Mê Tông Chi Quốc

Chương 41: Thành nhện vàng - Hồi thứ nhất:tòa thành bốn triệu bảo tháp




"Vận may" - cái thứ ấy, có thể là bà mẹ đẻ đối với người này, nhưng lại là mụ dì ghẻ đối với kẻ khác.
Tư Mã Khôi cảm thấy mấy người của hội anh chắc đang được dì ghẻ nuôi dưỡng, bởi họ rơi vào nơi sâu nhất dưới đáy sơn cốc khổng lồ của núi Dã Nhân cùng với loài thực vật dạng kén. Địa hình nơi này rất đặc biệt, không biết bao nhiêu năm trước đã từng trải quả những kiếp nạn long trời lở đất nào, mà khiến mạch nước lún sâu dường vậy, lòng núi dần dần trống hoác, từ đó cả cánh rừng rậm nguyên sinh rộng lớn bị thụt xuống đáy động.
Lòng khe núi ngay sau đó liền phát triển loại thực vật bào tử giống hình chiếc ô, che phủ hoàn toàn cánh rừng rậm dưới lòng đất, ngày dài tháng rộng, chẳng ngờ lại tích bùn thành đầm. Huyệt động thâm u sâu hơn hai ngàn mét theo chiều dựng đứng này, mãi mãi chẳng bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời, bởi vậy tốc độ phân hủy mục nát của cây cối trong không gian ẩm ướt khép kín đã diễn ra rất chậm chạp, màu sắc nhợt nhạt, đập vào mắt chỉ thấy toàn như gấm dệt đen sì sì, nếu như không hề xảy ra biến cố gì, thì chỉ sợ thêm vài chục ngàn năm nữa, hình hài của nó vẫn giữ nguyên như cũ.
Mãi đến khi quả bom địa chấn trong chiếc tiêm kích vận tải phát nổ, chất độc màu da cam khuếch tán ra khắp nơi, hủy hoại lớp phủ thực vật dày đặc trong không gian kín mít dưới đáy cốc, rồi đầm lầy theo đó sụt lở xuống dưới, thì khu vực cấm địa này bởi vậy mới bị lộ ra ngoài.
Do điểm phát nổ không xảy ra ở nơi trung tâm sơn cốc, nên lớp phủ thực vật ở nơi xa nhất tuy cũng tận số diệt vong, nhưng mức độ hủy hoại không nghiêm trọng lắm, vẫn còn vô số những chiếc rễ đen sì, to lừng lững như cột đình đâm rủ xuống lòng đất. Bốn kẻ may mắn sống sót của đội thám hiểm đành lần mò trong đám tàn tích thực vật dưới lòng đất di chuyển dần xuống, hi vọng tìm thấy khu vực có thể bò ngược lên trên.
Ai ngờ, trong cánh rừng sâu dưới lòng đất thâm u, lặng ngắt một màu này lại ẩn giấu bức tường thành xếp bằng vàng. Thân tường cao vút, dựng đứng bị che phủ bởi bùn đất và rễ khô, gạt bỏ lớp bụi đất che phủ bên ngoài, liền lộ ra ánh vàng kim chói mắt. Bóng tối dày đặc và màn sương mù mỏng tang bủa vây tứ bề, khiến mọi người không thể nhìn rõ quy mô của bức tường vàng, chỉ thấy phù điêu khắc trên thỏi vàng trùng trùng điệp điệp, vô cùng vô tận, tuy dày đặc nhưng vẫn có thứ bậc, trình tự tinh ảo tuyệt luân, kỹ thuật chế tác hoàn mỹ như thể không phải vật chốn trần gian.
Hội Tư Mã Khôi giơ cao đèn chiếu halogen quan sát một hồi lâu, người nào người nấy đều tròn mắt kinh ngạc, chỉ thấy mỗi một thỏi vàng trước mắt đều được đúc thành một tầng khung tháp cổ khắc hình khuôn mặt người, bảy thỏi hợp thành một thể, quấn quanh chân tháp là mãng xà, hình thái mỗi con một khác, thiên biến vạn hóa, chẳng bức nào giống bức nào. Các bức phù điêu trong thân tháp lại vẽ trời đất bao la mênh mông, bên trên là trăng sao nhật nguyệt, bên dưới là sinh linh muông thú, tiên nữ phiêu bồng, mãng xà dữ tợn, dũng sĩ đầu người mình voi, thậm chí cả cuộc chiến tranh huy hoàng giáo vàng ngựa sắt và cả chư vị thần phật đang cúi nhìn chúng sinh chen chúc dưới phàm trần. Có thể nói, thiên địa vạn vật không gì không bao hàm trong đó.
Miến Điện chịu sự ảnh hưởng rất sâu sắc từ nền văn hóa Ấn Độ cổ, hàng ngàn năm nay, Phật pháp cực thịnh chẳng ngày suy vong, nơi nào cũng có đền đài miếu mạo nổi tiếng, nhưng thần phật trong những bức phù điêu vàng này, hình thái lại vô cùng đặc biệt, nhuốm đầy màu sắc tôn giáo ly kỳ nơi đất khách, thậm chí nó khác biệt rất lớn với hình tượng thần phật thường thấy ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Dường như từ bản thân những bức vẽ, người ta có thể nhìn thấy bóng dáng thần bí đã sớm biến mất của một vương triều cổ đại.
Bốn người nằm mơ cũng không thể ngờ tới trong cánh rừng già núi sâu Bắc Miến, lại có nhiều vàng thỏi đến vậy. Họ lần lượt gỡ bỏ lá cành mục nát hai bên ra, những thỏi vàng khảm đầy đá quý và phù điêu lần lượt hiện ra trước mắt. Không biết bức tường thành này rốt cục có điểm tận cùng hay không, bởi càng nhìn càng hoa mắt chóng mặt, trong khi ánh sáng của đèn chiếu chỉ soi rõ được khoảng cách trong vòng mười bước chân. Cảm giác này chẳng khác nào thầy bói mù xem voi, gần đó lại không hề có vật tham chiếu, nên hoàn toàn không thể phán đoán tình hình thực tế.
Mọi người không ngớt bàng hoàng, kinh ngạc, chỉ thấy một cảm giác chật chội, bí bách rất mãnh liệt chợt ùa giội vào mặt. Bức tường thành cao vút đúc đầy phù điêu vàng giống như một vị thần Kim Cương lạnh lùng, tàn khốc, nó im lặng điềm nhiên chấp nhận sự kinh sợ và kính nể của kẻ phàm trần. Hội Tư Mã Khôi nhìn hồi lâu, trong lòng không tránh khỏi cảm giác rờn rợn, xương sống gai lạnh. Sức mạnh của tôn giáo có thể khiến con người điên cuồng, rồ dại, chắc cũng chỉ có nguyên nhân này, mới tạo ra được một kỳ tích hiển hách và rạng rỡ dường vậy. Tận mắt chứng kiến sự tồn tại của những bức phù điêu bằng vàng, lập tức sẽ khiến đầu óc con người bật lên một cụm từ xuất thân từ Phật pháp: bất khả tư nghị, ý nói sự thần thông và trí tuệ của Phật tổ cao siêu huyền diệu đến mức người phàm trần không thể nào suy nghĩ bàn luận cho thấu đáo được.
Tư Mã Khôi vừa nhìn vừa đánh trống ngực vì quy mô của bức tường thành rộng lớn khó lường, nó ngang nhiên ngủ yên dưới lòng đất, dường như không thể nào đi vòng qua nổi.
Chỉ có trời mới biết người ta đã dùng bao nhiêu thỏi vàng để tạo ra nó. Móng tường nằm sâu dưới mặt đất một đoạn khá lớn, phần còn lại đều ẩn mình trong bóng tối, những gì nhìn thấy trước mắt chẳng qua chỉ là một khúc mà thôi. Thực không thể tưởng tượng được cổ nhân hàng ngàn năm trước rốt cục đã xây dựng nó bằng cách nào. Sơn cốc núi Dã Nhân bị sương mù trầm tích không tan bủa vây, nuốt chửng vô số sinh mạng, vì sao lại vùi chôn một lượng vàng nhiều đến thế? Chúng do triều đại nào để lại? Và những thỏi vàng tạc kín phù điêu ăn khớp hoàn toàn với nhau, tạo nên bức tường thành giống như một công trình kiến trúc này, rốt cục có hình dạng và quy mô như thế nào?
Trong khắp năm châu bốn bể, những điều lạ lùng kỳ quái chưa tận mắt trông thấy, chưa tận tai nghe thấy, không biết còn bao nhiêu nữa. Tuy hội ba người Tư Mã Khôi, La Đại Hải và Tuyệt, lưu lạc ở nơi tha hương rừng già núi thẳm đã không ít năm, nhưng những hiểu biết về lịch sử và văn hóa của Miến Điện cũng chỉ có hạn, nên chẳng ai nói được nguồn gốc, lai lịch của nó.
Tuyệt nhìn đến nỗi da nổi cả gai ốc, cô quay sang nói với Tư Mã Khôi: "Những bức phù điêu dát vàng này, dường như có điểm gì không giống lắm với những vị bồ tát thường thấy trong đền chùa ở Miến Điện, chúng cứ cổ quái thế nào ấy."
Tư Mã Khôi gật đầu: "Tôi từng nghe nói Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được hạ giáng trong một gia đình hoàng tộc, là con vua Tịnh Phạn nước Ca tì la vệ[27]. Khi mới sinh, ngài đứng trên bông sen vàng, hào quang trí tuệ tỏa sáng khắp mười phương thế giới, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, miệng nói: Trên trời dưới đất chỉ mình ta vĩ đại. Thân mình ngài màu vàng kim, ột trượng sáu, biến hóa thần thông, không gì không hiểu, không gì không thông, phổ độ chúng sinh thiên hạ, tướng ngọc trang nghiêm, diệu pháp vô biên, được người đời mệnh danh là Thiên Nhân Sư. Nhưng thần phật trên những bức phù điêu này đúng là có chút dữ tợn quái dị, tôi cảm thấy mấy hình người ngợm này nhìn chẳng phải loại lương thiện gì, chỗ nào cũng bốc mùi tà khí..."
Hải ngọng kinh ngạc nhìn khối vàng khổng lồ, không khỏi nảy sinh cảm giác thám phục, anh lấy tay vỗ bồm bộp vào mặt của một vị thần trên bức phù điêu, miệng nhắc nhở Tư Mã Khôi: "Thằng ôn nhà cậu mồm mép ý tứ một chút đi, đừng có thất đức như vậy được không hả? Dù sao thì cả đời tớ, đây là lần đầu cảm thấy vàng nó lại thường thế này, không ngờ có thể dùng làm vật liệu xây dựng, chẳng khác gì đất đá gạch ngói. Nếu chuyển số vàng này ra ngoài núi, đổi lấy vũ khí, không biết có thể trang bị cho bao nhiêu đội quân nhỉ? Đừng nói đến việc xới đất đánh chiếm lại Yangon[28] chỉ là chuyện nhỏ, mà nếu biết dùng tiết kiệm một tí, thì ngay cả phát động chiến tranh thế giới lần thứ ba chắc cũng chẳng phải vấn đề gì to tát lắm. Hải ngọng tớ bình sinh chỉ có một mong muốn, đó là trở thành bộ trưởng Bộ quốc phòng. Lúc lựa chọn mua vũ khí, tớ nhất quyết không thèm mua đồ của bọn khọm Mỹ, đồ Mỹ sản xuất tuy hiện đại thật, nhưng tần suất xảy ra sự cố rất lớn. Đồ của Tiệp Khắc, Canada và Liên Xô chế tạo vẫn da thật thịt thật hơn, cho dù dính mưa lớn hay ngâm dưới sông sâu đầm lầy cả ngày, nhưng chỉ vác lên một cái là vẫn bắn bòm bòm giòn tan như thường..."
Tuyệt khuyên La Đại Hải đừng có nổi lòng tham cạo vàng trước mặt Phật mà chuốc họa vào thân, huống hồ từ lúc mọi người chạy trốn khỏi hiện trường quả bom địa chấn phát nổ, họ đều bị chất độc màu da cam gây bỏng. Tuy rằng không biết trong trái bom đó cụ thể chứa loại chất độc hóa học gì, nhưng nhìn mức độ ô nhiễm và hủy hoại mà nó gây ra cho hệ thực vật dưới lòng đất, cũng có thể lường được cuối cùng bọn họ cũng chẳng thể gặp được kết cục gì tốt đẹp. Giờ đây, họ vừa thoát kiếp nạn để hồi sinh, đã là vạn hạnh trong mọi bất hạnh rồi, điều nên nghĩ lúc này là mau chóng tìm cách thoát khỏi núi Dã Nhân mà trở về Trung Quốc trước khi đại hạn kịp xảy ra, làm sao còn tâm tư mà động lòng tham nữa?
Tư Mã Khôi nói: "Tuyệt nói rất phải! Có điều, vàng là thứ có thể khiến người ta nhìn mà động lòng, ai ai cũng yêu thích, không chỉ mỗi người Trung Quốc chúng ta thích đâu, mà nhân dân trên toàn thế giới đều thích cả, vì nó tượng trưng cho hòa bình. Tôi thấy nếu như chúng ta vì nền hòa bình của toàn nhân loại, mà khuân hết số vàng bạc châu báu ở đây ra ngoài, cho dù Phật tổ có biết, thì người cũng cảm thấy hãnh diện mà thôi..."
Tư Mã Khôi vừa nói chuyện với Tuyệt và La Đại Hải vừa đưa mắt liếc trộm Ngọc Phi Yến, phát hiện thần sắc cô ả rất bất an, thậm chí còn có vài phần khiếp sợ, không biết là vì nguyên do gì. Từng có một vĩ nhân đã nói rất hay thế này: "Một tên trộm mộ không muốn phát tài, thì không thể coi là một tên trộm mộ đạt tiêu chuẩn". Tư Mã Khôi cảm thấy việc này hết sức khác thường, liền hỏi Ngọc Phi Yến xem cô nàng đã phát hiện ra chuyện gì.
Ngọc Phi Yến rốt cục vẫn là một nhân vật xuất chúng hàng đầu trong giới trộm mộ, nhìn thấy trên những bức phù điêu bằng vàng có rất nhiều tháp cổ, trong đầu đại thể đã phác họa ra nét khái quát của sự việc, chỉ có điều biết chừng ấy cũng mới chỉ như ếch ngồi đáy giếng mà chê trời bé như chiếc vung, tức thời không thể nói chính xác hoàn toàn được, nên vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn. Thấy Tư Mã Khôi hỏi, cô ta mới định thần lại, trả lời: "Tôi thấy màu sắc của mấy thỏi vàng kia có gì đó hơi kỳ quái, không giống với vàng thật, nhưng rốt cục nó là loại vật chất gì, hiện thời tôi cũng chưa phân biệt nổi. Ngoài ra dãy phù điêu đồ sộ này không phải thành trì, cũng chẳng phải đền chùa miếu mạo, chỉ sợ nó chẳng phải bất kỳ công trình kiến trúc nào mà chúng ta có thể tưởng tượng, hơn nữa đáng lẽ nó không thể xuất hiện ở núi Dã Nhân mới phải..."
Mọi người nghe xong càng cảm thấy mơ hồ không hiểu, tuy rằng họ quanh năm chiến đấu ở khu vực vùng núi Bắc Miến, nhưng chưa hề nghe qua chuyện này, câu hỏi chứa đầy một bụng mà chẳng biết nên bắt đầu hỏi từ đâu.
Thần sắc Ngọc Phi Yến rất nghiêm trọng, cô nói: "Rất có khả năng đây chính là tòa thành Nhện Vàng do quốc vương Anagaya của Chăm Pa xây dựng, còn được gọi là tòa thành bốn triệu bảo tháp." Sau đó cô liền kể tóm tắt với mọi người đầu đuôi sự việc, thì ra cái được gọi là tòa thành Nhện Vàng là một truyền thuyết cổ xưa được lưu truyền từ hàng ngàn năm. Trước đây, Chăm Pa từng tồn tại một vương triều vô cùng cường thịnh và hiển hách, lịch sử gọi là vương triều Bagan, phạm vi lãnh thổ của nó vượt sang cả phần đất Việt Nam và phía bắc của Lào, tín ngưỡng khởi nguồn từ thể hệ tôn giáo thần thú Vệ Đà (Veda) của Ấn Độ giáo cổ đại. Họ chuyên sản xuất vàng, ngọc đẹp, ngà voi, đá quý, và đó là một vương quốc hùng mạnh, thịnh vượng nhất trong khu vực, bởi thế chư quốc xung quanh đều nhăm nhe nhòm ngó, xâm lăng nhiều lần. Thế nhưng người Chăm Pa cổ đại phía bắc đã đánh cản được các vương triều đến từ Trung Nguyên, phía nam lại dẹp tan các vương triều của Việt Nam, Lào... trước sau không bao giờ mất thế thượng phong; mãi cho đến khi Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt phái đại quân chinh phạt, mới khiến đất nước Chăm Pa cổ dần dần trở nên suy yếu, hậu duệ của họ đến nay vẫn còn một bộ phận ở lại các nước Lào và Việt Nam.
Thành trì của người Chăm Pa cổ đại và lăng tẩm của các vương hầu quý tộc, đại đa số đều bị khói lửa chiến tranh hủy hoại, số ít những di tích hoang tàn còn lại, cũng sớm trở thành sào huyệt cho rắn chuột dơi cú ẩn mình. Ở Việt Nam đến nay vẫn lưu truyền một truyền thuyết liên quan đến tòa thành Nhện Vàng của vương triều Chăm Pa. Giờ đây, tuy các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những di tích lịch sử kỳ vĩ như Angkor Wat ở Campuchia, Buddha Bà La Môn ở Indonexia v.v... nhưng tất cả đều kém xa, không thể so sánh với tòa thành này, chỉ có điều trước sau không thể tìm đủ chứng cứ để chứng minh nó thật sự tồn tại.
Tương truyền ở phương Tây cổ đại có tháp Thông Thiên do vua Babylon xây dựng, còn phương Đông có tòa thành Nhện Vàng đối sánh. Dưới thời kỳ vua Anagaya cai trị, ông ta đã cho đúc một tòa thành trì bằng vàng, khảm nạm các loại đá quý và ngọc phỉ thúy, các bức phù điêu trên tòa thành có vô số hình bảo tháp, bởi vậy nó mới mang tên này. Nó lộng lẫy rực rỡ tuyệt đỉnh, dường như có thể tranh ánh hào quang cùng nhật nguyệt. Có điều, công trình kiến trúc này tuy gọi là thành mà thực ra không phải thành, bởi chỉ do quy mô của nó quá lớn, mà theo quy định của người xưa: phạm vi xây dựng vượt quá mười dặm, được gọi là thành, nên mới có chữ "thành" ấy, còn về bên trong chứa đựng những gì, hoặc giả nói trong thành có tồn tại cung điện lâu đài gì hay không thì từ trước đến nay chưa ai chứng thực được.
Người Chăm Pa cổ rút kiệt ngân khố quốc gia đổ dồn vào tòa thành Nhện Vàng, và từ đó trở đi đất nước cứ dần lụi bại, không thể chấn hưng, rồi cuối cùng mang đến vận đen suy bại diệt vong cho hậu thế. Các vương triều từng xâm lăng chinh phục Chăm Pa cổ, lại đều không thể phát hiện tung tích tòa thành này, cho nên nhiều người cho rằng: "Giai đoạn lịch sử thần thoại ly kỳ, cùng tòa thành Nhện Vàng bí ẩn khó lường này, có khả năng chỉ là một truyền thuyết hoang tưởng mà thôi, chứ chưa chắc đã thực sự tồn tại trên đời".
Mãi cho đến khi đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, kẻ xâm lược đã cướp bóc được một lượng lớn văn vật cổ từ Việt Nam và Lào, trong đó có cả mấy bức bích họa của nước Chăm Pa còn lưu truyền lại, nội dung bức vẽ miêu tả hình của bốn triệu tòa bảo tháp, và điều này đã cung cấp cho những nhà nghiên cứu hậu thế rất nhiều thông tin quý giá. Từ đó, người ta mới phát hiện ra tên gọi tòa thành bốn triệu bảo tháp, kỳ thực không được chuẩn xác lắm, bởi vì con số bốn triệu chỉ là con số giả tưởng, còn bảo tháp trong bức phù điêu vàng rốt cục có bao nhiêu, thì chẳng ai có thể nói chính xác. Ngoài ra, nó cũng không phải một tòa thành trì, càng chẳng phải công trình kiến trúc mang ý nghĩa thông thường như miếu thần, tường thành hay lăng tẩm.
Từ màu sắc mấy bức bích họa người ta có thể thấy hình thù kỳ quái của nó, đại thể đó là một kiến trúc hình bánh răng do nhiều thỏi vàng xếp khít vào nhau, phần giữa hình bầu dục, phía ngoài có tám chân dài ngắn khác nhau vươn ra tứ phía, cấu tạo chỉnh thể tương tự với hình dáng một con nhện. Nhận thức của các học giả cận đại về nó, phần lớn đều dựa vào bình diện bức bích họa và tài liệu cổ ghi chép, ngoài những thứ đó ra, chẳng còn khảo chứng nào khác, bởi vậy người phương Tây đều gọi nó là tòa thành Nhện Vàng. Họ cho rằng, đây chỉ là một phù hiệu hoặc tô tem cổ của vương triều Chăm Pa, chứ chưa hẳn là một vật thể có thật.
Cho dù tòa thành Nhện Vàng thực sự tồn tại trên đời, thì cũng phải nằm trong lãnh thổ phía bắc Việt Nam hoặc Lào mới đúng. Ngọc Phi Yến lúc này tận mắt nhìn thấy tháp cổ trùng trùng điệp điệp trên các bức phù điêu, mới biết đến tám chín phần mười, đây chính là tòa thành bốn triệu bảo tháp của vua Chăm Pa, không ngờ nó lại bị vùi chôn dưới sơn cốc khổng lồ của núi Dã Nhân Bắc Miến, nên chẳng trách từ trước đến nay người ta không thể tìm thấy tung tích của nó.
Nhận thức của thế giới đối với vật thể thần bí như tòa thành Nhện Vàng này, từ trước tới nay vẫn vô cùng có hạn. Chỉ biết tòa thành bốn triệu bảo tháp đã dùng vô số thỏi vàng đúc thành phù điêu xếp chồng lên nhau mà thôi. Chưa ai giải thích được vì sao người cổ xưa lại muốn xây dựng nó. Ngoài ra, thần thú Vệ Đà mà vương triều Chăm Pa cổ thờ phụng lại chẳng hề có thân thể thực, nhưng lại có vô số hình thể tượng trưng rất kỳ dị quái đản, mà mãng xà và tháp cổ chính là tượng trưng đáng sợ nhất, bởi nó dự báo sự kết thúc và cái chết.
Ngọc Phi Yến cảm thấy trên những bức phù điêu vàng kia lờ mờ tỏa ra mùi tử khí rất nặng nề. Chỉ có ma quỷ mới biết vì sao vua Anagaya lại cho xây dựng con quái vật ấy, hơn nữa Nấm mồ xanh lại bất chấp mọi giá để đi tìm vật này. Lẽ nào tất cả chỉ vì một mục đích đơn giản là vàng thôi sao? Phải chăng trong tòa thành bốn triệu tòa bảo tháp còn ẩn chứa những bí mật nào khác? Cô nói với mọi người: "Nếu như chúng ta còn muốn giữ mạng sống, thì phải rời khỏi nơi đây càng xa càng tốt..." Giữa lúc cô đang nói, thì bỗng nghe thấy ở nơi sâu hút trong bóng tối truyền lại từng chuỗi âm thanh của cành khô đang di chuyển cọ xát, nghe "ken két", lúc đầu còn cách quãng, yếu ớt, càng về sau càng gấp gáp và rõ ràng hơn, âm thanh nghe đau buốt đến tận óc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.