Chuyện Tình Vịnh Cedar 4: Tìm Lại Tình Yêu

Chương 29:




“Ai để sữa bên ngoài qua đêm thế?”. Bob hỏi khi Peggy bước vào bếp lúc sáng sớm thứ ba. Peggy rót cà phê vào cái cốc yêu thích của Hannah. “Chào anh yêu”.
Bob cau có. “Anh phải vứt cả nửa ga-lông đi đấy.” Cả hai đều nhận ra rằng đó chỉ có thể là Hannah. Peggy biết tại sao cô bé lại giận dữ với chồng mình đến thế. Bob thường phản đối Hannah cả những điều nhỏ nhất, việc đổ sữa là một ví dụ.
Hannah làm ca đêm ở Pancake Palace và trở về nhà sau khi Bob và Peggy đã đi ngủ. Rõ ràng cô bé đã uống một cốc sữa trước khi đi ngủ nhưng lại quên không cất hộp sữa vào tủ lạnh. Đó là một hành động vô ý, nhưng cũng không đến mức gây hậu quả lớn.
Bob đã nhân cớ đó mà hò hét và la ó một cách tức giận. “Thôi đi, Bob Beldon”, Peggy bình tĩnh nói sau ngụm cà phê đầu tiên. “Em sẽ nhắc nhở Hannah, nhưng anh không cần phải mắng mỏ con bé”. Cô bé rất dễ khóc và chỉ một lời nói nặng của Bob thôi cũng đủ để làm cô tan nát cõi lòng.
“Con bé có nghĩ rằng...”.
“Bob”. Peggy ngắt lời trước khi anh có thể làm Hannah thức dậy vì những lời cằn nhằn của mình. “Sáng anh không gặp mục sư Flemming à?”.
Thứ ba tuần nào họ cũng hẹn nhau chơi gôn. Tuy nhiên, chơi vào buổi sáng hay buổi chiều lại phụ thuộc vào lịch của vị mục sư.
Chồng chị nhìn đồng hố nhíu mày. Anh gật đầu ngay lập tức. “Anh sẽ trở về trước buổi trưa”.
“Vâng, anh yêu”. Peggy vừa tiến về phía chiếc ghế của mình trong phòng khách vừa lẩm bẩm. Sáng nào chị cũng mất vài phút suy ngẫm trước khi bắt đầu một ngày mới. Lúc này, chị sắp xếp những suy nghĩ của mình và lên kế hoạch trong đầu về những đều sẽ phải hoàn thành trong ngày. Bob thường có thói quen đọc cuốn AA Big Book, còn Peggy lại thích dành một chút yên tĩnh và bình lặng cho bản thân mình. Đó là cách chị bắt đầu một ngày với đầu óc thanh thản. Bob ngừng lại chỗ cửa dẫn ra sân. “Em sẽ nói gì đó với Hannah chứ?”
“Vâng, anh yêu”.
Anh thở hắt ra đủ to để chị nghe được. “Đừng có hứa suông với anh đấy, Peggy”.
Chị không biết điều gì đã làm chồng khó chịu đến thế, nhưng chị nghĩ rằng sự khó chịu ấy sẽ tan biến trước khi anh kết thúc buổi chơi gôn. Anh sẽ lại trở về nhà vào bữa trưa như thường lệ với sự vui vẻ và tinh thần phấn chấn. Vài phút sau, ngay lúc Peggy bắt đầu với những thói quen thường lệ mỗi sáng, Hannah lặng lẽ bước vào căn phòng chung của gia đình. Những sợi tóc rối lòa xòa trên gương mặt nhợt nhạt của cô bé. Hannah cắn môi dưới, ngập ngừng như thể cô bé không biết mình có nên xen vào dòng suy nghĩ của Peggy không. “Cháu nghe thấy à?”. Peggy nhẹ nhàng hỏi.
Cô bé gật đầu. “Cháu xin lỗi... cháu không cố ý”.
Peggy trấn an cô bé bằng một nụ cười. “Bác biết là cháu không cố ý nghe trộm mà”.
“Chiều nay, trước khi đi làm, cháu sẽ mua một nửa ga-lông sữa khác.”
“Đừng lo”. Peggy ra hiệu cho Hannah ngồi đối diện với mình. Trông cô bé có vẻ sợ sệt và Peggy hy vọng là sẽ an ủi được Hannah.
“Cháu ngủ có ngon không?”. Peggy hỏi.
Hannah ngập ngừng gật đầu. “Bố cháu cũng thường mắng mỏ cháu”.
Peggy vội vàng nói. “Bác Bob không có ý gì đâu”.
“Cháu... biết. Chỉ là mỗi khi nghe thấy có một ai đó mắng mỏ, đặc biệt là những người ở tầm tuổi bố cháu… cháu lại bị xúc động, bác biết không?”
“Tất nhiên rồi”. Peggy lại cảm thấy tức giận chồng mình. “Trong cuộc đời mình, cháu thấy cha cháu là một người bất hạnh”. Hannah hiếm khi nhắc đến cha mình. Peggy không biết đó là vì nỗi đau đớn trước cái chết ấy hay là vì cô bé bị ám ảnh về việc cha mình bị đầu độc. “Thỉnh thoảng, vào ban đêm, lúc cháu còn nhỏ, cháu thường bị tỉnh dậy vì tiếng hét của cha cháu”.
Peggy thoáng cảm thấy sốc. Chị chợt thấy thương Hannah vô hạn. Sống với một người nghiện rượu đã nhiều năm, chị không biết liệu Max Russell cũng có phải là người nghiện rượu không. “Bố cháu có nghiện rượu không?”.
Hannah lắc đầu. “Đôi khi bố cháu uống quá nhiều, nhưng không phải là nghiện. Dù sao bố cháu cũng không phải là người nghiện ngập xấu xa. Có ngày bố cháu nghiến răng kèn kẹt chẳng vì lý do gì. Đôi khi bố cháu mắng mỏ mẹ con cháu vì những chuyện nhỏ nhặt nhất”.
“Bác rất tiếc”.
“Bác biết đấy, bố cháu không phải là một người xấu. Cháu thực sự yêu bố cháu”.
“Tất nhiên rồi”. Peggy không biết liệu Hannah có hiểu một cách sâu sắc được những gì cha cô bé đã phải trải qua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam không.
“Mẹ cháu đã ở bên bố cháu trong suốt những lần gia đình cháu phải chuyển nhà và trong tất cả những cuộc chiến”. Cô bé ứa nước mắt. “Thật sai lầm khi mẹ cháu bỏ cháu mà đi”.
“Gia đình cháu chuyển nhà nhiều lần lắm à?”.
Hannah ngừng lại một phút để lấy lại bình tĩnh. Cô bé nuốt nước miếng. “Bố cháu chẳng bao giờ làm được việc lâu dài. Chỉ ổn định được một chút rồi bố cháu lại rơi vào nơi... tối tăm”.
“Nơi tối tăm ấy à?”.
“Đó là cách gọi của mẹ cháu. Bố cháu có thể hạnh phúc, nhưng rồi ông bất thình lình trở nên suy sụp giống như thể có ai đó tắt phụt hết đèn đi vậy. Cháu luôn đoán được khi nào những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra. Mẹ cháu cũng vậy. Những lúc đó, mẹ cháu bảo cháu về phòng và cháu luôn nghe lời. Cháu biết mọi chuyện tiếp theo sẽ như thế nào”.
“Vậy mọi chuyện lúc đó sẽ như thế nào?”. Peggy hỏi.
Hannah im lặng vài phút. “Chẳng điều gì làm bố cháu hài lòng. Khăn phải để lên bàn nếu không bố cháu sẽ vứt ngay ra sàn nhà. Bữa tối là một cơn ác mộng. Với bố, thì mẹ bao giờ cũng làm gì đó sai. Thịt thì cứng, rau nấu chín quá, sữa thì lạnh quá. Đến cả đồ bạc cũng chẳng được xếp ngay ngắn. Với bố cháu mọi thứ đều phải hoàn hảo. Mẹ cháu có cố gắng đến thế nào cũng chẳng thể làm bố cháu hài lòng. Dù là hạt bụi nhỏ nhất bố cháu cũng soi ra lỗi”. Vậy là mọi chuyện tệ hơn nhiều so với những gì Peggy có thể tưởng tượng. “Ít nhất mỗi năm gia đình cháu lại chuyển nhà một lần. Có lúc bố cháu dùng những cái tên khác và cháu phải cố nhớ tên mình là gì vì bố cháu cũng thay đổi luôn cả tên cháu”.
“Bố cháu dùng những cái tên khác à?”.
Hannah ngẩng đầu lên. Mắt cô bé mở to. “Cháu chưa bao giờ nói với ngài Cảnh sát trưởng điều đó. Bác làm ơn đừng nhắc đến được không? Đã lâu rồi bố cháu không còn làm thế nữa và cháu sợ Cảnh sát trưởng Davis phát hiện ra điều này. Ông ấy sẽ nghĩ bố cháu là một tội phạm”.
Peggy thở dài, nhưng chị kiềm chế để không thốt ra điều mình đang định nói. Nếu cô bé nói ra điều này sớm, biết đâu lại giúp được gì đó cho cuộc điều tra. Rõ ràng còn rất nhiều chuyện họ không biết về Maxwell Russell - kể cả việc tại sao anh ta lại đến vịnh Cedar. Chị thấy một luồng lạnh chạy dọc xương sống. Họ đã sống thấp thỏm kể từ cái đêm có kẻ nào đó theo đuôi Bob trên đường, mặc dù chưa có chuyện gì xảy ra.
“Mẹ cháu là một vị thánh”, Hannah thì thầm.
“Mẹ cháu chịu đựng bố cháu trong suốt ngần ấy năm à?.
Hannah gật đầu. “Đôi lúc cháu bắt gặp mẹ cháu ngồi trên giường đọc những lá thư của bố cháu. Mẹ cháu bảo nó giúp mẹ cháu nhớ lại con người của bố cháu trước khi tham gia vào cuộc chiến tranh”.
Peggy hiểu tại sao Tammy Russel lại làm thế. Chị hiểu tại sao cô ấy vẫn tiếp tục hy vọng và ủng hộ chồng mình, thậm chí sẵn sàng chịu đựng những lời xúc phạm của anh. Tommy vẫn yêu chồng và muốn chồng lại trở lại con người trước đây - cho dù ước muốn ấy vô vọng đến thế nào chăng nữa. Peggy hiểu vì chị đã từng như thế. Bản thân chị cũng phải sống với những ký ức trước đây và để những ký ức ấy gieo mầm cho hy vọng hướng tới tương lai. Trước khi tham gia vào Hội những người nghiện rượu, Peggy đã cố ngăn không cho Bob uống. Chị thường dùng áp lực, trừng phạt, cáu giận với chồng và mọi hình thức có thể nghĩ ra. Nhưng tất cả chẳng hề có tác dụng cho tới khi chị buộc Bob phải tự xử lý những hậu quả từ việc say sưa. Nhưng trên hết, Peggy hiểu chồng mình, cũng giống như mẹ của Hannah vậy.
“Khi bố cháu ở trong tình trạng đó thì tai nạn xảy ra”. Hannah thì thầm. “Cháu muốn mẹ cháu rời bỏ ông nhưng mẹ cháu không nghe. Cháu có việc làm... cháu có thể lo cho hai mẹ con, nhưng mẹ cháu đã không làm thế.”
“Ôi, Hannah, bác rất tiếc”.
“Cháu cũng vậy… Ngày hôm đó mẹ cháu không định đi cùng xe với bố cháu. Nhưng bố cháu đã cáu gắt một cách vô lý và bắt mẹ cháu đi cùng, rồi ông bị tai nạn... và mẹ cháu đã mất”. Không kiềm chế nổi, Hannah giơ hai tay ôm mặt và òa lên khóc.
Peggy đứng lên khỏi ghế và vòng tay ôm vai Hannah, chị thì thầm những lời an ủi thật dịu dàng.
“Giá hôm đó mẹ không đi thì chắc bây giờ mẹ vẫn còn sống.”
“Bác biết, bác biết mà”, Peggy nói.
“Bố cháu bị thương nặng trong đám cháy và mẹ cháu... Lúc đó cháu chỉ muốn chết... nhưng vụ tai nạn đó đã làm bố cháu thay đổi.”
“Như thế nào?”.
Hannah nhấc đầu ra khỏi vai Peggy và dụi mắt vào gấu váy. “Bố cháu trở nên bình tĩnh và bớt cáu giận hơn”.
“Vậy là bố cháu dễ chịu hơn phải không?”
Hannah gật đầu. “Cháu nghĩ đó là vì cái chết của mẹ cháu. Bố cháu thấy mất mát khi không có mẹ. Bố cháu đã trải qua nhiều đau thương, bác biết đấy, và cả cuộc phẫu thuật, và... và lần đầu tiên trong đời, cháu có cảm giác là mình có bố. Bố cháu nói chuyện với cháu và gọi cháu là con gái nhỏ của bố. Bố còn nói với cháu rằng bố rất yêu thương cháu. Và rồi... và rồi bố cháu bị giết”. Cô bé sụt sịt. Peggy có thể hình dung ra cuộc sống với Hannah đau đớn đến thế nào. Tới lúc bị tai nạn, Max Russel là một người đàn ông cáu bẳn, thường xuyên giận dữ với vợ con mình. Chị thấy hơi ngạc nhiên khi Hannah lại quay quắt giữa nỗi đau đớn và tội lỗi về cái chết của cha mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.