Bán Yêu Tư Đằng

Chương 5:




Lúc Vương Càn Khôn và Nhan Phúc Thụy đi, Nhà Ngói vẫn còn khóc. Tần Phóng không có cách nào bèn hỏi Tư Đằng: “Hay là tôi dẫn Nhà Ngói đến chân núi nhé?”
Tư Đằng không để ý đến anh, Tần Phóng cũng hiểu được tính cách của Tư Đằng phần nào, anh kéo Nhà Ngói cùng đi ra ngoài.
Suốt quãng đường Vương Càn Khôn đều ngơ ngơ ngác ngác, hẳn là thế giới quan bị đả kích quá sâu sắc nên vẫn chưa tỉnh hồn lại được. Nhan Phúc Thụy đỡ hơn một chút, thở dài vài lần, kéo Nhà Ngói không ngừng dặn dò, còn tìm cơ hội nói với Tần Phóng: “Cậu nhóc, tôi thấy cậu cũng không tệ sao lại đi theo yêu quái vậy? Bị ép hả?”
Chuyện này bảo anh phải nói thế nào đây? Tần Phóng chỉ có thể cười khổ. Biểu hiện này khiến Nhan Phúc Thụy trong một thoáng đã suy đoán Tần Phóng là người mình, ông kiên quyết trao đổi số điện thoại với Tần Phóng: “Giữ liên lạc nhé, có tin tức gì thì thông báo. Nói không chừng núi Võ Đang có cao nhân, chúng ta nội ứng ngoại hợp sẽ thu phục được yêu quái này.”
Ông lại hết lần này đến lần khác nhờ Tần Phóng chăm sóc cho Nhà Ngói, còn đẩy Nhà Ngói đến trước mặt Tần Phóng nhấn đầu xuống hành lễ: “Nói chào chú Tần, chào chú Tần đi.”
Nhà Ngói khóc thút tha thút thít đến mức khiến lòng người chua xót. Tần Phóng ngồi xổm xuống, lấy khăn tay ra lau nước mắt nước mũi cho cậu nhóc. Anh nói cho Nhan Phúc Thụy an tâm: “Ông cứ yên tâm đi.”
Tiễn bọn người Nhan Phúc Thụy xong lại quay trở về chỗ Thiên Hoàng Các kia. Tất cả dây mây đã không thấy đâu nữa, chỉ còn lại một đống phế tích gạch ngói vụn. Có mấy người tập thể dục buổi sáng vừa đi vừa nhìn xung quanh, lúc đi ngang qua bọn họ Tần Phóng còn nghe thấy họ nói thì thầm: Hai ngày trước còn nở nhiều hoa như vậy sao bây giờ lại không thấy đâu nữa kìa?
Đó là gốc cây mây nguyên thân của Tư Đằng, từ nay về sau e rằng chỉ có mình cô biết gốc mây này ở đâu thôi.
Nhà Nhan Phúc Thụy đã bị phá hủy, Tần Phóng thuê một khoảng sân nhỏ cổ xưa ở gần núi Thanh Thành. Trước hàng hiên trồng hoa, phía sau nhà trồng trúc, dưới mái nhà treo một chiếc chuông gió; Trong vườn có một hồ nước hình hồ lô, xung quanh trồng Lục La, Phong Tín Tử; Trong hồ nước xanh biếc là vài chú cá chép vàng vàng đỏ đỏ trông rất vui mắt. Quả nhiên Tư Đằng cũng rất thích, cô chỉ đưa ra một yêu cầu bảo Tần Phóng chạy đến nhà sách mua mười lăm tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung về cho cô.
Tần Phóng rất thích xem truyện kiếm hiệp của Kim Dung, không ngờ Tư Đằng cũng có sở thích giống mình. Anh phấn chấn hỏi cô: “Hồi trước cô có theo dõi sao, tôi nghe nói ban đầu truyện của Kim Dung là đăng trên báo, cô cũng không nghĩ đến đã viết xong hết rồi phải không?”
Tư Đằng cười cười không nói.
Tần Phóng dẫn theo Nhà Ngói đi đến nhà sách, lật xem giới thiệu vắn tắt về Kim Dung mới biết mình tẽn tò rồi. Kim Dung sinh năm 1924, năm 1955 mới bắt đầu viết bộ truyện kiếm hiệp Thư Kiếm Ân Cừu Lục, căn cứ theo việc này thì khi đó Tư Đằng đã sớm chết nhiều năm rồi.
Lúc đưa sách cho Tư Đằng, Tần Phóng không nhịn được đã hỏi cô. Tư Đằng nói: “Thời đó tôi có xem Hoàn Châu Lâu Chủ (1), nghe nói Kim Dung cũng viết thể loại kiếm hiệp nên xem thử thế hệ sau viết thế nào.”
(1) Tiểu thuyết kiếm hiệp dần được hình thành và phát triển với dấu mốc quan trọng của Hoàn Châu Lâu Chủ (1902-1961). Với tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp, Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo một bước ngoặt lớn lao cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp. Thứ nhất, Hoàn Châu Lâu Chủ là người đầu tiên viết truyện kiếm hiệp theo kiểu phơi-ơ-tông đăng tải hàng ngày trên báo chí. Thứ hai, tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo ra một thế giới kiếm hiệp kỳ ảo khiến người đọc vô cùng say mê. Năm 1932, tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ đã tung hoành trên tờ Thiên Phong báo (Thiên Tân). Với sức tưởng tượng phi phàm, kết thúc ly kỳ, Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo nên một tác phẩm đậm màu sắc kiếm hiệp với nhân vật truyền kỳ của phái Nga My. Điểm đặc biệt khiến Hoàn Châu Lâu Chủ có ảnh hưởng lớn đến những tác gia kiếm hiệp sau này là việc ông đã rất thành công trong việc xây dựng kết hợp mô tả nhân vật với mô tả cảnh trí thiên nhiên, giảng giải văn hóa với nhiều đoạn tuyệt bút, văn phong tuyệt mỹ kích thích cao độ trí tưởng tượng của người đọc. Thục Sơn Kiếm Hiệp là nền tảng để một loạt những tác phẩm đương thời ra đời như Giang Hồ Kỳ Hiệp của Bình Giang Nhất Tiếu Sinh (1890 – 1957), “Kỳ Hiệp Tinh Trung truyện” của Triệu Hoán Đình (1877 – 1951), “Thập Nhị Kim Tiền Tiêu” của Bạch Vũ (1901 – 1966) v.v..
Hoàn Châu Lâu Chủ ư? Đó giờ Tần Phóng chỉ từng nghe đến Hoàn Châu Cách Cách thôi.
Tư Đằng cầm sách lên. Cô đơn giản không cần dọn nhà, ăn uống, ngủ nghỉ gì cả, cô ngồi trên chiếc ghế mây ở hành lang yên lặng chăm chú lật xem từng tờ một. Có khi xuất thần, lại có khi bỗng thở dài làm dấu sách lại rồi đặt trên chiếc bàn đá bên cạnh, trầm tư thật lâu mới đọc tiếp.
Tần Phóng dẫn Nhà Ngói ngồi ở một góc sân khác xem sách thiếu nhi, phần lớn là anh cho cậu xem truyện tranh, ngẫu nhiên cũng kể vài chuyện cổ tích cho cậu nghe. Thỉnh thoảng anh cũng không nhịn được ngẩng đầu quan sát Tư Đằng: Một yêu quái tao nhã đọc sách có lẽ bản chất cũng không đến nỗi nào phải không?
Tuy nhiên anh nghĩ lại châm ngôn có nói: Lưu manh không đáng sợ, chỉ sợ lưu manh có văn hóa. Như vậy yêu quái có văn hóa cũng càng khó đối phó hơn rồi.
Đã rất trễ, Tư Đằng vẫn không có ý định đi ngủ nên Tần Phóng dẫn Nhà Ngói đi ngủ trước. Trong lúc mơ mơ màng màng nhìn thấy có một cô gái ngồi trước giường, bóng lưng giống An Mạn, anh đưa tay kéo. Nhưng anh chụp trúng những ngón tay ướt nhẹp dinh dính rong rêu nhơn nhớt. Anh ngẩng đầu lên lại thấy Trần Uyển, sợi tóc vẫn còn nhỏ nước, cô ta hỏi anh: “Tần Phóng, sao anh không đưa em về?”
Tần Phóng giật mình tỉnh dậy, sau lưng đổ mồ hôi lạnh đầm đìa, thở hổn hển không ngủ lại được nữa. Lúc này anh mới phát giác tiếng mưa rơi tí tách trên mái ngói. Trời đang đổ mưa lộp độp.
Không biết Tư Đằng đã ngủ hay chưa, Tần Phóng do dự một chút nhưng vẫn khoác áo mở cửa đi ra ngoài. Vừa mở cửa ra, cơn gió lạnh lẽo ẩm ướt đã thổi thốc vào người khiến anh rùng mình một cái. Trong lúc nhất thời chuông gió treo dưới mái hiên vang lên tiếng leng keng giòn tan không dứt.
Tư Đằng vẫn chưa ngủ, cô đang đứng trên hành lang xuất thần nhìn chuông gió. Quyển Liên Thành Quyết đặt trên bàn đá, trang sách đóng lại có hơi hơi cong, có lẽ là đã xem xong rồi.
Nghe thấy tiếng bước chân của Tần Phóng, Tư Đằng không quay đầu nhìn nhưng lại hỏi một câu kỳ lạ: “Cậu thích chuông gió không?”
Tần Phóng lắc đầu, bỗng ý thức được cô ta không nhìn thấy hành động của mình anh nói: “Trước đây rất thích, sau đó nghe một câu chuyện nói là chuông gió rất tà ma không nên treo thì không thích nữa.”
Tư Đằng nói: “Có một đoạn Kinh Phong Linh có nói: Hồn thân tự khẩu qua hư không, bất luận đông tây nam bắc phong, nhất luật vi tha thuyết bát nhã, leng keng leng keng leng leng keng (2).”
(2) Dịch nghĩa: Toàn thân treo trên khoảng không trước cửa. Mặc kệ là gió đông, tây, nam hay bắc. Đều như đang giảng Bát Nhã. Leng keng leng keng leng leng keng.
*** Tạm dịch thơ (Đại Ngọc)Thân treo trước cửa
Mặc kệ gió lùa
Gió Bắc, gió Nam
Gió Tây chẳng màng
Gió Đông chẳng sao
Như đang giảng đạo
Bát Nhã tâm kinh
Đinh đinh, đang đang
“Kinh đạo gia à?”
“Phật giáo.”
“Cô còn xem kinh Phật ư?”
“Nếu không thì sao, một yêu quái muốn sống giữa nhân thế thật sự rất gian khổ.” Tư Đằng cười lên “Cầu đạo, cầu Phật, cầu người độ. Trước khi chết mới ngộ ra Bát Nhã.”
Cô lại hỏi Tần Phóng: “Lúc cậu chết đã nghe được gì?”
Tần Phóng hồi tưởng lại một chút: “Âm thanh trong núi, không biết là con chim gì đang hót. Lúc yên tĩnh còn có thể nghe thấy xe chạy qua trên đường núi nữa.”
“Vậy cậu chưa thật sự chết qua rồi.”
Tần Phóng cảm thấy kỳ lạ: “Vậy còn chưa gọi là chết à?”
Đương nhiên đó không gọi là chết, anh chỉ ở bên rìa của cái chết, bên rìa của âm dương mà thôi. Ngũ giác yếu đi nhưng lại hoàn toàn chưa biến mất, tỉnh tỉnh mê mê, nghiêng nghiêng ngã ngã. Không giống với cô, cô thật sự đã chết đi, an nghỉ bảy mươi bảy năm.
Lúc cô chết đi các giác quan từ từ biến mất, giống như là nhìn miệng bình đổ xuống nhưng đành bất lực. Cô nhớ khi đó cô rớt từ trên cao xuống vang ầm lên một tiếng, cả người mềm oặt vặn vẹo nằm trong một vũng máu lớn trên mặt đất. Ngũ giác còn sót lại cảm nhận được một người đàn ông đang xụi lơ trên mặt đất cả người run run, mặc bộ quần áo đầy mảnh vá, trên cổ vắt chiếc khăn màu trắng, cách ăn bận của một phu kéo xe. Hàm răng của ông ta vẫn va vào nhau lập cập, dập đầu đùng đùng như bằm tỏi.
Tiếp theo người đó rút ra một tấm vải to trong đống vải mốc meo nơi xó xỉnh, rồi cứ thế phất lên, một bóng đen khổng lồ phủ xuống, che đi đôi mắt dù chết vẫn không nhắm của cô.
Cô bị quấn lấy, kéo lê rồi ôm lên bỏ vào trong xe kéo chật hẹp. Sau đó xe chạy, trên trục xe gỉ sét cũ kỹ kêu lên kẽo kẹt nhịp nhàng và thỉnh thoảng xen vào tiếng thở hồng hộc của phu kéo xe kia. Âm thanh càng lúc càng nhỏ và càng ngày càng xa. Đến cuối cùng cô lại nghe thấy được tiếng chuông, tiếng chuông đưa tiễn mệnh tàn.
Nghe nói tiếng chuông là âm thanh duy nhất có thể xuyên thấu hai giới âm dương. Cô đang càng chạy càng xa rời dương thế, dần dần đi vào đường hầm của cõi âm. Tiếng chuông khi đó giống với tối nay, leng keng leng keng leng leng keng, tụng cho cô một đoạn Bát Nhã đến chết mới ngộ ra.
Cầu đạo, cầu phật, cầu người độ. Sinh mệnh như sông dài có nghìn chiếc đò ngang, duy chỉ có tự mình độ mới thật sự là độ.
***
Vương Càn Khôn đến bệnh viện khám tổng quát toàn thân, bao gồm chụp x-quang lồng ngực. Trong thời gian đó anh ta bị đám y tá trẻ trung xinh đẹp vây xem vài lần. Có vài người còn đánh bạo đến hỏi anh ta, đại ý là: Đạo sĩ cũng đến đây khám bệnh ư? Không phải đạo sĩ nên đốt bùa, niệm chú, rồi hô lên là “cấp cấp như luật lệnh” gì đó là bệnh khỏi hay sao?
Thật là khiến người ta vô cùng đau đớn, xã hội này xuyên tạc đạo môn quá sâu rồi.
Cầm lấy tấm hình chụp x-quang lồng ngực – phổi ra phổi, tim ra tim, xương sườn ra xương sườn, khí quản ra khí quản – sắc mặt bác sĩ cũng khó coi, ý ông ta là: Khỏe mạnh, có sức sống, có bản lĩnh như thế thì đi chống khủng bố đi, đừng nên lãng phí tài nguyên chữa bệnh của chúng tôi.
Vương Càn Khôn giơ tấm hình báo tin tốt cho Nhan Phúc Thụy. Nhan Phúc Thụy không rõ chuyện này có gì đáng mừng: “Vương đạo trưởng, cậu đừng nên lãng phí thời gian có được không? Cậu gặp phải yêu quái đó, cậu mau chóng bẩm báo với sư phụ cậu đi.”
Đang ở chân núi Võ Đang, rời xa núi Thanh Thành, Vương Càn Khôn đã khôi phục lại thế giới quan khoa học của anh ta. Anh ta trả lời Nhan Phúc Thụy, trải qua thận trọng suy xét anh ta cảm thấy tất cả đều có thể giải thích bằng khoa học, đây không phải là yêu quái. Anh ta kết luận là thôi miên.
Nếu quả thật như lời Tư Đằng nói, trong thân thể anh ta có hàng vạn dây mây, như vậy chụp x-quang lồng ngực chắc chắn có thể thấy được loại vật chất này tồn tại. Nếu không thấy vậy tất là không có. Lúc đó anh ta chịu đựng tất cả đau đớn cũng là do Tư Đằng thôi miên gây ra thôi.
Nhan Phúc Thụy không đồng ý: Nói vậy cậu bị dây mây trói treo lắc lư vào lúc nửa đêm thì giải thích ra sao?
Vương Càn Không rất khẳng định: Là thôi miên. Lúc đó thật ra tôi đang đứng trên mặt đất nhưng tôi cho rằng mình bị treo lắc lư vào lúc nửa đêm.
Nhan Phúc Thụy lại hỏi: Chính hai mắt tôi thấy cậu bị dây mây trói treo lắc lư vào lúc nửa đêm thì giải thích thế nào?
Vương Càn Khôn trả lời: Là thôi miên! Ông cho rằng ông thấy tôi bị trói treo lên, nhưng thật ra lúc đó tôi đang đứng trên mặt đất. Đây là một thôi miên loại làm xáo trộn thị giác.
Nhan Phúc Thụy thở dài, ông cảm thấy Vương đạo trưởng này đọc sách rất nhiều nhưng xem ra đọc sách quá nhiều cũng không phải là chuyện tốt. Ông lấy điện thoại ra xem, nhắc nhớ Vương Càn Khôn: Hai mươi bốn giờ đầu tiên sắp hết rồi.
Hai tiếng sau, Nhan Phúc Thụy kéo Vương Càn Khôn sùi bọt mép bất tỉnh nhân sự xuất hiện tại cửa Bạch Vân Quan núi Võ Đang. Đám đạo hữu của Vương Càn Khôn chen chúc nhau chạy đến nhấc tay nhấc chân khiêng Vương Càn Khôn vào trong. Lại có người dẫn Nhan Phúc Thụy vào đạo quan gặp sư phụ của Vương Càn Khôn, cũng chính là lão quan chủ.
Lão quan chủ có đạo hiệu là Thương Hồng, chừng bảy mươi tuổi, râu tóc bạc phơ, rất có phong thái tiên phong đạo cốt trong truyền thuyết. Khi Nhan Phúc Thụy nhìn thấy quan chủ Thương Hồng thì ông ta đang luyện chữ, chữ như tùng xanh, nét chữ cứng cáp, viết rằng: Thượng Thiện Nhược Thủy, Nhu Nhược Bất Tranh (3).
(3) Câu này xuất phát từ đoạn:
“Thượng thiện nhược thủy
Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh.
Xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo.”
trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử mang ý nghĩ: Nước là tốt nhất, nước lợi cho muôn vật lại không hay tranh giành
Tiểu đạo sĩ dẫn đường ra hiệu Nhan Phúc Thụy im lặng, chờ lão quan chủ luyện chữ xong rồi nói việc chính cũng không muộn. Nhưng Nhan Phúc Thụy sốt ruột nhìn tay lão quan chủ đưa tìm con dấu không nhịn được kêu to lên: “Là yêu quái gọi là Tư Đằng, cô ta nói cô ta đã trở lại, cô ta nói sẽ tìm đến cửa, lão quan chủ ngài phải lo đi thôi.”
Tiểu đạo sĩ dẫn đường xấu hổ đỏ bừng cả mặt: Nhan Phúc Thụy nói có chuyện gấp muốn gặp quan chủ, còn tưởng rằng là vì chuyện Vương đạo huynh bị bệnh. Vậy mà lại ở đây nói yêu quái gì đó. Ông ta cho rằng ông ta đang đóng phim à?
Cậu ta bước đến níu cổ áo Nhan Phúc Thụy định kéo ra ngoài, bỗng nhiên một tiếng cạch vang lên, dấu ấn hoa mai kia lăn lông lốc vài vòng trên mặt đất. Lúc nó dừng lại bên chân, mặt ấn đỏ chữ Triện (4) hướng lên trên hiện ra bốn chữ cứng cáp: Thương Hồng Ấn Giám.
(4) Kiểu chữ triện là một kiểu chữ cổ của thư pháp Trung Quốc. Nó có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu và phát triển ở nước Tần trong thời kì Chiến quốc. Kiểu chữ triện của nhà Tần trở thành dạng chữ viết chính thức cho toàn Trung Quốc dưới thời nhà Tần và tiếp tục được sử dụng rộng rãi để khắc trang trí trên các ấn tín dưới thời nhà Hán. Link tham khảo các kiểu chữ Trung Quốc: http://tgpsaigon.net/sites/default/files/Images/201407/image003.jpg
Tiểu đạo sĩ thoáng sửng sốt, không biết là nên kéo Nhan Phúc Thụy ra hay không. Đợi một hồi thấy Thương Hồng vẫn cứng đơ không có động tĩnh, trong lòng cậu ta thấp thỏm sợ hãi kêu lên: “Sư tổ?”
Thương Hồng bắt đầu ho khan không khống chế được. Tiểu đạo sĩ vội vàng đi đến đấm lưng cho ông, vừa luống cuống tay chân vừa kéo ngăn tủ tìm thuốc. Cổ họng Thương Hồng có vị tanh tanh, ông cúi đầu nhìn tay mình đang run rẩy. Da thịt nhão nhẹt, bàn tay nhăn nhúm, năm đó tay của ông không phải như thế.
Khi đó ông còn nhỏ, khoảng tám hoặc chín tuổi. Nghe theo lệnh của sư phụ – đạo trưởng Lý Chính Nguyên – ôm thật chặt đứa trẻ sơ sinh trong tấm áo choàng màu đỏ thêu trăm tử nghìn tôn (5). Người phụ nữ đầu tóc rối bù trên giường muốn vùng vẫy bò xuống nhưng vẫn bị vây trong vòng lửa của bùa trấn ma thiêu đốt kêu lên thảm thiết. Lý Chính Nguyên, Khưu Sơn còn có Hoàng Ngọc của Hoàng Gia Môn đều cầm pháp khí, không ngừng niệm chú. Gần như là mỗi một lần người phụ nữ kia gào lên đều là tiếng kêu bi ai cào xé ruột gan.
(5) Thêu hình rất nhiều trẻ con đang vui đùa. Link tham khảo: http://pic5.nipic.com/20100223/637172_104520099826_2.jpg
Cũng không biết qua bao lâu, tiếng tụng niệm rốt cuộc đã im lặng, ngọn lửa của bùa chú cũng dần dần nhỏ lại. Người phụ nữ cả người đầy máu kia cũng không lập tức tắt thở, cô ta chống tay bò ra ngoài. Lúc bò qua bùa lửa, da thịt cô ta bị ngọn lửa thiêu đốt vang lên tiếng xèo xèo, bốc lên một mùi cháy khét. Cô ta không tránh né, vẫn bò đến bên chân Thương Hồng. Trong đôi mắt cô ta phát ra ánh sáng kỳ lạ, nhìn chằm chằm vào bọc tã lót trong tay ông, dùng hơi tàn cuối cùng đưa tay kéo lấy.
Thương Hồng hoảng sợ lùi ra phía sau, ông và người phụ nữ kia kéo qua kéo lại. Khi đó tay của ông ngắn ngủn mủm mỉm, vẫn còn non nớt chứ không phải là hình dạng già nua như bây giờ. Sau đó sư phụ ông – đạo trưởng Lý Chính Nguyên nói: “Đưa cho cô ta.”
Ông nới lỏng tay, đặt bọc tả lót trên mặt đất, vén chiếc áo choàng đỏ lên lộ ra khuôn mặt tím tái vì ngạt của đứa trẻ sơ sinh kia. Ông ôm chặt quá lâu nên đã làm ngạt chết đứa con đang sống sờ sờ của cô ta.
Người phụ nữ kia cười khanh khách, cô ta không khóc, trong cổ họng phát ra âm thanh như con thú bị thương. Ánh mắt oán hận thâm độc đảo qua từng người một ở đó, bỗng nhiên cô ta cười lên như điên, cô ta nói: “Tôi sẽ trở lại, các người hãy nhớ, cả đời Tư Đằng tôi chưa từng chiến bại, thề nặng như núi, tôi nhất định sẽ trở lại.”
Khi đó Thương Hồng còn nhỏ, một khoảng thời gian rất dài hằng đêm ông đều gặp ác mộng, hằng ngày đều khóc lóc. Gương mặt độc ác của người phụ nữ kia cứ khắc sâu trong đầu không thể xóa nhòa. Sau đó Lý Chính Nguyên cố ý sắp xếp đạo hữu làm phép cho ông, nói với ông yêu quái Tư Đằng kia đã chết, bác Khưu Sơn và dì Hoàng của ông đã thiêu xác cô ta thành tro bụi rồi.
Hơn sáu mươi năm vật đổi sao dời, cuộc sống yên ả trôi qua đến tuổi xế chiều, bỗng một ngày có một người nói với ông: Yêu quái tên Tư Đằng kia, cô ta nói cô ta trở lại rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.