Cửu Thiên Tuế

Chương 32:




Ngày hôm sau, Tiết Thứ đi báo lại cho Long Phong đế rằng, nghe nói ở Sơn Tây có một vị gọi là Tử Viên chân nhân tuy đã hơn trăm tuổi nhưng trông vẫn còn trẻ, lại tinh thông đạo luyện đan và thuật trường sinh cải lão hoàn đồng.
Long Phong đế nghe xong thì vô cùng vui mừng, lập tức sai Tiết Thứ dẫn người đi mời về.
Vì tuân lệnh Ân Thừa Ngọc phải nhanh chóng tìm được người, Tiết Thứ không chần chờ giây phút nào, ngay hôm đó vội vàng gom đủ người, hôm sau trời chưa sáng đã lên đường đến Sơn Tây.
Năm mươi phiên dịch Tây Xưởng xuất phát từ kinh thành, đi trên quan đạo qua phủ Thái Nguyên rồi rẽ sang phủ Đại Đồng. Nếu đám người đi không ngơi nghỉ ngày đêm thì cũng phải tốn mất bảy tám ngày đường mới đến nơi.
Bọn họ đi liên tục bốn ngày, chớp mắt đã gần đến phủ Thái Nguyên. Tiết Thứ hạ lệnh toàn đội nghỉ ngơi lại sức.
Mấy phiên dịch nhanh chóng tìm một chỗ ít gió để dựng lều, còn lại mấy người khác thì cầm cung vào sâu trong rừng săn thú và kiếm củi.
- Giám quan có muốn uống chút rượu cho xả hơi không?
Thủ lĩnh Lý tháo bầu rượu giắt trên thắt lưng xuống, cung kính đưa tới trước mặt hắn.
Tiết Thứ quan sát xung quanh, cau mày:
- Không cần, chia cho mấy huynh đệ đi. Đừng uống nhiều rồi làm bậy.
Thấy hắn không muốn uống, thủ lĩnh Lý thì ném bầu rượu cho thuộc hạ để bọn họ tự phân chia, còn bản thân gã thì đi theo Tiết Thứ, nịnh nọt:
- Phủ Thái Nguyên này cũng vắng vẻ quá, trên đường chúng ta đi tới đây không gặp một người nào hết.
Bọn họ sống đã lâu ở kinh thành phồn hoa, mỗi ngày đều gặp được rất nhiều người. Bây giờ vừa ra khỏi vùng trực lệ (vùng được triều đình kiểm soát), đi vào địa phận Sơn Tây lại không thấy một bóng người nào, làm sao bọn họ thích ứng cho được.
Vốn thủ lĩnh Lý chỉ thuận miệng than vãn, muốn gây ấn tượng với Tiết Thứ, nhưng khi Tiết Thứ nghe được lại cau mày:
- Có gì đó không ổn lắm.
Bây giờ đang là trung tuần tháng tư, sắp tới mùa gặt lúa mạch vụ đông. Nhưng trên đường bọn họ tới đây chỉ thấy đồng ruộng bị bỏ hoang, tuyệt nhiên không có một nông dân nào.
Tiết Thứ lớn lên ở nông thôn, cảnh tượng hoang vắng này hắn đã từng thấy...tất cả đều không phải là chuyện gì tốt.
Hắn chợt lên ngựa, bỏ lại một câu "Các anh chờ ở đây" rồi thúc ngựa quay lại con đường cũ.
Trên đường bọn họ tới đây có đi ngang qua một cánh đồng.
Tiết Thứ thúc ngựa đi được hai khắc thì tới được bên rìa mảnh ruộng. Hắn nhảy xuống ngựa, cẩn thận kiểm tra gốc lúa mạch trong ruộng, đoạn sầm mặt.
Gốc rạ này có màu xanh, rõ ràng đây là mạ mới lớn, thế nhưng tất cả đều trụi lủi còn mỗi gốc, có thể đã gặp phải nạn châu chấu.
Năm nay sau đông không có mưa, thỉnh thoảng hắn còn nghe điện hạ nói, trong các báo cáo của các tỉnh phía bắc đều nhắc đến tình hình hạn hán.
Mà nạn hạn hán thường kèm theo nạn châu chấu.
Tiết Thứ đứng lên, nhìn về phía thôn xóm đằng xa.
Trời đương hoàng hôn song trong thôn không hề có khói bếp bay ra, vắng lặng đến đáng sợ.
Hắn không do dự thúc ngựa chạy lên đường nhỏ trong ruộng.
Sau một lát, hắn tới được cổng thôn.
Nhìn từ xa chỉ thấy thôn xóm vắng lặng nhưng khi đến gần rồi mới biết được sự im ắng ấy từ đâu ra.
Cả một thôn không một bóng người, cửa nhà mở toang song không hề có tiếng chó sủa nào.
Tiết Thứ nhìn một vòng, trước mỗi nhà đều treo khăn trắng và đèn trắng, một số nhà còn để quan tài. Nắp quan tài bị ném sang một bên, không có gì bên trong.
Phía xa, hoàng hôn dần tắt. Ánh mặt trời bao trùm khắp thôn, đỏ như máu.
Tiết Thứ ra khỏi thôn, thúc ngựa về nơi dựng trại.
Thấy hắn quay về, thủ lĩnh Lý vội bước tới, trên mặt là vẻ đau khổ:
- Giám quan, đêm nay chúng ta đành phải ăn lương khô chống đói. Trong núi không có thỏ rừng gà rừng, thậm chí còn không thấy một con chim nào, vô cùng hoang vu
- Không phải hoang vu.
Tiết Thứ lạnh mặt:
- Gặp nạn, người chết hết rồi.
Thủ lĩnh Lý kinh ngạc:
- Nhưng không thấy thi thể nào ở ven đường.
Tiết Thứ lắc đầu, chỉ vài người, đoạn vẽ một cái bản đồ đơn giản trên đất:
- Các anh cưỡi ngựa đến mấy chỗ này tra xét thử.
Hắn khoanh vài vòng xung quanh phủ Thái Nguyên:
- Không cần vào thành, không cần đánh động đến quan viên trong phủ, chỉ cần đi tra xét chung quanh là được.
Mấy người nhận lệnh, tản ra. Tiết Thứ nhìn xa xa, vẻ mặt nghiêm trọng khác với khi trước.
Nửa canh giờ sau, chợt có tiếng vó ngựa vang lên trong bóng tối.
Phiên dịch đi thành phủ Thái Nguyên thúc ngựa chạy nhanh về. Vì quá mức kinh hãi nên khi xuống ngựa, hắn lảo đảo một hồi mới đứng vững được, đoạn run rẩy báo cho Tiết Thứ:
- Cửa thành Thái Nguyên đóng kín, không cho người ra vào. Cách cửa thành năm dặm chất đầy thi thể, thỉnh thoảng có binh lính đi vào đốt thây.
- Có điều tra được đã xảy ra chuyện gì chưa?
Suy đoán của hắn lại một lần nữa được chứng thực, Tiết Thứ trầm giọng.
Hắn từng thấy được cảnh tượng nạn châu chấu tàn phá, người chết vì đói nhiều vô số là chuyện thường tình. Thế nhưng không đến mức mà bỏ hoang cả một thôn, treo khăn trắng, sống không thấy người, chết không thấy xác.
Hành động của phủ Thái Nguyên nói cho hắn biết, tình hình bây giờ còn tệ hơn những gì hắn đoán.
Phiên dịch hổn hển nói:
- Thuộc hạ không dám tiến đến gần, chỉ nghe loáng thoáng binh lính đốt xác nhắc đến "nạn dịch hạch", có vẻ như bùng phát dịch bệnh nào đó, không ít người mắc bệnh chết.
Quả nhiên là dịch bệnh.
Khuôn mặt Tiết Thứ chìm trong bóng tối:
- Có biết bắt đầu từ khi nào không?
- Từ đoạn đối thoại của bọn họ, ít nhất phải hơn nửa tháng.
Thế nhưng bọn họ ở kinh thành lại không nghe được một tin tức nào cả.
Tiết Thứ im lặng. Lại đợi hơn một canh giờ nữa, tất cả phiên dịch được lệnh đi tra xét đều quay trở về.
Báo cáo rằng tình hình ở huyện trấn khắp phủ Thái Nguyên đều giống như thế.
Treo khăn trắng, mười nhà thì hết chín nhà bỏ trống.
Lại nghe nói "nạn dịch hạch" rất nặng, người nhiễm bệnh uống thuốc và châm cứu không hết, khó sống được. Nghiêm trọng hơn nữa, thậm chí có nhà chết hết không còn một ai. [1]
Chỉ trong vòng nửa tháng đã lây khắp Sơn Tây, người sống không ai viếng, người chết không ai chôn, không người nào dám đi ra đường.
Mặc dù những năm gần đây khắp Đại Yến thường gặp hạn hán lẫn lũ lụt, kéo theo đó là dịch bệnh, song chẳng hề lây lan nhanh chóng như "nạn dịch hạch", người chết vô số.
Tiết Thứ ý thức được tính nghiêm trọng của sự việc, hắn im lặng một lát, đoạn nhìn đồi núi chập chùng trong bóng tối, trầm giọng:
- Mười người theo tôi về kinh báo tin, bốn mươi người còn lại tiếp tục đến Đại Đồng tìm Tử Viên chân nhân. Nếu trên đường phát hiện dịch bệnh, lập tức về kinh báo cáo.
Dứt lời, Tiết Thứ chọn mười người, vội vã ăn lương khô rồi nghỉ ngơi.
Tờ mờ sáng hôm sau, bọn họ vội vàng đứng dậy, lên đường tắt về kinh.
Lúc đi tận bốn ngày đường, nhưng lúc về bằng đường tắt chỉ tốn chưa đến ba ngày.
Về tới kinh thành vừa lúc đêm khuya, nhưng Tiết Thứ vẫn vội vàng chạy vào cung, đánh thức Long Phong đế đang nằm mộng.
Long Phong đế không thấy tức giận, vui mừng nhìn quanh quất sau lưng hắn:
- Sao vội vàng thế, đã tìm được thần tiên rồi sao?
Thấy ông ta chỉ chăm chăm nhớ đến thần tiên, Tiết Thứ khó chịu trong lòng. Hắn lắc đầu, nói:
- Về phần Tử Viên chân nhân, vẫn còn đang tìm. Nửa đêm thần đến đây là vì có chuyện quan trọng khác cần bẩm báo
Thì ra không phải vì đã tìm được thần tiên, Long Phong đế chợt mất hứng. Ông ta khoanh chân nằm nghiêng trên giường, ngáp một cái:
- Nhiều chuyện gấp, sao không để ngày mai báo lại?
Tiết Thứ rủ mi, nói:
- Trên đường đến Đại Đồng, thần đi qua phủ Thái Nguyên, phát hiện khắp vùng Sơn Tây có đại dịch, người chết nhiều vô số. Bây giờ trong khắp thôn xóm chung quanh phủ Thái Nguyên không còn một bóng người.
- Sơn Tây?
Long Phong đế cố gắng nhớ lại, đoạn nói:
- Tuần phủ Sơn Tây hình như có báo cáo tình hình hạn hán mùa xuân. Chỉ là nạn hạn hán mà thôi, mỗi năm có chỗ nào mà không có. Bộ Hộ cũng đã phê chuẩn mở cửa kho lương thực rồi.
Ông ta trông vô cùng thờ ơ.
Mấy năm gần đây Đại Yến gặp nhiều thiên tai, hạn hán, lũ lụt, châu chấu lần lượt xảy ra, Long Phong đế nghe đến phát chán.
Đặc biệt là mỗi lần có thiên tai đều luôn có người nói ông trời giáng phạt, như thể vô cùng bất mãn với hoàng đế là ông ta đây. Cho nên Long Phong đế không hề thích nghe những tin tức thế này.
Dù sao đã có nội các đi giải quyết rồi.
Lãnh thổ Đại Yến rất rộng, dân số lại đông, người chết vì thiên tai không phải quá bình thường sao?
Tiết Thứ thấy ông ta không quan tâm nhưng vẫn kiên nhẫn nói tiếp:
- Dịch bệnh lần này không giống với năm ngoái, có vẻ như nặng...
Không đợi hắn nói hết câu, Long Phong đế đã khó chịu ngắt lời:
- Khác gì chứ? Trẫm mệt rồi, việc này để ngày mai bàn lại.
Dứt lời, ông ta phất tay, đoạn đi vào tẩm điện.
Để cho Cao Hiền lạnh nhạt cản người:
- Không ngờ giám quan Tiết lại có lòng yêu nước thương dân như thế.
Tiết Thứ sâu xa nhìn ông ta rồi quay người rời đi.
Ra khỏi cung Càn Thanh, hắn nhìn sắc trời tối mịt, lại quay người đi đến cung Từ Khánh.
Lúc bị Trịnh Đa Bảo đánh thức, Ân Thừa Ngọc vẫn còn ngái ngủ:
- Sao quay về rồi?
Trịnh Đa Bảo giúp y mặc quần áo xong, nói:
- Hình như có việc gấp cần bẩm báo.
Ân Thừa Ngọc mặc quần áo xong đi ra ngoài, thấy Tiết Thứ đã đứng trong điện.
Hắn đứng giữa phòng, đầy vẻ phong trần, áo bào màu đen dính đầy bụi bặm và bùn đất. Nghe tiếng động, hắn quay người lại, trên mặt là nét mệt mỏi không thể giấu. Chỉ có đôi mắt đen hệt như sắc đỏ trong tro tàn, khi nhìn thấy y mới bùng cháy lên.
- Có chuyện gì sao?
Ân Thừa Ngọc chưa bao giờ thấy vẻ mặt này của hắn.
Tiết Thứ thuật lại cho y về tình hình ở Sơn Tây, dường như sợ y không tin, lại trầm giọng nói thêm:
- Thần từng gặp phải đại dịch, thế nhưng cho dù đó là dịch bệnh nặng nhất cũng không lây lan nhanh như "nạn dịch hạch". Mười người chỉ có một hai người còn sống.
Từ lúc nghe được mấy chứ "nạn dịch hạch", sắc mặt Ân Thừa Ngọc càng ngày càng khó coi.
Y đương nhiên biết "nạn dịch hạch".
Lúc dịch bệnh phát tác, trên cổ người bệnh nổi hạch, nôn ra máu, không có thuốc chữa. Người bệnh sẽ mau chóng tử vong sau đó. [2]
Đời trước, nạn dịch hạch bùng phát ở phủ Đại Danh, sau lại lây lan đến kinh thành.
Nghiêm trọng nhất là khắp kinh thành mỗi ngày có mấy vạn cái quan tài, người chết như rơm rạ, đường phố vắng tanh.*
Đây mới chỉ là bắt đầu.
Lúc nạn dịch hạch lan đến vùng Thiên Tân to lớn, các tỉnh phương bắc chết vô số người, ruộng đồng bỏ hoang, lương dân phải di dân về phương nam hoặc vào rừng làm cướp, khởi nghĩa nổi lên khắp nơi.
Khi ấy y bị giam cầm trong hoàng lăng, chỉ biết nạn dịch hạch bùng phát vào khoảng tháng bảy tháng tám năm Long Phong thứ mười chín. Không ngờ lại là lúc này, còn bắt đầu từ Sơn Tây.
Đời trước, khi mới bùng phát dịch, mọi người ai cũng cho rằng "nạn dịch hạch" giống với các dịch bệnh trước, sẽ nhanh chóng hết. Nhưng không ai ngờ được, đây chính là khởi đầu của đại nạn ở Đại Yến.
- -------------------
Cún: Chỉ có điện hạ mới không bao giờ để cún thất vọng.
[1], [2]: Tác giả bảo tham khảo từ internet.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.