Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 47:




Cu Việt ngồi ở sân đang dùng một cái que vẽ nguệch ngoạc xuống đất nghe tiếng xích xe đạp lạch cạch ngẩng lên nhìn rồi reo lên:
- Bố mẹ về rồi chị Hà, anh Bắc ơi.
Nghe tiếng reo của Việt, Hà và Bắc ngồi trong nhà mừng rỡ chạy ra đón bố mẹ. Hà mếu máo:
- Con nhớ bố mẹ quá. Sao mẹ lâu về thăm chúng con thế?
Bà Lê ôm lấy Hà:
- Bố mẹ rất nhớ các con lắm nhưng công việc thời chiến bận lắm nên không về thăm các con thường xuyên được.
- Thế nào cu Bắc. Bố mẹ giao cho con chỉ huy hai em, con có hoàn thành nhiệm vụ không đấy? – Ông Kim hỏi cậu con trai thứ ba.
Bắc mách:
- Em Việt bướng lắm bố ạ.
- Có đúng thế không anh cu Việt?
- Anh Bắc nói dối bố đấy.
- Thế ai để anh nhắc làm bài tập nhà từ sáng đến giờ mà không chịu làm?
- Em định vào làm thì bố mẹ đến chứ em có không làm đâu.
Ông Kim vỗ vỗ đầu cu Việt:
- Nói dối nhé. Bố vừa nhìn thấy con nghịch đất thế mà dám nói là định vào làm bài thì bố mẹ đến. Được rồi. Lát nữa bố sẽ kiểm tra bài vở của mấy anh em sẽ biết ngay là ai lười học.
Bà Lê nhìn thấy trong nhà vắng tanh hỏi Bắc:
- Cô chú Liễn đi đâu hết không thấy ai ở nhà?
- Đi gặt hết rồi mẹ ạ.
- Mấy đứa con của chú Liễn cũng đi gặt à?
- Không phải đi gặt mà đi mót lúa. Hôm nào chúng nó cũng mót được bao nhiêu là lúa. Bố nhìn đống rơm ở góc sân kia kìa. Rơm của lúa mót đấy bố ạ. Sáng nay chúng nó rủ chúng con đi mót, nhưng chúng con không đi.
Ông Kim nhìn ra theo tay Bắc chỉ thở dài:
- Nhà nào đi mót cũng được cả một đống rơm thế kia thì còn lúa đâu cho Hợp tác xã nữa. Con bảo hôm nào chúng cũng đi mót, vậy chúng bỏ học à?
- Vâng. Từ hôm bắt đầu gặt đến giờ, có đến mấy chục đứa bị bố mẹ bắt nghỉ học để đi mót lúa.
Ông Kim không nói gì chỉ thở dài.
- Lát nữa cô chú ấy về ông đừng nói gì để cô chú ấy mất lòng đấy – Bà Lê dặn xong mở cái túi vải lôi ra một gói giấy báo đưa cho Bắc – Bánh bích cốp đây, con chia cho các em. Còn lại để làm quà cho chú Liễn chia cho các con chú ấy.
Hà hỏi:
- Bánh bích cốp là bánh gì hả mẹ?
- Đó là bánh mì những hôm mậu dịch bán không hết, người ta cắt thành lát nhúng vào nước đường pha loãng. Sau đó cho lên chảo gang rang cho khô rồi đóng vào túi để bán cho mọi người.
- Vì sao lại gọi là bánh bích cốp hả bố?
- Chắc là vì khi cắn nó kêu lốp cốp trong mồm.
Hà cười:
- Bố chỉ giỏi bịa.
- Anh cu Bắc soạn vở của ba anh em ra cho bố kiểm tra xem học hành ra sao nào.
- Xuống thăm con, để thời gian chuyện trò với các con chứ bắt con lấy vở lấy sách làm gì.
- Nói chuyện cứ việc nói chuyện, nhưng cũng phải xem chúng nó học hành ra sao chứ. Chú Khanh có hay kiểm tra việc học tập của các con không?
Bắc đáp:
- Hai ngày chú ấy kiểm tra một lần. Chú ấy nghiêm lắm bố ạ. Tuần trước em Việt bị chú ấy phạt đấy.
- Tội gì thế anh cu Việt?
Việt nói lí nhí trong mồm:
- Con đánh nhau với bạn ở lớp.
- Thua hay thắng?
Bà Lê cằn nhằn:
- Ông dạy con hay nhỉ.
Ông Kim cười:
- Đánh nhau là phải thắng. Không thắng thì không được đánh nhau, nhớ chưa.
Việt thấy bố không những không mắng mà bảo đã đánh nhau là phải thắng nên vênh mặt lên bảo:
- Chúng nó cậy người làng xúm lại đánh con, con mới thua chứ đừng hòng con thua.
Bà Lê khuyên con:
- Bố nói đùa đấy. Lần sau con không được đánh nhau với bạn nữa nhé.
- Nếu chúng nó gây gổ với con thì sao?
- Con mách với thầy cô giáo.
Có tiếng kẻng vọng đến. Ông Kim hỏi Bắc:
- Kẻng ăn cơm hay kẻng gì thế cu Bắc?
- Kẻng Hợp tác báo hết giờ làm việc đấy bố ạ.
- Lại kẻng.
Ngồi nói chuyện với các con một lúc, ông Kim bảo mấy mẹ con nói chuyện với nhau, còn ông đến chỗ Khanh, phó văn phòng tỉnh ủy được phân công phụ trách khu sơ tán hỏi xem tình hình khu sơ tán ra sao.
Thấy ông Kim đến, Khanh từ trong nhà chạy ra đón.
- Anh về từ khi nào?
- Mới về được một lát.
- Chị có về không?
- Có. Đang nói chuyện với các cháu. Anh em khỏe cả chứ?
- Vẫn bình thường. Anh vào nhà uống nước.
Ông Kim và Khanh vào nhà.
- Các cháu học hành có được không?
- Các cháu chăm học lắm anh ạ. Ngoan nữa. Chỉ có cháu Việt là hơi nghịch thôi. Vừa rồi đánh nhau với bạn cùng lớp, em phạt cho cu cậu một trận.
- Cháu Bắc vừa mách với tớ xong. Phải nghiêm khắc với chúng. Đừng để chúng dựa vào cái thế con bí thư tỉnh ủy để bắt nạt người khác là nguy hiểm lắm đấy.
- Các cháu không hề mảy may biểu hiện thái độ ấy. Anh đã bảo cháu Bắc xuống bếp báo cơm trưa nay chưa. Nếu chưa để em đi báo.
- Cô Lê mua được mấy lạng thịt phiếu, định trưa nay nấu cơm ăn chung với nhà chủ cho vui.
Khanh cười:
- Mấy lạng thịt thì ai ăn ai nhịn?
- Kèm thêm ba suất thức ăn của mấy cháu ở dưới bếp là xôm rồi.
- Hay là để em xuống bảo cô Lưu cho thêm thức ăn vào suất của các cháu.
- Không nên xâm phạm vào tiêu chuẩn của người khác.
Nói chuyện loanh quanh một lúc, Khanh hỏi ông Kim:
- Nghe anh em bàn tán anh cho một số Hợp tác xã chia đất cho nông dân sản xuất có phải không?
- Tin từ đâu ra thế?
- Từ bộ phận tuyên huấn.
- Nếu tin ấy tung ra từ bộ phận tuyên huấn thì tớ biết từ mồm ai ra rồi.
- Tin có chính xác không anh?
- Chính xác một nửa.
- Sao lại chính xác một nửa?
- Thứ nhất, tớ không cho mà do nông dân người ta nghĩ ra. Nếu trong tương lai việc làm ấy được chứng minh là đúng thì công đầu thuộc về nông dân chứ không phải là tớ. Thứ hai, không phải chia lại ruộng cho nông dân mà chỉ cho nông dân mượn ruộng làm vụ xen canh. Sau khi thu hoạch xong, trả lại ruộng cho Hợp tác xã tiếp tục sản xuất. Tớ biết có một số người trong tỉnh ủy cố tình ghép cho tớ cái tội muốn đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản và mong tin ấy đến tai Ban bí thư Trung ương nhưng tớ không sợ. Mọi việc tớ làm là mong muốn nông dân có một cuộc sống no ấm chứ tớ chẳng có xơ múi gì.
- Em cũng nghĩ thế.
Khanh nhìn ông Kim rồi lắc đầu cười.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.