Ba Ngàn Dặm Lưu Đày

Chương 86: Tham vọng




Ván cờ hỗn loạn ở kinh đô
Tác giả: Mộ Quân Niên
(Edit: Andy/Cấm reup)
-
Mục đích phái người đi quấy rối thất bại, Chu Tùy vừa bực vừa cuống, chỉ có thể đặt hy vọng vào Chu Thiền, mong lão sẽ nhanh chóng xử lý Lưu Trạm.
Nhận được bức thư gửi từ Bắc Cương, biết Lưu Trạm đang chiêu mộ binh lính, Chu Thiền lập tức triệu tập mưu sĩ dưới trướng tới nghị sự.
Phái Công Ly theo Chu Thiền hồi kinh, nước lên thì thuyền lên, hiện giờ y đang là Lại bộ thị lang ngũ phẩm, muốn toan tính Bắc Cương thì y là người có quyền lên tiếng nhất.
"Ngươi có cách gì không? Không thể để Lưu Trạm tiếp tục khuếch trương thế lực." Chu Thiền trầm giọng nói.
Trong lòng Phái Công Ly nghĩ xong đối sách từ lâu, y khép bức thư lại, "Xin bệ hạ hạ chỉ thu hồi quyền đô đốc của Lưu Trạm ở núi Tề Vân, đó là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất."
Chu Thiền trầm tư, từ ngày tân đế đăng cơ đến nay đã qua năm tháng, lão lần lượt diệt trừ họ Trần và họ Lữ, sau đó bước vào trạng thái ngủ đông.
Vốn dĩ không muốn đi quá xa, tránh cho sau này bị sử sách lên án nhưng Chu Thiền không nhịn nổi, trong mắt lão không muốn trộn lẫn bất kỳ hạt cát nào, lão phải nắm giữ hoàn toàn cả Bắc Cương thì mới có thể yên tâm.
Ngày kế lâm triều, Chu Thiền bày mưu xúi giục ngự sử tố Lưu Trạm cầm binh quá nhiều, phe họ Chu đồng thanh lên tiếng yêu cầu Văn Đế thu hồi quyền đô đốc của Lưu Trạm ở núi Tề Vân.
Quần thần phẫn nộ lên án, trông cứ như Lưu Trạm đã phản quốc.
Văn Đế siết chặt tay dựa của long ỷ, vô cùng tức giận nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt Chu Thiền, cũng không dám phản bác.
Nhớ tới cách thức ứng đối mà Phương Thọ Đình dạy mình, Văn Đế yên lặng ngậm miệng.
Mục đích không thành, thế lực của họ Chu sao có thể dễ dàng bỏ qua, lời nói ra ngày càng thêm phần bức bách.
Đến khi Văn Đế bắt đầu chịu không nổi nữa thì...
"Buồn cười!" Đại tư mã Phương Thọ Đình hừ lạnh, "Đại thừa tướng định tội người khác chỉ bằng miệng thôi sao?"
Sau khi tiên đế băng hà, đại tư mã trước giờ không tham gia vào triều chính đột nhiên khôi phục ngày vào triều, đại tư mã vẫn không tham gia vào triều chính nhưng ông có thể can gián.
"Quan lớn tam phẩm ở vùng biên giới, cầm trong tay phiên quân biên cảnh, đại thừa tướng nói triệt liền triệt, vậy dưới trướng tướng quân Tề Vân còn có trăm vạn bá tánh và mấy vạn tinh binh, nếu không phải làm phản, đại thừa tướng có dám lấy cái chết đền tội hay không?"
Quần thần kiêng dè Chu Thiền nhưng Phương Thọ Đình thì không.
Chưa nói đến mười vạn cấm quân ở ngoại thành, với uy danh của đại tư mã bốn triều của Phương Thọ Đình, bá quan trong triều còn phải kính ông ba phần, một khi Phương Thọ Đình lên tiếng, quần thần lập tức im bặt, không còn ai dám nhiều lời nữa.
Phương Thọ Đình vốn định trong suốt quãng đời còn lại chỉ cần bảo vệ tốt kinh thành Đại Sở, sau này chết rồi thì chôn cạnh hoàng lăng, ông không muốn nhúng tay vào chuyện triều chính nhưng Chu Thiền đã đạp phải điểm mấu chốt của ông.
Một tên nịnh thần hành thích hoàng đế, tham lam muốn nắm giữ hết quyền hành, nếu ông không ra mặt, chẳng mấy mà thiên tử ngồi trên cao kia sẽ phải sửa thành họ Chu.
Sắc mặt Chu Thiền tái mét, lão nhìn về phía quần thần, ai cũng cúi đầu không dám đối diện với lão.
Muốn đẩy ngã Lưu Trạm, quả thật phải có chứng cứ thì mới có thể định tội.
Năm đó lão thừa tướng chấp chưởng triều đình, cũng độc đoán và hung hăng nhưng Chu Thiền giờ đây phải gọi là quá ngang ngược, toàn là bản thân mình muốn thế nào thì mọi người phải theo thế đó.
Triều đình hiện tại có đại tư mã đứng ở kia, đương nhiên sẽ không còn để lão được như ý.
Lâm triều tạm gác lại, sau khi tan triều Chu Thiền liền đi ép Văn Đế, mặc kệ Chu Thiền nói gì, Văn Đế chỉ giữ yên lặng như một người câm.
Trong lòng Văn Đế có hận nhưng gã cũng sợ Chu Thiền, biết lão già này khi cuống lên sẽ làm bất cứ điều gì.
Ngọc tỷ ở ngay trước mặt, nếu Chu Thiền muốn cướp đi, Văn Đế cũng mặc kệ.
Nhưng Chu Thiền không dám, Phương Thọ Đình lúc nào cũng như hổ rình mồi, chỉ cần lão vượt quá giới hạn là ông có thể danh chính ngôn thuận nắm thóp, Chu Thiền lại không thể đối xử với Văn Đế giống như ngày trước đối đãi với Duệ Vương.
Văn Đế không đồng ý, Chu Thiền cũng hết cách.
"Bệ hạ! Thần làm những điều này hết thảy đều là vì bệ hạ!" Chu Thiền tức sắp hộc máu, cảm thấy Văn Đế chẳng hiểu được tấm lòng của mình. Văn Đế biết việc này kiểu gì cũng khó né tránh, rối rắm hồi lâu mới lí nhí mở miệng: "Nhưng Lưu Trạm đã cứu mạng trẫm..."
Cảnh tượng chạy trối chết trong rừng dường như chỉ mới diễn ra hôm qua, ơn cứu mạng này Văn Đế cảm kích từ tận đáy lòng.
Chu Thiền nghẹn lời, chuyện này chính là thiệt thòi lớn nhất mà lão nợ Văn Đế, cũng là vết rách mà hai cữu cháu vĩnh viễn không thể vá lại.
Chưa ép buộc được Văn Đế, đương nhiên Chu Thiền vẫn bám riết.
Từ hôm đó, mỗi ngày đều có hàng trăm tấu chương buộc tội Lưu Trạm, tội trạng được liệt kê cực kỳ phong phú.
Trong phòng ngủ ở phủ tướng quân thành Tấn Dương.
"Ha ha ha ha!!" Lưu Trạm đọc xong bức thư từ kinh thành gửi đến, cười suốt mười lăm phút đồng hồ, "Có người buộc tội ta một đêm chơi mười kỹ nam, ha ha ha, cười chết mất thôi, đánh giá ta hơi cao quá thì phải, với cường độ đó thì từ gậy sắt bị mài thành kim thêu mất tiêu à?"
Tống Phượng Lâm ngơ ra một lúc mới phản ứng lại, nghiến răng mắng: "Không biết xấu hổ!"
Công việc tái định cư cho lưu dân đang đi dần vào quỹ đạo, Lưu Thành đến Hán Trung đổi lương thực mấy bận, số lượng lều cháo tuy giảm nhưng vẫn đáp ứng được.
Sau khi làn sóng lưu dân tấp nập lúc đầu bớt đi, hiện giờ lưu dân đến bến đò Lộc Minh mỗi ngày đều ổn định ở con số trên dưới một ngàn người.
Khai hoang thôn mới ở bình đỉnh Phù Dung, dãy Bút Giá và dãy Phong Vỹ cũng diễn ra sôi nổi.
Chuyện trong kinh thành, chuyện đủ loại quan lại buộc tội Lưu Trạm cũng không ảnh hưởng mấy đến hai người ở Bắc Cương.
Lưu Trạm đốt bức thư đi, "Chu Thiền tàn nhẫn độc ác nhưng rất nhát gan, đừng tưởng lão dám hành thích vua thì sẽ có mấy phần bản lĩnh cáo già, thực ra là do sợ chết nên mới hành thích vua."
Gia tộc họ Chu gây thù chuốc oán khắp nơi, còn bị tiên đế chán ghét, nếu Chu Thiền không hành thích vua thì họ Chu chẳng còn đường sống, nhưng mà Chu Thiền làm việc quá ngang ngược, không hề che giấu ham muốn quyền lực của mình.
Tháng Sáu, thời tiết Bắc Cương bắt đầu nóng lên, Tống Phượng Lâm vươn tay đẩy mở cánh cửa sổ cạnh giường, một cơn gió mát liền thổi vào phòng.
Lưu Trạm thuận tay kéo y vào trong lòng mình, "Tạm thời tình cảnh của họ Chu chẳng tốt được bao nhiêu, có đại tư mã đứng đấy, Chu Thiền muốn một lời định đoạt giống lão thừa tướng năm đó, làm sao có thể chứ?"
"Nước đầy khắc tràn, trăng tròn tất khuyết, thân là bề tôi nhưng họ Chu đã đi quá xa." Tống Phượng Lâm phóng tầm mắt ra màn đêm bên ngoài cửa sổ.
Hiện giờ quyền lực của gia tộc họ Chu có khi còn nhiều hơn cả thời của lão thừa tướng, nếu muốn động vào họ Chu lúc này thì chẳng khác nào dùng tay không nhổ một cây đại thụ.
Vẫn chưa đến lúc, Tống Phượng Lâm nghĩ thầm.
"Ta hi vọng Chu Thiền hô mưa gọi gió ở kinh thành càng nhiều càng tốt, chỉ cần cho ta thời gian hai năm để ta có thể tiếp tục mở rộng thế lực là được." Lưu Trạm nói ra toan tính trong lòng.
Tướng quân Tề Vân đô đốc núi Tề Vân, ranh giới xa nhất về phía Nam của núi Tề Vân là bình đỉnh Phù Dung, tiếp tục mở rộng thì chính là bình nguyên Thương Hà.
"Huynh muốn làm gì?" Tống Phượng Lâm quay đầu lại nhìn hắn.
Đôi mắt Lưu Trạm sáng lập lòe, "Ta muốn lấy hết phía Bắc sông Hoàng."
Phía bắc sông Hoàng, vậy chẳng phải là bình nguyên Thương Hà sao?
"Rất khó để khiến triều đình cho huynh phiên trấn quá rộng lớn." Tống Phượng Lâm chỉ rõ hiện thực.
Lưu Trạm mỉm cười, khẽ thầm thì vào bên tai y: "Ai sẽ cản được bước của ta đây?"
Đây là lần đầu tiên Tống Phượng Lâm cảm nhận rõ sự không phục trong lòng Lưu Trạm.
Đột nhiên, Tống Phượng Lâm có cảm giác mình đọc hiểu được ý đồ của hắn, vì sao hắn lại chắp tay nhường hoàng trưởng tôn cho Triệu Hằng Phủ, vì sao hắn lại không có hứng thú với kinh thành hay triều đình.
Bởi vì từ đầu chí cuối hắn chưa từng nghĩ đến việc khuất phục trước bất kỳ ai.
Trái tim Tống Phượng Lâm đập nhanh như nổi trống.
"Không thể, huynh sẽ bị sử sách lên án, đất Bắc Cương..." Tống Phượng Lâm hoảng loạn.
Thiên hạ này từ sau khi nhà Chu vong, quần hùng cùng khởi nghĩa, hoàng cung ở kinh đô xấp xỉ nghìn năm tuổi, bao nhiêu đời hoàng đế sống ở đó. Từ lâu hoàng đế đã không còn chỉ là một họ, ngoại trừ hoàng đế ra bên dưới cũng có một hệ thống thân vương quý tộc.
Ví dụ như nước Yến, nước Trần Lưu, nước Tây Hạ, khi cường thịnh đều muốn tranh đấu với thiên tử thượng quốc, nhưng không có ngoại lệ, tất cả các nước chư hầu cũng đều là xuất thân cao quý.
Tình huống của Lưu Trạm thì khác.
Tuy xuất thân của hắn là đại tộc họ Lưu nhưng đã bị biếm làm tiện tịch, trong mắt thiên hạ chính là xuất thân tiện dân, quan trọng hơn nữa hắn chỉ là ngoại thần, lấy thân phận và phiên quân làm phản lập quốc sẽ đi ngược với tư tưởng Nho gia mà thiên hạ tôn sùng.
Sử sách sẽ ghi lại vết đen này, vĩnh viễn không thể tẩy sạch.
Lưu Trạm phì cười: "Sử sách muốn viết sao thì viết, chúng ta chết rồi còn quan tâm đời sau nghĩ thế nào làm gì?"
Hắn không để bụng cái thanh danh hão huyền đó.
Lưu Trạm nhìn thẳng vào mắt Tống Phượng Lâm, nói cực kỳ nghiêm túc: "Mục tiêu của chúng ta năm nay là khai hoang một vạn mẫu ruộng, tăng cường binh lực lên tám vạn, hai năm sau binh lực tăng đến mốc mười lăm vạn, Phượng Lâm, nước Yến là kho lúa của chúng ta, bình nguyên Thương Hà là đất đai của chúng ta."
Có địa bàn có quân đội có bá tánh, chẳng lẽ Lưu Trạm cam tâm chỉ làm một ông vua không ngai?
Tống Phượng Lâm quên mất phải hô hấp.
Sáu tuổi y bái đại nho đương thời là Triệu Hằng Phủ làm thầy, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, nếu họ Tống không bị diệt tộc, khả năng cao Tống Phượng Lâm sẽ trở thành đại nho tiếp theo sau Triệu Hằng Phủ.
Cho dù trải qua nhiều trắc trở như vậy, quan niệm của y vẫn luôn đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tha, trung, hiếu, kính.
Nhất thời, Tống Phượng Lâm rơi vào mâu thuẫn.
"Triều đình càng loạn càng tốt, chỉ có Phương Thọ Đình chống lại Chu Thiền vẫn chưa đủ, phải làm sao để Chu Thiền không rảnh lo chuyện ở Bắc Cương." Tay trái Lưu Trạm ôm Tống Phượng Lâm, tay phải rảnh rỗi cầm cái quạt của y lên ngắm nghía.
"Ông ngoại quá bị động, đệ có cách nào đẩy ông ấy một phen không, không thể để họ Triệu chỉ ngồi chờ làm ngư ông đắc lợi."
Hồi lâu Tống Phượng Lâm chưa trả lời, người đàn ông trước mặt này bộc lộ sự sắc bén và tài năng, không hề che giấu dã tâm cũng như trái tim lạnh giá nằm sâu trong nội tâm của hắn.
Nhưng chiếm cứ trong lòng Tống Phượng Lâm nhiều hơn chính là... Lưu Trạm định ra một loạt chính sách tạo điều kiện cho dân, hủy bỏ sưu cao thuế nặng, ổn định giá cả, cấm ép mua ép bán, cấm cường hào gian thương ăn trên xương máu của dân.
Bốn năm trước bá tánh Bắc Cương sợ hãi hung danh của Lưu Trạm bao nhiêu thì bây giờ lại ủng hộ tài đức của hắn bấy nhiêu.
Tống Phượng Lâm thầm hạ quyết định.
Huống chi đây còn là người mà y yêu, cho dù phía trước là núi đao biển lửa, nếu Lưu Trạm muốn thì y sẵn lòng phụng bồi.
Cuối cùng, tất cả những điều này đã làm lu mờ tín điều của Tống Phượng Lâm.
Muốn đẩy họ Triệu một phen, nghe có vẻ vớ vẩn buồn cười, bọn họ đang ở tận Bắc Cương, sao chạm được tới triều đình ở kinh thành xa xôi?
Nhưng mà... quả thực Tống Phượng Lâm có một kế sách.
"Đương kim thiên tử không có đế sư."
Lưu Trạm kinh ngạc: "Đế sư?"
Đế sư có tác dụng gì?
Tống Phượng Lâm chầm chậm nói: "Sau lưng đại tư mã Phương Thọ Đình dẫn dắt các quan võ, chẳng hạn như thế gia dùng võ lập danh như Từ Mục Viễn, đại thừa tướng Chu Thiền khống chế quan văn, thêm những hạng người chọn chạy theo quyền lực để dựa dẫm, thực ra vẫn còn một thế lực thứ ba."
"Đó là đại nho đương thời có thể hiệu triệu các học trò trong thiên hạ, Triệu Hằng Phủ chính là đại nho đó. Văn thần thanh lưu bốn triều, môn sinh trải rộng khắp thiên hạ, Triệu Hằng Phủ chỉ thiếu một cái danh hào nữa thôi, có thể lấy danh là đế sư."
Thân phận đế sư rất khác biệt, nếu Triệu Hằng Phủ trở thành đế sư, ông ấy có thể danh chính ngôn thuận nhúng tay vào mọi vấn đề liên quan đến Văn Đế, kể cả đại thừa tướng cũng phải kính đế sư vài phần.
Quan trọng hơn là Chu Thiền không thể hoàn toàn kiểm soát Văn Đế trong lòng bàn tay mình được nữa.
Hai mắt Lưu Trạm sâu thẳm.
Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, giữa ván cờ hỗn loạn ở kinh thành, ánh mắt của mọi người đều tập trung vào gia tộc họ Chu và thế lực quan võ mới phất lên, ai cũng xem nhẹ một lối tắt có thể lật ngược thế cờ.
Danh nghĩa đế sư, không chỉ có thể phụ tá hoàng đế mà Triệu Hằng Phủ còn đại diện cho nho sinh khắp thiên hạ, tương đương với nắm giữ dư luận toàn xã hội.
Tiếng nói của thiên hạ, đây chính là thứ Chu Thiền e ngại nhất.
Lưu Thành đích thân cầm phong thư viết về đế sư chạy tới kinh thành trong thời gian ngắn nhất.
Dạo gần đây lực chú ý của họ Chu không đặt lên người Lưu Trạm mà bắt đầu nhắm vào những thế gia đối nghịch, mỗi ngày lâm triều đều tranh chấp không ngớt, có dấu hiệu muốn dùng lại cách bỏ ngục oan.
Lúc Lưu Thành đến, Triệu Hằng Phủ đang cùng con trai là Triệu Cát Chương và học trò là Lư Lệnh Viễn bàn bạc cách đối phó.
Nhìn thấy hai chữ đế sư, Triệu Hằng Phủ giật mình, chấn động tột đỉnh, tay cầm thư vô thức run rẩy.
Thật đúng là một chữ làm bừng tỉnh người trong mộng.
"Cha, Phượng Lâm nói gì vậy?" Lần đầu tiên Triệu Cát Chương thấy phụ thân của mình kích động đến vậy, lúc trước khi thấy hoàng trưởng tôn cũng không đến nỗi này.
"Con và Lệnh Viễn xem đi." Triệu Hằng Phủ đưa phong thư cho hai người.
Hai người xem xong cũng kinh hãi, đồng thời cực kỳ vui mừng.
"Cha! Kế sách này hay lắm!" Triệu Cát Chương hưng phấn đến lạc giọng.
Lư Lệnh Viễn lập tức nói: "Học trò sẽ đích thân đến cầu đại tư mã, chúng ta cần đại tư mã kết đồng minh! Chỉ cần đại tư mã đồng ý, việc này tự khắc sẽ thành công!"
"Khoan đã, trước hết phải hỏi ý kiến của bệ hạ." Triệu Hằng Phủ phục hồi tinh thần, kế này rất hay, với điều kiện phải được Văn Đế cho phép thì mới có thể tiến hành.
"Chắc chắn bệ hạ sẽ rất vui mừng." Lư Lệnh Viễn hoàn toàn không lo lắng thái độ của Văn Đế.
Hoàng trưởng tôn đang được nuôi dưỡng ở Triệu phủ, Văn Đế hiểu rõ tâm của Triệu Hằng Phủ cũng hướng về phía mình, chỉ cần cho Triệu Hằng Phủ làm đế sư thì sẽ rất có ích với Văn Đế.
Giữa hè, dạo này ở kinh thành mưa dầm liên miên, hòa tan bớt cái nực.
Triệu Hằng Phủ vào cung cầu kiến Văn Đế, sau khi tán gẫu mấy câu về lễ minh thọ của Nhân Đế, lúc chuẩn bị đi ông lặng lẽ nhét vào tay Văn Đế một mẩu giấy.
Trên tờ giấy chỉ viết một câu, bút tích non nớt ngây ngô chúc phụ hoàng thánh an, được Văn Đế nâng niu cất vào chiếc hộp gỗ bí mật.
Tháng trước hoàng hậu có thai, các thái y đều nói là con trai, Văn Đế lại chẳng thích thú lắm, đó là hoàng trưởng tử của Chu Thiền, không phải hoàng trưởng tử của gã.
Nhớ tới hoàng trưởng tử còn đang lưu lạc bên ngoài, uất hận trong lòng Văn Đế lại dâng trào cuồn cuộn, gã nhớ tới lời khuyên của đại tư mã là lập đế sư để chống lại Chu Thiền.
Việc này đương nhiên Văn Đế cực kỳ tán đồng nhưng nghĩ đến cảnh Chu Thiền nổi cơn thịnh nộ, gã lại chần chừ.
Nhưng nghĩ đến vì con trai và vì chính mình, cuối cùng Văn Đế cũng hạ quyết tâm.
Lâm triều, sau khi quần thần hai bên ba quỳ chín lạy, Chu Thiền chuẩn bị chủ trì nghị sự thì Văn Đế bỗng đứng lên.
"Trẫm muốn lập đế sư, các khanh có muốn đề cử cái tên nào không?"
Chu Thiền hết sức kinh ngạc.
Sự tình quá đột ngột, thế lực quan văn của họ Chu cũng chưa kịp tiêu hóa, không đợi bọn họ cân nhắc hàm nghĩa sâu xa, Lư Lệnh Viễn chờ mong từ lâu tức khắc bước ra khỏi hàng.
"Khởi bẩm bệ hạ, Lễ bộ thượng thư Triệu Hằng Phủ là đại nho đương thời, được học trò trong thiên hạ kính ngưỡng, thần cho rằng có thể đảm nhận trọng trách đế sư!"
Lư Lệnh Viễn nói xong lại có Từ Mục Viễn bước ra khỏi hàng.
"Thần tán thành! Thỉnh bệ hạ lập thêm đế sư, thực thi quốc pháp, ủng hộ đại trị, chấn hưng thiên hạ!"
Chu Thiền biến sắc mặt, lập tức trừng mắt với Văn Đế nhưng Văn Đế lại quay đi, phớt lờ cảnh cáo của lão.
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, Chu Thiền kinh hãi phát hiện mình không có cách nào bác bỏ.
Danh khí của Triệu Hằng Phủ thật sự quá thịnh.
Triệu Hằng Phủ là đại nho bốn triều, danh khí cực thịnh đủ sức hiệu triệu học trò trong thiên hạ, gia tộc họ Chu lộng hành tứ phương nhưng cũng không dám động đến người này, một phần vì vị trí Lễ bộ thượng thư chẳng mấy quan trọng.
Bây giờ Văn Đế chủ động yêu cầu lập đế sư, nếu Triệu Hằng Phủ từ chối thì còn ai khác dám vượt mặt ông làm đế sư nữa? Trừ phi không sợ học trò khắp thiên hạ nhạo báng.
Còn nếu Chu Thiền đứng ra phản đối Văn Đế lập Triệu Hằng Phủ làm đế sư, qua ngày hôm sau thôi các học trò ở kinh thành có thể mắng nát phủ thừa tướng, thậm chí chẳng bao lâu sau nho sinh trong thiên hạ có thể mắng hết chín đời tổ tông nhà họ Chu.
Chuyện lập đế sư do Văn Đế mở miệng, hoàn toàn danh chính ngôn thuận.
Đại nho Triệu Hằng Phủ, danh thần thanh lưu, giờ có thêm danh nghĩa đế sư.
Việc này không có giải pháp.
"Vậy thì để đại nho Triệu Hằng Phủ làm đế sư đi." Phương Thọ Đình chốt hạ.
Nhóm quan văn quay qua quay lại nhìn nhau, không biết phải bắt bẻ thế nào, thậm chí còn do dự có nên lên tiếng tán thành hay không.
Máu nóng của Chu Thiền sôi lên.
Lão nhìn xung quanh một lượt, chợt phát hiện mình đang xem nhẹ rất nhiều thứ quan trọng, bắt đầu từ khi nào mà Phương Thọ Đình, Triệu Hằng Phủ và Từ Mục Viễn lên cùng thuyền với nhau.
"Nếu các khanh không có dị nghị gì, trẫm phê chuẩn cho Triệu Hằng Phủ làm đế sư." Văn Đế khấp khởi mừng thầm, đây là lần đầu tiên gã đấu thắng Chu Thiền!
Cùng ngày, Văn Đế hạ chỉ phong Triệu Hằng Phủ làm đế sư, giao cho Lễ bộ trách nhiệm chọn ngày lành tháng tốt cử hành lễ bái sư.
Chuyện Văn Đế lập đại nho làm đế sư nhanh chóng truyền khắp tầng lớp nho sinh, chính Văn Đế cũng nhận về cơn mưa lời khen trong việc biết trọng dụng nhân tài.
Đồng thời, triều cục ở kinh đô cũng diễn ra thay đổi vi diệu.
Vài thế gia trung lập yên ắng lâu nay rục rịch hướng về phía Triệu Hằng Phủ, những thế gia đối nghịch với họ Chu cũng sôi nổi tụ về dưới danh nghĩa đế sư.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà Triệu Hằng Phủ đã có cho mình thế lực thứ ba trong triều, gọi là phe đế sư.
Gia tộc họ Chu vốn đang có đại tư mã cản tay, giờ lại có thêm một đế sư, chướng ngại vật thi nhau xuất hiện khắp mọi nơi.
Ở phủ đại thừa tướng, để hả giận, Chu Thiền giết liên tiếp mấy tên mưu sĩ mà lão cho là vô dụng, các quan lại tâm phúc của họ Chu quỳ dưới đất run bần bật, bao gồm cả Phái Công Ly.
Ham muốn quyền lực của Chu Thiền gần như là chấp niệm, lão muốn khống chế triều đình khống chế hoàng đế khống chế Bắc Cương khống chế hết tất cả, mà ngoại trừ thiên tử ra thì ai mới có thể sở hữu được tất cả? Trong mắt Chu Thiền nổi lên vài tia điên cuồng.
[Hết chương 86]

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.