Kỳ Thư trở lại trường thi rồi bắt đầu học kỳ mới. Theo quy định, Kỳ Thư không còn được ở Ký túc xá nữa. Phòng cô chỉ Phúc có xe máy nên thuê nhà ở xa còn lại thuê phòng trọ sau trường để thuận tiện đi lại nhưng chi phí sinh hoạt cũng dần nhiều lên. Ngoài công việc thời vụ, cô dạy thêm nhiều lớp khác nhau trong ngày nên đôi khi không có cả thời gian lên lớp học. Có lúc cô vắng cả làm bài kiểm tra nhưng may mắn qua được tất cả các môn. Cô cũng học cách dần quen với việc không có Nam Phong bên cạnh. Mỗi ngày họ đều nhắn tin cho nhau, có lúc hết tiền điện thoại thì chỉ vỏn vẹn vài chữ nhưng cả hai đều thấu rõ lòng nhau, động viên nhau cùng nỗ lực. Năm tháng trôi qua vùn vụt, những thảm hoa vàng khắp các ngả đường Sài Gòn báo hiệu mùa hè lại đến. Kỳ Thư về thăm nhà vài ngày trước khi bắt đầu công việc hè.
* * *
Tháng bảy ướt đẫm những trận mưa ngâu rả rích. Ngôi nhà mái lá liêu xiêu vẫn thoi loi bên rặng đước quằn mình trong gió bão. Kỳ Thư bước vào nhà không ai hay biết. Bà nội quấn chăn kín mịt, thu lu trên chiếc giường bằng tuổi với cô. Mọi góc ngách trong nhà đầy xô chậu lớn nhỏ. Em gái cô hét lên, mặt tái đi vì lạnh. Cha mẹ cô đang hì hục chỉnh sửa máng xối. Thằng út lăng xăng phụ truyền nước qua những cái khạp ở xa vừa lóng cóng tắm mưa. Cô vội dẫn em gái ra ngoài tránh mưa tạt. Em chạy loạn xạ đạp đổ mấy xô chậu làm nền đất lớp nhớp trơn bẩn. Những bụi mồng tơi leo xanh rờn và hàng bồ ngót non đâm chồi mơn mởn, còn cây khế già vẫn ra trái to như cái tô. Buổi cơm chiều vẻn vẹn nồi canh rau, đĩa khế cùng với chén nước mắm và nồi cơm lưng lửng. Nhìn bà ăn ngon lành còn tấm tắc khen khế ngon, mùa này được ăn nhiều rau khiến lòng cô dâng trào xót xa. Đêm đến, cô nằm bên cạnh bà nội. Lạnh quá cô cứ trở mình qua lại, gió đập vào vách lá phành phạch, gió thun thút qua từng khe cửa. Mưa từ tấm bạt che trên trần nhà theo gió giật xối xuống mặt ướt lạnh. Bà nội run rỉ từng hồi. Cha cô lum khum hứng mưa dột rồi phấp phỏng rọi đèn pin vào từng gốc cột xiêu vẹo và kẻ vách ràn rạt.
||||| Truyện đề cử: Xuyên Sách Thành Pháo Hôi, Chống Lại Mệnh Xui Xẻo |||||
********
Sáng sớm chưa ra khỏi giường Kỳ Thư đã nghe tiếng tranh cãi ra rả sau nhà. Cô rón rén nép sau vách lắng nghe. Mẹ cô vừa dứt lời, cha cô sa sầm cầm vá ra sau nhà đào xúc đất. Cô bần thần cầm thao qua nhà thím tám, lần này cũng được thím cho mượn đủ gạo ăn cả tuần còn gửi cho bà nội vài con cá.
- Ai kêu con qua nhà thím tám? Nghèo thì ráng mà chịu đừng có xin xỏ người khác. Con đem trả lại ngay đi. - Cha cô hậm hực trách mắng.
- Con không xin, cái này thím tám gửi cho nội.
Mẹ cô nghe láng máng liền xồng xộc bước ra oang oang quát:
- Mượn tạm vài bữa trả cũng được chứ có gì mà ông cực đoan dữ vậy?
- Tôi đã nói có gì ăn đó, không thì thôi. Mấy mẹ con bà đói thì ăn đi. Tôi không cần. – Cha cô gắt gỏng.
- Ông này nói hay dữ thật. Bộ ông tưởng tôi vui sướng lắm vác mặt đi khắp làng trên xóm dưới mượn gạo, mượn tiền hả? Ông ăn học bao nhiêu chữ nghĩa, bây giờ có đẻ ra được miếng cơm gạo nào không? Tôi cũng không cần nhưng má với mấy đứa nhỏ thì sao?
Kỳ Thư nhăn mặt níu tay bà. Cha cô ném cây vá trong tay xuống đất, gằn từng tiếng:
- Tui như vậy đó. Ở được thì ở, không thì đi hết đi.
Nói xong ông xăm xăm quay đi trong cơn oán giận. Mẹ cô xoi xói hét với theo:
- Tôi cũng chịu hết nỗi cái cảnh này rồi. Đi thì đi.
Rồi bà giậm giật vào nhà thu xếp mấy bộ quần áo bỏ đi. Kỳ Thư rối rít cố khuyên giải. Đến giờ cơm, mời mãi cha cô cũng không vào. Ông đang đẽo gọt cần câu ở cầu sàng lãng, Kỳ Thư ngồi xuống bên cạnh dứt khoát nói:
- Một năm nữa con ra trường, con sẽ trả hết nợ nần. Bây giờ mình túng thiếu phải nhờ vả người ta, sau này thiếu gì cơ hội để đền đáp.
- Con tưởng nhà mắc nợ ít lắm hả? – Cha cô hăng hắc nói.
- Cái gì cũng có giải pháp cả. Sống phải lạc quan chứ cha.
- Lạc quan thì tốt đó nhưng con phải thực tế. Hoàn cảnh nhà mình không ai có thể thay đổi được. Cậu mợ nói làm mai gả hai chị đi nước ngoài để trang trải nợ nần. Anh em mà một lon gạo cũng không cho mượn, còn nặng nhẹ đủ điều. Cha thật nhục nhã không còn biết sống sao. - Cha cô chan chát uất hận nói.
- Gả con ra nước ngoài thực chất là đem con mình bán rẻ rồi phó thác cho số phận. Việc này con kịch liệt phản đối. – Kỳ Thư khảng khái nói.
- Nhưng nhà mình đường cùng rồi. Bây giờ họ lấy hết đất đai nhà cửa thì bà nội chắc cũng không sống nổi. Gia đình sẽ ở đâu? Mồ mã ông bà làm sao? Cha cũng chẳng còn mặt mũi nhìn ai hết. Hai chị con đã đồng ý rồi. Cha đâu thích thú gì chuyện đó nhưng hoàn cảnh bây giờ cha không còn xoay xở được nữa. – Ông chua xót tủi hổ nói.
- Con sẽ khuyên can hai chị. Còn chỗ cậu mợ thì cha cầm cố đất cho họ hết đi, mình đóng tiền thuê tiền lãi đầy đủ và vẫn ở đây. Từ từ có tiền mình chuộc lại.
- Con nên thực tế một chút. Cuộc sống không dễ dàng như con nghĩ đâu.
- Trên đời này không có gì là dễ cả, nhưng nếu cứ sợ hãi như vậy thì mãi mãi cũng không làm được gì. Mọi thứ đều cần có mục tiêu và nổ lực bền bỉ. - Kỳ Thư sắc bén nói.
Dù trước mắt không có gì thay đổi nhưng những lời của cô như ngụm nước mát ngọt cho người khát cháy giữa sa mạc cằn cỗi, lòng cha cô dịu lại. Bữa cơm cá lâu ngày khiến cả nhà hớn hở.
Đêm mưa dằng dặc cô miên. Kỳ Thư trăn trở nghĩ đến tìm thêm công việc. Lòng cô da diết nhớ Nam Phong. Cô nhắn cho anh về việc xảy ra hôm nay nhưng đợi mãi không thấy anh trả lời. Lòng cô trống trếnh, thoáng chút lo buồn. Cô tự nhủ chắc anh đang bận hoặc hết tiền điện thoại rồi ngủ thiếp đi.
*******
Sáng mai, Nam Phong vẫn im bặt. Một chút hờn dỗi xâm chiếm lòng cô, cô gọi vào máy anh vẫn đổ chuông.
- Em biết là anh đã đọc tin nhắn của em. Em chỉ cần anh động viên thôi nhưng anh im lặng làm em hụt hẫng và sợ hãi lắm!
Cô cố nhắn bao nhiêu tin anh cũng không phản hồi. Buổi chiều, cô đút cơm cho em gái thì em bất ngờ vùng dậy, bật vào sợi dây đeo tay của cô làm nó đứt phăng ra, từng hạt văng vương vãi. Bất thình lình nước mắt cô ứa ra. Cô chui vào mọi góc ngách gầm giường, kẻ vách nhặt từng viên đá lăn lóc trên nền đất lạnh lẽo. Buổi cơm tối cô cũng qua loa, bồn chồn phấp phỏng đợi tin nhắn. Mãi đến giữa đêm, điện thoại sáng lên, cô liền bật dậy:
- Chúng ta chia tay đi em. Anh không còn cảm xúc với em nữa. Chúc em may mắn và tìm được người phù hợp!
Cô hoảng loạn tự trấn an là đùa hoặc hờn lẫy, nhưng từ trước đến nay anh chưa bao giờ nói chia tay ngay cả khi tức giận nhất, đôi chân cô lấp vấp bước ra chái bếp sau nhà.
- Em biết là không phải vậy đâu. Yêu nhau lâu nay không lẽ em không hiểu được lòng anh sao! Dù anh nói gì thì em cũng không bao giờ tin anh đã hết yêu em. Em biết anh đang rất buồn và dằn vặt vì không thể giúp đỡ cho gia đình em. Nhưng anh biết không, em chưa từng nghĩ sẽ đặt trách nhiệm gia đình lên vai anh. Thời điểm này còn nhiều khó khăn nhưng khi em ra trường thì mọi thứ sẽ dần ổn định. Nam Phong ơi, anh đừng vì điều đó mà tự trách và nhẫn tâm dứt bỏ tình cảm của chúng ta nghe anh!
Cô run đến nỗi đánh rơi điện thoại mấy lần rồi lọ mọ tìm nhặt lên. Cô ngồi bệt xuống nền đất ẩm ướt, gục mặt xuống đầu gối. Suốt đêm anh không trả lời cô cũng là một đêm nước mắt là mưa trong lòng còn bên ngoài hiên là mưa của trời đất.
********
Hôm sau, cô thấp thỏm nhìn mãi chiếc điện thoại nằm trên nóc tủ. Có lúc nó reo lên, cô lao tới rồi hụt hẫng vì tin nhắn tổng đài. Giờ cơm, cô tìm cách lẫn trốn cha mẹ. Mỗi lúc một mình, cô không thể ngăn dòng nước mắt. Cô cứ ngỡ là ác mộng và ước chi đó chỉ là ác mộng. Cô lại nhắn cho anh trong đau khổ tuyệt vọng:
- Dù có chia tay em cũng cần được biết lý do. Em sẽ ra Quy Nhơn gặp anh.
Cô nói với cha mẹ là lên thành phố sớm để xin việc làm thêm. Xe trung chuyển dừng trước cổng trường, nhìn góc khuôn viên đong đầy kỉ niệm, tâm can cô rã rời. Cô nâng niu từng kỉ vật đặt vào trong túi. Đó là hành trang cùng cô trong chuyến đi mà cô sợ hãi nhất trong đời. Cũng chỉ mới cách đây năm tháng, cô đã nô nức đi trên cung đường này với tràn ngập hạnh phúc. Ngẫm sự đời thật quá mỏng manh biến đổi mà lòng người có những cứng nhắc và cố chấp vô cùng. Nước mắt cô rơi.. rơi.. trên mọi nẻo đường.. đường tình thắm thiết của anh và cô.