Cô Thành Bế

Chương 2: Thất tịch




Sau đó, đế hậu cùng chúng cung quyến dời bước sang Quỳnh Lâm Uyển ngắm hoa thu đương mùa, hoàng hôn buông xuống thì lên Bảo Tân Lâu trong Kim Minh Trì mở tiệc.
Những bữa tiệc tư trong cung thế này, theo lệ thường tần ngự sẽ tự bỏ tiền ra chuẩn bị vài món ăn dâng quan gia thưởng thức. Món chính được dâng lên hôm nay là hai mươi tám con cua mới vận chuyển từ Giang Nam tới kinh thành, gạch đầy béo ngậy, hấp lên óng ánh màu son vàng, đặt trong đĩa sứ trắng nom vô cùng bắt mắt.
Nào ngờ kim thượng trông thấy lại nhíu mày, gọi Nhậm Thủ Trung lại, hỏi: “Trong kinh mùa này mà có món ấy à? Giá cả bên ngoài bao nhiêu?”
Nhậm Thủ Trung khom người bẩm: “Một ngàn đồng một con ạ… Đây là chút tâm ý của các nương tử, trước lễ đã đặc biệt dặn Ngự thiện cục tìm đến dâng cho quan gia.”
Kim thượng sầm mặt không vui, nhìn quanh chúng tần ngự, hỏi: “Chỉ một đũa này thôi mà tiêu phí mất hai mươi tám ngàn?”
Chúng tần ngự im phăng phắc không dám ứng đối. Kim thượng gác đũa, không ăn. Hoàng hậu thấy thế bèn lệnh nội thị dọn xuống, bấy giờ quan gia mới bằng lòng dùng bữa.
Đế hậu ngồi trên ngự tọa chính giữa điện, tần ngự phân chia lần lượt ngồi hai bên, ghế của công chúa đặt bên cạnh kim thượng, tuy cách ngài gần nhất song cũng không liền kề, ở giữa cách một khoảng chừng năm, sáu thước. Nhân lúc các nương tử đang chăm chú xem múa hát hầu tiệc, công chúa khom lưng cúi đầu, thò người về phía phụ thân, nho nhỏ gọi khẽ: “Cha…”
Kim thượng thấy cái vẻ thần bí này của nàng, không khỏi rộ cười, cũng nghiêng về nàng, thấp giọng: “Sao thế?”
Công chúa nói tiếp bằng tiếng thì thầm của mình: “Con biết vì sao cha không ăn cua.”
“Ồ?” Kim thượng cố ý nhướng mày, hỏi: “Vì sao nào?”
“Chốc nữa con sẽ nói cho cha biết.” Công chúa nhoẻn cười, nhanh chóng ngồi thẳng lại rồi quay đầu bảo ta đang đứng hầu hạ đằng sau: “Hoài Cát, bóc cho ta củ ấu.”
Sau bữa tiệc, có nội thị vào bẩm báo đã dựng xong lầu gấm khất xảo (*) trước thủy điện (**), kim thượng bèn dắt công chúa, cũng dẫn theo cả con gái nuôi của hoàng hậu và Trương nương tử đi trước.
(*) Khất xảo là tục làm lễ cúng cầu khấn Chức Nữ giúp cho khéo tay canh gửi, thêu thùa vào buổi tối ngày thất tịch.
(**) Trong kiến trúc Trung Hoa cổ, cung điện xây kề sát mép nước được gọi là thủy điện.
Lúc xuống lầu, kim thượng nhắc lại tới lời công chúa nói trên tiệc, công chúa trả lời: “Cha không ăn cua không phải là vì cua không ngon mà là vì cảm thấy quá đắt. Nếu ăn, truyền ra ngoài cung, cua năm nay có thể còn đắt hơn. Giống như khi cha chê miện của Trương nương tử vậy, thực ra không phải là miện không đẹp mà là hạt châu trên đó quá đắt…”
“Được rồi được rồi…” Kim thượng mỉm cười ngắt lời nàng, “Tự hiểu trong lòng là được, không cần phải nói ra.”
Công chúa cười gật đầu, lại nói: “Con gái có chuyện này muốn hỏi cha, mong cha trả lời thật lòng.”
Kim thượng cho phép nàng nói, công chúa bèn hỏi: “Thải Nhi, Tĩnh Nô và Thu Hòa hôm nay, ai là người chải tóc cho nương tử đẹp nhất ạ?”
Kim thượng đang định mở miệng thì công chúa lại cản ngài, nghiêm túc nhấn mạnh: “Cha nhất định phải nói thật đấy.”
Kim thượng cười nụ, quay đầu nhìn ra sau, thấy chỉ có Vương Chiêu Minh và ta theo gót, những người còn lại hãy còn cách một khoảng xa, bèn cúi người thì thầm lời thật với công chúa: “Thu Hòa.”
Công chúa dẩu miệng, ra chiều bất mãn: “Vậy tại sao cha không cho Thu Hòa làm ty sức? Nương nương, tỷ tỷ và con đều thích Thu Hòa cả, lẽ nào cha không thích chị ấy?”
“Ừm… Thích.” Kim thượng cười cười, vẫn nắm tay công chúa chậm rãi bước đi, ngữ điệu điềm đạm thong dong, “Nhưng, Huy Nhu, chúng ta càng thích ai thì lại càng không thể để người khác nhìn ra mình thích người đó. Thể hiện lòng yêu thích với nó chẳng khác nào đẩy nó lên đầu sóng ngọn gió, khiến nó trở thành mục tiêu công kích, minh thương ám tiễn sẽ nối đuôi nhau đâm tới, cuối cùng thành ra làm hại nó.”
Công chúa cau mày suy tư, lại hỏi: “Cha e nội nhân bên Thượng phục cục sẽ ghen ghét Thu Hòa?”
“Ha ha,” Kim thượng khẽ xoa đầu nàng, “Có lẽ.” thoáng dừng lại rồi nói tiếp: “Con phải nhớ lấy câu này đấy. Thực sự thích ai thì đừng đối xử với người đó quá tốt, đừng khiến người khác phát hiện ra, thậm chí, cũng đừng để bản thân người ấy cảm nhận được mình thích họ nhường nào…”
“Ồ…” Công chúa cái hiểu cái không, ngẫm nghĩ một hồi, cuối cùng vẫn hỏi ra: “Vì sao lại không được cho người ấy biết ạ?”
Kim thượng cười khẽ lắc đầu, giữ kín như bưng: “Chốc nữa cha sẽ nói cho con biết.”
Đêm thất tịch, đa số quý tộc trong kinh thường sẽ dùng gỗ chạm khắc và gấm màu kết thành một tòa lầu màu sắc dựng trong sân, gọi là “lầu gấm khất xảo”. Bên trên bày hoa quả, rượu thịt, bút nghiên, kim chỉ và con phỗng “Ma Hát Lạc” trong hình hài trẻ con mặc quần áo sặc sỡ (*), bé trai làm thơ ngâm vịnh, bé gái luồn kim se chỉ, dâng hương bái lạy, gọi là “khất xảo”.
(*) “Ma Hát Lạc” là phiên âm tiếng Hán tên con trai của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, hình tượng vốn là mình người đầu rắn, sau khi truyền vào Trung Hoa thì thành đứa trẻ khả ái, trở thành loại phỗng đất cúng Ngưu Lang Chức Nữ vào ngày thất tịch.
Kim thượng sai kết lầu hoa trước thủy điện. Dưới mái hiên treo cao đèn lồng, trên bầu trời ngân hà rực sáng, thu thủy trong hồ gợn sóng lăn tăn, lại có vịt nhạn, uyên ương, rùa cá, hoa sen đúc bằng sáp ong do cung nhân chế tạo, đều được tô màu viền vàng, sau khi châm lửa bấc đèn trên đỉnh thì thả xuống hồ nước cho trôi nổi, gọi là “thủy thượng phiêu”, tương đối với trăng sao khắp trời mà tôn sắc lẫn nhau.
Công chúa chọn lấy vài con thủy thượng phiêu, lại nhặt Ma Hát Lạc lên nghịch, chê xiêm y con gái trong đó không đẹp, liền quay sang nói với chúng bạn nữ: “Chúng ta đổi quần áo khác cho Ma Hát Lạc đi, xem xem ai làm đẹp nhất.”
Đám bạn nữ bằng lòng, mỗi người lấy một Ma Hát Lạc rồi nhao nhao lấy khăn tay, hoa lụa và mọi miếng vải có thể dùng ra làm phục sức cho con phỗng. Công chúa thì sai người hái một đóa sen trong hồ, tự mình ngắt mấy cánh hoa xuống, đùm thành một vòng quanh eo con phỗng bé gái, dùng tơ buộc lại, giơ lên cho mọi người xem. Hoàng hậu và mấy vị tần ngự bên cạnh đều khen nàng sáng tạo.
Đợi đến lúc khất xảo, công chúa cầm cây kim bảy lỗ, chẳng mất bao lâu đã luồn chỉ xong xuôi. Chúng phu nhân lại khen nàng, song nàng khoát tay ngăn lại, nói thẳng: “Lỗ to như mắt đồng tiền vậy á, có muốn không luồn được cũng khó.”
Người nghe đều phì cười. Kim dùng để khất xảo đều là hàng đặc chế, không phải kim may khâu bình thường. Thân kim dẹt, có bảy cái lỗ, nhưng lỗ kim rất to, lúc khất xảo cần phải luồn chỉ theo thứ tự xuyên qua bảy cái lỗ, tuy nhiên việc này đối với một bé gái tám, chín tuổi chẳng có gì là khó cả.
Đợi các cô bé xuyên kim xong, công chúa dẫn người dâng hương bái lạy trước lầu gấm. Nghi thức kết thúc, nàng vẫn còn chưa thỏa mãn, hỏi hoàng hậu: “Nương nương, thế này là hết việc để làm rồi ạ?”
Hoàng hậu cười: “Hồi xưa khi ta ở nhà mẹ đẻ thì còn chơi một trò chơi. Cầu nguyện trước rồi dựng thẳng một đồng tiền lên, dùng ngón tay búng, làm nó xoay vòng. Đợi đến lúc đổ xuống, nếu mặt ngửa hướng lên trời thì tâm nguyện này sẽ được đạt thành.”
Công chúa nghe xong lập tức đòi thử, hoàng hậu bèn sai người chia cho công chúa và các cô bé vài đồng tiền. Chẳng ngờ công chúa vừa thử lần đầu đã trúng ngay mặt sấp. Nàng luôn miệng: “Lần này không tính!” rồi thử lại, nhưng liên tiếp ba lần vẫn không có lấy một lần mặt ngửa.
Người đứng xem đều cảm thấy không lành, tuy trên mặt vẫn treo nét cười song đều có vài phần gượng gạo. Công chúa lại không có vẻ gì là không vui, chợt đứng bật dậy, chạy tới trước một chiếc đèn ngàn nhánh, lấy một cây nến xuống, nhỏ vài giọt sáp nến lên mặt sấp của một đồng xu, sau đó áp vào với mặt sấp của một xu khác, dán hai xu lại như vậy, trái phải đều là mặt ngửa rồi.
Nàng đắc ý thử lại bằng đồng tiền này. Đầu ngón tay búng một cái, đồng tiền dày cộp vụng về xoay tròn, sau cùng đứng im rồi vẫn duy trì trạng thái dựng thẳng, không đổ xuống.
Miêu chiêu dung thấy vậy cười: “Thế này thì phải tính là gì?”
Hoàng hậu trông đến cũng cười: “Trùng hợp ghê, năm ta mười tám cũng từng ra kết quả như vậy… Cơ mà đồng tiền đó chỉ có một xu thôi.”
Mọi người hiếu kỳ hỏi: “Thế tâm nguyện của hoàng hậu khi đó là gì vậy? Có đạt thành không?”
Hoàng hậu lại không nói thêm gì nữa, im lặng cúi đầu, nhưng khóe miệng thì hơi nhếch lên.
Miêu chiêu dung tỉnh ngộ: “Cô nương mười tám thì có thể có tâm nguyện gì khác chứ? Đương nhiên là mong ước được gả cho lang quân như ý rồi.”
Chúng nương tử bấy giờ mới hiểu ra, đều tủm tỉm cười nhìn hoàng hậu, chỉ duy công chúa là vẫn ngây ngô hỏi: “Sau đó thì sao ạ?”
“Sau đó…” Kim thượng bỗng cất lời, ánh mắt dịu dàng đậu lên hoàng hậu, he hé rộ cười, “Không bao lâu sau thì ta hạ chỉ, triệu nương nương con vào cung.”
“Thì ra là thế.” Công chúa vỗ tay hớn hở: “Vậy đây là dấu hiệu tốt rồi.”
Các nương tử cũng hoan hỉ khen phải. Hoàng hậu cười e ấp, đầu càng cúi xuống thấp hơn, không dám nhìn sang quan gia nữa.
Năm nay bà hăm chín, song dáng vẻ ráng hồng nhuộm má này lại y như thiếu nữ khuê phòng, thùy mị nhu mì khác hẳn hình tượng trung cung bình tĩnh hờ hững, nghiêm cẩn hàm uy ta chứng kiến năm xưa.
“Huy Nhu,” Đúng lúc này, kim thượng gọi công chúa, dẫn sự chú ý của đám đông quay trở lại nàng, “Đã là dấu hiệu tốt thì con nói nghe xem con cầu nguyện gì đi.”
“Á!” Công chúa trợn tròn mắt kêu lên, tiếp đó trề môi, rất chi là ảo não: “Ban nãy con quên khuấy mất chuyện cầu nguyện rồi.”
Kim thượng bảo công chúa cầu nguyện thử thêm lần nữa, Miêu chiêu dung lại nói: “Nó hồ đồ lỗ mãng như thế, thử tiếp chẳng biết sẽ lại đẻ ra chiêu trò gian trá gì, không bằng đổi sang chơi trò khác đi thôi.”
Chiêu dung đại khái là lo công chúa lại thử ra điềm không lành. Kim thượng nghe vậy gật đầu đồng ý, công chúa thì rầu rĩ không thôi: “Nhưng trò nào chơi được cũng đều chơi cả rồi, còn làm cái gì khác được đâu?”
Ta nhìn cặp đồng xu nàng vẫn đang cầm trong tay, chợt nhớ tới câu “Trên sảnh nghịch tiền dưới sảnh trốn” của Âu Dương Tu, trong lòng phút chốc hiện lên một ý niệm mơ hồ.
“Công chúa,” Ta cúi người kiến nghị với nàng, “Hay là cho vời Đổng nội nhân lại đây cùng chơi xóc tiền vậy?”
Hai mắt công chúa sáng ngời, cười nói: “Được đấy, dạo này chị ấy cứ mải miết chuẩn bị chuyện chải đầu suốt, rất lâu rồi chưa chơi xóc tiền với ta… Mau gọi chị ấy qua đây đi.”
Ta ứng lời, tự mình đi tìm Thu Hòa.
Khi ấy Thu Hòa đang đứng một mình cạnh lan can bên hông thủy điện, đăm đăm nhìn nụ sen khép kín trong nước, ánh mắt lúng liếng ngậm một nét cười be bé.
Chẳng biết dòng chảy ngoài lan can chất chứa niềm vui dào dạt nhường nào, chở tâm hồn cô thoát ly cung khuyết du đãng nơi xa, mà ta gọi mãi đến tiếng thứ ba, cô mới giật mình quay lại. Như bị ta dòm ra bí mật gì, cô ngượng ngùng rũ mi, nghe ta chuyển cáo xong lập tức vội vàng chạy tới bên công chúa.
Lúc đó đêm khuya sương dày, kim thượng lệnh các nương tử quay trở lại Quỳnh Lâm Uyển nghỉ ngơi trước rồi dẫn hoàng hậu, Miêu chiêu dung, công chúa và vài vị cô nương vào điện, sai người chuẩn bị bàn ngọc bên dưới ngự tọa cho các cô bé chơi xóc tiền.
Lần này công chúa muốn chia tổ chơi, nàng cùng tổ với Thu Hòa, tổ còn lại là Phạm cô nương và Chu cô nương, cộng thành tích của hai người mỗi tổ lại làm kết quả cuối cùng. Hai vị cô nương không chịu, nói Thu Hòa chơi giỏi nhất, ai cùng nhóm với cô thể nào chẳng thắng. Công chúa cũng thản nhiên thừa nhận: “Ta chính là muốn thắng đó. Thường ngày lúc nào cũng là hai người thắng, hôm nay ăn tết, hai người dầu gì cũng phải nhường ta một bữa, cho ta hòa lại một ván sảng khoái đi chứ!”
Các cô nương nghe nàng nói vậy cũng bèn cười đồng ý, bốn cô gái mỗi người một phương, bắt đầu xóc tiền.
Tiếng xóc tiền vui tai như gõ chuông, hòa vào tiếng nói cười của các cô nương. Xóc tiền đẹp nhất tất nhiên vẫn là Thu Hòa. Động tác mỗi lượt tung bắt đều tựa nước chảy mây trôi, đến đối thủ cũng phải trầm trồ khen ngợi. Ta biết cô chắc chắn là vai chính của cuộc chơi này, chắc chắn giành được sự quan tâm đặc biệt của người xem.
Ta lặng lẽ ngó kim thượng, thấy ngài quả thực chú ý tới Thu Hòa hơn cả, kể cả khi đồng tiền không nằm trong tay cô, cô chỉ ngay ngắn ngồi yên, tầm mắt ngài cũng chưa từng rời đi.
Người để ý đến chi tiết này không chỉ có mình ta.
Nhạc sư của Giáo phường (*) ẩn mình sau mành che trong điện, tấu nhạc trợ hứng, đàn xong một khúc, có nội thị đi qua hỏi hoàng hậu tiếp theo nên chơi khúc nào, chỉ nghe hoàng hậu chỉ thị: “‘Vọng Giang Nam’.”
(*) Cơ quan quản lý âm nhạc ca múa thời xưa.
Ta không khỏi đưa mắt về phía bà, chẳng ngờ bà cũng đang nhìn ta, ánh mắt chạm nhau, bà ung dung mỉm cười, ta cúi đầu khom lưng, chỉ cảm thấy dụng tâm của mình đã bị bà soi thấu.
Kim thượng trước sau vẫn chỉ xem Thu Hòa, tựa hồ hoàn toàn không để ý tới tên khúc nhạc hoàng hậu vừa nói, mãi đến khi tiếng đàn vang lên, ngài mới từ từ phát giác, hơi ngồi thẳng dậy, nét cười thoải mái phai nhạt, hẳn là đã nhớ tới vụ Âu Dương Tu.
Điệu nhạc trong trẻo êm tai, vấn vít liên miên, tấu liên tục sang lượt thứ hai. Ta thầm ngâm nga bài từ của Âu Dương Tu theo tiếng nhạc, đương khi ngâm tới câu cuối “Huống gì đến hôm nay” thì chợt nghe kim thượng mở miệng: “Chiêu Minh.”
Vương Chiêu Minh lập tức ứng tiếng, đứng nghiêm nghe lệnh.
“Ngươi đi tra vụ án của Âu Dương Tu đi.” Kim thượng nói, buông một tiếng thở dài rồi lại bổ sung: “Điều tra cho cẩn thận vào, đừng xử oan cho ai.”
Vương Chiêu Minh đánh cái rùng mình, hẳn đã hiểu được ý của kim thượng, vội quỳ xuống tiếp chỉ, trịnh trọng nói: “Thần chắc chắn sẽ điều tra kĩ càng, không dám làm nhục mệnh vua.”
Trận xóc tiền đêm nay tất nhiên là công chúa và Thu Hòa toàn thắng. Phạm cô nương và Chu cô nương muốn ra tiền thưởng đưa nàng, nàng lại không nhận, nói: “Cha sẽ cho ta tiền thưởng, hai người không cần phải đưa.”
Kim thượng nghe vậy cười: “Chắc gì cha đã cho con. Bữa nay tuy thắng nhưng cũng có phải nhờ công con đâu.”
Công chúa thuận thế xin công cho Thu Hòa: “Đúng vậy, tất cả là nhờ có Thu Hòa con mới thắng được. Cha thưởng cho chị ấy hậu hĩnh vào nhé.”
Kim thượng gật đầu, hiền từ hỏi Thu Hòa: “Thu Hòa, ngươi muốn gì nào?”
Thu Hòa chỉ cúi đầu xua tay, thưa: “Công chúa bằng lòng hạ mình chơi với nô tì, Thu Hòa đã tốt số lắm rồi, sao dám tranh công xin thưởng.”
“Ngươi chơi với nó có khác nào làm thầy dạy nó đâu, có công lý nào lại không được nhận lộc.” Kim thượng nói rồi, không nghe Thu Hòa chối từ nữa mà quay sang hoàng hậu, cười hỏi: “Chúng ta nên thưởng gì cho nó đây nhỉ?”
Hoàng hậu cũng cười: “Con bé làm thầy công chúa luôn tận tâm tận sức, thần thiếp nhất thời cũng không nghĩ ra được nên thưởng cái gì, chỉ sợ thứ ban cho nó lại chẳng thích. Không bằng quan gia để nó đề tâm nguyện của mình ra đi, quan gia thấy khả dĩ thì giúp nó thực hiện, vậy có được không?”
Kim thượng không ngớt lời bảo được, hỏi Thu Hòa có tâm nguyện gì, Thu Hòa do dự, sau cùng nhỏ giọng nói: “Tạm thời thiếp không nghĩ ra…”
“Vậy hôm nay ta cho ngươi một câu chấp thuận này,” quan gia nói, “Ngày sau ngươi nghĩ ra rồi thì nói cho ta biết, miễn là ta làm được, nhất định sẽ giúp ngươi đạt thành tâm nguyện.”
Thu Hòa nâng tay ngang trán, trịnh trọng hạ bái tái ơn. Một lần nữa đứng dậy, trong mắt lấp lánh chớp sáng, vẻ mặt điềm tĩnh thoáng để lộ chút mừng vui khiêm nhường.
Ta đoán cô nhất định là có tâm nguyện, bởi nhận được lời chấp thuận của hoàng đế mà tương lai bắt đầu le lói một tia sáng.
Chứng kiến kết quả này, ta rất vui lòng. Cuộc đời có hi vọng thật vui vẻ biết bao, ngày sau của cô hẳn sẽ được hạnh phúc.
Sang tháng Tám, vụ án Âu Dương Tu cuối cùng cũng có kết quả. Trải qua Tô An Thế và Vương Chiêu Minh thẩm tra đưa ra kết luận rồi cùng tể chấp thương nghị, kim thượng hạ chỉ giáng Âu Dương Tu xuống làm tri chế cáo, biếm đi Trù Châu. Đồng thời cũng hàng Tô An Thế xuống làm điện trung thừa (*), giám sát thuế muối Thái Châu, trục Vương Chiêu Minh ra khỏi kinh đi giám sát thuế rượu huyện Thọ Xuân.
(*) Chức quan thuộc Điện trung tỉnh, chăm nom sinh hoạt của hoàng đế.
Không bao lâu sau, chuyện thẩm án truyền vào trong cung: Vương Chiêu Minh vào nhà ngục phủ Khai Phong, thấy công văn tra xét của Tô An Thế bản nào bản nấy đều buộc tội Âu Dương Tu loạn luân trộm cháu, tức thì ngạc nhiên: “Chiêu Minh hầu hạ bên quan gia đã mấy ngày không thấy quan gia nhắc nhỏm gì đến Âu Dương Tu. Giờ tra án lại toàn lựa ý theo tể tướng thế này, mai sau quan gia mà không vui, tính mạng Chiêu Minh tất khó bảo toàn.”
Tô An Thế nói chuyện này là thật, kim thượng hẳn sẽ không trách tội, Vương Chiêu Minh lại hỏi y Âu Dương Tu đã nhận tội chưa, Tô An Thế đáp: “Hắn kháng cự không nhận tội, không bằng trui rèn.”
Cái gọi là “trui rèn” tức nghiêm hình tra khảo, ép người nhận tội. Vương Chiêu Minh lắc đầu quầy quậy, nghiêm nghị nói: “Quan gia bảo tôi đến giám sát tra án là muốn tôi xử lý cho phải nhẽ, công bằng hết sức có thể. ‘Trui rèn’? Nói gì vậy chứ!”
Tô An Thế nghe mà sợ hãi, không dám bàn tới “trộm cháu” nữa, nhưng lại hặc Âu Dương Tu dùng tiền của Trương thị mua ruộng đất lập hộ. Kim thượng lập tức lấy tội danh này kết án Âu Dương Tu. Đám người Giả Xương Triều tất nhiên là bất mãn, tiếc rằng ý vua đã quyết, không cách nào sửa đổi, bèn lấy cớ Tô An Thế, Vương Chiêu Minh thẩm án không tận tâm, khăng khăng đòi kim thượng nghiêm phạt hai người này. Cuối cùng kim thượng thỏa hiệp, ra quyết định như đã kể phía trên.
Ngày Vương Chiêu Minh xuất cung, ta đứng trong Tây Hoa Môn dõi mắt tiễn y.
Khom lưng hầu hạ đã nhiều năm, lưng y không còn thẳng lên được nữa, cứ thế cong gù chậm rãi bước ra ngoài, đi được mấy bước lại quay đầu lại, thi thoảng đưa tay áo lên lau nước mắt, buồn thảm khôn xiết.
Đợi đến khi y ra khỏi cửa, ngay sau đó cửa cấm nặng nề từ từ khép lại, ta mới nhớ ra đã đến giờ đóng kín cửa cung. Ngẩng đầu lên trời, trông thấy mây vần xua ráng, quạ đêm bay ngang. Nhìn vậy hồi lâu, tâm trạng cũng theo vầng tà dương đỏ sẫm trầm xuống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.