Ngôi Làng Cổ Mộ

Chương 8: Nu na nu nống




Mãi cho tới khi vào lớp, ngồi yên vị ở bàn, tôi mới quay sang hỏi Hiếu: "Này, sao cậu biết?"
Hiếu lúi húi lấy quyển vở cũ trong cặp sách ra rồi mới nói: "Tớ từng trong đội cảnh vệ, còn lạ gì nữa. Mọi người nói cho chứ sao."
Tôi hơi ái ngại: "Thế à...Từ nay tớ sẽ về sớm...không cần phải phiền đến cậu đâu..."
Hiếu hất hàm: "Nếu muốn chết sớm thì cứ thế đi. Gặp một lần rồi sẽ có lần 2, lần 3. Hắn sẽ không dễ dàng bỏ qua cho cậu đâu. Hắn đã bị bỏ đói lâu rồi từ khi dân làng trở nên cảnh giác hơn. Nói thật tớ chưa thấy ai dại như cậu. Có bố có mẹ rồi mà cứ để mình bị như thế!" Hiếu lườm tôi một cái sắc lẻm. Bất chợt tôi cảm thấy nể người bạn này. Hiếu ít nói nhưng làm gì cũng tự lập, quyết đoán, chẳng để ý tới thái độ của người xung quanh bao giờ. Chắc cũng phải giỏi giang can đảm thế nào cậu ấy mới được đưa vào đội cảnh vệ ở độ tuổi này chứ...Ở trên lớp tuy Hiếu khá khép kín với mọi người nhưng cậu học rất giỏi.
"Cậu...nói nghe kinh quá..." Tôi lắp bắp. Nhiều khi tôi cảm thấy khó nói chuyện với người bạn này. "Thế sao...mọi người cứ ở đấy nhỉ?" Tôi gợi chuyện.
"Làm gì còn chỗ nào mà đi nữa...Người dân ở làng này kinh tế không có...Nhà cửa ở đấy cũng không bán được để đi chỗ khác...Đành phải sống chung với lũ thôi..." Hiếu đánh mắt sang phía tôi rồi chợt nhận ra điều gì cũng im bặt.
Hóa ra ngôi làng Thổ Hà này là nơi chốn cuối cùng để về của nhiều con người, trong đó có gia đình tôi...
Tôi muốn hỏi thêm Hiếu về những hình ảnh khác trong sương mù nhưng nhìn thấy cậu ta lại đang cặm cụi khắc bút chì nên tôi lại thôi.
Cuối giờ, tôi đang cắm cúi bước thẳng ra bến xe buýt thì Hiếu dừng xe cái xịch trước mặt tôi rồi bảo: "Lên xe đi."
Tôi lắc lắc đầu rồi định bước tiếp thì Hiếu lại dong xe theo; "Lên đi, tớ không muốn nói nhiều đâu. Sao cậu bướng thế nhỉ?"
"Tớ lớn rồi, tớ tự lập được. Đi với cậu, mọi người lại bàn tán thì sao?" Thực tâm điều tôi e ngại nhất là phải đi với một đứa con trai bị coi là lập dị ở trong lớp, nhất là khi tôi mới hòa đồng được với mọi người.
Hiếu vẫn kiên nhẫn: "Bố mẹ cậu nhờ tớ đấy. Nếu cậu muốn tớ khó xử thì cứ thế đi."
Tôi đành ngó quanh quất rồi leo lên chiếc yên xe phía sau Hiếu. Cậu vội vàng đạp đi. Trên quãng đường dài, cả hai chẳng nói với nhau câu gì.
Đến đầu con dốc dẫn lên làng tôi, Hiếu bảo tôi xuống xe rồi dắt đi bộ. Từ đây đường làng rất khó đi. Hiếu bảo: "Đành phải đi bộ thôi, đường làng bây giờ khó đi lắm. Tớ tự đi thì được chứ đèo cậu lại sợ cậu đau mông đấy." Tôi gật đầu rồi đi theo Hiếu. Chắc chắn cậu ta sẽ đưa tôi về tới tận nhà thì mới yên tâm cho mà xem.
"Nhà cậu ở đâu trong làng thế?" Tôi hỏi, phá vỡ bầu không gian yên ắng buổi trưa.
"Nhà tớ ở phía Tây làng. Từ nhà cậu đi cũng vòng vèo lắm." Hiếu đáp mà chẳng buồn nhìn vào mắt tôi. Tôi gật gật đầu.
Đi được thêm một đoạn, tôi lại hỏi: "Thế..thế cậu không sợ à? Đi với tớ nhỡ lại gặp "hắn" thì sao?"
"Sợ thì ai chả sợ. Nhưng con trai không được phép sợ nhiều. Cậu yên tâm, tớ chưa gặp hắn bao giờ, nếu có gặp, tớ sẽ đỡ cho cậu 1 lần..." Hiếu đáp bằng giọng trầm trầm.
Tôi bất giác thấy cảm động. Chúng tôi cứ đi như thế. Đi trên những con đường mấp mô của làng rải đầy những vệt đặc quánh.
Chúng tôi đi ngang qua một đám trẻ đang chơi trong làng. Chúng nó người ngợm lấm lem, đang chơi trên nền đất bụi. Trông chúng nó nhếch nhác đến tội, chắc cũng không được đi học tử tế.
Đám trẻ con xếp bằng, ngồi cạnh nhau, giơ chân ra thành một hàng ngang. Một đứa ở giữa nói to một bài hát dân gian quen thuộc, tay đập vào chân từng đứa một:
"Nu na nu nống.
Đánh trống phất cờ.
Mở hội thi đua.
Chân ai sạch sẽ.
Gót đỏ hồng hào.
Không vào mỡ người
Được ngồi đánh trống
Tầng một tông hống
Mỡ người rải quanh
Không dẫm mỡ tanh
Là người sạch nhất
Nu na nu nống..."
Câu hát cuối cùng vang lên cũng là lúc da gà tôi nổi khắp người. Từ lúc nghe chúng nó hát tôi đã cảm thấy là lạ. Bài hát không hề giống với bài hát dân gian tôi đã từng nghe, từng chơi với bọn trẻ con trong phố ngày xưa. Chúng nó hát cái quái gì vậy?
Đứa bị vỗ chân cuối cùng kêu lên. Đám trẻ con chạy biến đi, để nó ở lại. Thằng bé lẩm nhẩm từ 1 đến 10 rồi cầm cái trống con con có quai lắc đặt bên cạnh, lắc lên nghe Tung tung rồi bắt đầu chạy đi tìm lũ bạn của mình. Chúng nó kết hợp chơi Trốn tìm thì phải.
Thấy tôi cứ ngoái lại nhìn lũ trẻ con mãi, Hiếu mới lên tiếng: "Thôi để ý làm gì. Bọn trẻ con chơi trò chơi ấy mà. Ít ra còn lành mạnh hơn bọn trẻ trên thành phố tối ngày cắm mắt vào tivi, điện thoại."
"Cậu..cậu không thấy lạ à?" Tôi hỏi
"Lạ gì? Hồi bé tớ cũng chơi mà...Hồi bé đông trẻ con lắm, phải mười mấy đứa chơi với nhau ấy, chẳng oẳn tù tì nổi đâu, toàn phải đọc Nu na nu nống để mà phân chia ấy..."
Tôi im lặng chẳng nói gì nữa. Một người lớn lên ở trong làng thì làm sao nhận ra được sự khác biệt ấy. Có lẽ bài hát đó bọn trẻ con được nghe ở đâu đó rồi truyền tai nhau.
Về tới nhà, tôi cảm ơn và chào tạm biệt Hiếu. Cậu bạn nhảy phắt lên chiếc xe đạp rồi đạp đi xiêu vẹo trên con đường làng mấp mô. Tôi cứ nhìn chăm chăm vào những chất nhầy vàng quánh trên nền đất. Mối liên tưởng làm tôi rùng mình.
Tối hôm ấy, tôi ngồi ở bàn học làm bài tập về nhà. Mẹ tôi kèm con em tôi học ở phòng bên kia. Nó lười học lắm nên bị mẹ tôi mắng suốt. Tối ngày chỉ vẽ, vẽ.
Học xong, nó chạy về phòng của tôi rồi lại lôi giấy, màu ra vẽ tiếp. Tôi cứ ngồi quay lưng làm bài miệt mài, nó ngồi vẽ phía sau, tôi cũng chẳng để ý.
Bất chợt giọng nó cất lên ngân nga:
"Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở hội thi đua..."
Tôi quay phắt ra đằng sau quát: "Nhi, em hát cái quái gì đấy?"
Nó lại chui vào trong rèm cửa sổ, cười khinh khích. Nó chẳng thèm đáp lại lời tôi, lại cất giọng:
"Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không vào mỡ người..."
Tôi gầm lên: "Ngồi im vẽ đi, mày hát cái gì mà phát kinh lên được, chỉ học cái xấu là nhanh."
"Bọn nó hay chơi thế mà..."
Nó vẫn ôm chặt tấm rèm cửa mà cười khúc khích. Từ bé đến giờ, dù bị mắng hay quát, buồn hay vui, một là nó sẽ im lặng không nói gì, hai là nó sẽ cười lên như thế, và trốn sau rèm. Thói quen đó của nó, chẳng ai sửa được. Chẳng hiểu sao nó nghĩ rằng ở sau rèm sẽ trốn được mọi người chứ không phải là tủ quần áo, hay gầm giường như những đứa trẻ khác. Nó vẫn cứ hát đi hát lại bài hát đó như để chọc tiết tôi. Tôi bèn đứng dậy tính vơ đống giấy, bút màu của nó, mang sang phòng bố mẹ tôi để đuổi nó ra khỏi đây thì tôi nhìn thấy bức tranh.
Nó vẽ một bé gái đang nắm tay một bé gái khác. Và bé gái đó nó tô màu đen sì. Chắc là bạn thân mới của nó ở lớp, hoặc ở trong làng. Nhưng mà dạo này bố mẹ tôi đâu có cho nó đi chơi mấy?
Đêm xuống, tôi nằm ngủ im ở trên chiếc đệm, cạnh con Nhi. Từ hôm tôi và Nhi sang ngủ cùng bố mẹ thì tôi không còn thấy điều gì sợ hãi nữa. Có bố mẹ ở ngay bên cạnh khiến tôi cảm thấy an tâm hơn nhiều.
Đêm ấy tôi lại nằm mơ thấy ác mộng. Tôi lại vẫn lạc trong đám sương mù của Cõi u mê ấy, đang loay hoay không biết đường ra, không tìm thấy ánh đèn lồng đỏ. "Chắc bố mẹ quên thay bùa rồi..." tôi sợ đến phát khóc.
Bất chợt một cô bé hiện ra trong sương mù, nắm lấy tay tôi dẫn đi. Tôi bị kéo theo lực dẫn của cô bé ấy mà không thể cưỡng lại được. Chạy một lúc thì tôi phát hiện sương mù đang tan ra và tôi đang ở đầu làng.
Cô bé đứng quay lưng lại phía tôi, tôi không thể nhìn thấy mặt
"Cậu quên hết rồi à? Cậu quên hết rồi à?" Cô bé hỏi tôi một câu hỏi lặp đi lặp lại.
"Em là ai?" Tôi lắp bắp
"Cậu quên rồi. Cậu quên rồi. Đi đi, đi đi Hoài ơi, đi đi..." Cô bé chỉ tay ra con đường phía trước, con đường dẫn ra khỏi làng.
"Đi đi..nhé..." Bóng cô bé đang mờ dần.
"Này, từ từ đã...em là ai??" tôi gọi với theo.
"Cạnh chiếc giếng cổ..." Đó là câu nói cuối cùng tôi nghe được trong giấc mơ. Tôi mở mắt choàng tỉnh. Giấc mơ không quá đáng sợ. Điều đánh thức tôi dậy lại là một điều khác.
Tôi nghe thấy rõ ràng trong màn đêm. Đó là tiếng trống của thằng bé hồi trưa nay. Tiếng trống vọng ra từ bên ngoài nhà tôi, vang lên trong màn đêm tĩnh mịch
Tung...tung..tung
Tiếng trống vang lên đều đều và rõ rệt, rất gần, nghe như ngay ở dưới nhà tôi vậy. Tôi không thể biết được tiếng trống ấy đến từ đâu. Điều mà tôi chắc chắn đó là tiếng trống đó không phải là của trẻ em trong làng. Giờ này, không một đứa nào được phép ra ngoài chơi, nhất là chơi Trốn tìm.
Tôi sợ đến lạnh toát cả người. Tôi nhắm chặt mặt, kéo chăn kín lên đầu. Tôi cố ngủ cho qua đêm dài trong khi tiếng trống vẫn vang vọng ở bên ngoài kia. Thật kinh khủng.
Trưa hôm sau, đi học về, tôi đang ngồi ăn cơm thì nghe thấy một tiếng thét dài. Có vẻ như ở làng này, mấy tiếng thét như thế chẳng có gì là lạ. Tôi nghe đến giờ là lần thứ 2 rồi. Tiếng ồn ã vang lên khắp con đường làng
"Trả lại con cho tao...trả đây...." Tiếng một người phụ nữ nào đó gào lên.
Bây giờ mới là đã là quá trưa. Tôi nhăn nhăn nhó nhó, có khi lại mất giấc ngủ trưa.
Bao người bước ra từ trong nhà. Tôi nhanh nhanh chóng chóng đánh nốt bát cơm rồi ngó đầu ra ngoài đường. Con đường dẫn đến nhà tôi vắng lặng. Tiếng xì xào ồn ã phát ra ở xa xa. Tôi khoác áo khoác chạy ra đó.
Đi qua mấy chỗ rẽ quanh, tôi thấy mọi người bu đặc ở cửa một ngôi nhà 3 tầng. Tôi lại gần, chẳng nhìn thấy gì qua đám người đứng lố nhố. Tôi hỏi một bác đang đứng cạnh đấy: "Bác ơi, có chuyện gì thế ạ...?"
Tôi mới chỉ kịp nghe loáng thoáng: "Đấy...cũng chưa biết có qua được 6 tuổi không mà..."
"Đấy..bị bắt đi rồi..."
"Lời nguyền có bao giờ là sai đâu nào..."
Thì một bàn tay đã nắm tay tôi kéo ra xa.
Tôi bàng hoàng nhận ra Hiếu. Dạo này tôi gặp cậu ta hơi nhiều.
"Đi về nhà đi, ra đây hóng hớt làm gì?"
"Ơ hay, kệ tớ, mà có chuyện gì nữa thế?"
Hiếu đáp: "à, đêm qua thằng cu Tí con bác Điền Hóa bị trúng gió mất rồi. Khổ thân. Thôi đi về đi!"
Tôi nghe thế cũng không biết nói gì thêm. Đầu tôi cứ lởn vởn tiếng hét của bà mẹ thằng bé.
Tôi hỏi Hiếu: "Ơ thế cậu ra đây làm gì?"
Hiếu đáp: "Có người nhờ chứ sao.Thôi về đi, về về!" Hiếu khoát tay đuổi tôi về. Tôi nghe thấy thế cũng đi về nhà. Càng tốt, đỡ bận thân.
Tuần sau là sinh nhật tôi rồi, tôi mong ngóng lắm. Tôi ước rằng sinh nhật mình cũng vui được như sinh nhật thằng Thành. Dạo này tôi vẫn đi về với Hiếu thường xuyên. Chúng tôi vẫn chẳng nói chuyện mấy. Lúc nào Hiếu cũng đi trước tôi, ngó ngó nghiêng nghiêng. Tôi cũng đã nói với bọn bạn về sinh nhật của tôi. Chúng nó hào hứng lắm bảo hôm đấy tan học sẽ khao tôi đi ăn uống, có đứa còn bảo sẽ tặng quà cho tôi nữa. Tôi sinh vào tháng 12, cái tháng lạnh nhất. Tuần sinh nhật tôi cũng là tuần thi học kì, ở trong lớp không khí im ắng hẳn, chắc đứa nào cũng lo ôn tập.
Ngày sinh nhật tôi, trái ngược với mong đợi, dường như chúng nó chỉ nhớ tới môn thi hôm ấy chứ không còn chút khái niệm nào về sinh nhật tôi.
Cả buổi học, mặt tôi buồn thiu. Tôi vẫn cứ mong chờ đến cuối buổi học sẽ có gì đó bất ngờ dành cho tôi...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.