Hồng Tường Cung Lý Vạn Trùng Môn

Chương 6:




6.
Tứ ca gia phong cho Công chúa nhỏ của bọn ta một cái thụy hiệu dài thật dài, truy phong cho nương ta một cái danh Ngụy Quốc phu nhân, cho Phán Phán đủ thứ kì trân dị bảo chất đấy cung, cho A Bích thăng phẩm thành Quý phi, ngay cả Lam Yên cũng được ban thưởng.
Hắn dùng hết sức lực để bồi thường cho chúng ta, nhưng ta chỉ cảm thấy hắn giấu đầu lòi đuôi, tựa như thêu hoa trên miệng vết thương, nhìn thì phồn hoa tựa cẩm, thật ra lại là máu tươi chảy đầm đìa.
Phán Phán ngày một gầy đi với tốc độ có thể nhìn được bằng mắt thường, như là hoa bị bẻ khỏi cành, cây bị nhổ khỏi đất, chẳng còn tươi đẹp như xưa.
Ta thường đến thăm nàng, nàng ấy luôn trong tình trạng yếu đến mức không ngồi nổi, lại chỉ nói là do ngủ không ngon.
Khi ta đi ngang qua chim anh vũ trước cửa cung, lúc nào cũng nghe thấy nó luôn mồm “Phụ hoàng cát tường” “Phụ hoàng cát tường”. Ta tức giận trách con chim này cái hay không nói, nói cái dở, muốn đem nó ném vào Ngự Thiện Phòng, đột nhiên nhớ đến dáng vẻ Tuế An bảo vệ “Bạn béo nhỏ”, lại khóc lóc đem nó thả trở về.
Tứ ca thường tới ở với nàng, có lúc gặp ta, hắn không giấu được sự sợ hãi của mình: “Trẫm cảm thấy, trẫm sắp không giữ được nàng ấy rồi.”
Ta nghe thấy ngoài cửa sổ tiếng mưa nhỏ giọt đập vào thân chuối*, sắc thu gần đến, ngọn đèn dầu cũng rã rời.
*Vũ đả ba tiêu: mưa đập vào cây chuối/lá chuối, nghĩa là một chuyện gì đó rất buồn bã sầu não hoặc miêu tả tâm trạng âu sầu không vui.
Lại là một hồi tuyết rơi, từ khi nương mất đến nay, ta vẫn luôn sợ trời có tuyết rơi, dường như cảm thấy điềm không lành, ta vội vàng phủ thêm áo khoác, vọt tới cung Phán Phán.
Bệ hạ ngồi bên cạnh giường Phán Phán, nắm lấy bàn tay khô gầy của nàng, khóc không thành tiếng. Hắn quay sang những Thái y đang quỳ kia quát họ rằng nếu không trị khỏi bệnh cho nàng thì chờ mất mạng đi.
Ta bước đi trên mặt đất đầy mảnh bình vỡ do Tứ ca đập, đến ngồi xổm ở mép giường của nàng, dáng vẻ hệt như cái ngày đến xem tân nương, dùng dáng vẻ ấy để nhìn cô nương mới hai mươi ba tuổi là nàng.
Dù cố gắng cách mấy cũng không còn nhớ nổi hình ảnh nàng mặc hỉ phục ngậm kẹo đường.
Có vẻ như chúng ta đã quá lâu rồi không còn ăn kẹo đường nữa.
Phán Phán tựa như biết ta tới, quay đầu nhưng không nhìn trượng phu mà là nhìn về phía ta.
“Là ngươi!”
“Là ta nha!” Ta cười nói.
“Ngươi hại ta làm rớt khăn voan đỏ.”
Khoảnh khắc sinh mệnh lập lòe chợt sáng chợt tối, nàng không thèm nghĩ đến nữ nhi đã chết yểu, đứa con sẽ mồ côi mẹ, trượng phu bạc tình, kẻ thù hiểm ác, nàng chỉ quan tâm năm ấy cành đào sum suê, nàng trùm khăn voan đỏ.
“Thực xin lỗi!” Ta cười, nhưng mắt đã đẫm lệ.
Nàng chậm rãi xoay đầu, như là nói với ta, cũng như nói với ai đó: “Không sao.”
Tay nàng dần dần mất hết lực mà rũ xuống, rồi lại đột nhiên mạnh mẽ cầm lấy tay của ta.
Ta ngẩng đầu nhìn nàng.
Nàng hoảng sợ trừng to mắt, nàng đã sớm nhìn không rõ, rồi lại giống như lần đầu tiên nhìn rõ, giữa bóng đêm mịt mù lớn tiếng hô lên:
“Nhu Nhu, đi! Rời khỏi cung!”
Tay nàng lạnh đi, trong tiếng khóc bi ai của Hoàng thượng, tiếng cung nhân nức nở, ta duỗi tay nắm lấy tay nàng ở thời khắc cuối cùng: sợ hãi lẫn hoảng hốt.
Trong mắt ta, hoàng cung phồn hoa nhất thế gian này cũng chính là nơi hoang vắng nhất.
Ta đuổi những Thái y đang quỳ trên mảnh sứ vỡ cùng với cung phi đang khóc thương - chẳng rõ là khóc thật hay chỉ toàn giả ý - ra ngoài.
Ta đóng cửa cung, nhìn Hoàng đế quỳ ở bên trong, ánh trăng tịch mịch xuyên qua khe cửa chiếu lên dáng lưng cứng đờ của hắn, in xuống đất một hình bóng đen dài cô độc.
Ta đi qua chỗ hắn, mở miệng: “Bệ hạ, người không nhớ nữa ư, khi ta và người vừa được đón khỏi lãnh cung, người đã nói gì với ta?”
“Người đã nói, sao trên đời này lại có một người phụ thân như thế, có một cái gia đình như vậy?”
Ta tiếp tục nói một cách đầy tàn nhẫn.
“Hiện tại ngươi cũng đã trở thành một người phụ thân như thế, cũng biến nơi này thành một gia đình giống vậy.”
Ta đứng dậy bước qua những mảnh sứ vỡ, bước qua đám người đang khóc thút thít, lấy chiếc khăn voan đỏ trùm lên người tân nương lén ngậm kẹo đường ngày ấy.
Phán Phán đi rồi, tẩm cung của nàng bị phong bế, người ở bên cạnh Tứ ca không một ai dám nhắc đến vị nương nương mệnh khổ ấy, Phán Phán trở thành một điều bị cấm kỵ
A Bích nuôi nấng Tuế Yến. Tứ ca không phong nó làm Thái tử.
Chúng ta không biết là hắn cố tình tìm cách quên đi Phán Phán, hay là sợ quá tầm tay với, không bảo vệ được đứa trẻ chẳng còn nơi nương tựa này.
Tuế Yến dần dần lớn lên, thằng bé rất giống Tứ ca, khó tìm được hình ảnh của Phán Phán trên người nó.
Chúng ta thất vọng tràn trề, giống như Phán Phán đã rời đi mà chẳng để lại bất cứ thứ gì. Có lẽ rất nhiều năm sau, chỉ riêng chúng ta mới có thể nói ra khuê danh của vị Hoàng hậu hồng nhan bạc phận ấy.
Không đến hai năm, bệ hạ đã cưới thêm người mới kế vị, người đó họ Thẩm, khuê danh là Tĩnh Xu. Nàng ấy rất đẹp, ta là tuýp người hay nhìn mặt để đánh giá người khác, nhưng ta chẳng thể có thiện cảm nổi với nàng.
Thẩm Hoàng hậu thực sự rất xứng với cái danh Hoàng hậu, công chính ôn hòa, hành sự lỗi lạc, lại có thủ đoạn tài cán, quản lý hậu cung đâu ra đấy.
So với Phán Phán, nàng thích hợp làm Hoàng hậu hơn, dù cho chúng ta không muốn thừa nhận điều ấy.
A Bích cả ngày trốn ở trong cung, vẻ mặt bi sầu hệt như lúc nàng ở thiên lao ngày hôm ấy, chưa từng thay đổi.
Ta thiếu trò tiêu khiển, cả ngày đến cung của Lam Yên để chọc nàng, chọc ghẹo thân hình nhỏ bé ấy sau đó “làm phiền” đến dĩa trái cây của nàng, khiến nàng tức giận đến mức dậm chân than trời.
Ta lại gặp được Thẩm Vân Tiều, chàng Trạng Nguyên ngày ấy giờ đây đã làm một chức quan lớn, cây quạt xếp mà y cho ta vẫn luôn để dưới gối, kỳ thật rất cộm người, nhưng để lâu như vậy rồi cũng thành thói quen.
Y nói, tam thư lục lễ, sính lễ chờ ta.
Ta và Tứ ca có giao tình sâu đậm, các triều thần vẫn luôn không rõ tâm tư của Tứ ca đối với ta là muốn nhận làm muội muội, hay muốn nạp vào cung. Nhiều năm như vậy, cũng không ai dám hỏi cưới ta.
Ta nhớ tới lời kêu khóc trước lúc lâm chung của a nương và Phán Phán.
Đi! Rời khỏi cung!
Đây là cơ hội rời đi duy nhất của ta.
Ta hỏi y liệu sau này sinh con có thể gọi con là Đường Nhân không, y cười nói rằng muốn gọi là kẹo hồ lô cũng được.
Ta đi bàn bạc với Tứ ca
Hắn không đồng ý, hắn tức giận, hắn điên rồi.
Hắn cưỡng bức ta, rất đau rất đau.
Sau khi chấm dứt, hắn ôm ta khóc lóc cầu xin ta.
“Đừng đi, ta chỉ còn muội.”
Hắn không biết, hắn đã sớm không có được ta nữa rồi, người đem hương liệu bỏ vào giường ta chỉ có hắn, người biết trong giường ta có chỗ giấu đồ ngoài hắn và Phán Phán ra chẳng một ai biết nữa.
7.
Bạch Lam Yên tới thăm ta, khóc lóc hệt như a nương của nàng phải tái giá vậy.
Người duy nhất biết được chuyện giữa ta và Thẩm Vân Tiều, sau khi dùng hết lời lẽ để mắng mỏ Tứ ca thậm tệ, nàng nói:
“Ông trời tội gì phải trêu cợt người, cho ngươi gặp được y, tưởng trời cao từ bi, hóa ra lại là thiên đạo tàn nhẫn.”
Ta sẽ không bao giờ chế nhạo hỏi Tam lang của nàng là ai nữa.
Trải qua chuyện của người khác mới biết người khác khổ.
Thẩm Hoàng hậu tới thăm ta, trong mắt nàng hoàn toàn không có địch ý. Nàng dùng hết sức mình, lời lẽ ôn hậu dịu dàng khuyên nhủ ta.
Ta biết, nàng không yêu hắn, muốn làm một Hoàng hậu tốt, điều đầu tiên là không được yêu trượng phu của mình.
Sau đó Tứ ca trở về, từ phía sau ôm lấy ta, dùng ngón tay viết chữ trong lòng bàn tay ta.
“Ta phong muội làm Nghi tần, Nghi trong nghi gia, vốn dĩ muốn dùng chữ Di* để làm phong hào cho muội nhưng lại sợ bị người khác chê cười nên đành thôi.”
*Chữ Nghi có bính âm giống với chữ Di (yí), mà chữ Di lại mang nghĩa là kẹo mạch nha nên nam 8 mới nói thế.
Hắn hôn lên khóe môi của ta.
Thật buồn cười làm sao, thẳng tay đập vỡ bình hoa sau đó lại ôm những mảnh vỡ đó âu âu yếm yếm, hỏi han ân cần, đến cuối cùng ai cũng mình đầy thương tích.
Đời này, ta sẽ vĩnh viễn không ăn lại kẹo đường lần nữa.
Chờ đến lúc ta phải làm phi tần cong lưng uốn gối thỉnh an Hoàng hậu, ta nhìn thấy A Bích ngồi trong một đám cung phi mà ta không nhận ra nổi mặt họ, đơn bạc tinh xảo như nhau, thanh nhã u sầu như nhau.
Rõ ràng là những nữ tử khác nhau, nhưng khi ngồi chung thì bọn họ lại chẳng còn sự khác biệt vốn có nữa.
Nhưng ta thì sao? Khi ta ngồi trước gương đồng nhìn vào nữ tử bên trong gương, tóc tai quần áo hoa lệ, mi kết sầu bi, ta cũng không hề có chút khác biệt nào.
Nhưng có lẽ, ngay từ đầu bọn ta đã chẳng khác gì nhau.
A Bích nói với ta sức khỏe nàng không được tốt, việc tiếp tục chăm sóc Tuế Yến cũng xem như lực bất tòng tâm.
Tuế Yến là con của Tiên Hoàng hậu, nuôi nấng nó là chuyện rất phức tạp, nhưng ta không để bụng, chuyện mà ta để ý vốn dĩ cũng đã không nhiều lắm.
Tuế Yến là đứa bé ngoan, từ nhỏ đã phải chịu cảnh mất mẹ, tính tình rất bình ổn, ta thường cảm thấy rõ ràng là một đứa nhỏ, thế nhưng ta không có cách nào nhìn thấu được nó.
Tứ ca không mấy quan tâm đến thằng bé, người trong cung cũng vì thế mà xem nhẹ nó, trái lại Tuế Yến lại an ủi ta, nói rằng nhất định sẽ cho ta một cuộc sống tốt.
Hoàng tử thì có thể sống tốt đến mức nào chứ? Ta muốn khuyên thằng bé, rồi lại cảm thấy, chốn thâm cung này nếu không tranh không đoạt, chẳng phải là mặc người xâu xé sao. Thật khó xử, vẫn là tùy nó đi thôi.
Sau khi làm phi tử, ta thường buồn bực không vui, chỉ có đến cung của Lam Yên ngồi xuống, chọc ghẹo thân hình nhỏ bé của nàng ấy sau đó “làm phiền” đến dĩa trái cây của nàng, khiến nàng tức đến dậm chân thình thịch, lúc ấy ta mới thư thái hơn một chút.
Nhưng rồi một ngày kia, thú vui cuối cùng của ta cũng không còn nữa.
Trời vào tiết lập xuân, khi ta đến thăm thì Lam Yên vẫn còn trốn ở trong chăn, ta kéo chăn lôi nàng ra ngoài, lại phát hiện khuôn mặt nhỏ của nàng đỏ bừng.
Nàng một bên bụm mặt nói phải giữ bí mật, một bên lại không nhịn được bèn kéo ta sang rỉ vào tai ta, Tam lang của nàng đã tìm được cách kêu Tứ ca thả nàng khỏi cung.
Ta nhìn nàng, trong lòng không khỏi cảm thấy choáng váng. Nàng là phi tử, làm gì có phi tần nào dám cùng hoàng đế thương lượng việc trốn đi gả cho người khác chứ.
Nàng lại nói tuyệt đối không sai, hưng phấn lôi kéo ta chọn quần áo trang sức, lại ôm ta khóc, nói trong cung chỉ quyến luyến ta, ta cũng luyến tiếc nàng, nàng đi rồi, ta còn biết đi đâu chuyện vui.
Nhưng chuyện bị bại lộ, ngày mà bọn họ hẹn nhau, Tam lang của Bạch Lam Yên không đến, thứ đến đây chỉ có dây ngọc bội đẫm máu bị Tứ ca vứt xuống đất.
Lam Yên quỳ trên mặt đất, nhân lúc người khác vẫn chưa kịp để ý, nàng rút kiếm tự sát.
So với răng long đầu bạc, nàng thích chuyện khác lãng mạn hơn - sống chết cùng nhau.
Ta khóc đến nghẹn cả giọng, nàng lại còn cười hì hì, vẫy tay kêu ta đưa tai lại gần, nhẹ nhàng nói: “Không phải ngươi vẫn luôn muốn biết Tam lang mà ta thích là ai sao? Ta nói cho ngươi biết, y là Binh Bộ thị lang Lý Vân Trình, ở trong nhà đứng hàng thứ ba.”
Đột nhiên nàng bật khóc: “Bạch Thập nhất nương thích Lý Tam lang, ta muốn ngươi thay ta nhớ thật kỹ.”
Nhìn cửa cung trùng trùng điệp điệp, đột nhiên nhớ tới, ta cũng không biết Thẩm Vân Tiều thứ mấy.
Ta nắm lấy bàn tay lạnh dần đi của nàng, trong tay nàng có lén đưa cho ta một tờ giấy.
Trên đó cũng không nói chuyện gì quá rõ ràng, chỉ nói sau khi mẫu hậu chết vì bệnh ở lãnh cung, Tứ ca vẫn luôn đi theo chưởng sự ma ma về quê, tới đón hắn còn có đứa cháu nhỏ tám tuổi của ma ma, bằng tuổi với Tứ ca.
- ------------
Ba người Phán Phán, Cố Thiều Quân và Lam Yên tại địa phủ nếu có thể tiêu tan hiềm khích lúc trước, ba người chơi mạt chược vẫn còn thiếu một.
A Bích giống như muốn cho các nàng thêm một người ngồi chung bàn, gọi tắt là “tìm chết”.
Nàng hành thích vua không thành, Tứ ca bị thương chỗ bả vai, lại giữ kín không nói ra.
Ta cũng lười phân biệt hắn như thế là vì tình cảm hay là vì thể diện rồi.
Tứ ca không cho ai đến gặp nàng, chờ đến khi ta nhìn thấy nàng, ngực nàng cắm một cây đao, máu trên người đều đã khô đen.
Nghe cung nhân nói, khi chết A Bích đã thề nguyền, kiếp sau nàng là mèo, Tứ ca là chuột, muốn sống ăn thịt, thấy khát uống máu.
Ta đột nhiên nhớ đến khi nàng vẫn còn ở Vương phủ, một chân đạp lên trên ghế, tay bưng chén cơm to, miệng luyên thuyên.
“Ta đứng trên đường Trường An, du côn lưu manh, đầu đất đầu rắn gì gì đó chỉ cần ta đến đều phải ra nghênh ứng! Ta bước ba bước bọn người kia đã phải đốt năm nén hương, đưa đồ ăn vặt cho ta,.. “
Ta mang con chim anh vũ từ cung nàng trở về, đêm đến gió mưa đập vào cửa sổ, ta nằm trên gối càng khó ngủ hơn, lại nghe con chim ấy nói:
“Hoàng đế giả, Hoàng đế giả.”
Sự thật chứng minh, trong hậu cung càng nói nhiều càng dễ chết, ngày hôm sau, đồ ăn sáng của ta lại nhiều thêm một món - canh chim hầm.
Đêm khuya ta ngồi cạnh ánh nến suy ngẫm, người chính thống trong miệng của Cố Gia có thật không, đứa cháu về quê cùng ma ma kia vì sao lại chết bất đắc kì tử, trí nhớ của Tứ ca tốt đến như vậy, vì sao lại không nhớ được nhũ mẫu lúc nhỏ của mình, vì sao Lam Yên lại cố ý nói cho ta biết đứa nhỏ kia bằng tuổi với Tứ ca, chim anh vũ của A Bích học từ miệng ai câu “Hoàng đế giả”.
Ta vốn dĩ ngu dốt, cũng không nhịn được nghi hoặc, Tứ ca thật ra là ai? Người chính thống kia lại là ai?
Ta đột nhiên nhớ đến ma ma chưởng sự được nhắc đến trong tờ giấy của Bạch Lam Yên, trước ngày đại hôn của Tứ gia, bà bị ác phỉ giết chết trên đường hồi kinh, việc đầu tiên khi Thẩm Vân Tiều nhậm chức chính là dẹp loạn ác phỉ ở đỉnh núi kia. Mà không lâu trước đây, Thẩm Vân Tiều vì đột nhiên lật lại bản án Binh Bộ thị lang Lý Vân Trình chết bất đắc kỳ tử, mà bị Tứ ca đày đến biên quan. Năm ấy khi y hứa đưa ta đến Thẩm phủ ngắm cây đào ra hoa mùa xuân, ra quả mùa thu, có nói sẽ cùng ta đi bái lễ nhũ mẫu của Tứ Hoàng tử.
Ta liên kết các mối quan hệ, hóa ra trong bức họa mà tôi tớ của Thẩm Vân Tiều gửi đến, mặt trên là vết bớt có hình khối vàng của Thẩm Vân Tiều.
Ta khóc rồi lại cười, hóa ra ngay từ lúc bắt đầu, mọi thứ đã toàn là chuyện dối trá.
Mới đầu ta còn rối rắm không biết có nên làm chút gì đó không, nhưng rất nhanh sau đó, ta phát hiện bản thân đang buồn lo vô cớ. Một phụ nhân trong cung không quyền không thế thì có thể làm được gì chứ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.