Bộ Thiên Ca

Chương 39: Lật đổ tể tướng




Vợ tể tướng là tín đồ đạo Phật thành kính, không chỉ có ngày lễ ngày tết bố thí quy mô lớn, còn quyên tiền xây dựng am ni cô, chuyên cứu trợ những cô gái cực khổ trên đời. Mười lăm mỗi tháng, bà đều muốn tắm rửa dâng hương, tụng kinh niệm Phật trong am, hai mươi năm qua chưa bao giờ gián đoạn.
Có rất ít người biết ngày đó bà không hề thờ cúng trước Phật mà đi sắm vai một nhân vật chính trong truyền thuyết – âm hồn của hoàng hậu Hoài Mẫn – đến cung Ngọc Tiết. “Bệ hạ chuyển nguy thành an làm người khác thật vui mừng.” Bà quỳ xuống rồi đứng lên, nói: “Quả đúng là Lý thái y làm chuyện xấu xa, khiến bệ hạ mắc bệnh lâu không khỏi.”
Hoàng đế cười. Quả thực là Lý thái y có sai sót trong lúc thay phương thuốc, nói ông ta có ý định mưu hại thì lại đổ oan cho ông ta rồi, ông ta không có loại can đảm ấy, cũng không chiếm được lợi ích đáng để đói ăn vụng túng làm càn. Kẻ có hai thứ này là một người khác.
Ngực hoàng đế đau âm ỉ, không thể không dùng tay đè chặt trước ngực. Hắn vẫn cẩn thận đề phòng họ Tố Thái An nhưng vẫn không tránh thoát số phận. Bởi vì ngoài họ Tố Thái An ra, còn có một kẻ biết cách điều chế Trầm Mộng là Cư Hàm Huyền… Hắn nhớ tới cái tên này, trong lòng nguội lạnh.
“Phương Loan, người còn nhớ lời nói của thái hậu Khang Dự không?”
“Thiếp vẫn khắc ghi trong lòng, không dám khinh thường lúc nào.” Phương Loan dứt lời, trong lòng đã sáng tỏ.
“Nghiêm túc mà xem…” Hắn nói: “Ta đã cho hắn tất cả ngoài ngôi vị hoàng đế. Hắn lại cầu cạnh cha con Ung vương, muốn làm một thái thượng hoàng không danh phận, nếu như hắn vẫn tham quyền lực mà không biết dừng bước thì người giúp hắn dừng lại là được.”
“Vâng.”
Hoàng đế suy nghĩ một lát, hơi tiếc nuối nói: “Có lẽ sẽ làm tổn thương tới hai đứa con trai của người.”
“Hai đứa bé kia…” Giọng điệu Phương Loan bình đạm: “Tuy thiếp được thái hậu Khang Dự ban hôn nhưng thiếp cũng sợ bị bỏ với lý do không có con. Hai đứa bé kia được sinh ra chỉ vì thế thôi.”
“Đó là hai đứa trẻ ngoan có hiếu nhỉ?” Hoàng đế cũng than tiếc: “Quá đáng tiếc.”
Sau khi thi vấn đáp hoàng đế tuyển chọn một nhóm bề tôi mới, tháng Tư vào triều, lập tức làm rất nhiều người nghẹn họng nhìn trân trân. Hắn vốn lấy Lý Hoài Anh làm kẻ dẫn đầu, lần lượt đưa ra đề xuất cải tổ lại đài các, rõ ràng muốn phân tán quyền lực của tể tướng.
Tể tướng ngầm giễu cợt nói: “Thánh thượng bắt đầu dùng một nhóm học trò, chẳng qua là vì hắn biếm người vợ kết tóc và anh con trai độc nhất làm thứ dân, thiên vị một hoàng hậu trẻ tuổi, danh tiếng dần dần không tốt. Gần đây mượn một đám thanh niên đần độn để tạo hình tượng vĩ đại. Hắn thực sự sẽ trọng dụng một đám học trò không hiểu về triều đình của hắn sao?”
Quả nhiên chuyện phân chia đài các cơ quan như đá chìm đáy biển. Không lâu sau, tả tư gián Lý Hoài Anh lại đề xuất từ năm nay dùng khoa cử để quyết định các chức quan, tuyển chọn nhân tài. Lần này hoàng đế lại đồng ý tấu của họ rất nhanh, ngay tháng đó xuống chiếu mở khoa cử vào mùa thu năm ấy.
Chuyện này được khẳng định, đám người Lý Hoài Anh càng thêm phấn chấn, không lâu sau lại đề xuất: Vị trí trữ quân không thể tạm trống, nên lập trữ quân. Lần này động chạm vào rất nhiều người, xét thấy bây giờ Duệ Hâm đã trở lại cung, rất nhiều người do dự chưa quyết. Những người chủ trương lập Duệ Hâm lúc đầu chiếm được sự ủng hộ của lực lượng mới, càng thêm tinh thần gấp trăm lần. Tể tướng lại vẫn mang chủ trương lập con Ung vương, làm Lý Hoài Anh cầm đầu một đám thanh niên và một vài trưởng lão họ vua rất kích động phẫn nộ, cho rằng cháu vua ở trong cung, tể tướng vẫn làm theo ý mình hiển nhiên là cố ý làm loạn dòng máu hoàng gia.
Có lần hoàng đế mang lời nói của bọn họ về hậu cung làm trò cười. Hôm ấy còn nói đến việc lập trữ quân, Tố Doanh trông A Thọ chạy tới chạy lui ở trong cung, cười nói: “Thiếp chỉ có cách nhìn của đàn bà, xin bệ hạ chớ cười nhạo. Tất nhiên là cháu trai dưới gối mạnh hơn con trai của người khác.”
Hoàng đế lại không cho là đúng, nói: “Trước đây tiên hoàng lấy di chiếu truyền ngôi cho ta kèm một câu kỳ lạ. Nàng biết là gì không?” Hắn nhìn đôi mắt mong đợi của Tố Doanh, bảo: “Người người đều cho rằng chắc chắn người sẽ truyền ngôi cho Tú vương. Tú vương đã là con trai trưởng của hoàng hậu, lại là đứa con trai được người yêu thích. Nhưng người nói, ‘Trẫm yêu Tú vương, càng yêu nước hơn.’ Ta vẫn không thể kính nể người, nhưng người nói ra một câu nói này thì ta đã biết là sợ rằng cả đời này rất khó vượt qua người.”
Tố Doanh cúi đầu nói: “Thiếp chỉ biết ích lợi nhỏ.”
Hoàng đế cong khóe miệng một cách cổ quái, nói: “Nếu không sớm định trữ quân thì sự phiền não về sau không chỉ như vậy đâu!”
Tố Doanh hơi biến sắc mặt, không thể cười tự nhiên được. Bụng bầu của Khâm phi càng ngày càng rõ ràng, tính ra sắp năm tháng rồi. Nàng ta không hề tự trách đối với chuyện giấu việc mang thai, chỉ nói: “Mới đầu không biết, sau lại nghĩ xem thêm vài ngày rồi hãy nói. Chuyện không vui trong cung quá nhiều rồi, thiếp không dám sau khi gióng trống khua chiêng một phen, lại nói khoác phiền các vị.”
Trước kia Khâm phi kiêu ngạo tự mãn, sau khi mang thai mặt mày lại trở nên hiền hậu. Tất cả mọi người nói đây là do thai nhi ảnh hưởng đến mẹ, thai này bất kể là nam hay nữ thì tất là một đứa con ngoan. Sau khi biết được, Tố Doanh cười nhạt trong lòng: Khâm phi không hổ là người đi trước, lại biết bắt đầu bỏ công sức truyền lời đồn đại từ lúc này!
Hoàng đế nhắc tới lời này, chứng tỏ đã biết Khâm phi không có ý tốt. Vì sao lần này hắn lại làm thinh chứ? Tố Doanh không đoán thấu hắn, trở lại cung Đan Xuyến liền rầu rĩ không vui, không thèm nhắc lại.
A Thọ chạy đến bên cạnh nàng, ôm lấy cánh tay của nàng, thì thào nói: “Nương nương!” Tố Doanh ôm chặt cậu bé vào trong lòng, chỉ cảm thấy ngực đau đớn. Sau một lúc lâu mới nhận ra là bị đồ đạc cộm vào. Nàng cởi cổ áo A Thọ ra xem, phát hiện trên cổ cậu bé buộc một xâu tiền vàng, phần dưới treo một quả cầu hổ phách. Là quả hạch đào nạm trên lư hương mà nàng tặng cho Duệ Tuân…
Lý Hoài Anh nói, lúc y nhìn thấy A Thọ, trong tay đứa bé này đã nắm hổ phách nghịch, đây là thứ duy nhất mà cậu bé mang ra khỏi cung Ly. Tố Doanh coi đây là bình minh trong cõi âm u: A Thọ muốn nhắc nhở nàng không được quên nguyên nhân làm tới mức này. Nếu không thể khiến cho đứa bé này trở thành thái tử thì chẳng phải Duệ Tuân uổng công mà…
Hoàng đế biết rất rõ bụng dạ Khâm phi, tại sao còn muốn bỏ qua chứ? Rốt cuộc đang do dự gì đây? Tố Doanh rầu rĩ không vui đi tới bên hồ Thái Bình, cung nữ đi tới nói: “Nương nương, hôm nay đồ mà Bình vương dâng cho ngài đã đưa đến cung Đan Xuyến rồi.”
Tố Doanh yêu cầu mấy thứ Tố Trầm đã từng dùng với Bình vương, đặt ở trong cung gửi gắm niềm thương nhớ. Nàng trở lại trong cung, quả nhiên thấy Bình vương đưa tới một cái hộp to, bên trong có bút nghiên, lược xương, vật để gảy đàn các loại mà Tố Trầm đã từng dùng. Tố Doanh thấy rồi, không nhịn được lại rơi mấy giọt nước mắt, sai người trịnh trọng cất đi, hỏi: “Là ai đưa vào?”
Cung nữ đáp: “Là quận vương Lan Lăng tự mình đưa tới. Lúc này đã đi bái kiến thánh thượng, lát nữa sẽ về.”
Tố Doanh đang muốn bày tỏ nỗi lòng với người khác, biết được hắn ở đây thì thoáng thấy được an ủi. Qua chừng thời gian uống một chén trà, Tố Táp đã về cung Đan Xuyến chào. Tố Doanh thấy hắn thì không nén được đau buồn, nói cho hắn nghe một mạch về chuyện của Khâm phi.
Tố Táp mỉm cười nói: “Nương nương, người nên mong muốn một đứa con của mình.”
“Em đã có một đứa rồi.” Tố Doanh thấp giọng nói: “Nhưng cô lại muốn tranh thủ nhiều lợi ích hơn vì bản thân. Trước kia cô luôn nói mình hận thân thích đấu đá lẫn nhau, sẽ không làm người thân của mình tổn thương… Nhưng nếu thật sự xung đột với cô thì cũng sẽ không nhận họ hàng thôi.”
“Mặc dù suy nghĩ của cô lớn mật nhưng trước khi nhìn thấy con trai thì suy cho cùng vẫn không thực tế.” Tố Táp suy nghĩ một lát, nói: “Tể tướng ra sức bảo vệ con của Ung vương, nương nương nghĩ thế nào?”
Tố Doanh nhắm mắt lại lọc sạch suy nghĩ, mở mắt ra tưởng như hai người: “Gần đây tả tư gián Lý đại nhân còn đến thăm không?”
“Đương nhiên. Sau khi anh cả chết, y đến trước linh cữu khóc một trận đấy.”
“Lúc anh đến thăm đáp lễ xin nói cho y biết, không được tranh chấp với tể tướng nữa.” Tố Doanh nói toạc ra: “Nói cho y biết: Ung vương bảo, nếu như thế tử Duệ Bột có thể lên ngôi thì gã tình nguyện cùng chết với Ung vương phi. Nhờ anh nói cho Lý đại nhân, đối phương ôm lòng liều chết đoạt vị trí trữ quân, còn tể tướng ôm quyết tâm cố gắng kìm kẹp thiên tử ra lệnh cho thiên hạ. Y chẳng qua chỉ là một quan nhỏ có tiếng không có miếng, nếu không biết khó mà lui thì chỉ e nguy đến tánh mạng.”
“Nương nương có thể nắm chắc khích được tên Lý Hoài Anh này sao?” Tố Táp hơi không yên lòng.
“Em thấy cách y làm việc nhìn như kích động nhưng thực ra rất có tính toán. Đơn cử lấy việc khoa cử để chia chức quan mà nói, rõ ràng y muốn làm kẻ áo xanh mở mày mở mặt, nhưng lại cảm thấy đề nghị phân tán quyền lực của tể tướng thất bại, đã cơ bản thấy rõ ranh giới trong triều, hiển nhiên có ý định mời chào quan mới vào triều làm một nhánh thế lực mới sắc bén. Giả sử kẻ vào làm quan đều ở phe y, không tới ba năm, tiếng nói yêu cầu phân tán quyền lực của tể tướng chắc chắn sẽ xôn xao.”
Mắt Tố Doanh hơi cong lên. Nàng nói chắc nịch: “Cho nên em không nghĩ là y sẽ bỏ qua cơ hội đả kích tể tướng này. Em cũng không lo y thực sự ngốc đến mức câm như hến.”
Hai mươi năm qua, có người dám tranh luận với Cư Hàm Huyền ở trên triều đến đỏ mặt tía tai.
Nhưng không người nào dám tố cáo hắn.
Trong quán rượu dưới danh nghĩa con cả của hắn, một giọt rượu giá ngàn vàng mà vẫn có thể làm ăn thịnh vượng, mở hết năm này đến năm khác. Con số công khai của tư vệ nhà hắn là một nghìn nhưng không chỉ có bấy nhiêu, bọn họ không chỉ được sắp xếp vũ khí sắc bén như lính riêng của phủ công chúa, thậm chí còn mời thầy dạy võ chuyên môn đến huấn luyện. Hai đứa con trai của hắn lũng đoạn việc buôn bán trong nước. Nếu như cần vật báu nước nam thì anh con cả quanh năm trú đóng ở khu vực buôn bán ven biên giới của hắn có thể lấy được dễ dàng.
Việc này không phải bí mật. Nhưng không ai nghĩ tới việc dùng những lý do này để đẩy tể tướng xuống đài.
Ở trên triều đình, một gã ngự sử trẻ tuổi đột nhiên nhảy ra vạch trần, rất nhanh tả tư gián Lý Hoài Anh cùng mấy người tuổi trẻ cũng gia nhập vào, cùng nhau công khai lên án tể tướng. Các lão thần có nhiều công lao trông thấy, nghĩ thầm: Thực là kỳ lạ, vì sao từ xưa tới nay chưa từng có ai nói ra những lời này? Là tất cả mọi người khiếp đảm không muốn đắc tội tể tướng ư? Hay là…
Bọn họ đổi một góc độ liền biết cách nghĩ của những người trẻ tuổi kia, tể tướng có thể dựa vào lời của một phía chấm dứt mọi chuyện, nếu không diệt trừ hắn thì phần lớn chuyện đều không làm được. “Chức vị tể tướng quan trọng, há có thể để một người chiếm mãi?” Có người nhảy ra nói một câu như vậy, thực sự là nói trúng tim đen.
Đây không phải là tranh luận mà là công kích. Đáng tiếc… Các lão thần thầm lắc đầu trong lòng: Cho dù chuyện như vậy có xách ra cả sọt cũng không thể làm tể tướng bị lung lay, chỉ uổng công đắc tội hắn. Bọn họ nghĩ như vậy, ai nấy đều không theo phong trào.
Chuyện Cư tướng bị công kích trực tiếp như vậy ở trên triều đình dường như chưa từng xuất hiện. Mà vẻ mặt của hắn lại bình thường như không có gì.
“Đài viện[1] có bất kỳ nghi ngờ nào thì cứ tra đi!” Hắn bình thản ung dung nói, quét mắt liếc thị ngự sử liếc mắt.
[1] Thời Đường, Tống, ngự sử đài (cơ quan có đặc quyền được hặc tấu tất cả mọi việc, có ý nghĩa can gián những việc được xem là không đúng hoặc chưa tốt của vua và quan lại) gồm có đài viện, điện viện, sát viện. Đài viện nắm giữ việc sửa chữa, công kích quan lại trung ương, tham dự vào cơ cấu giám sát trong những vụ án trọng đại được hoàng đế giao cho đại lý tự xét xử. Đài viện có sáu thị ngự sử, duy trì trật tự với trăm quan, vạch tội phạm pháp; xét xử án theo lệnh đặc biệt của hoàng đế, cùng với cấp sự trung (quan đi theo hầu hoàng đế, tham nghị chính sự) của Môn hạ tỉnh (cơ quan thẩm định, phụ trách thẩm định, xem xét các chính sách của Trung thư tỉnh), Trung thư xá nhân của Trung thư tỉnh (cơ quan quyết định chính sách, phụ trách thảo luận, soạn thảo, ban hành chiếu lệnh của Hoàng đế), thụ lí vụ kiện oan. Thị ngự sử còn có người chuyên phân công quản lý việc công thường ngày của Ngự Sử Đài. Thị ngự sử có địa vị tối cao trong các ngự sử, chức quyền nặng nhất.
Thị ngự sử là do hắn đề cử bổ nhiệm, nhìn thấy thuộc hạ trẻ tuổi nhảy ra tố cáo tể tướng, đã đổ mồ hôi lạnh khắp người, lại nghe giọng điệu tể tướng không hề gợn sóng nào, càng run sợ.
Hoàng đế thấy cảnh này, chỉ hơi nở nụ cười, nụ cười lạnh nhạt lại giống như rất tùy ý… Hai cung nữ cầm quạt che ở phía sau hắn đều là do tể tướng tuyển chọn, loáng thoáng thấy biểu cảm lập lờ nước đôi của hắn qua sườn mặt, cảm thấy hơi khác với vẻ ôn hòa bình thường.
Dường như hoàng đế không nghĩ ra cách xử trí tốt, không lập tức đưa ra quyết định mà nói: “Việc này giao cho ngự sử đài thôi.” Sau đó lại hỏi: “Hôm nay còn có chuyện gì không?”
Tể tướng bèn nói: “Bệ hạ, tháng Năm luôn phải hành lễ tế núi[2], may mà gần đây long thể bệ hạ đã khỏi, cần phải lệnh cho lễ bộ sắp xếp nhanh chóng.” “Những năm qua lễ tế núi là lễ lớn nhất của triều ta, không thể chậm trễ. Trẫm sẽ suy xét việc đi săn mùa xuân.”
[2] Tương truyền do khả hãn Hồ Lạt của Dao Liễn thị Khiết Đan định ra, lấy núi Hắc và núi Mộc Diệp (địa danh cổ, nay ở chỗ giao nhau của sông Tây Lạp Mộc Luân và sông Lão Cáp của Nội Mông Cổ, là nơi tổ tiên tộc Khiết Đan sống, trên núi có xây miếu thủy tổ, mỗi khi hành quân và mùa xuân, thu đều đến tế) là núi thần, thờ cúng theo mùa. Người Khiết Đan coi núi Hắc là chỗ linh hồn trở về sau khi chết, mỗi khi đông chí sẽ giết ngựa trắng, cừu trắng, nhạn trắng, lấy máu hoà với rượu, đốt giấy làm đồ cúng, cúng bái núi Hắc. Núi Mộc Diệp là nơi đặt miếu thủy tổ của Khiết Đan. Trên núi phía đông đặt thiên thần, vị trí địa chi, mô phỏng triều đình, trồng cây quân, cây quần, cây thần môn. Hoàng đế hoàng vị đặt điện hướng về thiên thần, vị trí địa chi, đám bề tôi thì theo thứ tự mà đặt điện ở cây quân và cây quần.
Một trận cạnh tranh đến tóe lửa trong triều biến mất không một tiếng động ở trong cuộc đối thoại nhàn nhã thong thả của họ.
Tố Doanh ở cung Đan Xuyến nghe nói trên triều mưa tên cùng bắn, không khỏi mỉm cười. Mở miệng đấu đá thì cần kèm theo chính nghĩa. Ra tay đối địch lại phải có năng lực. Suy cho cùng cả đám người đều là anh học trò, chỉ biết ba hoa chích chòe, trong đó lại không có một xạ thủ giỏi làm người ta tiếc nuối. Nếu nàng vẫn giương cung mà không bắn, sau này mũi tên phóng ra sẽ rất đột ngột. Nàng biết hoàng đế nhất định muốn nàng lo liệu chuyện lễ tế núi, quả nhiên hoàng đế ngủ trưa tỉnh lại liền gọi nàng đến.
Tố Doanh chưa bao giờ hỏi tới chuyện tranh luận trên triều, hoàng đế hỏi nàng thì nàng mới bàn một đôi lời. Hôm ấy dường như hoàng đế có ý định muốn nghe suy nghĩ của nàng, rất tự nhiên nói đến việc tể tướng bị người ta tố giác các chuyện xấu. Nhưng Tố Doanh lại cúi đầu, im lặng như tượng đồng. Hoàng đế nói đùa: “Hoàng hậu đang chột dạ sao? Chẳng lẽ Bình vương đã ăn chia được từ việc buôn bán của hai đứa con trai tể tướng?”
“Bình vương chỉ khoác lác thường ngày thôi ạ, nào có lá gan vi phạm pháp đâu?” Tố Doanh dịu dàng nói nhỏ, “Bệ hạ nói những lời này làm cho thiếp nhớ tới một việc: Trước đó vài ngày, Tố Ly đã từng gửi một phong thư cho thiếp nói nàng có nhân chứng cho việc tể tướng giật dây Bạch Tín Mặc đầu độc giết Duệ Tuân, lại có nhiều loại vật chứng chứng thực tể tướng nhận tiền bán quan tước, cất giấu binh khí, buôn bán vật cấm ở khu buôn biên giới.”
Hoàng đế không đổi sắc mặt, hỏi: “Vậy vật chứng đang ở đâu?”
Tố Doanh thản nhiên nói: “Bệ hạ cũng biết, chính miệng tể tướng đề xuất nhận thế tử Ung vương làm con nuôi. Thiếp nhận được thư của Tố Ly, không biết là thật lòng tố giác hay nói dối để hãm hại. Còn chưa kịp hồi âm thì Tố Ly đã bị chết trong biển lửa rồi.” Nàng trầm mặc trong chốc lát, chợt nhớ ra: “Phượng Diệp từng đưa một vật cho thiếp, lúc đó thiếp xem qua thì không tin. Hôm nay cũng không dám kết luận nữa.”
Hoàng đế nhếch lông mày, nói: “Chúng nó đều gần gũi với nàng, chưa từng tiết lộ nửa phần với ta. Nàng còn tích góp đồ gì hiếm lạ thì cầm cả thể ra xem đi.”
Tố Doanh đích thân lấy thư, đưa cho hoàng đế xem qua.
Hoàng đế thấy một trang giấy bị xé thành ba mảnh, hỏi: “Sao lại xé?”
“Phong thư này tố cáo chồng của công chúa Vinh An.” Tố Doanh nói: “Thiếp vốn cảm thấy chỉ vẻn vẹn dựa vào lời nói của một nô tỳ mà hoài nghi một vị phò mã thì không khỏi hoang đường. Sau này phò mã mất rồi, cần gì gióng trống khua chiên tra cứu làm nhục người chết chứ?”
Hoàng đế ghép thư lại lặng lẽ nhìn, lại xem một phong thư khác, than thở: “Đích thật là bút tích của Tố Ly. Nét mực vẫn còn, người đã ở nơi chín suối… Nàng đúng là biết cất giấu, nội dung quan trọng từ thành Tuyên đưa đến trong cung như vậy, không biết đã qua mấy bàn tay mà nàng lại giữ được đến hôm nay.”
Tố Doanh cụp mắt bảo: “Thư này không phải chuyện đùa, thiếp dựa theo nó viết một tờ khác. Tờ viết theo ấy quả nhiên mất tích.”
Hoàng đế cất hai phong thư đi, nói: “Nếu quả thật như trong thư, cái chết của Duệ Tuân, Tố Ly và hỏa hoạn thành Tuyên cũng khá kỳ quặc. Đáng tiếc lúc đầu người may mắn sống sót từ thành Tuyên, không có một ai có thể nói rõ.”
“Thiếp biết một người có thể nói rõ vài chuyện. Ngày đó vợ của Lý đại nhân có thể có công bảo vệ cháu vua, tất nhiên đã tận mắt chứng kiến. Chỉ là nàng ấy sợ hãi quá độ, bị bệnh một trận lâu, không ai quấy rầy nàng ấy.”
Hoàng đế khẽ mỉm cười, nói: “Lý Hoài Anh là một người trẻ tuổi ra sức vì nước, dũng khí đáng khen. Ngày khác nàng thăm hỏi vợ y cũng là chuyện nên làm.”
Tố Doanh chậm rãi khom người nói: “Ngày mai thiếp sẽ cho đòi nàng ấy vào cung.”
Cả đời này Phùng thị chưa từng nghĩ có thể bước vào cung đình. Hoạn quan cung nữ dẫn nàng ấy vào bên trong ai nấy đều khéo léo vô cùng, chỗ đi qua đều là cung ngọc điện vàng, rộng rãi tráng lệ. Quy củ của hoàng gia uy nghiêm, nàng ấy gần như không dám thở nhiều. Hoàng hậu lại hết sức ôn hòa, mặc dù không có sự nhiệt tình thân thiết quá nhưng vẫn nghe ra giọng điệu quan tâm.
Lúc đầu Phùng thị cho rằng chồng mình cả ngày gây chuyện, hoàng hậu bắt nàng ấy vào cung, trách nàng ấy không thể khuyên nhủ chồng. Nhưng hoàng hậu chỉ hỏi nàng bệnh tình như thế nào, bình thường điều dưỡng ra sao. Chỉ chốc lát sau, một vị công công già cũng tới thăm hỏi. Phùng thị nghe hoàng hậu giới thiệu mới biết được là Phan công công tâm phúc của hoàng đế. Phùng thị được yêu quý mà đâm kinh hãi, càng cẩn thận lời nói.
Ngồi chuyện phiếm được chốc lát, Tố Doanh nặng nề than tiếc: “Bao nhiêu người ở thành Tuyên đều bị chết trong biển lửa, cô có thể tìm được đường sống trong chỗ chết, đúng là tạo hóa! Nhưng mấy ngày nay cũng khổ cho cô rồi!”
Phùng thị nghe nàng nhắc tới, nghĩ đến sau khi Mê Nhạn đi khỏi mình mấy bước thì xa nhau như trời với đất, không khỏi rơi mấy giọt nước mắt. Tố Doanh an ủi nàng ấy xong thì nói: “Ắt là trong cung Ly không đủ người, hoặc là đám nô tỳ ấy không phải biết quy củ. Bằng không sao lại không cẩn thận lửa than, gặp phải việc thảm lớn như vậy?”
Lúc này Phùng thị nước mắt lã chã quỳ xuống dưới chân nàng, nói: “Nương nương, mọi người trong cung Ly không chết bởi hoả hoạn. Thiếp tận mắt nhìn thấy ngày đó ở cửa nách cung Ly có kẻ áo đen không rõ lai lịch đứng canh. Người chị em chạy ra cùng thiếp đã liều chết báo cho Phi Long Vệ đóng quân gần đó, kết quả không rõ tung tích. Nếu là hoả hoạn thì cửa cung to như vậy, sao lại không có ai chạy ra trừ thiếp?”
“Có thể tránh thoát Phi Long Vệ lẻn vào thành Tuyên sao?” Tố Doanh nói: “Đám người này là ai chứ?”
Phùng thị không biết thời thế, thành thật nói: “Thiếp không biết. Chỉ nghe nhà thiếp nói, y từng nhìn thấy một đội kỵ sĩ áo đen rời kinh ở trên đường. Không biết có phải cùng một đám người hay không.” Tố Doanh thấy người này chất phác, bèn không hỏi nàng ấy nữa.
Đợi Phùng thị xin cáo lui, Tố Doanh và Phan công công liền đến cung Ngọc Tiết báo cáo việc này. Sau khi nghe xong, hoàng đế bèn hỏi: “Bà Lý là người thành thực chứ?”
Phan công công trả lời: “Vị phu nhân này rất thành thật. Không phải kẻ nói lung tung.”
Trái tim hoàng đế lạnh đi nói: “Không ngờ lại là có người hành hung! Suy cho cùng thì cung Ly là đình viện hoàng gia, có người hành hung ở cung Ly của hoàng gia mà quan viên đi thăm dò nguyên nhân tai họa chưa từng nói lấy một câu liên quan, đúng là vô dụng. Cần bọn họ làm gì nữa? Đổi một vị ngự sử thông minh dám nói đi thăm dò đi.”
Nhưng mà ngự sử thông minh dám nói cũng chỉ tra được thật sự từng có vật lộn, một cây giá cắm nến mất tích ở trong đình viện bị chẻ thành hai đoạn. Về phần là ai gây nên lại không tra được. Sau khi nghe nói, hoàng đế chỉ bảo một câu: “Kỵ sĩ rời khỏi từ kinh thành, hung khí là binh khí quý có thể chặt đồ bằng đồng ra thành hai khúc. Mấy thứ này rất phổ biến ư?”
Ngự sử biết trong lòng hắn đã có đáp án, chỉ đành kêu khổ, liệt kê binh khí quý trong kinh, lấy lý do tra án mà cầm giá cắm nến bằng đồng đi thử từng cái. Bảo đao bảo kiếm được xưng là vô cùng sắc bén, chém sắt như chém bùn nổi tiếng bên ngoài nên chủ nhân không thể giấu được. Tính ra chỉ hơn mười chuôi, cũng có thể chặt gãy đồ bằng đồng nhưng phải phí chút sức lực, mặt vỡ cũng không phẳng bằng đồ ở thành Tuyên.
Dày vò một phen, trong kinh liền xôn xao cả lên, đều biết việc tìm kiếm ấy. Tể tướng biết được ngự sử đến cửa xin thử Hoán Văn của hắn thì cả giận nói: “Coi cả ta là nghi phạm sao? Đuổi gã đi đi!”
Ngự sử chỉ đành nhắm mắt báo lại với hoàng đế: “Trong kinh không có vật ấy ạ.” Phát hiện hoàng đế không vừa lòng, ngự sử lại nói: “Thứ chưa từng thử chỉ còn lại Băng Tiển của bệ hạ và Hoán Văn của tể tướng đại nhân thôi ạ.”
Hoàng đế lập tức lệnh thượng cung mang Băng Tiển tới, bảo: “Thử đi.” Ngự sử vốn là quan văn, xách kiếm khoa tay múa chân một cái với giá cắm nến, một kiếm hạ xuống đã chặt giá cắm nến thành hai đoạn. Gã cả kinh nhìn kiếm báu, định thần nói: “Mặt vỡ rất thuận.”
Tể tướng biết được kiếm của hoàng đế cũng được thử, mình không còn lý do nào để từ chối nữa. Lúc ngự sử lại đến cửa, tể tướng cười khẩy nói: “Đao kiếm vô tình, đại nhân cẩn thận!” Hắn nói rất u ám nhưng ngự sử chẳng sợ hắn. Giá cắm nến theo tay biến thành hai đoạn, ngự sử khen: “Không thua gì Băng Tiển của thánh thượng.” Hôm ấy bèn báo lại: “Trong kinh thành chỉ có kiếm của bệ hạ và tể tướng chẻ được giá cắm nến làm mặt cắt sắc bén thôi ạ. Thần liều chết xin tra xét tể tướng.”
“Vậy…” Cuối cùng hoàng đế mỉm cười nói với gã: “Khanh đi tra đi.”
Nhưng mà sau khi vị ngự sử này ra khỏi cửa cung, ngựa bỗng nhiên bị hãi, phi nhanh trên đường lớn như bị điên, không ra hai dặm đã khiến gã ngã xuống khỏi lưng ngựa. Ngự sử tắt hơi ngay tức khắc.
Rất nhanh ba viện của ngự sử đài đều biết việc này, ngay cả một vài ngự sử không thiên về bên nào cũng căm phẫn trong lòng. Tuy là từ trước đến nay tể tướng ương ngạnh nhưng vẫn tôn kính đối với đám quan trong đài. Xảy ra án mạng, họ mới biết được hắn chưa bao giờ để mình vào mắt, lúc gặp chuyện vẫn sẽ hạ độc thủ.
Hôm vị ngự sử này đưa tang, quan trong đài từ tam phẩm trở lên tuân theo quy tắc ngự sử không được có quan hệ cá nhân nên không có mặt, nhưng cũng uyển chuyển thăm hỏi người nhà. Quan trong đài từ tứ phẩm trở xuống không bị quy tắc ấy bó buộc, không ít người đều đến trước linh cữu tự mình tế bái.
Càng khó tin hơn, có trên trăm người của thư viện Minh Đức tiễn đưa linh cữu gã dọc theo đường đi. Bỗng chốc áo trắng kín đường, gào khóc động trời, ngay cả đám ngự sử gia nhập vào cũng hoảng sợ. Các học sinh khóc rống dọc đường tới tận mồ, lại đốt văn tế trước mộ phần, thương tiếc quốc gia mất đi một vị quan tốt chính nghĩa thẳng thắn, kêu gọi thiên hạ nối tiếp di chí của gã.
Tên ngự sử này vốn không phi thường, vừa chết liền nổi tiếng thiên hạ, đều nói là quan tốt hiếm có.
Tể tướng biết các loại việc lạ tất nhiên là do Lý Hoài Anh xúi giục, càng tức y hơn.
Sóng gió qua đi, hoàng đế vẫn quyết định săn bắn ba ngày ở núi non. Tố Doanh lo lắng nanh vuốt của tể tướng và Khâm phi đang mang thai ở lại trong cung, kiên quyết xin chỉ đưa Duệ Hâm đi theo bên cạnh hắn.
Trong trường săn, ánh sáng vẫn chiếu khắp nền trời biếc.
Vốn dĩ trong trường hợp như vậy, một tả tư gián nhỏ nhoi không có duyên được nhìn thấy. Nhưng gần đây hoàng đế rất thích Lý Hoài Anh, thường xuyên để y bên cạnh chuyện trò, ngay cả trường hợp như đi săn cũng dẫn y tới. Hoàng đế vẫn chưa có sức cưỡi ngựa nhưng khi nhìn các quý tộc ra roi giục ngựa, hắn không kềm chế được, ngồi trên xe ngựa chạy băng băng trên thảo nguyên. Lý Hoài Anh hoàn toàn không biết săn bắn, còn Tố Doanh đang chăm sóc cháu vua, không đi săn. Lúc hai người cùng nhau ở trước lều lớn trông về phong cảnh phía xa, Tố Doanh bỗng nhiên buột miệng: “Lúc ta vừa tới mới mười bốn tuổi, lần đầu tiên tới liền gặp phải một vụ án giết người.”
“Án giết người?” Lý Hoài Anh nghi ngờ trông nàng.
“Tể tướng nói là một đội thích khách nước nam ám sát thánh thượng, bị hắn và vệ đội bắt gặp tiêu diệt toàn bộ.” Tố Doanh cười nhạt nói: “Nhưng thật ra là Duệ Tuân cho một đội người ngựa mai phục, muốn một lần hành động giết chết tể tướng, chém trước tấu sau.”
Lý Hoài Anh nghe xong hơi ngớ ra: “Vì sao tể tướng không mượn cơ hội gây sự, lại vu oan nước nam?”
“Hắn mượn cơ hội gây sự rồi. Lúc đó bên cạnh hoàng hậu có một nữ quan được thánh thượng yêu thích, hắn nói nàng là gián điệp nước nam. Nữ quan kia lập tức bị mang về cung chính ty xử trí nhưng nàng chưa trở về thì đã chết rồi.” Tố Doanh không nhanh không chậm nói: “Khi đó hoàng hậu là Tố Nhược Tinh, tể tướng chừa lại đường sống đối với hậu cung và Đông cung. Hôm nay phương thức xử sự của hắn đã khác rất nhiều rồi.”
Lý Hoài Anh hùng hồn cười nói: “Vi thần không sợ hãi.”
“Ta biết. Tể tướng sẽ không thực sự giết chết anh. Người như các anh chưa bao giờ sợ hãi cái chết. Giết anh sẽ chọc giận đồng loại của anh.” Tố Doanh nói: “Cho nên ta không khuyên anh trốn tránh.”
“Vậy rốt cuộc nương nương muốn vi thần làm gì ạ?”
“Muốn mời anh đi xem một cảnh tượng tráng lệ.” Tố Doanh gọi một tiếng về phía sau: “Vệ úy!” Bạch Tín Tắc ngẩng đầu đi lên trước, khom người hành lễ. Lý Hoài Anh biết người này là vệ úy cung Đan Xuyến, cấp quan cao hơn mình. Mặc dù y khinh Bạch Tín Tắc là một quan hoạn nhưng cũng hành lễ. Bạch Tín Tắc không chú ý vẻ khinh thường trên mặt y, thản nhiên đáp lễ.
“Lý đại nhân, mời đi theo y.” Tố Doanh nói: “Đến lúc đó sẽ biết là ta muốn anh nhìn cái gì.”
Lý Hoài Anh nửa tin nửa ngờ theo Bạch Tín Tắc lên ngựa, dưới sự bảo vệ của một đội quân tinh nhuệ xuyên cỏ vượt rừng, không bao lâu sau đã đi tới một bụi cỏ dài. “Xin Lý đại nhân xuống ngựa.” Bạch Tín Tắc nói.
Lý Hoài Anh vừa nhảy xuống ngựa đã bị cỏ dài che đỉnh đầu. “Không được đi lên trước nữa.” Tín Tắc vừa nói vừa đẩy bụi cỏ trước mắt ra cho y. Bụi cỏ dài chậm rãi hạ xuống thành một cái dốc thoải, từ trên cao nhìn xuống có thể thấy phía dưới có một nhóm người ngựa hừng hực khí thế rong ruổi ở phía xa. Cầm đầu là tể tướng Cư Hàm Huyền, tư thế khỏe mạnh hoàn toàn không thua gì thiếu niên.
“Đại nhân có thể thấy rõ không?” Tín Tắc hỏi.
“Thấy rất rõ ràng.” Lý Hoài Anh cảm thán: “Còn nhiều người đi theo hơn cả thánh thượng.”
“Vậy đại nhân có thể thấy mặt những người đó không?”
“Có thể nhận ra một ít.”
“Không nhận ra những ai thế? Để tôi giúp đại nhân.” Tín Tắc nói.
Lý Hoài Anh là người thông minh, vừa nghe liền hiểu: “Người mặc áo lam, cưỡi ngựa trắng chính là…”
“Đó là quận vương Uy Vũ, bởi vì ông của ông ta giúp thánh thượng lên ngôi nên nhà ông ta đã từng có thời đỉnh cao. Cô của ông ta là Trinh phi và Văn phi, bây giờ một chết một đi tu. Người chị là Di viện của ông ta đã từng sinh một hoàng tử, mẹ con đều tàn phế. Ông ta đã từng dẫn binh đánh trận, chiến tích bình thường, không có bản lĩnh gì đặc biệt hơn người. Trong nhà có một đứa con gái từng vào cung năm Từ Minh thứ bốn, sau đó bị đẩy đến Đông cung làm nữ quan. Chắc ngài cũng biết những chuyện ở Đông cung, có con gái ở cung cũng vô ích. Ông ta nương tựa vào tể tướng cũng là hành động bất đắc dĩ.”
Lý Hoài Anh lấy làm kinh hãi, không ngờ có thể nghe được lịch sử một nhà từ trong miệng một hoạn quan.
“Người cưỡi ngựa màu đỏ tía…”
“Y và người mặc quần lụa đen bên cạnh y đều là họ Tố ở Nam An, con em nhà Cung tần và Cảnh tần. Họ Tố Nam An có gia quy, trong nhà có bề trên bị bệnh thì lúc vui chơi đám thanh niên đều phải mặc quần lụa đen, nhắc nhở mình không được vui mừng quá mức. Mỗi lần tể tướng đi săn, bọn họ đều phải cổ vũ.” Tín Tắc dừng một lát rồi nói: “Nghe nói họ Tố Nam An có vàng đầy nhà là bởi vì ăn chia được từ việc buôn bán muối của Cư Vân Thùy. Đây là lời đồn đại thôi. Triều đình dùng sắc lệnh nghiêm cấm hai họ Duệ Tố chấm mút buôn bán trà rượu thuốc muối.”
Lý Hoài Anh nghĩ nhiều, hỏi: “Trong họ Tố Nam An, có người bệnh nghiêm trọng ư?”
“Quận vương Nam An trúng gió, tình hình không được tốt. Chỉ là tiền dùng nhân sâm đã đủ nuôi sống một huyện.”
Lý Hoài Anh lại hỏi lai lịch của mười mấy người, Tín Tắc đối đáp trôi chảy hết cả. Mọi người có liên can gì đến tể tướng, lại có lời đồn ra sao, quan hệ tốt với tể tướng để được chỗ tốt gì, hoặc là ngầm không vừa lòng với tể tướng thế nào, y đều biết cả thảy rõ ràng. Lý Hoài Anh thấy lúc y trả lời những điều này thì vô cùng thẳng thắn thành khẩn, bèn tiện thể hỏi: “Đại nhân có thể nói cho ta biết mưu tính của nương nương khi muốn ta đến đây không?”
Tín Tắc khoan thai trả lời: “Hai quân đối chọi, lúc binh đối binh tướng đối tướng, bắt giặc phải bắt vua trước là chiến thuật rất tốt. Nhưng đại nhân không nên quên, ngài và tể tướng không ở cùng vị trí ngang hàng, ngài dựa vào đâu để bắt hắn chứ? Muốn bắt vua, chi bằng bỏ chút công sức ở chung quanh hắn trước.”
Trước nay Lý Hoài Anh khinh thường coi rẻ hoạn quan, lúc này nghe y nói chuyện không khỏi thẹn thùng, lại không nhịn được mà hỏi: “Nếu hoàng hậu nương nương đã bỏ công sức ở đây thì vì sao vẫn ẩn nhẫn không phát ra chứ? Nếu như người nói cho thánh thượng, tể tướng kết bè kết cánh, ngạo nghễ đắc chí…”
Tín Tắc lại lấy giọng nói dửng dưng trả lời y: “Đại nhân nói ra những lời này đúng là không rõ tình cảnh của hoàng hậu nương nương! Thánh thượng không thích hoàng hậu khoa chân múa tay đối với chức vị quan trọng trong triều. Vả lại nương nương biết, chức vị tể tướng sớm muộn gì cũng phải bị thay thế nhưng người muốn tiếp tục ở lại trong cung. Thử hỏi, giả sử đại nhân trở thành vị tể tướng tiếp theo, trong cung có một hoàng hậu có thể nói đôi ba lời đã đẩy được ngài xuống thì ngài có thể yên lòng không?”
Lý Hoài Anh cúi đầu nói: “Nói như vậy, nương nương đang lợi dụng tôi?”
“Là lợi dụng ngài hay là trợ giúp ngài thì đại nhân hãy tự mình cân nhắc.” Tín Tắc lại nói: “Tôi không hiểu đại nhân, không biết sức hiểu biết của ngài có đủ để đi lại trong cung đình hay không. Giả sử là tôi thì tôi sẽ không từ chối ý tốt của nương nương, bằng không thánh thượng cũng sẽ cảm thấy đáng tiếc.”
“Thánh thượng sao?”
Tín Tắc mang theo ánh mắt hơi coi thường, nhìn người thanh niên không đủ giảo hoạt này: “Tại sao người lại dễ dàng tha thứ cho ngài mạo phạm tể tướng hết lần này đến lần khác? Vì sao mang ngài tới săn thú, lại để ngài ở lại nơi đóng trại chứ?” Y không khỏi tiếc nuối mà lắc đầu với Lý Hoài Anh: “Có đôi khi tấn công kẻ địch không cần giáo lớn uy mãnh mà là một cái gai nhọn đủ độc. Hoàng hậu nương nương giao cho ngài vô số gai, thánh thượng đang chờ ngài mang những cái gai này cho người xem. Xin chớ phụ lòng hai vị!”
Lý Hoài Anh nghe được, mồ hôi chảy ròng ròng. Y vẫn cảm thấy hoàng đế bị che đậy, hoàng hậu là người thần bí khiến người ta khó hiểu.
Hôm nay mới phát hiện, có lẽ là y hoàn toàn không hiểu nổi cái thế giới mà y dấn thân vào này.
Không lâu sau khi kết thúc việc đi săn mùa xuân, đợt phong trào vạch tội tể tướng lần thứ hai lại bắt đầu. Nhưng lần này không có rất nhiều tội trạng dong dài được bày ra mà chỉ liệt kê một cái: Tể tướng thông đồng quan chăn nuôi, mấy lần nói dối đám giặc cướp nước phía tây cướp mất đàn ngựa, thực ra ngựa do con cả của tể tướng bán vào nước nam, trước sau tổng cộng năm trăm ba mươi thớt ngựa. Từ đó lại lấy của cải thu được lén mua muối trắng của nước nam, do con thứ của tể tướng bán vào trong nước, kiếm chác món lãi kếch sù.
Lời lẽ nghe rợn cả người này vừa được nói ra, triều đình và dân gian khiếp sợ. Hoàng đế bổ nhiệm một gã khâm sai tra cứu việc này, tể tướng vừa thấy liền hiểu ba phần: Vị khâm sai kia họ Phùng, bởi vì cùng họ với vợ Lý Hoài Anh nên trước đây không lâu đã nhận Phùng thị làm con gái nuôi.
Rất nhanh, tất cả quan chăn nuôi được chỉ ra trong vụ án đều vào ngục của đài. Ngự sử đài biết tình hình, huống hồ còn oán hận tể tướng khó mà giải được nên dốc hết sức tra rõ việc này. Cư tướng từng xếp các quan lớn vào ngự sử đài. Các ngự sử hiểu rõ nhau, dứt khoát khiến bọn họ mất quyền lực, mạnh tay tra xét, rất nhanh quan chăn nuôi bèn thú nhận không kiêng dè về việc nói dối ngựa gặp cướp.
Cả nhà quận vương Nam An bị liên lụy, ban đầu thề thốt phủ nhận việc buôn bán muối trắng. Cung tần và Cảnh tần là kẻ xảo quyệt, lén căn dặn người trong nhà một mực chắc chắn chỉ là lấy ít muối từ chỗ Cư Vân Thùy, không biết muối tới từ nước nam để bản thân mình chỉ gánh một tội danh vi phạm lệnh cấm bán muối thôi.
Mặc dù buôn bán muối nước nam không phải tội nặng nhưng lại làm cho Vân Thùy ngơ ngác. Bấy nhiêu năm y chưa từng tự mình xử lý. Hàng năm chỉ xem ghi chép, các khoản mục rõ ràng không hề đáng nghi. Bây giờ xảy ra việc ấy, y cảm thấy oan uổng nhưng lại bó tay chịu trói. Còn lén buôn bán ngựa là tội chết. Nhưng lúc xuống chiếu lệnh đi bắt Cư Tinh Triển thì gã sớm đã trốn vào nước nam không rõ tung tích.
Con tể tướng mang tội trốn tránh càng làm thiên hạ náo động. Cư tướng thông minh cỡ nào, đương nhiên nhìn ra được hoàng đế muốn làm khó hắn ta.
Đám bè cánh bên cạnh hắn ta đã quen thói không chịu thua thiệt, lần này bị đả kích liền có người rục rịch, nêu ý kiến với tể tướng: “Tướng gia cúc cung tận tụy vì hoàng gia, một sớm bị nghi ngờ liền năm lần bảy lượt bị hãm hại. Tướng gia là nhân vật bậc nào chứ? Thiên hạ là do tướng gia bình định vì hoàng đế, triều chính là do tướng gia lo liệu thay hoàng đế. Tại sao phải nén cơn giận này? Chi bằng…”
Cư tướng chợt đổi sắc mặt: “Không được nói lời đại nghịch bất đạo như vậy nữa!”
Bạch Tín Đoan ôm quyền nói: “Tướng gia, bọn tôi không hề ba hoa chích chòe mà thật lòng cho rằng tài của tướng gia có thể xưng đế.”
Cư tướng cười lạnh nói: “Các anh muốn làm công thần thay đổi triều đại thì tìm minh chủ khác đi! Cư mỗ không ôm chí lớn, không nhìn ra hư danh hoàng đế có gì đáng ước ao. Ngồi ở chỗ đó phải nhận sự ràng buộc nặng nề, đi quá giới hạn của vị trí càng cho người khác lý do để công kích. Cần gì ham muốn một danh hiệu để rồi thân bại danh liệt?”
“Tướng gia, dường như hoàng đế đã sinh ra ý khác, không thể không đề phòng!”
“Lẽ nào ta không biết sao?” Cư tướng không nhiều lời với họ, chỉ lặng lẽ mời một vị quan đến bàn bạc một cách bí mật vào hôm ấy.
Nanh vuốt của hắn ta không được hắn ta cho phép nên ai nấy đều vứt cờ bỏ trống. Còn bản thân Cư Hàm Huyền thì chọn lấy một ngày, tóc tai bù xù, đi một bước dập đầu một cái, quỳ gối tới tận cung Ngọc Tiết.
Tố Doanh và hoàng đế đang ở trong cung, thấy thái dương hắn ta máu chảy đầm đìa, trên quần áo cũng loang lổ máu và nước mắt, hai người kinh ngạc mất một lúc.
“Bệ hạ minh giám! Tội thần quả thực từng thu nhận ngựa tốt mà quan chăn nuôi tặng. Nhưng mà lúc đó đều là sinh nhật của tội thần, vợ và con thần, quan chăn nuôi hoặc tặng hai mươi đôi, hoặc tặng ba mươi đôi ngựa giỏi, bất tri bất giác, quả thực con số trong mấy năm là đáng kể. Tội thần cho rằng chỗ ấy là của quan chăn nuôi, không đành lòng từ chối ý tốt, tuyệt không biết đây là do khai man bị cướp mà có được.”
Cư tướng nói xong thì than thở khóc lóc, lại nói: “Nếu nói tội thần vì buôn bán ngựa mà cấu kết với quan chăn nuôi thì càng làm người ta thấy vô lý đùng đùng. Bệ hạ đối đãi với thần bằng ân tình sâu nặng, ban thưởng liên tiếp, nhà thần có nô tỳ thành đàn, vàng ngọc đầy nhà. Mặc dù năm trăm thớt ngựa giỏi có một không hai nhưng cũng chỉ đáng vạn lượng vàng. Tội thần cần gì vì vạn lượng vàng mà chặt đứt con đường thênh thang phía trước? Thằng con hư Tinh Triển kia có ánh mắt thiển cận, thấy lợi là tối mắt, lại đem chỗ ngựa đoạt được buôn bán cho nước ngoài, chỉ hành động ấy cũng đủ để trời tru đất diệt, tội thần đã cảnh cáo trước thiên hạ, đuổi ra khỏi nhà. Từ nay về sau tội thần sẽ không màng đến việc sống chết của Cư Tinh Triển nữa.”
Hắn ta dập đầu hết lần này đến lần khác, thậm chí máu còn nhuộm cả nỉ lam, miệng không ngừng nói: “Về thằng con hư Vân Thùy, những năm gần đây giao việc buôn bán cho người dưới xử lý, lười tham dự vào. Chuyện lén bán muối trắng thật sự là do người hầu xảo trá tự chủ trương. Nương nương cũng biết Vân Thùy là đứa đần độn, không dám vượt khuôn thước nửa bước, sao lại làm ra việc cả gan làm loạn cỡ ấy được? Tội thần không biết dạy con, tự nguyện chịu phạt. Nhưng xin bệ hạ nhìn rõ mọi việc, trả lại trong sạch cho Vân Thùy.” Rồi lại nói với Tố Doanh: “Vân Thùy chính là cha ruột bốn đứa cháu ngoại của nương nương, xin nương nương động lòng trắc ẩn vì con trẻ.”
Tố Doanh chưa từng thấy hắn ta chật vật như vậy, nhưng nàng cũng biết, nếu như buông tha cho hắn ta lúc chật vật thì hắn ta sẽ lập tức tinh thần phấn chấn trở lại. Đến lúc đó, kẻ hại hắn ta chật vật một khắc sẽ phải muôn đời muôn kiếp không trở lại được. Sự kiềm chế của hoàng đế tốt hơn nàng, có thể ôn hòa hỏi han tể tướng: “Đài viện vẫn chưa kết luận, tể tướng không cần buồn rầu. Về phủ điều dưỡng vết thương, yên lặng đợi tin tức đi.”
Tể tướng lại lạy lia lịa rồi mới rời cung Ngọc Tiết. Đám hoạn quan nhanh nhẹn chuyển tấm nỉ bị nhuộm máu đi. Tố Doanh khẽ than thở: “Suy cho cùng bệ hạ vẫn là bệ hạ.”
“Làm sao?”
“Người ngoài cho rằng bệ hạ bó buộc tể tướng hai mươi năm, cho rằng tể tướng một tay che trời. Nhưng bệ hạ chỉ búng ngón tay một cái thì trời quang mây tạnh ngay.”
“Hoàng hậu, đó không gọi là ‘bó buộc’ đâu! Đó gọi là ‘buông thả’.” Hoàng đế cười giảo hoạt, nắm lấy vai Tố Doanh, nói: “Ta buông thả hắn, không phải vì gần gũi tin cậy hắn hoặc là sợ hãi hắn mà là ta hiểu hắn. Hắn sẽ không sinh ra ý nghĩ giành ngai vàng, hắn thích ngồi ở vị trí tể tướng mà ra lệnh.”
“Nhưng để tể tướng một mình nắm lấy quyền lực triều chính… không phải là chuyện tốt lành gì.”
Hoàng đế nhún vai, nói: “Quả thực là một mình hắn chuyên quyền việc đúng sai của triều đình. Bình tĩnh mà xem xét thì hắn là kẻ rất có thủ đoạn, cũng có năng lực quyết đoán việc lớn. Người mà hắn tuyển dụng cũng có kẻ hiền biết tròn biết méo, đồng thời rất nhiều quyết định mà hắn đưa ra đúng hợp ý ta.”
Hắn lại lộ ra nụ cười xảo trá: “Việc ấy không phải là rất tốt sao? Tể tướng đang nắm quyền, thiên hạ sẽ không tuyệt vọng, gặp phải bất mãn sẽ luôn nghĩ rằng, ‘Chỉ cần đổi tên tể tướng xấu xa này thì mọi thứ đều sẽ trở nên tốt đẹp’. Cho nên trong vòng một năm hắn bị ám sát bốn lần, còn ta thì mười năm cũng không có bốn lần.”
Hắn lẳng lặng chăm chú nhìn vào đôi mắt Tố Doanh, mấp máy môi: “Nếu như mất đi tấm bình phong này, mọi người sẽ nghĩ ra sao? ‘Đều là vì hoàng đế không có năng lực, đổi một người khác lên làm hoàng đế, mọi thứ đều sẽ trở nên tốt đẹp’…” Tố Doanh chợt run lẩy bẩy.
Hoàng đế nói một cách hiu quạnh: “Không phải hắn vẫn lừa ta. Là ta vẫn luyến tiếc hắn. Diệt trừ hắn có chỗ tốt gì? Triều thần phản đối hắn sẽ thay thế hắn, làm chuyện hắn đã làm. Tự xưa đến nay đều là như thế.”
“Bây giờ nàng sẽ không nói ‘Suy cho cùng bệ hạ vẫn là bệ hạ’ nữa chứ?” Hắn nhìn Tố Doanh mỉm cười, “Ta và hắn chẳng qua là hai tên ích kỷ. Hắn không muốn coi trời bằng vung, còn ta không muốn gánh chịu tất cả trách nhiệm và sai lầm…”
Tố Doanh cụp mắt, yếu ớt bảo: “Trước đây bệ hạ chưa bao giờ nói những điều này với thần thiếp.”
“Trước đây không cần nói với nàng những thứ này.” Hắn khẽ khàng nói một câu.
“Bệ hạ dự định xử trí tể tướng như thế nào?” Tố Doanh hỏi: “Trước sau gì thì hắn vẫn là cựu thần nhiều công lao.”
Hoàng đế suy nghĩ một lát rồi bảo: “Có lẽ để hắn làm một chức quan nhỏ thôi.”
Tể tướng ra khỏi cung Ngọc Tiết, buồn bã suốt dọc đường. Lúc sắp đi ra khỏi cửa cung, có người thở hồng hộc đuổi theo, gọi một tiếng: “Tướng gia.” Hắn ta quay đầu thấy một gã hoạn quan nhỏ bên cạnh Phan công công.
Hoạn quan này không hề tầm thường ở trong cung Ngọc Tiết nhưng tể tướng lại hiểu biết về y. Y lấy ra một dải lụa trắng cho tể tướng, nói: “Mời tướng gia dùng.” Tể tướng dùng lụa trắng nhẹ nhàng che lên vết thương. Tuy không thấy vết thương nữa nhưng mặt vẫn cứ lạnh lùng nghiêm nghị. “Bọn họ nói như thế nào?”
Hoạn quan nhỏ gục đầu xuống, thấp giọng nói: “Nói là muốn giáng chức của tướng gia.”
Tể tướng khó thở tức ngực, vội vàng hít sâu hai cái, mới thản nhiên nói: “Đa tạ anh đã báo tin.” Hắn ta trả lụa trắng nhuốm máu cho hoạn quan nhỏ, còn nói: “Làm phiền anh nhất định phải đưa vật này cho Triệu lệnh nhân trong cung Ngọc Tiết. Nàng ấy có tình cảm qua lại với ta. Lần này ta đi, e rằng kiếp này không còn duyên vào cung nữa, để lại lụa trắng cho nàng ấy thấy vật nhớ người.”
Hoạn quan nhỏ từng chịu ơn của tể tướng, thường lén thuật lại lời của hoàng đế cho hắn ta – đây đã là tội lớn tiết lộ bí mật trong cung. Nhưng đến nay chưa từng lén chuyển bất kỳ vật gì vì hắn ta.
Lúc này thấy tể tướng tự tay đưa lụa trắng cho, vẻ mặt chân thật đáng tin, hoạn quan nhỏ chỉ đành nhận lấy, cũng không hỏi Triệu lệnh nhân là ai. Từ trước đến nay y hầu hạ trước mặt vua, mặc dù không biết quá nhiều lệnh nhân trong hậu cung nhưng cũng biết nữ quan trong cung tuy nhiều, song nữ quan khác họ thì cực ít, bên cạnh hoàng đế thì càng chủ yếu là hai họ Duệ Tố. Nghe ngóng qua loa thì biết là Triệu lệnh nhân là lệnh nhân hầu việc ăn uống trong cung Ngọc Tiết. Hắn không muốn phụ sự nhờ vả của tể tướng, bèn giao lụa trắng cho Triệu lệnh nhân nhưng trong lòng thầm lẩm bẩm, không biết tể tướng và lệnh nhân hầu việc ăn uống có dây mơ rễ má gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.