Ba Đường Luân Hồi

Chương 10:




Khu chợ đêm đông đúc, tốc độ xe rất chậm. Hai xe máy, một trước một sau, được bao bọc giữa dòng người và những chiếc xe khác, chẳng hề gây sự chú ý cho ai.
Rất nhanh đã vào nội thành.
Con đường chợt vắng lặng, trên phố rất ít người dừng chân, chỉ có tiếng xe máy bỗng chốc phóng qua.
Kế tiếp ra khỏi thành phố.
Bầu không khí Đông Nam Á đích thực phả vào mặt.
Nóng và ẩm, không có điện, những căn nhà sàn ven đường tối om, những giò lan hồ điệp treo dưới mái hiên đung đưa.
Sau đuôi xe không có bụi đất bốc lên bởi lẽ con đường dần dần lầy lội, bánh xe quay vòng với tốc độ cao chỉ làm văng lên chút bùn hoặc nước bùn. Những bụi cây rậm rạp tiếp giáp phía chân Trời thoạt đầu còn có vẻ xa xa chớp mắt đã nuốt trọn cả người lẫn xe vào vùng đất tĩnh mịch.
Xe Đinh Thích chạy sau xe Dịch Táp một quãng. Kỳ thực, quá vắng người thì rất khó bám theo vì dễ bị phát hiện. Hắn do dự có nên đuổi lên nói rõ thân phận hay không.
Đột nhiên, gió mang theo hơi ẩm đưa tới tiếng nhạc.
Đinh Thích sửng sốt, mãi mới phản ứng lại được: Có lẽ Dịch Táp đang mở chiếc cát-xét kia.
Bài hát đã rất cũ, song giai điệu khá quen thuộc. Hắn chăm chú lắng nghe, quên cả tốc độ xe.
Là một ca khúc tiếng Quảng, câu mở đầu là “Ngủ mê mệt suốt trăm năm, nhân dân đã dần tỉnh giấc”.
Ca khúc chủ đề của bộ phim “Đại hiệp Hoắc Nguyên Giáp”.
Xung quanh tối đen, trong không khí trộn lẫn mùi nước bùn ống xả và mùi cây cối, không có lấy một dấu vết của nền văn minh hiện đại, giai điệu này rất dễ khiến người ta nảy sinh ảo giác, ngẩn ngơ như vượt qua thời đại.
Lúc Đinh Thích hoàn hồn mới phát hiện ra đã cách xe trước quá gần.
Nhưng hắn lập tức nhận ra không phải mình tăng tốc mà là Dịch Táp chạy chậm lại.
Tay trái của cô điều khiển xe, bàn tay phải đeo găng tay nửa ngón giơ cao quá đầu, thoạt tiên xòe năm ngón ra, sau đó ra dấu hình chữ “lục (六)”.
Ở khoảng cách và độ sáng này của xe, có thể thấy được thế tay ra dấu rất rõ ràng, thậm chí còn có thể thấy rõ móng tay cô bóng loáng.
Dịch Táp giữ nguyên dấu tay đó, lắc trái phải ba cái, kế tiếp chuyển thành trước sau, ngón cái gập cong xuống dưới hướng ra sau, ngón út giơ lên cao, giữ cố định như vậy hai giây.
Đây là…thuật ma nước?
Gần như cùng lúc, Dịch Táp nhanh chóng thu tay lại, bẻ ngoặt tay lái, dưới chân vít ga, xe máy gầm rú vọt vào rừng cây.
Không kịp nghĩ ngợi, Đinh Thích lập tức đuổi theo.
***
Thời xưa, ven những con sông lớn, người kiếm cơm trong nước có rất nhiều điều cấm kỵ. Họ cảm thấy trên thế giới này, ranh giới giữa người sống và người chết rất rõ ràng, chỉ cách một tầng mặt phẳng.
Ví dụ như, trên mặt đất là người sống, dưới mặt đất chính là người chết bị chôn vùi.
Lại ví dụ như, người ngồi trên thuyền có thể lướt trên nước, trên mặt nước là người sống, dưới mặt nước chính là người chết.
Nhưng có những lúc cần phải vượt qua ranh giới để sống, ví dụ như bắt cá dưới nước, mò của cải, mò xác.
Họ gọi dưới nước là “đầu bên kia”. Dưới nước, con người không thể mở miệng phát ra tiếng, một là điều kiện khách quan không cho phép, hai là con người mang theo dương khí, trong giọng nói có trung khí, sẽ quấy nhiễu sự cân bằng của “đầu bên kia”.
Mà một khi sự cân bằng này bị phá vỡ thì sẽ phát sinh ra đủ thứ chuyện khủng khiếp.
Cho nên họ dùng các thế ra dấu tay để thay cho ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, đồng thời khiêm tốn gọi bộ thế tay này là “thuật ma nước”, giả vờ rằng bản thân ở dưới nước đã là một con “ma nước”, có thể qua lại thuận lợi mà không bị cản trở.
Rất thuận tay, không chỉ sử dụng trong nước mà đôi khi lọt vào một huyệt động dưới mặt đất cũng sẽ được như vậy.
Bộ “thuật ma nước” cấm kỵ này, vào thời điểm lưu truyền rộng rãi nhất, người đánh cá chống chèo bình thường cũng nghịch được mấy chiêu. Nhưng sau giải phóng thì dần thất truyền giống như rất nhiều các tập tục phong kiến, chỉ còn một số ít người biết sử dụng.
Thế tay Dịch Táp làm ban nãy chính là câu nói chuẩn mực nhất của “thuật ma nước”, cô nói: Có giỏi thì bắt kịp đi!
***
Đinh Thích biết đã lộ hành tung, nhưng hắn không hề cảm thấy thất bại mà chỉ cảm thấy kích thích.
Hắn tăng ga, gắt gao bám riết đốm sáng chuyển động vùn vụt đằng trước, kẹp chặt hai chân chống lại những chấn động kịch liệt do thân xe xóc nảy mang tới, cho đến khi đèn trước của xe thình lình rọi vào một tấm biển màu đỏ máu.
Đinh Thích thầm cả kinh, theo bản năng phanh lại. Vừa bóp phanh hắn đã biết là hỏng bét, phanh quá đột ngột, xe này vừa mới thuê, hắn còn chưa quen, xe với người, người với xe, đôi bên đều xa lạ.
Gần như không để cho hắn có bất kỳ phản ứng nào, đầu xe đứng sững lại, đuôi xe nhanh chóng vung lên, cả người lẫn xe đồng thời bay ra ngoài.
Trong bóng tối, xe xoay vòng giữa không trung rồi đụng đánh rầm một tiếng vào cây, cả người mất kiểm soát, kề sát đất trượt dài, đá và cành cây phủ đầy mặt đất mài rách quần áo, mài rách da thịt.
Vất vả mãi mới dừng lại được, toàn thân trên dưới không chỗ nào không đau, trong miệng toàn mùi máu, đưa tay chạm vào khóe môi, tay toạc da, miệng cũng rách.
Nằm trên đất bùn một lúc lấy lại tinh thần, Đinh Thích nhịn đau từ từ đứng dậy.
Tiếng xe của Dịch Táp bị hút vào sắc đêm dày đặc và rừng cây rậm rạp, đã xa đến nỗi chẳng còn nghe thấy nữa.
Hắn đứng đó hồi lâu, nương nhờ ánh sáng đèn xe, cẩn thận từng bước mà khập khiễng men theo dấu vết mình vừa trượt ngã để quay lại.
Cách đó không xa, chiếc xe máy bị va chạm hơi méo mó, nửa dựng nửa dựa lên một thân cây. Trong chùm sáng của đèn xe chiếu xiên xiên là vô vàn hạt bụi đang bay vờn, cũng chẳng đếm nổi có bao nhiêu con muỗi nhỏ tí xíu đang vỗ cánh trong ánh đèn.
Mà phần cuối của chùm sáng thì bị một tấm biển vuông vức chắn lại.
Tấm biển được đóng đinh lên một cọc gỗ dựng thẳng cắm vào đất, nền màu đỏ tươi, chữ viết và hình vẽ đều trắng bệch. Một hàng chữ trên tấm biển viết bằng tiếng Khmer, đọc không hiểu, nhưng không hề gì, đã có hình vẽ ở giữa và dòng chữ tiếng Anh phía dưới diễn đạt cùng một ý nghĩa.
Hình vẽ là một cái đầu lâu xương chéo.
Tiếng Anh là “Danger! Mines!”.
Hai từ đơn, hai dấu chấm than, không thể không thận trọng.
Cẩn thận có mìn.
Đây là bãi mìn.
Ở khu thắng cảnh Angkor, hướng dẫn viên thường xuyên nhắc nhở du khách đừng đi sâu vào rừng cây thám hiểm, đồng thời còn đưa ra những con số thống kê mới nhất: 8 tháng đầu năm 2016, hơn 100 khách du lịch nước ngoài đã bỏ mạng ngoài ý muốn.
Liên Hợp Quốc ước đoán, với trang thiết bị kỹ thuật hiện nay, muốn rà phá hết sạch bom mìn dưới lòng đất Campuchia phải mất sáu, bảy năm.
Bởi vậy nên ở đây, bom mìn không phải truyền thuyết chiến tranh, cũng chẳng phải chuyện xa xôi không thể với tới gì.
Đinh Thích nhổ một bãi nước bọt nhuốm máu rồi mỉm cười tiến sâu vào rừng cây.
Trước khi đi, cha nuôi Đinh Trường Thịnh đã dặn hắn rằng, sau khi gặp mặt phải gắng hết sức khiêm tốn, con người Dịch Táp rất nguy hiểm, đặc biệt là tính tình cổ quái, lúc tâm trạng vui vẻ thì chẳng khác gì Bồ Tát nhưng khi tâm tình không tốt thì chính là Dạ Xoa.
Hắn nghĩ Đinh Trường Thịnh chỉ nói vậy thôi, ai ngờ cô dữ thật.
Tặng cho hắn món quà gặp mặt lớn như vậy.
***
Ngày hôm sau không có mặt trời, mưa dầm âm u.
Có điều ở nơi thế này, những ngày mưa dầm có thể được coi là thời tiết tốt, dù sao cũng chóng mát hơn phần nào. Việc đầu tiên Tông Hàng làm sau khi bò dậy khỏi giường là soi gương. Hắn cảm thấy vết thương đang chuyển biến tốt đẹp, khuôn mặt đã lành lặn hơn.
Tâm trạng tốt thì đánh răng cũng không yên được, chán phòng vệ sinh không thể phát huy, hắn lắc lư đầu vừa chải răng vừa đi vào phòng khách, rồi ra ban công.
Đang muốn thẳng thắn phát biểu cảm nghĩ trong lòng với đụn mây đen trước mắt, bên tai đột nhiên vọng tới giọng nói đè nén rất thấp của Tỉnh Tụ: “Cậu nhỏ tiếng tí!”
Bàn chải đánh răng của hắn chạy bằng điện, tiếng nghe rè rè hệt đám ong mật đang đập cánh, đôi khi quả thực gây phiền nhiễu tới nhân dân.
Tông Hàng vội bấm dừng, sau đấy mang cái miệng đầy bọt kem đánh răng xoay đầu sang.
Tỉnh Tụ đang tựa vào lan can, trạng thái so với tối qua như thể biến thành người khác: Dáng vẻ như ngâm trong hũ mật, thần thái ngẩn ngơ xen lẫn chút ngốc nghếch, khóe mắt không cầm được ý cười, trong ý cười toàn là vẻ thỏa mãn.
Tông Hàng nhìn cửa kính trên ban công, đang đóng.
Hèn gì bảo hắn nhỏ tiếng. Tông Hàng chẳng ngốc: “Anh ta về rồi à?”
Tỉnh Tụ “ừ” một tiếng, ánh mắt thoáng phiêu diêu: “Cậu nói xem, sao anh ấy lại quay lại thế?”
Câu hỏi này cứ luẩn quẩn trong tâm trí Tỉnh Tụ suốt kể từ khi người ấy nửa đêm nằm xuống bên cạnh cô.
Tông Hàng đáp: “Cô đợi lát nhé.”. Ngôn Tình Trọng Sinh
Hắn chạy vào phòng vệ sinh súc miệng. Kem đánh răng ở trong miệng lâu, mùi vị thật đáng ghét.
Lúc quay lại ban công, Tỉnh Tụ đã bình thường trở lại, song vẫn hơi mơ màng: “Cậu nói xem, có khi nào là quay lại vì tôi không?”
Thực ra cô đã nhìn thấy vết sây sát trên mặt Đinh Thích nhưng đáy lòng vẫn tồn tại ba phần hy vọng.
Nếu là đám chị em kia của cô có lẽ sẽ hùa theo khẳng định thêm, tiếp đó là đủ kiểu đầu mối để chứng minh đây là tình yêu.
Đáng tiếc Tông Hàng không phải đám chị em của Tỉnh Tụ, hắn chỉ cảm thấy não bộ của phụ nữ đúng là lợi hại, cho cô ấy một thìa nước thôi cô ấy cũng nghĩ ra được cả một con sông Mê Kông.
Trong cõi phong trần có thể tìm được một cô gái si tình, hắn tin, nhưng người khách kia cũng phải chân tình vậy cơ.
Hắn nói: “Khả năng cao người ta tạm thời có việc nên chưa đi được.”
Sự thật mất lòng, Tỉnh Tụ hừ một tiếng.
Tông Hàng bảo: “Tôi xem cô là bạn nên mới nói, tôi phát hiện con người cô có hơi bị…”
Hắn không tìm được từ ngữ thích hợp để diễn tả: “Nếu giàu tình cảm thì nuôi con chó con mèo, hoặc tìm một người đàn ông đáng tin cậy ấy. Tôi không phải phụ nữ mà cũng biết không nên gửi gắm tình cảm vào loại đó…”
Hắn bĩu môi về phía bên trong cửa kính.
Tỉnh Tụ đáp: “Chưa chắc, mọi chuyện đều có ngoại lệ, thành sự tại nhân mà.”
Tông Hàng bảo: “Vậy tùy cô, sớm muộn gì cũng là cô nếm mùi đau khổ.”
Tỉnh Tụ nhìn hắn chằm chằm.
Tông Hàng bị nhìn mà trong lòng phát hoảng: “Sao hả?”
Hắn nói có gì sai à? Đâu có, toàn lời vàng ý ngọc, tận tình khuyên bảo mà.
Tỉnh Tụ mở miệng: “Tông Hàng, cậu còn trẻ thế này, đương độ không phải kiêng kỵ gì mà sao lại già dặn vậy hả? Mở miệng ra là y hệt một ông cụ truyền thụ lại kinh nghiệm sống cho lớp trẻ – toàn là lời người khác dạy cậu, cậu ngoan ngoãn nghe rồi lại quay sang đưa cái khuôn này cho người khác hả?”
***
Buổi chiều trời đổ mưa tầm tã, bể bơi bị vô số những hạt nước mưa rơi vào làm bắn lên, chẳng khác gì nồi nước đang đun sôi.
Mùa mưa ở đây chính là vậy, mỗi ngày đều ào ào một trận.
Tông Hàng quẳng mình lên giường, chân tay giang thành hình chữ “đại (大)”.
Hắn đang nghĩ đến những lời Tỉnh Tụ nói.
Thật ra Tỉnh Tụ cũng chỉ nói thế thôi, nhưng ở tuổi này của hắn, đầu dây thần kinh rất nhạy cảm, một câu nói, một cảnh tượng thôi cũng có thể mặt trời chân lý chói qua tim.
Cũng đúng, hắn suy nghĩ, nhận thức, đánh giá nhiều như vậy, nhưng có cái nào là của chính hắn không?
Không, hình như đều là của người khác. Các bậc phụ huynh đang áp đặt lên đầu hắn kinh nghiệm cuộc sống của bản thân, giống như trát bùn lên khuôn tượng binh mã, trái một phát, phải một phát, trát hắn kín mít đến là quy củ.
Những câu “cẩn thận”, “không thể làm thế này”, “như vậy không thích hợp đâu” mà hắn luôn miệng nói toàn là của người khác. Hắn tiếp thu hết thảy, không tiêu hóa, không nghiền ngẫm, lại đi ân cần dạy bảo người ta như một cái loa.
Thất bại, quá thất bại.
Tông Hàng chán nản cực kỳ. Sự chán nản này khiến cơ thể hắn trở nên nặng nề, thậm chí A Phạ gọi cửa hắn cũng chẳng còn sức đáp lại.
A Phạ sợ hãi, tưởng hắn xảy ra chuyện gì nên hoảng hốt lao đến quầy lễ tân lấy thẻ xơ cua mở cửa vào.
Sự u ám sau cơn mưa và sắc trời xám xịt của buổi hoàng hôn làm tăng thêm sự tối tăm trong căn phòng. Dáng vẻ của người trên giường lại rất phù hợp với tư thế tự sát của kẻ chẳng còn mong cầu gì đối với cả thế giới.
A Phạ hoảng sợ thất sắc, cậu xông tới hét toáng lên: “Cậu chủ, cậu làm sao thế?”
Sau đó thì thở phào nhẹ nhõm: Tuy mắt của Tông Hàng có hơi dại ra như mắt cá chết, nhưng dẫu sao vẫn le lói ánh sáng.
Tông Hàng uể oải cất tiếng: “Con người ta sống thật vô vị!”
A Phạ cũng từng trải qua tâm trạng đột nhiên suy sụp này nên biết hiện giờ nhu cầu cấp bách của Tông Hàng là bơm gấp 500 đồng phấn chấn: “Tôi nghe anh Long bảo, anh ấy đã liên lạc được với hai gã người Cam đánh cậu rồi, đang nói chuyện…”
Tông Hàng khép mi, còn xua xua tay ra dấu bảo A Phạ đừng ồn ào.
A Phạ hết cách, gượng gạo ngồi bên giường một chốc. Bỗng, tròng mắt cậu đảo tròn: “Cậu chủ, hay là chúng ta tới chợ đêm uống rượu đi! Cậu từng đến kiểu quán rượu tuk tuk kia bao giờ chưa? Tôi chưa đi bao giờ, lần nào cũng đều chỉ đứng cạnh nhìn thôi chứ chưa từng vào trong ngồi.”
Cậu thở dài: “Muốn đi lắm cơ mà rượu đắt, tôi không uống nổi.”
Rốt cuộc mí mắt Tông Hàng vén lên một kẽ hở: “Muốn uống à?”
A Phạ gật đầu thật mạnh.
Tông Hàng rề rà ngồi dậy từ trên giường: “Thế tôi mời cậu một bữa vậy.”
***
Lượn mấy vòng quanh ngõ phố khu chợ đêm, cuối cùng Tông Hàng chắc chắn: Không phải quán rượu tuk tuk đổi vị trí đỗ xe, vị trí không hề thay đổi.
Là đổi người bán hàng.
Nói đi là đi sao? Rõ thật là, một bông hoa rụng còn phải mất mười ngày nửa tháng cơ mà.
Trong lòng hắn dậy lên chút cảm giác mất mát cảnh còn người mất.
A Phạ thì lại bừng bừng hứng thú. Quán rượu tuk tuk là địa điểm rất được Tây balô ưa chuộng, chẳng mấy khi có cơ hội trải nghiệm thế này, lại còn miễn phí.
Cậu ta gọi hết bia lại đến rượu whisky, rất nhanh chóng đánh bạn thành “huynh đệ” được với gã bán rượu người Cam, bỏ rơi Tông Hàng nho nhã ngồi một bên.
Cũng tốt, không ai quấy rầy, đủ kiểu cảm nhận khác nhau, du khách là hoa cũng là mây, qua qua lại lại, chính là hoa nở hoa tàn, mây tụ mây tan…
Đang dạt dào ý thơ thì gã người Cam chợt nhắc một tiếng tới “Isa”.
Tim Tông Hàng giật thót, tai dỏng lên.
Không sai, người đó ba lần bốn lượt nhắc tới cái tên này, nhưng trừ cái tên ra thì chỉ toàn bô lô ba la tiếng Khmer, rủ rỉ nhỏ to với A Phạ, nghe đến là vui vẻ.
Chuyện trò một lúc, gã người Cam còn lấy một tờ giấy ra, dùng bút vẽ lên.
Tông Hàng liếc mắt nhìn: Hình vẽ khá giống đồ thị hình sin từng khiến hắn sầu rụng tóc lúc còn đi học, có đỉnh sóng, bụng sóng, còn đánh dấu ngày tháng.
A Phạ cười như thể chuột trộm được gạo, mèo thó được cá.
Cuối cùng không nhịn nổi nữa, Tông Hàng cất lời: “Nói gì đấy? Không biết bạn bè Trung Quốc nghe không hiểu à?”
Tác giả bảo là:
Đừng mong chờ nam nữ chính gặp mặt nhau sớm, level của Hàng Hàng quá thấp, còn lâu mới với được tới Táp Táp. Bà cố nội Đằng Đằng ngay từ đầu đã đưa Phóng Phóng đi chơi là bởi hai người có đời trước và ràng buộc huyết thống (truyện Bán yêu Tư Đằng). Chị Tây ngay từ đầu đã tìm tới Đông cưa rủ đi du ngoạn là bởi hai người cần phải hợp tác giải mật mã (truyện Tây xuất Ngọc Môn). Hàng Hàng có gì?
Có rất nhiều người lo lắng rằng Cu Sen Trắng sẽ không thể sống nổi trong thế giới này, đừng lo, không sống nổi thì chết thôi, thế giới rất thực tế, làm người ai mà chẳng chết một lần chứ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.