Hoàng Bán Tiên

Chương 29: Tung tích thần tiên xưa




Cố nhân tiên tung


Gần đây khắp giang hồ truyền tai một tin tức – Bảo chủ Hắc Vân Bảo, thiên hạ đệ nhất bang chủ, võ lâm đệ nhất kỳ nam, cái gì cũng đệ nhất – Tư Đồ Ngận Suất, nhân ảnh thất tung.
Nghe đâu, đoàn người Hắc Vân Bảo từ khi rời khỏi Hàng Châu thì đã không còn thấy bóng dáng của Tư Đồ nữa. Người của Hắc Vân Bảo cũng không biết gì về tung tích của bang chủ họ. Thế là chỉ trong thoáng chốc, đồn đại đủ kiểu dấy lên khắp võ lâm, có người bảo Tư Đồ tìm thấy người tri âm, đã cùng hồng nhan tri kỷ vân du tứ hải. Có người lại bảo Tư Đồ một lòng theo đuổi cảnh giới cao nhất của võ công, nên đã đi khắp cùng trời cuối đất để tầm sư học nghệ. Cũng có người bảo Tư Đồ thoái ẩn giang hồ, lại có người khác bảo hắn quy y cửa Phật, hoặc là trúng phải bệnh lạ mà chết, tóm lại là đủ loại đủ kiểu, muốn gì có nấy.
Bình thường một tin tức nào đó nếu đã truyền khắp võ lâm đều cần phải có những điều kiện nhất định, đặc biệt là thứ tin tức có thể mang đến cái lợi cho người ta, cho nên ai cũng sẽ vui vẻ lan truyền nó. Tư Đồ trong chốn võ lâm có địa vị rất hiển hách, có rất nhiều người lấy hắn làm mục tiêu phấn đấu. Nếu hắn xảy ra việc gì thì cũng có nghĩa là những người kia sẽ có cơ hội. Mặt khác, cũng có các thế lực ra sức tìm kiếm Tư Đồ. Những lời đồn đại này cũng xem như là biện pháp tốt ép người phải xuất đầu lộ diện.
Ấy thế mà tin tức kia lan truyền dễ đã vài tháng có hơn, nhưng dường như Tư Đồ vẫn quyết tâm giấu mặt.
Thế rốt cuộc Tư Đồ đã đi đâu? Ra là hắn cùng Tiểu Hoàng đến Liêu Đông.
Ở Liêu Đông có một thành trấn nhỏ rất nổi danh, gọi là trấn Thanh Vân. Nơi đây là một thành trấn nhỏ nằm ở phương Bắc, nếu là mùa đông thì sẽ lạnh cắt da cắt thịt, nhưng vào mùa hè thì lại mát mẻ. Còn trấn bên trên nữa cũng là nơi có trên dưới trăm khách nhân lai vãng, gọi là trấn Phi Long, có thể xem là một thành trấn quan trọng của vùng Liêu Đông. Nhưng, đáng tiếc là nó không nổi danh bằng trấn Thanh Vân.
Nhưng trấn Thanh Vân vì sao lại nổi tiếng như thế? Bởi vì nơi này có một tòa thư viện, cũng là thư viện lớn nhất khắp Liêu Đông. Trong mấy năm gần đây có vài vị trạng nguyên đều xuất thân từ thư viện này. Nơi ấy có tên là Ân Viên, chính là dùng họ của quốc tướng Ân Tịch Ly đặt cho.
Tổ tiên Ân gia vốn định cư ngay tại trấn Thanh Vân. Đúng vậy, trấn Thanh Vân nổi danh như thế, Ân Viên nổi danh như thế, xét cho cùng vẫn là vì một vị lương đống chi tài, danh chấn đến cả hoàng tộc lẫn thần dân, Thần toán quốc tướng gia. Ân Tịch Ly, chính là sinh ra tại một thành trấn nhỏ không ai biết đến tại phương Bắc này.
Những người từng gặp qua Ân Tịch Ly đều bảo trông ông ta không giống với người phương Bắc, thanh thanh tú tú, thân hình nhỏ nhắn, nếu nhìn từ xa có khi còn tưởng nhầm là một cô nương. Có điều, tính nết ông ta thật đúng là chẳng ai dám khen tặng cả.
Thế nhân đều biết Ân Tịch Ly có ba cái nhất – nói giỏi nhất, uống giỏi nhất, tính giỏi nhất.
Nói giỏi nhất, chính là ý bảo Ân Tịch Ly khéo mồm khéo miệng, cái lưỡi có thể uốn cong như thể miệng vàng nhả sen. Tài hùng biện của ông ta rất tốt, đã thế mắng chửi người khác chẳng có nửa lời thô tục, nhưng lại vừa cay nghiệt vừa bạc bẽo, nổi tiếng là độc mồm.
Uống giỏi nhất, chính là nói đến tửu lượng của ông ta. Đừng thấy Ân Tịch Ly có ngoại hình như một thiếu gia yếu ớt mà lầm. Ông ta hễ uống rượu thì là ngàn chén không say. Theo lời ông ta nói thì cả đời không say có gì là hiếm lạ đâu, nếu bảo hiếm lạ thì chính là cả đời cũng chưa một lần tỉnh táo.
Tính giỏi nhất, hiển nhiên là muốn nói đến bản lĩnh tính toán vô cùng tài tình, xuất chúng của ông ta. Ân Tịch Ly có khả năng thông thiên triệt địa, nghe đồn có thể nhìn thấu tận chân trời, tính toán không sai lấy mảy may.
Cuộc đời của Ân Tịch Ly gắn liền với bầu rượu và quyển sách, cứ một ngụm rượu, một quyển sách, chính là cả đời của ông ta rồi. Ân gia nguyên là một gia đình thương nhân giàu có, tổ tiên chuyên buôn bán nhân sâm, các bậc trưởng bối biết cách kinh thương nên có của ăn của để. Đến thế hệ của Ân Tịch Ly thì gia đạo sa sút, trong nhà chỉ có mỗi mình ông ta là nam, các tỉ muội đều đã gả đi, một phần sản nghiệp đặt lên vai ông ta. Nhưng ông ta lười nhác việc kinh thương nên giải tán hết, dùng tất thảy tiền tài mở ra một tòa Ân Viên. Ân Viên được thành lập rồi thì bắt đầu thu nhận đệ tử đến theo học. Ân Tịch Ly định ra nội quy, có tiền thì có thể học, không có tiền thì phải ký khế ước, chờ ngày công thành danh toại thì hoàn trả lại.
Kể từ đó đã mười mấy năm trôi qua, Ân Viên cũng đã đào tạo ra ba vị trạng nguyên, năm vị bảng nhãn, bảy vị thám hoa, các học trò có công danh khác cũng nhiều vô số kể. Nơi đây học trò đến từ khắp mọi miền, sư môn thịnh vượng. Tuy rằng Ân Tịch Ly sau khi thành lập Ân Viên, chẳng dạy được mấy ngày đã mất tích, nhưng đệ tử vẫn tự xưng mình là môn sinh của Ân thị [2]. Ân Viên cũng từ đó lớn dần, trở thành thư viện nổi tiếng khắp Liêu Đông, rồi lan đến cả nước. Sĩ tử khắp nơi đều tâm niệm nếu có thể đến theo học tại Ân Viên là một niềm vinh quang.
Người xưa có câu địa linh nhân kiệt [3]. Có một vị tiền bối như vậy, thế nên không chỉ trấn Thanh Vân, mà còn cả những thôn nhỏ thành lớn xung quanh đều đầy rẫy người đọc sách. Mặt khác, nếu so với “vùng Thục Trung đến gà qué cũng có thể ăn cay” thì chuyện nơi này đầy người đọc sách rất giống nhau…Trong mắt thiên hạ, thì chỉ cần là một người bán hàng rong ven đường ở trấn Thanh Vân cũng có thể là bậc kỳ tài tính toán. Đoán số mệnh cơ hồ cũng trở thành một tập tục ở trấn này. Không cần biết là tửu lâu hay là quán cơm, là thương gia hay là thương ***, dẫu cho không có việc gì thì cũng phải tính một quẻ [4].
Tửu lâu lớn nhất tại trấn Thanh Vân chính là – Vô Thứ Lâu.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Cô Gái Ngốc, Tôi Yêu Em
2. Ngài Ảnh Đế Đang Hot Và Cậu Nghệ Sĩ Hết Thời
3. Kẹo Sữa Bò
4. Đối Tượng Kết Hôn Của Tôi Lắm Mưu Nhiều Kế
=====================================
Cuối thu gió đã trở nên rét buốt, hôm nay lại thêm tuyết bắt đầu rơi, thế nên đúng vào giờ cơm thì khắp tửu lâu đầy ắp người đến uống một chén rượu ấm, ăn một bữa nóng sốt để xua đi cái lạnh.
Vô Thứ Lâu này nằm đối diện xéo góc với Ân Viên. Ngày thường đến đây dùng bữa đa phần là học trò của Ân Viên. Còn gọi là “vô thứ”, chính là ý chỉ có mỗi duy nhất một hàng này, không có nơi thứ hai.
Tầng trên là những nhã gian đắt tiền, ngày thường sẽ không có mấy người lui đến, còn dưới lầu là buôn bán các món ăn thường nhật, khách khứa thường là các thư sinh Ân Viên mặc y phục màu xanh giống nhau, ăn uống cũng đơn giản như cách phục sức vậy. Thật ra trong Ân Viên cũng có cung cấp một ngày ba bữa ăn, nhưng người dùng bữa trong ấy đều là những người gia cảnh bần hàn. Thế nên dù rằng chất lượng không tồi, nhưng những công tử thế gia đều thích đến Vô Thứ Lâu để dùng bữa.
Mà đã là người đọc sách, thì khó quản nhất chính là cái miệng, ở bất kỳ nơi nào, lúc nào cũng phải mở miệng nói dăm ba câu.
Hôm nay vừa hay có mấy vị tiêu sư[5] ghé ngang. Họ đều là người trong giang hồ, uống rượu tán gẫu đôi câu rồi thì cũng nói đến việc Tư Đồ mất tích. Dần dà, mấy thư sinh gần đó cũng bị câu chuyện của họ thu hút. Một thư sinh bạch diện hỏi một vị tiêu sư – “Vị đại ca này, mới rồi huynh nhắc đến Tư Đồ bang chủ, có phải chăng là người mới mấy hôm trước cùng Hoàng Bán Tiên tróc nã hoa yêu ở Hàng Châu không?”
Tiêu sư gật đầu bảo phải.
Vừa nghe thấy tên của Hoàng Bán Tiên thì những thư sinh ở đây đều hứng thú tụ tập lại.
“Nói đi nói lại, sau Ân Tướng quốc thì Hoàng Bán Tiên là thần toán nổi tiếng đương triều nhỉ?”
“Ai da, Ân tướng là Tướng quốc, đã vì quốc gia mà xuất lực, còn Hoàng Bán Tiên chỉ là một thầy tướng số chốn giang hồ mà thôi.”
“Không phải thế đâu, nghe bảo triều đình đã từng nhiều lần vời y về triều làm quan, nhưng y cứ bảo mình tuổi tác quá nhỏ để thoái thác.”
“Đúng vậy, nghe bảo y còn chưa tròn mười tám tuổi, chỉ là một thiếu niên thôi.”
“Còn trẻ như thế mà đã danh chấn thiên hạ sao…” – Bạch diện thư sinh ban nãy kêu lên đầy cảm khái.
Mọi người đang tán gẫu hăng say thì chợt nghe có tiếng tiểu nhị vang lên từ bên ngoài – “Có khách đến!”
Lúc này đã quá ngọ, người trong tửu lâu cơm no rượu say rồi thì cũng đã sớm tan đàn, số lưu lại đa phần là nhàn rỗi chuyện phiếm. Trong lâu không đông khách, vì thế mà tiếng hét của tiểu nhị trở nên rất rõ ràng, khiến cho mọi người tò mò hướng mắt ra cửa chờ xem.
Bên ngoài tửu lâu có một con hắc mã lực lưỡng dừng lại, bên trên có hai người cưỡi. Ngồi phía sau là một nam tử hắc y, trên tóc vương không ít bông tuyết. Trời rét lạnh là thế mà hắn ăn mặc rất đơn bạc, chỉ mỗi kiện hắc sa được cắt may khéo léo, nhưng trông thì cũng đơn giản. Người này tướng mạo sắc bén, ánh mắt như hùng ưng, nét mặt tràn đầy lãnh khốc, khóe môi cũng hiển hiện một nụ cười nhàn nhạt, tựa như đang cùng người đồng hành nói gì đấy, trong mắt chứa đầy sự nuông chiều.
Lại nói người kia, đó là một thiếu niên, ước chừng mới mười sáu, mười bảy tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn. Không giống như hắc y nhân ăn vận đơn bạc, y khoác một tấm áo choàng lông điêu màu đen, che kín hết thảy. Mà lớp lông điêu màu đen kia càng làm nổi bật làn da trắng như tuyết của y. Bộ dạng y thanh tú, lại thêm đôi mắt phượng đen láy sinh động, từ xa nhìn đến cũng biết là một người xinh đẹp rồi.
Hắc y nhân xuống ngựa, rũ sạch tuyết trên người rồi hỏi tiểu nhị – “Ở chỗ ngươi có nhã gian nào thanh tĩnh không?”
“Dạ có!” – Tiểu nhị dạ ran, nhìn từ trên xuống dưới hắc y nhân lẫn thiếu niên, trong lòng nhủ thầm, chỉ cần nhìn thiếu niên khoác da điêu thì cũng đủ hiểu bọn họ có thể mua trọn cả tửu lâu luôn ấy.
“Chuẩn bị một nhã gian, đặt chậu than để sưởi ấm, sau đó sắp một bàn thức ăn nóng, thêm hai vò rượu ấm nữa.” – Hắc y nhân phân phó cho tiểu nhị, sau đó quay lại ôm thiếu niên xuống.
Trấn Thanh Vân tuy rằng là một thị trấn nổi danh, nhưng dù sao cũng chỉ là một địa phương nhỏ, trong trấn đa phần đều là người đọc sách. Mà xưa giờ vẫn có câu người đọc sách thường nghèo kiết hủ lậu, hiển nhiên ý nói vừa nghèo kiết, vừa hủ lậu.
Mà hai người này không phải dân bản địa, lại còn có nhiều tiền nữa.
Hắc y nhân không hề dừng lại, trực tiếp bế thiếu niên lên thẳng nhã gian trên lầu hai.
Chưởng quầy thấy khách quý đến thì vội vàng phân phó hạ nhân mau mau chuẩn bị. Chậu than đã mang vào nhã gian, rượu đã hâm nóng, thức ăn cũng lần lượt được bưng lên. Hắc y nhân xem chừng rất vừa lòng, xuất cho chưởng quầy một tấm ngân phiếu, rồi bảo ông ta lui ra.
Chưởng quầy cầm ngân phiếu xuống lầu rồi thì mới dám dụi mắt xem thử số lượng là bao nhiêu. Ông ta vừa nhác thấy thì kinh hoàng, thiếu chút nữa kêu hoảng lên, ba chân bốn cẳng dặn dò tiểu nhị phải hầu hạ cẩn thận.
Các thực khách dưới lầu phần lớn đều là người quen, chỉ cần nhìn biểu tình của chưởng quầy cũng biết khách nhân không hề tầm thường, bắt đầu nghị luận với nhau.
Mấy vị tiêu sư liếc mắt nhìn nhau, miệng bảo công phu hắc y nhân kia lợi hại phi thường.
Chúng ta tạm thời không nói đến sự tò mò của thực khách mà chuyển đến hai người trên nhã gian.
Vì đã đặt chậu than nên chẳng bao lâu sau cả gian phòng đã ấm áp hẳn.
Sau khi bế thiếu niên ngồi lên nhuyễn tháp sát vách tường, hắc y nhân vừa đưa tay cởi nút buộc áo choàng của y, vừa hỏi – “Có lạnh không nào?”
“Không lạnh…“ – Thiếu niên cầm lấy sợi dây buộc, tự mình cởi áo choàng ra, nhỏ giọng bảo – “Ta có thể tự làm mà.”
“A…và sẽ giẫm lên áo choàng rồi ngã sấp xuống giống như lần trước phải không?” – Hắc y nhân mỉm cười rồi đi đến bên bàn, cầm lấy hai chén rượu, vẫy tay bảo thiếu niên – “Nào, Mọt Sách, đến uống với ta một chén.”
Nhìn lại phía nhuyễn tháp, người đang ngồi một thân hắc y, thanh tú gầy gầy, văn văn tĩnh tĩnh, chính là Hoàng Bán Tiên.
Mà đã thế thì người ngồi bên bàn uống rượu hiển nhiên chính là Tư Đồ mà người trong giang hồ kháo nhau rằng đã mất tích.
Lần này hai người đến đây không phải mặc cho ngựa phi đâu thì đi đấy, mà là theo chủ đích của Tư Đồ. Hắn suy ngẫm phát hiện căn nguyên mọi sự tình, đầu đuôi đều là xuất phát từ mối liên hệ giữa Tiểu Hoàng với Ân Tịch Ly kia. Thế nên hắn quyết định truy theo manh mối đó.
Hai người nhằm thẳng hướng Bắc, ven đường đi qua rất nhiều nơi Ân Tịch Ly từng đến, nghe không ít cố sự về vị tướng quốc này. Tư Đồ là một người hoàn toàn không biết cách kềm chế chính mình, dù đi đâu cũng lấy tùy tiện thỏa chí làm đầu. Suốt đường đi hai người quả thật đã chơi đùa thật thỏa thuê, tiêu diêu tự tại.
Đường đi càng về phía Bắc thì càng lạnh, Tiểu Hoàng thân thể yếu ớt không chịu được cái rét. Tư Đồ sợ y nhiễm lạnh nên tự thân vào núi bắt hơn mười con hắc điêu béo mập, tìm người làm một chiếc áo da điêu, lại còn cẩn thận bảo người ta thêm một lớp da dê làm vải lót. Chiếc áo choàng này làm mất hơn một tháng mới xong. Lúc Tiểu Hoàng thấy Tư Đồ giao mấy con điêu xinh xắn đáng yêu cho thợ may thì khóc mất một trận, giận dỗi không thèm để ý đến Tư Đồ những vài hôm. Nhưng dù sao thì đến lúc áo choàng hoàn thành thì Tiểu Hoàng vẫn rất thích. Y mặc một chiếc áo đơn rồi khoác nó bên ngoài, dù là tuyết đổ hay trời giá rét thì vẫn ấm áp vô cùng. Có đôi khi Tư Đồ nảy ra ý ngủ lại nơi dã ngoại, áo choàng này có thể giúp bao bọc lấy cả người Tiểu Hoàng, cực kỳ hữu dụng.
Tiểu Hoàng giữ áo vô cùng cẩn thận. Những thứ Tư Đồ cho y như y phục, sách… tất cả y đều thật lòng quý trọng, không cần biết giá cả thế nào, bởi lẽ đó đều là một phần tâm ý của Tư Đồ, khiến y cảm thấy rất ấm áp.
Chỉ có điều hai ngày trước khi đến Liêu Đông, lúc hai người đặt chân vào cửa một khách ***, thì Tiểu Hoàng không chú ý ngạch cửa nơi ấy đặc biệt cao, mà áo choàng thì lại dài, lúc bình thường Tiểu Hoàng cứ phải nâng vạt áo lên. Lần này tuy rằng cũng nâng lên, nhưng lúc bước qua cửa thì vô tình giẫm phải mà té ngã.
Tư Đồ vốn phải mau chóng đỡ lấy Tiểu Hoàng, nhưng ở vào thời điểm tiểu hài tử ngã sấp nhoài người trên mặt đất, chả biết Tư Đồ nghĩ thế nào mà cảm thấy bộ dáng của Tiểu Hoàng đáng yêu lạ thường. Thế là hắn phá lên cười ha hả, khiến cho Tiểu Hoàng một phen bực tức.
Nhưng rồi sau khi cuốn ống quần tiểu hài tử lên, thấy bầm tím một mảng, Tư Đồ vẫn đau lòng muốn chết. Thế là từ đó về sau, không cần biết là đi đến đâu, chỉ cần đang khoác áo choàng thì Tư Đồ tuyệt đối không để hai chân Tiểu Hoàng chạm xuống đất, lúc nào cũng bế bế bồng bồng. Dần dà, càng ôm càng phát nghiện, đặc biệt là Tiểu Hoàng mỗi lần bị ôm đều giãy giụa tránh né, tay chân co lại, chẳng dám làm gì mạnh. Nếu phát hiện thấy có người nhìn thì sẽ ngượng ngùng giấu mặt đi, y như một chú thỏ con, đáng yêu không sao tả hết.
Tiểu Hoàng đến ngồi bên bàn, đón lấy chén rượu Tư Đồ đưa qua, nhấp một ngụm, cảm giác được toàn thân ấm hẳn lên, bèn lộ ra ý cười.
“Tìm một nơi trọ lại đã.” – Tư Đồ gắp chút thức ăn cho Tiểu Hoàng, cười bảo – “Đến chập tối ta sẽ dẫn ngươi đến Ân Viên, nghe bảo nơi đó có Kinh Quyển Thư các, là nơi năm xưa Ân Tịch Ly lưu giữ sách, có rất nhiều sách hay.”
Tiểu Hoàng vừa nghe nhắc đến sách thì hưng phấn hẳn lên. Nhưng rồi khi đang cầm chén nhấp đôi ngụm rượu thì y lại cảm thấy có chút kỳ quái, bèn hỏi Tư Đồ – “Buổi tối ư?”
Tư Đồ véo mũi y – “Sao lại ngớ ngẩn thế? Bây giờ là giữa ban ngày ban mặt, chúng ta đây lại không phải là người của thư viện, vậy ai cho ngươi bước chân vào hửm? Đi buổi tối, vụng trộm mà vào.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.