Ngôi Làng Cổ Mộ

Chương 15: Tấm lòng người cha




Sáng hôm sau, người dân phát hiện gia đình ba người của nhà Hoài đã đi khỏi làng từ tối qua thì giận dữ lắm. Họ cho rằng đó là hành động ích kỷ, vô trách nhiệm. Dân làng vây đầy xung quanh ngôi nhà của ông Huân để hỏi cho tung tích của ba người, nhất là bé Hoài.
Ông Huân chỉ ngồi trầm lặng trên tầng thượng, uống ấm trà nóng, để mặc đám đông lố nhố ở phía dưới, đập cửa đòi gặp. Một lúc sau, cánh cửa sắt xịch mở ra, mọi người ồ lên. Người bước ra không phải ông Huân như mọi người mong đợi. Ông trưởng làng đứng giữa kêu lên: "Ông Huân đâu?". Mọi người cũng la ó lên: "Ông ta đâu...?"
Người đàn ông ngoài 30 điềm đạm bước ra, cất tiếng: "Mọi người cứ bình tĩnh. Mọi sự không đơn giản như thế.."
"Cậu là ai? Nói nhăng nói cuội gì thế? Ông Huân đâu??"
"Tôi là Vĩnh. Ngôi làng này, âm khí quá nặng, nghiệp chướng ngút trời, là do ai? Các người nuôi ong tay áo mà không biết!" Lời thầy Vĩnh đanh thép cất lên khiến mọi người dao động.
"Ai..ai cơ..?"
Vĩnh chẳng ngại ngần chỉ thẳng về phía ông trưởng làng. "Chính là ông ta! Mọi người hỏi ông ta, xem ông ta đã làm ra việc gì hay ho rồi?"
Mọi người quay ra ông ta dò hỏi. Ông trưởng làng im bặt, mặt đỏ gay lên: "Này, đừng có vu khống!"
"Tôi hỏi ông, đất làng này, ai cấp? Trước đây, nơi đây là đâu? Tại sao tự dưng lại có nhà ở cho dân? Ông thông đồng với chủ tịch tỉnh, phá đất xây nhà kiếm lời! Xin thưa mọi người, vùng đất này, trước kia là nơi an nghỉ của hàng ngàn sinh linh, trong đó có cả các sư thầy! Thế mà người này, nghe lời mua chuộc dụ dỗ, phá hầm mộ, bia mộ, xây đè nhà lên, còn lấy tiểu của người chết làm gạch, xúc phạm tới đấng bề trên, gây oán khí xung thiên, không thể tha thứ!"
Mọi người câm lặng trước sự thật.
"Ông Khương, ông Khương, cậu này nói thế là sao? Chằng phải ông nói với chúng tôi, các thi hài đã được dời đi chỗ khác, cúng lễ đầy đủ rồi cơ mà???"
"Bảo sao..bảo sao..sương mù, rồi ma quỷ..." Có người run run nói.
Ông trưởng làng vẫn im lặng.
"Các người, đang sống trên vùng đất toàn những bộ xương, đang dẫm lên chốn an nghỉ của nhiều người! Không tin ư? Chất màu vàng quánh kia, lão ta nói gì với mọi người?"
Đám đông bắt đầu xì xào xì xào. "Ông ta bảo đó là địa hình đất như vậy..."
"Hahaa. Không hề! Đó chính là mỡ người! Họ đang nổi giận đấy! Họ sẽ không ngừng ngoi lên để đòi lại công bằng đâu! Các người sẽ phải trả giá cho những hành động này. Cách duy nhất bây giờ, là trả lại chốn yên nghỉ cho họ! Nếu không, họ sẽ mãi mãi ở lại đây đòi mạng! Ngôi làng này, chẳng khác nào một nấm mồ! "
Mọi người vây chặt xung quanh ông Khương trưởng làng đòi giải thích, ông ta tìm mọi cách để chống chế. Có người cầu khẩn thầy Vĩnh hãy cứu lấy dân làng, họ chỉ là nạn nhân, nghèo khó không có tiền phải về đây ở hoặc thuộc diện đền bù...
Thầy Vĩnh lắc đầu
"Đó là cách duy nhất tôi có thể làm cho mọi người, nhưng tôi lại không có đủ quyền hạn. Tôi rất xin lỗi, mong mọi người về cho. Bé Hoài không có tội, xin mọi người hãy tỉnh táo, đừng đòi làm hại người vô tội! Cô bé đi rồi, hãy để nó sống yên!" Nói rồi thầy Vĩnh rút vào trong nhà, đóng cửa lại.
Ông Khương đã bỏ trốn đi ngay trong đêm đó. Ông Lãng, lúc đó mới 40 tuổi, được người dân tin tưởng giao cho chức vụ mới. Họ như những con người bị mắc kẹt lại nơi đây, không chốn đi về, không một vị cán bộ nào đứng ra giải quyết vụ việc quá lớn này, tất cả đã bị bưng bít. Năm tháng trôi đi, người dân làng Thổ Hà đành phải sống chung với lũ. Người dân các làng bên hay đùa cợt rồi gọi lái cái tên đó đi thành làng Hạ Thổ (chôn xuống) vì họ thừa biết trước đó, vùng đất ấy là nghĩa địa.
[...]
Tôi chạy ra khỏi trảng cỏ, nước mắt vẫn ròng ròng. Hiếu chạy theo sau mà không hiểu chuyện gì xảy ra.
"Tớ phải về đây..." Nói nhỏ rồi tôi chạy đi, bỏ Hiếu đứng tần ngần đằng sau. Tôi chạy qua ngôi nhà cũ của mình, thấy cửa đóng im lìm, tôi lại nhớ tới bố. Không biết dạo này ông sống như thế nào. Tôi rất muốn gặp bố nhưng giờ này ông chưa đi làm về, có khi lại ngủ qua đêm ở cơ quan...
Hôm qua, mẹ tôi đã tìm được một phòng trọ nhỏ cho 3 mẹ con. Hôm nay 3 mẹ con dự định dọn đồ ra khỏi nhà nghỉ cũ. Ở qua đêm quá tốn kém. Tôi đi đi lại lại trong căn phòng nghỉ vô cùng sốt ruột. Phải đợi mẹ về tôi mới có được câu trả lời.
Cánh cửa phòng bật mở, mẹ tôi đi vào cùng con Nhi đang nói đến cái gì đó. Tôi hớt hải chạy ra tìm mẹ. "Mẹ! Thương đâu? Bây giờ Thương đâu rồi?"
Mặt mẹ tôi đông cứng trong chốc lát. Dường như thông tin tôi nói ra quá bất ngờ với bà. "Thương..Thương nào...?" Mẹ tôi lắp bắp.
"Thương bạn con, chúng con chơi với nhau cách đây 10 năm ấy..."
Mắt mẹ tôi thoáng chút hoảng hốt: "Sao...sao con biết...?"
"Mẹ..đừng giấu con nữa..Con nhớ lại hết rồi...Thế Thương đâu?"
"Sao con lại nhớ ra được...? Mẹ.. mẹ" Trông mẹ tôi quýnh lên như thể bà đang không biết nên làm thế nào.
"MẸ! ' Tôi lay mạnh tay bà giục giã.
Mẹ tôi thở hắt ra một cái quay sang bảo Nhi: "Con ra làm bài tập nhé" đoạn bà kéo tôi ra hành lang.
"Thương...từ ngày đưa con đi...mẹ cũng không rõ lắm..Nhưng có lần bà hàng xóm cũ lên Hà Nội chơi, có nói là, sau ngày con đi thì Thương mất rồi...Hình như là chính ngày con đi ấy..."
Tôi sốc, phải ôm lấy ngực để ngăn cơn thổn thức đang trào lên. Sao lại ra nông nỗi này? Tôi mong muốn nghe được một thông tin nào đó khởi sắc hơn về người bạn của tôi. Tôi nhiều phần mong ước có thể gặp lại Thương, trong bộ dạng một cô gái vị thành niên....
"Mẹ, tại sao con lại quên? Tại sao con không còn nhớ gì về nơi đấy? Rõ ràng hồi bé con ở đấy cơ mà..."
Mẹ tôi biết không giấu được thêm nữa, bèn chậm rãi kể lại chuyện năm đó cho tôi. Như vậy là, tôi là vật thế mạng cho cả làng...Và giờ tôi đã 16 tuổi. Hóa ra...Thương cố báo mộng cho tôi về điều này..Muốn tôi tránh xa ngôi làng kỳ quái đó ra.
"Mẹ..mẹ không tin đâu con gái ạ...Con chỉ cần ở xa nơi đó, là con sẽ không sao hết..." Mẹ tôi an ủi rồi quàng tay qua người tôi vỗ về...
Ngôi làng đó của tôi...nằm trên hàng ngàn bộ xương người. Qua thời gian, những bộ xương ấy cứ đùn nhau dâng lên, làm nứt nẻ hết con đường làng và tầng 1 của các ngôi nhà. Mọi người quá kinh sợ nên không ai dám ở dưới tầng 1. Lớp mỡ người không biết ở đâu ra vẫn cứ dâng lên như thế, như một lời oán giận khôn nguôi...Ngọn núi phía sau sừng sững như vậy, giống như một bia mộ trên một nấm mồ chính là cả ngôi làng tôi...Ngày ấy, gia cảnh còn khó khăn, mẹ tôi lấy bố phải về đó sinh sống...Còn nội tôi, sau khi tôi ra đi ngày ấy không được gặp lại ông lần nào...
Cả ngày hôm sau đi học tôi cứ thần người ra, không còn để ý đến thứ gì xung quanh. Bạn hỏi mấy câu mới ngơ ngác nhìn lên. Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều sự kiện trong đời vì lá bùa Lãng quên năm đó.
Khi tôi đang lò dò bước ra khỏi cổng trường tìm đến bến xe buýt thì tôi nhận ra một bóng hình quen thuộc.
"Bố!" Tôi vui mừng sáng rỡ hẳn lên
Bố tôi mỉm cười từ phía đằng xa, tay vẫy vẫy.
"Sao hôm nay bố lại qua đây? Bố không phải đi làm à??"
Bố tôi đáp: "Nhớ các con thôi. Bố nhắn tin cho mẹ không được. Thấy cũng lâu không được đưa con gái đi học. Bố về cùng con nhé?"
Tôi gật đầu vui mừng; "Vâng ạ! Bố để xe ở đâu thế?"
"À..bố bắt taxi lên đây. Giờ hai bố con mình đi xe buýt nhé?"
Thế là hai bố con tôi cùng lên chiếc xe buýt hàng ngày tôi vẫn đi, Dọc chuyến đi, tôi cứ líu lô kể cho bố nghe những chuyện gần đây tôi gặp phải. Tôi còn quở ông vì đã giấu chuyện tôi suốt bao năm qua.
Ông đáp: "Con cũng phải hiểu tấm lòng bố mẹ chứ. Bố mẹ chỉ muốn con và em Nhi có cuộc sống bình thường như bao người." Chẳng hiểu sao hôm nay bố tôi lại có vẻ hiền từ hơn mọi ngày.
Gần đến bến, tôi bấm chuông xin xuống rồi đứng ra cửa. Tất cả mọi người trên xe cứ nhìn nhìn tôi và bố. Tôi chẳng hiểu họ bị làm sao. Hay quần áo tôi bị rách? Tôi kiểm tra lại quần áo cặp sách nhưng không có gì bất thường. Bố tôi trông cũng hoàn toàn bình thường.
Xuống xe, bố tôi bảo: "Lâu rồi bố con mình chưa đi ăn với nhau. Hay mình đi ăn cái gì nhẹ nhẹ thôi được không? Con đói không?"
Tôi hớn hở gật đầu. Bố con tôi rẽ vào một hàng phở. Tôi gọi 2 bát với 2 cốc trà đá. Bố tôi khua tay: "Không cần đâu con. Bố không đói, bố uống trà đá được rồi..."
Tôi gật đầu rồi đợi bát phở dọn ra, tôi húp sùn sụt, ăn với quẩy, ngon vô cùng. Lâu rồi tôi mới được ăn bữa ngon thế này.
"Hoài à.." Bố tôi nhìn tôi ăn rồi nói: "Sau này, con phải cố gắng học tập thật tốt, nghe chưa? Chỉ có học mới giúp nhà mình khá lên được. Bố rất xin lỗi vì đã gây ra những biến cố cho con và em..."
Tôi vẫn cúi mặt ăn, đáp trong tiếng lúng búng: "Vâng...con nhớ rồi...Bọn con không sao mà"
"Bố lo cho Nhi lắm. Nó mải chơi, mà lại thiếu tập trung. Con nhớ bảo vệ và giúp đỡ em nhiều nhé! Hai đứa cũng phải giữ sức khỏe thật tốt. Em có gì không hiểu em nhớ bảo ban em."
Tôi đáp: "Về sau, nhà mình sẽ lại về bên nhau, bố muốn dạy nó như thế nào thì dạy, chứ con chịu.." Tôi đáp và nhìn bố.
"Mẹ con...dạo này thế nào?"
Tôi hơi ngập ngừng. Đêm nào mẹ tôi cũng khóc, nhưng liệu tôi có nên nói cho ông biết?
"Ừm...Mẹ vẫn buồn...à vẫn hơi buồn bố ạ. Mới cả mẹ hay ho..."
Đôi mắt bố tôi đượm buồn.
"Ừ...Mẹ con sức khỏe không được tốt, hay cảm xoàng...Con nhớ để ý đến mẹ giùm bố nhé! Được không?"
"Vâng vâng...bố ăn đi..bố nói nhiều thế. Con biết mà.." Tôi cười cười.
"Bảo mẹ là bố rất xin lỗi và rất biết ơn mẹ con..."
"Vâng, con sẽ nói. Mẹ sẽ nguôi giận nhanh thôi. Rồi nhà mình sẽ tìm chỗ khác sống? Được không bố?"
Bố tôi chỉ cười buồn không nói gì, đoạn ông bảo: "Con ăn đi, bố vào nhà vệ sinh một chút nhé!"
Tôi gật đầu, vẫn cắm cúi ăn cho xong bát phở.
Ăn xong, tôi đợi bố tôi ra. Tôi định dẫn ông về gặp mẹ. Điều tôi mong muốn nhất giờ này là gia đình chúng tôi lại đoàn tụ, cùng vượt qua tất cả. Giờ tôi đã biết rõ hơn về ngôi làng, có thể sẽ đối phó được với những thứ không hay ho...Giờ là 1h trưa.
1h30...
Bố tôi làm gì trong đó mà lâu thế nhỉ? Tôi hơi sốt ruột. Nhỡ ông bị sao?
2h...Tôi đứng dậy khỏi bàn, chạy về phía phòng vệ sinh nam, đứng ngoài mà gọi với vào: "Bố! Bố Hải! Bố có sao không thế?
Không có tiếng ai trả lời. Hay bố tôi đi đâu tôi không để ý? Nhưng sao ông phải đi như thế? Ít ra cũng nói với tôi một câu chứ. Tôi cũng để ý, hình như bố tôi chưa đi ra thật mà. Nếu ra tôi đã nhìn thấy.
Sốt ruột quá tôi chạy ra gọi người phục vụ: "Anh ơi..anh kiểm tra hộ em xem..trong nhà vệ sinh có bố em trong đó không với? Ông ấy vào đây lâu rồi mà chưa thấy ra..."
Nghe thế người phục vụ nam cũng vội vàng vào buồng trong đó xem. Sau đó anh ta quay ra: "Không có ai chị à!"
Tôi vô cùng bất ngờ: "Sao lại không có ai? Bố em vào trong đó mà? Người đàn ông cao tầm này, mặc áo khoác màu nâu, quần đen, đi vào cùng em ấy? Hay nhà vệ sinh quán các anh có lối khác để đi ra?"
Người phục vụ đáp: "Không...chị ạ. Nhà vệ sinh bọn em có mỗi cái lỗ thông gió nhỏ xíu mà đi kiểu gì được. Mà...mà...chị đi một mình mà?"
Nghe thấy câu nói đó của người phục vụ, người tôi như đông cứng lại. Tôi chạy ra phía chiếc bàn tôi ngồi. Chiếc ghế phía đối diện tôi chưa hề được kéo hẳn ra ngoài. Cốc trà đà trên bàn vẫn còn nguyên.
Chuyện quái gì xảy ra thế này? Tay tôi run run đưa tiền trong ví cho người phục vụ rồi chạy vụt đi. Bố đâu? Bố ơi? Tôi tìm quanh quán nhưng không thấy bóng dáng bố tôi đâu.
Hay bố tôi bỏ đi đâu rồi? Ông có về nhà không? Linh cảm không lành, tôi vội ra bến xe buýt bắt xe về làng.
Tới 3h chiều tôi mới tới nơi. Tôi phải rời khỏi đây trước 5h30. Tôi chạy như bay vào làng. Biết được cảnh tượng dưới chân mình là gì khiến tôi không khỏi ghê người. Thế mà người ta cũng sống ở đây được bấy nhiêu năm...
Đến cửa nhà tôi, tôi thấy cửa khóa trong. Tôi đập cửa gọi; "Bố ơi..mở cửa cho con!"
Nhớ ra lời của mẹ dặn, tôi gõ cửa 3 cái như thói quen rồi vội tìm chìa khóa trong cặp. Chết rồi, tôi không mang chìa khóa, làm thế nào bây giờ?
Bất chợt chiếc khóa kêu tách một cái rồi bật ra nhẹ nhàng. Tôi sững người. Ghê quá...Sao nó lại tự mở được nhỉ? Trong thâm tâm có tiếng nói gào thét nói tôi mau chạy khỏi đây. Nhưng tôi cần biết bố mình đã đi đâu. Sao tự nhiên ông lại bỏ tôi lại ở quán phở?
Tôi lấy hết dũng cảm lách cánh cửa chui vào bên trong. Tầng 1 vẫn âm u và tối tăm như thế. Tôi vừa đi vào vừa gọi vống lên: "Bố ơi...bố có ở đây không???". Không có tiếng trả lời. Tôi rón rén đi lên tầng 2. Cả hai phòng đều không có ai. Đồ đạc của bố vẫn còn nguyên đây, cái gạt tàn, quần áo...
Tôi dậm bước lên tầng 3, tầng cao nhất. Càng lên cao, xộc vào mũi tôi là một mùi ngai ngái khó chịu. Khiếp, bố tôi làm cái gì mà để nhà cửa bốc mùi thế này?
Tôi đi ra phía sân ngoài, nơi kê bàn ăn của cả nhà tôi. Dưới sàn nhà là lăn lóc những vỏ chai bia, chai rượu đã uống cạn. Chắc bố tôi lại chìm trong men rượu những ngày qua...
Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy bố tôi. Ông đang nằm ngủ trên bàn, vẫn bộ quần áo lúc nãy ông gặp tôi. "Sao bố lại đi về lúc nào con không thấy thế?"
Khi tôi lại gần, tôi nhìn thấy những viên thuốc lăn lóc đầy bàn. Tôi hoảng hốt lay bố tôi: "Bố ơi!..." Thì chợt nhận thấy người ông cứng đơ và lạnh ngắt
Tôi gào lên: "BỐ ƠI!!!" Nước mắt tôi trào ra trong cơn nghẹn ngào quặn thắt lồng ngực. Trước cánh tay của bố tôi là một bức thư, một bọc giấy báo và một xấp giấy ngả vàng.
Tay tôi run bần bật cầm lá thư lên. Nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Lá thư đề ngày 28/12, tức là đã 2 ngày trước.
Lá thư tuyệt mệnh của bố tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.