn cất tiếng cười lớn - Đó chính là tiếng sao của Lê huynh đấy. Thư thoảng rảnh rỗi hay có tâm trạng, huynh ấy vẫn hay ra bờ sông Cầu Chày ngồi thổi sáo mà. Đi một đoạn nữa, đến gần võ đường, hạ thần sẽ chỉ cho Tiểu thư và các nàng chỗ huynh ấy hay ngồi. Tiếng sáo của huynh ấy thì khắp vùng này hạ thần nghĩ không ai sánh kịp đâu!
- Vậy sao? Cả ta và các nàng đều tò mò nhìn ra ngoài cửa xe. Cái tên Lê Hoàn được nhắc tới làm ta thấy xáo động trong lòng.
Xe ngựa chạy thêm một lúc thì Võ đường Dương Xá đã hiện ra trước mắt. Phạm Công tử bèn ra hiệu dừng lại rồi phóng tầm tay chỉ ra hướng sông Cầu Chày. Ở tít xa đó dưới gốc một cái cây to đơn lẻ có dáng một người ngồi đó, trên những tảng đá lớn.
- Ta cùng ra đó nghe Lê Công tử chơi một bài rồi hãy đi về chứ Tiểu thư? Ngọc Nhi bỗng cất lời. Lần đầu tiên từ khi ta biết nàng đến giờ mới thấy nàng nói một cái gì đó mà lại đúng lúc, đúng chỗ như vậy. Nhưng ta chưa kịp trả lời thì đã nghe tiếng gia nhân cất lời khuyên giải:
- Cũng đã khá khuya rồi, Tiểu thư nên về nhà kẻo Lão gia và Phu nhân mong.
- Đi thưởng ngoạn Trung thu thì càng về khuya trăng càng lên cao càng đẹp đẹp chứ. Không có gì đâu, các người đừng sợ. Hãy cho xe về trước, ta xuống đó chơi một lúc rồi sẽ bảo các Công tử đây đưa về.
- Dạ không được Tiểu thư! Nếu như vậy tội bọn hạ thần còn nặng hơn. Vậy Tiểu thư và các Công tử đây cứ xuống đó chơi, bọn hạ thần sẽ đợi - Nói rồi quay sang Phạm Công tử và Trịnh công tử: Nhờ các Công tử đây trông chừng nhắc nhở Tiểu thư, không để Tiểu thư ở dưới đó quá lâu. Đêm hôm khuya khoắt lại nước non sông hồ không tốt đâu.
Giằng giai một hồi gia nhân vẫn khăng khăng không chịu về, đành để cả xe và người đứng chờ ở đó rồi ta và thị nữ cùng hai Công tử nhẹ nhàng đi xuống bờ sông.
- Tính ra mà nói, Lê Công tử thật là có con mắt tinh đời đó Tiểu thư. Trung thu mà ngồi đây thưởng trăng mới đúng là thi vị. Chứ như chúng ta đi vào Thành chơi, vừa đông đúc, vừa chật chội lại còn rước thêm cái bực vào người - Ngọc nhi làu bàu.
Ta nguýt nàng một cái thật dài dưới ánh trăng. Nhưng phải công nhân nàng lại nói đúng. Từ chỗ này nhìn ra là cánh đồng bao la, bát ngát như được dát bạc dưới ánh trăng. Mỗi khi một cơn gió nhẹ thổi qua, hương lúa cùng với những bụi trăng li ti lại dập dìu đưa tới. Vừa bình đị mà lại rất đỗi thần tiên như ở chốn thiên đường.
Bước tới gần hơn nữa, chúng ta đã nhìn thấy mặt sông Càu Chày lấp lánh. Trăng lúc này đã lên cao và trong văn vắt, in bóng và quệt thành một vệt dài những lớp vảy óng ánh trên mặt sông. Ở giữa không gian ấy, in nổi bật trên nền trời là dáng chàng ngồi dưới gốc cây đang khoan thai thổi sao.
Nếu sớm biết chàng không đi, mà đang rất đỗi tự do tự tại ở nơi này thì ta bon chen vào Thành Tư Phố để làm gì?
Khi đoàn người tiến lại gần, tiếng sao đột nhiên dừng bặt. Chàng đã biết có người đi tới, nên đứng dậy nghênh đón. Không dấu nổi ngạc nhiên khi thấy ta và hai thị nữ đi cùng với hai huynh đệ của chàng, nhưng chàng chỉ mỉm cười hiền dịu rồi cất lời chào. Chỉ Dưới ánh trăng ta có thể nhìn thấy nụ cười của chàng lấp lánh. Mái tóc dài buộc cao cùng với hai dải lụa tung bay phấp phới trong gió. Anh trăng sáng vẽ những đường viền sắc nét trên khuôn mặt tươi đẹp của chàng. Cái sống mũi cao, vầng trán vời vợi, và đôi mắt ân cần, ấm áp như chứa cả một bầu trời bát ngát ánh trăng trong ấy.
Nhìn thấy hình ảnh ấy, ta phút chốc không thốt nên lời mặc cho mọi người hỏi han chuyện trò gì không rõ. Ta muốn giữa mãi hình ảnh này ở trong tim mình.
Đang ngây ra với cái ý nghĩ ấy, thì giật mình vì cái huých tay nhẹ của Lan Nhi. Ta "hả" một tiếng như kẻ ngốc, quay sang nhìn nàng. Nàng bưng miệng cười rồi bảo:
- Lê Công tử bảo buổi luyện sáo của huynh ấy đã kết thúc rồi. Tiểu thư phải có ý kiến gì đi chứ. Không phải ta cố tình đi bộ ra đây để nghe huynh ấy chơi một bản hay sao?
Ta ngơ ngác quay lại nhìn chàng. Chàng bảo:
- Đúng vậy đấy Dương tiểu thư, hạ thần đã kết thúc buổi tập rồi. Cũng đang định đi về Võ đường bây giờ đây.
Trịnh Công tử đứng bên cạnh bèn ghé vào tai ta thì thầm: "Thật ra không phải là huynh ấy đã tập xong, mà vốn dĩ huynh ấy chưa bao giờ đồng ý thổi sáo cho ai nghe cả. Vậy nên hôm nay Tiểu thư xem có cách nào làm cho chúng tôi được nghe một bản thì chúng tôi mới phục".
- Lê Công tử đã kết thúc rồi thì còn nài ép làm gì nữa - Ta cất lời làm cho mọi người ai cũng ngỡ ngàng và có phần tiu nghỉu - Tuy nhiên trăng ở đây đẹp quá, và dù sao cũng đã xuống đây rồi, sao ta không ngồi chơi ngắm cảnh một chút rồi hãy về cho đỡ phí công nhỉ?
Mọi người đều cho là phải, lại ngồi trên các tảng đá, vừa nói chuyện thong thả vừa thưởng trăng thanh, gió mát.
Các công tử họ Phạm và Trịnh kể cho chàng nghe chuyện ta chút nữa là bị Tiểu thư họ Lưu bắt nạt, rồi không hiểu sao ta lại kìm chế lại được. Các chàng còn bảo nếu không phải đang ở trong thành Tư Phố, mà cứ để cho ta và nàng ấy đánh nhau thì cũng chưa thể biết mèo nào cắn mỉu nào đâu, vì trông hai chúng ta đều hiếu chiến như nhau cả.
Câu chuyện làm mọi người cười vang. Chàng cũng cười. Lần đầu tiên ta thấy chàng cười thoải mái như vậy. Tiếng cười giòn tan sảng khoái làm xáo động cả ánh trăng, làm mặt sông thêm lấp lánh.
Ta cũng cười. Thấy trong lòng ngân lên những hương vị ngọt ngào. Lần đầu tiên biết thế nào là cảm giác giữa vạn người thấy lòng trống trải, mà chỉ cần một nụ cười là đủ thấy ấm áp trong tim.