Bộ Thiên Ca

Chương 14: Sao chổi




Từ hôm đông chí các quan viên lớn nhỏ đã bọc ấn quan lại, nghỉ ba ngày cùng qua đông chí với người nhà. Hạng vương hầu nhàn tản có tước mà không quan giống như Bình vương vốn đã nhàn rỗi không có chuyện gì làm, gặp được ngày lễ thì tất nhiên là bỏ hết tinh thần ra để lo liệu, mời tất cả các con trai đã mở phủ và con gái đã lấy chồng về đoàn tụ. Lúc Tố Trầm và Tố Táp đi tới không muộn cũng không sớm, cô tư là Tố Huệ cũng đã cùng chồng mang theo lễ hậu tới chào từ lâu, duy chỉ có Tố Lan từ chối một câu “Sao cha lại hồ đồ thế? Con là dâu của tướng phủ, tất nhiên phải đoàn tụ ở nhà chồng rồi”, từ đầu đến cuối không lộ diện.
Thiếu cô con gái lên mặt nạt người lại còn mắt sắc miệng điêu này, Bình vương lại càng vui vẻ hơn, ngồi không yên cười to nói lớn, cổ vũ các con uống rượu làm thơ. Ba đứa con thơ của ông năm nay đã mười hai tuổi, thường ngày nuôi ở trái nhà riêng chuyên tâm đọc sách tập võ, hôm nay tới nhà đoàn tụ. Bình vương có ý định kiểm tra bọn họ nhưng bản lĩnh của mình cũng có giới hạn, bèn đẩy việc lên trên hai người con trai đã trưởng thành. Nếu như Tố Trầm có con cái thì tuổi tác chắc cũng không chênh lệch với các em trai là bao, vì vậy thân thiết lạ thường đối với ba đứa bé ấy, tuy nhìn ra tư chất trời sinh của họ có hạn cũng không làm khó ở trên buổi tiệc. Trong lòng Tố Táp có chuyện nên qua quýt ứng phó vài câu, không xoi mói gì. Một bữa cơm hoà hợp êm thấm, chợt người hầu báo lại nói cô Nhân từ trong cung trở về đoàn tụ. Bình vương đang thích thú, vui vẻ nói: “Nào nào nào, thêm bộ bát đũa trên bàn của các phu nhân.” Mấy vị phu nhân và Tố Huệ dùng cơm ở một bàn khác nghe xong lời này đều không vui vẻ gì.
Chỉ chốc lát Hiên Nhân đã đi tới hành lễ với chư vị đang ngồi, tai miệng cô ấy đều khiếm khuyết, lễ xong thì đứng ngẩn ngơ không dám động đậy. Bà vợ cả Duệ thị bệnh lâu không khỏi, hôm nay lấy tinh thần ngồi vào vị trí vẫn luôn không có sức mà nói nhiều, lúc này quan sát Hiên Nhân từ trên xuống dưới, cười nhạt giả bộ lẫn: “Cô Nhân nào? Các em đã có thêm vị thiên kim không biết nói này từ bao giờ thế? Sao nuôi lớn như vậy rồi mà tôi vẫn không hay biết?” Bà bảy Bạch Tiêu Tiêu cười nói: “Phu nhân chê cười rồi. Không phải nó là con bé từng hầu hạ nương nương đó sao? Vương gia niệm tình nó hết lòng hết dạ nên nhận làm con nuôi đấy.”
Bà Duệ buông chén đũa xuống, tức giận nói: “Ở nhà nương nương là tiểu thư, nó là kẻ hầu, dốc lòng hầu chủ không phải là bổn phận của nó ư? Vương gia đãi nó hậu đã là ban ơn hiếm thấy rồi, hôm nay lại muốn ngồi chung với đám chúng ta?” Bà ta vừa nói vừa trợn mắt về phía Hiên Nhân: “A Huệ và A Lan mới có thể ngồi cái bàn này, bao giờ đã đến lượt cô?” Tai Hiên Nhân không nghe thấy nhưng xem sắc mặt của bà Duệ cũng biết không ổn, cả người run run tay chân không biết để đâu.
Bình vương nói một câu vui vẻ lại đổi lấy sự mất mặt, trong lòng chán ghét vợ cả tính toán, nhưng lại sợ làm tức chết bà già này thì sau có rất nhiều phiền phức, chỉ có thể tự hầm hừ nín nhịn đến xanh cả mặt. Tố Táp thấy thế nói: “Đa tạ cha ban cơm, con đã dùng xong, xin cho con rời khỏi chỗ.” Dứt lời hắn đứng lên nói với Hiên Nhân: “Đi ra với tôi.” Có lẽ Hiên Nhân đoán được ý của hắn, đi theo Tố Táp như thể thấy cứu tinh.
Bọn họ mới vừa bước ra ngoài, bà Duệ đã ngoài cười nhưng trong không cười nói: “Hay rồi, lại để cậu ta ban ơn.” Bình vương không nhịn được mà cả giận nói: “Táp nhi chọc tới bà chỗ nào hả?” Thực ra ông cũng biết từ khi Tố Doanh được phong hậu, Tố Táp được phong vương mở phủ, đông như trẩy hội, Tố Trầm – con trai bà Duệ – là con trai trưởng còn là phò mã lại không sánh bằng vinh quang của Tố Táp, trong lòng bà ta bất bình đã lâu.
Thấy ông nổi giận, bà Duệ lập tức không nói gì Tố Táp nữa, xoay mặt cười nói với Tố Huệ: “Con có thấy không? Quần áo cô Nhân kia mặc còn tốt hơn con!” Tố Huệ không muốn sinh sự, mỉm cười nói: “Đó là nương nương niệm tình cô ấy khổ cực thưởng cho đấy. Tất nhiên không phải thứ trang phục bình thường có thể so sánh.” Bấy giờ bà Duệ lại cười nhạt: “Người từng mắc chứng hoang tưởng, bất kể đến chỗ nào thì suy nghĩ đều không giống người khác. Chị mình thì vẫn thế này, mà người lại để một con nhóc làm việc vặt biến thành thiên kim tiểu thư.”
Bình vương nghe thấy bà ta lại bắt đầu nhắc lại chuyện cũ của Tố Doanh, cuối cùng giận không kiềm được nữa: “Bà còn nhắc tới việc này làm gì? Người sống cả đời ai không mắc bệnh bao giờ? Lời này của bà có phải là còn hận tôi từ chối việc hôn nhân nhà em bà không? Con gái của tôi sinh bệnh một lần thì nên gả cho cháu bà? Tuy thằng ranh kia rất khỏe mạnh, đáng tiếc sinh ra như kẻ đầu óc thiểu năng!”
“Ô kìa? Giận rồi?” Bà Duệ cũng không chịu nhường, lại nói châm chọc, “Không nói thì không nói, tránh để ông báo lên trên rồi hoàng hậu nương nương tới trị tội chúng tôi. Đám chị em chúng tôi không có ai sinh ra người, ai biết trong lòng người có xuyên tạc lời chúng tôi đã nói hay không?”
“Còn không câm miệng!” Bình vương giận dữ, ném đũa ngọc trong tay đánh cái bốp xuống mặt đất, lập tức vỡ thành vài đoạn, dọa mọi người đua nhau cúi đầu. Tố Trầm vội vàng giảng hòa, nói: “Chắc là mẹ mệt rồi, xin cha để con đưa mẹ vào nghỉ ngơi.” Bình vương ước gì vợ sớm ra khỏi ghế nên nhanh chóng phất phất tay để cho bọn họ đi ra ngoài, lại dặn dò người khác mọi người dâng bát đũa.
Bà Duệ vịn cánh tay của Tố Trầm đi từng bước về chỗ mình ở, còn chưa đi được mấy bước đã nghe thấy trong phòng lại văng vẳng tiếng nói cười, trong lòng đã không vui, lại nhìn thấy người hầu bưng cơm nước đi về phía viện của Tố Doanh trước khi xuất giá, biết nhất định là Tố Táp sai người làm cho Hiên Nhân. Bà ta oán hận chỉ vào viện của Tố Doanh, nói: “Con xem, trong mắt của thằng ba còn có lời giáo huấn của mẹ nữa không? Lại để một con nhỏ hèn mọn mở tiệc ở trong viện của tiểu thư!” Tố Trầm khoan dung khuyên nhủ: “Mẹ quá nhạy cảm rồi. Dù sao Hiên Nhân cũng là con nuôi của cha, hôm nay ngay cả một bữa cơm cũng không chia cho thì chẳng phải là khiến người ta coi thường nhà mình ư? Em ba luôn cân nhắc chu toàn, cũng mang theo suy nghĩ này mà thưởng một bữa cho cô ấy. Vài món thức ăn mà thôi, mẹ cần gì phải giận?”
Bà Duệ vẫn lải nhải: “Không ngờ hai anh em lén lút giống như con chuột này lại còn có tiền đồ để so với con. A hoàn cũng theo đó mà thay da đổi thịt rồi.” Tố Trầm vội nói: “Mẹ nhất định không được nói thế nữa.”
“Cha con không cho nói là ông ấy bao che khuyết điểm. Con gái của Thu Uyển Âm chỉ có ông ấy được chỉ trích, không có phần của người khác. Hai mẹ con ta nói với nhau thì sợ gì?”
Tố Trầm nghiêm mặt nói: “Nương nương phúc lớn bằng trời, làm nhà ta huy hoàng. Không phải nhờ vậy mà mẹ được gia phong cáo mệnh phu nhân ư? Về sau không thể nói những lời thiển cận thế này trong bữa tiệc nữa.”
“Ánh mắt mẹ thiển cận nhưng thế nào cũng không nuốt trôi việc này.” Nụ cười trên mặt bà Duệ biến mất, lạnh lùng nói, “Mẹ lớn tuổi rồi, bản thân được lệnh phong hay không cũng không sao cả, chỉ mong con đều đứng đầu mọi việc. Con là huyết thống chính tông của hai nhà Duệ Tố, lại là con trai trưởng, còn là chồng con gái trưởng của đương kim thánh thượng. Thằng ba là một đứa con trai của một ả ti tiện thổi sáo trong đội nhạc mà bây giờ đã chói lọi bằng con, chờ hôn sự của nó và công chúa Thịnh Nhạc được định ra thì còn có người nào coi quận vương Đông Lạc như con ra gì?”
Tố Trầm cười nói: “Mẹ lại nữa rồi! Cần gì tính toán chi li như thế?” Hắn ta đưa mẹ tiễn trở về phòng nghỉ ngơi rồi xoay người đến viện nhỏ của Tố Doanh, thuận tay đóng chặt cửa. Hiên Nhân đang ăn, Tố Trầm không làm kinh động cô ấy, kéo tay Tố Táp vào trong viện, hỏi: “Thế nào?”
Tố Táp đưa một trang giấy cho hắn ta nói: “Đây chính là thứ mà nương nương bảo Hiên Nhân mang ra ngoài.”
“Thơ?” Tố Trầm thấy dưới tiêu đề mỗi một bài đều ghi chú rõ tác giả, bên trái còn dùng chữ nhỏ phê bình chú giải thơ nào thì nên ban thưởng gì. Thì ra là thơ ngày hội mùa Đông mà đám triều thần làm ở lầu Phi Vũ. Không ít thơ khâm phục tể tướng, khinh thường Đông cung nhưng Duệ Tuân vẫn luôn tỏ thái độ khoan dung, không so đo thơ nịnh hót tể tướng, vẫn thưởng hậu cho tác giả. Việc khen thưởng hôm đó cũng không nằm ngoài dự đoán.
Tố Trầm nhìn một hồi rồi nói với Tố Táp: “Ý của nương nương rất rõ ràng, cứ làm theo ý này đi.”
Tố Táp lập tức đi ra ngoài chốc lát, sau khi trở về thì nói với Tố Trầm: “Vệ hầu, Hành hầu nguyện dốc sức tương trợ.”
Lúc này Hiên Nhân đã ăn cơm xong, hào hứng chạy đến nói lời cảm ơn với Tố Táp, vừa lúc thấy hai anh em họ nói thầm mà sắc mặt nghiêm túc. Cô ấy hơi sợ Tố Trầm, không dám tiến lên. Tố Trầm lại cười nói với cô ấy: “Phu nhân không biết cô khổ cực, cô chớ vì lời bà ấy nói mà buồn.” Tố Táp cười nói: “Anh cả, cô ấy không nghe được âm điệu đó của anh đâu.” Tố Trầm “à” một tiếng, vẫn thấp giọng nói: “Tôi biết em ba và công chúa Thịnh Nhạc tình sâu nghĩa nặng, không lâu sau sẽ thành hôn. Nếu trong lòng em đã khinh thường người xuất thân từ nô tỳ thì cần gì phải để họ hiểu lầm? Hiên Nhân cũng là người thành thật, nếu như em không có ý nhận cô ấy thì đừng làm cô ấy lỡ dở.” Hắn ta dừng một lúc lại nói tiếp: “Gần đây cô ấy đi lại trong ngoài cung quá nhiều, mấy ngày nay tốt nhất là ở nhà tránh tai mắt của người khác.”
Tố Táp bị hắn ta nói thì cúi đầu xuống. Lúc này Hiên Nhân kêu “a” một tiếng, chỉ vào bầu trời. Tố Trầm Tố Táp nghe tiếng nhìn lên, cũng cả kinh nói: “Ôi, cảnh tượng này… thật không tầm thường.”
Hai người đế hậu ở trong cung Ngọc Tiết vừa nấu rượu bình phẩm thơ, vừa chuyện phiếm suốt đêm. Tố Doanh nhớ ra từ tối đến khi mặt trời mọc ngày hôm sau, quan coi sao phải xem sao đo mây, dự liệu cát hung của năm sau. Nàng thấp giọng lẩm bẩm nói: “Chỉ mong tối nay bình an vô sự.” Lời này khiến hoàng đế nhìn lên trên cửa sổ.
Vừa lúc gió yên mây lặng, ánh trăng lồng trong tuyết xa xa, chiếu lên giấy dán cửa sổ phản chiếu sáng như ban ngày. Hoàng đế sai người chuyển giường ra trước cửa sổ ngắm trăng, chợt thấy trên vòm trời đột nhiên có ánh sáng trắng lóe lên tựa như một thanh đao báu bằng tuyết sắc bén cắt xuyên qua màn trời xanh thẫm, vầng khí lạnh nhuộm ra một cái đuôi dài mà tản mạn. Tố Doanh bật thốt lên: “Sao chổi!” Trong lòng biết rất không lành, lén nhìn chồng, thấy hắn chăm chú nhìn kỹ chỗ mà sao chổi đã đi qua, kinh ngạc nhìn một hồi mới thờ ơ cười nói: “Ngày mai nghe thử quan coi sao phân giải thế nào.”
Tiêu phí thời gian tới đêm khuya, Tố Doanh không chịu nổi mệt mỏi, dựa ở bên giường chống cằm ngủ gật. Công công họ Phan thấy hoàng đế không hề biểu thị thì quỳ hỏi: “Thời gian không còn sớm nữa, bệ hạ để nương nương nghỉ ở bên trong hay là bên ngoài ạ?” Tố Doanh vẫn thầm hiểu trong lòng, muốn nói “Dìu ta ra bên ngoài” nhưng mồm miệng lại cứ không nghe sai khiến, cơ thể cũng nặng đến mức không thể nhúc nhích.
Trong mơ màng có người cởi trâm vòng cho nàng, nâng nàng đứng dậy. Tố Doanh chỉ cảm thấy dưới chân nhẹ bẫng, đối phương không mất nhiều sức đã đặt nàng ở trên giường ngự. Nàng mơ hồ gọi một tiếng “Bệ hạ…” nghe hắn bình yên nói: “Ngủ đi.” Lúc Tố Doanh nghiêng người ngón tay chạm phải vật cứng vô cùng lạnh. Trong lúc mơ màng nàng còn chưa nghĩ ra là cái gì, vật kia đã bị lấy đi, chỉ nghe tiếng ngọc lanh canh, như là đang treo trang sức quý giá.
Xung quanh yên tĩnh không biết bao lâu, đèn lớn tắt thì thay bằng nến nhỏ, nến nhỏ cũng tắt mất, duy chỉ còn ánh trăng xa xăm. Tố Doanh ngủ trong chốc lát bỗng tỉnh lại, cảm thấy trong cung có bóng người lay động, kèm theo tiếng leng keng có tiết tấu, dường như là chồng nàng đang đi đi lại lại.
Thường ngày hắn luôn nằm hoặc ngồi ở trên giường, đã có thể một mình đi lại từ bao giờ? Tố Doanh thầm lấy làm lạ, muốn đưa tay sờ thử xem hắn có ở bên hay không, càng lạ hơn là dường như cơ thể bị nhốt ở trong mộng, bất kể thế nào cũng không động đậy được. Giãy giụa mấy lần không có kết quả, lại nghe được tiếng soàn soạt – công công họ Phan nói: “Vô cùng chính xác ạ. Phu nhân Vệ hầu và phu nhân Hành hầu…” Ngữ điệu lão chợt thấp xuống, lại qua một hồi, hoàng đế than một câu: “Biết rồi. Đông cung đã nghỉ ngơi chơi?” Công công họ Phan nói: “Có l đã nghỉ ngơi rồi ạ.” Hoàng đế lại nói: “Để bọn họ về đi, đợi ngày mai…”
Tố Doanh mơ hồ biết có người gặp rắc rối, khẽ cười lạnh rồi ngủ mất. Lúc tỉnh dậy, đồng hồ nước vừa mới qua số năm.
Trong bóng tối của buổi sớm mùa đông, một khối ánh sáng nhu hòa chiếu lên màn giường. Nương theo ánh sáng yếu, Tố Doanh nghiêng người nhìn hoàng đế bên cạnh. Hơi thở của hắn như có như không, làm cho trái tim của nàng chợt bị thít chặt. Một hồi lâu, cuối cùng khi nhìn thấy mí mắt của hắn rung rung như đang run rẩy trong ảo mộng lúc nông lúc sâu, nàng mới thở phào.
Dưới ánh nhìn chăm chú của nàng, hắn nhẹ nhàng rung động lông mi, mở mắt hỏi nàng: “Lại đang nhìn cái gì đấy?” Tố Doanh không đáp, đắp kín chăn gấm cho hắn, dịu dàng bảo: “Bệ hạ ngủ một lát nữa đi.” Hắn lắc đầu cũng ngồi dậy.
Lúc Tố Doanh ngồi trước gương trang điểm liền nương theo ánh sáng của hai ngọn đèn thỉnh thoảng nhìn lén hoàng đế qua gương. Không biết hắn đang suy nghĩ gì, bóng người trầm tư phản chiếu vào mặt gương vàng óng, giống như sự âm u bất động trong hổ phách.
“Tối hôm qua, Vệ hầu và Hành hầu xảy ra vài chuyện.” Hắn vừa khoác áo ở trên giường ngự vừa nói, “Hai vị phu nhân nửa đêm kêu oan, nói sau khi bọn họ ăn tiệc xong khi về nhà không ngừng nôn mửa, ngực bụng quặn đau, trong chốc lát tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Thầy thuốc bó tay chịu trói, không biết là triệu chứng gì. Bệnh phát quá kỳ quặc, các phu nhân không chịu bỏ qua. Cửa cung cấm không cho mở, họ lại quỳ gối trong tuyết, muốn đợi hừng đông để gặp ta.” Tố Doanh lấy làm lạ hỏi: “Mùa xuân năm nay tướng gia bị đâm cũng chưa từng đến tâu vào ban đêm vì sợ kinh giá. Họ tội gì phải làm khó mình?”
“Hai vị phu nhân kia nổi danh là tính tình cương liệt, mặc áo trắng kêu oan, đã có quyết tâm tuẫn táng theo chồng. Họ là chị họ của ta, lại là cáo mệnh phu nhân được gia phong, người gác cổng không dám coi như chuyện bình thường, lặng lẽ truyền tới Phan công công. Phan công công thấy ta không ngủ, mới bẩm báo theo sự thực.”
Tố Doanh càng ngạc nhiên: “Chẳng lẽ họ nghi trúng độc ở trong cung?” Hoàng đế liếc Tố Doanh một cái sâu xa, nói: “Nàng đều gặp người làm thơ hôm qua cả rồi. Thơ mà Vệ hầu Hành hầu làm ngầm giễu cợt Đông cung, mặc dù như thế, Tuân vẫn tự mình cầm chén ban rượu. Sau khi uống rượu nó ban cho, ai nấy đều bạo bệnh một loạt chẳng phải quá khéo ư?”
Lúc này gian ngoài thông báo người trong cung Đan Xuyến đã quỳ đón hậu giá. Hoàng đế gọi Tố Doanh đến ngồi xuống bên cạnh, cầm tay nàng lên dịu dàng nói: “Tối hôm qua ta đã dặn dò, đợi thái tử dậy thì bảo nó tới. Lát nữa nàng ở lại chỗ này.”
Sau khi Duệ Tuân về kinh không lâu liền gặp quận vương Lan Lăng bị đâm, hai hầu gia Vệ, Hành trúng độc, người xảy ra chuyện đều không cùng lập trường với y. Đương nhiên Tố Doanh biết người đa nghi sẽ suy đoán thế nào. Hoàng đế để nàng tham dự việc này chẳng qua là muốn người ngoài hiểu được hậu cung đứng ở phe của thái tử. Nàng chân thành cười nói: “Thiếp đương nhiên nên làm hết sức mọn.” Dứt lời nàng ra khỏi màn dặn dò đám nữ quan chờ.
Thôi Lạc Hoa đứng đầu khẽ gọi một tiếng “nương nương”, đưa lên một phong thư nhỏ. Trong sáp ong trộn lẫn bột phấn hai màu vàng lam, chính là thứ Tố Táp đặc chế lúc tòng quân, dùng để niêm phong mật lệnh được truyền đi. Tố Doanh xoay lưng lại mở thư ra, thấy phía trên có chữ cực nhỏ viết rằng: “Đêm qua sao chổi xâm phạm tới Thái Vi, nay theo như “Thánh hiệp phù” tấu ‘Thần mưu chủ’. Tuy không quá liên quan nhưng phải cẩn thận, nhớ lấy nhớ lấy[1].”
[1] Câu nguyên văn trong Thánh hiệp phù là: “Thái bạch nhập phạm nhiếp đề, binh khởi mãn dã, cường thần mưu chủ. Nhược thủ vệ thần hữu mưu, kỳ nhị niên.” (Thái Bạch xâm phạm Nhiếp Đề thì binh biến không ngớt, bề tôi lộng hành mưu toan với chủ. Nếu bề tôi canh giữ mà có mưu thì trong kỳ hạn hai năm.)
Dân gian mà lén tự học thiên văn thì chính là tội lớn, Tố Táp biết giải thích cách đi của ngôi sao tất nhiên là do gần đây kết giao với quan coi sao. Hiện tượng thiên văn có lúc có thể ảnh hưởng một ít đến hướng đi, quan coi sao giải thích hiện tượng trên trời gánh vác vai trò vô cùng quan trọng trong đó. Tố Doanh mừng thầm vì Tố Táp đã kết giao với quan coi sao, đè thấp giọng hỏi: “Cái này đến từ lúc nào?” Thôi Lạc Hoa nói: “Hiên Nhân vừa rồi mang vào.” Tố Doanh gật đầu, đốt tờ giấy trên đèn cung đình của Thôi Lạc Hoa. Giấy này cũng được chế tạo đặc biệt, hơi dính nước lửa thì sẽ biến mất ngay, “phù” một cái hóa thành một sợi khói trắng không còn tung tích.
Chỉ chốc lát sau ánh sáng nhạt mới chiếu xuống, Duệ Tuân vào cung hỏi thăm vua, bình tĩnh nói rõ chuyện tiệc rượu mùa Đông vì mình. Hoàng đế an ủi vài câu, bỗng nhiên xoay mặt hỏi Tố Doanh: “Hoàng hậu thấy thế nào?”
Tố Doanh không ngờ hắn lại hỏi suy nghĩ của mình, may mà trong lòng đã có chủ ý, không hề hoang mang mà đáp: “Việc này làm mưa làm gió khắp thành đương nhiên không hay. Thế nhưng hai vị phu nhân hầu tước mặc áo trắng dâng thư máu kêu oan, không chịu để yên. Theo thiển kiến của thiếp, việc này không thích hợp kéo dài lâu, soạn chiếu lo vụ án, thẩm tra không được cứ trách phạt Đại Lý Tự Khanh, cũng coi như có lời bàn giao lại đối với Vệ hầu Hành hầu.”
Lời nàng vừa dứt, Duệ Tuân liền không đồng ý: “Hai vị hầu gia bị bệnh còn chưa biết có phải ngẫu nhiên hay không. Nào có chuyện nguyên nhân bệnh vẫn chưa rõ mà đã soạn chiếu lo vụ án?” Tố Doanh liếc mắt nhìn y, nói tiếp: “Trữ quân một nước vượt vào việc này đã khó xử rồi, nếu như làm qua loa lấy lệ sẽ càng có hiềm nghi không thể hóa giải ở đây. Chi bằng chính miệng điện hạ thỉnh cầu triều đình xử lý công bằng, mới lộ rõ cõi lòng sáng trong của điện hạ.”
Duệ Tuân cười nói: “Nhi thần chịu chê trách thế nào vẫn là thứ yếu. Hành động của hoàng gia ảnh hưởng khôn cùng. Chiếu thẩm tra vừa ra thì người ta đều cho là hai vị hầu gia bị hại ở trong cung. Cung đình vốn là nơi tôn quý nhất lại ra chuyện xấu xa này, sẽ dẫn tới phản ứng thế nào, nương nương có từng nghĩ đến chăng?”
Một người nói thật chính đáng vô tư, một kẻ nói thật đường hoàng, bọn họ không hẹn mà cùng nhìn phản ứng của hoàng đế, thấy hắn chẳng buồn ngó đến đoạn đối thoại này, dường như đều không hài lòng với đôi bên. Vì vậy, Tố Doanh uyển uyển nói một tiếng “Đàn bà kiến thức có hạn” rồi không nhiều lời nữa, Duệ Tuân cũng khiêm tốn nói: “Nương nương dùng nhiều tâm sức để suy đi tính lại. Nhi thần mạo phạm, mong nương nương thông cảm.”
Hoàng đế nửa nằm ở giường, mỉm cười nhìn hai người bọn họ một đối một đáp, không nói câu nào. Tố Doanh và Duệ Tuân đều muốn nghe hắn có kiến giải gì, nhưng hắn chỉ gập đầu gối nằm ngửa ở trên giường, mặt mày điềm tĩnh. Trong cung yên tĩnh một lát, hắn cười một tiếng ngắn ngủi, nói: “Mồng một Tết mở chiếu kinh mời cao tăng, phải vào cung trước thời hạn bốn mươi chín ngày. Có phải là hôm nay không?”
Hắn bỗng nhiên thay đổi đề tài, Duệ Tuân ngây ra rồi mới nói: “Đúng ạ.”
Hoàng đế lại nói: “Vừa rồi ta đang suy nghĩ, sao chổi đi ra ban đêm là chỉ trời giận. Gần đây thân thể chuyển tốt, phải tự mình cầu khẩn mới không khinh nhờn thần linh nữa. Nhưng mà suy nghĩ lại thì chiếu kinh còn hao tổn tinh thần hơn là tiệc mùa Đông, vẫn giao cho con vậy.” Hắn dừng một lát rồi lại nói: “Con cẩn thận mà làm chuyện này đi. Phải thành tâm lễ kính, nhất là phải để ý lời nói, không được chậm trễ. Nếu chuyện của Vệ hầu Hành hầu không có liên quan gì đến con thì từ hôm nay con cũng không cần hỏi tới nữa.” Duệ Tuân thấy phụ hoàng lại giao phó một chuyện, trong lòng bỗng cảm thấy mừng rỡ.
Tố Doanh đã biết từ lâu rằng bất kể hành động bôi nhọ trữ quân đến từ tay kẻ nào cũng không dễ dàng thành công. Nhưng mà đại thần uống rượu trúng độc, hoàng đế còn muốn Duệ Tuân lại làm gương cho triều đình vào nửa tháng sau thì không dự liệu được.
Hoàng đế lại nói với nàng: “Hôm nay hãy cho đòi hai vị phu nhân tới, nàng thay ta an ủi vài câu. Nếu hoàng hậu cũng cho là có người âm thầm xúi giục hai vị phu nhân thì chớ ngại dò hỏi từ trong lời nói của họ.” Hắn vỗ nhè nhẹ một cánh tay đặt ở mép giường của Tố Doanh, nói: “Xem ra sao chổi đêm qua thực sự là khí thế hung hãn. Có điều ta luôn cảm thấy lần này nhất định có thể gặp dữ hóa lành.”
Ngày hôm đó trời không ánh sáng, Tố Ly ngồi trước cửa sổ mà vẫn cảm thấy trước mắt u ám, luôn cảm thấy không khí ứ trệ trong lồng ngực không thoải mái, lúc nào cũng thở ngắn than dài. Đến giờ Thìn, một thầy sư già mày râu đều trắng được người khác dẫn vào Đông cung. Tố Ly lập tức lấy lại tinh thần, vội vã nghênh đón.
Vị sư già kia mặt mày sáng tỏ làm người ta không nhìn ra tuổi tác, tuy là lạnh lùng xa cách nhưng hai con ngươi lấp lánh sắc bén, vừa gặp liền cảm thấy kính trọng. Ông ta chắp tay gửi một lễ của nhà Phật rồi an vị trên ghế dành cho khách. Tố Ly theo ông ta ngồi ở phía trước, miệng lại nói: “Ông nội ở trên xin nhận một vái của cháu gái.” Nàng ấy đang muốn vái dưới chân ông ta đã bị vị sư già ngăn lại: “Lão nạp thân ngoài cõi trần, không nhận tục lễ.” Tố Ly vẫn bái một đại lễ, đứng dậy tự tay dâng trà, nói: “Cháu gái biết hôm nay ông nội vào cung, vui mừng khôn tả. Ông nội vào cung ngay lúc khó khăn dồn dập thế này, thực sự là phúc tinh của cháu gái.”
“Nương nương nói quá rồi.” Vị sư già nhận lấy trà rồi để ở một bên, lại nói, “Thái tử điện hạ tư thế oai hùng ngút trời, nương nương thông minh dũng cảm cứng cỏi, sao có thể gặp phải khó khăn?”
“Ông nội có chỗ không biết.” Tố Ly thở dài nói, “Từ khi quận vương Lan Lăng bị người ta bắn lén, không biết đã thầm thêm mắm thêm muối hãm hại Đông cung biết bao nhiêu. Hôm qua Đông cung chủ trì tiệc mùa Đông trong cung lần đầu tiên liền xảy ra chuyện ngoài ý muốn, cháu gái thầm nghĩ phía sau việc này chắc chắn có mưu đồ lớn hơn nữa. Vừa lúc ban đêm sao chổi xâm phạm Thái Vi, quan coi sao nói là ‘thần mưu chủ’. Liệu có người dự định mưu hại điện hạ hay chăng? Cháu gái biết ông nội từng học thiên văn nên xin được giải thích nghi hoặc.”
Vị sư già lắc đầu cười nói: “Trong cung thì chuyện gì mà chẳng có? Muốn dùng sao chổi để gán ghép, tìm ra bao nhiêu vật chứng cũng không lạ. Nương nương nghe rồi cũng cho qua thôi. Nếu cho là thật thì ngược lại sợ rằng sẽ chịu sự trói buộc, không thể giải quyết mọi việc cho thỏa đáng.”
Sau khi nghe xong Tố Ly chợt cảm thấy nổi giận, nghĩ lại thì oán hận nói: “Đám quan coi sao này thật là đáng giận! Lúc cô nắm giữ cung Đan Xuyến, bọn họ đã bao giờ nói một câu nào bất lợi với Đông cung? Bây giờ thói đời trong cung cũng thay đổi rồi!” Dứt lời nàng ấy lo lắng mà cúi đầu không nói.
Vị sư già nặng nề thở dài một cái bảo: “Lão nạp nghe nói lúc hoàng hậu Nhân Cung mới vào cung đình chẳng qua chỉ là nữ quan dâng hương – đó là kẻ quen nhìn ánh mắt người khác để đoán suy nghĩ của họ, tất nhiên sẽ làm việc khác với nhà ta. Nàng còn trẻ đã có thể có được thế như hôm nay, sợ rằng có liên quan rất nhiều đến việc thường ngày quen tạm nhân nhượng vì lợi ích toàn cục đấy! Nhà ta thuận buồm mấy chục năm nên lơ là về điểm này. Nương nương phải biết cô của người còn không thể sống hết đời ở trong cung đình, người càng nên thay đổi thái độ xử sự theo tình hình.”
Tố Ly nói với đôi mắt rướm lệ: “Bây giờ trong cung chỉ còn lại một mình cháu gái, thế đơn lực bạc, sao cháu gái không muốn bỏ sự cao ngạo, uốn mình theo người chứ? Chỉ là lòng người trong cung khó lường, dù nghiêng mình lấy lòng cũng chưa chắc có được kết cục tốt, ngược lại nhiều khi càng bị người ta ác ý phỏng đoán. Cháu gái lại không có năng lực như cô, tiền đồ chưa biết, sao có thể hồn nhiên như không có chuyện gì?”
Vị sư già thấy nàng ấy nói đến thê lương, trong lòng đâm ra thương xót. “Lão nạp có một chuyện không rõ: Tâm trí nương nương không yên như vậy rốt cuộc là sợ hoàng hậu hay là khinh thường hoàng hậu?” Câu này hỏi ra khiến Tố Ly á khẩu không trả lời được.
“Cháu không biết.” Nàng ấy nói, “Cháu không biết… Nhưng cháu biết một việc: Bất cứ người phụ nữ nào không có liên hệ máu mủ với đế thất mà ngồi trên ngôi hậu, đối với người khác mà nói chỉ có thể là mối nguy hiểm. Nàng có người thân của mình, có sự lợi hại của mình, không thể chung lòng với chúng ta. Nàng nhất định sẽ mang đến tai nạn cho chúng ta và cả quốc gia này.” Nàng ấy nói mà đôi mắt mơ màng, “Ông nội, lỡ như cháu và Đông cung có chuyện bất trắc, họ Tố Thái An còn muốn làm chủ cung đình nữa thì không biết phải đến năm nào tháng nào.”
Vị sư già thấy lòng dạ nàng ấy rối như tơ vò, chợt vui chợt buồn chợt bi thương chợt phẫn nộ, rõ ràng là tâm bệnh đã sâu. Ông ta không nhịn được mà thở dài vì nàng ấy, bản thân cũng sinh ra cảm giác mệt mỏi, chậm rãi phóng mắt ra nhìn cung đình, nói: “Chị ta là Uyển Tranh và Uyển Vanh, mỗi bên vì con trai mà chĩa kiếm vào nhau. Đương kim thánh thượng và Tú vương là cuộc tranh giành giữa con đầu lòng và con trai do vợ cả sinh ra, can qua di chuyển gần như vỡ nước. Đương kim thánh thượng tự mình trải qua biến loạn cỡ ấy, quyết sẽ không cho phép tranh trữ. Người tất có sắp xếp trong tương lại, nương nương chớ nên tự làm loạn trận địa. Trong cung còn có rất nhiều cô gái xuân xanh hầu điện hạ. Nương nương thay vì bận tâm về chuyện vị trí trữ quân nguy hiểm không đâu ấy thì chi bằng trói buộc đám đàn bà này tuân thủ nghiêm ngặt nữ tắc mới là kế hoạch lâu dài.”
Môi Tố Ly run rẩy, cười khổ nói: “Ông nội, cháu là người duy nhất của nhà ta… cho dù có đa nghi nghĩ nhiều hơn nữa cũng không quá đáng chứ ạ?” Vị sư già không lên tiếng mà nhìn dáng ngồi nghiêng của nàng ấy, ánh mắt bi ai lại tàn nhẫn của nàng ấy làm cho ông ta mơ hồ thấy được dáng vẻ của rất nhiều cô gái xuân xanh trong ký ức. Ông ta lặng lẽ một lát mới lắc đầu ngâm nga: “Chính cung khó có con, chủ trương diệt trừ không ngẫu nhiên… Quả nhiên, quả nhiên.”
Lúc phu nhân của Vệ hầu Hành hầu tới bái kiến, Tố Doanh đang chọn màu muốn tô hoa đỏ, thấy họ tới bèn lập tức để bút xuống. Hai vị phu nhân khoác áo trắng bên ngoài triều phục, xin triều đình tra cho rõ ngọn nguồn. Tố Doanh vừa lắng nghe vừa an ủi, hỏi hồi lâu không tìm được kẽ hở, sai người mang quà thưởng rất hậu, nói: “Tiền đồ của hai vị hầu gia tất nhiên đại cát, cứ rộng lượng đi.” Phu nhân của Hành hầu cúi đầu nhẹ nhàng nói: “Làm phiền nương nương hao tâm, hậu đãi chúng tôi. Nương nương ngự thể an khang chính là tiền đồ của chúng tôi.” Tố Doanh cười tươi hơn, tự tay dắt hai vị phu nhân ra bên ngoài cung Đan Xuyến.
Trước cung lại báo Đông cung cầu kiến. Tố Doanh cho là y tới hỏi thăm tình hình của hai vị hầu gia nhưng Duệ Tuân lại nghe lời của cha, thật sự không nói chữ nào về việc trúng độc. Sau khi đứng yên thì hắn âm trầm quan sát Hiên Nhân bên cạnh Tố Doanh. Hiên Nhân hoảng sợ rụt đầu rút tay về, tránh ra phía sau Tố Doanh. Tố Doanh vừa uống trà vừa trêu ghẹo: “Điện hạ nhìn tỉ mỉ như thế, chẳng lẽ đã nhìn trúng cô em gái này của ta?”
“Sao dám?” Duệ Tuân hừ một tiếng, “Vị tiểu thư này là người bận rộn bên cạnh nương nương, cứ hễ trước hoặc sau khi có chuyện xảy ra bèn bôn ba đi lại trong ngoài cung, hết sức khổ cực. Tối hôm qua mới rời cung ăn Tết mà sáng sớm đã lại vào rồi.”
Tố Doanh nâng chén trà lên, mùi trà bay thoáng qua quanh quẩn ở chóp mũi. Dường như nàng đang say đắm trong mùi hương này, không yên lòng nói: “Điện hạ, ta vốn không muốn xen vào chuyện trong Đông cung, tiếc rằng hôm nay thánh thượng muốn nghe góc nhìn của đàn bà. Chuyện của cung Đan Xuyến là ai mời điện hạ tới đưa ra cao kiến chứ?”
Duệ Tuân gác chuyện này lại, nói tiếp: “Hôm nay cao tăng của chùa Hoàng Cực vào cung, vào hiến mấy vật lành cho lễ mở vải phủ tượng Phật. Ta nghe nói xâu tràng hạt này giúp người ta an thần nên đặc biệt dâng lên nương nương.” Nói rồi lấy từ trong tay áo ra một chuỗi một trăm lẻ tám viên tràng hạt thủy tinh trắng. Tố Doanh không nhận, lãnh đạm nói: “Điện hạ giữ lại tự dùng đi. Ta thấy gần đây điện hạ tâm thần không yên, mới nên tĩnh tâm an thần đấy. Tình hình sai một ly đi một dặm, chúng ta cũng đều từng tận mắt thấy rồi.”
“Phải. Chúng ta đều từng thấy rồi.” Duệ Tuân lặng lẽ cười, “Nương nương nhớ là tốt rồi.” Y nói rồi đứng lên, liếc mắt một cái về phía bàn vẽ của Tố Doanh, nói: “Tranh tiêu hàn của nương nương hình như là “Bài ca bước lên trời” nhỉ?” Y vừa nói vừa đi đến bên cạnh án thư, chỉ vào hoa đỏ nở rộ trên tranh nói: “Ta nhớ từng nghe người ta nói, từng đóa trong đây đều là cung điện. Cành mà nương nương đang tô hình như là Đông cung?”
Tố Doanh đi tới, cuốn tranh lại như không có chuyện gì xảy ra.
“Đông cung có phải là thứ dễ tô nhất trên bức tranh này hay không, nếu nương nương không ngại thì nhìn lại rồi hãy nói!” Duệ Tuân cười lạnh một tiếng vứt tràng hạt lên trên bàn vẽ, qua loa vái Tố Doanh một cái rồi đi. Nữ quan thừa nghi đang muốn khiển trách thì Tố Doanh phất tay ngăn lại. Nữ quan lườm theo bóng lưng của Duệ Tuân, nói thẳng: “Lời nói và việc làm của Đông cung hôm nay bất hiếu bất kính. Thần phụ trách lễ nghi, nếu không quở trách thêm thì chính là thất trách.”
Tố Doanh cười trừ, hai ngón tay cầm tràng hạt lên nhìn thử. Nàng vẫn nhớ hoàng đế từng nói, Tố Nhược Tinh có liên can sâu rộng đến chùa Hoàng Cực. Nếu đã biết người của chùa Hoàng Cực tới, anh trai còn nói tinh tượng có ý là “Người trong cung không yên làm nữ chủ nhân lo” thì nàng càng không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Vì vậy nói với Thôi Lạc Hoa: “Hôm nay có nhà sư của chùa Hoàng Cực vào cung, ta cũng muốn gặp một lần.” Thôi Lạc Hoa biết hôm nay nàng đột nhiên thấy hứng thú nhất định là vì có chuyện xảy ra. Nàng ấy không nắm chắc được cái mà Tố Doanh gọi là “gặp một lần” là thái độ gì, ra cửa vẫn nghi hoặc đầy bụng.
Nữ quan thừa nghi đuổi theo, hỏi: “Bỉnh nghi, theo lý thì Đông cung thất lễ với nương nương nên trách phạt. Tuy nương nương tha cho ngài ấy, nhưng mà… có cần để cho thánh thượng biết việc này không?” Thôi Lạc Hoa cười nói: “Thừa nghi cảm thấy nương nương có cần để cho thánh thượng biết không?” Thừa nghi chớp mắt, gật đầu nói: “Hạ quan đã hiểu.”
Thôi Lạc Hoa nghe nói nhà sư đang yết kiến ở cung Ngọc Tiết bèn ở trên đường đến cung chờ ông ta đi ra. Không bao lâu, quả nhiên thấy một vị sư già đi dọc theo đường mà đến. Nàng ấy vừa nhìn đã cảm thấy quen mắt, khi nhận ra thì cả kinh biến sắc, xoay người chạy về cung Đan Xuyến bẩm báo: “Nương nương, nhà sư kia chính là đại sư Pháp Thiện.” Nàng ấy thở một hơi rồi bổ sung: “Quận vương Vĩnh Ninh trước kia.”
Quận vương Vĩnh Ninh Tố Uyển Tuấn là cậu của hoàng đế, cha đẻ của phế hậu Tố Nhược Tinh. Sau khi hoàng đế lên ngôi, ông ta vốn nên được phong vương, cả đời phú quý. Nhưng năm đó thái hậu Khang Dự giết em gái ruột là hoàng hậu Hoài Mẫn, làm mẹ đẻ tức chết. Quận vương Vĩnh Ninh vào chùa Hoàng Cực trai giới tụng kinh vì người mẹ đã mất, lại thả Tú vương Thâm Lẫm bị nhốt trong chùa đi. Hoàng đế tiện thể ban cho ông ta cạo đầu xuất gia, ngay cả một ngày vinh hoa ông ta cũng không hưởng thụ.
“Nghe đồn rằng đại sư Pháp Thiện thiên văn địa lý không gì không giỏi, có thể thông minh quán tuyệt, nhìn trộm thiên cơ. Nhưng mà tính cách ông ta cổ quái, đóng cửa vài chục năm ở chùa Hoàng Cực không ra. Vậy mà năm nay lại vào cung.”
Thôi Lạc Hoa nói xong, cho rằng Tố Doanh chắc chắn sẽ kinh ngạc. Không ngờ Tố Doanh chỉ ngây ra một giây ngắn ngủi rồi mỉm cười: “Lạ thật, đến lượt nhà ông ta lại từng người chạy vào.” Nói rồi mở bức tranh tô hoa đỏ lúc trước của nàng ra. Không biết đang suy nghĩ gì, nàng nâng cao cổ tay rất lâu, ngòi bút nhỏ một giọt đỏ thẫm lên trên tranh. Tố Doanh tiện thể quét qua, hạ tay nặng, màu sắc thấm luôn ra mặt sau giấy, như thể một vũng máu loãng tụ trên giấy.
“Không cần gấp.” Nàng cười nhạt nói với Thôi Lạc Hoa đang lộ vẻ tiếc hận trong đôi mắt, “Vừa đẹp.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.