1. Trạng nguyên
Cảnh tượng công chúa tưởng tượng đã thực sự diễn ra vào tháng Ba, đương nhiên, chàng trạng nguyên ưa nhìn ấy không phải là ta.
Vài ngày sau kỳ thi đình ở Sùng Chính Điện, kim thượng ngự Tập Anh Điện, kết quả cuối cùng của lần cống cử này được tuyên bố xướng danh ở đó. Theo lệ, khi ấy, nữ tử hậu cung có thể theo hoàng hậu lên Thái Thanh Lâu kề bên Tập Anh Điện, chiêm ngưỡng phong thái tiến sĩ tân khoa.
Hôm đó, trên Thái Thanh Lâu giăng một bức rèm châu tơ màu, ngự tọa của hoàng hậu đặt mé đông lầu, công chúa ngồi bên cạnh bà, cung quyến theo thứ tự ngồi đằng sau họ, chỉ riêng Trương quý phi là bày mưu kêu nội thị tùy tùng đặt một chỗ ngồi khác ở mé tây, rèm tơ quạt thêu, màu sắc và hình thức đều gần với của hoàng hậu, nhìn từ dưới lầu lên, tựa như hai cung ngang hàng.
Tham gia nghi thức xướng danh lần này ước chừng có bốn, năm trăm sĩ tử, chia làm hai nhóm tiến vào, lục tục dừng bước đứng nghiêm trên Tập Anh Điện, đều mặc áo bào trắng muốt, dưới ánh nắng rực rỡ ban ngày, áo mũ trước mắt trắng như tuyết.
Đến giờ xướng danh, tiếng nhạc lễ ngưng, sĩ tử và người xem đều nín thở, chờ hoàng đế trong điện mở niêm phong danh sách, công bố tên tiến sĩ.
Chốc lát sau, tên trạng nguyên do kim thượng đích thân tuyên đọc qua tiếng sáu bảy vệ sĩ đồng thanh hô truyền, vang vọng trong ngoài đại điện: “Tiến sĩ đứng nhất – Phùng Kinh đất Giang Hạ.”
Trong hàng ngũ sĩ tử rộ lên một làn sóng xôn xao nho nhỏ, tiếp đó, một sĩ tử trẻ tuổi từ trong đi ra, không nhanh không chậm cất bước tiến vào giữa điện, dáng dấp thanh tú, tư thái thong dong.
Phần lớn cung tần trên Thái Thanh Lâu đều cầm lòng không đậu, nhao nhao nghiêng người về phía trước quan sát chàng trạng nguyên tân khoa này, tiếc rằng khoảng cách hơi xa, ngay sau đó chàng ta lại đi vào Tập Anh Điện nên dung mạo cụ thể thế nào chúng cung tần chẳng kịp nhìn rõ, không kìm được hỏi thăm lẫn nhau: “Cô có thấy rõ trạng nguyên trông ra sao không?”
Đúng lúc này, nội điện thừa chế Bùi Tương đứng hầu bên hoàng hậu cười, nói: “Dung nhan tướng mạo vị trạng nguyên này có thể nói là xuất chúng nhất trong số các trạng nguyên từ trước tới nay của quốc triều đấy ạ.”
Bùi Tương là một trong những hoạn giả tài hoa nhất bản triều. Cha nuôi y là nội thị Bùi Dũ triều Chân Tông, giỏi tài ngâm vịnh, có thi danh, bản thân Bùi Tương cũng thích đọc sách, lại được Bùi Dũ dốc lòng bồi dưỡng nên tài văn chương từ thuở thiếu thời đã có thể sánh ngang với tiến sĩ, hiện đang làm việc ở Bí các, phụ trách hiệu đính sách vở, chức vụ gần như y hệt một văn thần. Trong những năm Minh Đạo, kim thượng ngự ở tiện điện, thử tài thi phú của tiến sĩ, nhất thời nổi hứng, lệnh Bùi Tương khi ấy đang phục dịch bên cạnh làm bài. Bùi Tương vui vẻ lĩnh mệnh, vung tay làm ngay. Sau khi đọc thi phú của y, kim thượng cảm thán tán thưởng, người chung quanh cũng rung động theo. Kể từ đó, phàm là thi đình, kim thượng đều sẽ lệnh cho Bùi Tương ở bên hầu hạ, thi thoảng kiểm tra bài thi của tiến sĩ thay mình, truyền báo nội dung bài thi. Thế nên tình hình tiến sĩ tân khoa ra sao, Bùi Tương cũng khá am tường.
Y nói câu này đã kích thích nên một trận hô reo vui cười trong nhóm nữ tử, ai nấy đều hai mắt sáng rỡ, càng thêm tò mò. Miêu thục nghi lớn lên trong cung từ nhỏ, từng xem mấy khóa tiến sĩ, nghe vậy cất tiếng hỏi Bùi Tương: “So với Vương trạng nguyên mười chín năm trước thì thế nào?”
Ý bà chỉ Vương Củng Thần, ngày nay cách lúc y thi đỗ năm Thiên Thánh thứ tám đã được mười chín năm.
Bùi Tương đáp: “Khi ấy Vương thị lang mới chỉ mười chín tuổi, tuy rằng khôi ngô song hãy còn gầy gò non nớt, tựa một cây trúc xanh. Vị trạng nguyên khóa này hơn thị lang năm đó vài tuổi, phong thái thanh mà không bần, đứng trong chúng sĩ tử lóa mắt như cây đường đệ nở hoa vậy.”
Hoàng hậu nghe xong mỉm cười: “Bùi thừa chế thư họa song tuyệt, tả người nghe cũng như vẽ tranh ấy.”
“Hoàng hậu quá lời…” Bùi Tương ngậm cười cúi người: “Thần chỉ thành thật trả lời câu hỏi của Miêu nương tử mà thôi… Tài học của Phùng trạng nguyên cũng vô cùng xuất chúng, thi hương, thi hội trước khi thi đình đều đứng thứ nhất, cộng thêm kết quả xướng danh hôm nay thì chân chính là đỗ tam nguyên rồi.”
Trạng nguyên đỗ tam nguyên trong lịch sử quốc triều chỉ có bốn người. Nghe y nói vậy, chúng nữ tử đều chẳng để tâm gì đến những tiến sĩ xướng danh sau đó nữa, vây lấy Bùi Tương hỏi miết về trạng nguyên. Hỏi hết một lượt từ quê quán, tuổi tác, xuất thân đến nội dung thi phú thi đình rồi, một nội nhân bạo gan thắc mắc một câu giòn giã: “Trạng nguyên đã có gia thất hay chăng?”
Mọi người cười phá lên, làm ty cung lệnh cả kinh vội ra hiệu: “Im lặng! Bị sĩ tử nghe thấy còn ra thể thống gì.”
Chư nương tử và nội nhân miễn cưỡng kìm ngưng tiếng cười, vừa trêu ghẹo nội nhân đặt câu hỏi, đồng thời cũng nhướng mày cong miệng ngó Bùi Tương, chờ y trả lời.
Mà đáp án của Bùi Tương cũng không làm họ thất vọng: “Mấy năm trước Phùng trạng nguyên từng cưới một nương tử, nhưng vị nương tử này mất sớm, từ đó đến nay vẫn chưa lấy vợ.”
“Ồ…” Chúng nội nhân rộ tiếng, nghe như thở phào nhẹ nhõm.
Công chúa thấy vậy không khỏi phì cười, thì thầm với ta: “Người ta có gia thất hay chăng thì liên can chi tới họ? Họ cũng có lấy được người ta đâu, sao phải quan tâm vậy chứ?”
Ta cười không đáp. Ngày thường chung đụng với đám nội nhân đã lâu, có thể láng máng đoán được tâm tư họ. Họ tuy tự biết mình không thể kết duyên cùng trạng nguyên, nhưng đối mặt với một nam tử vừa lòng đẹp mắt vẫn sẽ luôn hi vọng chàng gắng hết sức duy trì trạng thái độc thân, cho họ thêm không gian mơ mộng.
Năm cái tên đỗ đầu sau khi được kim thượng đích thân tháo niêm phong công bố lại trải qua lần lượt từng nhóm hoạn giả xướng danh, đợi đến khi xướng xong tên người thứ năm, kẻ sĩ vào điện cầm sắc thư vàng tươi, hạ bái một lần nữa xong, trên điện lại vang lên tiếng truyền: “Ban thưởng bào, hốt cho tiến sĩ.”
Nghi thức ban thưởng áo lục, triều hốt cho tiến sĩ tiến hành dưới hai dãy nhà hông bên ngoài Tập Anh Điện. Năm người lấy trạng nguyên dẫn đầu ra cửa điện, khoác một tấm áo lụa màu vàng nhạt dưới sự giúp đỡ của hoạn giả trước rồi lấy công phục bằng la màu xanh lục, đai lưng vàng nhạt, nhận triều hốt trắng. Sau đó, vài trăm kẻ sĩ nối tiếp đi qua, tranh nhau lấy bào hốt trên hành lang, không buồn cởi áo trắng ra mà trực tiếp tròng luôn áo lục vào. Cảnh tượng loạn cào cào, làm mất ráo cái vẻ thong dong của năm người đỗ đầu, nhóm cung tần chứng kiến lại cười vang một trận.
Đợi kẻ sĩ khoác áo buộc đai xong xuôi, hoạn giả dẫn họ lên điện tạ ơn. Một chốc sau, lại thấy trạng nguyên dẫn chúng tiến sĩ đi ra, theo hoạn giả tới trước Thái Thanh Lâu, hành lễ với hoàng hậu.
Hoạn giả dẫn họ tới nơi rồi không có chỉ thị gì thêm, ta liếc thoáng qua mé tây nơi Trương quý phi ngồi, trong khoảnh khắc từng ngờ rằng trạng nguyên sẽ không phân biệt được vị trí của hoàng hậu, bởi nghi trượng rèm màu hai bên khác biệt quá ít, người chưa quen với nghi chế trong cung chưa chắc đã phân rõ được. Song trạng nguyên Phùng Kinh chỉ bình thản đưa mắt liếc lên lầu một cái rồi lập tức chuyển sang mé đông, dẫn người hạ bái.
Miêu thục nghi đại khái cũng nghĩ như ta, thấy chàng phân biệt được vị trí của hoàng hậu thì cười nói: “Chàng trạng nguyên này có mắt đấy.”
Bùi Tương mỉm cười: “Nếu đến đông tây đích thứ còn chẳng biết phân biệt thì uổng cho cái danh trạng nguyên quá rồi.”
Hoàng hậu cười mỉm ra hiệu bảo người hầu truyền dụ miễn lễ, lại phân phó đi lấy bánh trà Long Phượng và tiền hào ban thưởng cho trạng nguyên và chúng tiến sĩ, đồng thời lấy trà Thất Bảo (*) ban thưởng cho quan khảo thí, tri cống cử (**), hàn lâm học sĩ Triệu Tư.
(*) Trà Long Phượng là trà cống thời Bắc Tống, do Bắc Uyển Kiến An chuyên sản xuất phục vụ cho hoàng gia; bởi trên bánh trà có dấu hình long phượng nên gọi là trà Long Phượng; trà Thất Bảo là loại trà điều chế từ lá trà và bảy loại gia vị tính ngọt, là thức uống quý dùng trong cung đình triều Tống.
(**) Là vị quan đặc mệnh quản lý việc thi cử và tiến cử, thường do đại thần có danh vọng trong triều đảm nhiệm.
Tiến sĩ lễ xong, từng người lui xuống, nhưng trạng nguyên Phùng Kinh thì vẫn đứng tại chỗ, đợi những người còn lại tản đi cả rồi mới đứng dậy, bái lạy hoàng hậu thêm lần nữa, bình thân rồi lùi ra sau mấy bước, bấy giờ mới xoay người đi.
Trong khoảng thời gian ấy, nhóm nội nhân phía sau rèm châu đều chen lên lan can xem, hai mắt hàm tình, má đỏ hây hây, thấy trạng nguyên rời đi đều tỏ vẻ thất vọng mất mát. Công chúa nhỏ người, trước đó ít nhiều cũng có phần dè dặt nên không chen lên xem, lúc này thấy trạng nguyên sắp đi mới quýnh lên, nghiêng người về phía lan can, lấy cán ngọc chiếc quạt lụa trong tay vén bức rèm che lên ngó trạng nguyên.
Đại khái do luống cuống quá đỗi, tay nàng khẽ run, chiếc quạt lụa tuột mất, tà tà rơi xuống, lượn mấy vòng trên không trung, lại bị gió thổi ra trước, đáp đất bên chân Phùng Kinh.
Phùng Kinh dừng bước, quay đầu ngước lên lầu, truy tìm quỹ đạo bay xuống của chiếc quạt lụa. Khóe miệng chàng ngậm cười, đứng im một thoáng, hiến cho người trên lầu một khung cảnh chi tiết tỉ mỉ hệt như tranh vẽ.
So với trạng nguyên Vương Củng Thần mười chín năm trước, vẻ đẹp của Phùng Kinh có độ ấm hơn hẳn. Dáng vẻ người trước thanh cao lạnh lùng như bước ra từ ánh trăng, mà nụ cười người sau thì hòa nhã trong trẻo, chứa đựng sự tự tin bình thản mà chàng có, bộ áo trong vàng ngoài lục được mắt mày tinh xảo và phong thái tiêu sái của chàng trao cho cái chất hoa lệ có thể khiến người xem liên tưởng đến một vài hình ảnh vui tươi xán lạn, chẳng hạn như cơn mưa hoa hạnh dương liễu trên cánh đồng hay vó ngựa phấn chấn trong gió xuân lồng lộng.
Lúc chiếc quạt rơi xuống, công chúa hơi hãi hùng, rụt tay về sau, song chung quy lòng hiếu kỳ chưa thỏa, lại đưa tay đẩy hai chuỗi châu ra, ánh mắt khéo léo khẽ khàng đậu lên gương mặt đẹp đẽ của chàng trai dưới lầu.
Phùng Kinh hơi ngửa đầu, tầm mắt chuyển tới chỗ rèm châu rung rinh trên Thái Thanh Lâu, nụ cười dịu dàng nhuốm chút vẻ lười nhác, mắt híp hờ, chẳng biết là đang né tránh ánh mặt trời vàng óng hay đang hưởng thụ sự săn sóc của nó.
Bốn mắt chạm nhau, công chúa như bị phỏng, lập tức buông tay, thả bức rèm che giấu đi khuôn mặt vừa lộ nửa của mình. Động tác vội vàng ấy lại làm dậy lên một trận khúc khích của cung tần, nàng cũng chẳng thanh minh hay phản bác điều gì như mọi ngày.
Phùng Kinh dưới lầu cười tủm tỉm nhặt quạt lụa lên, cúi đầu ngắm nghía. Một tay cầm cán quạt, một tay vuốt ve mặt quạt, như muốn xóa đi cái bóng trên mặt quạt do chiếc mão tầng kép (*) sa đen và dải tua trên đầu chàng in lên.
(*) Một loại mũ, hay đúng hơn là kiểu đội mũ của kẻ sĩ thời Đường – Tống, bên trên khăn chít đầu (tức mũ cánh chuồn) lại đội thêm một chiếc mão nữa.
Trên lầu, công chúa im lặng dõi thẳng mắt ra phía trước, bức rèm thủy tinh đung đưa đón lấy sắc nắng xuân, lung linh phát sáng, rọi lên mặt nàng từng vệt màu trong suốt ngất ngây, mà đôi má nàng thì phơn phớt ửng hồng trong thứ ánh sáng lay động hờ hững ấy.
Hoàng hậu sai nội nhân xuống dưới, kéo vạt váy hành lễ với Phùng Kính, xin lấy quạt lụa về. Phùng Kinh khom người, hai tay nâng quạt lên ngang mày, giao chiếc quạt cho nội nhân rồi quay sang thi lễ với hoàng hậu, từ từ lui đi.
Nội nhân lên tới lầu, đưa quạt cho công chúa, công chúa không nhận, lùi ra sau một bước, nói: “Người ngoài chạm vào rồi, ta không cần nữa.”
Du sung nghi nghe vậy cười bảo: “Chao, từ bao giờ mà công chúa bắt đầu để ý nam nữ thụ thụ bất thân thế?”
Mọi người nương lời phá lên cười. Công chúa vừa thẹn vừa cuống, thấp giọng: “Mặc kệ các người!” rồi kéo lấy tay ta, “Hoài Cát, chúng ta đi.” Dắt ta chạy ào xuống lầu trốn vào Hậu uyển.
Ta vừa đi vừa cẩn thận quan sát nàng, thấy hai mắt nàng long lanh, nét mặt hãy còn vương sắc đào.
Đây là lần đầu tiên nàng chân chính ý thức được vẻ đẹp của nam tử, nhỉ. Ta phiền muộn nghĩ. Chuyện đánh rơi quạt này mà là ở thời Đường thì có lẽ sẽ trở thành một giai thoại – Khi ấy, trạng nguyên có thể cưới công chúa.
Dời mắt lên bàn tay mà nàng đang nắm của ta, nghĩ đến cây quạt vì bị Phùng Kinh chạm vào mà bị nàng vứt bỏ, một ý niệm vốn mơ hồ lúc này lại hiện lên rõ mồn một trong đầu: Nàng không hề để ý có tiếp xúc tay chân với ta cố nhiên là không coi ta thành người ngoài, nhưng, quan trọng hơn cả, cũng không coi ta là một người con trai.
Ta ngửa mặt hít lấy một hơi thật sâu bầu không khí thấm đẫm hương hoa cỏ tháng Ba, cố sức trợn to hai mắt, không để công chúa nhìn thấy hốc mắt mình ẩm ướt. Nàng có cử chỉ thân mật với ta mà lại khiến ta khó chịu như thế, đây là lần đầu tiên.
Sau khi nghi thức xướng danh kết thúc, hoàng đế theo lệ sẽ ban thưởng rượu thịt cho tiến sĩ, còn ban thưởng cho trạng nguyên tuấn mã roi tơ, tiếp đó chọn ra bảy cấm vệ từ Kim ngô ty (*), hai người dẫn trước, hộ tống trạng nguyên trở về Kỳ tập sở nơi tiến sĩ tân khoa tụ hội. Chạng vạng cùng ngày, đế hậu dẫn cung quyến dự tiệc rượu ở Thăng Bình Lâu.
(*) Tức cấm vệ quân.
Đế hậu vừa lên lầu, còn chưa mở tiệc đã có nội thị tiến vào, bẩm báo kim thượng vụ việc trạng nguyên gặp phải: “Quan gia, mới nãy có cấm vệ bên ngoài Đông Hoa Môn báo cáo rằng trạng nguyên vừa ra khỏi cửa thì bị một đám nô bộc nhà phú hào cưỡi ngựa xúm lấy, chẳng nói chẳng rằng vây quanh trạng nguyên, cưỡng chế thay đổi tuyến đường, cũng không biết là đưa trạng nguyên đi đâu.”
Kim thượng trợn mắt: “Ban ngày ban mặt mà dám công nhiên bắt cóc trạng nguyên ngoài cửa cung, đâu ra cái lý ấy! Có biết là nô bộc nhà ai không?”
Nội thị ngập ngừng không đáp, Trương quý phi bên cạnh lại mất tự nhiên ho khẽ một tiếng, cúi người thưa với kim thượng: “Quan gia, đợt trước bác trai thần thiếp từng phái người nói với thần thiếp, bởi tán thưởng phong thái của Phùng trạng nguyên nên muốn mời chàng ta tới nhà chơi. Đám nô bộc này chắc là của nhà bác ấy. Tuy nô bộc có hơi lỗ mãng nhưng bác thiếp mời hoàn toàn là có ý tốt, tiệc xong nhất định sẽ tiễn chàng ta về tử tế, xin quan gia chớ lo lắng cho trạng nguyên.”
“Bác trai” Trương quý phi nói đến chính là ông bác họ Trương Nghiêu Tá của ả, coi như là người có huyết thống gần nhất với ả trong gia tộc đằng cha. Mấy năm nay Trương quý phi được sủng ái, đã nhiều lần xin thưởng cầu ơn, giúp cho đường làm quan của Trương Nghiêu Tá thuận lợi trôi chảy, giữa tháng Ba vừa mới nhặt được chức tam ty sứ, chưởng quản tài vụ tài chính, làm quan viên trong triều lấm lét lườm nguýt. Trương Nghiêu Tá cậy nhờ được thế lực cung thất, rất lấy làm kiêu căng đắc ý, hiện giờ cưỡng chế mời trạng nguyên tới phủ tất nhiên không chỉ đơn giản là để nâng cốc đàm đạo.
Kim thượng hiển nhiên cũng hiểu rõ, hơi trầm ngâm rồi hỏi lại quý phi: “Em họ nhà nàng vẫn còn mấy cô là khuê nữ nhỉ?”
Trương quý phi cười lấy lòng: “Quan gia nói phải, còn bốn đứa chưa lấy chồng ạ.”
Kim thượng hé cười nhàn nhạt, nhấp rượu trong ly, không nói gì thêm nữa.
Trương quý phi cẩn thận quan sát sắc mặt ngài, dò xét thỉnh cầu: “Quan gia, nếu trạng nguyên đã dự tiệc nhà bác thần thiếp rồi thì có thể ban thưởng chút rượu ngự cho chàng ta, biểu thị đặc ân không?”
Kim thượng liếc ả, cười như không cười: “Cũng chẳng phải là không thể.”
Trương quý phi mừng húm, vội gọi nội thị chọn kỹ rượu ngự món ngon, đưa tới dinh thự Trương Nghiêu Tá.
Chúng tần ngự yên lặng coi xem, cũng không nói gì nhiều, tiệc xong mới tụ lại một chỗ trò chuyện riêng, rất khinh bỉ hành vi của Trương Nghiêu Tá, nói ông ta chắc chắn là muốn cậy thế bức hôn trạng nguyên, vừa mưu rể hiền cho con gái vừa muốn mượn hơi vị quý nhân trong triều tương lai này, biến chàng trở thành cánh chim của quý phi.
Công chúa nghe được bập bõm đôi câu, cũng rất lo lắng, len lén hỏi ta: “Phùng trạng nguyên liệu có bằng lòng không?”
Nhớ tới cảnh trạng nguyên yết kiến trung cung ban ngày, ta không do dự nhiều, cho nàng một đáp án xác định: “Không đâu ạ.”
Hôm sau, tin tức truyền đến đã chứng minh cho dự đoán của ta. Từ sáng sớm, phu nhân Trương Nghiêu Tá đã vào cung gặp Trương quý phi, theo lời người trông thấy bà ta, sắc mặt bà ta lúc đó sầm sì bí xị, lạnh lẽo băng sương.
Chuyện bà ta khóc lóc kể lể với quý phi rằng trạng nguyên khước từ hôn sự nhanh chóng truyền ra ngoài thông qua các cung nhân Ninh Hoa Điện, lược bỏ những lời lẽ thêm mắm dặm muối của Trương phu nhân thì việc xảy ra hẳn là thế này: Nô bộc nhà họ Trương vây kéo Phùng Kinh tới được dinh thự Trương Nghiêu Tá rồi, Trương Nghiêu Tá và Vương Chí tươi cười niềm nở ra đón, mời chàng vào bàn, lại nhờ Vương Chí làm mai cầu hôn, xin Phùng Kinh cưới con gái Trương Nghiêu Tá. Trương Nghiêu Tá thậm chí còn mang đai vàng vua ban trước đây ra, sai người ép buộc đeo lên hông trạng nguyên, nói: “Thánh thượng cũng có ý chỉ hôn.” Qua một lúc, nội thị trong cung mang rượu quý món ngon tới như xác nhận câu “chỉ hôn”, nhưng Phùng Kinh vẫn không gật đầu bằng lòng. Trương Nghiêu Tá chờ đến sốt ruột, dứt khoát bày hết trác hộc đồ đạc xa hoa chuẩn bị cho con gái ra, chỉ cho Phùng Kinh xem. Phùng Kinh chỉ cười chứ chẳng xem kỹ, cởi đai vàng xuống trả lại cho Trương Nghiêu Tá, nói: “Việc hôn nhân cần nghe lệnh cha mẹ. Hiện bà cụ tôi không có ở đây, Kinh không dám tư định chung thân, mong Trương ty sứ rộng lượng thứ cho.”
Trương Nghiêu Tá nói không sao, chỉ cần sai người về quê Phùng Kinh xin phép lão phu nhân là được, Phùng Kinh lại cười đáp: “Hôm trước bà cụ tôi bảo người truyền tin, nói đã bàn bạc thỏa đáng cho Kinh một mối hôn sự. Kinh không dám trái lời phụ mẫu, xin Trương ty sứ chọn lấy vọng tộc khác, đừng để kẻ hàn vi quê mùa Kinh đây làm lỡ tuổi hoa của quý tiểu thư.”
Trương Nghiêu Tá hỏi người Phùng mẫu kết thân là con gái nhà ai, Phùng Kinh nói mình cũng không rõ. Trương Nghiêu Tá biết là chàng cố ý cự tuyệt, song cũng chẳng thể làm thế nào, cuối cùng đành thả chàng về.
Mấy ngày sau, kim thượng rất nhanh dùng một tờ chiếu lệnh bày tỏ thái độ thật sự của mình với chuyện này: Điều Thiên Chương Các đãi chế, lại bộ lang trung Vương Chí làm tri Hồng Châu.
Chuyện khước từ hôn sự càng khiến tiếng thơm của trạng nguyên Phùng Kinh lan xa hơn, nghe nói đến bách tính ngoài cung nghe kể cũng tán tụng không ngớt, rất nhiều thế gia hào phú nhờ bà mối ngày ngày đến trước cửa chỗ Phùng Kinh trọ cầu kiến, mà chàng thì mỗi lần ra ngoài đều sẽ bị vài quả tú cầu đập trúng quan phục, làm kim thượng không thể không tăng thêm vệ binh bảo hộ chàng.
Sau đó không lâu, ta và công chúa đã được tận mắt chứng kiến cảnh toàn thành rầm rộ theo đuổi trạng nguyên bên Kim Minh Trì.
Hôm ấy, Ngụy quốc đại trưởng công chúa, bà trẻ của công chúa, vô ý trượt chân trong lúc tắm rửa, bị thương cánh tay phải. Con trai bà sai người đến báo, kim thượng hay tin lập tức lệnh hoàng hậu dẫn công chúa và Miêu thục nghi đến phủ đại trưởng công chúa thăm hỏi, ta cùng đi với công chúa.
Ngụy quốc đại trưởng công chúa hiền lương thục đức, xưa nay đối đãi với hạ nhân luôn khoan hậu nhân từ. Thấy nội thị kim thượng phái tới trách mắng người hầu phụng dưỡng mình không chu toàn, lập tức nói với hoàng hậu: “Ta đã sáu mươi hai rồi, già cả sức yếu, đi lại không tiện, vô ý trượt chân vốn cũng chẳng phải lỗi của tùy tùng. Xin quan gia và hoàng hậu chớ trách phạt chúng nó.”
Hoàng hậu bèn bảo nội thị thôi nhiếc móc người hầu, không truy cứu trách nhiệm của họ nữa. Đại trưởng công chúa gọi công chúa qua, hỏi tình hình gần đây, lại ôn tồn dặn dò nàng tương lai phải đối xử tử tế với phò mã và người nhà, hiếu thuận với cha mẹ chồng, kính yêu phu quân. Công chúa nhất nhất ưng thuận, nhưng sắc mặt cũng chẳng quá nghiêm túc, như không mấy để tâm.
Rời khỏi phủ đại trưởng công chúa về cung, công chúa ngồi chung xe kiệu với hoàng hậu, ta cưỡi ngựa kèm bên, xe liễn của Miêu thục nghi thì theo phía sau. Vừa đi tới Kim Minh Trì thì thấy đường cái trước mặt đông nghịt đầu người, nhốn nháo nhộn nhịp, ngựa xe như nước, xe kiệu của hoàng hậu bị chặn đứng ở đó, không đi tiếp được nữa.
Hoàng hậu sai cận thị lên trước tìm hiểu. Một chốc sau, cận thị trở về, bẩm: “Hôm nay Quỳnh Lâm Uyển mở tiệc tin mừng, tiệc tan trạng nguyên và chúng tiến sĩ đi ra, người kinh đô chờ bên ngoài vườn đổ xô chiêm ngưỡng phong thái, cũng có không ít hào phú phái xe kén rể đến, làm đoạn đường trước Kim Minh Trì tắc nghẽn hết cả.”
Sau hôm xướng danh mỗi khóa tiến sĩ mấy ngày, hoàng đế đều sẽ thưởng “tiệc tin mừng” ở Quỳnh Lâm Uyển, chiêu đãi tiến sĩ tân khoa, đồng thời cử nội thị và một số quan viên đi tiếp đãi. Mà ngày ấy, người kinh đô hay tin cũng lập tức hành động, canh trên đường quan sát. Ai trong nhà còn con gái chờ gả thường sẽ chuẩn bị ngựa xe qua, thấy có tiến sĩ trẻ tuổi là tiến lên bắt chuyện mời chào ngay, thậm chí còn thẳng tay kéo luôn vào xe mang về nhà cầu hôn, loại xe này thành ra được gọi là xe kén rể.
Trước kia, cung quyến xuất hành luôn là tiêu điểm chú ý của du khách, nhất là xe kiệu của hoàng hậu, lúc đi trên đường, thần dân tuy rằng cung kính dạt sang hai bên tránh nhưng vẫn sẽ không nhịn được ngẩng đầu ngước mắt dò xem, mặc dù rất khó thấy được dung nhan quốc mẫu, nhưng nhìn rõ được nghi trượng xa giá cũng là chuyện họ rất mong đợi. Nhưng tình hình hôm nay khác hẳn mọi khi, người trên đường không lập tức tách ra ngay, cũng không để ý đến nghi trượng của hoàng hậu, mà ai nấy đều kiễng chân phóng mắt ra trước xe kiệu như đang chờ ngóng điều gì.
Nội thị mở đường chẳng lấy gì làm dễ dàng, xa giá di chuyển khó khăn, lúc đi lúc dừng mất một hồi lâu. Sau nữa, nghe thấy phía trước vang lên tiếng quát la, du khách dần bị gạt sang hai bên, rốt cuộc cũng nhường ra được con đường. Vài tay cấm vệ khoái hành từ đối diện đi tới, trong tay cầm chiếu chỉ sắc vàng bổ nhiệm trạng nguyên của hoàng đế, đằng sau là cờ phướn vàng chói lộn xộn, nhiều đến mấy trăm lá, trên mỗi lá đều có câu từ, phấp phới theo chiều gió. Lướt qua đám đông vây xem nhiều như mây trời, chỉ thấy trạng nguyên Phùng Kinh chậm rãi giục ngựa, vẫn mặc bộ áo trong vàng ngoài lục, đầu đội mão tầng kép vuông vắn bằng sa đen, hai bên buông thõng cặp dải tua tơ tím dài quá cằm, tôn lên dung nhan tựa ngọc của chàng.
Phùng Kinh trông thấy kiệu phượng của hoàng hậu, lập tức xuống ngựa, đi bộ lại gần, trịnh trọng bái lạy trước kiệu.
Hai nội nhân theo hầu nhẹ nhàng vén rèm thêu kiệu phượng, để hoàng hậu cách lớp rèm dày có thể nhìn rõ được cảnh tượng trước mặt.
Đưa mắt nhìn Phùng Kinh, lại dời sang những tiến sĩ còn lại đồng hành cùng chàng, hoàng hậu ôn hòa hỏi: “Trạng nguyên lang, hoa thượng uyển trên cài trâm của ngươi đâu rồi?”
Hoa cài trên trâm ghim khăn chít đầu được gọi là cài trâm. Trong tiệc tin mừng của tiến sĩ tân khoa, hoàng đế sẽ sai trung sứ ban thưởng hoa thượng uyển cho tiến sĩ cài lên trâm trở về. Hiện giờ tiệc tin mừng đã tan, trên trâm các lang quân áo xanh đều có hoa thượng uyển, chỉ mình Phùng Kinh là mũ mão trống không.
Phùng Kinh cúi đầu thưa: “Ban nãy trên tòa lầu bên đường có người ném chút đồ vặt xuống, đụng trúng mão thần, làm rơi hoa thượng uyển trên trâm…”
“Ồ?” Hoàng hậu kinh ngạc, “Còn có người dám ném đồ vào trạng nguyên nữa kia à?”
Đúng lúc này, có gã nội thị quát la dọn đường cho trạng nguyên tiến lên quỳ xuống, cười tủm tỉm giải thích với hoàng hậu: “Bẩm nương nương, rơi trúng mão trạng nguyên lang là tú cầu của một vị cô nương trên tòa lầu phía sau ném xuống. Hoa thượng uyển bị tú cầu đánh rơi còn chưa kịp chạm đất đã bị người vây xem tranh nhau cướp mất rồi ạ.”
Ta ngước mắt, thấy trên lầu gác hai bên đường quả thực có rất nhiều nhà dinh sang quý giăng màn màu, chắc hẳn đám con gái đương thì đang náu mình trong đó ngắm nhìn trạng nguyên lang, cả ngày hôm nay chẳng biết Phùng Kinh đã bị bao nhiêu quả tú cầu đập trúng rồi nữa.
“Trạng nguyên lang thật lắm phong lưu.” Hoàng hậu không khỏi cười rộ, sau đó phân phó nội nhân bên cạnh hái một đóa mẫu đơn dưới hiên xe kiệu xuống, tặng cho trạng nguyên cài lên trâm.
Xe kiệu hoàng hậu sử dụng có mái hiên khá rộng, hoa văn toàn hình rồng, trong tháng Ba, tùy theo phong tục dịp lễ thanh minh, hàn thực hoặc hoa triêu của Biện Kinh mà lấy dương liễu đan xen hoa trang trí trên đỉnh, rủ xuống bốn góc thành màn. Hoa đang dùng vào thời điểm hiện tại đều được hái mới trong ngự uyển hôm nay, tuy đã qua nửa ngày song hãy còn tươi thắm.
Mẫu đơn rủ xuống dưới hiên là loài cánh kép ngàn cánh, sắc tím cánh dày tầng tầng lớp lớp, còn được gọi là “bình đầu tử”. Nội nhân hái một đoá xuống cài lên sườn mão tầng kép cho Phùng Kinh, Phùng Kinh mỉm cười, bái lạy tạ ơn hoàng hậu.
Hoàng hậu hiền hòa bảo chàng bình thân, đợi chàng tránh sang một bên rồi mệnh lệnh khởi giá hồi cung. Rèm thêu rủ xuống, xe kiệu lăn bánh, mà công chúa vẫn còn len lén vén màn che một bên cửa sổ, tròn mắt nhìn Phùng Kinh, khóe miệng he hé một độ cong sống động.
Chừng như nhận ra công chúa có duyên nửa mặt với mình, Phùng Kinh mỉm cười, hơi cúi người với nàng, phong độ vẫn tao nhã hoàn mỹ như trước.
Trở lại cung, hoàng hậu dẫn công chúa và Miêu thục nghi đến Phúc Ninh Điện phục mệnh kim thượng trước. Nói xong chuyện của Ngụy quốc đại trưởng công chúa rồi, hoàng hậu lại đề cập tới Phùng Kinh, kể lại toàn bộ tình huống vạn người tranh giành chiêm ngưỡng trạng nguyên, tú cầu đụng rớt hoa thượng uyển. Kim thượng nghe được phá ra cười, lắc đầu liên hồi, nói: “Dạo phố một chuyến thôi đã gây ra bao nhiêu chuyện thế rồi, sau này không thể chọn anh tú tài nào khôi ngô như thế làm trạng nguyên nữa.”
Lời thì nói vậy, nhưng khóe mắt bờ môi ngài vẫn nhuốm đẫm ý cười, như đang cố ý phàn nàn với người ngoài về những khuyết điểm không thể coi là khuyết điểm của đứa bé ưu tú nhà mình, giọng điệu mang vẻ cưng chiều của bậc làm cha mẹ.
Đại khái là liên tưởng đến phò mã Lý Vĩ, Miêu thục nghi ra chiều cảm khái, nhìn kim thượng, cất lời nửa thật nửa giả: “Quan gia cũng biết là Phùng trạng nguyên không tệ kia à? Chàng ta mà gặp được hoàng đế triều Đường thì quá nửa đã được phong làm phò mã rồi.”
Kim thượng cười cười, cũng nửa giả nửa thật đáp trả: “Ta cũng muốn phong hắn làm phò mã lắm, nhưng lấy đâu ra đứa con gái thứ hai? Kể cả có, bản lĩnh giành lang quân áo xanh về làm con rể của ta cũng chẳng đọ được với thần dân trong kinh, nhất là mấy lão già trong triều ấy, thực sự tranh không nổi với bọn họ mà!”
Công chúa im lặng ngồi nghe, không xen lời nào, có lẽ đó là sự thẹn thùng thiếu nữ được Phùng Kinh đánh thức. Trở lại Nghi Phượng Các, nàng yên tĩnh ngồi trên xích đu cúi đầu nghĩ ngợi thật lâu, bỗng thở dài thườn thượt, hỏi ta: “Tên Lý Vĩ kia có đúng là vừa đần vừa xấu thật không?”