Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 106: Chiến dịch salzburg (3)




Lại nói, khi ra đến bên ngoài sơn cốc, tuy nhân số có giảm bớt, nhưng không đến một thành, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Trước tình cảnh hiểm nghèo như thế, chạy thoát được ra ngoài này đã là may mắn lắm rồi. Đa số binh sĩ chạy ra đến ngoài này đều ngồi bệch xuống đất thở dốc. Hiệp sĩ Fränkische Schweiz cùng với Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch giục ngựa đến chỗ Bá tước Friedrich Martin de Augsburg bẩm báo địch tình. Hiệp sĩ Fränkische Schweiz hướng về Bá tước hành lễ Hiệp sĩ, nói:
- Bá tước đại nhân. Bọn thuộc hạ đã thám thính rõ tình hình trong sơn cốc, nên quay ra bẩm báo với Bá tước đại nhân.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg gật đầu bảo:
- Từ từ mà nói!
Hiệp sĩ Fränkische Schweiz còn chưa kịp bẩm báo thì Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch đã giành nói:
- Bá tước đại nhân. Địch quân tập trung ở phía trong sơn cốc, đang cố thủ chờ chết. Đại quân của chúng ta có thể tập trung lực lượng tiêu diệt bọn chúng.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg đưa mắt nhìn Hiệp sĩ Fränkische Schweiz, gã liền vội gật đầu. Bọn họ vào trong sơn cốc thám thính, đụng độ với quân Trento, bị đánh bật trở ra. Do nhân số ít hơn nhiều nên bọn họ cũng không dám tiến vào sâu, chỉ quan sát sơ bộ tình hình rồi quay ra bẩm báo, chờ Bá tước đại nhân định đoạt. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg nghe báo, trong lòng cao hứng, truyền lệnh:
- Tốt lắm. Đại quân tiến vào sơn cốc, tiêu diệt địch quân.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg lúc này ‘hùng tư anh phát, khí thế phi phàm’, xem chừng thắng lợi đã nắm chắc trong tay. ‘Đại quân’ Bavaria dưới sự thống lĩnh của Bá tước hùng hổ tiến vào trong sơn cốc. Sau một hồi nghỉ ngơi, binh sĩ phần nào đã lấy lại sức, và khi nghĩ đến chiến lợi phẩm, ai nấy đều trở nên tích cực hơn.
Đi sâu vào giữa sơn cốc mà vẫn chưa thấy tung tích địch quân đâu, Bá tước Friedrich Martin de Augsburg quay sang hỏi Hiệp sĩ Fränkische Schweiz:
- Địch quân ở chỗ nào?
Hiệp sĩ Fränkische Schweiz nói:
- Bá tước đại nhân. Qua khỏi khúc quanh phía trước có một khu rừng, địch quân ẩn náu bên trong khu rừng đó.
Bá tước Friedrich Martin de Augsburg gật đầu nói:
- Truyền lệnh của ta, toàn quân xung phong, toàn lực tiêu diệt địch quân. Chiến lợi phẩm tự ý xử lý.
- Xung phong!
‘Đại quân’ Bavaria toàn lực xung phong, do nghĩ đến ‘tương lai tươi sáng’, toàn thể binh sĩ tướng lĩnh đều tranh nhau chạy trước, bởi ai đi trước thì có cơ hội chiếm lấy chiến lợi phẩm nhiều hơn. Bá tước đại nhân đã cho phép tự ý xử lý chiến lợi phẩm kia mà. Ai giành được thì đương nhiên sẽ thuộc về người đó.
Đột nhiên …
Một tiếng pháo hiệu chấn động cả sơn cốc, rồi tiếng reo hò vang dậy đất trời. Tiếp đó là vô số gỗ đá từ hai bên vách núi ném xuống, vô số cung tên từ các hướng bắn ra, cùng với những tiếng kêu la gào khóc thảm thiết, liên miên bất tuyệt. Quân Bavaria đã rơi vào vòng phục kích.
Hai vạn quân Bavaria chen chúc nhau bên trong một đoạn hẹp của sơn cốc, hai đầu đã bị gỗ đá lấp kín, hai bên vách núi lại có vô số cung tên liên tục bắn xuống, nhất thời tổn thương thảm trọng. Nam tước Jürgen Kotzur de Reibisch bị một hòn đá to bằng nắm tay ném trúng đầu, rơi xuống ngựa, hôn mê bất tỉnh. Bá tước Friedrich Martin de Augsburg thì may mắn hơn, bản thân không sao, nhưng chiến mã thì bị trúng tên, hất văng Bá tước xuống đất, rồi được chúng thân binh bảo hộ nên Bá tước tạm thời vẫn còn an toàn. Bá tước vừa kinh vừa sợ, không ngừng quát tháo:
- Tản ra. Mau tản ra.
Bá tước cố gắng chỉ huy quân đội tổ chức phòng ngự. Chỉ đáng tiếc hình thế cực kỳ hỗn loạn, tiếng kêu la gào khóc, tiếng hò hét quát tháo vang dậy khắp nơi, không ai nghe Bá tước chỉ huy nữa. Chẳng mấy chốc là thanh âm của Bá tước bị nhấn chìm bởi vô số những thanh âm hỗn loạn khác. Trước tình cảnh đó, Bá tước chỉ còn biết ôm đầu tuyệt vọng, than thở:
- Thôi rồi! Thôi hết rồi!
Vô số gỗ đá, cung tên từ hai bên vách núi bắn xuống như mưa, nhanh chóng nhấn chìm binh tướng Bavaria dưới sự tuyệt vọng vô biên. Không ngừng có người trúng gỗ đá, bất tỉnh. Không ngừng có người trúng tên, thương vong. Lại càng có nhiều người tử thương do giẫm đạp lẫn nhau. Tiếng kêu khóc vang vọng khắp sơn cốc, rất lâu không tản. Máu tươi nhiễm hồng cả mặt đất. Sơn cốc bị biến thành một chốn nhân gian địa ngục. Thật là:
Cờ mở gió bay,
Trống động trời lay.
Gió bắc ào ào,
Phục binh tứ phía.
Chủ tướng khinh địch,
Rơi vòng phục kích.
Dạ phải hãi hùng,
Mạng thành đê tiện.
Sơn cốc hoang vu,
Bóng người chen chúc.
Đường lối quanh co,
Núi non cao ngất.
Ngọn gió lạnh lùng,
Nắng chiều hiu hắt.
Tên bắn như mưa,
Máu tuôn đầy đất.
Giữa cảnh hỗn loạn đầy tuyệt vọng đó, quân Bavaria chợt nghe bốn phía có nhiều tiếng hô vang:
- Đầu hàng tha chết. Đầu hàng tha chết.
Tiếp đó, đối phương tạm thời ngừng tấn công. Quân đội Bavaria là quân nông dân, hay nói rõ hơn chính là nông dân mới bỏ cuốc cày, tay vẫn chưa quen cầm vũ khí, nên chẳng có sĩ khí hay lòng trung thành gì đáng kể, giữa cảnh tuyệt vọng này, thấy có cơ hội sinh tồn liền đua nhau ném bỏ vũ khí, giơ tay xin hàng. Sau cùng, đến ngay cả các tướng lĩnh và Hiệp sĩ cũng hạ vũ khí đầu hàng. Bị rơi vào đường cùng thế này, bọn họ có muốn chống cự cũng chỉ uổng mạng vô ích. Đối phương chỉ ở trên hai bên vách núi ném gỗ đá hay bắn tên xuống chứ có chịu cùng bọn họ giao chiến đâu. Bọn họ có muốn dùng mạng đổi mạng cũng không được.
Phụ trách dụ địch là quân đội Trento, còn phụ trách phục kích là quân đội Latium. Khi thấy đối phương đã hạ vũ khí đầu hàng, liên quân Latium – Trento liền rời chỗ phục kích, xuống tiếp thu hàng binh, giải quyết chiến trường. Đáng thương cho quân đội nông dân Bavaria, mới trở thành binh sĩ chưa bao lâu, tay vẫn chưa cầm chắc vũ khí thì đã biến thành tù binh. Kiểm điểm chiến quả, quân Bavaria tử trận hơn 5.000 người, thọ thương hơn vạn, chỉ có chưa đến 3.000 người là còn lành lặn.
Người đông thế mạnh, liên quân Latium – Trento chỉ mất một ngày để xử lý chiến quả. Hôm sau, liên quân rời sơn cốc, áp giải tù binh và chiến lợi phẩm quay về cùng đại quân. Theo ý của Đinh An Bình, tù binh thì liên quân phải giao nộp lên, còn chiến lợi phẩm thì bọn họ có thể tự chia nhau. Tuy là quân nông dân, tài sản không có gì nhiều (nếu không muốn nói là không có gì), nhưng ai cũng có vũ khí, mà vũ khí có thể chuyển thành tiền; đặc biệt là chiến mã, khôi giáp của các Hiệp sĩ thì lại càng đáng giá.
Mấy ngày sau, đại quân hội họp, áp sát Salzburg, thủ phủ của lĩnh địa. Lúc này, 2 vạn quân Áo và 1 vạn quân Bohemia đã hội họp ở đấy. Khi hay tin đạo viện quân Bavaria đã toàn diệt, cả bọn chấn động, không dám xuất thành ứng chiến, chỉ cố thủ trong thành rồi gửi thư về Công tước Áo và Hoàng đế Sigismund de Luxembourg (kiêm quốc vương Bohemia) xin thêm viện binh. Dùng 3 vạn quân ô hợp (không ít là nông dân mới bị trưng tập) chống lại hơn 20 vạn quân tinh nhuệ của đối phương, ngay cả bọn họ cũng không dám tự tin có thể kháng cự nổi, đừng nói là phải đánh lui đối phương.
Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento đến dựng doanh trại phía ngoài thành bảo thủ phủ của Salzburg. Đinh An Bình gọi George I de Trento đến, hỏi:
- Liên hệ với Eberhard III de haus thế nào rồi?
George I de Trento nói:
- Đại vương yên tâm. Mọi sự đâu vào đấy cả rồi. Ông ấy đã sẵn sàng phối hợp đại quân.
Đinh An Bình mỉm cười nói:
- Tốt lắm. Lần này ngươi hãy cố lập nhiều quân công. Bản vương sẽ tâu với Thánh hoàng sát nhập Tyrol vào Trento để thành lập một tân vương quốc.
Lĩnh thổ của Tyrol và Trento hợp lại đã lớn hơn cả Sicily và Sardinia, gấp 3 lần Corsica. Ba xứ đó còn là vương quốc được thì tân Trento cũng có thể thành lập vương quốc. George I de Trento nghe nói cả mừng, vội nói:
- Đại vương yên tâm. Quân đội Trento sẽ hết lòng giúp Đế quốc chinh phạt nghịch tặc.
Ở Âu châu, có gì sung sướng hơn khi có thể trở thành quốc vương. Ngôi vị quốc vương không chỉ đại biểu cho quyền lực, mà còn là một loại vinh dự, tượng trưng cho thân phận. Ở Âu châu, công tước, hầu tước, thậm chí vương tử, thân vương vô số, nhưng có mấy ai có thể trở thành quốc vương. Thời Trung Cổ, nhiều vương tử, đại công tước ở Đế quốc La – Đức muốn trở thành quốc vương, nhưng phải chờ đến khi quyền lực của các Thánh Hoàng đế suy yếu, mới có thể dùng uy bức lợi dụ, ép buộc Thánh Hoàng đế phong cho mình làm quốc vương, mà cũng không có mấy người thành công. Quốc vương, vương quốc khi đối diện công tước, công quốc tự nhiên có được tiên thiên ưu thế, giống như người Trung Hoa có câu “Quan đại nhất cấp áp tử nhân”.
An phủ George I de Trento đang tâm tình kích động, Đinh An Bình trao cho lão một chiếc túi gấm, nói:
- Cứ theo đó thi hành.
Sau đó, Đinh An Bình lại truyền lệnh cho binh sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị cho đại chiến.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.