Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 26:




Từ lâu đài Thorenc nhìn ra cảnh quan trải rộng dưới mắt Bảo Long giống như Nha Trang, một thắng cảnh trên bờ biển miền Trung nước Việt. Ở đó, trên đỉnh đồi chìa ra biển sừng sững một dinh cơ đồ sộ mang tên “biệt điện Bảo Đại”, còn ở đây một toà biệt thự nguy nga không kém, có vị trí tương tự như trên bờ biển Nha Trang, được gọi kín đáo hơn là “lâu đài Thorenc”. Khác chăng là nổi bật trên màu xanh lam của vịnh Cannes, rải rác những cánh buồm trắng, những canô máy, những chiếc du thuyền yatch mảnh mai, quý phái, được cậu bé chăm chú theo dõi. An ninh ở Cannes được bảo đảm, cổng ra vào toà biệt thự uy nghi, chắc chắn với đôi sư tử đá trang trí trên cột trụ hai bên…
Bảo Long đã sang tuổi mười ba. Lùi dần vào dĩ vãng: những kỷ niệm không mấy êm đềm về những ngày lánh nạn sống trong trường dòng chúa Cứu thế ở Huế cùng những lễ hành xác của các thầy tu, hay những đêm ngủ dưới tầng hẩm nhà băng Đông Dương, nơm nớp lo sợ trong tiếng rít của đạn trái phá vút mái nhà. Bây giờ cậu bé chỉ còn chờ ngày tựu trường. Trên đất nước thanh bình như nước Pháp năm 1948, ngày trở lại trường học không phải là một sự kiện bất ngờ, gia đình nào cũng có thể biết trước. 
Nhưng lựa chọn trường nào cho thích hợp không phải là chuyện đơn giản, vì ba năm qua, trong tình thế đầy biến động ở quê nhà việc học tập của mấy anh em Bảo Long cũng bị đảo lộn, dở dang. Hai năm học ở Huế hoàn toàn theo chương trình giáo dục Việt Nam lúc đầu là của chính phủ Trần Trọng Kim, sau đó là dưới chế độ dân chủ cộng hoà, và năm tiếp theo, bỏ hẳn sách vở vì chiến sự, vì di chuyển, hết Đà Lạt lại Hongkong.
Cuối cùng, Nam Phương quyết định cho con vào học trường Roches. Tại sao lại học trường Roches? Đây là một trường đứng đắn, kỷ luật rất nghiêm khắc, được Nhà thờ Công giáo bảo trợ, mặc dầu tại Masslacq, gần Pau, đó chỉ là cơ sở tản cư thời chiến của trường chính ở Verneuil-sur-Avre. Chiến tranh kết thúc được bốn năm rồi nhưng số con em các gia đình ở lại vẫn đông nên trường vẫn tồn tại. Bà Nam Phương rất hiểu tính nết bướng bỉnh khó bảo của con trai đầu lòng nên bà hy vọng học trường nầy con bà sẽ trở nên thuần thục hơn.
Đầu tháng 1 năm 1948, Bảo Long theo một người cậu, em của Nam Phương, rời toà biệt thự ở Cannes, xuyên qua miền nam nước Pháp còn đầy dấu tích chiến tranh để đến Pau nhập học.
Cũng may là nhà trường có đầu óc thoáng, áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, theo hệ thống giáo dục Anh, nghĩa là cho phép học sinh phát huy tính chủ động tự quản trong cuộc sống tập thể ở ký túc xá dành cho con cái gia đình giàu có tại miền tây-nam nước Pháp. Phương pháp giảng dạy và giáo dục của nhà trường rất được tín nhiệm đến mức sau nầy có nhiều gia đình quyền quý Việt Nam gửi con đến theo học. Bảo Long hoà nhập được ngay với các bạn tuy cùng lớp nhưng nhỏ tuổi hơn mình. Điểm nổi bật cuối cùng của nhà trường là mặc dù trường nầy không thuộc giáo hội quản lý, nhưng trong ban triết học – sau nầy Bảo Long cũng theo ban nầy – có sáu học sinh thì bốn người khi ra trường trở thành tu sĩ.
Bảo Long cố gắng khép mình vào kỷ luật học đường, song tước vị hoàng tử kế nghiệp cũng cho cậu được hưởng một số đặc quyền: Mỗi buổi sáng cậu ta được tắm nước nóng trong khi các bạn cùng lớp phải tắm nước lạnh. Khẩu phần bữa tối cũng được ưu tiên: được chia nhiều thức ăn hơn, nhiều chocolatte hơn. Cậu ta còn đem chia bớt cho các bạn. Người ta giải thích lý do những biệt đãi ấy: Bảo Long là người từ xứ nhiệt đới đến, không quen khí hậu khá khắc nghiệt của vùng núi Pyrénées, không quen tắm nước lạnh, cần được ăn nhiều của ngọt hơn.
Được cái cậu ta thông minh, sáng dạ, nhanh chóng hoà nhập với tập thể, giỏi văn chương, ngôn ngữ, cả tử ngữ như tiếng Hy Lạp cổ. Ngược lại về toán và các khoa học tự nhiên thì kết quả bình thường, tuy nhiên nhiều lần đứng hàng đầu trong bảng tổng xếp hạng.
Giống như ở Đà Lạt, quanh các đỉnh núi đồi ở vùng tây-nam nước Pháp đều ngợp bóng thông reo. Cảnh trí ở đây gần như vùng Alpes, hơi buồn, êm ả và thanh bình. Bảo Long cảm thấy cô độc. Nhớ nhà, nhớ các em đang sống ở Cannes với mẹ. Giống phần đông các thanh niên học sinh thời đó thường hay ưu thời mẫn thế như một căn bệnh thời đại, Bảo Long luôn luôn có cảm giác phiền muộn trong lòng. Các bạn thân trong lớp kể lại rằng tâm trí Bảo Long luôn bị ám ảnh xót xa mỗi khi nhớ lại những cảnh hoàng cung ở Huế ngùn ngụt cháy rụi trong khói lửa bom đạn.
Thời gian đầu các thầy cô giáo và bạn học lúng túng không biết xưng hô thế nào cho phải với tước vị cao quý của Bảo Long? Không lẽ mỗi lần lại xưng hô Hoàng tử Bảo Long, một cách trịnh trọng, e không hợp với khung cảnh học đường dưới chế độ cộng hoà đã gần hai trăm năm tuổi ở Pháp trong khi về danh nghĩa chế độ quân chủ nhà Nguyễn ở Việt Nam cũng đã cáo chung được gần bốn năm rồi. Nên chăng chỉ gọi là Nguyễn? Ở Việt Nam các vua thuộc triều đại cuối cùng cũng như có nhiều người dân thuộc dòng họ Nguyễn. Cuối cùng ông hiệu trưởng chọn tên… Philippe để đặt cho cậu ta. Philippe có nguồn gốc Hy Lạp “hyppos”, có nghĩa là ngựa. Bảo Long vốn mê cưỡi ngựa. Được hỏi ý kiến, Bảo Long về hỏi lại mẹ, cuối cùng cả hai đều đồng ý, duy chỉ băn khoăn một nỗi là cái tên Philippe có vẻ công giáo quá. Không sao.
Bảo Long rất lơ mơ về đời sống tôn giáo. Sau nầy ông kể lại: tham dự các nghi lễ tôn giáo cũng tựa như đi xem hát. Một ý nghĩ hơi kỳ quặc nhưng không có gì ác ý.
Bảo Long vốn là con người có tính lạnh lùng, lặng lẽ, ít kết giao với bạn bè, không ưa lối xưng hô mày, tao, cậu, tớ như thường thấy trong bạn học với nhau trong trường. Bảo Long chỉ có ba người thật sự gọi là thân thiết(1). Anh thích thể thao, biết chơi nhiều môn. Đây cũng là đặc thù của nhà trường. Phần lớn các buổi chiều đều dành cho hoạt động thể thao. Sinh hoạt lớp có trưởng lớp điều khiển, được gọi là “đội trưởng” – Bảo Long được lòng bạn bè nên từ lớp đệ nhị bậc trung học anh được chỉ định làm trưởng lớp.
Ngày 4 tháng 3 năm 1950, xảy ra một sự kiện khiến tên tuổi Bảo Long được nêu lên trang đầu các báo. Tất cả các tờ báo ở Pháp đều đưa tin giật gân: thái tử Bảo Long bị đe doạ bắt cóc. Thế là mọi người Pháp đều biết hoàng tử kế nghiệp của Triều đình An Nam đang tị nạn chiến tranh ở Pháp. Thị trấn nhỏ bé Masslacq sôi sục không khí cảnh giới. Cảnh binh sục sạo khắp nơi kể cả những bụi rậm để tìm dấu vết kẻ tình nghi. Tin mật báo từ một bức điện tín nặc danh cho cảnh sát biết có một nhóm người Việt cực đoan âm mưu bắt cóc con trai của cựu Hoàng đế Bảo Đại. Tên chỉ điểm nói rõ ngày giờ sẽ tiến hành vụ bắt cóc, chỉ không chỉ đích danh tổ chức nào chủ mưu nhưng ai cũng biết trên chính trường Pháp thời đó chỉ có thể là “cộng sản”, lực lượng đang tích cực ủng hộ “Việt Minh” chống lại cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương. Tờ Aurore (Rạng đông) ra ngày 4 tháng 3 năm 1950 viết: “… Những phần tử thân Việt Minh âm mưu bắt cóc hoàng thái tử để làm con tin. Chúng đến từ Cannes trên một chiếc xe ôtô có biển đăng ký đã bị cảnh sát phát hiện…”.
Một đội cảnh binh trang bị tiểu liên được cử đến trường Roches túc trực. Các cảnh binh thay phiên nhau bám sát Bảo Long, không rời một bước. Tan học, Bảo Long theo đơn vị bảo vệ đến ở một địa điểm bí mật, qua đêm ở đó, hôm sau lại được hộ tống đến trường.
Báo chí ra sức khai thác tin giật gân nầy. Ảnh của Bảo Long trương ở khắp nơi. Một thiếu niên mới 14 tuổi nhưng chững chạc, tóc chải mượt, cổ đeo cà vạt, mặc quần soóc ngắn, cặp mắt thông minh. Báo nào cũng nói đến đặc điểm rụt rè, trầm tĩnh. Một số tờ báo còn nói Bảo Long sùng đạo, làm cho cậu ta bực mình.
Mấy ngày sau báo chí lại thay đổi giọng điệu. Một tờ báo cộng sản – tờ Le Soir (Buổi chiều) – khẳng định: tất cả chỉ là mưu toan đánh lạc hướng chú ý của quần chúng lao động đang đấu tranh đòi cải thiện đời sống xã hội. Tờ Le Soir còn điều tra và khẳng định Sở cảnh sát Cannes chẳng biết gì về chuyện nầy. Chẳng có ai chỉ điểm cũng không có sự đe doạ thật sự nào. Chỉ có người cộng sản là không tin có âm mưu bắt cóc. Các báo khác vẫn tiếp tục luận điệu của họ.
Hai ngày sau có một nhân chứng nói: một nông dân có tuổi xác nhận có những hiện tượng bất thường xung quanh trường học. Ông già kể rằng đã thấy hai người, một người cầm chiếc đèn tín hiệu màu đỏ, người kia cầm đèn tín hiệu màu xanh. Họ đã đánh tín hiệu trong đêm, trong lúc có tiếng động cơ của một chiếc xe đến gần. Tóm lại, đã xảy ra chuyện gì đó. Nhưng không khớp với thời điểm và khác với loại xe mà cảnh sát đã tiên đoán. Nhưng không ai nghi ngờ sự thật về một âm mưu bắt cóc. Được con trai hỏi ý kiến, Bảo Đại nói đến giả thuyết phổ biến nhất, về một mưu toan có sự dính líu của đảng Cộng sản Pháp. Cuộc bắt cóc sẽ gây áp lực buộc cựu hoàng phải rút lui khỏi sân khấu chính trị. Còn ngày nay, khi kể lại chuyện cũ Bảo Long vẫn cho rằng đây đơn giản chỉ là một vụ việc dân sự thông thường của bọn lưu manh nhằm đòi một món tiền chuộc.
Sự việc không có nhưng cũng có những hậu quả nặng nề về sau. Bảo Long đã trải qua một thời niên thiếu đầy biến động, thường là cô đơn, trừ một giai đoạn ngắn được mọi người kính nể khi cha anh, ông Vĩnh Thuỵ, với tư cách cố vấn tối cao trong chính phủ, sống ở Hà Nội, hàng ngày tham dự cuộc họp với các ông bộ trưởng trong chính phủ hoặc tháp tùng Cụ Hồ trong các buổi tiếp tân. Thời kỳ học trường Roches là bước đầu của một thời thơ ấu “bình thường” với các bạn học, tham dự các trò chơi trên sân trường hay trên sân vận động và cũng như chúng bạn anh bắt đầu có cuộc sống ít nhiều thoát khỏi những mưu toan chính trị tối tăm hoặc liên quan đến cuộc sống cung cấm. Vậy mà, một âm mưu bắt cóc, dù không xảy ra hay chỉ là bịa đặt, lại ném anh trở về với những quy chế kỳ quặc của con trai nối nghiệp một vị Hoàng đế có tương lai không chắc chắn.
Một chiếc xe có ôtô cảnh sát hộ tống đưa Bảo Long đi khỏi Masslacq một cách tuyệt mật. Anh được đưa đến chủng viện dòng Benoit ở Madiran thuộc Pyrénées- Hạ. Một lần nữa, lại phải sống với các thầy tu. Phản xạ của bà Nam Phương lần nầy chẳng khác gì thời ở Huế dưới bom đạn mấy năm trước. Con trai bà không tìm đâu được sự an toàn bằng giữa những nhà tu hành.
Lần nầy không kỳ cục bằng trường dòng chúa Cứu thế ở Huế năm nào. Ở vùng Pyrénées-Hạ, dĩ nhiên là không có chiến tranh, cuộc sống ở đây ít sôi động hơn, quá yên tĩnh là khác. Bảo Long buộc phải ở một mình như đi trốn. Rất ít người biết nơi ở của anh. Một cảnh binh luôn luôn đi theo để bảo vệ. Suốt ngày đêm, anh không ra khỏi phòng. Một căn buồng kín đáo chung quanh trang trí toàn màu đỏ của chính Đức giám mục nhường cho anh, ăn thông với buồng bên cạnh lúc nào cũng có mặt viên cảnh binh, súng tiểu liên trong tay, luôn ở tư thế sẵn sàng.
Anh ở đấy hai tháng, cách biệt với thế giới bên ngoài, hầu như không liên hệ gì với người xunh quanh. Ngồi trong buồng nhìn ra, thấy các tu sĩ trẻ đang chơi bóng pơ-lốt rất muốn chạy ra nhập bọn cũng không được. Anh viết hàng chục lá thư cho bố, cho mẹ van xin được trở về cuộc sống bình thường như mọi người nhưng không ai trả lời. Hàng ngày anh chơi cờ “đam” (cờ vua) hoặc nghịch ngợm tập tháo ra, lắp vào khẩu súng tiểu liên của người cảnh binh. Anh đọc sách, tất nhiên chỉ là những sách sùng đạo, chán ngắt. Một hôm, một chàng thanh niên mới đi tu lén đưa anh đọc mấy tập thơ tình của Claudel. 
Đây là sách hầu như bị cấm trong tu viện. Quả thật là liều?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.