Con Thuyền Trống

Chương 6: / Tên cô ta là Cam Linh




Tại sao cô không làm gì đó từ sớm đi?
Có ai đó gọi "cô Tiểu Khương ơi", nên tôi quay lại.
Đôi khi tôi quen thói nghề nghiệp, nếu sau lưng tôi có đứa trẻ nào kêu tôi "cô Tiểu Khương ơi", mà tôi không quay lại, thì nhất định là tôi không thấy tiếng gọi đó. Tôi lúc hai mươi tuổi là người khá nghễnh ngãng, giống như bị cận thị nặng vậy, nếu không nhìn khẩu hình của người khác thì không nhận rõ được họ đang nói gì, vậy nên lúc tôi đang ngẩn người mà có ai đó gọi tên thì tôi cũng chẳng đáp lại gì hết.
Rồi tôi đến làm việc ở trường mầm non, cái tật xấu này bị tôi thay đổi triệt để. Hết đứa nhỏ này đến đứa nhỏ khác gọi tôi liên tục, tựa như những con thuyền màu sắc khác nhau bị sóng biển xô đẩy, cập vào bến cảng của tôi, tôi có thể vừa phân biệt chính xác ai với ai, vừa lần lượt đáp lại chúng, tránh cho đứa nhỏ nào đó vì tôi không nghe rõ mà xấu hổ không dám lên tiếng, cuối cùng nhịn quá mà tiểu dầm trong quần.
Cho nên, dù cho tiếng gọi "cô Tiểu Khương ơi" kia chẳng giống giọng nói của con nít tí nào, trước khi lý trí kịp ra chỉ dẫn thì cái cổ và vai tôi đã tự động di chuyển.
Đối mặt với người phụ nữ vẫn không nhúc nhích đó, tôi nhanh trí đi đến cái bàn bên cạnh, rút hai tờ khăn ăn, bình tĩnh lau miệng rồi rời đi.
Giống như tôi chợt quay lại không phải vì nghe thấy tiếng "cô Tiểu Khương ơi", mà chỉ là vì miệng dính đồ ăn thừa vậy.
Đầu óc vẫn chưa hoạt động lại, thân thể đã đi trước, tôi không ngờ mình còn có thể vững vàng như vậy, đến khi đã bước hẳn ra ngoài, tôi mới sực tỉnh, mồ hôi lạnh thấm ướt cả áo.
Chỉ cần giả vờ kém đi một chút, hoặc là lá gan nhỏ lại một tẹo nữa thôi, thì tôi đã không kiềm được mà liếc nhìn cô ta, sau đó bị ánh mắt như cái móc câu của cô ta túm chặt, tôi sẽ bị kéo lên bờ, giãy đành đạch phơi ra cái bụng trắng, chờ người xâu xé.
Sau khi ra ngoài, tôi cố bước nhanh hơn, không dám ngoái nhìn lại, sợ rằng sẽ bắt gặp gương mặt lạnh lẽo của cô ta.
Cô ta kêu tôi như vậy là đã biết cái gì rồi sao? Cố ý thử tôi à? Vậy tôi có nên về nhà không?
Nhưng tôi phải về nhà thôi, tôi không có bạn bè nào khác ở cái huyện Năng này, Chu Nhị Đình với bạn trai rất thân mật với nhau, hiệu trưởng thì có chồng bị bệnh cần chăm sóc, tôi không thể quấy rầy ai, cũng không có tiền dư dả mà ở khách sạn, chỉ có thể trở về nhà.
Tôi tin tưởng người phụ nữ này có khỏe đến đâu thì cũng không phải là Người Sắt, cô ta cạy cửa chống trộm nhà tôi không được, hỏi không ra bí mật của tôi. Nếu cô ta dùng bạo lực phá cửa, hay là gây chuyện ồn ào, tôi sẽ kêu bảo vệ dẫn cô ta đi cảnh cáo thật nặng. Hay tốt nhất là cô ta cứ phá hỏng cửa nhà tôi, tôi báo cảnh sát bắt cô ta về đồn, tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp hay cướp tài sản bị phạt bao nhiêu năm tù? Tôi chỉ mất một cánh cửa là có thể đổi lấy nhiều năm an bình rồi.
Nhưng tôi biết rõ trong lòng mình có một câu hỏi to tướng đang sôi trào, hệt như lượng khí dư bành trướng trong dạ dày vậy, tôi muốn biết cô ta là ai, có liên quan gì đến bí mật của tôi, làm sao có thể tìm được tôi - à không, tôi không quan tâm cô ta giở mánh khóe gì để tìm được tôi, tôi chỉ muốn làm rõ là cô ta muốn biết điều gì? Cô ta là ai vậy?
Tôi lấy bàn tay đè chặt bụng của mình, về nhà cởi áo ra mới phát hiện mình hơi quá tay, cái bụng đã có vết bầm tím. Tôi lấy cái đau này để cảnh tỉnh bản thân đừng có tò mò bậy bạ nữa, không được ngoái đầu nhìn lại, cũng không được kéo rèm lên, phải chuẩn bị kỹ số điện thoại báo nguy khẩn cấp, quyết đấu một lần cho xong, sau đó là tôi có thể đi làm trở lại rồi.
Nhưng tôi vẫn muốn biết liệu cô ta có đuổi theo tôi hay không, muốn xác nhận mình có thể an tâm đi ngủ hay không, nên tôi lại kéo rèm ra.
Lầy này tôi nên áp dụng bài học kinh nghiệm trước đó mà tắt đèn đi chứ nhỉ! Có điều địa chỉ của tôi đã bại lộ, đèn có mở hay tắt thì cũng chẳng ăn thua nữa, tôi cũng không thể tắt đèn giả bộ như tôi chưa về nhà, ánh đèn sẽ lọt ra khe hở của bức rèm mà tố giác tôi, giấu đầu thì cũng lòi đuôi cả thôi.
Thế là tôi cứ đứng bên cửa sổ gần hai mươi phút, rốt cuộc thấy cô ta xuất hiện ở cổng khu dân cư.
Cô ta bình tĩnh bước vào, ngẩng đầu nhìn tòa nhà thứ hai này, miệng nhẩm đếm, thấy được tôi.
Quả nhiên cô ta lại cất bước đi vào, tôi mở cửa sổ ra, cúi người tìm một tờ giấy sáng màu, vội vàng viết:
Cô là ai?
Tôi hối hả mở cửa ra, đặt tờ giấy xuống sàn, rồi khóa cửa thật chặt. Lần này tôi mang giày vào, cũng không thèm nhỏ tiếng khẽ khàng nữa.
Cách một lớp cửa, lần này tôi đã chuẩn bị kỹ càng hơn lần trước. Điện thoại trong tay tôi đã để sẵn số tổng đài khẩn cấp, một khi cô ta có hành động khác người thì tôi sẽ lập tức báo động, sau đó dựa vào cánh cửa đã khóa an toàn của tôi mà chờ tiếng còi cảnh sát.
Tiếng bước chân vang lên, tôi đã bình tĩnh hơn nhiều so với lần trước.
Có thể là lúc ra vẻ lơ đãng rút tờ khăn giấy ở quán mì đã nói cho tôi rằng, tâm lý tôi có thể ổn định vững vàng như tôi muốn, nên tôi kề sát cửa, không tới gần mắt mèo.
Một lúc sau, tôi nghe thấy một giọng nói.
"Tôi là Cam Linh." (1)
(1) Cam Linh (甘玲): phiên âm là Gan Ling
Cam (甘): vị ngọt, ngon ngọt
Linh (玲): tiếng ngọc kêu, khéo léo tinh xảo, xinh xắn

Dân huyện Năng khi nói chuyện không phát âm rõ âm đầu và âm cuối, nên tôi vẫn chưa nhận ra đây là tên người, tưởng nhầm cô ta nói là "cam lâm"(2), cảm thấy kì quái, nên chỉ vểnh tai nghe cô ta nói tiếp: "Tôi biết cô là cô giáo Tiểu Khương của trường Cây Mận."
(2) cam lâm (甘霖), phiên âm là Gan Lin: cơn mưa sau trận hạn hán lớn. Hai tiếng nghe na ná nhau, nên Tiểu Hồi tưởng Cam Linh nói mình là "cơn mưa rào":">
Tôi không trả lời, việc tôi hỏi danh tính cô ta cũng đã đồng nghĩa với việc tôi thừa nhận chính mình rồi. Tôi không giấu giếm gì được, chỉ cần cô ta suy nghĩ như người bình thường mà đi hỏi thăm tầng lầu này một vòng thôi, là ai cũng sẽ chỉ sang nhà tôi cả.
Oan gia ngõ hẹp đụng nhau ở quán mì, tôi đã biết mình không thể trốn được nữa.
Người phụ nữ lại nói tiếp: "Trịnh Ninh Ninh đã chết."
"Tôi hỏi cô, tại sao kẻ giết người mà chỉ phán bảy năm tù?"
Giọng nói cô ta cách lớp cửa nghe rất mơ hồ, nhưng nội dung hỏi rất rõ ràng, muốn hỏi tại sao tội cố ý giết người, giết một đứa trẻ bảy tuổi mà chỉ bị kết án bảy năm lao ngục.
Tôi không biết, tôi không phải là thẩm phán, không phải cảnh sát, cũng không là luật sư, tôi chẳng là ai cả, chỉ là một nhân chứng thôi. Tôi thề rằng mọi điều tôi nói là sự thật, sau đó tôi kể lại tất cả sự việc phát sinh vào lúc ấy. Hôm đó tôi khát muốn điên lên, nhưng không uống nổi một ngụm nước nào, hiện tại một câu hỏi của cô ta làm tôi miệng tôi khô khốc, không thể biện giải gì được.
Đúng thế, hung thủ giết người chỉ bị kết án bảy năm tù, hơn nữa nghe nói hắn chấp hành án và có ý thức cải tạo khá tốt, nên đã được ân xá trước hạn.
Tôi không phải là người giữ gìn công lý, nên tôi không thể trả lời những câu hỏi của cô ta.
Cô ta bỗng đập cửa thật mạnh, rầm - âm thanh ong lên, nghe như thể dùng vai tông mạnh vào, chấn động lan tới làm tôi lảo đảo, đầu váng mắt hoa, lôi điện thoại ra định bấm số.
Lại có tiếng thét lớn ngoài cửa: "Ai ồn ào vậy?! Bộ điên rồi à!"
Là hàng xóm của tôi.
Tôi không lên tiếng, giọng cô ta vút lên: "Cô giáo Tiểu Khương! Tôi không hỏi nữa! Tôi chỉ hỏi một câu thôi, ai giết con gái của tôi, ai đã giết Trịnh Ninh Ninh vậy!"
Con gái của cô à? Trịnh Ninh Ninh sao?
Thoắt cái tôi mở tấm chặn mắt mèo nhìn ra bên ngoài, người phụ nữ đó nhìn chằm chằm vào đây hệt như muốn nhìn thẳng vào đôi mắt của tôi, tôi vừa mở mắt mèo ra là đã thấy cái đầu hình giọt nước đối diện trực tiếp với mình.
Tôi không bị hù giật thót người nữa, cũng không nói thêm câu nào, bấm số gọi cho tòa nhà, báo rằng có ả điên gây rối trước cửa nhà tôi, nhờ bảo vệ kéo cô ta xuống lầu.
Vụ này gây ầm ĩ thật lớn, bảo vệ tới mà cô ta vẫn không chịu đi, không chịu nói gì nhiều mà chỉ cắn chặt môi vung tay loạn xạ, không để bất kỳ ai chạm vào người cô ta, với sức cô ta rất khỏe, cào xước mặt hai người bảo vệ.
Mấy người hàng xóm cũng ra mặt phụ giúp bắt được tay cô ta đè xuống, có người báo thêm cảnh sát. Lúc cảnh sát tới, cô ta đang bị áp vào tường, mắt nhìn vào cái biển báo lối thoát hiểm, chân quơ quào muốn lấy đà tránh thoát.
"Ai báo cảnh sát vậy?" Cảnh sát tới, lấy khẩu cung tất cả mọi người, dù cô ta có cứng đầu cứng cổ bao nhiêu thì lúc này cũng bị khuất phục.
Sau một loạt thủ tục, bên cảnh sát đến gõ cửa nhà tôi: "Cô cũng theo chúng tôi về đồn đi."
Tôi vẫn luôn núp ở sau cửa nhìn động tĩnh bên ngoài, tôi biết làm kẻ đầu têu mọi chuyện mà trốn chui lủi như vậy thì thật là hèn nhát. Nhưng tôi thật sự là sợ hãi, run rẩy bước ra cửa, cô ta chợt gắt lên: "Cô có còn đáng gọi là giáo viên sao? Cô sợ cái gì vậy hả? Cô chột dạ cái gì chứ?"
Cô ta mới hỏi mấy câu, người cảnh sát đã quát lớn: "Câm mồm!"
Tiếng quát vừa dứt, rắc, cô ta hung hăng đá thật mạnh vào biển báo thoát hiểm, làm nó nứt đôi. Mấy chú bảo vệ giật mình, người cảnh sát dùng thân hình to lớn của mình cản cô ta lại, vẫy tay với tôi.
Bước lên xe cảnh sát dưới ánh mắt lom lom chăm chú của đám đông, tôi cảm thấy dạ dày quặn lại, tô mì chưa kịp tiêu hóa lộn tùng phèo bên trong.
Người cảnh sát dẫn tôi và cô ta đến một căn phòng trống, cô ta bị còng tay, ngồi yên cạnh tôi. Dù cô ta với tay cũng không đánh đến chỗ tôi, nhưng tôi vẫn xích ra bên ngoài một chút.
Một chị cảnh sát bắt đầu hỏi han tôi: "Có chuyện gì vậy? Hôm trước hay hôm kia nữa cũng có người trình báo với chúng tôi rằng người phụ nữ này có vấn đề về thần kinh, dọa nạt con nít ở ngoài trường mầm non Ánh Sáng, còn hôm nay lại là cô."
"Tôi là giáo viên mầm non trường Ánh Sáng." Tôi yếu ớt giải thích.
Chị cảnh sát ồ lên: "Vậy hai người gây gổ cái gì thế? Tôi thấy cô ta cũng còn rất bình thường, nói cổ bị bệnh tâm thần... tức là hơi quá khích ấy hả?"
Đối mặt với cảnh sát làm tôi thấy có thể tiết lộ thêm về vụ án trường Cây Mận, nhưng mấy vị này không tham gia xử lý vụ án, rồi hiện tại còn có người phụ nữ kia đang ngồi bên cạnh nữa, nên tôi nói chuyện mà cứ mất tự nhiên thế nào ấy.
"Trường mầm non Ánh Sáng trước kia gọi là trường Cây Mận, lúc đó tôi là giáo viên của trường này. Lớp tôi có một bé gái tên là Trịnh Ninh Ninh, bị đâm chết vào bảy năm trước."
Nữ cảnh sát nhướng mi: "Vậy à, sau đó thì sao?"
"Tôi là nhân chứng, ra tòa làm chứng chỉ điểm hung thủ giết người... Sau đó hắn đã vào tù, cô bé thì được chôn cất... Nên, tất cả đã trôi qua thật lâu rồi."
"À, vậy cô gái này là sao?"
"Cô ta nói cô ta là mẹ của Trịnh Ninh Ninh."
"Sao thế? Có vấn đề gì à?"
"Vấn đề là... đồng chí cảnh sát này, trước giờ tôi chưa từng thấy mẹ con bé bao giờ cả, theo tôi biết thì - mẹ Trịnh Ninh Ninh đã qua đời lâu rồi, nhà Trịnh Ninh Ninh chỉ còn mỗi bà nội cô bé, nghe nói là ba mẹ con bé đều không còn nữa, để lại bà ấy sống một mình..."
Người phụ nữ kia đột ngột giơ chân muốn đá cái ghế tôi ngồi, tôi lập tức bật dậy, nữ cảnh sát quát lên: "Cô làm gì vậy hả! Cô điên rồi à, tôi có hỏi chuyện cô chưa? Cô còn tái phạm nữa là tôi kéo cô ra ngoài một mình đấy!"
Cô ta không động đậy nữa, rút chân lại ngồi nghiêm chỉnh, y như bị ấn nút tạm dừng vậy.
Sắc mặt cô ta trầm tĩnh lại, đôi mắt lại càng thêm tăm tối, đầu rũ xuống, tóc tai rối bù lòa xòa trên cổ, eo sụp xuống, không nói năng gì.
Sắc mặt chị cảnh sát dịu lại, một anh cảnh sát khác lên tiếng hỏi: "Vậy cô nói đi, cô là ai? Tại sao cô lại đi quấy rối người khác?"
Cô ta trả lời: "Tôi là mẹ ruột của Trịnh Ninh Ninh."
Cả phòng im lặng, tôi nhớ đến bức ảnh ngày mưa kia, chợt nghĩ, có khi nào cô ta thật sự là mẹ ruột của Trịnh Ninh Ninh chứ không phải là bị điên không? Là tôi hoảng quá nên đâm ra nhầm lẫn gì rồi à?
Cô ta đang lặng yên, chợt nở nụ cười mỉa mai, nhìn ba người chúng tôi đầy trào phúng: "Mấy người muốn tôi chứng minh thế nào đây? Bốc quan tài con bé lên làm xét nghiệm DNA à?"
Chị cảnh sát nói: "Dù là thế đi nữa thì cô cũng không thể lấy điều này làm lý do quấy rối người khác được, Trịnh Ninh Ninh xảy ra chuyện đâu có can hệ gì đến người vô tình chứng kiến đâu? Chuyện này đã xảy ra bảy năm rồi, mẹ ruột tới kiện cáo gì thì cũng không muộn thế này được. Hung thủ cũng đã sa lưới pháp luật, nếu cô không phục bản án thì sao cô không làm gì đó từ sớm đi?"
Cô ta không nói gì nữa, chỉ nhìn chằm chằm vào cái bàn trước mặt.
Cảnh sát lập biên bản, giáo dục phê bình cô ta một trận, rồi lần lượt thả tôi và cô ta ra.
Nhờ vậy mà tôi biết tên cô ta là Cam Linh.
Tôi hỏi có thể ngồi xe cảnh sát trở về hay không, tôi thật sự đang cực kỳ hoảng sợ. Chị cảnh sát nghe vậy, rất cảm thông với tôi, đồng ý đưa tôi về nhà. Tôi vừa dợm bước theo chị ấy, bỗng nghe tiếng Cam Linh nhỏ giọng lầm bầm: "Tôi còn sẽ đi theo cô."
Chị cảnh sát vẫn còn đi đằng trước, không nghe được câu này. Tôi ngoái lại, Cam Linh nhìn tôi với vẻ mặt vô cảm, môi cứ mấp máy mãi lời gì đó.
-
Góc bình loạn:
Qua vài chương thì các bạn cũng thấy tác giả dùng phép so sánh, liên tưởng rất, rất là nhiều, đây là điểm đặc sắc của truyện này. Cách ví von của tác giá khá thú vị, cùng một đối tượng, nhưng lại có nhiều cách hình dung và diễn đạt khác nhau, và có một vài đối tượng sẽ được nhắc lại xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện, nhất là những con thuyền.
Tên truyện sẽ không được giải thích quá rõ ràng mà tùy vào cảm nhận của mỗi người. Vậy nên những chương nào có hình ảnh về thuyền thì mình sẽ đánh dấu gạch chéo (/) kế số chương, và chép đoạn đó ra ở cuối chương để tiện tra cứu khi cần. Hy vọng đến cuối hành trình chúng ta có thể đưa ra ý nghĩa cho tên truyện theo cách của chúng ta, nhé ;)
Đoạn trích đầu tiên của chúng ta đây:
"Rồi tôi đến làm việc ở trường mầm non, cái tật xấu này bị tôi thay đổi triệt để. Hết đứa nhỏ này đến đứa nhỏ khác gọi tôi liên tục, tựa như những con thuyền màu sắc khác nhau bị sóng biển xô đẩy, cập vào bến cảng của tôi, tôi có thể vừa phân biệt chính xác ai với ai, vừa lần lượt đáp lại chúng, tránh cho đứa nhỏ nào đó vì tôi không nghe rõ mà xấu hổ không dám lên tiếng, cuối cùng nhịn quá mà tiểu dầm trong quần."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.