Chờ Em Đến San Francisco

Chương 4: Những anh cu xóm cũ




Tôi lại được phi hành đoàn Korean Air "Welcome on board" khi lên máy bay chuyến Seoul – New York. Chặng đi này dài gấp ba lần chuyến Sài Gòn – Seoul nhưng không có một anh hàng xóm dễ thương nào như John cả. Tôi ngồi ngoài lối đi, bên cạnh tôi là một bà Hàn Quốc diêm dúa. Tôi ngủ vùi, thầm mong đừng mơ thấy cô Út nữa.
Cuối cùng tôi cũng đến nước Mỹ với một tâm trạng kỳ lạ. Tôi hồi hộp như thể mình mới đi nước ngoài lần đầu dù tôi đã đi công tác ở rất nhiều nước rồi. Nước Mỹ có một mối dây liên hệ lịch sử quá đặc biệt với người Sài Gòn. Dẫu quân đội Mỹ đã rút khỏi thành phố này hơn bốn mươi năm rồi, người Sài Gòn thế hệ ba mẹ tôi vẫn chưa thôi quên được những gì họ để lại. Và tôi dù sinh sau đẻ muộn, chưa từng chứng kiến những ngày người Mỹ dập dìu đi trên đường phố Sài Gòn, tôi vẫn ý thức được nước Mỹ hoàn toàn không thể là xa lạ. 
Tôi đứng xếp hàng chờ qua cổng hải quan ở phi trường JFK New York, lòng đầy hồi hộp và chộn rộn, không kiểm soát được. Tôi sợ với vẻ mặt căng thẳng của mình, có thể hải quan thấy bất ổn và chặn lại không cho tôi vào nước. Thế rồi cũng đến lượt tôi đứng trước một ông hải quan da trắng có nụ cười thân thiện. Ông hỏi có phải lần đầu tôi đến Mỹ, tôi đến với lý do gì và dự định sẽ ở lại bao lâu. Tôi lập cập trả lời, hồi hộp càng làm tôi phát âm tiếng Anh một cách quê mùa, đáng xấu hổ. 
_ Vậy ra cô đến New York để tranh thủ du lịch một chút trước khi đến Chicago dự hội nghị - người hải quan hỏi lại – Cô có người quen nào không, hay ở khách sạn? 
_ Tôi ở khách sạn, tôi không quen ai ở đây hết – Tôi trả lời, cố gắng bớt run – Tôi sẽ mua tour để đi chơi.  
_ Cô cẩn thận nhé! New York không an toàn lắm cho một người lạ đâu. 
_ Cảm ơn – Tôi cảm thấy thoải mái hơn một chút – Tôi sẽ cẩn thận. 
_ Không ra đường lúc quá khuya – người hải quan dặn dò thêm – Không đến những nơi vắng nhé. Giá mà cô có một người quen ở New York thì tuyệt hơn biết bao! Chúc cô có những ngày vui vẻ trên nước Mỹ. Tạm biệt. 
_ Cảm ơn, cảm ơn – Tôi mỉm cười lấy lại vẻ tự chủ.  
Tôi thấy lòng xúc động khó tả. Chưa có một người hải quan nào nói chuyện với tôi thân mật như thế. Khi tôi đến châu Âu, hoặc họ lạnh lùng không hỏi han gì, đóng dấu một cái cộp vô hộ chiếu của tôi, hoặc họ gặng hỏi với một thái độ hồ nghi rõ rệt. Ở những nước châu Á, hải quan bớt lạnh lùng hơn, nhưng họ cũng không rỗi hơi hỏi chuyện thân tình như thế. 
Tôi lên taxi, nói địa chỉ khách sạn rồi bồi hồi nhìn cảnh vật đang lướt nhanh qua ngoài cửa sổ. Tự dưng tôi có một mong ước kỳ lạ: có ai đứng chờ tôi ở phi trường, chở tôi về nhà trên xe hơi cá nhân, đón tiếp tôi nồng hậu sao bao nhiêu năm trời không gặp. Sao tôi lại có tâm trạng sợ cô đơn khi đi nước ngoài như thế này. Tôi đã đi công tác đơn độc hàng trăm lần, tôi hiếm khi có ai đó đón đưa ở phi trường, tôi cũng luôn là người đề cao tính độc lập. 
"Giá mà cô có một người quen ở New York thì tuyệt hơn biết bao!". Người hải quan đã cám cảnh thay cho tôi. Khi tôi nói mình không quen ai ở New York, tim tôi nhói đau vì tôi thật sự hy vọng mình nối lại được liên lạc với một người. Rất có thể anh đang ở New York, nhưng cũng có thể anh di chuyển sang một thành phố khác, một tiểu bang khác rồi. 
Tôi hy vọng anh vẫn nhớ tôi là ai, nhưng khi gặp lại nhau tình cờ ngoài đường, có thể cả tôi và anh đều không thể nhận ra nhau. Đó là người anh hàng xóm của tôi, một trong những đứa con nít từ bảy đến mười bảy tuổi sống ở đường Trần Quý Khoách của thập niên tám mươi. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua thời thơ ấu dù thiếu thốn nhưng xiết bao thân tình ở khu Tân Định. Chúng tôi đã cùng nhau đi xem phim ở rạp Văn Hoa và cùng bị những con rệp cắn đỏ mông. Khi tôi còn ngây thơ không biết hệ lông mao đóng vai trò gì mà Alain Đờ-Lông thì tuyệt hơn Alain Đờ-Không-Lông, anh đã bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì phức tạp. 
Thật ra anh đẹp trai như Alain Đờ-Lông chính hiệu, dù thời điểm đó có thể cơ thể anh đang ở "chế độ" Đờ-Không-Lông. Tôi không nói quá lên đâu, vì mọi người trong xóm tôi đặt anh là Bình Bảnh Tỏn hay thường được gọi tắt là Bình Bảnh. Bảnh tức là bảnh bao, sáng sủa, là khôi ngô. Bảnh còn bao hàm một sự thong dong, sang trọng, giàu có nữa. Mặc dù vậy, từ lúc nhỏ tôi đã chứng kiến Bình Bảnh sống rất vất vả, một một cách thẳng thắn là rất nghèo khổ. Dù thời đó ở Sài Gòn ít ai có mức sống giàu sang và sự thiếu thốn vật chất là tình hình chung của toàn thể mọi người, Bình Bảnh thật sự khó khăn. 
Bình lớn hơn tôi chính xác năm tuổi. Anh sống đối diện nhà tôi. Bình là con út trong một gia đình có đến sáu đứa con. Ba anh là sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước ngày giải phóng, mấy anh chị em của Bình đi học bằng xe hơi có tài xế riêng đưa đón. Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, ba của anh đi học tập cải tạo để lại người vợ vốn ăn trắng mặt trơn phải lao đao tìm cách nuôi đàn con con sáu đứa đông đúc. Gia đình Bình quả thật rất khốn đốn với cái lý lịch ngụy quân ngụy quyền do ba anh để lại. Mấy mẹ con anh từng bị lùa đi vùng kinh tế mới, phải cày cuốc ở nơi hoang sơ. Bình kể đã có lúc mấy mẹ con ôm nhau tuyệt vọng, chỉ muốn cùng uống thuốc chuột chết quách cho xong. 
Giống như hầu hết các gia đình Sài Gòn, nhà ai cũng có người ở hai bờ chiến tuyến. Gia đình bên họ ngoại của Bình có người làm chức khá lớn trong chính quyền mới, cuối cùng mẹ con anh được cứu xét, dạt lại về Sài Gòn, xác xơ. Tôi không biết ba Bình mang cấp bậc gì trong quân đội Sài Gòn cũ và mức độ tiếp thu ở trại của ông nhanh hay mau, ông học tập cải tạo được tám năm thì được về. Trong tám năm đó mẹ con anh là những người nghèo nhất xóm tôi, kể cả sau khi ba anh về thì họ cũng là những người nghèo nhất, mãi cho đến khi họ đi định cư ở Mỹ, theo diện HO của chính phủ Mỹ. 
Xe taxi đã đến khách sạn tôi ở. Người tài xế yêu cầu rõ ràng tôi cần đưa cho anh thêm ít nhất là mười phần trăm tiền tip khi thấy tôi ngờ nghệch đưa đúng số tiền ghi trên đồng hồ. Đã có vài đồng nghiệp trong công ty tôi từng đi công tác ở Mỹ báo cho tôi biết chuyện này. Tôi cũng đã dằn bóp mấy đồng đô la lẻ để tip nhưng tôi đang miên man trong ký ức với Bình Bảnh nên quên mất. 
Tôi tip cho anh taxi đúng mười phần trăm, dường như anh không hài lòng. Thật ra không phải dường như mà rõ ràng là anh không hài lòng. Mặt anh "một đống", anh mở cốp xe, đặt valise của tôi xuống vỉa hè rồi quày quả bỏ đi. Văn hóa tip của Mỹ được người Mỹ thừa nhận từ lâu, nhưng với người lần đầu đi Mỹ như tôi, tôi thấy xót xa cho món tiền phải trả thêm này. Những đồng nghiệp từng đi Mỹ cũng đã khuyến cáo tôi, công ty không hoàn tiền lại cho khoản tip khi đi công tác về. Những giao dịch khi đi công tác có hóa đơn sẽ được công ty hoàn lại, nhưng tip được xem là hành động cá nhân, dù cũng được ghi rạch ròi trên hóa đơn. Nhưng không tip không được, người Mỹ sẽ nhìn mình như quái vật. Tip là hành động bình thường để đo chất lượng phục vụ ở Mỹ. Trong khi ở châu Âu, giờ ít ai cho tiền tip, chất lượng phục vụ ở cựu lục địa vì thế cũng rất kém. Hôm nay tôi có một bài học về tip, quá hay ho. 
Tôi lại nhớ Bình Bảnh khi hồi nhỏ anh hay nói "Anh pour boire cho bé An" mỗi khi mẹ tôi sai đem qua tặng gia đình anh một tô chè hay một dĩa xôi. Thời đó không biết sao con nít xóm tôi ai cũng học tiếng Pháp, pour boire là tiền cho uống nước, tức là tiền tip trong tiếng Anh. Bình đã tip cho tôi bằng cách ôm lấy khuôn mặt tôi rồi hít hà vào hai bên má. Đó là một kiểu hôn rất tình cảm của người Sài Gòn. Người hôn thật sự hít lấy mùi hương trên làn da của người được hôn. Mũi và môi đều chạm sát mặt. Bình cứ tip cho tôi hồn nhiên như thế trong suốt bao nhiêu năm thơ ấu, cho đến khi tôi đến tuổi dậy thì, anh tự động tạo khoảng cách và không còn hôn tôi như trước nữa. Nhưng những nụ hôn thời thơ bé đã đủ làm tôi mê mệt anh rồi. 
Tôi còn nhớ Bình có một mùi hương ngồ ngộ của xà bông đá, vừa thơm vừa nồng. Thời đó không có xà bông dạng lỏng theo kiểu dầu gội hay sữa tắm như bây giờ. Sang lắm thì người ta gội đầu bằng xà bông thơm. Nếu có thân nhân ở nước ngoài gởi xà bông thơm hiệu Lux, Fa, Zest... thì tốt, không thì xà bông Việt Nam hiệu Cô Ba cũng đỡ ghiền. Như gia đình tôi thì được xài xà bông thơm ngoại quốc để gội đầu vì chúng tôi có ông bà nội và cô chú bên Đức gởi về. Còn gia đình Bình đông con lại ít thân nhân ở nước ngoài nên chỉ xài xà bông đá để tắm gội. Xà bông đá là loại xà bông hình vuông vức, cứng như đá và có hương rất nồng, người ta dùng để rửa chén hoặc giặt đồ. Xà bông đá trên người Bình trở nên một mùi hương đối với riêng tôi là cực kỳ cuốn hút. 
Tôi làm thủ tục nhận phòng, lên lầu cất hành lý rồi lật đật thay đồ gọn nhẹ đi dạo phố. Tôi phải tranh thủ lúc New York còn nắng, thành phố còn được mặt trời chiếu sáng để nhìn ngắm khu trung tâm. Khi đêm sụp xuống tôi phải nhanh chân chạy về khách sạn. Người hải quan đã dặn không được ra đường quá khuya, nhưng tánh tôi luôn lo xa, chỉ cần New York lên đèn là tôi phải quay về liền. 
Tôi chỉ bước vài bước là ra đến Fifth Avenue, đại lộ số 5. Đây là con đường huyết mạch dẫn tôi đi thẳng đến trung tâm thành phố và quảng trường Times Square. Buổi chiều vàng nắng thật tuyệt để đi dạo, người dân New York thủng thẳng nhẹ nhàng, nhàn tản hơn dân châu Âu. Đi ngang một quán ăn với mùi pizza bay ra thơm lừng, tôi quyết định vào ăn thử vì bụng đói cồn cào quá rồi. 
_ Tôi muốn mua pizza này – Tôi chỉ tay vào cái pizza to như cái sàn gạo – Tôi muốn mua một góc. 
_ Pizza, ba la, ba la – Người bán là một thiếu niên da đen nói gì tôi không hiểu – Ba la ba la ba la... 
_ Xin lỗi? – Tôi ú ớ - Pizza này nè, tôi muốn mua một góc, bao nhiêu tiền? 
_ Pizza, ba la, ba la, ba la... 
Thiếu niên da đen có khuôn mặt dễ thương, khi nói chuyện lộ rõ hai lúm đồng tiền. Tiếc là tôi đang bấn loạn không hiểu cậu đang nói gì. Không lẽ tiếng Anh của tôi tệ đến mức chỉ để mua pizza mà cũng không xong. 
_ Nè! Em ơi! Em! 
_ Dạ... - Tôi ngơ ngác quay lại sau lưng và chợt nhận ra ai đó gọi mình bằng tiếng Việt – Chị... 
_ Trời! Bé An – Người phụ nữ Việt Nam chừng trên bốn mươi mừng rỡ - Nhớ chị không? Chị Hương nè, Hương hồi đó ở sát nhà em đó! Nhớ chưa! 
_ Trời! Chị "Hương qua đèo"! – Tôi gần như hét lên – Lâu quá rồi! 
Với sự trợ giúp của chị Hương, cuối cùng tôi cũng mua được một góc pizza to "vật vã". Chị cho biết không phải ai ở Mỹ cũng nói giỏi tiếng Anh, đây là vùng đất của rất nhiều di dân, vừa rồi cả cậu da đen và tôi đều thuộc loại không quen nghe tiếng Anh nên cả hai đều không hiểu gì hết. Cậu da đen đó chắc chắn mới từ một nước châu Phi nào mới sang. Chị níu tay tôi như sợ vuột mất cô em hàng xóm cũ, hai chị em líu ríu đi ra phố. Nhà chị Hương nằm sát nhà tôi ở khu Tân Định, gia đình chị ở đó từ lúc Sài Gòn mới giải phóng mãi cho đến lúc tôi là sinh viên đại học. Ba mẹ chị là cán bộ nhà nước, người gốc Bến Tre, từng là du kích trong chiến tranh, nghe nói chiến đấu anh dũng lắm. Họ được cấp nhà xóm tôi vì gia đình người chủ cũ vượt biên đóng cửa đi mất. 
Chị Hương lớn hơn tôi đến năm tuổi nhưng tính hiền lành, có phần hơi khờ nên chị thường chơi chung với tôi chứ không có bạn ngang tuổi. Con nít xóm tôi gọi chị là "Hương qua đèo", heo qua đường, vì nhà chị nuôi heo. Chị chả giận ai bao giờ dù mọi người có gọi to "Ê, heo qua đường, ngày mai đi coi phim chung không mậy?" Hồi nhỏ chị hay sang nhà tôi nhờ ba tôi giảng bài tiếng Pháp dùm. Chị học rất yếu, cuối cùng thi tốt nghiệp Phổ Thông Cơ Sở, tức là thi hết cấp hai mà còn không đậu. Thời đó không có trường Công lập hay hệ B, chị Hương đành nghỉ học văn hóa, chuyển sang học nghề may rồi đi làm ở hợp tác xã may mặc gì đó. Sau này gia đình chị Hương được nhà nước cho hóa giá (tức là bán rẻ lại với cái giá tượng trưng) căn nhà ở khu Tân Định, họ bán nhà lại với cái giá thị trường rồi dọn về Gò Vấp ở, dư ra một khoản cho ba mẹ chị dưỡng già. Xa xôi quá, chúng tôi không liên lạc với nhau nữa. Sau này tôi nghe nói chị đã lấy chồng Việt kiều, đi theo chồng sang Mỹ rồi. 
Không hiểu một người xuất thân trong gia đình cách mạng gộc như chị vì lẽ gì lại lấy chồng Việt kiều Mỹ, ba chồng chị ngày trẻ cũng là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi từng thắc mắc và nay gặp chị tình cờ ở New York cũng không tiện hỏi. Hai chị em chỉ hỏi thăm sức khỏe những người quen và cập nhật tình hình hiện tại, cố gắng trân trọng đời sống cá nhân của người khác. 
_ Bé An chưa lập gia đình nữa hả? – Chị Hương hỏi nhanh rồi chuyển đề tài – Xóm mình giờ chắc toàn người lạ thôi em há. Người cũ đi hết rồi. 
_ Dạ, đi hết rồi chị ơi – Tôi nén tò mò hỏi dò một câu – Chị và ông xã vẫn sống tốt? 
_ Ờ ờ! – Chị Hương thản nhiên – Chị li dị người chồng đầu, giờ ở với ông chồng sau người Mễ. 
_ À há! – Tôi cố không há hốc miệng – Vui không chị? 
_ Vui, vui em – Chị Hương cười cười – Gặp lại em chị vui quá! 
Tôi không nghĩ sao bao nhiêu năm, chị Hương qua đèo vẫn khờ như hồi nhỏ đến mức không hiểu tôi đang hỏi vợ chồng chị sống với nhau có vui không. Có thể chị giả khờ, lái câu trả lời sang hướng khác. 
_ Hồi trước chị sống bên tiểu bang California – Chị Hương vụt có khuôn mặt bớt khờ hơn – Giờ chị chuyển qua bên đây rồi. Nhờ vậy mà gặp được bé An. 
_ Gặp chị ở New York quả là một bất ngờ lớn – Tôi thật lòng – Chị có liên lạc với mấy anh chị khác trong xóm mình không? 
_ Chị có gặp lại thằng Cu Quẹo ở bên Cali – Chị Hương hào hứng – Chị cũng có liên lạc với thằng Cu Síp và chị nó là con Oanh, chị em nó giờ ở Đan Mạch đó! 
_ Cu Síp! – Tôi hét lên – Giờ ảnh hết ghẻ chưa? Sao hồi đó xóm mình không gọi ảnh là Cu Ghẻ hả? 
_ Ghê quá! Ghẻ đâu mà ghẻ con nhỏ này – Chị Hương cười nắc nẻ - Giờ nó ngon lắm nhe. 
_ À, anh Cu Dập thì hiện đang ở Hà Lan – Tôi bổ sung thêm – Có lần em đi công tác bên đó tình cờ gặp lại em của Cu Dập là con Hà Sún đó. 
_ Xóm nhà mình nhiều Cu thiệt – Chị Hương chùi nước mắt vì cười nhiều - Ờ, còn thằng Cu Nhọn hình vẫn còn sống ở Sài Gòn thì phải. 
Anh Cu Quẹo không biết có bị quẹo thiệt không, tên cúng cơm là gì tôi cũng không biết nữa. Anh Cu Síp thì tên là Quân nhưng hồi nhỏ bị mẹ bắt mặc quần xì-líp (slip) làm cả xóm xúm vô chọc là Cu Xì-líp, đọc trại thành Cu Síp. Thời đó hầu như con trai tới tuổi teen còn chưa có quần lót để mặc, Cu Síp con nhà sang trọng nên bị mẹ bắt mặc quần lót sớm, vô tình làm đề tài cho những đứa con nít khác chọc quê. Cu Dập tên thật là Phương thì phải, một lần đua xe đạp bị té một cú quá mạng, mọi người nghi là anh bị dập "hàng" rồi. Từ đó không ai gọi tên thật của anh nữa ngoài ba mẹ ruột của anh. Sau này tôi được biết anh có vợ, sinh con tới ba đứa. Hú hồn! 
_ Cu Nhọn thì chắc vẫn sống ở Sài Gòn nhưng em không biết ở đâu, cũng nghe nói ảnh đi du học rồi ở luôn một nước châu Âu nào đó – Tôi bồi hồi – Mà sao ảnh bị gọi là Cu Nhọn vậy chị? 
_ Ừ, nghe mẹ nó kể hồi nhỏ nó hay ở truồng, con cu nhọn hoắc thật dễ thương – Chị Hương cười khi – Xóm mình hồi đó vui quá! À, chị cũng có gặp Bình Bảnh! 
_ Hả? 
Tôi loạng choạng suýt té phải níu chặt tay chị Hương. Mùi xà bông đá từ chàng lãng tử Alain Delon của tôi đột nhiên rõ rệt đến mức choáng váng cả người.
_

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.