[Lão Cửu Môn] Phiên Ngoại Trần Bì A Tứ

Chương 12: Châu chấu nước Hoàng Quỳ




Những chuyện đã xảy ra trên sông trong suốt mấy tháng nay vượt xa khỏi tưởng tượng của dân ven bờ rất nhiều.
Phần lớn đám châu chấu nước sông Trường Giang đến từ trong các khu vực hồ thuộc các nhánh của sông Trường Giang, sau một trận giao tranh, đám thủy phỉ có võ trang bèn rút hết về Trường Giang. Thuyền thì ít mà châu chấu nước thì nhiều, mấy đại bang phái vừa nổi lên là xông thẳng ngay vào các bãi thuyền của đối phương, mấy trăm cái xác người nổi lềnh bềnh trên sông.
Trần Bì từng nghe nói, đám châu chấu nước Hoàng Quỳ vốn xuất thân từ hồ Động Đình, tên thủ lĩnh đầu tiên là một gã đạo sĩ, vốn nương thân trong am Hoàng Quỳ. Thuở sơ khai, nhóm đầu tiên rặt một lũ đạo sĩ từ đạo quán mà ra, sau khi làm thủy phỉ mới tự xưng mình là Hoàng Quỳ.
Thông thường, châu chấu nước chia làm hai loại. Một loại là thuyền phỉ, ngày thường bọn chúng tổ chức cướp bóc các thuyền thương buôn, nhưng nguồn thu chủ yếu đến từ việc buôn lậu và buôn muối, việc cướp thuyền chẳng qua là do có được thông tin chính xác mà thôi. Loại thứ hai là hạn phỉ, là lũ giặc cướp từ trên bờ nhảy lên thuyến, cướp bóc của khách trên thuyền, sau đó đến giữa sông có kẻ ra tiếp ứng. Loại châu chấu nước thứ nhất có tổ chức lớn, quy củ nghiêm khắc, còn loại thứ hai vừa xảo quyệt vừa tàn nhẫn.
Đến ngày nay, có mấy chục con châu chấu nước ùa cả vào Trường Giang, cứ như là nuôi cổ độc vậy. Bọn chúng ra sức cướp sông cướp thuyền, giết chết hàng mấy trăm người. Lũ thủy phỉ còn sống sót nghe nói đều đầu nhập vào băng Hoàng Quỳ cả, dần dần Hoàng Quỳ trở thành thủy bang đệ nhất Hán Khẩu. Băng này thành phần hỗn tạp, xem ra gã lão tổ Hoàng Quỳ này ắt phải có chút bản lĩnh. Chẳng qua, nghe nói dưới tay Hoàng Quỳ có tất cả bảy mươi tám lá cờ miễn thuế, lá cờ này rốt cuộc là của ai, thì quả thực không thể biết được.
Trần Bì kéo lê tấm ván gỗ bảng hiệu của mình, trên cổ lủng lẳng một xâu tiền, tay cầm một lá cờ miễn thuế, đi rêu rao khắp phố chợ.
Hình tượng của hắn ngày càng tức cười, người đi đường đều chỉ chỉ trỏ trỏ, lấy làm nực cười lắm. Nhưng Trần Bì vẫn hồn nhiên không biết, lại còn ưỡn ngực hếch mặt hẳn lên.
Bách Bình Lâu nằm ven đê sông, trước cửa vốn là một bãi đất hoang, có đủ các hàng ăn vặt kéo đến đây bày sạp. Nhưng phải sau bốn giờ chiều, họ mới lục đục bày hàng, định mở đến tận sáng ngày hôm sau. Tuy là hàng ăn vặt, nhưng cũng không đến nỗi khổ cực, bởi các sạp hàng này đón tiếp toàn những thủy thủ từ các thuyền buôn, Bách Bình Lâu lại là sản nghiệp của Tào bang. Nơi này ngư long hỗn tạp, nhiều châu chấu nước trà trộn vào trong này để nghe ngóng tin tức.
Trần Bì tìm một quán mì, bước vào rồi ngồi xuống, đặt tấm bảng hiệu của mình tựa vào cạnh bàn, rồi đập một đồng xu xuống bàn. Ông chủ tiệm mì này tên là Thái Minh Vĩ, quanh năm làm ăn buôn bán trên con phố ven đê Trường Giang, nhưng hiện nay phố đê đang xây công sự, ông ta đành rời tiệm đến nơi này. Nước mì tuyệt ngon, người ta xếp hàng nườm nượp. Trần Bì phải chờ suốt nửa giờ mới được ăn mì, thế là xơi liền luôn sáu chén, dầu vừng pha dầu ớt đem rưới lên hai đĩa đồ nhắm đỏ rực, lại khui thêm một chai rượu lâu năm, Trần Bì được một bữa đánh chén thỏa thuê. Đến khi cái bụng căng tròn lên như cái trống, hắn mới chịu đến bờ sông.
Ớt cay thêm rượu trắng, toàn thân Trần Bì nóng bừng bừng, hắn chống cây gậy trúc treo lá cờ miễn thuế mà đi, nhưng đầu óc vẫn cực kỳ tỉnh táo. Hắn nhìn khắp xung quanh lò lửa đỏ rực nồi chảo xào nấu, nhìn các thủy thủ đến đến đi đi, có đến mấy kẻ liếc mắt nhìn lá cờ của hắn mỗi khi đi ngang qua. Hắn nhìn ánh mắt bọn họ, cuối cùng cũng bắt gặp được một người ánh mắt có một tia sáng lóe lên.
Người đó cúi gằm mặt đi trên đê, hướng về phía bóng tối. Trần Bì lồm cồm bò dậy, loạng choạng đuổi theo.
Hắn vẫn giữ một khoảng cách, từ xa xa, ở nơi cách Bách Bình Lâu tương đối xa, có một gian hàng lẻ loi. Người kia bước vào trong gian hàng đó, ngồi xuống.
Trần Bì bám theo, đó là một gian hàng mì gạo bánh quẩy. Nơi này không có dòng người qua lại nào, nhưng bên trong gian hàng lại đầy ắp người đang ngồi, xì xào bàn tán, hiển nhiên không bình thường. Trần Bì không đến gần, mà cởi quần áo, rồi nhảy ùm xuống sông.
Nước sông lạnh buốt như băng khiến gân xanh trên đầu hắn nổi hết lên, hắn nghiến răng bám bên đê, lặn xuống đến bên cạnh gian hàng kia từng chút một. Hắn định thò đầu ra xem, nhưng lại nhìn thấy ven bờ sông đối diện với gian hàng còn một chiếc thuyền khách một buồm đang neo đậu, đèn đã tắt cả. Chiếc thuyền khá cũ, nhưng to hơn thuyền cá rất nhiều, cho nên không thể neo quá gần đê. Trên đê đèn đóm sáng trưng, mặt sông tối om, nên không nhìn thấy gì được. Đam Mỹ H Văn
Trong lòng hắn buồn bực, bỗng nhiên trong một lúc loáng thoáng, hắn thấy trên mui thuyền khách kia có một người đang đứng ẩn trong bóng tối, cũng đang nhìn hắn chằm chằm.
Trần Bì thấy vậy, nghĩ nguy rồi, mình sơ ý quá, bèn đạp lên đê sông, tức thì chìm xuống nước. Hắn lộn vài cái đã bơi đến dưới chiếc thuyền, rồi móc cái Cửu Trảo Câu ra, móc vào mạn thuyền rồi nhảy lộn lên trong tích tắc. Khi thấy kẻ kia định châm đèn, rút con dao gọt dứa ra, nhắm ngay vào cổ họng đối phương định cứa một đường. Nhưng kẻ đó đã lộn mình nhảy ùm xuống nước ngay lập tức, Trần Bì vọt đến bên mép thuyền, ngay sau đó lại nghe thấy tiếng nước ở đuôi thuyền, con thuyền liền rung rung lắc lắc. Kẻ này bơi giỏi, hiển nhiên đã nhảy vọt lên từ phía đuôi thuyền rồi.
Trần Bì đạp lên vách thuyền, nhảy lên mui thuyền, thì thấy phía đuôi thuyền đã châm đèn, ngọn đèn bão được treo trên giá. Hắn cúi người lò dò ra phía đuôi thuyền nhìn xem, kẻ đó đứng ở đuôi thuyền cũng ngẩng đầu lên nhìn hắn. Không ngờ, đó lại là một thiếu nữ trẻ tuổi, thân hình mảnh mai, về tuổi tác có lẽ lớn hơn Xuân Tứ một chút, vóc dáng cũng đầy đặn hơn, trắng trẻo hơn. Mái tóc nàng bện hai cái đuôi sam, cái dải thắt lưng đỏ rực thắt bên hông đã ướt sũng nước, dán chặt vào cơ thể, càng làm lộ rõ đường cong uyển chuyển rung động lòng người.
Nước sông nhỏ xuống boong thuyền, phát ra những tiếng tí tách nho nhỏ như tiếng gõ trống. Cũng như tiếng tim đập của Trần Bì vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.