Đợi Một Loài Hoa Nở

Chương 15: Cơm tất niên




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

(Ảnh: Internet)
Cùng lúc mẹ từ trong nhà đi ra, gương mặt tươi cười, mẹ nhỏ nhẹ:
- Mai Cô, Ai gọi vậy con?
- Dạ, là Phương Bằng đó mẹ! - Tôi đáp lời nhàn nhạt quay đi, lấy tay quơ qua quơ lại phả khói nồi bánh Tét, thuận tay cầm một đôi đũa dài cạnh đó, gắp một cái bánh ra xem bánh đã được chưa.
- Phương Bằng... – Mẹ chậm rãi tìm cái tên Phương Bằng trong trí nhớ, rồi khép đôi mắt nâu, ngẫm nghĩ.
- Là cái người trạc tuổi con, đến thăm ngoại cùng với con vào cái đêm ngoại đỗ bệnh. - Tôi vừa cắt dây buộc xong, rồi tháo luôn hai lớp lá chuối vứt vào cái thau nhôm bên cạnh, nhắc mẹ.
- À, mẹ nhớ rồi! Thảo nào, nghe tên thì quen mà mẹ không nhớ ra. Cậu ta ấy à, thật gần gũi, dễ mến mà lại còn tốt bụng nữa. - Mẹ gật gù, cười hiền.
- Dạ, con cũng thấy vậy đó mẹ.
Mẹ bước qua chỗ tôi, ngồi xuống cái phảng kế bên bếp lửa, cầm con dao nhỏ cắt một khoanh mỏng bánh Tét, cho vào miệng nếm thử, mẹ gật đầu nhè nhẹ. Tôi nhìn mẹ, nhìn thật lâu, tôi thấy sao mẹ giống bà lạ. Hình ảnh đó làm cho lòng tôi rất ấm! Mẹ ăn xong khoanh bánh, từ tốn cắt một khoanh nữa đưa qua cho tôi. Không do dự, tôi đón lấy ăn ngon lành. Nhìn tôi ăn xong mẹ mới nói:
- Mẹ thấy cậu Phương Bằng đó người sáng sủa, tính tình cũng tốt. Mẹ ước sao có một người con rể như vậy. – Vẫn cười hiền như trước, mẹ tiếp. - Phải chi cậu ấy làm người yêu của con thì tốt quá!
Đang vớt mấy cặp bánh ra chiếc thúng tre, tôi phì cười vì câu nói của mẹ:
- Mẹ ơi! Đâu phải mình muốn là được đâu mẹ. Có là người yêu hay không cũng phải tùy duyên nữa. Chứ như con, mẹ thấy không, vô duyên quá trời!
Tôi không buồn, không tự trách như trước khi nghe bất kỳ ai, kể cả người thân nhắc về chuyện người yêu này, người yêu nọ. Có lẽ tôi đã có tình yêu mới?! Tình yêu cho ước mơ, cho lý tưởng riêng của mình, cho những gì tôi đang làm và sẽ làm trong tương lai. “Chuyện Phương Bằng” chắc là tôi đang mơ một giấc mơ đẹp, đẹp nhất từ trước đến giờ mà tôi từng mơ, anh và tôi có một đoạn nhân duyên ở kiếp này, nhưng không có nợ. Tôi đoán vậy, tôi cũng nghĩ như vậy.
- Ừ thì con muốn sao cũng được, mẹ đều đồng ý!
Mẹ nói đoạn, bỏ lần lượt mấy cặp bánh vô thau nước lạnh đã để sẵn kế bên thúng tre, nhanh tay lướt qua mấy chỗ bánh bị bọt, dầu dừa rỉ ra làm bẩn. Rồi mẹ nhẹ nhàng xếp bánh ra đĩa cho đủ cúng, mấy cặp còn lại mẹ vắt ngang qua một khúc cây trúc, để lát nữa vào nhà mẹ sẽ treo lên. Mẹ làm y như hồi ngoại còn sống. Lúc trước, cũng tại chỗ này, bà ngồi trên phảng, một chân xếp lại, một chân co lên giống như mẹ, cũng rửa bánh, cũng xếp bánh, cũng treo bánh. Tôi nhớ bà, nếu như bà còn sống, bây giờ bà cũng sẽ nói với tôi như mẹ.
Mẹ đứng lên, đem khúc cây trúc treo đầy hơn chục cặp bánh Tét tinh tế, đẹp mắt vào trong nhà. Trông thấy cái bánh Tét tôi gói, được mẹ trịnh trọng xếp vào cái đĩa sứ hoa vàng, nó dài hơn và to hơn cái bánh bên cạnh nó. Tôi thấy có chút buồn cười, nhưng trong lòng cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi cũng nhanh chóng bưng mấy đĩa bánh Tét lên bàn thờ, để hoàn thành việc chuẩn bị mâm cơm cúng Tết.
Mọi người đều đã thay quần áo mới, nghiêm túc chỉnh tề đứng trước bàn thờ tổ tiên. cha sửa lại cổ áo sơ mi màu xanh xám, bước lên một bước, rồi chậm rãi đốt ba nén hương trầm, cẩn thận dâng cao lên đầu. Ngừng một chút, cha bắt đầu khấn:
- Hôm nay đêm ba mươi Tết Đinh Dậu, con ở đây cùng vợ và hai con kính thỉnh ông bà, tổ tiên về lại gia đình ăn Tết đoàn viên với con cháu. Chúng con luôn biết ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, thân tộc quyến thuộc đã phù hộ cho gia đình con luôn bình an vô sự, xum vầy, hạnh phúc. Chúng con sẽ ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục, sẽ giáo dục con cháu nối tiếp, duy trì truyền thống. Chúng con cầu mong ông bà, tổ tiên, cha mẹ, thân tộc quyến thuộc luôn bảo vệ ban phước cho chúng con; để chúng con trong năm mới này luôn được may mắn, phúc thọ an khang...
Miên man dòng suy nghĩ theo lời cha khấn vái, em gái Mai Kha dõi mắt lên bàn thờ chăm chú, nét mặt rạng ngời như ấp ủ một hoài bão đẹp đẽ. Tôi thì thầm vào tai nó:
- Có tin không, chị thuộc hết mấy lời cha vừa khấn đấy!
Tôi nói mà khuôn mặt cứng ngắt, đực ra. Rất tếu nhưng cũng rất nghiêm túc. Em gái cười, thúc thúc cùi chỏ vào hông rồi ra hiệu:
- Suỵt! Nhỏ tiếng thôi! Em biết, chị còn thuộc cả bài “Kinh Vãn Sanh” còn sắp làu làu “Chú Đại Bi” nữa kìa. - Nó nói mà cái vẻ cứ như là bà cụ non, đã thế còn tằng hắng thêm cái nữa.
Cha đã làm xong nghi thức, lùi xuống nhường chỗ cho mẹ. Dường như cha có vẻ đượm buồn không biết vì cái gì. Cha nhìn hai chị em tôi cười, cố che đậy vẻ buồn đó trên gương mặt. Có lẽ cha cũng nghĩ điều tôi đang nghĩ? Vì ngoại năm nào cũng là người đảm nhận vị trí cha lúc này, làm việc bà hay làm rồi nhớ người xưa chăng? Không một ai trong chúng tôi biết những người còn lại nghĩ gì; nhưng chúng tôi rõ, giờ phút này, có một hình bóng mà cả bốn người chúng tôi điều hướng tới.
Mùi nhang trầm vẫn tỏa đều đều, lượn lờ trong không khí. Đầu của chúng uốn cong cả một đoạn dài, hương bay ra khắp gian nhà, sà vào cả ngọn đèn dầu im thin thít. Lửa ngọn đèn lâu lâu nở pháo hoa tí tách, lay động gật gù như người thức đêm buồn ngủ. Tiếng bước chân người đi đón giao thừa ngoài ngõ. Tiếng xe máy. Tiếng chó sủa. Tiếng nhạc. Tiếng tivi mở lớn. Tiếng nói cười rộn rã từ những nhà bên cạnh. Quen đến mức làm cho tôi lầm tưởng đó chính là tiếng động riêng của Tết, của mùa xuân và của chính vùng đất Trường Tấn nơi này.
Mới đó mà trời đã dần tối, màn đêm hôm nay đẹp lắm! Những đám mây xếp ngổn ngang trên nền trời như chiếc chăn lớn muốn che khuất những ngôi sao nhấp nháy dần dần nhường chỗ cho khoảng trời mờ ảo, thấp thoáng xa xa một vùng hồng hồng sáng lấp lánh ánh đèn. Em gái bật công tắt đèn huỳnh quang treo trên cành mai cổ thụ trước sân rồi bưng hai đĩa lớn đồ ăn ra, đặt xuống bàn đá cạnh gốc mai, nhanh nhẩu chỉ tay về khoảng trời ngập tràn ánh đèn rực rỡ, hào hứng nói:
- Phía đó lát nữa có pháo hoa.
Tôi đứng lên, bước tới gần em gái, nhìn chăm chú hướng nó chỉ, rồi bảo:
- Chị thích ngắm pháo hoa từ xa hơn. Cái gì ở xa cũng đẹp và hoàn hảo hết.
- Chị nói phải! – Nó đáp.
Tôi nhìn nó một lúc lâu thì hỏi nó:
- Sao năm nay em không đi đón giao thừa với bạn bè đi?
Em gái mặt tươi rói, cười tít mắt, giọng thánh thót:
- Em thấy ở nhà với gia đình mình vầy có ý nghĩa hơn. Mấy năm trước đi đón giao thừa tận tỉnh bên. Trời ơi! Đón xong, đầu năm đầu tháng mà không được ở nhà còn đi tiếp tăng hai tăng ba nữa, về tới nhà là mồng một Tết luôn, sáng lại lăn ra ngủ vùi tới tận chiều. Đêm giao thừa như vậy phí gần chết. Chi bằng ở nhà dọn dẹp, tán gẫu, ăn cơm đoàn viên với gia đình mình không phải sướng hơn sao?
- Em gái lớn rồi nhe!
- Thôi, chị khen mà cứ như đang cố tình chọc em vậy.
Tôi cười ha hả, giọng cười vô duyên chưa từng có, chêm vào một câu nữa:
- Ừ thì chị đang chọc mày chứ có khen gì đâu, tưởng đâu lớn đầu hoá ra lớn xác.
Nó nhăn cái mặt lại rồi xắn tay áo lên định cù lé tôi nhưng nó nén xuống nói:
- Hôm nay giao thừa, tha cho chị đó!
- Con đó, chỉ giỏi ăn hiếp chị! - Mẹ mắng nó rồi đặt đĩa thức ăn cuối cùng lên bàn, tiện tay cầm đũa đút cho tôi một miếng chả thơm lừng trong khi em gái chu môi ganh tỵ.
- Ngon không? - Cha hỏi tôi.
Vừa nhai sừng sực miếng chả trong miệng, tôi vừa nói với vẻ hí hửng rồi giơ ngón tay ra hiệu:
- Dạ, tất nhiên rồi! Cha làm là số một! - Nuốt xuống, cười tươi, tôi tiếp. - Có rãnh thì cha xuống bếp thường xuyên đi. Sao ai nấu ăn ngon cũng đều thích giấu nghề?
Em gái nhìn một màn, sốt ruột lên tiếng:
- Bụng con sôi ùng ục đây này, mau lên, con đói lắm!
- Nào cả nhà ăn mình ăn cơm thôi! - Cha không giấu được vẻ vui mừng, nói.
Mọi người đều cầm đũa lên, tâm trạng hân hoan lạ thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.