Cô thường thấy bác sĩ trong mơ
......
Không lâu sau khi Lý Kiến Khôi hẹn Úc Tuyền Thu gặp mặt, anh đã rời đi cùng đội dọn tuyết.
Sợ cô sẽ bị bắt nạt, anh đặc biệt căn dặn ông xưởng trưởng và bè lũ cấp dưới ngay trước mặt toàn bộ công nhân trong xưởng: Tôi, Lý Kiến Khôi, được cấp trên xem trọng, hiện tôi đến vùng đất Đông Bắc khai hoang với cương vị đại đội trưởng. Người tôi không yên tâm bây giờ nhất chính là đồng chí Úc, xin nhờ xưởng trưởng quan tâm đến cô ấy nhiều hơn. Sau này tôi viết thư cho cô ấy, tôi mà nghe cô ấy nói điều gì không hay, thì đừng trách tôi không nể tình đồng bào bà con.
Người bình thường khi biết tin con trai mình trở thành trung đội trưởng đã cười muốn bất tỉnh, huống chi, đây là đại đội trưởng, là quan viên có thể đè chết người trên Ma Tử Lĩnh.
Nghe anh nói như vậy, ông xưởng trưởng vội khom lưng, luống cuống cúi đầu thề thốt với anh, nhất định sẽ để cuộc đống của đồng chí Úc có được đãi ngộ tốt.
Nhờ phước Lý Kiến Khôi, khối lượng công việc đè lên vai cô cuối cùng đã được giảm bớt. Song, điều khiến cô biết ơn Lý Kiến Khôi hơn cả chính là anh đã nói cho cô biết vị trí của bác sĩ.
Đối với cô, tin tức về bác sĩ chính là cơn mưa rào thấm ướt trái tim hoang vắng của cô, giống như người lạc lõng trong sa mạc nhiều ngày nhiều đêm bỗng bắt gặp một ốc đảo tươi mát.
Hằng ngày phơi mình dưới cái nắng độc hại như thiêu như đốt giữa cánh đồng, cô không còn thấy khổ và mệt khi nhai cỏ cùng mấy con trâu già nữa.
Giống như các cô gái trẻ trong đội văn hoá mới thành lập trong xưởng thép trên núi từng hát: Cách mạng là ánh dương sưởi ấm nhân dân và mang lại hy vọng.
Hưởng ứng lời kêu gọi thanh niên của Chủ tịch, trong đội văn hoá gồm toàn những cô gái đang ở độ xuân xanh. Tuy các cô bé còn nhỏ, nhưng giọng hát như chim cuốc hót vào mùa xuân vô cùng trong trẻo, giai điệu không mấy dễ nghe là bao, nhưng âm sắc chính là điểm nhấn.
Có lúc cô mệt, khi ưỡn lưng lên lau mồ hôi, cô cũng sẽ ngân nga đôi câu vài lời: Lò lửa cách mạng cháy đỏ, sưởi ấm nhân dân, tạo nên anh hùng...
Có ấm hay không, cô không biết. Chỉ biết những ngày nắng tháng Tư, tháng Năm trên Ma Tử Lĩnh nóng đến mức da thịt chỉ muốn lìa thân, nào ai cần thêm sưởi ấm.
Nhưng kể từ ngày nghe được tin tức của bác sĩ, cho dù có mệt mỏi đến đâu, cô cũng có thể mơ thấy bác sĩ mỗi ngày.
Bác sĩ vẫn dịu dàng và xinh đẹp như thế, có khi bác sĩ mặc chiếc sơ mi trắng cổ bẻ khi mới đến xưởng thép, có khi lại là chiếc áo quân phục làm tôn lên dáng người thanh mảnh của bác sĩ.
Trong những bộ quần áo muôn vẻ khác nhau, bất kể biểu cảm trên khuôn mặt bác sĩ có thay đổi ra sao, trong mơ cô vẫn thấy rất rõ sự dịu dàng thấu xương và cử động nhỏ trên đôi lông mày khi bác sĩ khẽ mỉm cười.
Nhiều khi, thậm chí cô còn mơ thấy bác sĩ đứng dưới gốc cây long não mới trồng trước nhà cô, vẫy tay và mỉm cười với cô.
Đôi lông mày đen tuyền cong lại như vầng trăng khuyết treo trên ngọn cây mỗi khi cô đi làm về. Cây long não sau lưng đã vừa cao vừa to lớn, ánh nắng mặt trời rọi xuống tán cây, phản chiếu lỗ chỗ lên người bác sĩ, khiến trái tim cô như uống phải một chút rượu trắng, vừa đau vừa say.
Muốn chào bác sĩ, mở miệng ra, nhưng không nói được lời nào, mồ hôi nhễ nhại vì hồi hộp, tỉnh dậy rồi mới biết mình lại nằm mơ.
Lần nào tỉnh dậy cũng là nửa đêm.
Cô không có đồng hồ, cũng không biết rốt cuộc là mấy giờ, chỉ nhìn vầng trăng ngoài kia vẫn treo tại phương nam, cô biết đã nửa đêm.
Vừa nhìn sắc trời bên ngoài vừa nhớ bác sĩ, thẫn thờ để mặc cho thời gian trôi. Khi không thể chống lại cơn buồn ngủ được nữa thì tiếng còi gọi đi làm réo lên.
Lần nào cũng ngủ không đủ giấc, ngày qua ngày, ngay cả Mục Mục cũng nhận ra cô thường xuyên mất hồn.
Có một đêm cô đi làm về, thấy bé con chạy "bịch bịch bịch" tới như chú vịt nhỏ.
Đang thắc mắc vì sao đã muộn thế này mà con chưa ngủ, chợt thấy Mục Mục ra vẻ thần bí, thò lá chuối giấu từ sau lưng, nũng nịu nói với cô: "Mẹ, có phải buổi tối mẹ nóng quá không ngủ được không? Để con quạt cho mẹ. Bà nói, mẹ cần phải ngủ ngon, nếu không sẽ ốm đấy."
Nói xong, Mục Mục hươ lá chuối quạt trái quạt phải.
Gió mát hiu hiu phả vào mặt cô, khiến nước mắt cô cứ thế ứa ra mãi.
Mấy tháng nay con gái cô gầy và đen đi rõ rệt, lá chuối to như thế, chưa quạt được bao lâu đã chịu không nổi, đôi tay đau nhức vì mỏi nhưng vẫn cứng đầu không chịu buông, vẫn bướng bỉnh muốn quạt cho mẹ.
Cô thấy tim mình đau lắm, vội ôm lấy con, không cho con quạt nữa.
Sờ lên đôi vai gầy guộc của con, nghĩ đến tiếng khóc của con khi cô nặn mụn nước cho con sau mỗi buổi đi đẩy xe lu đá về, lòng cô đau đớn và đắng ngắt như ăn phải mười cân hoàng liên.
Mục Mục năm nay mới chỉ vài tuổi đã phải khổ như vậy, con bé lại còn nhỏ nhắn, nó có lỗi gì đâu, sao các người bắt nó chịu khổ cải tạo cùng mẹ nó?
Cô không hiểu, cũng không muốn biết cách mạng mang hơi ấm đến cho nhân dân bằng cách nào. Cô chỉ biết hơi ấm của cô là bác sĩ, nếu không gặp được bác sĩ, có lẽ cô không còn sức để sống tiếp nữa.
Vì vậy cô nghĩ, kiểu gì cũng phải tìm cách đi Đồng Sơn, nếu không, cô sẽ chết thật nếu lâu ngày không gặp được bác sĩ.
Quyết định xong, cô lập tức tìm cách đến Đồng Sơn.
Bấy giờ bên ngoài không có đoàn xe qua lại. Nếu muốn ra ngoài, chỉ có thể đi bộ bến xe dưới trấn Ma Tử Lĩnh.
Nhưng mùa xuân năm nay qua đi, không biết vì lý do gì mà bến xe cứ như biến thành tài sản riêng của nhà ông thị trưởng, phí xe cứ tăng rồi lại tăng. Cô nhờ người đi hỏi, mới biết một chuyến khứ hồi đến Đồng Sơn cũng tốn khoảng mười tệ.
Mười tệ, cộng thêm tiền ăn trên đường, tiền dự phòng và muôn vàn chi phí khác, cô nghĩ ít nhất phải ba mươi tệ mới đủ.
May mà khi đi làm, ngoài công điểm ra, người ta cũng phát cho cô một ít tiền. Tuy không nhiều, nhưng nếu cố gắng gom góp lại, cô tin rằng chí ít bản thân có thể kiếm đủ ba mươi tệ.
Hơn nữa, ngoài đi làm, cô còn phát hiện ra cách kiếm tiền mới.
Ba tháng sau khi các bác sĩ rời đi, một chiếc xe giải phóng bán tải màu xanh lá cây lại đưa một nhóm người tay xách hành lý tới.
Không phải lớp trẻ như nhóm bác sĩ, hầu hết họ đều là những ông bà già trên năm mươi tuổi, ai nấy đều có mái tóc bạc trắng, bước đi khệnh khạng, rầu rĩ âm u, trên người mặc bộ quần áo xám xịt như lũ chuột trong hang động tối tăm, khiến người ta có cảm giác rất khó coi.
Ông xưởng trưởng giới thiệu, đây là những người được đưa từ thủ đô đến, họ khác với những người cần phải cải tạo chỉ vì thành phần gia đình không đúng đắn. Hầu hết những người này là những đối tượng cần được chú ý đặc biệt, trong lý lịch bị ghi chi chít những tư liệu xấu, là những đối tượng phải được chú trọng cải tạo.
Quả nhiên, đúng như cô Sáu nói, Ma Tử Lĩnh chỉ là nơi cải tạo thích hợp dành cho những ông bà già. Những người này dù có già đến đâu, đều bị đưa vào học tập trong sở huấn luyện.
Vì vậy, vào ngày thứ hai sau khi nhóm người này đến, ông xưởng trưởng đã cho vài nam thanh niên trai tráng làm đội trưởng cải tạo cho nhóm người này, yêu cầu đội trưởng phải dẫn dắt họ làm việc và rèn luyện.
Họ không những phải tự tay đắp chỗ ở bằng một bãi bùn và một đống rơm, mà còn phải tự đào giếng trong vườn rau, có lúc ông xưởng trưởng còn sai họ ra đồng đào ruộng, cấy lúa, chăn trâu, cái gì cũng làm.
Công việc quá nhiều, quá nặng, đến cả áo quần cũng không có thì giờ mà giặt giũ. Nhưng những người này làm việc nhiều, tiền lương mỗi tháng cũng nhiều đến quái lạ. Có tiền, họ lén lút nhờ những người dân sống xung quanh giặt quần áo hộ những khi rảnh rỗi trong giờ làm.
Giặt một lần kiếm được vài hào bạc, Úc Tuyền Thu thấy khá hợp lý, lãi hơn so với nai lưng làm việc trên ruộng nhiều. Thế là cô dựa vào việc này để dần dần tích cóp tiền.
Thói đời đã thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Trong mắt người dân địa phương trong xưởng thép, những người này thuộc tầng lớp thấp nhất và dễ bị bắt nạt nhất.
Những cây rau mà nhóm ông bà già phải còng lưng trồng trọt, chẳng hạn như rau hẹ, thường bị cắt trộm ngay khi chỉ vừa nhú mầm, nhờ người giặt quần áo hộ thì cũng thường mất hút.
Những người trong xưởng thép đắc chí vì đang cống hiến cho đất nước bằng cách cải tạo những ông bà già này, nhưng Úc Tuyền Thu lại không nghĩ những ông bà ấy có tội tình gì cả.
Những ông già ấy đều nói chuyện rất văn minh, không biết nói dù chỉ là một chữ chửi thề, tốt hơn nhiều so với lũ đàn ông cứ đến mùa hè là cởi trần đen nhẻm, hôi hám, cứ mở miệng ra là "** mẹ mày", đầu óc lúc nào cũng quẩn quanh làm sao để lừa con gái nhà người ta lên giường.
Các bà già cũng rất tốt bụng, không độc ác như đám đàn bà chua ngoa không cho con dâu được ăn uống.
Hơn nữa, họ luôn đem lại cảm giác như người ông đã khuất của cô, không chỉ vì tuổi tác, mà vì một cảm giác khó tả.
Ông nội cô từ nhỏ đã học nghề trong một rạp sách nhỏ trên thành phố, do phụ giúp chủ hiệu in sách báo, nên ông được nghe và nhìn thấy rất nhiều chuyện. Khi cô còn bé, ông rất thích ôm cô và kể chuyện cho cô nghe.
Nhóm ông bà già này còn biết nhiều câu chuyện cổ hơn cả ông nội cô. Có đôi khi một vài ông bà già quen biết cô lại lén lút tặng quần áo qua mỗi khi rảnh rỗi. Thấy Mục Mục ngồi trên chiếc ghế nhỏ viết viết vẽ vẽ gì đó lên bảng chữ, họ đều không thể cầm lòng mà xoa đầu, ôm và thơm cô bé, dạy Mục Mục từ này đọc là gì, tranh này vẽ thế nào, cứ như thể đang thương yêu một đứa cháu ruột vậy.
Nhờ ơn bọn họ mà Mục Mục học được nhiều điều hơn trong thời gian này, thậm chí còn biết nhiều hơn lên lớp.
Bởi vậy, cô cũng rất khách sáo với nhóm ông bà già này, họ cần giúp gì là cô giúp nấy, chỉ khi nào bí quá mới nghĩ cách tìm người khác giúp đỡ.
Cứ như vậy một lần, hai lần, hầu như ông bà già nào trong sở huấn luyện cũng quen biết cô, vì cô không ăn cắp quần áo, lấy tiền giặt hợp lý, lại còn thân thiện. Dần dần, mọi người đều ngầm đồng ý rằng chỉ gửi quần áo đến chỗ cô.
Chưa kể, sợ cô mỏi tay hoặc đau tay, họ sẽ không gửi quá nhiều quần áo trong một lần. Nếu cần phải mặc gấp, họ sẽ biết ý gửi quần áo kèm theo một hoặc hai lọ kem dưỡng tay của địa phương sản xuất.
Quần áo quá nhiều, cô và mẹ cô thực sự quá bận, nên có một lần khi đến thị trấn nghe ngóng tin tức về Đồng Sơn, cô đã dẫn hai cô gái về nhà giúp phụ việc.
Hai người, một người bị câm, tròn mười lăm tuổi, sợ đẻ con ra cũng sẽ bị câm nên không người đàn ông nào dám thích, bị cha mẹ ghét bỏ vì nghĩ cô bé là gánh nặng, họ chửi rằng nuôi chỉ tổ tốn thêm tiền làm của hồi môn, và đuổi thẳng cô bé ra ngoài.
Khi cô bé ấy đang gửi thư cho một ông già trong thị trấn, tình cờ Úc Tuyền Thu cũng ở gần bưu điện.
Cô bé ăn mặc tả tơi, dây buộc bím tóc len trên đầu căng như sắp đứt ra, không biết vớt được ở đâu cả một mẹt ốc, khi Úc Tuyền Thu ra khỏi bưu điện, cô bé rụt rè bước lại gần như muốn hỏi cô có muốn mua không.
Hên là lúc đó là một buổi trưa nắng nóng, các "tiểu tướng" đi tuần tra trên đường đều đã về nhà nghỉ ngơi, nếu không, chắc chắn cô bé ngốc nghếch đó đã bị bắt đi với tội danh "mưu đồ khôi phục nền kinh tế tư bản chủ nghĩa".
Có một cô bé nữa, cũng mười lăm tuổi, hồi tám tuổi bị bán làm cô dâu nhi đồng, khi đó chồng của cô bé vừa ra đời, còn chưa kịp đợi chồng lớn lên đã bị đàn ông lừa mang thai năm mười bốn tuổi.
Nhà chồng tức giận, nhốt cô vào rọ heo ngâm xuống nước cho chết đuối, may mà cô bé số đỏ, năm ngoái Ma Tử Lĩnh hạn hán nghiêm trọng, sông không dìm chết được cô bé, cũng không chết vì bị sẩy thai.
Sau khi vớt được một cái mạng trên bãi sông, cô bé một mình chạy đi, tìm việc khắp nơi, tình cờ gặp được Úc Tuyền Thu khi đang giúp kéo bếp lò cho một thợ rèn trong thị trấn.
Khi Úc Tuyền Thu đến đó rèn lại nông cụ cho các ông các bà, cô vô tình nghe ông thợ rèn kể về cô bé đó, vừa thở dài vừa nói với cô:
"Con gái à, ngày tháng dạo này vất vả, nói là phải lao động tập thể, nhưng hãy nhìn xem, nào có thứ thép nào không phải do bác làm ra, cả đám người suốt ngày ung dung sống vui vẻ, chỉ có những người hiền lành như bác mới làm việc. Có cô bé kéo lò giúp bác đây, đáng thương lắm, chỗ bác hay có bọn lưu manh đến, chẳng được yên ngày nào. Con gái à, con từ xưởng thép xuống phải không, có thể mang cô bé này đi theo làm việc cùng được không? Dù sao xưởng thép cũng thuộc quản lý của nhà nước, bác đã lớn tuổi rồi, đánh không lại bọn lưu manh ấy, nhỡ như cô bé bị bọn ấy bắt nạt, thì phải làm sao?"
Ông thợ rèn than thở, rưng rưng nước mắt nói với cô, cô cũng cảm thấy cô bé có hoàn cảnh rất giống mình. Thở dài một hơi, bèn dẫn cô bé về nhà.
Họ nhờ một ông già sống trong một căn phòng khác cùng nhà họ ra, cho hai cô bé vào ở, nói với người ngoài rằng đây là hai cô em họ đến cậy nhờ. Dù sao mọi người cũng không biết về quan hệ họ hàng của cô.
Với sự giúp đỡ của hai người, cuộc sống mỗi ngày cũng khá hơn rất nhiều, hai cô gái nhỏ đều rất hiền lành, coi Mục Mục như con gái ruột, không đòi hỏi điều gì cả, chỉ cần ăn một ngày ba bữa là cười tít cả mắt.
Ngồi bên cạnh, cô nhìn mà đau xót, thế gian khốn khổ như vậy, không biết bác sĩ đang sống ra sao?
Hai tháng cứ như vậy trôi qua, Ma Tử Lĩnh bước vào thời gian nóng đỉnh điểm là tháng Bảy và tháng Tám.
Một ngày nọ, Úc Tuyền Thu mở hũ tiền ra nhìn, chợt phát hiện đã dành dụm được gần 50 tệ, số tiền này chắc cũng rủng rỉnh để đi gặp bác sĩ.
Ngay khi cô đang háo hức ôm tiền đi tìm bác sĩ, thì Ma Tử Lĩnh lại phái một chiếc xe hơi đưa hai người đến.
......