Lại nói, các tướng lĩnh của Dương Châu vệ cuối cùng cũng chấp nhận đề nghị của Đổng Chương, chia cho ông ta 3.000 quân để xuất thành nghênh chiến. Trong lúc chờ điều động quân đội, Đổng Chương trở về phủ, gọi viên sư gia thân tín đến bảo:
- Ngươi hãy mau thu xếp cho gia quyến của bản phủ cải trang thành sĩ binh, trà trộn vào quân đội mà xuất thành.
Viên sư gia ngạc nhiên nói:
- Ý của Đại nhân là …?
Đổng Chương cười nhạt nói:
- Bọn Trương Hạo Kiên muốn cùng chết với thành, bản phủ không ngăn cản. Hừ. Kinh đô còn bị vây, Tô Châu còn bị san bằng, bản thành làm sao chống nổi.
Viên sư gia ngơ ngác hỏi:
- Tặc quân hùng mạnh như thế, sao Đại nhân còn suất quân nghênh chiến? Vãn sinh thấy chẳng có bao nhiêu cơ hội chiến thắng.
Đổng Chương cười lạnh nói:
- Bản phủ cũng thấy vậy, nhưng nếu xuất thành, may ra còn có cơ hội sống sót. Bản phủ là văn quan, khi xuất chiến có ở phía sau cũng chẳng ai nói gì được. Hễ binh bại, bản phủ có thể tìm nơi lánh nạn. Sau này triều đình có tra xét, chỉ cần báo cáo là bị tặc quân chặn mất đường, không hồi thành được. Như thế vẫn còn hơn cùng chết với thành.
Viên sư gia sáng mắt lên, tán tụng:
- Đại nhân anh minh.
Đổng Chương ngay trưa hôm đó suất lãnh 3.000 quân xuất thành nghênh địch. Sau khi rời thành, viên sư gia lẳng lặng dẫn gia quyến của tri phủ đại nhân và của mình rời quân đội, lánh nạn về phương bắc. Quân đội tiếp tục hướng nam hành quân.
Đồng Sơn.
Đồng Sơn là một ngọn núi nằm về phía nam Dương Châu Thành, gần Đại Vận Hà và Trường Giang, đỉnh núi cao 149,5 mét, là ngọn núi cao nhất Dương Châu. Trong lúc bố trí tấn công Dương Châu Thành, Thần Vũ quân đệ nhị sư tạm thời đóng chỉ huy bộ ở đó. Hiệu úy Đào Gia Khiêm cùng các tùy tướng, vệ úy hợp nhau bàn bạc kế hoạch công thành. Trưa hôm đó, nghe thám tử hồi báo, Đào Gia Khiêm cười nhạt nói:
- Đổng Chương thật là to gan lớn mật nha. Dám bỏ thành không phòng thủ, lại suất lãnh 3.000 quân xuất thành nghênh chiến. Như thế càng tiện cho chúng ta.
Đào Gia Khiêm thật sự không nghĩ ra được lý do Tri phủ Dương Châu Đổng Chương xuất thành nghênh chiến. Phải chi quân Minh đông hơn thì không nói, đằng này là lấy 3.000 chống 1 vạn có thần công đại pháo hỗ trợ.
Bầu trời đầy mây, thái dương khuất sau bạch vân làm không gian bớt chói chang hơn. Mây trắng dày đặc trên không trung tạo ra cảm giác bầu trời có vẻ thấp hơn. Gió mát từ ngoài sông thổi vào, làm không gian dịu mát. Từ trên núi cao nhìn xuống, không gian cũng thoáng đãng rộng lớn hơn.
Đào Gia Khiêm cho 9 bộ binh vệ bày trận dưới chân núi chờ quân Minh đến, còn kỵ binh vệ mai phục sau những đám cây rậm trên núi, chờ lệnh xuất kích. Cả 200 khẩu thần công cũng được bố trí trên núi. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều thuộc về đệ nhị sư.
Ước nửa giờ sau, 3.000 quân Dương Châu vệ do Tri phủ Dương Châu Đổng Chương thống lãnh đã hành quân đến nơi. Bọn họ phải đối mặt với 9.000 địch quân chờ sẵn từ lâu. Đổng Chương ngồi trên chiến mã ở phía sau hàng quân, xung quanh là 100 thân binh. Cả bọn đã sẵn sàng để … bỏ chạy. Hầu như không ai tin rằng trận này Dương Châu vệ có thể thắng được, từ tướng lĩnh cho đến sĩ tốt. Có điều, không ai phản đối việc xuất thành nghênh chiến của Đổng Chương, bởi cả bọn đều đang chờ cơ hội để bỏ chạy, đương nhiên là chạy luôn về phương bắc lánh nạn chứ không phải chạy về Dương Châu Thành. Không ai muốn cùng chết với thành. Qua lời của lưu dân Giang Nam đi ngang qua đây, bọn họ đều biết được tình cảnh của các phủ huyện ở Giang Nam.
Bọn Đào Gia Khiêm nhìn quân Minh như nhìn những người sắp chết. Tại chiến trường bằng phẳng thế này rất có lợi cho hỏa khí của Đế quốc phát huy toàn bộ oai lực. Phía sau bọn họ lúc này có đến 200 khẩu thần công đã nạp đạn sẵn sàng, toàn là Khai hoa đạn. Đào Gia Khiêm truyền lệnh:
- Lệnh xạ thủ chuẩn bị, vọng thủ ước tính cự ly. Khi địch quân tiến đến 200 trượng đồng loạt khai hỏa.
- Vâng.
Nhận được mệnh lệnh, xạ thủ và vọng thủ đều chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi khẩu thần công có 2 xạ thủ, phụ trách nạp hỏa dược, đạn pháo và châm lửa. Còn vọng thủ là những người tinh thông toán thuật, có thể ước tính khoảng cách địch - ta.
- Địch quân cách 500 trượng.
- Địch quân cách 400 trượng.
- Địch quân cách 300 trượng.
- Địch quân cách 200 trượng.
- Khai hỏa.
Các khẩu thần công lập tức gầm lên, rải đạn về phía quân Minh. Mỗi viên Khai hoa đạn chứa hơn trăm mảnh sắt bén nhọn, 200 viên nổ tung trên đầu quân Minh, rải xuống hàng vạn mảnh sắt, làm quân Minh thương vong thảm trọng, kêu gào rên rỉ inh ỏi. Chiến trường máu thịt tứ tung, không khí lẫn theo mùi tanh của máu, cảnh tượng cứ như ở dưới mười tám tầng địa ngục. Chỉ có Đổng Chương cùng đám thân binh ở phía sau, nằm ngoài tầm đạn pháo nên thoát được (Đổng Chương sợ chết nên đi rất chậm). Nhìn thấy thảm cảnh trước mặt, cả bọn sợ xanh mặt, vội vã quay đầu ngựa tháo chạy. Đào Gia Khiêm đời nào để cho bọn họ tháo chạy dễ dàng như thế, lập tức truyền lệnh:
- Kỵ binh vệ truy kích.
Thế là 1.000 kỵ binh ùa xuống núi, đuổi theo truy sát hơn 100 người bọn Đổng Chương. Còn 9 bộ binh vệ bắt đầu xử lý chiến trường, giải quyết toàn bộ quân Minh thương vong. Vì sắp phải công chiếm Dương Châu, bọn họ không muốn phân bớt binh lực canh giữ tù binh - không thu tù binh.
Trận chiến Đồng Sơn kết thúc, giải quyết xong chiến trường, đệ nhị sư lập tức hành quân đến Dương Châu. Kỵ binh vệ đi trước, đến phong tỏa Dương Châu Thành. Kỵ binh tuy không thể công thành, nhưng có thể phong tỏa thành trì. Dù sao thì quân Minh trong thành cũng chỉ còn lại khoảng nghìn người.
Sáng hôm sau, đệ nhị sư đại quân đã dàn trận phía trước Dương Châu Thành. Phía sau quân trận chính là trận địa thần công đại pháo. Bên cạnh đó là một núi đạn pháo. Dương Châu Thành nằm ngay bên cạnh Đại Vận Hà, tiếp tế cực kỳ dễ dàng.
Cho quân đội chuẩn bị hoàn tất, Đào Gia Khiêm truyền lệnh:
- Khai hỏa.
Thần công đại pháo tiếp tục gầm lên, oanh kích vào Dương Châu Thành. Trận địa pháo chia làm 2 bộ phận, 100 khẩu thần công hướng vào thành môn nhả đạn, 100 khẩu còn lại rải đạn lên tường thành, tiêu diệt thủ quân. Sau 10 loạt đạn, thành môn bị phá, toàn bộ đại pháo được đẩy lên rải đạn pháo vào bên trong mở đường cho bộ binh tiến quân.
Dương Châu vệ chỉ huy sứ Trương Hạo Kiên ban đầu còn tập trung được vài vạn dân phụ hiệp trợ thủ thành. Nhưng khi thành môn bị phá, đạn pháo rải vào trong thành, một bộ phận dân phu hốt hoảng tìm đường chạy trốn, làm lòng quân hoán tản. Đến khi Đào Gia Khiêm cho quân bắc loa truyền rằng Đế quốc quân đội không bắt tù binh, hễ ai cầm vũ khí chống lại đều trảm thủ, thì quân dân trong thành không còn ai cầm vũ khí nữa. Trương Hạo Kiên cùng đám tùy tướng và thân binh mở cửa bắc bỏ chạy, và bị kỵ binh vệ truy sát. Đệ nhị sư đại quân tiến vào Dương Châu Thành.
Tiếp theo đó, cũng như ở vùng Giang Nam, bọn Đào Gia Khiêm tiến hành đại thanh lý. Một bộ phận nhỏ dân chúng quy thuận được cấp lương thực và đưa ra ngoài thành, lên thuyền di cư về phương nam. Sau đó, toàn bộ tài sản của quan phủ và quân dân trong thành bị tịch thu hết. Toàn bộ cư dân bị cưỡng chế rời khỏi Dương Châu, đi về phương bắc. Dương Châu Thành bị san bằng. Do có thuốc nổ nên việc san bằng thành trì cũng không khó lắm.
Việc chiếm thành chỉ mất mấy canh giờ, nhưng việc xử lý sau chiến tranh mất gần nửa tháng. Không hổ danh ‘nhất Dương nhị Ích’, tài vật trong thành Dương Châu được thu thập lại, chất cao như núi, vàng bạc châu báu, kỳ trân dị bảo nhiều không kể siết. Hèn gì quân Nguyên và quân Thanh đánh chiếm Dương Châu đều mở cuộc đại tàn sát để cướp đoạt tài vật. Kim Nguyên Bảo và Ngân Nguyên bảo (nén vàng, nén bạc dạng thuyền kiểu Trung Hoa) đều có nguồn gốc từ tài vật cướp được ở Dương Châu. Khi quân Nguyên chiếm Dương Châu đã mở cuộc đại tàn sát, cướp được vàng bạc nhiều vô số. Viên tướng Nguyên đã cho đúc vàng, bạc thành nén dạng thuyền, chở về kinh đô. Nguyên đế thấy hình dáng như thế rất đẹp, nên cho phổ biến rộng rãi, và được các triều đại sau này tiếp tục sử dụng. Nguyên Bảo có nghĩa là bảo vật của nhà Nguyên.
Số tài vật thu được ở Dương Châu tương đương với tài vật ở Tô Châu và Hàng Châu cộng lại, đủ thấy người Dương Châu giàu như thế nào. Các chiến thuyền phải liên tục vận chuyển chiến lợi phẩm ra Sùng Minh đảo, rồi Lục Tinh đại vận hạm sẽ vận chuyển tài vật về Gia Định. Lương thực thu được thì giữ lại làm quân lương. Sau các cuộc cướp phá ở khu vực Giang Nam và Hồ Quảng, vựa lúa của Trung Hoa đã trở nên hoang tàn, không một bóng người, rất nhiều kho quân lương của Minh triều đã rơi vào tay quân đội Đế quốc. Tình hình chiến sự đối Minh triều càng thêm bất lợi.