Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa
***
Phong Tiểu Nhã nhìn Mạnh Bất Ly một hồi rồi chậm rãi nói: "Bất Ly thất trách, cứ việc xử phạt nhưng hắn có một thỉnh cầu, có thể nào chờ đến khi tìm được Tạ cô nương rồi hãy xử trí hắn. Sống phải thấy người chết phải thấy xác, suy cho cùng cũng phải cho ngài một câu trả lời."
"Nàng ấy sẽ không chết. Nếu bị người của Như Ý Môn bắt đi thật, vậy thì một Tạ Trường Yến còn sống có ích hơn một Tạ Trường Yến chết." Chương Hoa đứng dậy.
Phong Tiểu Nhã thấy chàng định đi thì đẩy xe lăn đuổi theo: "Ngài định thế nào?"
Bấy giờ, trời đã sắp sáng, những tia sáng le lói từ sau rặng mây ló ra, chiếu lên đình viện hoang vu, cũng chiếu lên gương mặt Chương Hoa. Chàng nói: "Trình vương thọ thần, gửi thiệp mời đến trẫm, thế nên... trẫm quyết định đích thân đến Trình quốc một chuyến."
Mùng chín tháng năm năm Hoa Trinh thứ sáu, Yên vương nhiễm bệnh, chuyển đến Ly Sơn tịnh dưỡng, chính sự tạm giao phó cho ba đại thần nhà Lý Phạm Viên xử lý. Không ai biết rằng chàng bí mật dẫn theo Như Ý Cát Tường và hai mươi Thiên Ngưu vệ khởi hành đi Trình.
Mùng hai tháng sáu, lúc Chương Hoa đến Lô Loan thì trời đã chập tối, chàng đến thẳng khách điếm Tạ Trường Yến mất tích ngày đó. Khách điếm nằm trên đường Vân Tường đông đúc náo nhiệt, tên cũng là Vân Tường, được xem là một trong những khách điếm đắt đỏ nhất Lô Loan. Đắt đỏ ở Trình quốc cũng đồng nghĩa với an toàn, huống chi khách điếm này còn nằm dưới trướng Hồ gia, là Hồ Trí Nhân chuẩn bị cho Tạ Trường Yến.
Khách điếm gồm có ba tầng, người hầu nô tì tổng cộng sáu mươi người, người đông thì phức tạp, muốn âm thầm bắt cóc một người khách gần như không có khả năng. Phòng của Tạ Trường Yến nằm ở trong cùng phía Đông tầng ba, trên khung cửa điêu khắc hình hai con rắn uốn lượn, một nơi yên bình giữa chốn phồn hoa.
Từ sau khi Tạ Trường Yến gặp chuyện, Hồ Trí Nhân cho khoá căn phòng này lại, không cho khách khác vào ở. Bởi vậy khi Chương Hoa đến nơi, căn phòng vẫn giữ nguyên trạng như trước đó.
Khác với gió cát mịt mù ở phía Bắc, Lô Loan ở phía Nam không khí ẩm ướt, một tháng không quét dọn cũng không tích quá nhiều bụi, căn phòng vô cùng sạch sẽ. Lúc Chương Hoa vô tình vén gối lên còn phát hiện một sợi tóc trên nệm.
Chàng dám chắc đây là tóc của Tạ Trường Yến, tóc vừa đen vừa thô, hơi xoăn tự nhiên, do không chú ý chăm sóc nên khác với mái tóc dài mượt sáng bóng của những người trong cung kia.
Tóc của nàng từng dập dờn trong nước hồ băng, từng xuyên qua gió cát vạn dặm, thường chỉ lau khô rồi lấy tay chải chuốt bừa, thế nên tóc hơi khô, hơi cháy, in dấu sự thờ ơ của chủ nhân nó.
Nhưng trong mắt Chương Hoa, đây có lẽ là sợi tóc đẹp nhất trên đời.
Chàng cẩn thận nhặt lên, bỏ vào túi gấm mang theo bên người.
Bên kia, Cát Tường tra xét sơ bộ xong quay lại bẩm báo: "Bệ hạ, phòng này có hai cửa sổ ở phía Đông và Nam, cửa Nam hướng vào phía trong khách điếm, không có dấu hiệu bị mở. Phía ngoài cửa Đông là một ngõ cụt, ít người lai vãng, chất đầy những thứ linh tinh, ngoài ra còn một miệng giếng đã cạn khô. Nếu đối phương đưa Tạ cô nương đi ra từ cửa Đông thì chỉ có thể đi vào miệng giếng đó."
"Cho người leo xuống đó xem."
"Vâng ạ." Cát Tường vội vã rời đi.
Như Ý ở lại trong phòng, mở to đôi mắt đen láy hỏi: "Bệ hạ, chúng ta không tới dịch trạm sao?"
"Đêm nay cứ ở lại đây, xem xem đêm đến sẽ có chuyện gì xảy ra." Chương Hoa sờ song cửa phía Đông, nhìn ám vệ của Thiên Ngưu Vệ đang tìm kiếm trong giếng khô.
Song một đêm chẳng có chuyện gì xảy ra. Căn phòng im ắng, ánh trăng rọi qua khung giấy trên cửa chiếu vào phòng, trong không khí có mùi ẩm thấp của gió biển, giống như một bàn tay êm dịu làm người ta gạt bỏ mọi mệt nhọc và phòng bị.
Chương Hoa nằm trên giường nhìn sợi tóc đó, cõi lòng trống vắng. Không ngủ được, chàng bèn đứng dậy đi tới bên cửa sổ Đông, ngoài kia đêm đã khuya, ánh trăng nhàn nhạt chiếu lên Lô Loan trong màn đêm, phía giếng khô hoàn toàn chìm vào bóng tối.
Lúc trời sáng Cát Tường trở lại.
"Trong giếng đúng là có mật đạo nhưng đổ sập mất rồi, đào bới rất lâu mới thông trở lại, cuối mật đạo là lối vào cửa sau của một cửa hiệu bán đàn."
Chương Hoa mất ngủ cả đêm lập tức bật dậy.
Cửa hiệu đàn nằm trên đường Vân Tường, cách khách điếm chừng trăm trượng, bày trí rất xa hoa nhưng vắng tanh, không có bóng khách nào.
Lúc Chương Hoa dẫn Như Ý Cát Tường vào tiệm, tất cả người làm đều bật dậy, ân cần bước lên tiếp đón.
Ánh mắt Chương Hoa quét qua những cây đàn trên giá.
Đúng thực phải nói rằng cửa tiệm đàn này rất không tệ, loại đàn đa dạng phong phú, còn vài cây là đàn cổ quý hiếm. Song, Chương Hoa không có lòng nào thưởng thức, chỉ nhìn qua một cái rồi hỏi: "Còn loại nào tốt hơn nữa không?"
"Cây Lôi Ngã Cầm này là bảo vật trấn tiệm của chúng ta..." Người làm đang định giới thiệu thì Cát Tường ngắt lời: "Công tử nhà chúng ta muốn cái tốt hơn."
Người làm ngập ngừng rồi đáp một câu "Xin chờ giây lát", sau đó đi vào phòng trong.
Cát Tường ghé sát Chương Hoa nói: "Cửa tiệm Thái gia bên cạnh có bất thường."
"Bất thường gì?"
"Phát hiện đội quân riêng của Lân Tố, hình như bọn họ đang đợi ai đó, chúng ta đi vào bị phát hiện rồi."
Chương Hoa cười: "Vậy nên mật đạo kia cố ý thông đến đây để tiện vu oan giá hoạ sao?"
Cát Tường sững sờ. Lúc này, người làm kia quay lại: "Công tử, ông chủ chúng ta mời ngài vào..."
Chương Hoa dẫn hai người vào phòng trong. Một người đang ngồi, ánh sáng trong phòng ảm đạm, người nọ hơi khom người, mặc một tấm áo rất dày, còn đang ho khan.
Như Ý trừng mắt: "Ngươi chính là ông chủ của cửa tiệm này?"
Chương Hoa trả lời giúp người đó: "Đúng vậy. Không những thế, y còn là đại hoàng tử Trình quốc. Lân Tố điện hạ, lại gặp nhau rồi."
"Yên vương bệ hạ, đã lâu không gặp." Người nọ quay đầu lại mỉm cười, mày dài như hoạ, thanh tú đẹp đẽ, một vẻ đẹp phi giới tính.
Không chỉ Như Ý mà cả Cát Tường cũng rất ngỡ ngàng, không ngờ người ngồi trong tiệm đàn là Lân Tố.
Tại sao trong giếng khô ở tường Đông khách điếm Vân Tường có một mật đạo thông đến nơi này? Tại sao nơi này lại là địa bàn của Lân Tố? Lẽ nào người bắt Tạ Trường Yến là Lân Tố? Hay là Như Ý Môn đã sớm đoán được có người sẽ đến điều tra nên giống như bệ hạ vừa nói, vu oan giá hoạ cho Lân Tố?
Một chuỗi những mối nghi ngờ nổi lên trong đầu hắn. Nhưng so với hắn, Chương Hoa bình tĩnh hơn rất nhiều. Chàng ngồi xuống đối diện Lân Tố, từ tốn nói: "Các ngươi đang đợi trẫm sao?"
"Nói thật thì, không phải." Lân Tố rót trà cho chàng.
"Vậy là ai?"
"Ừm..." Lân Tố ngoái đầu nhìn ra ngoài phòng, "Đợi nàng ấy."
Vừa dứt, bên ngoài vang lên tiếng chào hỏi của người làm, sau đó một giọng nữ cất lời: "Ta muốn thử đàn."
Mắt Như Ý sáng lên, cảm thấy giọng nói này như hoàng oanh xuất cốc, trong trẻo dịu dàng, hay cực kỳ.
Một lát sau, hình như cô gái kia ngồi xuống, bắt đầu tấu đàn. Tiếng đàn đầu tiên vang lên, trái tim Chương Hoa khẽ rục rịch.
Nàng ấy đàn đoạn đầu tiên trong Hoạch Lân, tên là Thương Thời Lân Hề.
Lân hề lân hề, nhân nghĩa hoài bão, gặp khi hợp thời.
Không rơi vào bẫy, lưới lồng lộng chẳng nề.
Lân hề một sừng năm móng, gặp thời khí chung lưỡng nghi. Nay vô vọng, ăn sắt sinh vàng, đời tuyệt hoá thành không...
Cũng giống với Tạ Trường Yến, bản thân Chương Hoa không rành tấu đàn nhưng là người nghe nhạc số một. Nhạc sư trong Yên cung tuy không nhiều bằng Bích quốc nhưng đều là cao thủ hội tụ. Còn có thiên tài âm luật đương thời không ai sánh bằng như Phong Tiểu Nhã, nghe đàn của y từ nhỏ rồi mưa dầm thấm đất. Có thể nói, tiếng nhạc có thể nghe lọt tai Chương Hoa chẳng có bấy nhiêu.
Nhưng, khúc Hoạch Lân này đàn quá hay, bi phẫn như tiếng trống dồn, thê lương tựa tiếng thở dài, làm những tâm sự trong lòng Chương Hoa trỗi dậy.
Chàng nhớ đến cảnh lúc gặp lại Tạ Trường Yến bên bờ suối ở rừng Vạn Dục.
Khi đó, nàng quỳ dưới cây óc chó, đào một cái hố, đặt chiếc áo lông cáo do Trịnh thị tự tay may vá xuống hố.
Trước đó họ từng ở bên nhau nửa năm, chàng chỉ dẫn nàng, rèn luyện nàng, chàng trông thấy dáng vẻ nhíu mày, vui cười, hồn nhiên, tức giận của nàng, cũng chứng kiến nàng thẹn thùng, muộn phiền, ngây thơ non nớt.
Nhưng mãi đến ngày gặp lại ở rừng Vạn Dục, nhìn thấy Tạ Trường Yến khi đó, lần đầu tiên chàng cảm nhận được nỗi sợ hãi từ trong nội tâm.
Muốn bảo vệ nàng, muốn an ủi nàng, muốn lau nước mắt cho nàng, muốn làm dịu nỗi ưu thương của nàng.
Muốn diệt trừ Như Ý Môn ngay tức khắc, chấm dứt ân oán, mang mọi thứ trên đời dâng đến trước mặt nàng, vì một nụ cười của nàng.
Có lẽ kể từ giây phút ấy chàng mới thật sự yêu Tạ Trường Yến.
Thế mà, nay giai nhân bặt vô âm tín, không biết có còn cơ hội gặp lại...
Thanh âm cuối của người đánh đàn từ từ vụt tắt, Chương Hoa giơ tay lên vỗ tay.
"Cao cao như Thái Sơn, mênh mông tựa Giang Hà(*)... Như Ý, đi mua cây đàn đó, tặng cho người đánh đàn."
(*) 2 câu trong điển cố lịch sử "Bá Nha Tuyệt Huyền", kể về câu chuyện tri âm khó cầu của Bá Nha và Chung Tử Kỳ.
Như Ý tò mò nãy giờ lập tức xông ra ngoài, còn Cát Tường bất ngờ nhìn sang Chương Hoa.
Lân Tố bên cạnh nhướn mày nói: "Bệ hạ yêu thích khúc nhạc này đến thế sao?"
"Ừ." Phàm âm khởi, từ trong trái tim. Trái tim đã tỉnh ngộ, lại mượn thêm tiếng đàn giúp chàng nhìn rõ lòng mình.
Trường Yến, nàng đang ở đâu? Có đói có khát không? Có bị thương không?
Đừng sợ, trẫm nhất định sẽ tìm được nàng.
Cho dù lật tung ba tấc đất của Trình quốc, trẫm cũng nhất định sẽ cứu nàng ra, sau đó, đưa nàng về nhà.
Chương Hoa không nói thêm nữa, đứng dậy bỏ đi.
Lân Tố nói: "Bệ hạ, ta còn chưa nói hết."
"Có chuyện gì gặp lại ở dịch trạm rồi nói." Chương Hoa đi ra từ cửa sau.
Lân Tố nhìn theo bóng lưng chàng, một lúc sau y búng tay gọi tuỳ tùng vào: "Tra ra vì sao Yên vương bí mật đến Trình chưa?"
Người tuỳ tùng quỳ đáp: "Trước khi đến đây ngài ấy có ghé qua khách điếm Vân Tường một chuyến như đang tìm người."
"Khách điếm Vân Tường? Sao lại nghe quen thế này?"
"Điện hạ người quên rồi ạ? Tam công chúa từng muộn danh người hẹn gặp Thập Cửu Lang, Thập Cửu Lang đó thuê phòng ở khách điếm Vân Tường. Tam công chúa quay về còn nổi trận lôi đình, bởi vì Thập Cửu Lang đó là nữ..."
Ánh mắt Lân Tố nhấp nháy, y nhìn ra ngoài phòng, người đánh đàn cũng đã cáo từ ra về. "Bất kể thế nào, phái người trông chừng Yên vương chặt vào. Thọ yến của phụ vương sắp đến, tuyệt đối không thể xảy ra bất cứ sai sót gì."
"Vâng."
NNPH lảm nhảm:
Còn ai nhớ đoạn này không nè??
Hoá ra lúc đó Chương Hoa tặng đàn không phải chỉ vì thích tiếng đàn mà còn vì nghe đàn làm nhớ tới ai kia hí hí.