Hạnh Hoa Thôn Phục Hận

Chương 2: Người chết trở về (2)




Toàn thể các tráng sĩ Hạnh Hoa Thôn đều được mời đến gian giữa, chổ ở của Tiêu Hà lão hiệp, Lệ Hồng và Hồng Nhi. Mọi người ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì hệ trọng mà Tiêu Hà lão hiệp mời đến họp cấp tốc như vậy ? Họ đến nơi thấy Tiêu Hà lão hiệp và Hồng Nhi ngồi bên giường của Lệ Hồng, ai nấy đều có vẻ buồn buồn. Toàn thể các tráng sĩ đều đứng quây quần bên giường của nữ hiệp. Họ đoán biết có sự không lành đã xảy ra. Ở trong góc nhà người thiếu phụ được cắt đặt chăm sóc cho Lệ Hồng đêm qua, đang thì thầm vào tai một tráng sĩ.
- Đêm qua, có một hiệp sĩ, bạn thân của Vũ Anh Kiệt, từ kinh sư về đây. Chẳng hiểu ông ta đã nói chuyện gì mà sáng nay xem bệnh tình của Lệ Hồng hiệp nữ có vẻ trầm trọng hơn và lão hiệp rất buồn....
- Tráng sĩ ấy đâu rồi ?
- Hình như đã đi trước khi trời sáng.
Trong khi đó, Tiêu Hà lão hiệp bỗng ngẩng đầu lên cất tiếng hỏi:
- Các con tụ họp đã đông đủ chưa ?
Có tiếng đáp:
- Bẩm lão hiệp ! Anh em chúng tôi đều đủ mặt, chỉ còn hai người canh phòng ở sau núi. Chẳng hay có chuyện gì hệ trọng mà lão hiệp cho gọi chúng con đến đây ?
Tiêu Hà cất giọng buồn rầu:
- Ta khổ tâm mà báo tin cho các con đặng rõ:
Anh Kiệt đã tử nạn rồi.... Ta có tin đích xác từ Phiên Ngưng về đây.
Các tráng sĩ, dù lâu nay đã nghe nhiều lần tin Anh Kiệt bị tử nạn, nhưng cũng có người kêu lên:
- Lão hiệp ! Thật vậy sao ?
Lệ Hồng cố gượng dậy nghẹn ngào nói:
- Lần nầy thì không còn lầm được nữa. Đêm hôm qua có người từ Phiên Ngưng về đây, báo tin cho tôi biết. Chồng tôi.... đã bỏ mình trong trận giữ thành Hoành Phố thật rồi. Chẳng còn lầm lẫn được nữa, vì chính mắt người ấy đã trông thấy. Tôi đã tuyệt vọng không còn mong gì tiếp tục chiến đấu thêm nữa....
Ai nấy đều xôn xao trước lời nói sau cùng của Lệ Hồng.... Tiêu Hà lão hiệp chậm rãi nói:
- Các con đã thấy rõ hoàn cảnh của Lệ Hồng, chắc ta không cần phải nói thêm nữa. Bởi vậy hôm nay, ta dời các con tới đây, để bản một việc.
Các tráng sĩ đều im lặng nhìn nhau. Chẳng ai hiểu Tiêu Hà lão hiệp muốn nói gì ? Tần Ngọc, một thanh niên vũ dũng, nét mặt khôi ngô tuấn tú nhìn lão hiệp, mở lời:
- Bẩm lão hiệp ! Chẳng hay có việc chi ?
Tiêu Hà ngồi lặng thinh một lúc như để dằn bớt cơn xúc động rồi nói:
- Các con hãy bình tâm nghe những lời ta nói ra đây ! Ta cũng khổ tâm lắm, nhưng đành chịu vậy chớ không làm sao khác ! Hiện giờ ta là kẻ mù lòa vô dụng.
Lệ Hồng bệnh tình ngày càng trầm trọng, Hồng Nhi còn bé dại chưa biết gì. Chắc bọn ta không tiếp tục cuộc chiến đấu này nữa....
Nhiều tiếng xôn xao nổi lên. Tiêu Hà lão hiệp chờ cho các tráng sĩ dịu bớt xuống, mới tiếp:
- Trước kia, chúng ta nuôi hi vọng có ngày Anh Kiệt quay về cầm binh, khiển tướng để chống quân Tàu ! Nhưng giờ đây, nguồn hi vọng kia đã tan biến, ta liệu sức mình không điều khiển được các con.... Thà là nói ra trước, để các con bàn bạc, rồi chia tay nhau trở về quê cũ, bỏ hẳn ý định phục thù rửa hận.
Toàn thể các tráng sĩ đều im lặng, Lệ Hồng nhìn mặt từng người một, nhưng không đoán hiểu được trong lòng họ đang nghĩ gì ? Tần Ngọc nắm chặt hai bàn tay, bước đến bên Tiêu Hà lão hiệp:
- Lão hiệp ! Tiểu điệt xin phản đối ý nghĩ qui thuận quân Tàu. Chúng ta cứ tiếp tục cuộc chiến đấu dù có phải chết hết cũng cam tâm. Có Anh Kiệt hiệp sĩ hay không, tiểu điệt cũng quyết chống trả quân nhà Hán đến kỳ cùng.
Nhiều tráng sĩ khác đứng về phe Tần Ngọc, nói:
- Chúng tôi nhất định không rời bỏ chốn này. Lão hiệp và tiểu thư đi đến đâu, chúng tôi theo đến đó....
Nhiều ke nhát gan, mất hết tinh thần. Một người cất tiếng:
- Bọn mình còn có bao nhiêu đây, chiến thắng quân Tàu làm sao nổi ? Lão hiệp và tiểu thư nói phải, anh em hãy nghe theo.
Tần Ngọc quắc mắt nhìn kẻ vừa thốt ra câu đó. Chính Thái Phong, một người vào khoảng tứ tuần, nhưng tính tình bất nhất. Khi anh ta bênh vực «người nầy», lúc anh lại oán ghét cũng chính người đó và tìm cách nói xấu thậm tệ. Tần Ngọc cười gằn, nói:
- Tưởng ai chớ Thái Phong thì chẳng lạ gì. Được rồi ! Anh muốn rời bỏ bọn ta về quê quán thì cứ việc, có ai ngăn cản đâu !
Thái Phong bực tức nói:
- Chú còn bé biết gì chuyện lợi hại. Ta bàn cho anh em thấy rõ thế thôi. Nếu còn chiến đấu được, Lệ Hồng nữ hiệp đâu có nản chí mà tính giải tán bọn ta như vậy....
Tần Ngọc nhìn Lệ Hồng với đôi mắt xót xa. Chàng rất quí trọng Lệ Hồng nên khẽ nói:
- Chị Lệ Hồng đang bệnh trầm trọng, tinh thần bấn loạn trước cái chết của Anh Kiệt. Ta không nên trách chị ấy. Nhưng bổn phận chúng ta là phải nhận thấy trách nhiệm của mình. Xưa có Anh Kiệt, ta trông cậy vào anh ấy, bây giờ anh ấy mất rồi, ta nên trông thẳng vào tài sức của mình. Phải tiếp tục cuộc chiến đấu, để chiếm lại Hạnh Hoa Thôn và đánh đuổi quân Hán triều ra khỏi đất nước ! Mọi người nên nhận lấy trách nhiệm của mình thì thế nào cũng thành công....
Thái Phong bỉu môi, nói:
- Chú còn trẻ, máu nóng còn nhiều nên nói bừa mà không suy nghĩ. Ta không dại gì theo chú để rước lấy cái chết vô ích. Cuộc chiến đấu này không có Anh Kiệt hiệp sĩ khởi xướng thì chẳng ma nào theo đâu. Ta đi đây.... Anh em có ai theo ta chăng ?
Thái Phong dứt lời thì độ năm sáu tráng sĩ theo chân anh ta. Anh quay lại chào Tiêu Hà lão hiệp và Lệ Hồng nói:
- Bẩm lão hiệp ! Lão hiệp toan tính thế này rất kịp thời. Từ lâu, anh em tôi cũng đã định bàn đến chuyện đó. Thôi chúng tôi xin phép đi đây....
Thái Phong vừa quay mình bước ra cửa thì Tần Ngọc đã nói vọng theo:
- Đồ hèn mạt, nhát gan....
Thái Phong cùng mấy người kia quắc mắt nhìn lại. Tần Ngọc khoanh tay trước ngực nói:
- Ta chửi vào mặt anh đó, chứ chẳng có ai khác đâu.
Mấy người kia toan sấn tới gây sự với Tần Ngọc, nhưng toàn thể tráng sĩ còn lại đều chụp lấy chuôi kiếm. Thái Phong chận các bạn cười gằn bảo Tần Ngọc:
- Chú bé nóng nảy.... Rồi có ngày sẽ ân hận....
- Ta thách anh đó ! Có giỏi thì theo gót quân Tàu mà hại anh em đi.
Thái Phong mỉm cười nham hiểm:
- Chuyện đó làm sao biết trước được !
Nói xong, Thái Phong và các bạn hắn vội vã kéo nhau đi. Tần Ngọc căm tức nhìn theo hắn rồi bảo các bạn:
- Bọn nầy thế nào cũng phản dân, hại nước, theo gót quân Tàu ! Ta không diệt chúng bây giờ sẽ có hại về sau....
Các tráng sĩ còn lại đều khen phải, rồi ai nấy đều tuốt kiếm cầm tay. Bỗng họ giật mình, nghe tiếng Lệ Hồng cất lên:
- Các bạn, chớ động thủ....
Mọi người đều quay lại nhìn nữ hiệp. Chính Tần Ngọc cũng phải ngạc nhiên khi thấy Lệ Hồng ngồi nhổm dậy, sửa mái tóc, vẻ mặt tươi tỉnh như lúc bình thường. Chưa ai kịp nói gì thì Lệ Hồng đã tiếp lời:
- Đừng giết ai cả ! Cứ để họ đi. Bao giờ họ bội phản, ta trị tội cũng không muộn.
- Chị.... Nếu vậy chị không bỏ các em chớ ?
Lệ Hồng mỉm cười nhìn Tiêu Hà và Hồng Nhi nói:
- Đúng thế ! Chị không rời bỏ các em đâu ! Cả thúc phụ và Hồng Nhi nữa.
- Sao vừa rồi chị lại bảo ?
- Chẳng qua là chị và thúc phụ muốn thử lòng các bạn đó thôi. Đã đến lúc quyết liệt, chị muốn biết rõ ai là người trung kiên, ai là kẻ phản phúc.
Toàn thể các tráng sĩ đều reo mừng. Tần Ngọc băn khoăn hỏi Lệ Hồng:
- Thế còn chuyện Anh Kiệt tử trận có đúng vậy không ?
Đến lúc đó, Tiêu Hà lão hiệp mới cất tiếng:
- Các con an tâm ! Anh Kiệt vẫn còn sống và đã về đến đây với các con.
Ai nấy đều sửng sốt, kêu lên:
- Trời ! Có thật vậy sao lão hiệp ?
Hồng Nhi liếc nhìn mẹ, chạy vào phòng trong gọi:
- Cha ơi, cha !
Nhưng cậu hết sức ngạc nhiên không thấy cha đâu cả. Cậu vừa quay ra đã thấy Anh Kiệt từ ngoài cửa bước vào, cất tiếng:
- Ngu huynh có lời chào các bạn !
Mọi người đều reo mừng:
- Anh Kiệt đại huynh....
- Anh Kiệt tráng sĩ....
Nhất là Tần Ngọc, chàng ôm chầm lấy Anh Kiệt:
- Đại huynh ! Trời ơi.... Không ngờ anh còn sống....
Anh Kiệt cũng nắm lấy tay Tần Ngọc mừng rỡ. Chàng nhớ kỹ Tần Ngọc, ngày xưa, là tiểu đồng của Tiêu Hà lão hiệp, từng làm tiểu bảo trong quán Chiêu Anh.
Cậu bé này đã từng chứng kiến bao cuộc can qua:
khi bọn giặc bể Tạ Thiên Hồng đánh phá Hạnh Hoa Thôn, cũng như khi quân Hán triều của Cù Lạc tràn vào làng mạc. Ngày nay, Tần Ngọc đã lớn và trông rất hùng mạnh phương phi. Tiêu Hà lão hiệp chờ cho mọi người qua lúc xôn xao, mới cất tiếng:
- Anh Kiệt đại huynh của các con về đến đây từ đêm qua, nhưng thể theo ý nó, ta chưa cho các con hay tin, và cũng nhờ thế mà ta mới thấu được ý định của bọn Thái Phong.
Anh Kiệt cất tiếng:
- Cũng không nên trách Thái Phong ! Anh ấy thiếu lòng tin chứ chưa hẳn có ý bội phản. Hãy chờ xem ý định của họ về sau này đã. Tuy nhiên, chúng ta không nên ở đây thêm nữa.
Tần Ngọc kêu lên:
- Trời.... nơi nầy chúng ta đã tốn biết bao nhieu công phu xây dựng. lại thêm có nhiều lợi thế.... Đại huynh định bỏ đi sao ?
- Em không nghĩ xa. Dù chỗ này rất tiện lợi cho việc qui tụ quân binh tướng sĩ, nhưng.... biết chừng đâu sẽ đổ bể nay mai.
Tiêu Hà gật đầu nói:
- Ta rất đồng ý với Anh Kiệt. Bọn Thái Phong đã mất cả niềm tin rất dễ bị mua chuộc. Nếu quan huyện Châu Diên biết nơi tụ họp của chúng ta trong khu rừng Phục Lâm nầy, thế nào cũng sai Lục Ôn Hầu dẫn quân tiêu diệt. Chi bằng dời đi nơi khác là hơn.
Mọi người đều đồng ý. Tẩn Ngoc khẽ hỏi Anh Kiệt:
- Xưa kia, anh và các bạn lên đường chống giữ Phiền Ngưng thành. Cuộc chiến đấu đã xảy ra như thế nào, mà quân Hán đánh chiếm Kinh sư dễ dàng như vậy được. Thiên hạ đồn đãi Lữ Quốc Công và cả gia đình bị giết, vua Kiến Đức cùng Hoàng Thái Hậu bị thọ hại, có đúng vậy chăng ?
Anh Kiệt buồn bã ngồi xuống ghế. Mọi người đều quây quần bên chàng. Chính nàng, ở quê nhà, cũng lấy làm bực tức về trận đánh ở Phiên Ngưng thành. Tại sao đã phòng thủ kiên cố như vậy mà phải tan vỡ, chỉ trong hai ngày bị tấn công ? Vũ Anh Kiệt từ từ cất tiếng:
- Phòng thủ kiên cố như vậy, vì lẽ gì thất bại dễ dàng ? Dân chúng trong nước chắc ai ai cũng đều thắc mắc điều đó ? Nhưng có dự trận đánh ở Phiền Ngưng Thành mới rõ được vì sao ta bại trận !
Tiêu Hà lão hiệp bỗng hỏi:
- Anh Kiệt ! Liêu Cốc Bá phụ con và Sư thúc Lý Biểu có đến Phiên Ngưng chăng ?
Anh Kiệt gật đầu buồn bã:
- Bẩm thúc phụ ! Liêu bá phụ và Lý sư thúc đều có dự trận đánh, nhưng cũng không thay đổi được cuộc diện, khi mà vận nước đã hết. Số quân Tàu gấp mấy mươi lần quân ta, tướng sĩ mạnh như rồng như hổ lại quen đánh trận. Quân ta phần nhiều ô hợp, giáp chiến chưa quen làm sao phòng giữ nổi đế kinh. Ta bại trận chỉ vì quân số ít, làm sao đương cự nổi mấy vạn quân Tàu.
Lệ Hồng nôn nao ngồi sát xuống bên hỏi:
- Trận đánh thế nào ? Quân nhà Hán chuyển binh ra làm sao, anh thuật lại cho chúng em nghe ?
Anh Kiệt nhìn vợ rồi nhìn các tướng Hạnh Hoa Thôn thấy ai nấy đều muốn nghe nên từ từ cất tiếng:
- Các bạn đều biết rõ việc quân Hán không chấp nhận lời tạ tội của Lữ Quốc Công về việc «phế Ai Vương, phù Kiến Đức» và giết chết Cù Thị ?
- Vâng ! Chúng tôi đều rõ biết.
- Do đó, Hán triều mới sai Phục Ba Tướng Quân, Lộ Hác Đức và Dương Bộc đem mấy vạn quân chia làm đạo ồ ạt kéo sang nước mình. Lữ Quốc Công liền kêu gọi dân chúng trong nước chống giặc. Ta và Tiểu Lý Bá đại huynh đến Phiên Ngưng Thành phục lệnh trước hơn ai hết ! Mấy ngày sau, có Liêu Cốc bá phụ, Lý Biểu sư thúc và Hà Minh từ bờ Nam Hải trở về. Ta cùng chư vị lão hiệp bàn kế chống giặc.
Lệ Hồng nhìn chồng thắc mắc hỏi:
- Hà Minh từ Nam Hải về có dẫn Phi Hồng Yến chăng ?
Anh Kiệt lắc đầu:
Liêu Cốc Đạo Nhân, Sư Lý Biểu là hai vị lão hiệp trong số người đã lập nên phái võ Hạnh Hoa Thôn:
Vũ Anh Tùng, Liêu Cốc, Lý Biểu, Hoàng Quốc Kính và Tiêu Hà. Vũ Anh Tùng bị bệnh mà chết, còn Hoàng Quốc Kính bị Cù Thị hãm hại (Đọc trong «Người Đẹp Thành Phiên Ngưng») Phi Hồng Yến, con gái Đô Thống Phi Hồng Xà và là vợ của Hà Minh. (Đọc «Người Đẹp Thành Phiên Ngưng») - Chuyện còn dài, em đừng hỏi tắt ngang như vậy. Hà Minh trở về phòng thủ kinh sư vì nghe có bọn anh, chứ Phi Hồng Yến còn bận ở sát bên cha nàng. nhưng theo anh được biết thì mới đây, Phi Hồng Xà đã trở mặt theo về với quân nhà Hán.
Không biết số phận Phi Hồng Yến ra sao ?
Tiêu Hà lão hiệp hỏi ngay:
- Còn Hà Minh ?
- Hà Minh bị nhốt với con và cũng được giải thoát một lượt. Hiện tại, họ Hà đã trở về nhà xem thử tình thế ra sao ?
Lệ Hồng lắc đầu, buồn rầu:
- Phi Hồng Xà thật là quân tàn tệ, đã được hưởng sự rộng lượng của Lữ Quốc Công mà còn trở mặt.
Trần Ngọc bực tức, nói:
- Những thứ đó phải giết cho hết, đừng để mà mang họa....
Anh Kiệt nói:
- Ai cũng biết điều đó, nhưng ngày xưa khi phế Ai Vương, giết Cù Thị, Phi Hồng Yến cô nương lập rất nhiều công trạng. Không lẽ mình đi hẹp lượng giết chết cha ruột của nàng sao ? Lữ Quốc Công và đức Vua cũng vì nghĩ thế mà tha chết cho Phi Hồng Xà.
Tiêu Hà nói:
- Không khéo, Hà Minh trở về quê sẽ bị lão tặc già khốn khiếp đó bắt nạp cho quân Tàu để lập công.
Anh Kiệt nói:
- Thúc phụ đừng lo ! Con đã dặn dò Hà Minh rất nhiều lần.... Em nó cẩn thận sẽ không đến nỗi.
Lệ Hồng lo ngại, nói:
- Trong tình thế hiện tại, không rõ tâm hồn Phi Hồng Yến ra sao ? Nàng có thay lòng đổi dạ, hay một lòng vì nước như xưa....
- Chuyện đó rồi sau sẽ biết, bây giờ ta nghĩ đến cũng vô ích.
Tiêu Hà nói thế rồi hỏi Anh Kiệt:
- Con kể tiếp trận đánh ở Phiên Ngưng xem sao ?
Anh Kiệt như chợt nhớ ra, tiếp lời:
- Hai hôm sau ngày Hà Minh đến Phiên Ngưng, ở Kinh sư được tin Lộ Bác Đức dùng dường Dự Chương đi xuống Hoành Phố. Lữ Quốc Công liền hạ lệnh cho con, Hà Minh và Tiểu Lý Bá chống giữ mặt đó.... khi chúng con chuyển quân đi thì được tin Tri Nghĩa Hầu lấy quân Dạ Lang qua sông Trương Kha đánh thẳng vào Phiên Ngưng.
Ngừng lại một phút, Anh Kiệt tiếp:
- Chúng con chống giữ Hoành Phố hết sức quyết liệt, nhưng quân ít, thế cô, khó bề giữ được lâu. Còn Tiểu Lý Bá, Hà Minh vẫn mong ở Kinh sư cho quân tiếp viện. Nào hay đâu, Thượng Ngô Vương Triệu Quang là người cùng họ với nhà Vua lại rắp tâm qui phục Hán triều, tự mình giải giáp rồi vạch đường chỉ nẻo cho quân giặc đánh phá Phiên Ngưng. Quân ta không chống giữ nổi, bị quân Hán dùng thế hỏa công đốt phá. Vua Kiến Đức bỏ chạy ra bể, xuống thuyền về hướng Tây, nhưng bị Hiệu úy Tư Mã Tô Hoàng đuổi theo bắt lại được.
Toàn thể các chiến sĩ đều kêu lên:
- Trời ơi ! Không ai phò cận Thiên tử sao ? Còn Liêu Cốc Đạo Nhân, còn Sư Lý Biểu ?
Tiêu Hà lão hiệp cũng hỏi:
- Anh Kiệt ! Chẳng ai giải cứu cho Hoàng Thượng ư ?
- Bẩm thúc phụ ! Liễu Bá phụ bận chống với Dương Bộc giữ mặt Đông Nam thành Phiên Ngưng, chỉ còn có sư thúc Lý Biểu theo sát bên Thiên Tử....
Lệ Hồng hỏi:
- Còn Lữ Quốc Công ?
Anh Kiệt buồn rầu, nói:
- Lữ Quốc Công bị Đỗ Kế bắt được và giết ngay giữa trận.
Tần Ngọc nghiến răng, nắm chặt lấy chuôi gươm:
- Trời hỡi trời ! Hận thù này biết bao giờ trả được ?
- Chưa hết đâu em.... Vì hết lòng bảo vệ cho nhà Vua mà Lý sư thúc cũng đã kiệt lực phải chết dưới tay của Hiệu úy Tư Mã Tô Hoàng....
Tiêu Hà lão hiệp đứng phắt dậy kêu lên:
- Trời.... Lý Biểu sư huynh của chúng ta đã bị hại rồi sao ?
- Bẩm thúc phụ.... Đúng thế Hoàng thượng không ai bảo vệ mới bị bắt và bị giết thê thảm như vậy.
Lệ Hồng ràn rụa nước mắt, hỏi chồng:
- Còn Liêu bá phụ ? Người có được bình yên chăng ?
- Phiên Ngưng thất thủ rồi thì anh và Hà Minh đều bị giam giữ, không đi đâu được. Tuy nhiên, anh vẫn hỏi dò tin tức Liêu bá phụ. Nhưng chỉ hoài công.... Các nghĩa sĩ, quân binh từ mặt trận khác bị giam giữ ở đó cũng chẳng ai biết tin tức của Bá phụ !
Ai nấy đều im lặng ngồi quây quần bên Anh Kiệt, nét mặt dàu dàu. Một lúc, Tiêu Hà lão hiệp mới cất tiếng:
- Chắc Liêu bá phụ cũng thọ hại rồi, nếu không, sao từ bao lâu nay, không thấy người tìm về Hạnh Hoa Thôn.
Anh Kiệt ngước nhìn Tiêu Hà lão hiệp toan chống lại ý người, nhưng rồi lại thôi. Lệ Hồng nhìn chồng, nói:
- Nếu vậy, chỉ vì quân Tàu quá đông mà ta chịu khuất phục phải không anh ?
- Đúng thế ! Quân số của chúng trùng trùng điệp điệp, lại toàn là quân thiện chiến, làm sao ta đương cự lại bằng những nhóm dân binh.
Tần Ngọc hỏi:
- Thế còn quân Hộ Thành ?
- Anh vừa cho em biết là họ Ở dưới quyền điều khiển của Thượng Ngô Vương Triệu Quang, nên tất cả đều theo quân Tàu.
Rồi Anh Kiệt nhìn mọi người nói:
- Hoàn cảnh dân ta bây giờ thật khổ.... Quân Tàu áp bức, tàn sát họ, tiếng kêu khóc động trời xanh. Người có chút lòng thương dân mến nước thì ít, mà bọn hèn hạ theo quân giặc thì nhiều. Ta càng nghĩ, càng thấy đau lòng thêm.
Tần Ngọc nói:
- Vũ đại huynh ! Em nghĩ đã đến lúc chúng ta kêu gọi tinh thần chống giặc của toàn thể nghĩa sĩ trong nước ! Những ai còn biết cái nhục mất nước tất nhiên sẽ theo ta.
- Anh vể đây chỉ để lo việc đó thôi ! Hiện tai trên hai trăm dũng sĩ đã cùng thoát ngục như anh và đã trở về quê quán. Nội trong vòng một tháng trở lại, họ sẽ tìm đến Hạnh Hoa Thôn nầy....
- Hạnh Hoa Thôn nay đã về tay quân giặc. Họ đến đây biết làm sao ?
- Anh có ngờ đâu cuộc diện đã thay đổi hết rồi ! Bây giờ, phải đón họ trên đồi Hạnh Hoa chứ biết sao ?
Hồng Nhi ngồi lặng im từ sáng đến giờ và đã nghe hết mọi chuyện:
- Thưa cha !....
Anh Kiệt quay lại nhìn con:
- Hồng Nhi ! Con muốn nói gì ?
- Con nhắc cha nhớ một chuyện đã bàn bạc lúc sáng. Cha bàn việc dời trang trại đi nơi khác ! Bộ cha quên rồi sao ?
Anh Kiệt ôm chầm lấy con, trước mặt các bạn:
- Ồ.... con tôi giỏi quá ! Cha nhớ chớ, làm sao quên được.
Tiêu Hà lão hiệp nói:
- Hồng Nhi nhắc nhở bọn ta như vậy rất nhằm lúc ! Hãy bàn chuyện dời địa điểm trước đã, kẻo bại lộ thì nguy lắm đó.
Mọi người đều im lặng. Lệ Hồng bảo chồng:
- Trước khi cất trại ở đây, em đã tìm kiếm khắp nơi trong rừng, nhưng không có chỗ nào có lợi thế hơn.
- Nhưng em đã không khéo giữ bí mật, thành ra cũng như không ! Trang trại này có lẽ đã bại lộ rồi !
Lệ Hồng biết lỗi cúi đầu. Tiêu Hà lão hiệp đỡ lời cháu dâu:
- Anh Kiệt ! Con không nên trách Lệ Hồng vì những ngày đã qua thật khủng khiếp ! Quân Hán triều tàn bạo, tàn sát dân lành và giết hầu hết các nghĩa sĩ của ta.
Lệ Hồng tìm được địa điểm qui tụ một số người còn biết nghĩ đến dân, đến nước là khá lắm đó con. Đừng nên hẹp lượng với nàng mà phải ân hận.
Anh Kiệt hối hận, nhìn vợ, toan mở lời xin lỗi nàng, nhưng trước mặt các nghĩa sĩ, chàng lại thôi. Hồng Nhi bỗng kéo áo cha, nói:
- Thưa cha !.... Con có biết một chỗ nầy lạ lắm, một hang núi rộng lớn.... Ở chân núi Phục Sơn, bên kia khu rừng....
Lệ Hồng hỏi:
- Có thật không ?
- Thật mà mẹ.... Con đã đuổi theo một con nai sang đến bên đó, và nằm ngủ quên ở đấy cả buổi trời....
Tiêu Hà nghi ngờ nói:
- Sợ hang đó quá nhỏ thôi, không đủ chứa bọn ta.
Hồng Nhi chạy đến bên lão hiệp:
- Lớn lắm ông ơi, bên trong có suối nước chảy róc rách.... Nước trong, uống ngọt lịm....
Anh Kiệt khẽ bảo mọi người:
- Không chừng nơi đó là chỗ trú ẩn rất tốt, hãy đến đó xem trước đã.
Tần Ngọc bảo Hồng Nhi:
- Cháu đưa chú đi đến đó xem sao ?
Hồng Nhi gật đầu rồi bảo cha mẹ:
- Không lâu đâu ! Con sẽ đưa chú Tần Ngọc trở về.
Nói xong, hai chú cháu bước ra cửa. Anh Kiệt và Lệ Hồng sung sướng nhìn theo con, Tiêu Hà lão hiệp bảo các tráng sĩ còn lại:
- Bề nào chúng ta cũng phải dọn đi nơi khác, thôi các con hãy về phòng sửa soạn quần áo, lưong thực sẵn sàng đi.
Mọi người vâng dạ lui ra. Anh Kiệt quay lại nhìn Lệ Hồng, thấy mặt nàng tái hẳn đi. Chàng hốt hoảng hỏi:
- Kìa em ! Sao vậy ?
- Tự nhiên.... em thấy chóng mặt quá....
Em hãy nằm nghỉ đi ! Tại em còn yếu mà ráng quá sức đó ! Em không phải lo nữa. Từ rày, có anh ở bên em.
Lệ Hồng mỉm cười sung sướng.
!
!" !
Lục Ôn Hầu về đến Dinh trại, mặt còn đằng đằng sát khí. «Thật là quá lắm !
Giữa chỗ đông người mà tên hành khất và thằng oắt con đó dám làm nhục lão !
Bọn chúng là ai», thật họ Lục thắc mắc vô cùng:
«Nhất định tên chủ quán «Giang Hồ» phải biết lão ăn xin đó hẳn! Nếu không, thì sao lão ta lại bênh vực chúng....» Lục Ôn Hầu cũng giận bọn Cận vệ quân ! «Ai ngờ chúng tàn tệ như thế ! Có hai kẻ gian mà không bắt được ?» Họ Lục về đến công đường, liền truyền đem chủ quán ra tra hỏi. Bọn lính trói tay lão già thúc ké ra sau rồi xô đến trước mặt Lục Ôn Hầu. Lão chủ quán nhìn họ Lục, nói:
- Lục đại nhân ! Chỗ quen biết cũ, ngài nỡ lòng nào trở mặt làm thế ? Lão cũng là người thân của quan huyện mà....
- Im mồm ! Lão hãy khai cho rõ:
lão hành khất và thằng bé đó là ai ?
- Trời ơi ! Lão đã nói cả trăm lần là lão không biết chúng mà....
- Không biết ! Lão không biết, sao lại bênh vực cho chúng ? Đừng qua mắt ta, không thọ được đâu ?
- Lục dại nhân ! Đừng xử tệ với lão mà sau này ân hận.
- Lão định hăm dọa ta ư ? Ta là chúa tể vùng Hạnh Hoa Thôn nầy, chẳng còn biết sợ ai nữa. Đừng tưởng lão quen biết với quan huyện Châu Diên mà ta nể trọng.
Hãy xem đây....
Lục Ôn Hầu quay sang bọn thủ hạ:
- Bây đâu.... mang đồ tra tấn ra đây.
Bọn lính canh chạy vào trong, mang kềm kẹp, roi gân, lò lửa để quanh mình lão chủ quán. Ông ta khiếp sợ, nhìn Lục Ôn Hầu, "không dè họ Lục lại xử tệ với mình như vậy. Ngoài lời gởi gấm của quan huyện Châu Diên, từ bao năm nay, chủ quán xử rất «điệu» với Lục Ôn Hầu. Tiền bạc, ngà quí trân châu hay gái đẹp, ông đều không tiếc với họ Lục. Thế tại sao đương không lão Hầu lại trở mặt một cách trắng trợn như thế ! Lão chủ quán uất ức lắm, nhưng biết trong tình thế này, lớn tiếng lại với Lục Ôn Hầu, đố khỏi bị khảo tra kềm kẹp. Chi bằng xuống nước với kẻ có uy quyền rồi chờ lúc khác phục hận". Chủ quán nghĩ thế nên bảo Lục Ôn Hầu:
- Lục đại nhân !.... Lão đã thưa thật với Đại nhân, xin ngài rộng lòng suy xét.
Lão hành khất đó lâu lâu mới đi qua quán một lần. Lão không hề biết tông tích bọn chúng.
Lục Ôn Hầu không cần nghe theo lời chủ quán, truyền bọn thủ hạ:
- Căng nọc lão ra, xem lão còn gian dối nữa không !
Bọn thủ hạ y lệnh truyền, quật lão chủ quán «Giang Hồ» xuống, cột chặt vào bốn nọc trụ Ở góc phòng. Lục Ôn Hầu lại thét:
- Đốt lửa lên.... Nướng đồ kềm kẹp cho ta.
Lão chủ quán chết điếng, mặt mày tái xanh, van lạy họ Lục:
- Trời oi.... Lục Đại nhân ! Sao ngài nỡ lòng làm thế ? Lão không biết thật mà....
Lục Ôn Hầu thét:
- Thế nào ? Lão có chịu cho biết tung tích tên hành khất và thằng oắt con đó không ?
Lão chủ quán sợ kềm kẹp liền nói càn:
- Dạ.... biết.... nhưng.... Xin đại nhân cho tôi trở về hỏi rõ lại....
Lục Ôn Hầu thét quân cận vệ:
- Hãy tra khảo ngay đi.... Đừng chờ đợi nữa....
Bọn cận vệ quân dạ ran rồi dùng kềm nướng đỏ toan kẹp vào thịt lão chủ quán.
Lão thất vía bay hồn thét lên một tiếng lớn rồi ngất lịm đi. Tên cận vệ quân vội thưa:
- Bẩm đại nhân ! Lão đã ngất rồi.
- Đổ nước cho lão tỉnh lại đi.
Quân cận vệ thi hành ngay. Trong khi đó có tiếng vó câu rộn rịp trước dinh trại.
Lục Ôn Hầu nhìn ra chưa kịp hỏi thì quân canh vào báo:
- Bẩm đại nhân, có thượng quan tới.
Lục Ôn Hầu cả giận hỏi:
- Thượng quan nào ?
- Dạ quan huyện Châu Diên....
Lục Ôn Hầu nhìn lão chủ quán vẫn còn đang ngất lịm, trong lòng lo ngại ! Quan huyện Châu Diên là anh rể của Lục Ôn Hầu. Chính nhờ ông cất nhắc mới trấn giữ được vùng Hạnh Hoa Thôn này. Đã thế mà nhiều khi Lục Ôn Hầu còn muốn lấn quyền quan huyện. Bắt lão chủ quán tức là xem thường quyền lực của anh rể hắn.
Lục Ôn Hầu bảo cận vệ:
- Đem lão chủ quán vào trong ! Ráng cứu lão tỉnh dậy.
Quân cận vệ hiểu ý, vội vàng khiêng lão chủ quán sang phòng bên. Lục Ôn Hầu nhìn thấy kềm kẹp, dụng cụ tra tấn còn bày ra đó, liền thét:
- Dẹp luôn những đồ vật này. Bộ bây muốn tố cáo ta trước mặt quan huyện ư ?
Bọn thủ hạ của hắn hấp tấp dọn tất cả vào trong. Lục Ôn Hầu cũng vội vã ra sân đón rước ông anh rể. Quan huyện Châu Diên tên thật là Đỗ Kế, là một trong số những tướng lãnh của Hán triều đã theo Phục Ba Tướng quân kéo quân tràn sang nước Nam. Công trận lớn lao của họ Đỗ là bắt được Lữ Gia và xử tử hình ngay.
Nhờ thế Đỗ Kế được giao trấn nhậm Huyện Châu Diên, một huyện lớn nhất trong số mười huyện của Giao Chỉ Quận. Đỗ Kế vừa xuống kiệu thì Lục Ôn Hầu đã đến nơi. Hắn chắp tay nói:
- Đỗ huynh.... đến chơi thình lình, ngu đệ chậm tiếp nghinh, xin cam thất lễ.
- Ồ, có gì đâu ? Sao hiền đệ bận tâm như vậy ? Ta sẵn đường đi qua, ghé lại thăm hiền đệ vậy mà....
Lục Ôn Hầu hơi vững tâm vì độ chừng Đỗ Kế chưa biết một mảy mai gì về chuyện hắn bắt chủ quán Giang Hồ. Họ Lục liền thưa:
- Xin mời Đỗ huynh vào trong sảnh đường.
Đỗ Kế gật đầu đi trước, Lục Ôn Hầu lẽo đẽo theo sau.... Quan huyện Châu Diên vào trong sảnh đường, nhưng đôi mắt cứ nhìn quanh quẩn như tìm kiếm ai ? Thật ra, không phải tự nhiên mà Đỗ Kế phải cực lòng đến đây thăm Lục Ôn Hầu. Hừng sáng hôm nay, trong lúc họ Đỗ còn mơ màng giấc điệp thì người ái thiếp tên Ngọc Cơ, từng nhận của đút lót của người vợ chủ quán «Giang Hồ», vào lay lão dậy và nài nỉ lão đến Hạnh Hoa Thôn để giải cứu cho chủ quán. Đỗ Kế rất yêu quí Ngọc Cơ, nên hỏi qua mọi việc. Vợ chủ quán tình thật khai ngay.
Đỗ Kế nhủ thầm:
"Chuyện có thế làm sao Lục Ôn Hầu nỡ bắt một người tâm phúc của mình ? Chắc là có lý do nào khác". Người ái thiếp nũng nịu nói:
- Ông có biết tại sao Lục Ôn Hầu lộng hành như thế không ? Hắn ỷ oai bà vợ lớn của ông đó.
Đỗ Kế nửa tin nửa ngờ, quay lại hỏi vợ chủ quán:
- Mụ có chắc Lục Ôn Hầu giam giữ chủ quán không ?
- Bẩm thưọng quan ! Lục Ôn Hầu bắt chồng thiếp đi trước mặt của thiếp mà,....
Đỗ Kế liền truyền quân sĩ khiêng kiệu đưa ông đến trang trại Lục Ôn Hầu. Vì vậy khi vào bên trong sảnh đường, Đỗ tri huyện cứ ngó quanh quẩn tìm kiếm lão chủ quán. Lục ôn Hầu cũng có linh cảm như thế nên hỏi nhỏ một tên cận vệ:
- Thế nào ? Lão chủ quán tỉnh chưa ?
Cận vệ quân lắc đầu, đáp:
- Dạ lão còn nằm thiêm thiếp, chẳng hiểu vì sao ?
Lục Ôn Hầu thấy khó thể dối gạt quan tri huyện.
Họ Đỗ vừa an vị liền hỏi Lục Ôn Hầu:
- Hôm nay có chuyện gì khác thường xảy ra trong vùng không tiểu đệ ?
- Bẩm Đồ huynh ! Cũng không có chuyện gì ạ.
- Bọn Hạnh Hoa Thôn đã hết lộng hành rồi ư ? Có tên nào đến viếng mộ Vũ Anh Tùng không ?
- Dạ không ! Chẳng còn tên nào dám đến đây nữa ! Chúng sợ bị giết chết như những kẻ ngông cuồng mấy năm trước !
Đỗ Kế biết Lục Ôn Hầu cố tình dấu giếm chuyện mới xảy ra, nên hỏi chặn đầu:
- Nghe đồn trong đêm qua có một tên hành khất mù lòa đến lộng hành ở quán «Giang Hồ», tiểu đệ không biết sao ?
Lục Ôn Hầu thưa:
- Dạ.... biết chớ.... nhưng mà....
- Nhưng mà.... thế nào hiền đệ ?
Lục Ôn Hầu muốn hỏi dò xem ai đã đến mật báo với quan huyện Châu Diên, nên cất tiếng:
- Nhưng sao lão huynh lại biết rõ ràng như vậy ?
- Hiền đệ không cần phải hỏi chuyện đó ! Trấn giữ vùng Hạnh Hoa Thôn nầy, nếu làm ngơ, không dòm ngó đến những chuỵên xảy ra quanh mình thì có ngày vong mạng không thì cũng bị bãi chức. Tên hành khất mù lòa đó đã nói gì ?
Lục Ôn Hầu đành nói:
- Lão nhắc nhở đến môn phái Hạnh Hoa Thôn và có vẻ khinh khi quân binh Hán triều.
- Sao không bắt lão đem về tra hỏi ?
Lục Ôn Hầu thừa dịp đổ tội cho chủ quán «Giang Hồ» đã thông đồng với bọn hành khất....
Đỗ Kế làm bộ ngạc nhiên, hỏi:
- Hiền đệ bảo sao ? Chủ quán Giang Hồ ? Ồ.... đời nào có chuyện đó ! Hiền đệ quên chủ quán Giang Hồ là người tâm phúc của ngu huynh ư ?
- Bẩm Đỗ huynh.... Đệ cần tra hỏi chủ quán cho ra tung tích lão hành khất và thằng oắt con.
- Trời ! Tra hỏi lão chủ quán ! Bộ hiền đệ điên rồi ư ? Lão giúp ta biết bao nhiêu việc còn chưa tin lòng lão sao ? Ai thì ta không biết, chớ lão chủ quán «Giang Hồ» thì không đời nào. Hiền đệ cho quân cận vệ thả lão ra ngay.
Phần lo chủ quán chưa tỉnh, phần sợ mất mặt trước đám đông quân canh, Lục Ôn Hầu nói:
- Đỗ huynh cứ để cho đệ xử trí với lão ta. Nếu không, trong vùng Hạnh Hoa Thôn nầy chẳng còn ai khiếp oai mình nữa.
Đỗ Kế đã nhượng bộ «ông em vợ» nhiều lắm rồi ! Nay thấy họ Lục cứ nằng nằng không chịu thả chủ quán thì phật ý lắm. Ông nói:
- Ta đã hết lời, Lục hiền đệ vẫn chống lại ý ta ? Thật chưa từng thấy việc bất phục tùng như vậy dưới tay ta bao giờ ! Được rồi.
Đỗ Kế hầm hầm đứng lên. Lục Ôn Hầu nói:
- Đỗ huynh ! Không phải tiểu đệ dám cải lệnh. Đệ chỉ bàn bạc vậy thôi. Nếu Đỗ huynh không muốn thì đệ xin giao trả tên chủ quán ấy ngay. Bây đâu ! Đưa chủ quán ra đây !
Quân cận vệ dạ ran, rồi khiêng lão chủ quán từ phòng bên cạnh đem ra sảnh đường. Đỗ Kế nhìn thấy lão chủ quán thiêm thiếp thì kêu to lên:
- Trời ! Lục hiền đệ.... Bộ tra tấn lão đến chết như vầy sao ?
- Không ! Chưa ai chạm đến mình lão đâu ! Lão chỉ quá sợ mà ngất như vậy thôi.
Vợ lão chủ quán theo sau kiệu Đỗ Kế đến nơi đây chợt nghe tin chồng ngất lịm liền chạy đại vào kêu khóc vang trời:
- Trời ơi.... Họ giết chồng tôi mà.
Bà ôm sốc lấy thây chồng lay gọi. Lục Ôn Hầu nhìn mụ ta với vẻ căm hận rõ rệt. Đỗ Kế bảo mụ chủ quán:
- Hãy đem chồng về cứu chữa ngay đi.
Mụ chủ quán cùng đám tùy tướng của Đỗ Kế vừa khiêng lão chủ quán ra thì Đỗ Kế nhìn Lục Ôn Hầu nói:
- Ta nể tình mà cất nhắc hiền đệ lên đến chức vị nầy.... Không ngờ hiền đệ lại chống cả với ta.
Lục Ôn Hầu nói:
- Đỗ huynh nghĩ thế thật tội nghiệp cho tiểu đệ. Bổn phận tiểu đệ phải lo tròn chớ ! Đệ có đủ bằng cớ chứng tỏ lão chủ quán này bảo vệ quân gian, lão huynh cũng không cho trừng trị nữa sao ?
- Bằng cớ gì ?
- Chính lão.... đã bênh vực cho tên hành khất đó.
Đỗ Kế toan hỏi Lục Ôn Hầu thêm thì một giọng nói cất lên:
- Anh em quan huyện chỉ lo những chuyện không đâu. Bọn Hạnh Hoa Thôn sắp dậy lên rồi.... Hãy ráng mà phòng bị. Chúng đang qui tụ hào kiệt bốn phương về khu rừng Phục Lâm đó.
Đỗ Kế và Lục Ôn Hầu sửng sốt quay lại thấy một đạo sĩ đang đứng khoanh tay nhìn hai người. Đỗ Kế kêu lên:
- Kìa.... Thất Điền Quái Khách ! Từ bao lâu nay không gặp ?
Vị đạo sĩ mới đến cười khanh khách:
- A ha.... Đỗ tưóng quân vẫn còn nhớ đến ta ư ? Tưởng đâu sau trận đánh chiếm Phiên Ngưng Thành, tướng quân được vang danh bốn bể rồi quên đi những người bạn cũ.
- Đời nào.... Đời nào ta quên những bạn như Thất Điền.
Rồi quan huyện Châu Diên quay sang Lục Ôn Hầu:
- Đây là người đã giúp anh bắt được Lữ Gia trong trận đánh chiếm Phiên Ngưng.
Lục Ôn Hầu cúi đầu chào Thất Điền Quái Tăng, nhưng trong lòng không mấy thích. Bộ điệu tên Quái Tăng hiểm ác lạ thường, có thêm hắn dưới trướng Đỗ Kế chỉ thiệt hại thêm cho họ Lục. Tuy vậy, Lục Ôn Hầu cũng bắt chuyện hỏi Thất Điền:
- Đạo nhân vừa mới bảo gì ? Xin lập lại cho chúng ta nghe.
Thất Điền Quái Khách nhìn Lục Ôn Hầu hỏi lại:
- Có phải đêm trước Lục tướng quân có mặt ở quán «Giang Hồ» chăng ?
- Vâng ! Mà làm sao đạo nhân biết được ?
- Ta đến đó, sau khi xảy ra câu chuyện lão hành khất và thằng bé con....
- Nếu vậy Đạo nhân biết chúng là ai rồi !
- Biết rõ lắm ! Biết cả tên kỵ sĩ hư một mắt, đã tắt đèn lồng trong quán cho bọn kia trốn chạy....
- Bọn chúng là ai ?
- Lão hành khất chính là Tiêu Hà lão hiệp, đệ ngũ anh hùng trong phái Hạnh Hoa, người đã từng làm chủ quán Chiêu Anh lúc xưa....
Đỗ Kế kêu lên:
- Trời ! Lão Tiêu Hà còn sống sao ? Lúc đánh chiếm Hạnh Hoa Thôn quân sĩ đã tìm được thây lão, quái lạ, sư Quái Khách lầm chăng ?
Thất Điền nói:
- Bần đạo không lầm đâu ! Bọn Hạnh Hoa Thôn vẫn còn ẩn náu trong rừng Phục Lâm từ bao lâu nay....
Lục Ôn Hầu đứng thẳng dậy:
- Vô lý ! Quân tuần tiểu của ta đi hàng ngày qua ngang khu rừng đó, nào có thấy gì đâu ?
- Chỉ tại Lục tướng quân xem thường bọn chúng như thế, nên mới bị thằng «oắt con» làm nhục.
Lục Ôn Hầu trừng mắt nhìn lão Quái Khách, tức giận lắm, nhưng nể tình Đỗ Kế hắn không nói gì. Đỗ Kế hỏi Thất Điền:
- Còn «thằng oắt con» và tên kỵ sĩ ấy là ai ?
- Đứa bé tên gọi Hồng Nhi. Còn kỵ sĩ không ai khác hơn là Anh Kiệt.
- Anh Kiệt ? Hắn là tên nào ? Ở đâu ? Sao ta chưa từng nghe nói tới ?
- Vũ Anh Kiệt là con ruột Vũ Anh Tùng hiệp sĩ, người còn ngôi mộ Ở Hạnh Hoa Thôn đó. Hắn hiện tại là kẻ cầm đầu của phái võ Hạnh Hoa.
Lục Ôn Hầu chưa từng nghe đến tên Anh Kiệt, nên bĩu môi nói:
- Thôi đi đạo nhân ! Ta trấn giữ vùng nầy đã lâu, nhưng chưa hề nghe ai nói đến tên Anh Kiệt. Chắc là một tên vô danh nào đó, chẳng có nghĩa gì đâu ? Đạo nhân đừng làm cho anh em ta phải bận tâm vô ích.
Thất Điền Quái Khách phật ý, nói:
- Xem chừng Lục Ôn Hầu không mấy tin lời ta ? Được rồi, ta không nói nữa, bao giờ chúng kéo quân đến đây mới biết lo thì đã muôn đó !
Đỗ Kế quay lại trách Lục Ôn Hầu:
- Lục hiền đệ sao hồ đồ ! Ta thấy không phải chuyện đùa đâu !
Rồi ông hỏi Thất Điền Quái khách:
- Thế nào ? Đạo nhân đã biết gì về bọn Hạnh Hoa Thôn ?
- Chúng đang tụ tập ở khu rừng Phục Lâm để bàn việc đánh chiếm Hạnh Hoa Thôn, làm nơi xuất phát chống quân ta....
- Bọn chúng có độ bao nhiêu người ?
- Vào khoảng hai mươi tay kiếm !
- Ồ.... Thế thì có nhằm gì mà quí vị phải bận tâm ? Để ngu đệ cho một toán kỵ sĩ đến đó tiêu diệt bọn chúng là xong.
Thất Điền lắc đầu, nói:
- Không dễ dàng như vậy đâu ! Ta xin lập lại cho Lục tướng quân nhớ:
«Anh Kiệt là một bậc kỳ tài, đã từng gây sóng gió ở Phiên Ngưng Thành !» Rất tiếc khi bắt được hắn, quân ta lại không biết, nên để Anh Kiệt sống sót đến ngày nay ! Hắn trở về đây là chuyện bất tường cho ta đó !
Lục Ôn Hầu vẫn khinh thường, nói:
- Không nhằm gì đâu ! Trấn nhậm vùng Hạnh Hoa Thôn đã năm năm rồi, ta hiểu rõ dân chúng nơi này hơn ai hết. Lão Quái khách khỏi bận tâm bày biểu cho ta nữa.
Thất Điền cả giận nhìn Đỗ Kế, nói:
- Quan huyện nghĩ sao ? Nếu cùng một ý với Lục tướng quân thì ta đi đây.
Đỗ Kế nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng nói mau:
- Không ! Đạo nhân bớt nóng....
Rồi ông quay sang truyền lệnh cho Lục Ôn Hầu:
- Hiền đệ kéo quân vào khu rừng Phục Lâm lùng bắt chúng đem về đây cho ta.
Lục Ôn Hầu nghe lệnh truyền nghiêm khắc của Đỗ Kế, không dám chậm trễ.
Hắn truyền bọn cận vệ điểm quân kỵ để lên đường ngay. Hắn cúi chào Đỗ Kế ra khỏi sảnh đường không cần nói một lời nào với Thất Điền Quái khách cả. Quái khách phật ý lắm, nhưng vẫn lặng thinh cười nhạt. Đáng lý ra ông phải chỉ đường chỉ nẻo cho Lục Ôn Hầu, để hắn vây bắt bọn Hạnh Hoa Thôn cho dễ dàng, nhưng vì thấy họ Lục quá xấc xược, ông làm lơ....
Quái khách Thất Điền nhủ thầm:
"Phen này cho bây bị lũ giặc Hạnh Hoa Thôn đánh một trận tơi bời mới biết thân".
Đỗ Kế thấy Thất Điền trầm ngâm thì sợ lão phiền giận mới nói:
- Xin đạo nhân đừng chấp tánh tình nông nổi của Lục hiền đệ. Bây giờ mời đạo nhân về tư dinh ngơi nghỉ.
- Chắc là bần đạo phải ở nán lại đây trong ít lâu nữa, vì xem chừng đã đến lúc tướng quân cần dùng đến bần đạo rồi....

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.