Năm Ấy Bên Hồ Có Một Đoá Hoa

Chương 1: Thư nhà




Gió mùa thu nhẹ nhàng thổi bay đi cơn nóng oi bức còn sót lại của mùa hè. Bình chạm tay lên thành cửa sổ khẽ thở dài. Anh nhìn về những chú chim đang bay về nơi ấm áp, lòng chợt nghĩ. Bao giờ anh mới có thể nhận được thư nhà?
Nghĩ tới đây, Bình lại cảm thấy buồn cười, đường đường là một nam nhi lại ủ rũ, bồn chồn vì một bức thư nhà. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu không phải ngày ấy chia tay quá gấp, Bình cũng sẽ không lo lắng nhiều như thế. Chỉ là, tâm trạng khi chờ đợi một thứ gì đó quá khó chịu, Bình khó mà bình tĩnh lại được.
Nghe thấy tiếng xe đạp từ xa, hai mắt Bình như sáng lên, trái tim rộn vang không thể kiểm soát. Quả nhiên, chỉ một chốc, tiếng phanh xe vang lên đồng thời chiếc xe đạp cũ dừng ngay trước cổng nhà Bình.
"Anh Bình ơi, có thư trên tỉnh về này!"
Bình gấp gáp đẩy cửa, mặc kệ chân phải tập tễnh, anh tiến lại gần cậu đưa thư. Cậu tên là Chí, năm nay mới mười bảy. Vốn dĩ việc đưa thư này không tới tay Chí nhưng cụ Phúc ở làng bên đứng ra, đảm bảo công việc cho cậu.
"Cảm ơn cậu." Bình nhận thư, chân anh vẫn còn run, may mắn có Chí nhanh tay đỡ lấy, nếu không anh đã ngã nhào xuống đất từ nãy.
Chí gãi đầu, dựng xe rồi lại đỡ Bình ngược vào trong nhà.
"Ôi, anh cứ gấp thế làm gì? Em mang vào cho anh là được." Chí cằn nhằn giống như một ông cụ non: "Có mấy bước chân thôi, em còn từng mang thư đến tận tay cho mấy cô ở trong ký túc cơ mà!"
Bình nghe thế thì lắc đầu, anh nói: "Cậu vất vả, anh nào dám làm phiền thêm."
"Phiền là phiền thế nào ạ?" Chí cười khanh khách: "Em chỉ mong anh làm phiền em thêm mấy bận. Em nói cho anh nghe, cái việc này của em, nếu anh không nói mấy câu, cụ Phúc sao bằng lòng cho em làm?"
Nói rồi, Chí đỡ Bình ngồi xuống ghế tựa. Cậu rót cho Bình một chén nước, lại phát hiện ra nước trong bình là nước trà đã lạnh, cậu không biết phải nói gì. Bình như nhận ra sự bất đắc dĩ của cậu, anh mỉm cười đặt thư lên bàn.
"Thôi, cậu đi làm tiếp đi!" Bình liếm đôi môi khô khốc, nói: "Đừng chậm trễ ở đây nữa!"
Chí nghe vậy thì biết ngay, Bình đang muốn đuổi khách. Cậu vừa buồn vừa bất đắc dĩ. Chí luôn biết Bình không thích sự thương hại từ người khác, ngay cả việc như đỡ anh đi lại cũng không được. Nãy giờ, hẳn là cậu đã làm anh buồn phiền lắm rồi. Chí hít mũi, đặt chén trà xuống, cúi đầu buồn bã.
"Vậy em đi làm trước." Chí lấy lại tinh thần, "Để hôm nào em rảnh lại qua nhà anh hỏi bài."
Chí quấn Bình như vậy bởi rất nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất là, Bình sẵn lòng dạy học cho Chí mà không thu khoản phí nào. Đáng nhẽ, Chí cũng được đến trường nhưng sau khi lên lớp năm, nhà cậu xảy ra biến cố, việc đi học cũng không thể tiếp tục. Vừa hết bốn năm cấp một, Chí vẫn còn mang ước mơ thi vào một trường đại học danh giá. Thế mà chỉ chớp mắt một cái, giấc mơ hoá thành bọt biển.
Bình nhìn theo cậu nhóc Chí đạp xe đi, trong lòng thở hắt ra. Anh vuốt ve bức thư trên bàn, phân vân mãi cuối cùng cũng mở ra đọc.
"Thái Bình thân mến,
Không biết khi Bình đọc được lá thư này mùa thu đã đến chưa? Tôi ở nơi đây ngóng trông tin Bình.
Tôi vụng về không biết phải viết những gì, chỉ biết bày tỏ lòng nhớ nhung Bình qua những dòng hỏi thăm. Dạo này Bình có khoẻ không? Chân của Bình có còn bị đau nhức? Trái gió trở trời, Bình đừng chủ quan. Tôi mới tìm được một thầy thuốc đông y có tiếng, đợi mấy ngày nữa tôi sẽ gửi về cho Bình."
Không biết từ bao giờ, ngón tay Bình đã trở nên trắng bệch, anh siết lấy lá thư màu vàng. Dòng khí đè nặng trong tim lại xuất hiện, một tay Bình chống trán, tay còn lại giữa chặt lá thư. Anh rất sợ mỗi khi Lâm nhắc về chân mình, là sợ chứ không phải phiền.
Sống mũi Bình cay cay, anh xoa ngực, muốn mình hít thở nhẹ nhàng hơn một chút.
Lâm, Hoài Lâm. Cái tên ngự trị trong trái tim anh gần mười năm. Vì Lâm, anh có thể vượt núi băng đèo. Thế nên cuối cùng, Bình không còn "nhà", ngay cả đôi chân anh cũng trở nên tật nguyền.
Đôi mắt Bình khô khốc, anh nhìn ra ngoài trời, để gió cuốn đi nỗi cô đơn. Đợi đến khi tâm trạng bình ổn trở lại, Bình mới đọc tiếp tấm thư của người thương.
"Tôi ở trên Hà Nội đã kiếm được một công việc ổn định, đồng vào đồng ra cũng không cần lo lắng nữa. Tôi nghĩ, chẳng mấy chốc tôi có thể về đón Bình lên. Lúc ấy, chỉ mong Bình đừng chê tôi nghèo khó.
Tôi ở Hà Nội mong Bình được bình yên!"
Đọc những dòng cuối, chẳng hiểu sao Bình lại bật cười. Nào có chuyện anh chê Lâm cơ chứ? Lâm vì tương lai của cả hai mà lên Hà Nội kiếm việc làm. Những gánh nặng trên vai Lâm nào có thể miêu tả bằng một hai câu qua loa. Lúc ấy, anh chỉ mong Lâm không chê anh là một người què.
Đêm mùa thu không nhiều muỗi bằng mùa hè, sức khoẻ của Bình đã khá hơn nhiều, vậy nên anh mở toang một cánh cửa sổ để gió thổi vào. Cơn gió man mát, nhẹ nhàng ru anh chìm vào giấc nồng.
"Anh Bình, thầy gọi anh vào nói chuyện kìa!" Giọng nói quen thuộc của một cô gái trẻ vang lên bên tai Bình. Cậu quay đầu lại, phát hiện chính là cô út nhà cậu, Nhiên.
Bình gật đầu, đi vào trong nhà chính. Nhà Bình là một căn ba gian, gian giữa rộng rãi có bàn thờ ở giữa, hai bên chia làm nơi tiếp khách và chỗ ăn uống. Lúc này, ông cụ nhà cậu đang ngồi trên ghế, vừa nhấp chè vừa nhìn ra ngoài cửa. Thấy bóng dáng của Bình, ông đặt cốc chè xuống.
"Thầy ạ." Bình ngồi xuống đối diện cha mình, hai tay nghiêm chỉnh đặt trên đầu gối.
Cha cậu là thầy giáo trên trường cấp ba trên xã, với vẻ ngoài uy nghiêm, ông rất có uy vọng trong làng. Đi đâu, cậu cũng có thể nghe người ta gọi ông một tiếng "thầy Cung".
"Hôm nay tôi gọi anh tới là muốn nói về chuyện chị gái anh." Ông Cung cũng ngồi thẳng lưng, nói tiếp: "Chị anh năm nay cũng hai ba, tuổi cập kê qua từ lâu rồi, tôi thấy thế này là không ổn."
Bình gật đầu, cậu có dự cảm chuyện sắp tới sẽ khiến chị cả mình gặp rắc rối lớn. Cậu nói: "Vâng, hôm trước con có hỏi chị Nghiêm, hỏi xem chị đã ưng ai chưa."
Ông Cung gật gù, nghe Bình nói chuyện.
"Chị Nghiêm bảo con, hiện tại chị muốn kiếm tiền nuôi gia đình hơn là yêu đương trai gái!"
Quả nhiên, ông Cung nghe vậy nổi trận lôi đình. Ông đập bàn rõ to, chè trong chén cũng sánh ra ngoài.
"Vớ vẩn!" Ông Cung nhăn cả mặt lại, giọng nói có lực vang ra cả ngoài sân: "Nó thì làm được cái gì mà nuôi gia đình? Đàn bà con gái..."
Lời tiếp theo ông không nói tiếp nhưng Bình nghe ra được, ông vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ rất nặng nề. Ngược lại, chị Nghiêm của anh lại mạnh mẽ rắn rỏi. Nếu chị mà mang thân nam nhi, chị đã sớm xin ra tiền tuyến. Chẳng qua số đời lắm éo le, chị chỉ có thể lên trường học, rồi sau đó gánh bún đổi lương thực. Chị từng xin ông Cung cho đi làm hậu phương nơi tiền tuyến, nhưng tất nhiên ông Cung sao có thể đồng ý?
Mười năm gánh bún, vai chị đã bị đè nặng không biết bao nhiêu. Thỉnh thoảng Bình có theo chị nhưng cũng chỉ xách vài sọt không nặng chút nào.
"Thầy, bây giờ là thời đại nào rồi? Biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ lập chiến công hiển hách cho tổ quốc mình, chị Nghiêm mang chí lớn thầy phải thấy vui thay cho chị chứ?" Bình rũ mi, giọng nói đanh thép.
Ông Cung há mồm, cuối cùng không biết phải đáp thế nào, ông nhấc cốc chè lên tu một hơi. Suy nghĩ trong lòng khiến cho ông Cung khó lòng bình tĩnh.
"Anh đang cãi lời tôi đúng không?" Ông Cung giận dữ: "Có phải anh muốn cái nhà này loạn hết cả lên phải không?"
Bình thở dốc, lúc này cậu mới chỉ là một cậu bé mười lăm tuổi, dù có muốn bảo vệ chị mình thế nào đi chăng nữa thì cũng không có khả năng cãi lại được ông cụ. Bình nhìn ông cụ, nắm tay siết chặt cuối cùng lại thả lỏng ra. Hai mắt cậu đỏ hoe, nhỏ giọng: "Con không có ý đó thưa thầy."
"Ý con là, chị Nghiêm hãy còn trẻ..."
Chưa đợi Bình nói hết, ông Cung đã quát lớn: "Còn trẻ cái gì nữa? Năm nay đã bao nhiêu tuổi rồi? Bằng tuổi này của nó người ta đã có một hai đứa con rồi đấy!"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.