Nam Quốc Sơn Hà

Chương 3: Tiềm long hàn vi




Minh-Ðệ mê mê tỉnh tỉnh, trong cơn sảng đó, phản ứng tự vệ của cơ thể khiến nàng nàng thở hít theo thức Quan-Âm dạy để chống lại đau đớn. Chỉ lát sau sức lực sinh ra, nàng bám bờ leo lên khỏi chuồng hôi. Người đầy phân, nàng lội xuống ao tắm trong đêm khuya. Biết rằng về nhà sẽ bị đánh đòn nữa, nàng nghĩ:
– Mình đã đến thế này thì thôi đành chịu thua nghiệp quả, nếu như mình về nhà bây giờ không chừng bị đánh chết cũng nên. Nhưng biết đi đâu đây?
Chợt một tia sáng lòe lên trong đầu:
– Hay ta sang chùa Từ-quang xã Dương-xá xin sư cụ trị bệnh cho, bệnh khỏi rồi, ta sẽ trở về nhà sau vậy.
Nàng thất thểu đi trong đêm khuya, trong khi cơn sốt hành hạ. Biết rằng bây giờ, cổng làng đã đóng, nàng chui theo lỗ chó, vượt qua lũy tre rào ra ngoài. Sau khi đi được một quãng, người vừa sốt, vừa mệt, nàng vấp chân phải mô đất, ngã lộn đi hai vòng, nằm lăn ra, không bò dậy được nữa. Tuy đau đớn, mệt mỏi cùng cực, nhưng đầu óc nàng vẫn tĩnh táo, nàng vẫn thở hít, để có sức lực.
Cứ như vậy không biết bao nhiêu lâu, khi thì nàng nhập tĩnh, khi thì nàng tụng kinh Bát-nhã. Nàng nghĩ thầm:
– Quan-Âm phán rằng khi nào ta hợp được cả thở hít, nhập tĩnh mà trong tâm niệm kinh Bát-nhã thì nghiệp chướng mới hết. Nhưng đã hơn năm qua, ta cố gắng làm hoài mà nào có đạt được. Bây giờ ta vừa thở hít, vừa tụng kinh Bát-nhã cho tăng sức khoẻ vậy.
Thế rồi nàng tiếp tục, nhưng cơn sốt làm cho đầu óc nàng mê loạn đi, trong khi tâm thức vẫn thở, vẫn hít, vẫn nhẩm đọc kinh Bát-nhã. Thực là chủ ý trồng hoa hoa chẳng mọc, vô tình tiếp liễu, liễu xanh tươi, trong cơn mê nàng đã làm được cái công việc mà Quan-Âm dạy. Nhưng chợt nàng thấy phía sau cần cổ cứng đơ, rồi hai đầu gối không động đậy được nữa, người nàng nóng bỏng như hòn than. Kinh hãi, nàng nghĩ thầm:
– Giá như có ai đập vào cổ mình một cái thì hay biết mấy?
Người càng cứng đơ, nàng càng như mê loạn, tức nhập tĩnh, trong khi mũi vẫn thở hít, trong tâm nhẩm đọc kinh Bát-nhã, rồi nàng ngất đi, nhưng tiềm thức vẫn làm việc.
Ðâu đó tiếng chuông chùa ban mai vọng lại, các cổng làng mở ra, người người đi chợ, ra đồng làm việc. Một cỗ xe ngựa từ xa đi tới. Thình lình thằng bé đánh xe thấy phía trước có cô gái nằm ngang đường. Nó vội giật cương cho ngựa dừng lại. Con ngựa bị kéo cương gấp, nó cất cao vó trước hí lên inh ỏi. Một người ngồi trong xe ngó đầu ra hỏi:
– Cái gì vậy Ðoan?
Ðứa bé đánh xe đáp:
– Thưa thầy có người đàn bà nằm chết trên đường.
Người trong xe vội vàng nhảy xuống, ông sờ tay lên trán Minh-Ðệ thấy còn nóng. Ông bắt mạch, thấy mạch còn nhảy. Nhưng người Minh-Ðệ tiết ra mùi phẩn hôi thối cùng cực. Ông gọi phu xe:
– Ðoan, xuống đây giúp thầy mau, người này đang bị sốt, chưa chết.
Vừa lúc đó, một nông dân già dắt trâu đi tới. Anh ta hỏi:
– Ủa kìa thầy lang Hòa, kìa cháu Ðoan có chuyện gì vậy?
Ðoan đáp:
– Thầy trò tôi đi thăm bệnh ở làng Thổ-lội vừa về tới đây thì thấy người này nằm chết ngang đường.
Ông Hòa xua tay:
– Người ta mới bị bệnh chứ chưa chết. Không biết nhà cửa đâu, mà lại ra nằm ở ngoài đường, ngoài chợ thế này. Mau gọi làng đưa về nhà, để tôi trị cho.
Người nông dân chỉ ngôi chùa:
– Kìa là chùa Từ-quang, tôi xin giúp thầy đưa người này vào đó tạm trú đã.
Lão nông dân, cùng với thằng Ðoan khiêng Minh-Ðệ để lên xe, rồi ra roi cho ngựa chạy đến cổng chùa. Tới cổng, lão giật chuông inh ỏi. Một đứa bé đầu trọc lóc, nhưng mặc y phục thường, không phải người đi tu, chạy ra cung tay:
– A-Di-Ðà Phật, chư khách có chuyện chi mà lên chùa sớm thế này? Ô kìa thầy lang Hòa. Ờ, cả Ðoan nữa.
Thầy lang Hòa đáp:
– Có người đàn bà nằm mê man trên đường, chúng tôi vực vào đây để nhờ bóng Phật cứu chữa cho bà ta.
Ðứa bé đánh xe hỏi đứa trẻ ở chùa:
– Nghi ơi! Thằng Ninh đen, thằng Quang con ghế đâu?
Hai đứa trẻ khác từ trong sân chạy ra. Một đứa mặt đen thui nói:
– Ninh Mai hắc đế là tao đây.
Nó chỉ vào thằng bé da trắng:
– Thằng Quang con gái, hồi này hết con gái rồi. Bọn tao nghe nói sáng nay mày theo thầy Hòa đi chữa bệnh, nên nghỉ học. Sao mày lại dẫn thầy vào đây?
Vừa nói thằng Ninh đen vừa mở cổng chùa mở. Xe vào trong sân.
Thằng Ðoan chỉ Minh-Ðệ:
– Có người bị bệnh dọc đường, thầy lang bảo tao đánh xe đưa họ vào đây để trị bệnh. Bọn bay giúp tao một tay.
Trời tảng sáng.
Ba đứa trẻ Ðoan, Ninh, Quang cùng khiêng Minh-Ðệ đưa vào nhà sau, để lên chiếc dường tre. Thầy lang Hòa xem mạch, ông chưa giải đoán xong bệnh thì sư trưởng tới. Thầy vội chắp tay:
– A-Di-Ðà Phật, bạch sư cụ.
Sư cụ đã đứng tuổi, khoảng trên dưới năm mươi, chắp tay đáp lễ thầy lang rồi hỏi:
– Bệnh tình tiểu thí chủ này ra sao?
Ghi chú:
Thời trước, các vị tăng thường được giới bình dân gọi bằng danh xưng: chú tiểu, sư bác, sư ông, sư cụ tùy theo tuổi hoặc tùy theo thứ bậc tu hành. Khi Phật-tử xưng hô với các vị sư, thường gọi là thầy hay sư-phụ. Như nhà sư còn trẻ thì gọi là tiểu-sư-phụ, trung niên thì gọi là sư phụ, còn đạo cao, đức trọng hoặc cao niên thì gọi là đại-sư-phụ. Những người không phải là Phật tử thì gọi chung các vị tăng bằng danh tự hòa thượng. Vị tăng còn nhỏ tuổi thì gọi là tiểu-hoà-thượng, trung niên thì gọi là hòa-thượng. Còn khi những vị ấy cao niên, hoặc đạo cao đức trọng thì gọi là đại-hòa-thượng, lúc đối thoại thì gọi là đại-sư. Còn những danh xưng đại đức, thượng tọa chỉ mới đây thôi.
– Bạch thầy khó chẩn đoán vô cùng. Tạm thời con làm cho cô ấy tỉnh lại đã, rồi sẽ tính sau.
Thầy rút trong bọc ra cái hộp bằng bạc, mở hộp lấy kim châm vào huyệt Nhân-trung của Minh-Ðệ. Minh-Ðệ đang mơ mơ, tỉnh tỉnh, nàng rùng mình rồi mở mắt ra. Nhìn thấy sư ông cùng những người lạ, nàng lên tiếng hỏi:
– Thưa thầy, đây là đâu? Tại sao con lại ở đây?
Vị sư nói:
– Ðây là Từ-quang tự. Bần tăng pháp danh Viên-Chiếu. Không rõ nguyên do nào tiểu cô nương lại nằm giữa đường, may gặp y-sư Xuân-Hòa đi qua, mang vào đây để chữa trị.
Nhìn gương mặt từ ái, cùng lời nói ôn nhu của nhà sư, bất giác Minh-Ðệ òa lên khóc. Viên-Chiếu nhỏ nhẹ:
– Tiểu cô nương chẳng nên thương tâm làm chi. Trên thế gian này có biết bao nhiêu điều đứt ruột ra được, mà chúng sinh vẫn phải chịu. Những đau khổ của cô nương là do nghiệp quả muôn vàn kiếp trước để lại, chứ đâu phải mới đây?
Mấy bà làm công quả cho chùa đã đến từ bào giờ. Viên-Chiếu bảo một bà:
– Bà Ðinh mau vực cô đây ra ao tắm rửa sạch sẽ, rồi cho cô mượn bộ quần áo mặc tạm. Tắm xong đưa cô vào phòng dành cho khách, để y-sư khám bệnh.
Ghi chú:
VIÊN-CHIẾU Bồ-tát (999 – 1091)tục danh là Mai Trực, người đất Phúc-Dương, huyện Long-Ðàm, là cháu của Linh-Cảm thái hậu, tức anh em con cô con cậu với Nhật-Tông (dương kim Long-thụy Thái-bình hoàng đế tức vua Lý Thánh-Tông). Ngài thuộc thế hệ thứ bẩy dòng thiền Quán-bích. Ngoài ra ngài còn là một thi sĩ. Ðộc giả sẽ thấy trong những hồi sau, ngài có rất nhiều công lao trong việc đánh Tống, cùng hoằng dương chính pháp thời Lý.
Bà Ðinh vực Minh-Ðệ đi rồi, nhà sư hỏi thầy lang:
– Phải chăng tiên sinh là đệ tử của Vạn-thảo sơn trang? Bần tăng mắt kém không biết tiên sinh là cao đồ của vị nào trong Vạn-thảo tứ tiên?
Thầy lang cung tay:
– Bạch thầy con là đệ tử của đệ tam tiên.
Viên-Chiếu á một tiếng:
– Thì ra tiên sinh là đệ tử của Yên-vương vương phi đấy, hèn chi y đạo cao thực.
Nguyên Hồng-Sơn đại phu có nhiều đệ tử, nhưng chỉ bốn người nổi danh y-thuật, y-đạo. Người lớn nhất là Dương Bình, thầy của nhà vua, hiện giữ chức Thái-sư, lĩnh Tả kim-ngô đại tướng quân, tổng chỉ huy thập đạo Thiên-tử binh, quyền hành cao hơn tể tướng. Người thứ nhì là Hoàng Giang cư sĩ, hiện là chưởng môn phái Sài-sơn, uy đức trải khắp thiên hạ. Người thứ ba là Lê Thiếu-Mai, con gái của đại phu, trước đây là Vương phi của Yên-vương Triệu Thành nhà Tống. Từ khi Yên-vương hoăng, Vương phi đi khắp một giải Hoa-Nam, Ðại-Việt, Ðại-lý cùng chư đệ tử hành y-đạo cứu nhân độ thế. Người thứ tư cũng là con trai đại phu tên Lê Văn, hiện là phò-mã Xiêm-quốc, lĩnh U-bon vương, tổng lĩnh binh mã toàn quốc. Tuy bận rộn quân vụ, nhưng Vương cũng thiết lập một trường y khoa, đào tạo y sĩ, đệ tử của vương hiện diện khắp nơi. Vì cả bốn đều có địa vị cao quý, nhưng vẫn hành y-đạo, phơi phới nay đây, mai đó, cứu nhân độ thế, nên được người đương thời tặng cho mỹ tự là Vạn-thảo tứ tiên.
Ghi chú:
Về hành trạng, xuất thân của Hồng-Sơn đại phu, Lê Thiếu-Mai, Lê Văn xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, của Yên-tử cư-sĩ. Còn về việc Dương-Bình, Hoàng giang cư-sĩ oai trấn Hoa-Việt, xin đọc Anh-linh thần võ tộc Việt, cùng tác giả, cũng do Xuân-thu Hoa-kỳ ấn hành.
Bà Ðinh chạy ra cung tay:
– Thưa thầy cô ấy đã tắm xong, xin thầy ra tay tiên.
Thầy Xuân-Hòa chẩn mạch, xem xét qua cơ thể Minh-Ðệ, rồi trầm ngâm nói một mình:
– Cô này còn là một trinh nữ, tuổi khoảng mười sáu, do lao lực quá độ, khí huyết hư nhược nên trúng phong-hàn cảm mạo từ hơn năm ngày nay. Nhưng nhờ cô luyện nội công phái Mê-linh từ lâu, nội lực phi thường, nên không bị liệt giường. Ừ, bị cảm đã không thuốc thang, không nằm nghỉ thì chớ, lại còn lao lực ở chỗ ẩm thấp, vì vậy kinh khí bế tắc, nên nội công cao, chân khí mạnh mà không đẩy được hàn tà ra ngoài. Hôm qua bị ngã, toạc chân đổ máu. Ðã dùng thuốc dấu, nhọ nồi cầm lại rồi.
Thầy hỏi Minh-Ðệ:
– Tiếp theo, cô nương còn bị người ta dùng cầm nã thủ bẻ tay, dường như là một chiêu trong Tản-viên quyền pháp. Sau khi bẻ tay, người ta ném cô nương xuống đất, nên trán, vai, đầu xương hông bị bầm. Cuối cùng cô nương bị họ dùng hai chiêu cước của phái Tản-viên đá vào huyệt Hoàn-khiêu phải, và Chí-thất trái. Chiêu số khá mạnh. Có lẽ người đánh muốn giết cô đấy, vì với hai cái đá này nếu người thường thì e mất mạng rồi, nhưng cô nương có nội công cao thâm, nên chỉ ngất đi thôi. Ai đã đánh cô nương? Ðánh trong trường hợp nào? Tại sao cô nương cũng biết võ công mà không chống trả?
Minh-Ðệ thấy thầy lang chẩn sơ mà biết rõ ngọn nguồn, nên nàng không dấu diếm:
– Thưa thầy người đánh con là em ruột con. Con không biết võ, mà nó lại là học trò trường Trung-nghĩa, vì vậy con chỉ biết nghiến răng chịu đau thôi.
Tất cả mọi người đều kinh ngạc kêu lên tiếng ồ.
Thầy lang lắc đầu:
– Tôi phải gặp Trung-nghĩa đại tướng quân để lý luận với ông ta về việc này mới được. Mang danh là Trung là Nghĩa, mà để cho học trò đả thương người không biết võ thì còn dạy ai được? Hơn nữa em định giết chị. Hừ...
Thầy im lặng một lát rồi tiếp:
– Tiếp theo, người ta dùng trứng gà luộc đánh cảm cho cô nương, rồi cô nương lại bị người nào đó đánh bằng gậy cứng tất cả 68 lần vào lưng, vào vai, bốn lần vào cánh tay. Như vậy chứng tỏ cô nương bị đánh trong lúc ngồi, mà tuyệt cô nương không có ý chống cự. Người đánh này không biết võ, nên các vết thương chỗ sâu, chỗ nông.
– Dạ, thưa thầy đúng đấy ạ. Người đánh con chính là mẹ con. Mẹ con đánh con bằng đũa cả.
Nhà sư Viên-Chiếu bật lên tiếng niệm Phật:
– A-Di-Ðà Phật.
– Rồi không hiểu sao trong lúc cô nương đau đớn ngất đi, lại rơi xuống nhà cầu, đáng lẽ đến đây thì cô nương chết. Nhưng nhờ cô nương luyện nội công phái Mê-linh đến trình độ khá thâm hậu, nên lại tỉnh dậy, rồi đi trong đêm đến nỗi ngất đi. Dám hỏi, cô nương là đệ tử của cao nhân nào trong phái Mê-linh?
Minh-Ðệ ngơ ngác:
– Thưa thầy con chưa từng học võ, con cũng không có sư phụ, con cũng chưa biết phái Mê-linh là gì!
Thầy lang Xuân-Hòa tỏ vẻ không hài lòng:
– Tiểu cô nương, tôi đem tâm não trị bệnh cho cô nương, sao cô nương lại dấu tôi? Cô nương đã luyện nội công thượng thừa của phái Mê-linh từ mấy năm nay rồi, mà cô nương còn dấu tôi làm gì?
Minh-Ðệ chắp tay lạy:
– Thưa thầy quả con chưa hề tập võ, nếu con tập võ, thì đời nào con để cho đứa em nó đánh đập nhục nhã như vậy?
Nàng ngồi dậy chắp tay ngửa mặt nhìn ra tượng Quan-Thế-Âm ngoài sân:
– Nam-mô cứu khổ cứu nạn Quan-Thế-âm bồ tát, đệ tử xin thề trước ngài rằng đệ tử chưa từng tập võ, cũng không hề biết phái Mê-linh là gì. Nếu đệ tử nói dối, thì thân này sa mười tám tầng địa ngục đời đời, kiếp kiếp.
Thời bấy giờ Phật-giáo là quốc giáo, từ tăng ni cho tới Phật tử đều hết sức thuần thành, đạo đức. Bất cứ người ta bị nghi ngờ điều gì, thì chỉ cần tới bàn thờ Phật thề, là sự oan uổng được cởi bỏ. Thấy Minh-Ðệ tâm thành, thề độc như vậy, nhà sư Viên-Chiếu bước tới cầm mạch, rồi ông dùng nội công đẩy vào người nàng. Ông thấy trong người nàng có một luồng nội công âm nhu, pha lẫn thiền công, đúng là nội công Mê-linh, phản ứng lại cực mạnh. Ông dồn chân khí sang mạnh hơn, sức chống tự nhiên biến mất, mà lại hóa thành sức hút, khiến chân khí của ông ào ào tuôn ra. Kinh hãi ông vội thu liễm chân khí lại, rồi nhảy lùi ba bước. Ông biến sắc nhìn Minh-Ðệ, thấy nét mặt nàng ôn hòa, thành thực chứ không phải sảo trá. Như vậy nội công của nàng do đâu mà có?
Thầy lang Xuân-Hòa thở dài:
– Bạch thầy, đệ tử nói có đúng không?
– Vâng, thầy luận đúng.
Viên-Chiếu đáp: Nhưng bần tăng e trung gian có điều gì bí mật chăng. Tiểu cô nương đây là con Phật, ắt không dám thề dối đâu. Ta không nên kết tội cô vội.
Ông hỏi Minh-Ðệ:
– Thế từ trước đến giờ có ai giảng cho con về yếu quyết kinh Bát-nhã không?
– Bạch thầy có. Con là Phật-tử, nên ngày nào sáng, chiều, cùng những lúc gặp điều khổ ải, con đều niệm kinh Bát-nhã cả.
Viên-Chiếu, Xuân-Hòa nhìn nhau gật đầu.
– Thế có ai dạy con thở hít không?
– Thưa thầy có.
Thầy lang Xuân-Hòa gật đầu:
– Ai đã dạy cô nương, dạy trong trường hợp nào?
Minh-Ðệ cúi đầu thuật chi tiết việc nàng được dạy nhập tĩnh, thở hít, nhưng nàng không nói rõ là do Quan-Âm dạy, mà lướt qua:
– Người dạy con, bắt con phải phát thệ không được nói cho ai biết danh hiệu của người, nên con... con không dám khai.
Xuân-Hòa thở phào:
– Tôi nói cho cô nương biết, phúc trạch cô nương dồi dào còn hơn núi Tản-viên nữa. Cô nương đã được một vị có thân phận cao không biết bao nhiêu mà kể dạy khí-công thượng thừa cho cô nương, rồi lại giảng tâm pháp thiền công cho cô nương nữa, mà cô nương không biết đấy thôi.
Sự thực Xuân-Hòa muốn nói đến một người tại thế, trong khi Minh-Ðệ lại tưởng là ông nói đến ngài Quán-Thế-Âm, nàng gật đầu, tỏ ý hiểu:
– Dạ khi con thấy người xuất hiện, con đã biết người là ai và đảnh lễ rồi.
Thầy lang Hoà gật đầu:
– Bây giờ trước hết tôi trị cảm mạo cho cô nương bằng châm cứu, sau tôi tặng cô nương mấy lá cao để dán vào các vết thương.
Nói rồi thầy lấy kim châm vào huyệt Phong-trì, Phong-phủ, Phong-môn, Túc-tam-lý, Hiệp-cốc, Thận-du, sau đó quay kim. Một khắc sau mồ hôi trên người Minh-Ðệ xuất ra như tắm, bao nhiêu cái mệt mỏi, bao nhiêu cái nặng nề trên cơ thể biến mất. Thầy hỏi:
– Sao, cô nương thấy sao?
– Thưa thầy con chỉ còn thấy nhức trên trán một tẹo thôi ạ.
– Dễ mà.
Thầy lại dùng kim châm vào huyệt Dương-bạch, Toán-trúc, Hậu-khê, rồi quay kim, chưa đầy mười tiếng đập tim, thì cảm giác đau đơn, nhức trán của Minh-Ðệ hoàn toàn biến mất. Thầy móc trong bọc ra hai hộp cao:
– Tôi biếu tiểu cô nương hai hộp cao này. Hộp xanh, cô nương bôi vào mấy vết thương chảy máu. Khi nào những vết đó đóng vảy, thì cô nương dùng hộp mầu vàng xoa lên các vết bầm. Cứ như vậy khoảng nửa tháng thì khỏi hẳn, không lo gì nữa. Thôi tôi xin kiếu.
Minh-Ðệ chắp tay lễ ba lễ:
– Hiện trên người con không có một đồng, chả biết lấy gì tạ thầy.
Xuân-Hòa xua tay:
– Cô nương đừng ái ngại.
Minh-Ðệ cúi đầu:
– Ân đức này của thầy không bao giờ con quên.
Thầy lang bước khỏi phòng. Thằng bé đánh xe tên Ðoan nói với hai đứa trẻ tên Ninh, Quang:
– Chiều gặp lại.
– Ừ, chiều gặp lại.
Nhà sư Viên-Chiếu tiễn thầy lang ra cửa, rồi trở vào nói với bà Ðinh:
– Bà cho tiểu cô nương đây trú tại căn phòng phía sau nhà tổ, hằng ngày chăm sóc cho cô. Khi nào cô khỏi, thì thầy sẽ cho người đưa cô về với bố mẹ cô.
Hai đứa trẻ tên Ninh, Quang lăng xăng dọn phòng cho Minh-Ðệ ở. Minh-Ðệ nhìn hai đứa: mặt mũi khôi ngô, dáng khoẻ mạnh, tuổi khoảng 8-9. Thằng Quang chỉ cái giường bảo nàng:
– Chị nằm đây mà nghỉ, em đi lấy cháo nóng cho chị ăn. Cháo nóng nấu với lá hành, gừng, chữa cảm hay lắm.
Minh-Ðệ hỏi thằng Ninh:
– Các em đi tu đấy à?
– Không! Bọn em là trẻ trong làng, cùng đến trường học chữ với nhau. Ðợi lớn lên mới xin học thầy đồ Thái.
– Trong chùa có mấy đứa như em?
– Tất cả mười tám đứa. Nhưng chỉ năm đứa em là chơi thân với nhau thôi. Năm đứa chúng em là con nhà nghèo, nên phải giúp đỡ việc vặt trong chùa, làng mới nuôi bọn em. Năm trước, riêng thằng Ðoan được thầy lang Hòa đem về nhà dạy thuốc nên chỉ còn bốn đứa. Em tên là Ninh, vì da em đen nên chúng nó gọi em là Ninh đen, rồi Ninh Mai hắc-đế. Thằng Quang tính rụt rè như con gái, nên có qúy danh là Quang con ghế. Trước kia thằng Ðoan không có qúy danh, từ ngày theo thầy lang Hòa, nó có tên là Ðoan lang băm.
– Em nói bọn em có năm đứa, sao chỉ thấy có ba?
À thằng Nghi lùn vắng mặt, vì sư cụ sai nó đi đưa thư. Có lẽ chiều mới về. Còn thằng Dật lé thăm quê, mai mới lên.
– Thế bọn em làm việc gì trong chùa?
– Có làm gì đâu? Sáng dậy sớm nhập thiền, xong làm việc vặt như lau tượng, quét sân. Trưa thì học chữ. Thằng Ðoan ở với thầy lang Hòa nhưng trưa phải đến đây học chữ.
Vì vết thương trên người quá nhiều, hơi cử động là đau, nên Minh-Ðệ đóng cửa, ngồi trong phòng thở hít, nhập tĩnh cùng luyện yếu chỉ kinh Bát-nhã. Bốn đứa trẻ Dật, Quang, Nghi, Ninh thay nhau đem cháo, nước đến phòng cho nàng. Nhờ thầy lang, nàng biết ba bảo bối mà Quan-Âm dạy nàng là nội công thượng thừa của phái Mê-linh, nên nàng cứ luyện đi, luyện lại suốt ngày. Sang đến ngày thứ tư, thì các vết thương chảy máu đã đóng vảy, nên sáng, chiều nàng đều lên bảo điện dự khóa lễ. Thời giờ còn lại, nàng giúp việc chùa như quét sân, nhặt rau, dã gạo, nấu bếp, kể cả làm cỏ. Những người làm công quả trên chùa, ngoài bà Ðinh ra, còn đến trên mười bà. Họ đều ở vào tuổi trên năm mươi, rất thuần thành. Nghe chuyện Minh-Ðệ, bà nào cũng thương cảm hết. Các bà may quần áo cho Minh-Ðệ mặc. Trong các bà, thì bà Hiếu, bà Liên, bà Ðức là ba bà hay săn sóc nàng nhất. Vì vậy, đôi khi nàng tủi thân:
– Tại sao mẹ mình lại không thương mình bằng mấy bà này? Giá mình có một bà mẹ như mấy bà này có phải hạnh phúc biết bao nhiêu không?
Trong chùa, ngoài sư trưởng Viên-Chiếu, còn có năm nhà sư trẻ, pháp danh Viên-Căn, Viên-Mộc, Viên-Chi, Viên-Diệp, Viên-Hoa, tuổi khoảng 24-25 và mười chú tiểu, tuổi từ 10 đến 15, với năm đứa trẻ Dật, Quang, Nghi, Ðoan, Ninh.
Công việc của chư tăng trong chùa rất giản dị. Sáng sớm dậy dự khóa lễ, sau đó ngồi nghe sư trưởng giảng kinh. Buổi giảng kinh thường kết thúc trước Ngọ. Ăn cơm trưa xong, thì chư tăng phân tán đi làm việc. Chiều, ai nấy về tịnh thất của mình nhập thiền.
Khi dọn dẹp Tàng-kinh các, Minh-Ðệ thấy ở đây cạnh những kinh điển nhà Phật, còn có không biết bao nhiêu sách của Nho-gia, Ðạo-gia, cùng kinh, sử, tử, tập. Vì vậy ngoài những lúc làm việc, nàng lại đem sách về phòng đọc, thành ra cuộc sống ở chùa với nàng trở thành những ngày thanh nhàn, hạnh phúc gấp trăm, gấp nghìn lần ở với cha mẹ.
Năm đứa trẻ đối với nàng cực kỳ thân thiết. Tuy chúng mới học có ba năm, mà đã hết Tam thiên tự, Ấu học ngũ ngôn thi, và bắt đầu học Nam sử. Sau buổi học trên chùa do thầy đồ trong làng dạy, chúng lại xuống phòng nàng, xin nàng kể chuyện cổ tích, chuyện lịch sử cho chúng nghe. Riết rồi Minh-Ðệ trở thành một bà đồ của chúng. Vì nàng ngọt ngào, dễ tính, nên chúng luôn luôn ở cạnh nàng.
Một hôm sư trưởng gọi bà Ðinh với Minh-Ðệ lên bảo điện, dạy rằng:
– Thầy có việc cùng chư tăng phải đi xa dự kiết hạ trong mấy tháng mới về. Vậy nhất thiết mọi việc ở nhà thầy giao cho bà với Minh-Ðệ. Nếu có chư tăng, hoặc khách vãng lai, thì phải làm cơm chay, mang hoa quả cúng dàng cho chu đáo.
Ông dặn năm đứa trẻ:
– Năm con ở nhà phải hết sức nghe lời chị Minh-Ðệ. Mỗi khi có điều gì không hiểu, thì nhờ chị giảng cho.
Năm đứa reo hò:
– Bạch cụ, chúng con xin tuân pháp dụ của cụ ạ.
Ðúng là vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm. Năm đứa trẻ đang tuổi lớn, chúng leo trèo, nghịch ngợm khiếp lắm. Lúc đầu Minh-Ðệ la chúng. Nhưng hôm nay la, thì mai chúng lại tái phạm. Biết cái tuổi này ưa ngọt, nàng bảo năm đứa:
– Nếu trong năm em, mà em nào phạm tội, thì tối chị không kể chuyện cho nghe nữa.
Quả nhiên biện pháp này hiệu nghiệm. Từ đấy, nàng nói gì, chúng nghe răm rắp. Trong năm đứa thì Phạm Dật lớn tuổi nhất, tính tình cẩn trọng. Bố mẹ nó làm tá điền, nhưng năm ngoái ruộng bị sâu ăn, không đủ lúa dẫn tô cho chủ điền, nên chủ điền siết nợ căn nhà ọp ẹp với miếng đất nhỏ đem bán trừ nợ. Mẹ nó phải bán thân làm đầy tớ cho một phú gia, bố nó thì làm lực điền cho nhà giầu kiếm ăn. Riêng nó, được sư cụ mang về chùa nuôi cho ăn học. Trong chùa, nó phụ trách chăn trâu cắt cỏ. Thứ nhì là Vũ Quang, gia đình nó tương đối khá giả, nhưng năm trước đây bố nó bị bệnh hoạn, nên gia đình khánh kiệt. Khi bố nó chết, mẹ nó phải vay tiền của một ông nhà giầu chôn cất. Ðoạn tang chồng, mẹ nó không có tiền trả nợ, phải chịu tái giá, làm lẽ cho chủ nợ. Nhưng ông chủ nợ chỉ yêu mẹ, mà không yêu con, ông đánh đập nó hoài, chịu không nổi, nó bỏ đi ăn mày. Sư cụ thương tình, đem nó về nuôi dạy. Ðứa thứ bà là Hoàng Nghi, không biết lý lịch ra sao. Người trong làng thuật rằng, cách đây mười năm, có một ông cỡi ngựa bị thương nặng, lưng địu đột đứa trẻ đến chùa xin trú ngụ qua đêm. Sư cụ thương tình băng bó vết thương cứu ông, cùng nấu cháo cho đứa trẻ uống. Ðêm đó sư cụ với ông ta nói chuyện đến sáng. Hôm sau, ông ta trao đứa trẻ cho sư cụ nuôi dùm, rồi lên ngựa ra đi. Ðứa trẻ lớn lên trong chùa, không biết cha mẹ là ai. Cái tên Hoàng Nghi là do sư cụ đặt cho nó. Trong năm trẻ, thì Nghi cực kỳ thông minh. Tuy mới mười tuổi, mà nó đã học sang Tứ-thư, biết làm thơ, phú, soạn văn tế; nó lại lắm mưu nhiều mẹo. Ðứa trẻ thứ tư là Lý Ðoan. Bố mẹ nó làm nghề thợ rèn, năm trước đây có giặc, bố nó bị xung quân, rồi tử trận. Làng cấp ruộng tử tuất cho mẹ con nó. Nhưng năm sau, mẹ nó chết, làng lại giao ruộng tuất cho chùa, để chùa nuôi dạy nó. Cuối cùng là Trần Ninh, nó là con ông thủ bạ trong làng. Cho nên sáng nó đến chùa học, chiều lại trở về nhà.
Hơn nửa tháng sau, có chiếc xe song mã đậu trước chùa, trên xe, một đôi nam nữ ngồi rất nhàn nhã, tuổi khoảng trên bốn chục. Nam thì tướng mặt, thân hình cực kỳ hùng tráng, uy vũ. Nữ thì thanh nhã, nhưng đẹp tuyệt trần. Cả hai đeo kiếm trên lưng. Phu đánh xe là một người đàn ông lực lưỡng tuổi trên hai mươi. Minh-Ðệ vội chạy ra chắp tay:
– Kính chào quý khách. Không mấy khi quý khách vãng cảnh chùa, mời qúy khách vào chùa lễ Phật.
Người nữ hỏi:
– Cháu gái, thế sư trưởng đâu?
Minh-Ðệ nghe giọng nói của bà hơi lạ, nàng cung tay:.
– Thưa bà thầy cháu cùng chư tăng vắng nhà ít ngày.
Người đàn bà nói:
– Tiếc quá, Viên-Chiếu đại sư vân du xa. Chúng tôi với đại sư là chỗ thâm giao. Tuy đại sư vắng nhà nhưng chúng tôi cứ vào chùa chờ ít ngày vậy.
Tiếng « đại » bà nói thành tiếng « lại ».
Người đàn ông nói nhỏ với vợ:
Người đàn ông nói nhỏ với vợ:
– Em xem, sư huynh mình thực ngang tàng. Ai lại chùa toàn tiểu sa di, mà anh ấy dám cho con gái ở nhờ, không sợ làng bắt lỗi ư?
Người nữ cười, nét mặt bà rất tươi:
– Tự sư huynh nhiễm phải tính ngang tàng của chúng mình đấy.
Tiếng « tính » bà nói thành « lính ».
Minh-Ðệ cung kính dẫn đường cho hai ông bà. Dường như ông bà đã đến đây nhiều lần, nên tỏ vẻ thành thạo đường lối. Sau khi lễ Phật xong, người đàn bà nói:
– Chúng ta là bạn hữu của đại sư Viên-Chiếu. Chắc cháu mới đến đây, nên chưa gặp ta. Ta họ Trần, phu quân ta họ Triệu. Chúng ta tạm ở lại đây mấy ngày chờ sư huynh ta về vậy.
Minh-Ðệ sai năm ông thiên lôi dọn phòng vãng lai cho hai ông bà ở. Nàng bưng một mâm quả, pha trà bưng lên:
– Kính mời ông bà thụ lộc Phật ạ.
Nàng điều khiển năm đứa trẻ, hầu hạ ông bà cực kỳ chu đáo. Sang ngày thứ ba, bà hỏi:
– Này cháu, ta thấy dáng đi của cháu nhẹ như chim, thân uốn cong đẹp vô cùng. Lại nữa, cháu làm đủ việc, việc đồng, việc vườn, bổ củi mà bàn tay thon nhỏ, mịn màng. Hơi thở của cháu dài liên miên bất tuyệt, vậy phải chăng cháu là đệ tử của phái Mê-linh?
Minh-Ðệ chắp tay lễ phép:
– Thưa ông bà cháu chưa từng học võ, nhưng trong lần hoạn nạn, cháu được một người cứu giúp, rồi dạy cháu mấy thức thở hít cho khoẻ, thế thôi. Chứ cháu không được biết người là ai, phái võ Mê-linh là gì? Hôm trước thầy lang chẩn mạch cho cháu, rồi cũng nói thế...
Ông họ Trần hỏi:
– Có phải người đó mặc quần áo trắng, mặt rất đẹp không?
– Dạ.
Ông nhìn vợ cười khúc khích:
– Không ngờ bà chị mình xuất hiện ở đây, mà mình không biết. Bà đã ban ơn cho nó mà lại không cho nó biết thân thế. Mấy hôm nay nó hầu hạ mình thực chu đáo, nói năng lễ độ, mỗi lời đều tỏ ra lòng dạ lương thuần. Phu nhân tính sao? Phải thưởng cho nó cái gì chứ, bằng không mình mắc nợ nó rồi kiếp sau mình lại phải trả thì khổ lắm.
Bà vợ bàn:
– Con bé này tướng người rất tốt, tương lai sự nghiệp e không tầm thường. Ta dạy gì cho nó bây giờ?
Ông hỏi Minh-Ðệ:
– Bà chị ta đã dạy cháu nhập tĩnh, bỏ ra ngoài Ngũ-uẩn, Lục-tặc, rồi giảng yếu quyết kinh Bát-nhã, có đúng thế không?
– Dạ.
Thình lình ông vung tay đánh vào đỉnh đầu nàng. Minh-Ðệ choáng váng, nàng nghiến răng vận sức chống trả, nhưng sức ép mạnh quá, khiến người nàng lảo đảo suýt ngã.
Người đàn bà phất tay đỡ nàng, rồi vuốt tóc nàng như vuốt tóc con gái:
– Cháu phúc trạch khôn lường. Ta là bạn của sư trưởng chùa này, cũng như sư thúc của cháu. Ta hỏi gì cháu phải nói thực cho ta nghe. Vậy vì lý do gì cháu là gái, mà lại được ở trong chùa?
Minh-Ðệ thấy cử chỉ của bà từ ái quá, khiến nàng cảm động, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Nàng thuật lại những thảm cảnh của mình cho hai ông bà nghe. Ông nói:
– Bà Quan-Âm chỉ dạy cháu nội công thượng thừa, để cháu có thể chịu đòn, mà không dạy cháu cách chống trả. Vậy ta dạy cho cháu mấy thức võ, để khi gặp ai đánh mình, cháu sẽ dùng để tự vệ.
Rồi không đợi nàng có thuận hay không, ông bảo:
– Cháu ngồi ngay ngắn lại.
Ông móc trong bọc ra một cuốn trục lụa, rồi treo lên tường. Trên tấm lụa có vẽ ba đồ hình của người đàn ông. Một cái vẽ phía ngực, một cái vẽ phía ngang, một cái vẽ phía sau, trên mỗi hình đều có những đường vẽ chằng chịt xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Ông đưa mắt cho bà. Bà giảng:
– Ðây là đồ hình của mười hai kinh mạch và Kỳ-kinh bát mạch. Cháu tuy luyện Thiền-công, nhưng chưa biết vận khí bằng kinh mạch để phát lực, thì cũng giống như con trâu khỏe mạnh, mà bị trói chân trói tay vậy; người ta đánh thì chịu, không thể chạy, hay chống đỡ gì được cả. Ta dạy cháu vòng Tiểu-chu thiên cùng cách phát lực, thì cháu mới biết xử dụng cái lực của Thiền-công mà cháu luyện.
Ghi chú:
Kỳ-kinh bát mạch: trong cơ thể con người có mười hai chính kinh. Mỗi kinh liên hợp với một tạng, một phủ. Ngoài ra còn có Kỳ-kinh bát mạch, tức những mạch không liên hợp đặc biệt với tạng phủ nào. Ðó là Nhâm-mạch, Ðốc-mạch, Âm-kiêu, Dương-kiêu, Âm-duy, Dương-duy, Xung-mạch, Ðới-mạch.
Minh-Ðệ như người trong đường hầm ra ánh sáng, như người bịt mắt được mở ra, nàng sung sướng gật đầu:
– Dạ cháu hiểu.
– Trên cơ thể con người có ngũ tạng, lục phủ, thêm tâm bào, cộng là mười hai. Cứ mỗi tạng, mỗi phủ lại liên hợp với một đường kinh, vì vậy có mười hai chính kinh. Ngoài ra còn có Kỳ-kinh bát mạch. Kỳ kinh bát mạch là Nhâm-mạch thống lĩnh các kinh âm. Ðốc-mạch tổng hội các kinh dương. Ðới-mạch như cái dây lưng buộc ngang thân mình. Xung-mạch chạy từ phía trong chân, toả ra lồng ngực. Âm-kiêu, Dương-kiêu chạy từ mắt cá lên đầu. Dương-duy nối các kinh dương, Âm-duy nối các kinh âm chạy từ chân lên đầu.
– Cháu nhớ rồi.
– Khi cháu vận khí từ bất cứ bộ phận nào trong cơ thể về Nhâm, Ðốc mạch, rồi đi một vòng từ Nhâm về Ðốc hoặc ngược lại, là vòng Tiểu-chu-thiên. Muốn dẫn như vậy cần đả thông Ðốc, Nhâm mạch. Nào bây giờ cháu hít hơi, tưởng tượng khí từ mũi vào óc, rồi thở, nhưng tưởng tượng khí từ óc xuống mũi ra ngoài.
Minh-Ðệ làm theo, lập tức người nàng nóng bừng lên. Ông chỉ vào Ðốc-mạch:
– Bây giờ cháu dẫn khí từ mũi lên đỉnh đầu, tới huyệt Ðại-trùy rồi xuống ngang lưng...
Nàng làm thử, nhưng bị tắc ở xương sống chỗ ngang vai. Ông mìm cười:
– Nếu để cháu tự vận khí đả thông Kỳ-kinh bát mạch, rồi vận khí theo vòng Tiểu-chu-thiên cũng được, nhưng e quá lâu. Ðể chúng ta giúp cháu.
Bà chỉ viên gạch ở sân:
– Cháu xòe bàn tay ra, vỗ lên viên gạch cho ta xem nào.
Minh-Ðệ vung tay lên, bộp một tiếng, nàng cảm thấy đau đớn vô cùng. Vị phu nhân xoa tay một cái, cảm giác đau đớn biến mất. Ðến đây bà đưa mắt nhìn ông. Ông mỉm cười, xòe bàn tay để lên huyệt Bách-hội Minh-Ðệ, nàng cảm thấy như một chậu nước nóng đổ lên đầu, rồi cái nóng đó chạy theo cần cổ xuống xương sống. Tới ngang lưng luồng nhiệt khí chia làm hai. Một chạy vào thận, rồi bào cung. Một tiếp tục theo xương sống tới hậu môn, sau đó qua bụng dưới, gặp nhánh trước, đi giữa bụng lên ngực, cổ trước, tỏa ra mặt, cuối cùng lên đỉnh đầu. Bất giác không tự chủ được, nàng rùng mình một cái, toàn người nàng như rơi vào một hồ nước nóng, cảm giác khoan khoái không bút nào tả xiết.
Ông bảo nàng:
– Cháu hít hơi, rồi dẫn khí từ lưỡi, xuống cổ, qua ngực, bụng dưới, sau đó đưa ra lưng, từ lưng cháu dẫn khí dọc xương sống lên huyệt Ðại-trùy, sau đó đưa ra bàn tay.
Minh-Ðệ làm theo, nàng thấy bàn tay căng thẳng run lên như muốn nổ tung ra ngoài. Bà nhắc:
– Cháu làm lại lần nữa, khi thấy tay căng thẳng thì vỗ vào viên gạch một cái.
Minh-Ðệ hít hơi, dẫn khí, vung tay vỗ vào viên gạch. Bộp một tiếng, viên gạch vỡ ra làm năm sáu mảnh, mà tay nàng không hề đau đớn. Nàng há hốc miệng ra kinh ngạc:
– Thưa phu nhân, tại sao tay cháu lại mạnh như vậy? Phu nhân cũng là đức Phật-bà phân thân dạy cháu ư?
Phu-nhân nắm tay nàng, tay kia bà vuốt tóc, rồi nói bằng giọng ôn nhu:
– Ta không phải Phật bà đâu. Ta cũng là người trần như con vậy.
– Thế sao ông mới vỗ lên đầu con, bà mới dạy con chốc lát mà sức con đã như thế này. Nếu như con phải bổ củi, thì sẽ hạ búa, cũi đã vỡ ra rồi.
Ông cười:
– Nếu như có kẻ nào đánh con, con vỗ vào đầu nó một cái, thì đầu nó cũng vỡ ra như viên gạch.
Minh-Ðệ bật lên tiếng la:
– A-Di-Ðà Phật, dù kẻ nào ác đến đâu, con cũng không đánh nó vỡ đầu nó đâu.
Ông lắc đầu:
– Giả như có đứa nó giết con, thì con có đánh lại nó không?
– Dạ con chạy, hay đỡ đòn mà thôi.
Ông nhăn mặt, gằn từng tiếng. Giọng của ông trở thành lạnh lùng:
– Không được. Ðể ta dạy con một phương cách đối phó với kẻ ác. Phàm những kẻ, mà ta đụng chạm đến chúng, chúng hại ta, đó là lẽ thường, ta có thể tha thứ cho chúng. Còn đối với những kẻ mà ta không đụng đến chúng, tự nhiên chúng hại ta, thì ta phải trả đòn gấp đôi. Còn như kẻ mà ta ra ơn cho chúng, chúng lại hại ta, thì ta phải tru diệt bố mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, chó mèo, gà vịt nhà nó. Còn như cháu cứ hành xử theo mấy cụ sư, thì cháu sẽ bị chết oan có ngày.
Ông ngửa mặt nhìn trời, như nói một mình:
– Việc nhà, việc đời, việc nước cũng thế. Hiện ngoài biên cương có việc dụng binh. Vua Tống không muốn gây sự, nhưng bọn biên thần Nam phương cho binh lính phạm biên. Vua bà Bình-Dương đã nhiều lần sai sứ sang lý luận với họ, mà họ vẫn chứng nào tật đó. Nếu cháu là Thông-Thụy hoàng đế, cháu sẽ làm gì? Hay cháu cứ để dân biên giới cho binh lính Tống sang mưốn cướp là cướp, muốn giết là giết?
– Cháu phải làm cho hai bên không chém giết nhau.
– Làm bằng cách nào?
– Cháu cho quân mình đánh lại bọn cướp, có thế chúng mới sợ, không gây hấn nữa, rồi cáo với triều Tống. Như vậy may ra hai nước tránh khỏi binh ách.
– Ðược. Tạm được. Nhưng con ơi, cái gốc là bọn biên thần Tống. Ta nghĩ phải xua quân sang, giết bớt đi mấy tên đầu sỏ đó, nếu cần thì giết hết cả nhà nó, từ bố mẹ, vợ con, anh em, tôi tớ, chó mèo, gà vịt.
Tiếng ông lạnh như băng, khiến nàng không tự chủ được:
– Dạ, con xin đa tạ ông đã dạy con bài học quý giá.
Người sau đọc sử Tống-Việt chỉ biết Lý Thường-Kiệt, Tôn Ðản, Tự-Mai, Lê Văn tuân chỉ Linh-Nhân thái hậu mang quân đánh Khâm, Liêm làm rung động nước Tống; không ai biết rõ chủ trương này của bà. Chỉ độc giả Nam-quốc sơn hà là biết rằng hành động của bà là do lời dạy dỗ của vợ chồng ông Trần này cho bà trong lúc còn hàn vi mà thôi.
Ông tiếp:
– Bây giờ trở lại việc tự nhiên con có sức mạnh. Sức ở đâu mà ra? Không phải chúng ta dạy một lúc, mà con có thầm lực như vậy.
Minh-Ðệ gật đầu tỏ ý hiểu. Ông hỏi:
– Con gật đầu, thế con cho ta biết tại sao chỉ mới đây mà công lực con lại biến đổi mau như thế không?
– Thưa ông ban nãy phu-nhân đã giảng rồi, con như con trâu có sức, mà bị trói không thể phát lực. Từ trước đến giờ, con đã được đức Quan-Âm dạy thiền, dạy nhập tĩnh, dạy khí công, con luyện tập mấy năm, chân khí đầy ắp, nhưng không biết phát lực, nên bị người ta khi khiến, nhục nhằn.
Bà tỏ ý vui vẻ:
– Con thông minh lắm, ngoài sự ước đoán của chúng ta. Bây giờ ta dạy con sang phần khác.
Bà chỉ lên đồ hình:
– Ban nãy ta nói, trên người có 12 chính kinh. Chính kinh chia ra làm sáu kinh tay, gọi là thủ kinh; sáu kinh chân gọi là túc kinh. Trong sáu kinh tay có ba kinh dương, ba kinh âm. Trong sáu kinh chân cũng thế.
– Con nhớ rồi.
– Con thông minh lắm. Các thủ kinh, túc kinh chia làm từng cặp. Cứ một kinh dương với một kinh âm nối với nhau bằng lạc mạch. Bên trong cơ thể cũng có lạc mạch nối tạng với phủ. Trong khi bên ngoài, các kinh dương chân, tay lại giao hội thông với nhau. Như vậy chân khí tuần lưu trong mười hai kinh. Nếu cháu vận khí từ một điểm nào đó, đi theo 12 kinh mạch, rồi trở về chỗ cũ, là đã tuần lưu một vòng Ðại-chu-thiên.
Thế rồi ông bà ở lại dạy Minh-Ðệ trên nửa tháng, mà chưa thấy Viên-Chiếu về. Ông bàn với bà:
– Thôi ta đi thôi, anh ấy dẫn đệ tử đi như vậy ít ra là ba tháng, đợi sao được.
Trước khi đi, ông bảo Minh-Ðệ:
– Võ chia làm hai phần, một là nội lực, muốn có nội lực phải luyện Thiền-công, Khí-công. Thứ nhì là chiêu thức, tức cách xử dụng nội lực khắc chế địch. Quan-Âm của con, cũng như ta với phu nhân chỉ dạy con luyện nội lực. Hôm nay ta dạy con một vài thế ngoại công phòng thân.
Thế rồi ông bà dạy nàng 18 thế tấn, 36 đòn tay, 36 đòn chân căn bản, và mấy bài quyền. Cuối cùng ông dạy nàng ba chiêu chưởng. Ông nói:
– Chúng ta dạy con, nhưng không thu con làm đệ tử, con chả nên biết tên chúng ta làm gì. Nếu như sau này con bị người ta uy hiếp quá, mà không đủ sức chống trả, thì con cứ xử dụng ba chiêu chưởng này, tự nhiên chúng sợ mà không dám uy hiếp con nữa.
Trước lúc lên đường, không biết nghĩ sao, bà móc túi trao cho Minh-Ðệ ba nén vàng, mười nén bạc, rồi nói:
– Con giữ lấy, sau này sẽ có dịp dùng đến.
Tuy là con gái một gia đình tương đối giầu có trong làng, nhưng Minh-Ðệ chưa từng được sờ đến bạc, chứ đừng nói sở hữu chủ một nén vàng. Từ ngày sinh ra, bị bố mẹ ghét bỏ, nên chẳng bao giờ nàng cầm tiền trong tay. Một dịp duy nhất vào năm mười tuổi, nàng được bà cô mừng tuổi cho hai đồng tiền trinh. Nàng lấy dây xuyên vào lỗ rồi đeo lên cổ. Trong khi Minh-Can thì đeo đầy người vàng và cả ngọc nữa. Nàng bị Minh-Can cùng với đám bạn chúng cười chế diễu là ngẫn ngờ, ngố con. Bây giờ nàng được Trần phu nhân tặng cho số vàng bạc quá lớn, nhưng nàng lại để hết tâm ý vào cuộc chia tay, mà không biết bao giờ nàng gặp lại cặp vợ chồng này. Nước mắt chảy dài trên má, mắt đỏ hoe, nàng cầm chặt tay bà mà khóc:
– Biết bao giờ con mới được gặp lại ông bà?
Trần phu-nhân ôm đầu nàng vào ngực bà một lúc, rồi buông ra, hai ông bà vọt lên xe. Anh phu xe đánh xe rời chùa. Minh-Ðệ đứng nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất vào chân trời, rồi mới đóng cổng.
Vì những lúc ông bà dạy võ cho Minh-Ðệ, nhằm vào buổi học của năm đứa trẻ, nên chúng không biết gì về việc ông bà quý nhân đã làm.
Từ đấy, ngày ngày nàng luyện nội công, ôn lại các thế võ, thoáng một cái, đã qua hai tháng. Hôm ấy, nàng đang cùng năm trẻ quét sân, thì có tiếng chân chạy rầm rập, cùng tiếng người reo hò. Nàng nhìn ra cổng, thì thấy trên đường dẫn vào chùa có con trâu đang chạy. Phía sau, xa xa là năm người, kẻ cầm dao, người cầm gậy đuổi theo. Trong năm người, thì một người đàn ông tuổi khoảng năm mươi, một người đàn bà tuổi khoảng bốn mươi, một trung niên nho sĩ tuổi trên ba mươi, và hai thiếu niên. Nàng đoán rằng con trâu ăn lúa, phá vườn sao đó, nên bị người ta đuổi đánh. Nàng vội vàng mở cổng chùa cho trâu chạy vào. Con trâu đến trước thềm lên chùa, thì quỳ gối xuống, khóc rống lên, nước mắt dàn dụa ra.
Ðoàn người đã đến cổng chùa, người đàn ông lớn tuổi chỉ vào mặt Minh-Ðệ:
– Cô kia, trả trâu cho chúng tôi ngay.
Thằng Ninh cãi:
– Trâu này chưa chắc là của ông, ông có gì làm bằng rằng ông là chủ nó không?
Người đàn ông mắng thằng Ninh:
– Ranh con, cút đi.
Minh-Ðệ ôn tồn trả lời:
– Tự nhiên trâu chạy vào chùa, chứ tôi có bắt của các ông đâu mà trả?
Mấy người cầm gậy bao quanh con trâu. Người tuổi khoảng ba mươi chỉ vào con trâu:
– Chúng tôi chuẩn bị giết trâu mừng lễ thượng thọ sư phụ, thì nó giật đứt dây bỏ chạy.
Nhìn con vật có linh tính đang quỳ rước thềm chùa khóc rống lên, Minh-Ðệ nói:
– Các ông ơi, hiện bây giờ đang thiếu trâu, mấy nhà mới có một trâu cầy, sao các ông lại nỡ giết con vật giúp ích cho nông tang như vậy? Vả lễ thượng thọ là cầu cho cụ nhà sống lâu, thêm phúc, mà lại đi giết trâu thì thực là tổn âm đức quá.
Người đàn bà văng tục:
– Con đĩ kia, mày biết gì mà nói, lễ thượng thọ không giết trâu thì giết tiên nhân cha mày à?
Minh-Ðệ vẫn không giận, nàng đứng ngăn trước con trâu như che chở cho nó, năm đứa trẻ cũng đứng quanh nàng:
– Bà ơi, bà đứng trước thềm của chùa, là chốn đạo đức thanh nhàn, thì chẳng nên nói lời thô tục, e có tội với đức Phật. Tôi không đụng chạm đến bà, mà bà gọi tiên nhân tôi ra mà chửi, thế là đạo nghĩa gì vậy?
Nàng nói với người đàn ông lớn tuổi:
– Cháu khuyên các bác đừng giết nó. Nó có linh tính, biết chạy lên chùa cầu cứu, mà còn giết nó thực ác quá.
Thằng Ðoan cũng nói:
– Ví thử có ai giết ông, ông có khóc không? Ông có đau không?
Một người trẻ nắm tay Minh-Ðệ kéo mạnh, lôi nàng sang bên cạnh. Phản ứng tự nhiên, Minh-Ðệ giật tay lại. Chỉ nghe đến vuø một cái, người trẻ bay bổng qua đầu nàng, ngã sóng xoài trên bãi cỏ trước sân chùa.
Năm đứa trẻ reo hò hoan hô:
– Chị giỏi thực!
Thiếu niên khác trong bọn bắt trâu kêu lớn:
– Cái gì vậy Ðạt?
– Không hiểu nữa, dường như nó có tà thuật.
Y chỉ vào mặt Minh-Ðệ chửi:
– Ðồ ăn cướp!
Bà Ðinh đã xuất hiện, bà nói lớn:
– Các ông ở đâu mà dám tới trước cửa chùa làm rộn, rồi vu cho người ta cái tội ăn cướp? Bộ không còn phép nước, lệ làng nữa sao? Này tôi nói cho các ông biết, đây là xã Dương-xá chứ không phải là đình làng Sủi mà các ông tự tác, tự lộng đâu nhá.
Trung niên nam tử, tuổi khoảng ba mươi rẽ mọi người ra tiến tới chỉ vào người lớn tuổi và người đàn bà:
– Ðây là ông bà hương Hiệp của làng tôi, chuyên nghề giết trâu, làm lợn. Còn lại chúng tôi là môn sinh trường Trung-nghĩa bên làng Sủi. Hôm nay nhân sinh nhật thượng thọ sư phụ chúng tôi, nên chúng tôi hạ trâu ăn mừng. Con trâu biết rằng bị giết, nó giật đứt dây chạy vào chùa. Chúng tôi đến bắt về. Nhưng cô này không cho chúng tôi bắt trâu, còn đánh người.
Bà Ðinh lắc đầu:
– Một cô gái bé nhỏ, mảnh khảnh thế này mà dám đánh ai. Tôi trông thấy rõ ràng anh ta nắm tay cô ấy giật mạnh, cô ấy vùng vẫy, nên anh ta mới bị ngã, thế mà ông lại nói điêu. Thôi các ông dắt trâu đi đi.
Thiếu niên tên Ðạt tiến đến cầm dây, dắt trâu đi. Con trâu khóc rống lên thực thảm thiết. Khi đi qua trước mặt Minh-Ðệ, gã Ðạt co chân đá vào mông nàng một cái. Minh-Ðệ đã học đủ 36 đòn chân cùng 36 phản đòn chân. Nàng vội xuống trung bình tấn, trầm người cho chân y qua đầu. Y đá hụt, người đang mất đà, thì tay phải của nàng đẩy vào dùi phải của y, rồi chân trái quét chân trái y. Lập tức y ngã lăn xuống đất. Mọi người đều bật lên tiếng kêu ủa kinh ngạc.
Năm đứa trẻ reo hò:
– Hi hi! Ðánh trộm người, bị người đẩy ngã. Cho đáng kiếp.
Gã Ðạt uốn cong người đứng dậy, y phóng quyền vào mặt nàng đến vù một cái cực kỳ thần tốc. Minh-Ðệ bật ngửa bàn tay lên, nắm lấy cườm tay y giật mạnh. Người y ngã chúi về trước. Ðầu y đâm phải bụng trâu đến binh một cái. Y đau quá không ngồi dậy được nữa. Lập tức cả năm người đều la lên. Hương Hiệp chỉ thiếu niên khác:
– Ðức, em vào cho nó bài học.
Tên Ðức dạ một tiếng, rồi đứng theo đinh tấn, hai tay chắp vào nhau như hành lễ:
– Vũ Ðức, đệ tử trung đẳng trường Trung-nghĩa xin được lĩnh cao chiêu của cô nương. Mong cô nương đừng tiếc công chỉ dạy.
Minh-Ðệ lắc đầu:
– Tôi không biết võ vẽ thì làm sao mà đấu với anh? Thôi bây giờ thế này, con trâu đáng giá bao nhiêu tiền, tôi xin mua lại, rồi anh dùng tiền đó đi mua thịt lợn mà mừng thượng thọ thầy anh, có được không?
Vũ Ðức nhìn người đàn ông trung niên, như hỏi ý kiến. Người đàn ông trung niên đưa mắt ra hiệu, Vũ Ðức vận khí đấm thẳng vào mặt nàng một chiêu quyền. Nhanh như chớp, Minh-Ðệ xuống trung bình tấn, tay phải gạt quyền của Ðức, tay trái đấm một quyền vào ngực y. Nàng ra tay sau, mà lực đến trước. Binh một tiếng, Vũ-Ðức lộn đi hai vòng, ngã ngửa trên mặt đất, miệng y mửa ra máu. Y không ngồi dậy được nữa.
Trung niên nam tử kinh ngạc, vội tiến ra chắp tay vái Minh-Ðệ:
– Thì ra cô nương là cao thủ đấy. Hèn chi mỗi chiêu hạ một sư đệ của tôi. Tôi Trịnh Phúc, xin được lĩnh giáo cao chiêu của cô nương.
Nói rồi y vung quyền tấn công đến vù một cái, Minh-Ðệ không phản ứng kịp, quyền trúng vai nàng đến binh một tiếng. Nàng chỉ hơi trấn động một chút, nhưng Trịnh Phúc cảm thấy như trời long đất lở, người y bật tung trở lại. Y phải lùi liền bốn bước mới giữ được thăng bằng cho khỏi ngã, tai y phát ra tiếng vo vo không ngừng.
Gã hương Hiệp hô lớn:
– Xông cả vào!
Thế là gã với vợ, Ðạt, Ðức cùng Phúc cùng múa gậy, vung dao tấn công Minh-Ðệ. Minh-Ðệ mới lâm chiến lần đầu, nàng luống cuống lùi lại. Năm đứa trẻ đã kiếm đâu ra mỗi đứa một thanh củi cùng xông vào đập loạn xạ. Con trâu rống lên một tiếng múa sừng húc vợ chồng hương Hiệp. Vợ chồng y kinh hãi chạy ra khỏi cổng chùa. Con trâu quay lại tấn công tên Phúc, Ðức, Ðạt. Ba tên này cũng bỏ chạy. Gã hương Hiệp chỉ tay vào mặt Minh-Ðệ:
– Tao sẽ đi trình làng bắt mày giải lên quan.
Nói rồi cả năm tên bỏ đi.
Ðám trẻ con reo hò:
– Chị giỏi võ thế mà bọn em không biết. Chị dạy bọn em đi.
– Ðược, để chị hỏi sư cụ đã, rồi sẽ dạy các em.
Minh-Ðệ sai trẻ đóng cổng lại, rồi dẫn trâu ra mảnh đất cạnh đấy, thả cho nó ăn cỏ cùng với đàn trâu của chùa. Bà Ðinh bảo nàng:
– Chà, không ngờ cháu có nghề, đánh đuổi được bọn chúng đi, lát nữa làng kéo đến, mà sư trưởng lại không có nhà thì biết nói sao đây? Thôi thì trả trâu cho họ để khỏi lôi thôi.
– Thì cháu có bắt trâu của họ đâu?
Năm đứa trẻ cầm củi nói:
– Nếu chúng trở lại, bọn em quyết chiến với chị.
– Các em còn nhỏ, lại không biết võ, thì đừng dại mà đánh nhau với bọn Trung-nghĩa. Cứ để chị đối phó được rồi.
Khoảng nửa giờ sau, một toán mười người mặc quần chẽn, áo ngắn có thắt lưng, tay mang mã tấu, cùng trương tuần Huy tiến vào chùa. Minh-Ðệ nhận ra đó là môn sinh trường Trung-nghĩa. Nàng đã thấy Minh-Can cùng với bọn bạn nó mặc như vậy từ mấy năm nay rồi. Phía sau là bọn Hiệp, Phúc, Ðức, Ðạt. Trương tuần Huy nói lớn:
– Cho tôi gặp sư trưởng.
Bà Ðinh cùng Minh-Ðệ mở cổng chùa:
– Kìa anh trương tuần Huy. Anh đi đâu đây? Thầy chúng tôi hiện không ở trong chùa, người đi dự kiết hạ. Mọi việc do tôi trông coi.
Tuy thời gian cách biệt chưa quá sáu tháng, nhưng vì Minh-Ðệ luyện nội công Mê-linh, Thiền-công, nên đang từ một cô gái cứng, thô, thân thể phục phịch, da rạm nắng, nàng trở thành một thiếu nữ da mịn màng, người thon hẳn lại, mông ngực nở ra, những nét cong tuyệt mỹ trên người khiến cho nàng thành một cô gái khác, nhất là đôi mắt sáng lóng lánh, thần thái cực tinh anh. Trương tuần Huy thấy Minh-Ðệ hơi quen quen, nhưng nhất thời y không nhận được nàng. Trong khi nàng lại tưởng y biết mình rồi, nên khẽ nghiêng mình chào.
Huy quay lại hỏi hương Hiệp:
– Ðâu, ai ăn cướp trâu, cùng đánh người đâu?
Hương Hiệp chỉ vào Minh-Ðệ:
– Con nặc nô kia chứ ai.
Trương tuần Huy cau mặt:
– Ông có chắc không? Một thiếu nữ ẻo lả, da trắng, môi hồng thế kia mà mỗi chiêu lại đả bại một đệ tử trường Trung-nghĩa ư? Hơn nữa Phật tử chùa Từ-quang xưa nay hiếu hòa nổi tiếng, đâu có ăn trộm trâu? Tôi không tin.
Bà Ðinh tường trình:
– Ban nãy, cháu đây đang quét chùa, thì có con trâu lồng vào sân, phía sau mấy người cầm gậy đuổi đánh. Nó thương tình mở cửa cho trâu vào, rồi mấy ông này đánh nó, bảo nó trộm trâu, có ai vô lý như mấy anh đó không?
Trương tuần Huy phân vân:
– Trung-nghĩa đại tướng quân truyền cho chúng tôi đem người con gái đánh ba đệ tử ngài đến để ngài phân xử. Vậy bà cứ để cô đây đi với tôi, làng có lệ, nước có vua, quân hầu lại là người công minh, thì không thể phân xử oan ức cho cô đâu mà lo. Xin mời bà Ðinh đi làm chứng.
Năm đứa trẻ cũng nói:
– Ông trương tuần ơi! Chúng tôi cũng xin theo làm chứng.
Ghi chú:
Hồi này thuật cuộc gặp gỡ của Linh-Nhân hoàng thái hậu với Long-biên ngũ hùng, năm đại tướng sau này làm cho quân Tống, quân Chiêm kinh hồn vỡ mật. Sử Tống, Việt đều không nói đến việc này. Nhưng trong QTNC và TTCTGCK chép đầy đủ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.